Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 31/08– 06/09/2016: Mẹ Têrêsa Calcutta, chứng nhân lòng thương xót

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 31/08– 06/09/2016: Mẹ Têrêsa Calcutta, chứng nhân lòng thương xót

1. Mẹ Têrêsa Calcutta, chứng nhân lòng thương xót.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày 4 tháng 9 năm 2016, Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự nghi thức tuyên phong hiển thánh cho Chân phước nữ tu Têrêsa Calcutta, được cả thế giới quen gọi là Mẹ Têrêsa Calcutta.

Trong khung cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, việc tuyên thánh này làm nổi bật khuôn mặt Mẹ Têrêsa như chứng nhân của lòng thương xót.

Chắc chắn có nhiều điều để nói về cuộc đời cũng như những công việc của lòng thương xót mà Mẹ Têrêsa đã thực hiện. Tuy nhiên, trong chương trình này, chúng tôi chỉ muốn tập trung vào diễn văn của Mẹ Têrêsa khi lãnh giải Nobel Hoà Bình ngày 10 tháng 12 năm 1979. Sở dĩ như thế là vì khi lãnh giải Nobel Hoà Bình, Mẹ Têrêsa được cả thế giới – chứ không chỉ riêng người Công Giáo – nhìn nhận và chiêm ngưỡng như chứng nhân sống động của tình yêu và lòng thương xót; đồng thời, khi ngỏ lời trong dịp này, Mẹ Têrêsa cũng không chỉ nói với người Công Giáo nhưng với cả thế giới, kể cả những nhà lãnh đạo thế giới. Chính vì thế, diễn văn này rất cần được nghe lại và rút ra những bài học lớn cho đời sống làm người nói chung và đời sống đức tin của người Kitô hữu nói riêng.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Có lẽ trong số những người lãnh giải Nobel Hoà Bình, chỉ có Mẹ Têrêsa Calcutta bắt đầu bài diễn văn của mình bằng một lời cầu nguyện, hơn thế nữa, còn mời mọi người cùng cầu nguyện.

Mẹ đã bắt đầu thế này:

“Kính thưa quý vị, khi chúng ta quy tụ ở đây để tạ ơn Chúa về giải Nobel Hoà Bình, tôi nghĩ rằng sẽ thật đẹp nếu chúng ta cùng cầu nguyện bằng Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi. Chúng tôi vẫn đọc Kinh Hoà Bình mỗi ngày sau khi rước lễ. Tôi tự hỏi không biết khi sáng tác lời kinh này cách nay bốn hoặc năm trăm năm, thánh Phanxicô có phải đối diện với những khó khăn như chúng ta đối diện ngày hôm nay không. Nhưng rõ ràng là lời kinh này rất phù hợp với chúng ta. Vì thế, xin mời quý vị cùng đọc Kinh Hoà Bình”.

Bằng cách này, Mẹ Têrêsa đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong những hoạt động bác ái và phục vụ của Mẹ. Nhờ cầu nguyện, Mẹ và các nữ tu trong dòng mới có thể “phục vụ Chúa trong mọi người”, khám phá sự hiện diện của Chúa nơi “những người nghèo nhất trong các người nghèo”, những người bị bỏ rơi. Cũng vì thế, rất nhiều lần Mẹ Têrêsa nhấn mạnh Mẹ và các chị em trong dòng không phải là những người làm công tác xã hội nhưng là “những nhà chiêm niệm giữa lòng thế giới, những người chạm đến Thân Mình Ðức Kitô 24 giờ một ngày”. Lại chẳng phải là bài học quý giá cho các Kitô hữu khi thực thi những việc của lòng thương xót hay sao? Thiếu cầu nguyện, chúng ta có nguy cơ biến Giáo Hội thành một thứ cơ quan từ thiện, dù hiệu quả đến mấy, chứ không phải là Thân Thể sống động của Chúa Giêsu Kitô. Thiếu cầu nguyện, chúng ta còn có nguy cơ làm việc bác ái vì những tính toán và động lực nào khác chứ không còn là thực thi mệnh lệnh của Thầy chí thánh: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Lời kinh mà Mẹ Têrêsa mời mọi người đọc bắt đầu bằng câu: “Lạy Chúa, xin Chúa dùng con làm khí cụ bình an của Chúa”. Xin ơn bình an thì ai cũng xin: bình an cho bản thân, gia đình, Giáo Hội, xã hội. Nhưng xin Chúa làm cho mình trở thành khí cụ bình an thì xem ra không phổ biến lắm. Vì thế, lời kinh này thay đổi cách nhìn của người môn đệ Chúa khi cầu nguyện. Không chỉ là xin và đón nhận ơn bình an cách thụ động nhưng còn là đón nhận một trách nhiệm, trở thành người xây đắp và kiến tạo bình an trong môi trường mình đang sống.

Hơn thế nữa, đây là “bình an của Chúa” chứ không phải bất cứ thứ bình an nào. Ðó là sự bình an của Ðấng nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy”, rồi Người nói thêm, “Thầy ban cho các con không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Ðó là sự bình an của Ðấng Phục sinh hiện đến giữa các môn đệ và nói “Bình an cho các con”, đồng thời cho các ông xem tay và cạnh sườn, bàn tay có dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu (Ga 20,20). Ðó là sự bình an sâu xa và bền vững ngay giữa những thử thách gian nan, như sự tĩnh lặng của đáy đại dương dẫu cho mặt biển dậy sóng.

Sứ điệp kế tiếp Mẹ Têrêsa tha thiết gửi đến thế giới là vấn đề rất lớn và phổ biến trong thế giới ngày nay: phá thai. Mẹ nói, “Tôi cảm nhận một điều mà tôi muốn chia sẻ với tất cả quý vị: ngày nay kẻ hủy diệt hoà bình lớn nhất chính là tiếng kêu khóc của những đứa trẻ vô tội không được sinh ra. Bởi lẽ nếu một người mẹ có thể giết chết đứa con trong lòng dạ mình, thì tại sao quý vị và tôi lại không thể giết nhau? Chúa nói trong Kinh Thánh rằng cho dù người mẹ có quên con đi nữa thì Ta cũng không quên ngươi, Ta đã khắc tên con trong lòng bàn tay Ta. Ðúng là người mẹ khó lòng quên con, ấy vậy mà ngày nay hằng triệu đứa trẻ bị giết chết ngay trong lòng mẹ. Và chúng ta không nói gì hết. Trên báo chí hằng ngày quý vị đọc tin tức về người này, người kia bị giết, nhưng không ai nói đến hằng triệu đứa bé cũng ở trong lòng mẹ như quý vị và tôi từng ở, nhưng rồi bị giết chết, và chúng ta không nói gì hết, cứ để mọi việc như thế. Ðối với tôi, những quốc gia hợp pháp hoá việc phá thai là những quốc gia nghèo nhất. Họ sợ các cháu bé, họ sợ các thai nhi, và thai nhi đó phải chết vì họ không muốn nuôi nấng, giáo dục thêm một đứa trẻ nữa”.

Rồi Mẹ Têrêsa nài xin tha thiết: “Nhân danh các thai nhi nhỏ bé này, tôi nài xin quý vị, vì chính thai nhi đã nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu khi Mẹ Maria đến thăm bà Elisabét. Như chúng ta đọc trong Phúc Âm, lúc Mẹ Maria đến nhà bà Elisabét thì thai nhi trong lòng bà nhảy mừng vì cháu nhận ra sự hiện diện của Hoàng tử bình an. Ngày nay cũng thế, chúng ta hãy quyết tâm cứu lấy mọi thai nhi, cho chúng cơ hội được sinh ra. Hãy chống lại việc phá thai bằng cách nhận nuôi các cháu bé. Hằng ngàn cháu bé sẽ có được ngôi nhà, ở đó các cháu được đón nhận, yêu thương, chăm sóc. Như thế chúng ta cũng đem niềm vui lớn lao đến cho những gia đình không thể có con. Tôi nài xin các vị lãnh đạo các quốc gia đang có mặt ở đây, hãy cầu nguyện để chúng ta có can đảm bênh vực các trẻ thơ, cho các cháu một cơ hội yêu thương và được yêu thương, và tôi nghĩ rằng với ơn Chúa, chúng ta có thể mang hoà bình đến cho thế giới”.

Còn lời lẽ nào mạnh mẽ và hùng hồn hơn về việc phá thai? Còn có thể nói gì thêm nữa? Trong khung cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, nếu có thể nói thêm điều gì thì đó là bài học về lòng thương xót phải sánh đôi cùng chân lý. Hãy hình dung Mẹ Têrêsa nói những điều này trước mặt ai và trong xã hội nào? Trước mặt Mẹ là những nhà lãnh đạo và những nhân vật nổi tiếng thế giới, trong đó có nhiều người ủng hộ và chủ trương hợp pháp hoá việc phá thai. Thế mà Mẹ Têrêsa không ngần ngại nói với họ: Nếu quý vị chủ trương phá thai thì quý vị đang phá hủy nền hoà bình thế giới! Mẹ không nhân nhượng khi phải nói lên sự thật. Người phụ nữ có vẻ ốm yếu đó không chỉ là một người mẹ đầy ắp tình yêu thương nhưng còn là người mẹ hết sức can đảm, sẵn sàng bảo vệ chân lý của Thiên Chúa, cũng là bảo vệ phẩm giá làm người của các thai nhi vô tội.

Ðây cũng là bài học lớn cho tất cả chúng ta, bài học đã trở thành tên gọi một thông điệp của Ðức Bênêđictô XVI: Caritas in veritate – Tình yêu trong chân lý. Ðúng vậy, lòng thương xót đích thực phải sánh đôi cùng chân lý, tình yêu chân chính là tình yêu gắn với chân lý. Ðây phải là nguyên tắc hướng dẫn đời sống Kitô hữu trên mọi bình diện: cá nhân, gia đình, cộng đoàn, xã hội.

Cuối cùng, lời khuyên cụ thể của Mẹ Têrêsa về việc xây dựng hoà bình là: hãy bắt đầu từ gia đình. Mẹ kể, “Một lần kia, có 14 giáo sư đại học từ Hoa Kỳ đến thăm nhà bác ái của chúng tôi ở Calcutta. Sau khi thăm, một người nói với tôi: xin Mẹ nói cho chúng tôi một điều thôi để chúng tôi có thể nhớ mãi. Tôi nói với họ: Hãy mỉm cười với nhau, hãy dành thời giờ cho nhau trong gia đình. Ðó cũng là điều tôi muốn nói với quý vị hôm nay”.

Mẹ Têrêsa lãnh giải Nobel Hoà Bình ở Oslo, Na Uy, một đất nước giàu có, sung túc, thế nhưng Mẹ không ngần ngại nói với họ: “Quý vị có phúc vì được sống trong đất nước giàu có. Nhưng tôi chắc chắn rằng trong nhiều gia đình quý vị, có thể chúng ta không đói ăn nhưng lại có ai đó trong gia đình không được đón nhận, không được yêu thương, không được chăm sóc, bị lãng quên”. Ðối với Mẹ Têrêsa, thứ nghèo khổ này còn đáng sợ hơn nghèo khổ vật chất: “Khi tôi mang một người nghèo đói nằm ở vệ đường về nhà, tôi cho họ một chén cơm, một miếng bánh, vậy là đã xua được cơn đói của họ. Thế nhưng một người bị ruồng bỏ, bị khước từ, không được yêu thương, không được quan tâm… đó mới là thứ nghèo khổ khủng khiếp và rất khó để chữa lành”.

Rồi Mẹ giải thích thêm: “Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên để sống hoà bình. Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã làm người để đem Tin Mừng này đến cho chúng ta. Tin Mừng đó là sự bình an cho mọi người thiện tâm và đây cũng là điều tất cả chúng ta mong muốn. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho nhân loại. Nghĩa là tình yêu đích thực luôn đòi hỏi phải cho đi, phải hi sinh, phải chấp nhận bị tổn thương. Hãy sống tình yêu thương đó trước hết trong chính gia đình mình. Có nhiều bạn trẻ ngày nay vướng vào ma túy và tôi tự hỏi tại sao như thế. Câu trả lời là vì không có ai trong gia đình đón nhận họ. Cha mẹ quá bận rộn việc làm ăn, không quan tâm đến con cái nên con cái ra đường, học điều xấu từ bạn bè… Rồi người già. Có lần tôi đến thăm một nhà dưỡng lão. Các cụ già ở đây là do con cái đem tới và họ không đến thăm cha mẹ. Cơ sở vật chất rất tốt nhưng cụ nào cũng chỉ nhìn ra cửa và không thấy cụ nào nở nụ cười trên môi. Tôi hỏi các nữ tu tại sao vậy. Tại sao họ có đủ mọi thứ mà không vui, chỉ ngóng nhìn ra cửa? Các nữ tu trả lời: vì họ chỉ mong ngóng con cháu đến thăm. Họ bị bỏ rơi, bị quên lãng.”

Cho nên hãy bắt đầu sống tình yêu từ trong gia đình. Hoà bình trên thế giới bắt nguồn từ sự bình an trong mỗi gia đình. Thống kê xã hội cho thấy phần lớn thanh thiếu niên phạm pháp xuất thân từ những gia đình không có bình an: cha mẹ ly dị, cha mẹ nghiện ngập, cha mẹ bạo hành… Ngay từ nhỏ, các em đã không cảm nhận được sự bình an, vì thế tâm hồn bất an và khi lớn lên, thay vì là người xây đắp bình an thì lại là người gieo rắc bạo lực, oán thù.

Ðể kết luận, chúng ta hãy cùng lắng nghe lời kêu gọi của Mẹ Têrêsa: “Hãy để cho Chúa hiện diện trong gia đình quý vị, vì gia đình cầu nguyện cũng là gia đình gắn kết với nhau. Trong gia đình, chúng ta không cần đến súng đạn để tiêu diệt kẻ thù và mang lại hoà bình. Chỉ cần ở lại với nhau, yêu thương nhau, đem bình an và niềm vui vào gia đình. Và chúng ta có thể vượt qua mọi sự dữ trong thế gian”.

2. Hãy là những chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa.

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu thực thi cụ thể lòng bác ái từ bi và ngài khích lệ những thiện nguyện viên và thành viên các tổ chức bác ái của Giáo Hội hãy là những chứng nhân làm cho Giáo Hội được tín nhiệm.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chung đặc biệt vào sáng thứ Bẩy, 3 tháng 9 tại Quảng trường Thánh Phêrô, dành cho 40 ngàn người từ các nơi về Roma tham dự Ngày Năm Thánh những tông đồ của Lòng Thương Xót với cao điểm là lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 4 tháng 9.

Trong một giờ rưỡi trước khi Đức Thánh Cha đến Quảng trường thánh Phêrô, hàng chục ngàn tông đồ của Lòng Thương Xót đã sinh hoạt, nghe những bài thánh ca và nghe chứng từ của nhiều người hoạt động trong lãnh vực từ thiện bác ái, các nạn nhân chiến tranh và xung đột ở Syria và Palestine, các nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, và nhân viên bảo vệ dân chúng, đã cứu giúp các nạn nhân động đất ở miền Trung Italia những ngày vừa qua, một gia đình dấn thân trong tổ chức Unitalsi chuyên giúp đỡ các bệnh nhân đi hành hương tại Lộ Đức và các Đền Thánh khác.

Hiện diện và trình bày trong dịp này cũng có nhiều nghệ sĩ như danh ca Kelly Joyce và nghệ sĩ Usha Uthup của Ấn độ, là người đã quen biết Mẹ Têrêsa trong 40 năm trời.

Sau khi đến Quảng trường, Đức Thánh Cha đã nghe hai chứng từ, đặc biệt là chứng từ của nữ tu Sally người Ấn độ, thuộc dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa, phục vụ tại thành phố Aden, bên Yemen, nơi có 4 nữ tu bị quân khủng bố sát hại hồi tháng 3 năm nay, khi chúng tấn công vào nhà dưỡng lão nơi các chị phục vụ.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã đi từ bài ca đức ái của thánh Phaolô trong đoạn 13 của thư thứ I gửi tín hữu thành Corinto (1 Cr 13,1-13), nhất là câu “Tình yêu không bao giờ chấm dứt” (v.8). Ngài nói:

“Giáo huấn này phải được chúng ta xác tín không lay chuyển: tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ thiếu trong đời sống chúng ta và lịch sử thế giới. Đó là một tình yêu vẫn luôn trẻ trung, tích cực, năng động… Thánh Phaolô dạy rằng “nếu tôi không có tình yêu thì tôi không là gì (v.2). Hễ chúng ta càng để cho mình can dự vào tình yêu này thì cuộc sống của chúng ta càng được tái sinh”.

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng “Giáo Hội không bao giờ được phép hành động như thầy tư tế và thầy Levi đứng trước người bị cướp đánh đang nằm nửa sống nửa chết trên đất (Xc Lc 10,25-36). Không thể ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác để khỏi thấy bao nhiêu hình thức nghèo đói đang kêu đòi lòng từ bi thương xót. Hành động như thế không xứng đáng với Giáo Hội và với một Kitô hữu, đó là một hành động tỗi lỗi; “bỏ qua bên kia đường” và coi như mình yên ổn lương tâm chỉ vì chúng ta đã cầu nguyện, đã đi nhà thờ rồi!”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại rằng “Tôi không bao giờ mệt mỏi khi nói rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ là một ý tưởng đẹp, nhưng còn là một hành động cụ thể; và lòng từ bi của con người không có thực chất cho đến khi nó được biểu lộ cụ thể trong đời sống thường nhật. Lời cảnh giác của thánh Gioan vẫn luôn có giá trị: “Hỡi các con, chúng ta đừng yêu mến bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng những hành động cụ thể và trong sự thật” (1 Ga 3,18).

Ngỏ lời với những người thiện nguyện và hoạt động bác ái, Đức Thánh Cha nói: “Trong số những thực tại quí giá nhất của Giáo Hội, chính là anh chị hằng ngày, thường là trong âm thầm, kín đáo, anh chị em mang lại cho lòng từ bi thương xót một hình dạng và cụ thể hữu hình. Anh chị em biểu lộ ước muốn trong số những ước vọng đẹp nhất của tâm hồn con người, đó là ước muốn làm cho một người đau khổ cảm thấy họ được yêu mến. Giáo Hội có uy tín hay không, Giáo Hội có sức thuyết phục hay không đều nhờ vào việc phục vụ của anh chị em dành cho những trẻ em bị bỏ rơi, các bệnh nhân, người nghèo đói không lương thực và việc làm, người già, người vô gia cư, các tù nhân, những người tị nạn và nhập cư, những người bị thiên tai.. Tóm lại, bất kỳ nơi nào có lời yêu cầu xin cứu giúp, tại đó có chứng tá tích cực và vô vị lợi của anh chị em. Anh chị em làm cho luật của Chúa Kitô trở nên hữu hình, đó là luật mang đỡ gánh nặng cho nhau (Xc Gl 6,2; Ga 13,34).

Đức Thánh Cha nhắn nhủ thêm rằng: “Anh chị em hãy luôn hài lòng và đầy vui tươi vì việc phục vụ của mình, nhưng đừng bao giờ biến nó thành lý do để tự phụ, khiến cho mình nghĩ mình tốt đẹp hơn người khác. Trái lại, hoạt động từ bi thương xót của anh chị em phải khiêm tốn và là một sự kéo dài Chúa Kitô một cách hùng hồn, Đấng tiếp tục cúi mình và chăm sóc những người đau khổ”.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cũng vui mừng nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta được phong thánh vào Chúa Nhật này và nhận định rằng:

“Chứng tá từ bi thương xót của Mẹ Têrêsa thời nay ngày càng được phong phú nhờ đoàn ngũ vô số những người nam nữ đã làm cho tình yêu của Chúa Kitô trở nên hữu hình qua đời sống thánh thiện của họ. Chúng ta hãy noi gương họ, và cầu xin để chúng ta trở thành những dụng cụ khiêm hạ trong tay Chúa, hầu thoa dịu đau khổ của thế giới và mang lại vui tươi và hy vọng phục sinh”.

3. Câu chuyện chứng tá của Abbey D’Agostino tại Thế vận hội Rio 2016

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Huy chương vàng Olympic cố nhiên là một dấu chỉ cụ thể sự thành công mà vận động viên nào cũng mơ ước khi tham gia thế vận hội. Tuy nhiên, có một giải thưởng khác còn quan trọng hơn.

Hai vận động viên điền kinh Nikki Hamblin (người New Zealand) và Abbey D’Agostino (người Mỹ) không đạt huy chương vàng, đồng hay bạc, nhưng đã được trao huy chương Pierre de Coubertin, là huy chương được trao cho các vận động viên tiêu biểu cho tinh thần thể thao tại Thế vận hội. Ðó là huy chương về tinh thần thượng võ.

Huy chương này còn là khó đạt hơn cả huy chương vàng. Chính vì thế, Nikki Hamblin và Abbey D’Agostino đã trở thành đề tài trên báo chí tuần qua.

Mọi chuyện diễn ra vào ngày thứ ba, 17 tháng 8 năm 2016, trong cuộc thi chạy vòng loại 5,000 mét. Khi chỉ còn 2,000 mét là đến đích thì hai vận động viên Hamblin và D’Agostino va chạm, cùng ngã xuống đất. D’Agostino đã đứng dậy trước nhưng cô không tiếp tục cuộc chạy ngay; thay vào đó, cô đã quay lại giúp Hamblin. Rồi khi D’Agostino quá đau không thể tiếp tục cuộc thi, đến lượt Hamblin đã đứng lại với D’Agostino một lúc để giúp cô đứng dậy. Cả hai đã kết thúc cuộc đua, nhưng D’Agostino phải đi khập khễnh trong 5 vòng cuối. D’Agostino và Hamblin đã ôm nhau cách thân thiết khi kết thúc vòng đua, và sau đó D’Agostino phải lên xe lăn rời vòng đua.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dù cả 2 thất bại trong vòng loại nhưng Ủy ban Olympic phán quyết là cả 2 được vào thi vòng chung kết do tinh thần thể thao của họ. Chỉ tiếc là vào phút cuối D’Agostino đã không thể tham dự vòng chung kết vì chân vẫn còn đau.

Câu chuyện đẹp được khán giả trường đua chứng kiến và các khán giả khắp thế giới theo dõi qua các mạng truyền thông ngưỡng mộ, và các hãng tin toàn thế giới cũng đã tốn giấy mực cho cử chỉ đẹp đầy tinh thần thể thao này.

D’Agostino đã chia sẻ về việc làm của mình. Cô nói động lực và sức mạnh của hành động của cô chính là Thiên Chúa.

“Dù hành động của tôi lúc đó là bản năng, cách duy nhất tôi có thể và lý luận đó chính là Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim tôi phản ứng theo cách đó. Trong suốt thời gian ở đây Người chỉ cho tôi thấy là kinh nghiệm của tôi ở Rio này sẽ có giá trị hơn là những giải thưởng, và khi Nikki đứng lên tôi đã biết điều đó.”

Abbey D’Agostino 24 tuổi, lớn lên trong một gia đình Công Giáo. Cô đã chia sẻ trong cuộc về việc chạy đua của cô, về những lo lắng chấn thương và về đời sống cầu nguyện. D’Agostino cho biết, cô thường dùng thời gian cầu nguyện của mình để suy gẫm về những điều Thiên Chúa đã làm trong cuộc sống của cô. Cô lắng nghe thánh ca, đọc Kinh thánh và viết nhật ký. Những điều này đưa cô đến một thái độ khiêm nhường, trong đó cô nhận ra vị trí của mình trước nhan Chúa. Khi vào cuộc thi, cô nghĩ rằng sự tin cậy vào Chúa và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ thêm “năng lượng” cho cô. Cô nói: “Tôi cảm thấy bình an khi nhận biết là mình đang chạy không chỉ bằng sức mạnh của riêng mình”.

Như các vận động viên khác, D’Agostino cũng lo sợ những chấn thương trong các cuộc thi. nhưng chính sự tín thác vào Thiên Chúa giúp cô vơi bớt những lo lắng trước các cuộc thi quan trọng. Cô nói: “Cho dù kết quả cuộc thi thế nào tôi sẽ chấp nhận nó. Tôi rất biết ơn và tìm cách thấu hiểu những Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của tôi.”

D’Agostino cho biết những lần chấn thương trước đã thúc đẩy cô cậy dựa vào Thiên Chúa hơn bao giờ.

Như Ý xin kết thúc câu chuyện ở đây với một xác quyết của D’Agostino

Tín thác vào Thiên Chúa là cách duy nhất bạn có thể cảm thấy bình an, và vui mừng.

4. Cầu nguyện cho thiên nhiên hay với thiên nhiên

Kính thưa quý vị và anh chị em

Cha Raniero Cantalamessa, nhà giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, đã kêu gọi các Kitô hữu tôn vinh Thiên Chúa vì kỳ công sáng thế của Ngài. Theo cha, Thánh Phanxicô Assisi không cầu nguyện “cho thiên nhiên”, nhưng thay vào đó, ngài cầu nguyện “với thiên nhiên” hay “vì thiên nhiên”. Cha lưu ý rằng “sự cao trọng của con người so với vũ trụ” không bao hàm chủ nghĩa đắc thắng của loài người chúng ta nhưng bao hàm trách nhiệm đối với những người yếu đuối, người nghèo, người không ai bảo vệ.

Nhận xét của Cha Cantalamessa được đưa ra trong một bài giảng tại buổi kinh chiều ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngày 1 Tháng Chín, nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc Chăm Sóc Thiên Nhiên, do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự.

Mở đầu bài giảng, cha Raniero Cantalamessa nói:

Thế thì, hỡi con người, tại sao ngươi vô giá trị đến thế trong mắt riêng ngươi nhưng lại quý giá đến thế đối với Thiên Chúa? Tại sao ngươi làm cho mình nhục như vậy trong khi được Người qúi trọng đến thế? Tại sao ngươi hỏi ngươi đã được tạo ra cách nào mà lại không tìm biết lý do tại sao ngươi đã được dựng nên?

Những lời chúng ta vừa nghe đã được nói ra từ miệng Thánh Phêrô Kim Ngôn, Giám mục Ravenna, thế kỷ thứ 5, hơn 1,500 năm trước đây. Kể từ thời điểm đó, lý do khiến con người tự coi mình vô giá trị đã thay đổi, nhưng sự kiện thì vẫn còn đó. Thời Thánh Kim Ngôn, lý do đó là: con người “được lấy lên từ mặt đất”, họ là bụi đất và sẽ trở về bụi đất (xem St 3:19). Ngày nay, lý do của cảm thức vô dụng đó là: con người không đáng kể hơn hư vô trong sự bao la vô tận của vũ trụ.

Gần như có một sự cạnh tranh giữa các nhà khoa học không có tín ngưỡng về việc ai là người đi xa nhất trong việc khẳng định tính ngoại vi và vô nghĩa toàn diện của con người trong vũ trụ. Một trong số họ đã viết, “Giao ước xưa đã tan tành; cuối cùng, con người biết rằng họ cô đơn trong cảnh bao la vô cảm của vũ trụ, mà từ đó họ xuất hiện một cách tình cờ. Vận mệnh của họ không được mô tả ở bất cứ đâu, cả bổn phận của họ cũng thế”. Một nhà khoa học khác khẳng định: “Tôi vốn luôn nghĩ rằng tôi là vô nghĩa. Tiến tới chỗ biết được kích thước của vũ trụ, tôi thấy tôi thực sự vô nghĩa đến chừng nào!.. . Chúng ta chỉ là một chút bùn nhơ trên một hành tinh của mặt trời”.

Nhưng tôi không muốn nấn ná thêm ở tầm nhìn bi quan này hoặc ở các suy tư dựa trên lối quan niệm này về môi trường và các ưu tiên của nó. Một đệ tử của Dionysius thành Areopagus, vào thế kỷ thứ 6, đã đề ra sự thật tuyệt vời này: “Người ta không nên bác bỏ ý kiến của người khác, cũng không nên viết chống lại một ý kiến hay một giáo phái bề ngoài xem ra không tốt. Người ta chỉ nên viết nhân danh sự thật chứ không chống lại người khác”. Ta không nên biến điều này thành một nguyên tắc tuyệt đối bởi vì có lúc ta cần phải bác bỏ các học thuyết sai lầm và nguy hiểm. Nhưng trình bầy tích cực về sự thật chắc chắn có hiệu quả hơn luận bác các sai lầm chống lại nó.

Thánh Kim Ngôn tiếp tục bài giảng của ngài bằng cách giải thích lý do tại sao con người không nên nghĩ mình vô giá trị:

“Há toàn bộ vũ trụ hữu hình này không được tạo ra làm chỗ ở của ngươi sao? […] Vì ngươi là các tầng trời được tô điểm bằng những độ rực rỡ khác nhau của mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Trái đất được trang trí bằng hoa lá, lùm cây, và hoa trái; và hằng hà sa số các sinh vật đáng yêu đã được tạo ra trên không, dưới đất và biển khơi cho ngươi, kẻo sự cô đơn buồn bã sẽ phá hủy niềm vui trong sáng thế mới của Thiên Chúa”.

Vị giám mục thành Ravenna chỉ đơn thuần tái khẳng định ý tưởng của Thánh Kinh về sự trổi vượt của con người so với vũ trụ mà Thánh Vịnh 8 từng hát về, với một linh hứng không kém trữ tình. Thánh Phaolô hoàn thành viễn kiến này bằng cách chỉ ra chỗ đứng của con người Chúa Kitô trong khung cảnh này: “Bất kể.. . là thế giới hay sự sống hoặc sự chết, hiện tại hoặc tương lai, tất cả đều là của anh chị em; và anh chị em là của Chúa Kitô; và Chúa Kitô là của Thiên Chúa “(1 Cr 3: 22-23). Ở đây, chúng ta được trình bày một “chủ thuyết môi trường có tính nhân bản hay nhân ái”, một chủ nghĩa môi trường tự nó không phải là một cùng đích nhưng có liên quan đến con người nhân bản, tất nhiên, không phải chỉ là những con người nhân bản ngày nay mà còn là những con người nhân bản trong tương lai nữa.

Tư duy Kitô giáo chưa bao giờ ngưng tự hỏi mình đâu là lý do dẫn tới sự siêu việt của con người nhân bản này so với những phần còn lại của thiên nhiên và đã luôn tìm thấy lý do này trong sự khẳng định của Kinh Thánh rằng con người nhân bản đã được dựng nên “theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (xem St 1: 26).

Chúng ta hãy rút ra một vài khẩn cầu từ lời cầu nguyện thứ hai để kết luận các suy tư của chúng ta:

Lạy Thiên Chúa, Duy nhất và Ba Ngôi,

Cộng Đoàn Kỳ Diệu của tình yêu vô biên,

xin dạy chúng con biết nhìn ngắm Chúa

trong vẻ đẹp của vũ trụ,

vì mọi sự đều nói về Chúa.

Xin khơi dậy trong chúng con lời ca ngợi và lòng biết ơn

vì mọi hữu thể Chúa đã dựng nên.

Xin ban cho chúng con ơn biết cảm nhận sự gắn bó thân thiết với tất cả vạn vật.

Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế giới này

như những máng chuyển tình yêu của Chúa

vì mọi tạo vật trên trái đất này.

Amen.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …