Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02 – 08/06/2016: Tự sắc bãi chức giám mục và bề trên dòng lơ là giải quyết các vụ lạm dụng

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02 – 08/06/2016: Tự sắc bãi chức giám mục và bề trên dòng lơ là giải quyết các vụ lạm dụng

1. Chương trình ngày Năm Thánh dành cho các linh mục tại Vatican

6 ngàn linh mục và chủng sinh đã về Roma dự Ngày Năm Thánh từ 1 đến 3-6.

– Trong ngày đầu tiên, thứ Tư 1 tháng 6, các tham dự viên đã tập họp từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều tại 3 thánh đường ở Roma, gần khu vực Vatican là San Salvatore in Lauro, Santa Maria in Vallicella, và San Giovanni dei Fiorentini. Tại đây các ngài lãnh nhận bí tích hòa giải, chầu Mình Thánh Chúa, và tiến qua Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô.

Phần thứ hai trong ngày đầu tiên này, có những bài huấn giáo về lòng thương xót do các giám mục trình bày, và sau đó là thánh lễ đồng tế tại một số thánh đường theo 7 ngôn ngữ khác nhau, đó là tiếng Pháp, Anh, Ý, Ba Lan, Bồ đào nha, Tây Ban Nha và Đức.

– Trong ngày 2-6, Đức Thánh Cha lần lượt trình bày 3 bài suy niệm tại 3 Vương cung thánh đường nơi các linh mục và chủng sinh tụ họp: lúc 10 giờ, rồi 12 giờ và sau cùng vào lúc 4 giờ chiều.

Ngày này sẽ kết thúc với thánh lễ đồng tế lúc 5 giờ rưỡi chiều, tùy theo các ngôn ngữ khác nhau.

– Sau cùng, thứ Sáu 3-6, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là Ngày Thánh Hóa các linh mục, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với các Giám Mục và linh mục tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9 giờ rưỡi sáng.

2. Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Như bản tin chúng tôi vừa loan, hôm 2 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày 3 bài suy niệm tĩnh tâm dành cho các linh mục quốc tế nhân Ngày Năm Thánh dành cho các linh mục và chủng sinh.

Trước tiên tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào lúc 10 giờ và bắt đầu với kinh giờ Ba. Sau phần dẫn nhập, Đức Thánh Cha nói về đề tài “Từ sự xa cách đến việc mừng lễ”. Trong số hàng ngàn tham dự viên cũng có một số Hồng Y và Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Bài thứ hai lúc 12 giờ trưa tại Đền Thờ Đức Bà Cả với chủ đề “Người đón nhận lòng thương xót”. Sau cùng vào lúc 4 giờ chiều ở Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, Đức Thánh Cha nói về đề tài: các hoạt động từ bi thương xót, về thể lý và tinh thần.

Cả ba bài suy niệm của Đức Thánh Cha xoay quanh các khía cạnh khác nhau của lòng thương xót, qua đó ngài dựa nhiều trên linh đạo của thánh Ignatio Loyola Thánh Tổ dòng Tên. Mỗi bài dài khoảng 45 phút.

Trong số các ý tưởng được Đức Thánh Cha trình bày, có lời ngài cảnh giác rằng: “Nếu các cơ cấu của chúng ta không được sống và được sử dụng để nhận lãnh nhiều hơn lòng thương xót của Thiên Chúa và trở nên từ bi hơn đối tha nhân, thì chúng có thể biến thành một cái gì rất khác biệt và đưa tới hậu quả ngược lại điều chúng ta mong muốn”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tấm gương của các thánh trong việc cảm thấy cần lòng thương xót của Chúa. Ngài cũng trưng dẫn Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, và nhắc lại rằng “Chính Đức Hồng Y Văn Thuận, đã nói rằng trong tù, Chúa đã dạy ngài biết phân biệt những “điều thuộc về Thiên Chúa”, mà Đức Hồng Y đã tận tụy thi hành trong cuộc đời khi còn là một linh mục và Giám Mục được tự do, khác với chính Thiên Chúa, mà Đức Hồng Y tận tụy phục vụ trong lúc bị tù” (Xc Cinque pani e due pesci [5 chiếc bánh và 2 con cá], San Paolo 1997).

Đức Thánh Cha trách cứ những cha giải tội thiếu kiên nhẫn và trách móc các hối nhân! “Anh em đừng làm như vậy!.. Trái lại điều làm tôi cảm động là sự xưng tội của các linh mục, họ xưng tội của mình và lắng nghe tội của những người xưng tội”.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các linh mục đừng bao giờ coi những người khác chỉ là “một vụ”, “một trường hợp”. “Đối với chúng ta họ luôn luôn là một người.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Hầu như tất cả các vị đại thánh đều là những người nhiều tội lỗi”. Như để chứng minh điều này, ngài nhắc lại trường hợp thánh Phêrô, đã từng chối Chúa ba lần, và đã từng bị thánh Phaolô sửa sai, nhưng người tội lỗi ấy đã được Chúa chọn làm giáo hoàng!” “Trong việc thực thi lòng thương xót chữa lành sự ác của người khác, không ai tốt lành hơn để chữa lành tha nhân cho bằng người luôn giữ nguyên kinh nghiệm về bản thân mình đã từng được Chúa xót thương. Chúng ta thấy rằng trong số những người làm việc để bài trừ sự nghiện ngập, những người đã cai nghiện được, thường là những người hiểu rõ hơn, cảm thông hơn và giúp đỡ, biết xin những người khác. Cũng vậy cha giải tội tốt nhất thường là người biết xưng tội đúng đắn nhất”.

Trong bài cuối cùng, Đức Thánh Cha trình bày những suy tư về những công việc từ bi thương xót về tinh thần cũng như về thể xác, trong đó ngài cũng nói đến tòa giải tội, và chiều kích xã hội của các công việc từ bi bác ái.

3. Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ ngày Năm Thánh cho linh mục

Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục hăng say đi tìm chiên lạc và tận tụy săn sóc đoàn chiên được giao phó cho mình, noi gương vị Mục Tử Nhân Lành.

Đó là nội dung bài giảng thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành lúc gần 9 giờ rưỡi sáng thứ Sáu 3-6-2016, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày Thánh Hóa các linh mục, tại Quảng trường thánh Phêrô, để kết thúc 3 ngày Năm Thánh dành cho các linh mục và chủng sinh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có hơn 20 Hồng Y, 50 Giám Mục và khoảng 5 ngàn linh mục đến từ các nơi, trước sự hiện diện của hơn 10 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nêu bật liên hệ giữa Trái Tim của Chúa Giêsu vị Mục Tử nhân lành với con tim của các linh mục. Ngài cũng đưa ra những lời nhắn nhủ thực hành: linh mục cần luôn luôn tìm kiếm Chúa, hăng say đi tìm các con chiên lạc để dẫn về đoàn chiên Chúa, và sau cùng là bí quyết niềm vui của linh mục.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi cử hành Ngày Năm Thánh của các linh mục trong lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chú tâm vào con tim, tức là nội tâm, những căn cội vững chắc nhất của đời sống, chú ý đến nòng cốt các tình cảm, nói tắt một lời là chú tâm đến trung tâm của con người. Và hôm nay, chúng ta hướng nhìn hai con tim: Trái Tim của Mục Tử nhân lành và trái tim của chúng ta như mục tử.

Trái Tim của vị Mục Tử Nhân Lành không phải chỉ là con tim có lòng thương xót chúng ta, nhưng là chính lòng thương xót. Tại đó, tình yêu của Chúa Cha chiếu tỏa rạng người; tại đó, với tất cả những giới hạn và tội lỗi của tôi, tôi nếm hưởng niềm chắc chắn mình được chọn và yêu thương. Khi nhìn Trái Tim ấy, tôi đổi mới tình đầu của tôi: nhớ lại khi Chúa đã đánh động tôi trong tâm hồn và gọi tôi theo Ngài, niềm vui được thả lưới cuộc đời theo Lời Chúa (Xc Lc 5,5).

Trái Tim vị Mục Tử nhân lành nói với chúng ta rằng tình yêu của Chúa không có giới hạn, không mệt mỏi và không bao giờ đầu hàng. Tại đó chúng ta thấy Chúa liên tục hiến mình, không giới hạn; tại đó chúng ta tìm được nguồn mạch tình yêu trung tín và dịu dàng, để cho chúng ta được tự do và làm cho chúng ta được tự do; tại đó chúng ta tái khám phá thấy Chúa Giêsu yêu thương chúng ta cho đến cùng” (Ga 13,1), nhưng không bao giờ áp đặt.

4. Quan ngại chung quanh mâu thuẫn giữa Tòa Thượng Phụ Antiôkia và Giêrusalem

Xung đột về thẩm quyền tài phán giữa hai Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Antiôkia và Giêrusalem đang đặt ra một mối đe dọa mới cho sự thành công của một hội đồng toàn thế giới các giám mục Chính Thống Giáo.

Tòa Thượng Phụ Chính thống Antiôkia đã ra một tuyên bố mạnh mẽ thể hiện “thất vọng và kinh ngạc” trước quyết định của Đức Thượng phụ Đại kết thành Constantinople trì hoãn đưa ra một quyết định về cuộc xung đột này cho đến sau Hội đồng Liên-Chính Thống. Theo dự trù Hội đồng Liên-Chính Thống sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Crete .

Tòa Thượng Phụ Antiôkia cho rằng hội đồng nên biểu hiện một sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Chính Thống Giáo trên thế giới. Sự hiệp nhất này, theo tuyên bố của Tòa Thượng Phụ Antiôkia, “được thể hiện tốt nhất trong Phụng Vụ Thánh vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, với sự đồng tế của tất cả các Giám Mục Chính Thống Giáo.”

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Antiôkia đã cắt đứt sự hiệp thông với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Giêrusalem. Do đó, tuyên bố mạnh mẽ này ngụ ý rằng đại diện của Tòa Thượng Phụ Chính thống Antiôkia sẽ không tham gia vào các cử hành phụng vụ tại Hội đồng Liên-Chính Thống.

Trong một lưu ý đáng ngại, tuyên bố nói rằng các giám mục của Tòa Thượng Phụ Chính thống Antiôkia “sẽ gặp nhau trong vài ngày tới để nghiên cứu những diễn tiến đặc biệt liên quan đến Hội đồng Liên-Chính Thống, và có những quyết định đúng đắn liên quan.”

Đầu tuần này, Giáo Hội Chính Thống Bulgari tuyên bố không có ý định tham gia vào trong Hội đồng Liên-Chính Thống.

Cuộc họp đã được dự trù để mang tất cả các Giám mục của tất cả các Giáo Hội Chính thống giáo trên thế giới lại với nhau lần đầu tiên kể từ khi cuộc Đại Ly Giáo vào năm 1054.

5. Quyết định tham dự lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành của Đức Thánh Cha gây xao xuyến cho nhiều người

Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo và Liên đoàn Thế giới Lutheran đã công bố chi tiết chuyến viếng thăm ngày 31 Tháng 10 sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Thụy Điển để tham gia vào một buổi lễ kỷ niệm năm thứ 500 cuộc Cải Cách Tin Lành.

Martin Luther đã công bố vào ngày 31 Tháng Mười, 1517 một luận văn gồm 95 điểm chống lại Giáo Hội Công Giáo và thành lập ra Tin Lành Cải Cách.

Lễ kỷ niệm thứ 500 cuộc Cải Cách Tin Lành được bắt đầu trước một năm ở Lund, thành phố nơi Liên đoàn Lutheran Thế giới được thành lập.

Thông cáo chung giữa Công Giáo và Tin Lành Lutheran cho biết:

“Lễ kỷ niệm chung Công Giáo và Tin Lành Lutheran 500 năm phong trào Cải cách được cấu trúc xung quanh những chủ đề tạ ơn, sám hối và cam kết đưa ra các chứng tá chung. Mục đích là để bày tỏ những ân sủng của cuộc cải cách và cầu xin sự tha thứ cho sự phân chia được duy trì bởi các Kitô hữu từ hai truyền thống.”

“Bằng cách tập trung lại với nhau vào trung tâm của những câu hỏi về Thiên Chúa và về một cách tiếp cận Kitô học, các tín hữu Tin Lành Lutheran và Công Giáo sẽ có khả năng kỷ niệm cách đại kết cuộc Cải cách, không chỉ một cách thực dụng, nhưng trong ý nghĩa sâu sắc của đức tin nơi cuộc khổ nạn và sự phục sinh Chúa Kitô,” Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch hội đồng giáo hoàng về Đại Kết Kitô Giáo nói.

Một lễ cầu nguyện sẽ diễn ra tại nhà thờ Lund. Nhà thờ này đã được thánh hiến như một nhà thờ Công Giáo vào năm 1145 nhưng bây giờ là một nhà thờ Tin Lành Lutheran.

Đức Giáo Hoàng sau đó sẽ đến Malmo, thành phố lớn thứ ba của Thụy Điển, nơi một sự kiện công cộng sẽ được tổ chức trong một đấu trường.

Tại Malmö, “điểm nổi bật của công việc chung giữa tổ chức World Service thuộc Tin Lành và Caritas Internationalis sẽ được trưng bày, bao gồm việc chăm sóc cho những người tị nạn, xây dựng hoà bình, và vận động cho công lý khí hậu”.

Những người chỉ trích việc Công Giáo tham gia vào những hoạt động mừng 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành nói rằng cuộc cải cách này là một cái gì đó để than khóc, chứ không phải là để tổ chức ăn mừng.

Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, là Đức Hồng Y Gerhard Müller, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 31 tháng Ba, 2016: “Người Công Giáo chúng ta không có lý do để ăn mừng ngày 31 tháng 10 năm 1517, ngày đó được coi là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.”

Thực vậy, cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu.

6. Ngày Năm Thánh các linh mục tại Anh

Nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu tại Anh đã khuyến khích các linh mục bắt chước sự can đảm của Thánh Thomas Beckett trong một bài giảng nhân ngày Năm Thánh các Linh Mục.

Đức Hồng Y Vincent Nichols nói rằng Thánh Thomas Beckett nổi bật lên như là một nguồn cảm hứng cho tất cả các linh mục vì sự sẵn sàng bảo vệ đức tin kể cả khi phải thách thức một vị vua đầy quyền uy. Đức Hồng Y nhận xét “Thánh Thomas biết rõ khi nào việc thỏa hiệp không còn là một con đường có thể chấp nhận được”.

“Đối với chúng ta những rủi ro ít kịch tính hơn. Chúng leo dần lên trên những thỏa hiệp và chúng ta dần dần mất đi bản sắc riêng của mình và cùng với bản sắc này một số những sức mạnh, và sự sâu sắc của những chứng tá mà chúng ta phải đưa ra.”

Đức Hồng Y Nichols nói rằng đó là một dấu hiệu nguy hiểm khi linh mục phàn nàn về việc quá bận rộn, hay cô đơn, hoặc không được đánh giá cao. “Có, có những khó khăn, nhưng một linh mục can đảm chấp nhận những khó khăn đó là ơn gọi mà ngài được mời gọi.”

7. Bãi chức giám mục và bề trên dòng lơ là xử lý các vụ lạm dụng

Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành qui luật bãi chức các Giám Mục và các Bề trên cấp cao các dòng tu lơ là, bỏ quên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ em hoặc những người lớn dễ bị tổn thương.

Qui luật trên đây được trình bày trong Tông Thư Tự Sắc “Như một người mẹ yêu thương” (Come una madre amorevole), công bố hôm 4-6 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-9-2016.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng giáo luật đã dự trù việc bãi chức vụ trong Giáo Hội các Giám Mục giáo phận và những người tương đương vì những lý do hệ trọng. Nay qua Tông thư này, ngài xác định rằng trong số các nguyên do hệ trọng ấy, có cả việc lơ là của các Giám Mục trong việc thi hành chức vụ, đặc biệt liên quan đến những vụ lạm dụng tính dục trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương, như đã dự trù trong các tự sắc “Bảo vệ sự thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum Sanctitatis Tutela) do Thánh Gioan Phaolô 2 ban hành và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tu chính.

Tông thư tự sắc của Đức Thánh Cha gồm 5 điều khoản, trong đó có qui định rằng:

– Giám Mục giáo phận hoặc tương đương chỉ có thể bị cách chức nếu thiếu sót một cách khách quan trầm trọng đối với nghĩa vụ phải cần mẫn mà chức vụ đòi hỏi (1,2). Trong trường hợp những vụ lạm dụng tính dục trẻ em hoặc người lớn dễ bị tổn thương, chỉ cần sự thiếu sót ấy có tính chất trầm trọng (1,3). Các Bề trên cấp cao của các dòng tu và tu đoàn tông đồ thuộc quyền tòa thánh, cũng được đồng hóa với Giám Mục giáo phận trong những trường hợp này (1,4).

Khi có những dấu hiệu nghiêm trọng về sự thiếu sót như vừa nói, thì bộ có thẩm quyền của Tòa Thánh sẽ khởi sự điều tra, báo cho đương sự và cho họ khả năng cung cấp các văn kiện và chứng từ (2,1). Giám Mục có thể được tự biện hộ theo các phương thế luật dự trù (2,2).

Nếu thấy nên cách chức Giám Mục, thì Bộ sẽ sớm công bố sắc lệnh cách chức (4,1), hoặc khuyên đương sự đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha trong thời hạn 15 ngày, nếu Giám Mục không trả lời trong thời hạn dự trù, thì Bộ công bố sắc lệnh cách chức (4,2).

Quyết định của Bộ phải được Đức Thánh Cha phê chuẩn một cách đặc biệt. Trước khi quyết định chung kết, Đức Thánh Cha sẽ được một ban luật gia trợ giúp.

8. Làn sóng mới chống Công Giáo ở Pháp và Bỉ

Trong những tuần lễ này, các tín hữu Công Giáo ở Bỉ và Pháp đã phải chịu đựng những bạo lực và tấn kích như đốt các nhà thờ, tấn công Linh mục, phạm thánh nhà Tạm, nơi đặt Thánh Thể, và hơn 100 trang mạng internet bị tấn công.

Trong tập san định kỳ “La Provence”, cha Benoît Delabre kể rằng cách đây 2 tuần, bàn thờ của nhà thờ thánh Madeleine-de-l’Île ở Martigue, khoảng 800 cây số về phía nam của Paris, bị đốt cháy. Cũng may là bàn thờ bằng đá cẩm thạch nên ngọn lửa không cháy lan và nhà thờ không bị thiêu hủy. Cha cũng cho biết hôm 15/5, một người lạ đã xúc phạm nhà Tạm trong nhà thờ ở Jonquières, cũng trong vùng Martigue. Còn hôm Chúa Nhật vừa qua, chính cha Delabre đã bị một người đàn ông tấn công khi cha bắt giữ ông ta ở cửa nhà thờ vì ông ta dường như đang cố lấy trộm đồ vật.

Gaby Charroux, thị trưởng của Martigues nói là trộm cắp tại các nhà thờ ở Pháp rất thường xuyên và hứa là cảnh sát sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công.

Báo La Croix thuật lại là trong tháng 4, hơn 100 trang mạng internet của các nhà thờ và nhà dòng bị tấn công bởi các tin tặc chiến binh thánh chiến người Tunisi; họ tự gọi mình là nhóm Fallaga.

Ở Bỉ, chiều ngày 24/5, 2 vụ hỏa hoạn làm thiệt hại đáng kể nhà thờ có từ thế kỷ 16 ở Mont-Sainte-Geneviève. Vụ đầu tiên bắt đầu từ phòng thánh trong khi vụ thứ 2 bắt đầu từ mái nhà thờ. Các cảnh sát ở Hainut, 37 dặm về phía đông nam thủ đô Brussel đang truy tìm thủ phạm.

9. Giáo Hội Mông cổ sẽ có vị Linh mục bản xứ đầu tiên vào tháng 8 tới đây

Cha Prosper Mbumba, thuộc dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria, thừa sai người Công gô tại Mông cổ nói với hãng tin Fides: “chúng tôi sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên, đó là Joseph Enkh, sẽ được Đức Cha Wenceslao Padilla, Phủ doãn Tông tòa của Ulan Bato truyền chức vào ngày 28/8/2016. Sự kiện này có một tầm quan trọng đặc biệt cho Giáo Hội non trẻ được tái lập vào năm 1992 và hiện nay chỉ có hơn 1000 người được rửa tội. Việc phong chức Linh mục cho một người bản xứ sẽ khơi dậy nơi người dân Mông cổ lòng nhiệt thành và ý nghĩa thuộc về một Giáo Hội vốn từ lâu bị xem như là ngoại bang.”

Thầy Joseph Enkh được nhận chức phó tế vào ngày 11/12/2014 ở Nam Hàn nơi thầy được đào tạo và trở về Mông cổ tháng Giêng vừa qua. Từ đó đến nay thầy tiếp tục phát triển kinh nghiệm mục vụ qua việc phục vụ trong các giáo xứ khác nhau của Mông cổ, nơi hiện tại có khoảng 20 nhà truyền giáo và 50 nữ tu của 12 Hội dòng hoạt động trong 6 giáo xứ.

Cha Prosper cũng cho Fides biết là việc chuẩn bị cho lễ phong chức đang được chuẩn bị về mọi mặt. Các Ki-tô hữu cầu nguyện rất nhiều cho vị Linh mục tương lai của họ và các giáo xứ đang phát động các buổi học hỏi gíao lý để giúp cho dân chúng hiểu hơn về sứ vụ Linh mục. Trong mọi nhà thờ của Mông cổ đều có làm tuần 9 ngày cầu nguyện cho lễ phong chức. Nhiều tín hữu viết thư bày tỏ các suy nghĩ và chờ đợi của họ về vị Linh mục tương lai. Họ cho cha biết họ hãnh diện về ơn gọi của cha và họ tin tưởng về sự hiện diện của cha và công việc của cha. Cha Prosper kết luận: “Chúng tôi cám ơn Chúa về hồng ân này và về sự nhiệt thành này. Chúng tôi cầu nguyện để có một sự tuôn tràn mới của Thần Khí trên đất nước này”.

10. Ðối thoại liên tôn giữa Kỳ na giáo và Công Giáo.

Tôn trọng Trái Ðất là trọng tâm của cuộc hội thảo giữa Hội đồng Toà Thánh Ðối thoại Liên tôn (PCID) và một phái đoàn của Kỳ na giáo (Jainisme/Jainism) quốc tế, vừa diễn ra tại trụ sở của Hội đồng vào ngày thứ Ba, 31 tháng Năm năm 2016.

Ðây là cuộc gặp gỡ lần thứ ba giữa hai bên. Phía Toà Thánh do Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch PCID; và phía Kỳ na giáo do ông Chandaria Nemu, Chủ tịch Viện Kỳ na học tại London, làm trưởng đoàn.

Chủ đề “Chăm sóc Trái đất, ngôi nhà của gia đình nhân loại” được hai bên trao đổi “trong bầu khí tôn trọng và thân hữu”.

Các tham dự viên đã nói về “nhu cầu cộng tác” giữa tín đồ Kỳ na giáo và các Kitô hữu để “làm cho trái đất trở nên một nơi có thể sống được và an bình cho mọi người”.

Họ cũng nhìn nhận rằng “các yếu tố chung” giữa hai truyền thống tôn giáo đều kêu gọi các tín đồ phải “quản lý thế giới tự nhiên một cách có trách nhiệm”, “tôn trọng môi trường”, “không khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên” và “chăm sóc mọi hình thái của sự sống” vì thiện ích của con người ngày nay và vì các thế hệ tương lai.

Các thành viên của cả hai bên cũng suy tư về nguyên tắc “bất bạo động” (Ahimsa) của Kỳ na giáo đối với mọi hình thái của sự sống và về những nguyên tắc “thương xót” và “công lý” của Kitô giáo đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Mong muốn “tăng cường hợp tác tại địa phương”

Các tham dự viên đã đặc biệt nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc giáo dục các thế hệ trẻ để họ ý thức được truyền thống riêng của mình và học biết nhìn nhận cùng tôn trọng truyền thống của những người khác”.

Hai cuộc họp gần đây nhất giữa PCID và phái đoàn Kỳ na giáo đã diễn ra vào năm 1995 và 2011. Ngoài ra, từ năm 1986 cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa cộng đồng Kỳ na giáo và PCID.

PCID còn phối hợp với các Giáo Hội địa phương và các tổ chức Kỳ na giáo ở Ấn Ðộ, Anh Quốc và Hoa Kỳ để mở các cuộc đối thoại Kỳ na giáo – Công Giáo vào các năm 2011, 2013 và 2015.

Kỳ na giáo là một tôn giáo có lẽ đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ X hay IX trước Công nguyên. Hiện nay có gần mười triệu tín đồ trên khắp thế giới, chủ yếu ở Ấn Ðộ (30,000 ở châu Âu và 100,000 tại Hoa Kỳ).

Mục tiêu của tín đồ Kỳ na giáo là được giác ngộ (vào Niết bàn) dựa trên việc hành thiền, chay tịnh, và tôn trọng nguyên tắc bất bạo động.

11. Thành lập bộ giáo dân, gia đình và sự sống

Hôm 4 tháng 6, Đức Thánh Cha đã cho công bố việc thành lập và qui chế thử nghiệm của Bộ (dicastero) giáo dân, gia đình và sự sống, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9 tới đây.

Việc thành lập này do Hội đồng các Hồng Y cố vấn đề nghị, theo đó từ ngày 1-9 năm nay, Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và gia đình sẽ được gộp vào trong Bộ mới, và hai hội đồng này bị bãi bỏ. Các điều khoản về hai Hội đồng (131-134, 139-141) trong Tông hiến Mục Tử Nhân Lành (Pastor Bonus, 28-6-1988) liên quan tới hai cơ quan này cũng bị bãi bỏ).

Qui chế của Bộ mới gồm 13 điều khoản, theo đó Bộ này có thẩm quyền trong những vấn đề thuộc quyền Tòa Thánh trong việc thăng tiến sự sống và tông đò giáo dân, chăm sóc mục vụ gia đình và sứ mạng của gia đình, theo ý định của Thiên Chúa, và bảo vệ, hỗ trợ sự sống con người (Đ.1)

Bộ giáo dân, gia đình và sự sống do một vị Bộ trưởng điều khiển với sự trợ giúp của một Tổng thư ký, có thể là giáo dân, và có 3 Phó tổng thư ký giáo dân, với một số viên chức thích hợp, giáo sĩ và giáo dân, được chọn bao nhiêu có thể từ những vùng khác nhau trên thế giới, theo qui luật hiện hành của các cơ quan trung ương Tòa Thánh (Đ.2, 1). Bộ được chi làm 3 phân bộ: giáo dân, gia đình và sự sống, mỗi phân bộ do một phó Tổng thư ký đứng đầu.

Bộ có các thành viên, trong đó có giáo dân nam nữ, độc thân hoặc có gia đình, dấn thân trong các lãnh vực hoạt động khác nhau, và đến từ các miề khác nhau trên thế giới, phản ánh đặc tính hoàn vũ của XX (Đ.3,1). Bộ các cố vấn (3,1) và theo tất cả các qui luật được thiết định cho các cơ quan trung ương Tòa Thánh (3,3).

Bộ cổ võ và tổ chức các hội nghị quốc tế và các sáng kiến khác thuộc về tông đồ giáo dân, hôn nhân và thực tại gia đình và sự sống trong lãnh vực Giáo Hội, cũng như có liên quan đến thân phận con người và xã hội của hàng giáo dân, gia đình và sự sống con người trong lãnh vực xã hội.

Các điều khoản khoản kế tiếp tục Qui chế lần lượt nói về các nhiệm vụ riêng của mỗi phân bộ: giáo dân, gia đình và sự sống.

Điều thứ 13 khẳng định rằng Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống được gắn liền với Bộ này.. Bộ sử dụng thẩm quyền của Hàn lâm viện trong những vấn đề và các đề tài như việc sinh sản trách nhiệm, bảo vệ sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết, tự nhiên; các hiệp hội và tổ chức giúp phụ nữ và gia đình đón nhận và bảo vệ hồng ân sự sống, đặc biệt trong những trường hợp mang thai khó khăn, và phòng ngừa biện pháp phá thai..

12. Ki-tô hữu Ấn độ đòi công lý cho một nữ tu lớn tuổi bị hãm hiếp

Hơn một năm sau ngày một nữ tu 71 tuổi người Ấn độ bị bọn cướp cưỡng hiếp, một phiên toà ở thành phố Kolkata, miền đông Ấn độ đã bắt đầu xét xử vụ án mà cảnh sát tiểu bang khắng định là không có dấu hiệu của bạo lực chống Ki-tô giáo.

Ngày 14/3/2015, một băng nhóm ít nhất 5 tên cướp đã xông vào tu viện và trường học do các nữ tu phụ trách ở Ranaghat, khoảng 80 cây số về hướng đông bắc của thành phố Kolkata. Cảnh sát cho biết bọn cướp đã lấy đi tiền mặt và một số đồ vật có giá trị từ trường học, và lục soát cướp bóc nhà nguyện và hãm hiếp một nữ tu 71 tuổi, lúc đó là nữ tu phụ trách tu viện.

Việc tấn công tình dục nữ tu đã bị kết án khắp Ấn độ và xảy ra trong thời gian khi các Ki-tô hữu báo cáo những vụ tấn công nhắm vào họ của các tín hữu Ấn giáo cực đoan.

Nữ tu Vincent Thomas, hiện tại phụ trách tu viện, xin mọi người cầu nguyện cho các nữ tu. Chị nói thêm: “Việc tấn công nữ tu phụ trách của chúng tôi theo cách đó làm cho tất cả chúng tôi bị tổn thương. Chúng tôi đang háo hức chờ đợi phán quyết trong vụ án và chúng tôi hy vọng nó sẽ thông qua sớm”.

Trong khi cảnh sát khẳng định vụ tấn công là một phần của vụ cướp, vì băng nhóm này nghĩ là có một số tiền lớn đang được giữ ở trường học, thì các lãnh đạo Ki-tô giáo ở Tây Bengal nghi ngờ nhóm Ấn giáo cánh hữu đã sắp xếp vụ tấn công. Herod Mullick, chủ tịch của Bangiya Christiya Pariseba, một tổ chức Ki-tô giáo có trụ sở ở Kolkata nói là việc hãm hiếp và xúc phạm đến nhà nguyện không giống hoạt động của một vụ cướp bình thường. Ông nói thêm: “Nó cũng là một điều khó hiểu tại sao một tên trong bọn chúng đã tấn công một nữ tu đã 71 tuổi”.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …