Home / Tiêu Điểm / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô, 25/09/2017: Câu chuyện phép lạ thành Naples

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô, 25/09/2017: Câu chuyện phép lạ thành Naples

1. Lòng trắc ẩn của người tín hữu Kitô

Xin Chúa ban ơn sủng, để chúng ta có thể đồng cảm trước khổ đau của biết bao người, để chúng ta có thể tiến đến gần họ, và với đôi tay của mình, chúng ta đưa những anh chị em ấy trở lại với phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 19 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu động lòng thương, tiến lại gần và làm cho con trai duy nhất của bà góa thành Naim được sống lại. Trong Cựu Ước, những người bé nhỏ nhất là các cô nhi, quả phụ, những khách ngoại kiều, những người xa lạ. Chúng ta được mời gọi quan tâm chăm sóc những con người ấy, để giúp họ có thể hòa nhập vào xã hội. Chúa Giêsu là người có khả năng nhìn vào từng chi tiết của cuộc sống với trái tim từ bi thương xót. Chúa nhìn thấu trái tim con người.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chạnh lòng thương, đồng cảm là sự rung cảm của con tim và không hề có chút gì mang tính loại trừ. Trong sự đồng cảm, trong lòng trắc ẩn, không có chỗ cho những thứ tựa như sự trừng phạt, cũng không có sự phân biệt kiểu như: Đúng là đồ tội lỗi nghèo hèn! Sự đồng cảm, lòng trắc ẩn thì bao gồm mọi người. Động lòng thương có nghĩa là cùng đau khổ, cùng sẻ chia nỗi đau với người khác.

Trong câu chuyện của bài Tin Mừng, Chúa nhìn đến, Chúa động lòng trắc ẩn, Chúa hướng tới bà góa ấy đang đau khổ vì mất đứa con duy nhất. Tại sao có cả một đám đông vây quanh mà Chúa không để tâm để ý? Bởi vì Chúa là Đấng từ bi thương xót. Bởi vì với Chúa, những con người bé nhỏ thì vô cùng quan trọng. Những con người bé nhỏ ấy luôn hiện diện trong trái tim Chúa. Bởi vì luôn luôn có mối dây liên kết giữa trái tim Chúa với những con người ấy.

Từ lòng trắc ẩn, từ cái chạnh lòng thương ấy, Chúa tiến đến, Chúa tiếp cận những con người khổ đau. Bạn có thể thấy nhiều điều, nhưng bạn không đi tới. Còn Chúa thì khác, Người không nhìn từ xa nhưng Người đi tới và chạm vào thực tế của cuộc sống, thực tế của kiếp nhân sinh. Khi đến nơi, Chúa không nói: “Chào tạm biệt nhé, tôi sẽ tiếp tục hành trình của tôi”. Không. Chúa không nói thế. Chúa an ủi bà góa: Đừng khóc nữa! Chúa làm cho anh thanh niên sống lại. Chúa trao anh thanh niên cho bà mẹ. Như thế, việc của Chúa là chạnh lòng thương, là cứu chuộc con người, là đưa con người trở lại phẩm giá cao quý. Chúa đã tái sinh tất cả chúng ta.

Hãy làm như thế theo gương Chúa Kitô. Hãy đến với những ai đang cần, đừng giúp họ bằng cách đứng nhìn từ xa vì chê họ dơ bẩn. Đừng quên họ dơ bẩn vì họ thiếu nước, vì họ không được tắm. Chúng ta thường xem tin tức, đọc báo, nhưng hãy nhìn coi: các trẻ em ấy không có gì để ăn, các trẻ em phải trở thành chiến binh, các phụ nữ phải trở thành nô lệ. Chúng ta có thể nói: Ôi, thật là tệ hại! Ôi thật đáng thương những con người nghèo khổ! Sau đó chúng ta chuyển sang các trang khác, ví dụ các cuốn tiểu thuyết. Nếu chỉ như thế, thì không phải là một Kitô hữu.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha đưa ra một đề nghị cụ thể như sau:

Ngay bây giờ, tôi cần tự hỏi chính mình rằng: Tôi có lòng trắc ẩn hay không? Tôi có cầu nguyện về điều ấy không? Khi tôi thấy những con người khổ đau trên các phương tiện truyền thông, tôi có bị đụng chạm hay không, tâm hồn tôi có động lòng thương hay không? Nếu bạn không hề cảm thấy gì, nếu bạn không động lòng trắc ẩn, thì hãy xin Chúa tha thứ cho bạn với lời nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn biết chạnh lòng thương!”.

Với lời cầu nguyện, với những công việc phục vụ, là các Kitô hữu, chúng ta phải có khả năng giúp đỡ những ai đang đau khổ, để trả lại cho họ cuộc sống xã hội, trả lại cho họ cuộc sống gia đình, trả lại cho họ công ăn việc làm; nói ngắn gọn đó là cuộc sống thường ngày.

2. Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ

Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, khi chúng ta thành tâm nhận biết mình là kẻ tội lỗi. Điều kiện đầu tiên để được cứu, là biết mình đang gặp nguy hiểm. Điều kiện đầu tiên để được chữa lành, là biết mình bị bệnh. Và cũng thế, cảm thấy và nhận biết tội lỗi của mình, là điều kiện tiên quyết để có thể đón nhận ánh mắt thương xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 21 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta, trong ngày lễ kính Thánh Matthêu Thánh Sử.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha đã tóm lược lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Thánh Matthêu. Ngài nói:

Khi ông Matthêu đang ngồi ở bàn thu thuế, Chúa Giêsu đi đến, nhìn ông và nói: Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy và đi theo Chúa. Có những cái nhìn ngờ vực dành cho Matthêu, nhưng Thầy Giêsu nhìn ông với ánh mắt đầy thương xót đầy tình yêu mến. Tình yêu mến của Chúa có thể đi vào nội tâm con người ấy, bởi vì người ấy biết rằng, mình chỉ là một tội nhân. Bởi vì Matthêu biết rằng: ông chẳng được ai thương mến, thậm chí còn bị khinh miệt. Chính khi biết sự hèn kém và tội lỗi của mình như thế, trái tim ông mở ra cho lòng thương xót của Thầy Giêsu. Nghe lời kêu gọi của Chúa, ông đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Đây là cuộc gặp gỡ giữa một tội nhân và Chúa Giêsu.

Điều kiện đầu tiên để được cứu, là biết mình đang gặp nguy hiểm. Điều kiện đầu tiên để được chữa lành, là biết mình bị bệnh. Và cũng thế, cảm thấy và nhận biết tội lỗi của mình, là điều kiện tiên quyết để có thể đón nhận ánh mắt thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ về ánh mắt của Thầy Giêsu, một ánh mắt đầy thương xót, đầy trìu mến, đầy tình thương yêu. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để có thể cảm nhận ánh mắt Thầy Giêsu đang nhìn chúng ta. Đừng sợ ánh mắt đầy tình thương đầy tình yêu mến ấy!

Cũng giống như Zakêu, Matthêu rất vui mừng, và rồi ông mời Chúa về nhà để ăn mừng. Matthêu mời các bạn bè đồng nghiệp đến dự tiệc mừng. Họ cũng là những kẻ tội lỗi, những người thu thuế. Chắc chắn là trong bàn ăn, họ hỏi Chúa nhiều điều và Chúa cũng nói chuyện với họ. Chúng ta nhớ tới lời của Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Luca rằng: Nước Trời sẽ vui mừng hớn hở vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là một trăm người công chính không cần sám hối ăn năn. Ở đây, tại nhà Matthêu có bữa tiệc lớn, có niềm vui lớn, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Cha, đó là bữa tiệc của lòng thương xót. Chúa Giêsu đã thực thi lòng thương xót với mọi người.

Khi nhóm Pharisêu thấy người thu thuế và tội lỗi ăn uống cùng Chúa Giêsu, thì họ nói với các môn đệ: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Những người Pharisêu ấy biết rất rõ “giáo lý”, họ biết rõ “đường vào Nước Trời”, họ biết tốt hơn bất cứ ai về cách thế phải làm để vào được Nước Trời, nhưng họ lại bỏ quên điều quan trọng nhất. Họ gắn chặt với của lễ, mà bỏ mất lòng nhân. Họ quên đi lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ làm như thể họ mua được Nước Trời. Họ làm như thể, do họ làm được việc này việc nọ cho Thiên Chúa, và rồi họ sẽ đương nhiên được vào Nước Trời. Tóm lại, họ cho rằng, sự cứu rỗi đến từ chính bản thân họ, và vì thế họ thấy mình được an toàn. Nhưng sự thật không phải thế, không như họ nghĩ. Bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu rỗi chúng ta. Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ chúng ta.

Câu nói kiểu như “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”, chúng ta từng nghe bao nhiêu lần, mỗi khi các người Pharisêu nhìn thấy những hành động thương xót. Đáp lại họ, Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: “Các ông hãy đi học cho biết lời này có nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần hy lễ.” Nếu bạn muốn được Chúa Giêsu ngỏ lời, bạn hãy nhìn nhận tội lỗi của bản thân, hãy nhận biết thân phận tội nhân của mình. Nhận ra tội lỗi của bản thân, không phải là chuyện trừu tượng mông lung, nhưng đó là những tội rất cụ thể và thực tế. Nhiều người trong chúng ta và tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Hãy nhìn vào Chúa Giêsu với ánh mắt thương xót từ nhân của Chúa.

Có rất nhiều, rất nhiều… ngay cả trong Giáo Hội ngày nay, người ta nói: “Không, không thể làm thế, tất cả đều rõ ràng, tất cả đều rõ, không, không được như thế…” Họ là những tội nhân và cần loại bỏ họ. Thực tế ngay cả nhiều vị Thánh đã bị bách hại hoặc nghi ngờ. Chúng ta thử nghĩ đến Thánh Jeanne d’Arc. Thánh nữ đã bị nghi ngờ là phù thủy và thế là bị lên án. Hoặc chúng ta nghĩ đến Thánh Teresa bị nghi ngờ dị giáo; hoặc chúng ta nghĩ tới Chân Phước Rosmini. Chúng ta hãy khắc ghi lời của Chúa Giêsu: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ. Cánh cửa giúp chúng ta gặp gỡ được Chúa, đó là nhận biết thực sự chúng ta là ai: chúng ta là những kẻ có tội. Và khi Chúa đến, chúng ta sẽ gặp Ngài. Thật là đẹp biết mấy khi gặp Chúa Giêsu!

3. Hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi họ là những kẻ xấu xa, băng hoại

Các Kitô hữu phải luôn cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, ngay cả khi các vị lãnh đạo gặp phải sai lầm. Các vị lãnh đạo cũng phải cầu nguyện, vì nếu không, có nguy cơ là họ chỉ khép kín trong lợi ích phe phái của nhóm họ. Nhà lãnh đạo có lương tâm là người biết đặt mình trước người dân, đặt mình trước mặt Chúa, và biết cầu nguyện. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 18 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolô khuyên ông Timôthê hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Trong bài Tin Mừng, có vị lãnh đạo biết cầu nguyện. Ông nài xin Thầy Giêsu cứu chữa cho người đầy tớ của ông đang bị đau ốm. Ông yêu mến người dân của ông, cho dù họ là người xa lạ. Ông yêu mến người đầy tớ, và thực sự ông rất lo lắng cho người ấy.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng:

Viên sĩ quan ấy cảm thấy là cần cầu nguyện. Ông cầu nguyện không chỉ bởi vì ông yêu mến, nhưng còn vì ông hiểu rõ rằng, ông không làm chủ mọi sự. Ông biết có những người ở trên ông. Ông biết có ai khác truyền lệnh cho ông. Ông biết mình có những thuộc hạ và lính tráng, và ông cũng biết chính bản thân mình cũng thuộc quyền người khác. Vị sĩ quan này nhận thức rất rõ về bản thân, và ông cầu nguyện.

Nếu ông không cầu nguyện, có nguy cơ là ông chỉ tự khép kín nơi bản thân, nơi lợi ích nhóm của đảng phái, nơi những cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra. Nhưng không, ông cầu nguyện, ông nhận thức rõ thân phận con người của bản thân. Khi ấy, ông nhận thấy những vấn đề thực sự là gì, ông nhận thấy có Đấng có sức mạnh hơn ông. Ông nhận thấy Đấng có thể ban cho ông sức mạnh, một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Do đó, ông cầu nguyện.

Lời cầu nguyện của ông rất quan trọng, vì đó là lời cầu nguyện hướng về tha nhân, hướng về người dân, hướng về người thuộc hạ của ông. Có nhà lãnh đạo nọ, ngày nào cũng dành hai tiếng đồng hồ để cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Chúa, cho dù ông rất bận rộn. Cần phải biết cầu xin ơn sủng của Chúa để biết cai quản tốt như Vua Salomon đã làm. Vua đã không xin Chúa ban vàng bạc hay của cải, nhưng xin ơn khôn ngoan để biết cai quản.

Các nhà lãnh đạo cần cầu nguyện, cần xin ơn ấy, để họ có thể làm việc trong sáng trước mặt Chúa và vì ích lợi cho dân. Để họ không chỉ dừng lại trong lợi ích nhóm hoặc tư lợi. Nếu bạn không thể cầu nguyện, thì ít ra hãy làm hãy sống với lương tâm bạn. Có nghĩa là, đừng tự tham chiếu chính mình, đừng lấy mình làm trung tâm, đừng chỉ biết vun vén lợi ích cho nhóm mình, cho đảng phái của mình mà thôi.

Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, để mọi người dân được sống trong bình yên và trong tinh thần đạo đức. Tuy nhiên, nếu vị lãnh đạo làm điều gì đó mà ta không thích, hoặc vị lãnh đạo ấy chỉ biết lo cho đảng phải của ông ta, thì sao?

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Có người nói: Tôi đã bỏ phiếu chọn ông ta. Người khác nói: Tôi đã không chọn người ấy. Thế nhưng, chúng ta đừng để vị lãnh đạo ấy cô đơn, chúng ta cần đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện. Các Kitô hữu cần cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Nhưng thưa cha, con phải cầu nguyện thế nào đây? Con phải cầu nguyện làm sao cho những kẻ lãnh đạo đã gây ra bao nhiêu điều tệ hại xấu xa? Nếu thế, con cần cầu nguyện nhiều hơn nữa, hơn nữa. Cầu nguyện để làm gì! Đó là để người dân có được cuộc sống bình yên tốt lành.

Xin anh chị em hãy dành ra năm phút, không nhiều hơn năm phút, để suy xét xem. Nếu là một nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện về những gì được trao cho tôi hay không, về quyền mà người dân trao cho tôi? Nếu không phải là nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi: Tôi có cầu nguyện cho các vị lãnh đạo hay không? Cầu nguyện cho những vị tôi thích. Và với những vị lãnh đạo tôi không thích, tôi càng cần cầu nguyện nhiều hơn. Nếu tôi nhận thấy, bản thân không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, tôi có thể đi xưng tội về điều ấy. Tại sao tôi lại không cầu nguyện cho các vị lãnh đạo, trong khi đó là công việc của lòng xót thương.

4. Giáo dục niềm hy vọng cho giới trẻ

Hãy giữ vững niềm hy vọng bất kể Chúa đặt để con ở đâu. Ở bất cứ nơi nào, con cũng hãy xây dựng hoà bình ở đó, và đừng nghe lời những kẻ gieo vãi thù hận và chia rẽ. Hãy yêu thương con người. Hãy mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn. Hãy có trách nhiệm đối với thế giới và sự sống của mỗi một người. Hãy xin Chúa ban cho con lòng can đảm không sợ hãi và tin tưởng nơi sự thật, trau dồi các lý tưởng, biết đứng dậy khi lầm lỗi, không cay đắng nhưng tin vào sự thiện làm nảy sinh ra một thế giới mới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên người trẻ như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20 tháng 9, trong bài huấn đức về đề tài “Giáo dục niềm hy vọng cho giới trẻ”. 

Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha cho biết ngài tưởng tượng như đang nói chuyện với một người trẻ hay bất cứ ai dù không còn trẻ nữa nhưng đang rộng mở tâm trí muốn học hỏi. Đức Thánh Cha nói:

Thiên Chúa đặt để con ở đâu, con hãy hy vọng ở đó. Đừng đầu hàng đêm đen: hãy nhớ rằng kẻ thù đầu tiên cần khuất phục không ở ngoài, nhưng ở bên trong con. Vì thế, đừng dành chỗ cho các tư tưởng tiêu cực. Hãy tin vững vàng rằng thế giới này là phép lạ đầu tiên Thiên Chúa đã làm, và Thiên Chúa đã đặt để trong tay chúng ta ơn của các điềm lạ. Đức tin và niềm hy vọng đi đôi với nhau. Con hãy tin vào sự hiện hữu của các sự thật cao cả và đẹp đẽ nhất. Hãy tín thác nơi Thiên Chúa Tạo Hoá, nơi Chúa Thánh Thần hướng mọi sự tới thiện ích, trong vòng tay ôm của Chúa Kitô, là Đấng chờ đợi mọi người vào cuối cuộc đời họ. Đừng lo lắng nếu ngày nào đó trong cuộc sống xem ra là duy nhất đối với con khi trông thấy các mầu nhiệm cao đẹp nhất của đức tin: thế giới bước đi nhờ biết bao nhiêu người đã mở lối, đã xây cầu, đã mơ ước và tin cậy, cả khi họ nghe thấy tiếng chế nhạo chung quanh.

Con đừng bao giờ nghĩ rằng cuộc chiến đấu con đang làm dưới thế này hoàn toàn vô ích. Đừng tin rằng sau cuộc đời này cuộc đắm tầu chờ đợi con: trong chúng ta đập nhịp một hạt giống của tuyệt đối. Thiên Chúa không gây thất vọng: nếu Ngài đã đặt để trong trái tim chúng ta một niềm hy vọng, thì Ngài muốn nó bẻ gẫy với mọi tước đoạt. Tất cả nảy sinh để nở hoa trong một mùa xuân vĩnh cửu.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Bất cứ ở đâu con cũng hãy xây dựng! Nếu con bị ngã xuống đất, hãy đứng dậy! Nếu con ngồi, hãy bước đi! Nếu sự chàm chán làm con tê liệt, hãy đuổi nó đi với các việc thiện! Nếu con cảm thấy trống rỗng và mất tinh thần, hãy xin Chúa Thánh Thần lại có thể làm tràn đầy sự hư không của con.

Hãy tạo dựng hoà bình giữa con người, và đừng nghe theo tiếng nói của kẻ gieo vãi thù hận và chia rẽ. Con người, dù có khác nhau tới mấy đi nữa, cũng đã được tạo dựng để sống với nhau. Trong các đối chọi, hãy kiên nhẫn: một ngày kia con sẽ khám phá ra rằng mỗi người đều nắm giữ một mảnh sự thật.

Hãy yêu thương con người. Hãy yêu thương họ từng người một. Hãy tôn trọng con đường của mọi người, dù nó xuôi chảy hay chông gai, bởi vì mỗi một người đều có lịch sử riêng để kể lại. Mỗi một trẻ em sinh ra là một hứa hẹn sự sống lại một lần nữa cho thấy nó mạnh mẽ hơn cái chết. Mỗi một tình yêu nảy sinh là một tiềm năng biến đổi ngưỡng vọng hạnh phú.

Chúa Giêsu đã giao cho chúng ta một ánh sáng chiếu soi trong đêm tối: hãy bảo vệ và chở che nó. Ánh sáng đó là kho tàng lớn nhất được giao phó cho đời con.

Hãy mơ tưởng một thế giới chưa trông thấy, nhưng chắc chắn sẽ tới. Niềm hy vọng tin tưởng nơi sự hiện hữu của một việc tạo dụng trải dài cho tới sự thành toàn vĩnh viễn, khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người. Những người có khả năng tưởng tượng đã trao tặng cho nhân loại các khám phá khoa học và kỹ thuật. Họ đã vượt các đại dương và đã bước đi trên các vùng đất chưa có ai đặt chân tới. Các người đã vun trồng các niềm hy vọng cũng là những người đã chiến thắng nô lệ và đem lại các điều kiện sống tốt đẹp hơn trên thế giới này. Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Con hãy có trách nhiệm đối với thế giới này và cuộc sống của mỗi một người. Mỗi một bất công chống lại một người nghèo túng là một vết thương mở rộng và giảm thiểu chính phẩm giá con người. Cuộc sống không kết thúc với sự hiện hữu và trong thế giới này sẽ có các thế hệ khác tiếp nối thế hệ của chúng ta, và biết bao nhiêu thế hệ khác nữa.

Con hãy xin Thiên Chúa ban cho con ơn can đảm. hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng nỗi sợ hãi cho chúng ta: kẻ thù quấy phá nhất cũng không thể làm gì nổi chống lại đức tin. Và khi con cảm thấy sợ hãi trước vài khó khăn nào đó, hãy nhớ rằng không sống nó cho chính mình. Trong Bí tích Rửa Tội cuộc sống của con đã được nhận chìm trong mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, và con thuộc về Chúa Giêsu. Và nếu một ngày kia hoảng sợ xâm lấn con, hay con nghĩ rằng sự dữ quá lớn để có thể đương đầu, hãy đơn sơ nghĩ rằng Chúa Giêsu sống trong con. Chính Ngài, qua con, với sự hiền dịu của Ngài, muốn khuất phục mọi kẻ thù của con người: tội lỗi, thù hận, tội phạm, bạo lực.

Con hãy luôn luôn can đảm đối với sự thật, nhưng hãy nhớ rằng con không cao hơn ai hết. Nếu con có là người cuối cùng tin nơi sự thật đi nữa, đừng vì đó mà trốn chạy sự đồng hành của con người. Cả khi con có sống trong một tịch liêu tĩnh lặng, con cũng mang trong tim các nỗi khổ đau của mọi thụ tạo. Hãy là kitô hữu và hãy phó thác mọi sự cho Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.

Hãy vun trồng các lý tưởng. Hãy sống cho điều gì đó cao vượt hơn con người. Và nếu một ngày kia các lý tưởng này có đòi hỏi con một giấy tính sổ đắt giá phải trả, đừng bao giờ ngừng giữ các lý tưởng đó trong tim. Sự trung thành có được tất cả. 

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Nếu con lầm lỗi, hãy đứng lên: lầm lỗi là chuyện người ta thường tình. Và chính các lỗi lầm ấy không được trở thành một nhà tù cho con. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến không phải cho người lành mạnh, nhưng cho kẻ yếu đau: vì vậy Ngài cũng đến vì con nữa. Và nếu con vẫn còn sai lầm hết lần này sang lần khác trong tương lai, đừng sợ hãi, hãy đứng lên! Thiên Chúa là bạn của con.

Nếu cay đắng đánh trúng con, hãy tin chắc chắn rằng thế giới này còn biết bao nhiêu người hoạt động cho sự thiện cùng với con; và trong tâm hồn của tất cả những người ấy đều có những hạt giống của một thế giới mới. Hãy giao du với những người đã giữ gìn được con tim thanh sạch như con tim của một trẻ thơ. Hãy học hỏi từ sự tuyệt diệu này, hãy vun trồng sự kinh ngạc. Hãy sống, hãy yêu.

5. Câu chuyện bửu huyết của Thánh Januarius tại thành Naples hóa lỏng

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong tuần qua, tin tức lan nhanh trên các mạng xã hội như Tweeter và Youtube là việc bửu huyết của Thánh Januarius tại thành Naples đã hóa lỏng vào ngày thứ Ba 19 tháng 9.

Thánh Januarius là ai, và tại sao người dân Italia quan tâm đặc biệt đến việc máu ngài hóa lỏng, đó là nội dung câu chuyện Như Ý muốn gởi đến với quý vị và anh chị em trong chương trình này.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy là bửu huyết của Thánh Januarius tại thành Naples đã hóa lỏng trước mặt Đức Thánh Cha Phanxicô hồi tháng Ba năm 2015.

Thánh Januarius (hay còn được gọi là Gennariô) là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Ngày 16 tháng 12 năm ngoái 2016, bửu huyết của Thánh Januarius đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Naples, đã rục rịch hoạt động trở lại.

Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.

Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

May quá, ngày 19 tháng 9 vừa qua bửu huyết của Thánh Januarius đã hóa lỏng khiến mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Nguồn: VietCathplic News

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …