Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 01-07/08/2014

1. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích kêu gọi tránh những biểu hiện thái quá khi chúc bình an Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã yêu cầu các giám mục trên thế giới kêu gọi người Công Giáo tránh những biểu hiện “thái quá” trong khi trao đổi bình an trong Thánh Lễ. Tòa Thánh đã lưu ý về một số thực hành có xu hướng lan rộng, chẳng hạn như những gián đoạn kéo dài vì các linh mục rời khỏi bàn thờ, các tín hữu rời bỏ hàng ghế của họ để đi chúc bình an; sự ra đời của những “bài hát hòa bình”, và cả việc công bố những lời chúc mừng hay những lời chia buồn vào những dịp đặc biệt. Những thực hành này là không phù hợp trong phụng vụ Thánh Thể. Những thực hành như thế, theo Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, “tạo ra những ngộ nhận trong cộng đoàn phụng vụ ngay trước khi rước lễ.” Chỉ thị của Bộ đã được đưa ra trong một bức thư gửi cho các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, ký ngày 08 Tháng 6 bởi Đức Hồng Y Antonio Cañizares Llovera, tổng trưởng của Thánh Bộ và Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, tổng thư ký. Nội dung của bức thư được công khai vào ngày 31 tháng 7 vừa qua. Chỉ thị của Bộ nói rằng sau một số thảo luận, bắt đầu từ Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể vào năm 2005, việc trao bình an đã được giữ ở vị trí hiện nay trong Thánh Lễ cùng với lời kêu gọi các Giám Mục hướng dẫn các tín hữu hiểu biết đúng đắn về nghi thức này. Nếu các tín hữu không hiểu và không biểu lộ trong nghi thức này ý nghĩa thực sự của việc trao ban bình an, quan niệm Kitô giáo về hòa bình của họ bị suy yếu đi, và ảnh hưởng xấu đến sự tham gia hiệu quả của họ vào bí tích Thánh Thể. Sau cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về bí tích Thánh Thể năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã viết trong Tông huấn Sacramentum Caritatis của ngài rằng các Giám Mục đã thảo luận về Cử Chỉ Trao Bình An, và “sự thích đáng của việc phải có sự kiềm chế hơn trong cử chỉ này, tránh sự phóng đại và gây mất tập trung nhất định trong cộng đoàn trước khi rước lễ.” Những lưu ý mới từ Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích là để tiếp nối cuộc thảo luận đó. Thánh Bộ nhắc nhở các Đức Giám Mục rằng việc trao đổi bình an không phải là một nghi thức bắt buộc và đôi khi có thể không phù hợp; cử chỉ này không nên được thực hiện “một cách máy móc” Tài liệu này đề nghị Hội Đồng Giám Mục các nước ‘xem xét những cách khác nhau trong cử chỉ trao bình an để tránh “những cử chỉ chào hỏi nhàm chán hay nặng tính thế tục” 2. Đức Thánh Cha Phanxicô thăm trụ sở Dòng Tên dịp lễ thánh Inhaxiô Dịp Lễ thánh Inhaxiô 31.07 vừa qua, cha Bề trên Tổng quản Dòng Tên cùng quý cha, quý thầy Dòng Tên tại Rôma đã nhận được “một món quà vô cùng bất ngờ”, đó chính là cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến trụ sở Dòng Tên để mừng lễ thánh Inhaxiô, đấng sáng lập Dòng Tên. Đức Giáo Hoàng muốn chuyến thăm của ngài diễn ra âm thầm và trong tinh thần anh em cùng một đại gia đình Dòng nên không ai được biết về chuyến thăm của vị khách đặc biệt này cho đến phút cuối cùng. Đức Giáo Hoàng bước ra khỏi chiếc ô tô “bình dân” quen thuộc và được cha Adolfo Nicolás, Bề Trên Tổng quyền Dòng Tên, quý cha, quý thầy và nhiều tín hữu nồng nhiệt chào đón. Ngài tươi cười và vui vẻ bắt tay chào thăm mọi người trước khi vào dùng bữa với cộng đoàn Dòng Tên. Phòng ăn của cộng đoàn trung ương (Curia) hôm đó đông hơn thường lệ vì có sự hiện diện của gia đình một tu sĩ trong Dòng, một số học viên Dòng Tên đến từ Âu Châu đang dự khóa hội thảo kéo dài một tuần. Mọi người vỡ òa vui sướng khi thấy Đức Giáo Hoàng xuất hiện và cùng ăn trưa với mình. Sau khi dùng bữa trưa, Đức Giáo Hoàng vui vẻ chụp hình kỷ niệm với nhóm đầu bếp và một số vị khách của cộng đoàn Curia. Sau đó, ngài được cha Bề trên Tổng quản và quý cha hướng dẫn đi viếng nhà nguyện của cộng đoàn. Đức Giáo Hoàng chăm chú lắng nghe một cha giới thiệu về những bức tranh ghép đá và kính màu trong nhà nguyện. Trước khi trở về Vatican, Đức Thánh Cha đã nán lại thăm hỏi, trò chuyện và chụp hình kỷ niệm với các anh em cùng Dòng. Dịp Lễ thánh Inhaxiô năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị Giáo Hoàng Dòng Tên đầu tiên đã đến thăm các cha các thầy Dòng Tên và dâng Thánh Lễ kính thánh Inhaxiô Lôyôla, đấng sáng lập Dòng Tên tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu của Dòng Tên ở Rôma cùng với cha Adolfo Nicolás, SJ, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, Đức Tổng Giám mục Luis Ladaria Ferrer, SJ, Thứ kí Bộ Giáo Lý Đức Tin, khoảng 270 anh em Dòng Tên của ngài, quý thân hữu và các cộng tác viên của Dòng. 3. Buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 3 tháng 8 Cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý của lòng cảm thương, chia sẻ cho người nghèo đói và cho đi chính mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3 tháng 8. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật thường niên thứ 18 năm A, kể lại biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Chúa Giêsu làm phép lạ đó gần bờ hồ Galilea, ở một chốn hoang vu vắng vẻ, nơi ngài đã cùng các môn đệ rút lui vào đó sau khi nghe tin ông Gioan Tẩy Giả chết. Nhưng có biết bao người đã đi theo và tới với các ngài. Và khi trông thấy họ, Chúa Giêsu cảm thương và chữa lành những người bệnh cho tới chiều. Khi đó, các môn đệ lo lắng vì trời đã sập tối, các ông gợi ý xin Chúa giải tán đám đông để họ có thể vào các làng mạc mua thức ăn. Nhưng Chúa Giêsu bình tĩnh trả lời: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Mt 14,16). Rồi sau khi 5 chiếc bánh và hai con cá được đem tới, Người chúc lành, bắt đầu bẻ ra, trao cho các môn đệ, và các ông phân phát cho dân chúng. Mọi người ăn no nê mà vẫn còn dư.  Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Chúa Giêsu dậy chúng ta đặt các nhu cầu của người nghèo trước các nhu cầu của chúng ta. Các nhu cầu của chúng ta, cho dù hợp pháp, cũng sẽ không bao giờ cấp thiết như các nhu cầu của người nghèo, là những người không có cái tối thiểu để mà sống. Chúng ta thường nói về người nghèo, nhưng khi nói về người nghèo, chúng ta có cảm thấy rằng người đàn ông này, người đàn bà nọ, các trẻ em ấy không có những điều cần thiết để sống không? Rằng họ không có ăn, không có mặc, không thể có thuốc men. Cả các trẻ em nữa không thể đến trường… Và vì thế các nhu cầu của chúng ta, dù hợp pháp, sẽ không bao giờ cấp thiết bằng các nhu cầu của người nghèo không có cả những điều tối thiểu để sống. 4. Đức Thánh Cha gặp gỡ 50,000 em giúp lễ tại quảng trường Thánh Phêrô Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ hơn 50.000 em giúp lễ người Đức tại Quảng trường Thánh Phêrô vào buổi tối thứ Ba 5 tháng 8. Các em đang trong cuộc hành hương với chủ đề là “tự do – nghĩa là thật hợp luật để làm điều thiện”.  Đức Thánh Cha đã nghe phát biểu của Giám mục Karl-Heinz Wiesemann của Speyer, sau đó ngài chủ sự buổi kinh chiều tạ ơn, và nói chuyện với các em giúp lễ.  Trong bài giảng bằng tiếng Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thông qua việc nhập thể của Con Ngài, “Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng Ngài là người Cha nhân hậu.” Để thực hiện việc nhập thể, “Thiên Chúa cần một người phụ nữ, một người mẹ” và “đây là Đức Trinh Nữ Maria … Mẹ hoàn toàn được tự do và trong sự tự do của mình, Mẹ đã nói tiếng xin vâng.”  Trong bài phát biểu sau đó, dài hơn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẽ giữ trong tâm trí những câu hỏi được đưa ra bởi bốn em.  Một em hỏi làm thế nào các em giúp lễ có thể trở nên các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng nói thế giới có nhu cầu rất lớn của những người làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và phục vụ lợi ích chung. “Các con được mời gọi để nói về Chúa Giêsu cho những người đương thời với các con, không chỉ những người trong giáo xứ hoặc các hiệp hội của các con, nhưng đặc biệt là với những người chưa biết Chúa,”.  “Tuy nhiên, để nói chuyện với những người khác về Chúa Giêsu, chúng ta phải biết và yêu mến Ngài”. Đức Thánh Cha khuyên các em chuyên tâm cầu nguyện trong im lặng về các bài đọc, và bài Tin Mừng trong các Thánh Lễ, lắng nghe và áp dụng chúng vào cuộc sống của mình.  Trả lời một câu hỏi về những khó khăn của việc dành thời gian cho việc phục vụ bàn thờ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “có lẽ nhiều người trẻ mất quá nhiều thời gian vào những thứ vô ích: chat trên Internet hoặc điện thoại di động,” Ngài khuyên các em hãy dành ưu tiên mỗi ngày để “nhớ Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Người đã cho chúng ta được sống, Người đã yêu thương chúng ta, Người đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế.”  Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng nếu tự do không được sử dụng tốt, như trong trường hợp của Adam và Eva, nó có thể dẫn đưa chúng ta xa dần Thiên Chúa. Những quy tắc là cần thiết, “trong xã hội và trong Giáo Hội, để giúp chúng ta làm theo ý muốn của Thiên Chúa … Không sử dụng tự do của các on cho những điều xấu! Không vứt bỏ phẩm giá tuyệt vời được làm con cái của Thiên Chúa! Nếu các con làm theo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, tự do của các con sẽ nở hoa. “ 5. Từ vô thần sang Công Giáo: Một câu chuyện của nghi ngờ, hiếu kỳ và cuối cùng là niềm vui  Người ta ước tính rằng khoảng 2 phần trăm của dân số thế giới là người vô thần. Trong nhiều năm, Jennifer Fulwiler, là một người trong số đó. Cô lớn lên trong một gia đình hạnh phúc nhưng vô tín ngưỡng. Thậm chí, cô tin rằng tôn giáo được dựa trên một câu chuyện cổ tích và Kitô giáo là một tôn giáo nguy hiểm.  Jennifer Fulwiler, tác giả cuốn “Something Other Than God”, nghĩa là “Còn gì khác ngoài Thiên Chúa”, nói: “Vâng, tôi đã từng xem Kitô giáo như một cái gì đó nguy hiểm và tôi thực sự muốn khuyến khích mọi người quên đi hệ thống niềm tin nguy hiểm này.”  Trong cuốn sách của mình, ” Còn gì khác ngoài Thiên Chúa “, cô chia sẻ hành trình của mình. Tất cả mọi thứ từ sự thờ ơ, tới sự hiếu kỳ và cuối cùng là niềm vui. Cô nói rằng tất cả mọi thứ đã thay đổi khi cô và chồng có đứa con đầu tiên. Cô bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn, mà chủ nghĩa vô thần không có thể trả lời.  Jennifer giải thích: “Chủ nghĩa vô thần nói rằng cuộc sống của con người chẳng qua chỉ là tình cờ ngẫu nhiên của một chuỗi những phản ứng hóa học và điều đó thực sự trái ngược với kinh nghiệm của tôi về cuộc sống và sự gặp gỡ với những người khác.”  Sau khi đọc tất cả các loại sách tôn giáo, với nhiều bất ngờ, cô tìm thấy sự thật trong Kitô Giáo. Cuối cùng cô và chồng cô đã trở thành người Công Giáo. Nhìn lại, cô cho biết cuộc sống của cô bây giờ là hoàn toàn khác trước đây.  Jennifer nói thêm: “Khi tôi còn là một người vô thần, tôi nghĩ rằng ý nghĩa của cuộc sống là phải có càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng tôi nhận thấy không bao giờ là đủ. Ao ước được thăng chức nhưng khi được rồi, tôi lại muốn trèo lên cao hơn nữa. Có xe đẹp, tôi lại muốn có xe đẹp hơn. Tôi đã luôn luôn tìm kiếm một điều khác nữa.” Kể từ đó, đức tin của tôi đã phát triển và cả gia đình cô cũng đón nhận đức tin. Cô vẫn giữ liên lạc với một số bạn bè vô thần. Họ có thể không đồng ý về những gì là chân lý, nhưng họ nhìn nhận một sự thật rằng cô đã tìm thấy niềm tin thông qua lý trí.  Jennifer nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng người Công Giáo đôi khi có chút do dự trước các cuộc đối thoại thân thiện với những vô thần, bởi vì họ có thể nghĩ rằng ‘Tôi không muốn nhìn vào những lập luận vô thần quá nhiều vì nó có thể làm lung lay đức tin của tôi và tôi có thể không thích những gì tôi tìm thấy. Tôi luôn luôn khuyến khích mọi người theo lời khuyên của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị: đừng sợ. Trước những thách đố của người vô thần, hãy khám phá mọi khả năng và bạn sẽ tự tin hơn nơi đức tin Công Giáo của mình. “ 6. Kitô hữu bỏ chạy khỏi Al-Hasakah Trước sự thờ ơ của thế giới, quân khủng bố Hồi Giáo ISIS tiếp tục thắng lớn tại Syria. Hôm 31 tháng 7, các tín hữu Kitô đã phải bỏ chạy khỏi Al-Hasakah, một thành phố trước chiến tranh đã có tới 190,000 dân.  Bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS có cả trực thăng và chiến xa tịch thu được của quân đội Iraq đã tràn vào thành phố miền Đông Bắc này hôm thứ Năm 31 tháng 7. Nhà nước Hồi giáo do ISIS dựng lên đã kiểm soát khoảng 30% lãnh thổ của Syria và 40% lãnh thổ Iraq. Chúng ra lệnh cho các Kitô hữu tại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, chuyển sang đạo Hồi, hay đóng thuế tôn giáo hoặc là chết dưới những lưỡi gươm Hồi Giáo. 7. 6 tháng 8: Ngày Thế Giới cầu nguyện cho các tín hữu Kitô Iraq Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã đưa ra lời mọi các tín hữu Kitô trên toàn thế giới hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho hòa bình tại Iraq vào ngày 06 tháng 8, lễ Chúa Biến Hình.  Từ Baghdad, Đức Hồng Y Louis Sako Rafael, Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê đã lên tiếng ca ngợi sáng kiến này và kêu gọi cả những người thiện chí trên thế giới xin hiệp cùng mọi Kitô hữu trong ngày được dành riêng đặc biệt để cầu nguyện cho các Kitô hữu ở Mosul và khu vực xung quanh, giờ đây đang dưới sự kiểm soát hà khắc của những bọn khủng bố Hồi giáo ISIS.  Đức Thượng Phụ đã đưa ra lời cầu nguyện cho các tín hữu Iraq trong dịp này như sau:  Lạy Chúa, hoàn cảnh của đất nước chúng con đang chao đảo và sự đau khổ của các Kitô hữu là nghiêm trọng và đáng sợ. Vì vậy, chúng con khẩn xin Chúa cứu lấy mạng sống của chúng con, và ban cho chúng con sự kiên nhẫn và can đảm để tiếp tục đưa ra những chứng tá cho những giá trị Kitô giáo với lòng tin tưởng và hy vọng. Lạy Chúa, hòa bình là nền tảng của cuộc sống; Xin ban cho chúng con hòa bình và ổn định để chúng con có thể sống với nhau mà không sợ hãi và lo lắng, trong niềm tôn trọng và hân hoan. 8. Chứng tá liên đới của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục thành Lyon với các tín hữu Kitô Iraq Trong tuần qua, Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, và hai giám mục khác của Pháp, đã thực hiện một chuyến đi bốn ngày tới Iraq để gặp gỡ các tín hữu Kitô nước này. Trong chuyến đi, các vị đã dừng chân tại Karakosh, Alqosh, Kirkuk và Erbil để gặp gỡ các anh chị em tín hữu đã phải bỏ nhà cửa chạy trốn bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS.  Đức Hồng Y Philippe nói với anh chị em: “Tôi sẽ đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Aramaic– ngôn ngữ của Chúa Giêsu, ngôn ngữ của người Kitô hữu Syriô – mỗi ngày cho đến khi anh chị em có thể quay trở lại Mosul.”  Từ Baghdad, Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê cho biết: “Các hiền huynh không thể tưởng tượng tầm quan trọng của chuyến thăm lần này. Chư huynh đã mang lại can đảm cho họ. Họ có thể thấy tỏ tường bằng tai mắt mình rằng có những người đang nghĩ đến họ.” Hôm Chúa Nhật 27 tháng 7, khoảng 5 ngàn người đã tụ tập biểu tình trước tiền đình nhà thờ Đức Bà tại thủ đô Paris và 5 ngàn người khác biểu tình tại Lyon để ủng hộ các tín hữu Kitô Iraq và cáo buộc chính quyền Pháp tỉnh bơ trước hoàn cảnh bị bách hại của họ. 9. Đức Hồng Y Edward Clancy nguyên Tổng Giám Mục Sydney đã qua đời Đức Hồng Y Edward Clancy, người từng là Tổng Giám Mục Sydney từ năm 1983 đến năm 2001, đã qua đời tại một nhà dưỡng lão vào ngày 03 tháng 8.  Dòng Tiểu Muội của người nghèo tại Randwick đã chăm sóc cho ngài trong tám năm cuối cùng của cuộc đời mình.  Sinh năm 1923, ngài đã được thụ phong linh mục tại Tổng Giáo Phận Sydney vào năm 1949 và được bổ nhiệm giám mục phụ tá Sydney vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Canberra từ năm 1978 đến năm 1983, trước khi về lại giáo phận quê hương.  Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tấn phong Hồng Y cho ngài trong công nghị Hồng Y năm 1988. Ngài về hưu năm 2001 và được thay thế bởi Đức Hồng Y George Pell. Với cái chết của Đức Hồng Y Clancy, hiện nay có 211 Hồng Y, trong đó 118 vị còn trong độ tuổi bầu giáo hoàng. 10. Tòa Thánh công bố lịch trình Đức Giáo Hoàng tông du Albania  Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Albania vào Chúa Nhật 21 tháng Chín. Tòa Thánh đã công bố lịch trình của ngài trong đó dầy đặc các sự kiện.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ thăm đất nước này trong vòng 14 giờ. Ngài sẽ rời Rôma lúc 7:30 sáng. Sau khi tới thủ đô Tirana, ngài sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc gia tại Phủ Tổng Thống.  Lúc 11:00h, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ và buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Mẹ Têrêsa.  Sau Thánh lễ, ngài sẽ dùng bữa trưa với các giám mục Albania, và cũng sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô khác. Vào buổi chiều, Đức Giáo Hoàng, lúc 5:00, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi kinh chiều tại Nhà thờ Thánh Phaolô tại Tirana. Sau đó, vào lúc 6:30 chiều, ngài sẽ gặp gỡ các trẻ em tại Trung Tâm Bethany, nơi chăm sóc trẻ mồ côi và những em trong hoàn cảnh gia đình khó khăn.  Lúc 8:00 tối, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ trở lại Rome, và dự kiến sẽ đáp xuống phi trường Ciampino lúc 09:30 tối. 11. Ngưng bắn không giải quyết được gì, nều các điều kiện sống tại Gaza không thay đổi “Ngưng bắn không giải quyết được gì, nếu Gaza vẫn là một nhà tù của tuyệt vọng, bị phong tỏa, nơi sự sợ hãi ngày càng lớn lên cùng với lòng nuôi dưỡng thù hận khiến cho người trẻ tuyệt vọng và dễ dàng trở thành các kẻ cuồng tín sẵn sàng làm mọi sự.” Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal đã nói như trên với hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo ngày mùng 1 tháng 8. Theo Đức Thượng Phụ cần phải lấy đi các điều kiện nuôi dưỡng hận thù, bắt đầu bằng cách hủy bỏ lệnh cấm vận, rộng mở các con đường cho phép dân chúng và hàng hóa di chuyển, cho phép đánh cá ngoài khơi dải Gaza, thì tất cả sẽ di chuyển trên đất liền và sẽ không có ai nghĩ tới việc đào hầm để di chuyển dưới lòng đất. Ý chí tàn ác và mù quáng tiêu diệt kẻ thù đang biến thường dân tại Gaza thành nạn nhân bị sát tế. Chỉ cần nhìn danh sách các nạn nhân thì biết: 70% là phụ nữ và trẻ em. Trong số biết bao nhiêu đường hầm mà lực lượng Hamas xây dưới lòng đất cũng có các hầm là nơi trú ẩn cho dân chúng. Liên quan tới tình liên đới quốc tế với các tín hữu kitô và dân chúng tại Thánh Địa và vùng Trung Đông, Đức Thượng Phụ Twal cho biết đã nhận được rất nhiều điện thư của các tổ chức và bạn bè từ nhiều đại lục. Đức Thượng Phụ cám ơn tình liên đới của mọi người, nhưng ngài cũng xin gửi các trợ giúp cụ thể cho dân chúng. Đức Thượng Phụ cho biết ngài đã đến thăm các người bị thương trong nhà thương Pháp. Gia đình họ cũng cần được giúp đỡ. Tòa Thượng Phụ Giêrusalem đã cùng Caritas làm những gì có thể, nhưng có ít trợ giúp cụ thể hữu hiệu đến từ nước ngoài. Theo Đức Thượng Phụ chỉ gửi điện thư khẳng định “chúng tôi liên đới với anh chị em” thì không đủ. 12. Đức Giáo Hoàng tiễn đưa Đức Hồng Y Francesco Marchisano trong Thánh Lễ an táng  Đông đảo các Hồng Y, Giám Mục, linh mục và những người biết Đức Hồng Y Francesco Marchisano đã tham dự đám tang của ngài hôm thứ Tư tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.  Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã chủ sự buổi lễ. Trong Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự các nghi thức an táng và từ biệt.  Đức Hồng Y Marchisano qua đời vào ngày 27 tháng 7, tại Rôma. Ngài làm việc tại Giáo Triều Rôma từ năm 1956, chủ yếu là ở các khu vực liên hệ đến các di sản văn hóa và nghệ thuật của Giáo Hội.  Đức Thánh Cha nhấn mạnh đóng góp của ngài cho lĩnh vực này trong một bức điện chia buồn.  Đức Hồng Y Marchisano đã qua đời ở tuổi 85. Năm ngoái, do quá tuổi quy định, ngài đã không tham gia vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Với cái chết của ngài, Hồng Y đoàn đã giảm xuống còn 212 thành viên, nhưng các vị Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng vẫn còn 118 Hồng Y. 13. Làn sóng bách hại các tín hữu Kitô bùng lên tại Ambon, Nam Dương Bạo lực tôn giáo đã bùng lên tại Ambon, thủ phủ của khu vực Mollucas thuộc Indonesia, khiến bốn người chết và một làn sóng lo sợ dâng cao trong cộng đoàn Kitô Giáo tại đây. Quân đội Indonesia đã can thiệp để ngăn chặn những cuộc tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô hôm 31 tháng 7, nhưng ít nhất đã có 20 ngôi nhà bị phá hủy. Năm 2002, căng thẳng giữa người Hồi giáo và Kitô hữu đã bùng nổ tại Mollucas, gây ra hàng ngàn trường hợp tử vong trước khi chính phủ tái lập lại được trật tự. Indonesia, hay còn gọi là Nam Dương, với dân số 251,160,000 người, trong đó 86.1% theo Hồi Giáo là đất nước có đông người Hồi Giáo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tại nước này tỏ ra ôn hòa và thực tiễn. Họ không chấp nhận áp dụng luật Sharia bất chấp những áp lực của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo và của các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Họ e ngại những điều luật cực đoan của Sharia như cấm phụ nữ không được làm việc chung với nam giới sẽ đưa Indonesia đến chỗ tụt hậu so với các quốc gia trong vùng. Tuy nhiên, Indonesia có một số rất đông các trào lưu Hồi Giáo cực đoan luôn kích động hận thù tôn giáo và những cuộc bạo loạn chống các tín hữu Kitô. 14. Cuộc hoán cải của Emmanuel Schmitt Éric, nhà văn người Pháp  Éric-Emmanuel Schmitt là một trong những nhà văn Pháp nổi tiếng trên thế giới. Tác phẩm lớn nhất của ông là cuốn ‘Oscar and Lady in Pink’, đã được dựng thành phim. Ông không phải là một tác giả tôn giáo nhưng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong các tác phẩm của ông.  Eric tâm sự: “Tôi lớn lên là một người vô thần. Gia đình tôi vô tín ngưỡng và tôi được nuôi dạy như thế. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu về Triết học. Con người tôi thay đổi dần và tôi đã trở thành một kẻ theo chủ nghĩa bất khả tri, có nghĩa là khi ai hỏi tôi về việc Thiên Chúa có hiện hữu hay không, câu trả lời là: ‘Tôi không biết.’”  Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Trong một chuyến đi, ông đã bị lạc trong sa mạc Sahara.  Eric cho biết:  “Trong 30 giờ tôi không ăn hay uống bất cứ thứ gì. Tôi thậm chí không biết tôi ở đâu. Tôi ngủ một đêm dưới những ngôi sao ở sa mạc Sahara và đó là một kinh nghiệm thần bí. Nói cách khác, tôi đã có tất cả các kinh nghiệm. Khi là người vô thần, tôi cho rằng Thiên Chúa không hề tồn tại, sau đó chuyển sang không biết liệu Thiên Chúa có hiện hữu không và cuối cùng là cảm nghiệm thực sự về sự hiện diện của Ngài” Ông viết tiểu thuyết, những vở kịch và chuyện phim. Tác phẩm của ông có một bố cục chung là đặt ra cho độc giả những câu hỏi và sau đó là những suy tư nội tâm.  “Những gì tôi cố gắng thể hiện, đó là: mặc dù chúng ta đều khác nhau, với những hành vi khác nhau và những hệ tư tưởng khác nhau, về cơ bản tất cả chúng ta đều trăn trở với những câu hỏi tương tự.”  Ngoài cuốn ‘Oscar và Lady in Pink’ rất nổi tiếng, Eric cũng thành công với những cuốn như ‘My Life with Mozart’. Các tác phẩm của ông cũng bao gồm một cuốn sách trong đó Hitler là nhân vật chính. Với tiêu đề “La Part de l’Autre” /lơ pạt đơ lốt trờ/, cuốn sách pha trộn lịch sử với những khả năng có thể xảy ra, bằng cách tưởng tượng những gì có thể đã xảy ra với Hitler, nếu hắn ta vượt qua được kỳ thi tuyển sinh vào Học viện Mỹ thuật của Vienna, thay vì bị thi rớt đến hai lần. 15. Liệu khu tự trị Kurdistan có phải là tương lai của Kitô giáo tại Iraq?  Trong một vài tháng, những kẻ cực đoan Hồi giáo đã loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện của các Kitô hữu tại nhiều nơi ở Iraq. Cha Rebwar Basa đã chứng kiến thực tại mới này vào đầu tháng Bảy, khi ngài đến thăm gia đình của mình, đang tị nạn ở Erbil, thủ đô của Iraq Kurdistan.  Cha Rebwar Basa dòng Thánh Ormiza của Công Giáo Chanđê đang theo học tiến sĩ tại Rôma cho biết:  “Khi tôi đến sân bay và đi ra ngoài, tôi thấy nhiều, rất nhiều người dân nằm la liệt. Nhiều người Iraq đang ngủ bên ngoài thiếu thốn đủ mọi thứ.”  Khu tự trị này đã đón hàng ngàn Kitô hữu chạy trốn cơn thịnh nộ của bọn khủng bố Hồi Giáo. Cha Basa nói rằng những Kitô hữu Iraq đã có từ thời các thánh Tông Đồ và thậm chí họ còn nói cùng một ngôn ngữ với Chúa Giêsu.  Cha nói: “Những Kitô hữu chúng tôi tại Iraq có tiếng mẹ đẻ là tiếng Aramaic, ngôn ngữ Đức Giêsu nói hàng ngày. Sẽ rất buồn nếu một ngày kia chúng ta không tìm thấy bất cứ ai nói ngôn ngữ này nữa.”  Trước khi sang Rôma theo học tiến sĩ, cha Basa đã làm mục vụ tại Mosul gần một thập niên. Nhưng giờ đây ngài không thể đến thăm thành phố. Đó là việc quá nguy hiểm. Tu viện, nơi ngài đã từng cư ngụ giờ đây bị rơi vào tay quân khủng bố Hồi Giáo.  Cũng giống các gia đình Kitô hữu, dòng của ngài và các nhà lãnh đạo tôn giáo đành phải bỏ lại nhà cửa và nhà thờ của họ để lánh nạn. Cha Basa thừa nhận khủng bố Hồi Giáo đã gây ra những thiệt hại nặng cho tương lai của Giáo Hội tại Iraq.  Cha nói thêm: “Tôi đã học Triết học và Thần học ở Baghdad, và trong thời gian đó chúng tôi đã có hơn 70 sinh viên. Và giờ đây chỉ còn 20 hoặc 25 chủng sinh. Và tương lai có thể còn ít hơn.”  Sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003, các Kitô hữu Iraq bắt đầu phải di cư ra nước ngoài. Nhiều người bỏ nước ra đi, những người khác định cư ở Kurdistan.  Mặc dù có trụ sở tại thủ đô Baghdad, chủng viện Baghdad hiện đang được đặt tại Erbil. Và Thượng Hội Đồng Giám Mục Chanđê vào tháng Sáu vừa qua cũng đã diễn ra gần đó.

Nguồn: Viecatholic

h2

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …