Home / Tiêu Điểm / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 28/11/2017: Câu chuyện: Xin một chút ánh sáng

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 28/11/2017: Câu chuyện: Xin một chút ánh sáng

1. Xin Thiên Chúa ban cho các linh mục ơn can đảm sống nghèo khó như Đức Kitô

Người dân không tha thứ cho các linh mục gắn chặt với tiền của. Đức Thánh Cha đã cảnh cáo như trên khi phân tích bài Tin Mừng mô tả việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ, vì những kẻ đổi chác tiền bạc đã làm cho Đền Thờ vốn là nhà Thiên Chúa là nơi cầu nguyện, lại biến thành “sào huyệt của bọn cướp”. Chúa làm cho chúng ta hiểu được rằng, mầm mống mà kẻ thù gieo rắc để hủy hoại Nước Trời chính là lòng tham lam tiền bạc. Một khi cõi lòng cứ gắn chặt lấy tiền bạc, thì cũng giống như đang thờ tà thần. Chúa Giêsu đã nói: Không ai có thể làm tôi hai chủ, không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của.

Đây là nhà Chúa, là nhà để cầu nguyện, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, Thiên Chúa của tình yêu. Và tiền bạc cứ luôn tìm cách để lẻn vào nhà của Thiên Chúa. Có những người vào nhà của Chúa mà luôn mua bán đổi chác và tìm cách thuê những vị trí này nọ? Họ đến với các linh mục để đặt chỗ để thuê và họ mang theo tiền bạc. Những người ấy sẽ phá hủy đời sống chúng ta và có thể dẫn chúng ta tới một cuộc sống gian dối và bất hạnh, không còn niềm vui phục vụ Thiên Chúa chân thật nữa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta niềm vui đích thực.

dân Chúa có cảm thức tuyệt vời trong việc đón nhận, trong việc phong thánh, và cả trong việc lên án nữa. Bởi vì dân Chúa có khả năng lên án và tha thứ cho nhiều yếu đuối, nhiều tội lỗi của các linh mục, nhưng có hai điều dân Chúa không thể chấp nhận. Thứ nhất là sự dính chặt với tiền bạc. Khi dân Chúa nhìn thấy những linh mục tham tiền, thì họ không thể tha thứ cho vị linh mục ấy. Thứ hai là đối xử tệ hại với các tín hữu. Khi các linh mục ngược đãi con người, dân Chúa không thể chấp nhận được, không thể tha thứ. Có nhiều loại yếu đuối bất toàn khác, dân Chúa có thể hiểu và cảm thông.

Thật là buồn chán khi thấy một linh mục sắp qua đời trong tình trạng hôn mê và đau đớn, mà cháu chắt chỉ đăm đăm chăm chú tìm xem họ có thể lấy được những gì. Xin ban cho họ kho tàng đích thực là chính Chúa, là kho tàng mà những tâm hồn thành tâm thiện chí kiếm tìm. Chúng ta cầu nguyện “Lạy Chúa, Ngài là Chúa của con!” hay chúng ta lại có thần tiền nằm thầm kín trong thâm tâm? Hãy can đảm, hãy là người dũng cảm! Hãy lựa chọn!

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sống nghèo khó như Chúa Kitô. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sống cái nghèo của người lao động, là những người làm việc và kiếm tìm điều chân thực và không muốn gì hơn.

2. Xin Một Chút Ánh Sáng

Triết gia Diogène nổi tiếng là người hạnh phúc nhất trên đời, thế nhưng cuộc sống của ông lại rất đơn sơ nghèo nàn. Ông sống trong một cái thùng, ngày ngày nằm đọc sách nhờ ánh sáng qua lỗ hỏng ở vách thùng. Cơ nghiệp của ông vỏn vẹn chỉ có một cái bát gỗ dùng để múc nước sông mà uống. Thế nhưng, một hôm ra sông để lấy nước, ông thấy có một em bé chăn cừu dùng hai tay để vục nước mà uống. Thế là ông ném cái bát đi và từ đó chỉ dùng tay mà uống nước.

Vua Hy Lạp nghe biết ông là người hạnh phúc nhất đời bèn tìm đến tận nơi để thăm. Thấy ông đang nằm đọc sách, nhà vua lại gần để hỏi xem ông có cần gì không. Diogène không trả lời. Nhà vua hỏi vặn nhiều lần, ông điềm tĩnh trả lời như sau: “Hạ thần chỉ xin bệ hạ một điều và chỉ một điều mà thôi: xin bệ hạ tránh ra để hạ thần có đủ ánh sáng mà đọc sách”. Diogène đã đuổi khéo nhà vua vì sợ bị sa vào tròng danh lợi mà mất cái niềm vui thảnh thơi trong cuộc đời thanh bần đơn sơ.

Ai trong chúng ta cũng muốn giàu có. Thế nhưng giàu có không hẳn đem lại hạnh phúc thật sự cho chúng ta. Chỉ có những ai có tinh thần nghèo khó, chỉ có những ai không coi tiền của như cứu cánh của cuộc đời, những người đó mới thực sự có hạnh phúc.

3. Thiên Chúa yêu mến chúng ta đến điên dại và Ngài khóc trước sự phản bội của chúng ta.

Một bên là tình yêu đến điên dại của Thiên Chúa, và bên kia là sự bất trung của chúng ta. Ðó là hai điểm then chốt trong bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu khóc cho thành Giêrusalem khi thành này không nhận ra thời giờ Thiên Chúa viếng thăm. Chúa khóc vì nhớ lại câu chuyện của dân Chúa. Vì một mặt là tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nhưng mặt kia là sự đáp lại thờ ơ ích kỷ và phản bội của dân Ngài. Khi nói “Thiên Chúa yêu thương dân Ngài đến mức điên dại” có vẻ là nói quá, nhưng sự thật là Thiên Chúa yêu đến mức như thế. Chúa Giêsu nhớ lại những gì mà các ngôn sứ đã trải qua, nhớ lại cách thế mà ngôn sứ Hôsê và Giêrêmia diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Israel.

Ðó là điều làm cho trái tim Giêsu đau khổ. Ðó là câu chuyện của sự thờ ơ lạnh nhạt. Ðó là không nhận ra sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa, của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu kiếm tìm bạn và muốn thấy bạn hạnh phúc. Trong giây phút ấy, nhìn với ánh mắt đợi chờ của Chúa Con, Chúa Giêsu đã khóc… vì “dân này không nhận ra thời giờ họ được viếng thăm”. Bi kịch ấy không chỉ xảy ra trong lịch sử và cũng không kết thúc vào ngày hôm đó. Bi kịch này tiếp tục xảy ra cho ngày hôm nay, cho từng ngày tôi sống. Mỗi người chúng ta có thể hỏi: Tôi có biết thời giờ tôi được Thiên Chúa viếng thăm không? Chúa viếng thăm tôi khi nào?

Mỗi người chúng ta có thể sa vào cùng một tội như dân Israel xưa. Cùng một tội. Ðó là không nhận ra thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm. Từng ngày Chúa viếng thăm chúng ta. Từng ngày Chúa gõ cửa nhà chúng ta. Nhưng chúng ta phải học cho biết cách nhận ra tiếng của Ngài, để chúng ta có thể khép lại câu chuyện quá đau thương mà Thiên Chúa trải nghiệm: “Ta càng yêu thương chúng, càng gọi mời chúng, thì chúng lại càng chạy xa Ta.” Nhưng bạn nói: ‘Tôi chắc chắn một điều là tôi đi lễ. Tôi chắc chắn một điều là…’ Bạn hãy xét mình hằng ngày về những điều ấy. Hôm nay Chúa có viếng thăm tôi không? Tôi có từng nghe thấy những tiếng gọi, những điều gợi cảm hứng để bước theo Ngài sát hơn không, để làm những công việc bác ái, để cầu nguyện thêm một chút? Tôi không biết. Có rất nhiều điều để Chúa mời gọi chúng ta từng ngày, để gặp gỡ chúng ta.

Chúa Giêsu không chỉ khóc cho Giêrusalem mà còn cho tất cả chúng ta. Khi nhận ra cuộc thăm viếng của Người, Người sẽ trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Thánh Augustin nói một cách mạnh mẽ rằng: “Con sợ Thiên Chúa đi ngang qua. Con sợ Chúa Giêsu đi ngang qua! Nhưng tại sao lại sợ? Tại vì con sợ rằng con không nhận ra cuộc thăm viếng của Ngài.” Nếu không chú tâm, nếu không có trái tim nhạy cảm, bạn chẳng thể nhận ra được Chúa Giêsu có thăm viếng bạn hay không.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói:

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ấy, để chúng ta nhận ra thời giờ chúng ta được Chúa viếng thăm, để chúng ta mở rộng cửa tâm hồn đón nhận Chúa Giêsu, để làm cho trái tim chúng ta rộng mở hơn nữa trong tình yêu và phục vụ với tình mến Giêsu.

4. Nhận ra tiếng gõ cửa của Thiên Chúa.

Hãy cẩn thận, đừng trở thành “những Kitô hữu hâm hẩm” vì khi ấy, chúng ta đánh mất ánh sáng của Chúa. Ðức Thánh Cha chỉ ra rằng, Thiên Chúa luôn cố gắng sửa lỗi chúng ta, để thức tỉnh tâm hồn chúng ta, để làm cho tâm hồn chúng ta nồng ấm. Ðức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người hãy nhận ta ngày giờ Chúa gõ cửa tâm hồn.

Ðức Thánh Cha chia sẻ bài giảng khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền. Trong đó, thánh Gioan cảnh báo sự thờ ơ nửa vời trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Khi ấy, Chúa dùng ngôn từ rất mạnh để nói với “những Kitô hữu không nóng mà cũng chẳng lạnh” mà rằng: “Vì ngươi hâm hẩm, không nóng mà cũng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”

Không có một loại bình an mà yên tĩnh đến lạnh lẽo. Ðiều gì làm nên sự ấm áp? Có thể là nghĩ mình giàu có! Có thể cho rằng, mình giàu rồi và chẳng cần gì nữa! Và thế là bình an. Ðây là sự bình an giả tạo. Khi linh hồn của giáo hội, của gia đình, của cộng đoàn luôn luôn yên tĩnh, thì không có Thiên Chúa.

Không thể rơi vào sự yên tâm giả tạo rằng, tôi không cần bất cứ điều gì và tôi cũng chẳng làm tổn thương bất kỳ ai. Chúa cảnh báo những người tự coi mình là giàu có theo kiểu tự đủ rằng, thực sự họ đang bất hạnh và đau khổ. Tuy nhiên, có một tình yêu có thể giúp họ khám phá sự phong phú và sức sống. Tình yêu ấy chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi.

Chẳng phải là tâm hồn lành mạnh khi nghĩ rằng mình giàu có bởi vì mình tốt lành, vì mình làm mọi việc đều tốt và tất cả đều êm đẹp. Có một thứ lành mạnh đến từ Thiên Chúa, Ðấng luôn vác thập giá, Ðấng luôn mang lấy bão tố, Ðấng làm cho tâm hồn con người thức tỉnh. Lời khuyên là: hãy mua áo trắng tinh tuyền để mặc, bởi vì bạn đang trần trụi và xấu hổ. Những người hâm hẩm không nhận ra là mình trần trụi, giống như câu chuyện về đứa trẻ nói với ông vua trần truồng rằng: ngài là vua nhưng là vua trần truồng. Với ông vua ấy, có một sự ấm áp sung túc nhưng lại trần trụi.

Loại sung túc đầy đủ ấy lấy mất khỏi chúng ta khả năng chiêm ngưỡng, khả năng nhìn thấy những điều tuyệt vời và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Và khi ấy, Thiên Chúa cố gắng đánh thức lòng người, để giúp giúp họ thay lòng đổi dạ. Tuy nhiên, có một cách thức khác để Thiên Chúa hoạt động. Ðó là cách Ngài mời gọi chúng ta: “Này, Ta đứng trước cửa mà gõ.” Thật là quan trọng cho chúng ta khi có thể cảm nhận và nghe được tiếng gõ cửa của Thiên Chúa, vì Ngài muốn làm điều tốt cho chúng ta, vì Ngài muốn bước vào nhà chúng ta.

Có những Kitô hữu nói rằng, họ chẳng thể nhận ra được: khi nào Chúa gõ cửa. Vì với họ, mọi tiếng động đều như nhau. Thế nên, chúng ta cần biết được khi nào Chúa gõ cửa, khi nào Ngài mang lại niềm an ủi cho chúng ta. Có thể Chúa đứng trước chúng ta và muốn nhận lời mời từ chúng ta. Những gì đã xảy ra cho ông Zakêu trong bài Tin Mừng hôm nay? Cái tò mò muốn nhìn thấy Chúa Giêsu của ông, cách nào đó được tác động bởi Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài như sau:

Sáng kiến và lời mời đến từ Thần Khí Thiên Chúa, đến từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn lên Zakêu và nói: Hôm nay Ta sẽ ở lại nhà ông. Chúa luôn ở lại ở lại trong tình yêu mến: hoặc là Ngài sửa lỗi chúng ta, hoặc là Ngài mời ta ăn tối hoặc là Ngài được ta mời. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy thức dậy!”. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy mở ra!”. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy xuống đi!”. Luôn luôn là Ngài. Con có biết phân biệt hay không, trong trái tim con, khi nào Chúa muốn “đánh thức” con, khi nào Chúa nói với con là “mở ra”, khi nào Chúa nói với con là “hãy xuống đi”? Xin Chúa Thánh Thần ban cho con ân sủng để con có thể nhận ra những tiếng gọi của Chúa trong trái tim con.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN