1. Sức mạnh của người Kitô hữu hệ tại ở việc biết mở cửa tâm hồn với Thánh Linh
Sự hoán cải đối với người Kitô hữu là một nhiệm vụ, là một công việc phải thực hiện mọi ngày trong cuộc sống. Chính việc hoán cải liên lỉ ấy dẫn chúng ta đến sự gặp gỡ thân mật với Đức Giêsu. Để minh họa, Đức Thánh Cha kể câu chuyện về một người mẹ đang mang trong mình căn bệnh ung thư và người mẹ ấy đã cố gắng hết sức để chiến thắng bệnh tật. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 22 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Được gợi hứng từ thư của thánh Phaolô Tông Đồ gởi giáo đoàn Roma, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Để được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở nên công chính, thánh thiện; chúng ta phải cố gắng, nỗ lực mỗi ngày. Đối với mỗi Kitô hữu, hoán cải là một nhiệm vụ, là một công việc phải thực hiện liên lỉ.”
Chúng ta không cần phải là những nhà khổ tu nhiệm nhặt. Nhưng nếu nỗ lực cố gắng, chúng ta sẽ nên thánh
Đức Thánh Cha nói:
“Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh của một vận động viên, một người đang rèn luyện thân mình để chuẩn bị cho những cuộc thi đấu. Nỗ lực mà vận động viên ấy phải bỏ ra quả là ghê gớm. Như vậy, để chiến thắng trong cuộc đấu trên thao trường, vận động viên đã phải nỗ lực tập luyện không ngừng. Còn chúng ta, nếu muốn chiếm được phần thưởng không bao giờ hư nát trong Nước Trời; chúng ta cũng phải nỗ lực rèn luyện nhiều như thế nào? Do đó, thánh Phaolô thúc bách chúng ta ‘nỗ lực lao mình về phía trước’.
Nhưng có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, nếu như vậy, phải chăng nên thánh là do cố gắng, nỗ lực của chúng ta giống như phần thường vận động viên đạt được khi chiến thắng trong cuộc chạy đua trên thao trường?’ Câu trả lời là không. Nỗ lực hay cố gắng của chúng ta – chẳng hạn như khi chúng ta thờ phượng, kính mến Chúa hết linh hồn, hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực trong tất cả mọi ngày sống – chỉ là mở ra cánh cửa đối với Thần Khí. Khi cánh cửa tâm hồn đã mở, Thánh Thần Thiên Chúa sẽ đi vào và cứu độ chúng ta. Ngài chính là quà tặng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng nếu cố gắng, nỗ lực nhiều như thế, phải chăng chúng ta sẽ trở thành các vị khổ tu nhiệm nhặt? Câu trả lời cũng là không. Chúng ta không phải là những nhà khổ tu. Nhưng đơn giản là, với nỗ lực của bản thân, chúng ta cố gắng để mở cách cửa tâm hồn cho Thần Khí.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đây là một nhiệm vụ khó khăn, vì sự yếu đuối của chúng ta, vì sức nặng của nguyên tội, vì ma quỷ luôn tìm cách kéo chúng ta thụt lùi lại phía sau. Tác giả của thư gửi tín hữu Do Thái đã cảnh giác chúng ta phải chống lại cám dỗ thoái lui. Chúng ta phải kiên vững, không được bỏ chạy hay đầu hàng. Chúng ta phải luôn tiến về phía trước, mỗi ngày một chút, cho dù có gặp phải những khó khăn, thách đố ghê gớm.
Một vài tháng trước, tôi đã gặp một phụ nữ. Cô còn khá trẻ và là mẹ của một gia đình – một gia đình khá hạnh phúc và ấm êm – nhưng lại mắc bệnh ung thư, ung thư ác tính. Tuy bệnh tật nhưng cô sống hết sức hạnh phúc. Cô đi lại và làm việc hệt như một người khỏe mạnh. Khi chia sẻ về thái độ sống lạc quan này, cô nói: “Thưa Đức Thánh Cha, con chỉ đang cố gắng hết sức để có thể chiến thắng căn bệnh ung thư này thôi ạ!’. Đấy, Kitô hữu là như thế! Chúng ta đã nhận lãnh ân sủng nơi Đức Giêsu Kitô và được giải thoát khỏi gông cùm tội lỗi, được giải thoát khỏi một cuộc sống gian ác mà tiến vào đời sống ân sủng trong Đức Kitô và trong Thần Khí. Thế nên, chúng ta cũng hãy sống và hành xử giống như quý cô ấy: cố gắng mỗi ngày, từng chút một, từng chút một.”
Đức Thánh Cha đã nêu ra một số cám dỗ, chẳng hạn như khi chúng ta có “nhu cầu muốn tán gẫu” để nói xấu ai đó. Đức Thánh Cha nói: “Trong trường hợp này, chúng ta tập cố gắng để giữ im lặng, đừng nói gì cả. Hay trường hợp khác: Khi cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi, chúng ta chẳng muốn đọc kinh cầu nguyện. Nhưng chúng ta cứ cố gắng đi, chỉ cầu nguyện một chút thôi cũng được. Chính những cố gắng và hy sinh nho nhỏ hằng ngày như thế sẽ giúp chúng ta tiến lên không ngừng trên đàng nhân đức. Những cố gắng ấy sẽ giúp chúng ta không từ bỏ, không thoái lui, không quay về con đường gian ác nhưng giúp chúng ta lao mình về phía trước để tiếp chạm vào ân sủng, vào lời đoan hứa của Đức Giêsu Kitô. Đó chính là được gặp gỡ Ngài.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng này. Đó là được ơn rèn luyện mình thật tốt, được nai nịt sẵn sàng trong cuộc thao luyện hằng ngày ngõ hầu có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Bởi vì, chúng ta đã được nhận lãnh ơn huệ của sự công chính, được lãnh nhận món quà của ân sủng và của Thần Khí trong Đức Giêsu Kitô”
2. Thiên Chúa không dừng lại. Ngài luôn bước ra để tìm kiếm chúng ta và Ngài yêu chúng ra bằng một tình yêu không biên giới
“Thiên Chúa luôn ban cho con người ân sủng dồi dào, nhưng con người lại có thói quen cân đong, tính toán trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy, để hiểu được sự đầy tràn, chan chứa trong tình yêu của Thiên Chúa luôn luôn cần đến hoa trái của ân sủng.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 20 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Sự dồi dào, chan chứa
Đức Thánh Cha nói: “Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là như thế. Nhưng dường như con người lại không thể hiểu thấu tình yêu quảng đại này và thường chần chừ, do dự khi quyết định trao tặng một điều gì đó cho người khác trong khả năng của mình. Ân sủng của Thiên Chúa được ban tặng nhờ Đức Giêsu, Đấng đã vượt thắng sự sa ngã của Adam, là một minh chứng cho việc trao ban cách quảng đại. Ân sủng này chính là tình bằng hữu giữa con người với Thiên Chúa.
Như đã trao tặng tình bằng hữu, phải chăng Thiên Chúa cũng ban cho con người cả hồng ân cứu độ? Thiên Chúa sẽ ban khi con người biết làm việc thiện: ‘Người sẽ đong cho anh em đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc và đầy tràn.’ Điều này cho thấy sự dồi dào của ân sủng, và chính từ “dồi dào’ cũng được lặp lại đến ba lần trong Bài Đọc Một. Đứng trước ân sủng chứa chan ấy, thánh Phaolô đã thốt lên: ‘Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.’ Vâng, ân sủng chứa chan. Đây chính là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không thể đo lường được.”
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Sự vô tận hay không thể đo lường trong tình yêu của Thiên Chúa giống như tình yêu của người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng dành cho đứa con của mình. Ngày ngày ông vẫn dõi mắt về phía chân trời xa mà trông chờ người con quay trở về. Trái tim của Thiên Chúa không bao giờ đóng lại nhưng luôn rộng mở. Và khi chúng ta quay trở về như người con thứ, Thiên Chúa sẽ chạy lại ôm chầm lấy chúng ta, hôn lấy hôn để và sai mở tiệc ăn mừng.
Thiên Chúa không hề nhỏ nhen, ích kỷ. Ngài không hề biết đến những suy tính nhỏ mọn. Nhưng Ngài trao ban tất cả. Thiên Chúa không bao giờ dừng lại. Ngài luôn mong ngóng, chờ đợi chúng ta hoán cải. Ngài là vị Thiên Chúa luôn bước ra ngoài, bước ra để tìm kiếm và để tìm kiếm mỗi người chúng ta, không sót một ai. Mỗi ngày, Ngài đang kiếm tìm chúng ta và sẽ tìm kiếm chúng ta luôn mãi. Đây cũng là ý nghĩa của dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bị đánh mất: luôn luôn kiếm tìm.”
Đức Thánh Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Chúng ta biết rằng, Đức Giêsu đã từng nói: ‘Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.’ Tuy nhiên, với tiêu chuẩn phàm nhân – nhỏ bé và giới hạn – thật khó để chúng ta có thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ với ân sủng, người ta mới có thể hiểu được điều này.” Để minh họa, Đức Thánh Cha kể một câu chuyện. Ngài nói: “Trước đây, có một nữ tu trong giáo phận của tôi. Vị nữ tu ấy đã 84 tuổi nhưng hằng ngày vẫn không ngừng đi lại giữa những lối đi của bệnh viện để chào thăm và trò truyện với các bệnh nhân bằng một nụ cười luôn tươi nở trên môi. Đó chính là nụ cười của tình yêu Thiên Chúa. Quả thật, vị nữ tu ấy đã được ban tặng ơn để hiểu mầu nhiệm tình yêu dồi dào, chan chứa của Thiên Chúa, điều mà phần lớn người không hiểu được.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Đúng là chúng ta có thói quen hay cân đong đo đếm trong mọi tình huống. Nhưng chính những thứ chúng ta hay đo đếm và ngay cả cách đo lường của chúng ra cũng thật nhỏ bé, giới hạn. Bởi thế, tốt hơn hết là chúng ta hãy nài xin ân sủng của Thần Khí và nguyện cầu cùng Chúa Thánh Linh giúp chúng ta hiểu hơn về tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời giúp chúng ta biết khao khát ơn được Thiên Chúa ‘ôm chầm lấy, hôn lấy hôn để’ bằng một tình yêu không biên giới”.
3. Câu chuyện: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa”
“Hãy đi và đừng phạm tội nữa!” Đó là một lời tha thứ, ẩn chứa một sự nhắn nhủ với đầy sự cảm thông và tình yêu rộng mở đối với một con người tội lỗi mà quả thật không ai có thể ngờ được ngay cả chính đương sự. Chính lời tha thứ đó như có một sức mạnh vô biên, không những đã hoán cải được tấm lòng chai đá của người đàn bà tội lỗi nầy mà còn làm mềm lòng những con người đang gắt gao lên án bà.
Chúng ta hãy trở lại với câu chuyện trong Phúc âm thánh Gioan chương 8 từ câu 1 đến câu 11 tường thuật lại câu chuyện những người ký lục và biệt phái mang đến một người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, và họ để bà đứng đó trước mặt Chúa Giêsu.
Họ thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, người đàn bà nầy đã bị bắt quả tang trong lúc đang phạm tội ngoại tình. Vậy Thầy nghĩ sao ?”
Dĩ nhiên, họ không thích bà ta, họ cũng không cố gắng để tìm hiểu, để quan tâm. Họ chỉ biết lên án. Họ thưa: “Môisen đã ra lệnh lên án những người đàn bà như thế bằng cách ném đá. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?”
Họ hỏi Ngài câu nầy như một thử thách để có cớ lên án Ngài. Người Pharisiêu dùng luật để kết tội người đàn bà nầy và giết bà ta, và tệ hơn nữa, họ dùng con người nầy để gài bẩy Chúa và giết Ngài. Người đàn bà nầy thật ra chỉ là dụng cụ trong mưu đồ của họ để lên án Chúa. Họ không thích gì công lý và Chúa đã biết điều đó, nên Ngài đã giữ yên lặng.
Trong lúc họ thao thao bất tuyệt cố gắng thuyết phục đám đông làm theo ý đồ của họ, Chúa vẫn lặng yên cúi xuống và lấy tay viết lên đất. Và vì họ cứ hỏi mãi nên Ngài mới ngước nhìn lên và nói: “Nếu có ai trong các ngươi vô tội cứ ném đá người đàn bà nầy trước đi.”
Với lời minh xác “nếu có ai vô tội”, Ngài muốn cho chúng ta biết rằng không ai trong chúng ta hoàn toàn tốt lành và thánh thiện. Tất cả chúng ta là những con người tội lỗi. Chúng ta sống được là nhờ sự tha thứ, nhờ tình thương bao la của Thiên Chúa.
Khi họ nghe điều đó, họ đã bỏ ra đi từng người một, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất. Đến lúc chỉ còn lại một mình Chúa với người đàn bà đó, Ngài ngước mắt lên và hỏi:
Nầy bà, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án bà sao ?
Bà đáp:
Không ai, thưa Ngài!
Chúa bảo:
Tôi cũng không lên án bà. Hãy đi và đừng phạm tội nữa!
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong ánh mắt nghẹn ngào, bà đã thưa với Chúa bằng một giọng điệu nhè nhẹ: “Thưa Thầy, không ai lên án cả.” Nhưng Chúa đã nghe rõ và Ngài còn nghe rõ cả những hơi thở, những nhịp tim, những lo âu, những hồi hộp cũng như những tiếng lòng thổn thức, khoắc khoải của bà trước khi bà mở miệng đáp lời.
Khác với con người, trong lúc mọi người đều lên án bà, và bà đang sống trong cảnh tuyệt vọng thì Chúa Giêsu vẫn yêu bà, vẫn đón nhận bà.
Cho nên, việc đầu tiên Chúa làm là bảo vệ cô ta khỏi chết dưới tay những người tố cáo cô, và điều thứ hai Ngài làm là kêu gọi cô ta từ bỏ tội lỗi mình. “Hãy đi và đừng phạm tội nữa.”
Đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vừa chấm dứt. Nhiều người bày tỏ sự thất vọng vì đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper về khả thể cho người ly dị và tái hôn được rước lễ đã không được các nghị phụ chấp nhận. Những ai nghĩ như thế xin hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà ngoại tình rằng “Hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Ngài chớ hề nói: “Hãy đi và cứ tiếp tục phạm tội”. Không, Chúa đã không nói như thế.
Và chúng ta cũng nên nhớ rằng người cha của người con hoang đàng ôm anh ta vào lòng – nhưng chỉ khi người con trai ấy đã trở về nhà của mình.”
Đó mới chính thực là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
4. Lòng trung thành
Trong buổi tiếp kiến hơn 50 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ Tư 21-10-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt đề cao lòng trung thành trong hôn nhân và gia đình. Đây là bài thứ 30 trong loạt bài huấn giáo của ngài về gia đình.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
“Trong bài suy niệm lần trước chúng ta đã suy tư về những lời hứa quan trọng của cha mẹ đối với con cái, ngay từ khi cha mẹ nghĩ đến việc sinh con trong tình yêu và cưu mang con con trong cung lòng.
“Chúng ta có thể nói thêm rằng, xét cho kỹ, toàn thể thực tại gia đình đều dựa trên lời hứa: ta có thể nói gia đình sống bằng lời hứa yêu thương và trung thành, chung thủy, giữa người nam và người nữ với nhau. Lời hứa ấy bao hàm sự cam kết đón nhận và giáo dục con cái; nhưng lời hứa ấy cũng được thực hiện trong việc chăm sóc các cha mẹ già, bảo vệ và chăm nom những thành phần yếu nhất của gia đình, giúp đỡ nhau để thực thi những đức tính của mỗi người và chấp nhận cả những giới hạn của nhau. Và lời hứa vợ chồng cũng được nới rộng bao gồm cả việc chia sẻ những vui mừng và đau khổ của tất cả cha mẹ, con cái, quảng đại cởi mở đối với cuộc sống chung giữa con người với nhau và với công ích. Một gia đình khép kín, co cụm vào mình thì giống như một sự mâu thuẫn, làm chết lời hứa vốn làm cho gia đình nảy sinh và sinh tồn.
“Ngày nay, danh dự trung thành với lời hứa về đời sống gia đình dường như bị suy yếu rất nhiều. Một đàng vì người ta hiểu lầm về quyền được chọn sự thỏa mãn cho bản thân với bất kỳ giá nào và trong bất kỳ quan hệ nào, quyền ấy được tuyên dương như một nguyên tắc tự do không thể nhượng bộ được. Đàng khác, vì người ta chỉ ủy thác cho sự cưỡng bách của luật pháp những ràng buộc của cuộc sống tương quan và sự cam kết phục vụ công ích. Nhưng trong thực tế, không ai muốn được yêu thương chỉ vì của cải của mình hoặc vì bó buộc. Tình yêu, cũng như tình bạn, có được sức mạnh và vẻ đẹp là do sự kiện này: chúng tạo ra một mối liên hệ ràng buộc mà không loại bỏ tự do. Không có tự do thì không có tình bạn, không có tình yêu và cũng chẳng có hôn nhân.
“Vì thế, tự do và lòng trung thành không đối nghịch nhau, trái lại chúng nâng đỡ nhau trong tương quan giữa con người với nhau, cũng như trong những tương quan xã hội. Thực vậy chúng ta hãy nghĩ đến những thiệt hại mà sự lạm phát những lời hứa không được tuân giữ gây ra trong nền văn minh truyền thông hoàn cầu ngày nay, trong nhiều lãnh vực, và sự nhân nhượng đối với sự thiếu trung thành với lời đã hứa và những cam kết đã đề ra!
“Đúng vậy, anh chị em thân mến, lòng trung thành là một lời hứa dấn thấn, nó được thể hiện, được tăng trưởng trong sự tự nguyên tuân hành lời đã hứa. Lòng trung thành là một sự tín thác muốn thực sự được chia sẻ và là một niềm hy vọng muốn được cùng nhau vun trồng.
“Lòng trung thành với lời hứa thực là một kiệt tác của nhân loại! Nếu chúng ta nhìn vẻ đẹp táo bạo của nó, chúng ta cảm thấy sợ hãi, nhưng nếu chúng ta coi rẻ sự kiên trì can đảm của nó, thì chúng ta sẽ bị hư mất. Không có quan hệ yêu thương nào – không có tình bạn nào, không có hình thức yêu thương nào, không có hạnh phúc nào của công ích – đạt tới cao điểm ước muốn và hy vọng của chúng ta, nếu không đi tới chổ đón nhận phép lạ này của linh hồn. Và tôi gọi đó là “phép lạ’ vì sức mạnh và khả năng thuyết phục của lòng trung thành không bao giờ ngừng làm cho chúng ta thôi ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Danh dự của lời đã hứa, lòng trung thành với lời hứa, không thể mua bán được. Người ta không thể dùng võ lực bó buộc, cũng không thể bảo tồn nó là không có hy sinh.
“Không có trường học nào có thể dạy chân lý tình thương, nếu gia đình không dạy điều ấy. Không có luật lệ nào có thể áp đặt vẻ đẹp và gia sản của kho tàng này của phẩm giá con người, nếu mối liên hệ bản thân giữa tình thương và sự sinh sản không ghi khắc điều ấy trong thân thể chúng ta.
“Cần phải tái lập vinh dự xã hội cho lòng trung thành tình yêu. Cần phải làm nổi bật phép lạ hằng ngày của hằng triệu người nam nữ canh tân nền tảng gia đình của họ, nhờ đó mỗi xã hội sống được.. Không phải tình cờ mà nguyên lý về lòng trung thành với lời hứa yêu thương và sinh sản này được ghi khắc trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa như một phúc lành trường cửu, và thế giới được phó thác cho lòng trung thành ấy.
“Nếu thánh Phaolô có thể quả quyết rằng trong mối liên hệ gia đình có tỏ lộ một cách huyền nhiệm một chân lý quyết định đối với cả liên hệ giữa Chúa và Giáo Hội, nghĩa là Giáo Hội tìm được ở đây phúc lành cần bảo tồn và từ đó Giáo Hội luôn học hỏi, trước khi giảng dạy và thiết định các kỷ luật cho nó. Lòng trung thành của chúng ta với lời hứa cũng luôn được phó thác cho ơn thánh và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tình yêu đối với gia đình nhân loại, khi may mắn cũng như khi bất hạnh, chính là điểm vinh dự đối với Giáo Hội! Xin Chúa ban cho chúng ta sống xứng đáng với lời hứa này. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho các Nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục: Xin Chúa chúc lành cho công việc của các vị, được diễn ra trong tinh thần trung thành sáng tạo, trong niềm tín thác rằng chính Chúa là vị đầu tiên trung thành với những lời Ngài đã hứa.
5. Diễn từ kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Tối thứ Bẩy, 24 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với các tham dự viên Thượng Hội Đồng sau khi việc bỏ phiếu cho văn kiện cuối cùng của Thượng Hội Đồng này đã hoàn tất. Dưới đây là bài nói chuyện của ngài:
Thưa các thượng phụ, các Hồng Y và các giám mục, anh chị em thân mến,
Trước nhất, tôi muốn tạ ơn Thiên Chúa, Đấng, qua Chúa Thánh Thần, đã hướng dẫn diễn trình Thượng Hội Đồng của chúng ta trong những năm tháng qua, Đấng mà sự trợ giúp không bao giờ thiếu đối với Giáo Hội.
Lời cám ơn tận đáy lòng tôi xin được ngỏ với Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, tổng thư ký Thượng Hội Đồng, Đức Cha Fabio Fabene, phó tổng thư ký của nó, và cùng với các ngài, tổng tường viên, Đức Hồng Y Peter Erdő, và thư ký đặc biệt, Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte, các chủ tịch đại biểu, các soạn tác viên, các tham vấn viên và các thông dịch viên, và tất cả những ai đã làm việc không mệt mỏi và hết sức tận tụy cho Giáo Hội: tôi xin hết lòng cám ơn!
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Thưa các nghị phụ Thượng Hội Đồng, các Đại Diện Anh Em, các dự thính viên và các thẩm vấn viên, các cha xứ và các gia đình, tôi cũng muốn cám ơn toàn thể qúy vị vì sự tham dự tích cực và hữu hiệu của qúy vị.
Và tôi xin cám ơn tất cả những người nam nữ không được nêu tên đã đóng góp một cách quảng đại cho công lao của Thượng Hội Đồng này bằng cách âm thầm làm việc phía hậu trường.
Xin qúy vị an tâm về lời cầu nguyện của tôi, xin Chúa thưởng công cho tất cả qúy vị bằng muôn vàn ơn thánh dồi dào của Người.
Khi theo dõi công lao của Thượng Hội Đồng, tôi tự hỏi mình: đối với Giáo Hội, kết thúc Thượng Hội Đồng dành cho gia đình này có nghĩa gì?
Chắc chắn, Thượng Hội Đồng không phải là việc thanh thỏa mọi vấn đề cần phải giải quyết với gia đình, mà đúng hơn là cố gắng nhìn các vấn đề này dưới ánh sáng Tin Mừng và truyền thống cũng như 2 ngàn năm lịch sử của Giáo Hội, đem lại niềm vui hy vọng mà không rơi vào việc dễ dãi nhắc lại những gì hiển nhiên hay đã từng nói tới.
Chắc chắn Thượng Hội Đồng không phải là chuyện tìm các giái pháp thấu đáo cho mọi khó khăn và bất trắc đang thách thức và đe dọa gia đình, mà đúng hơn, nhìn các khó khăn và bất trắc này trong ánh sáng đức tin, cẩn thận nghiên cứu chúng và đương đầu với chúng một cách không sợ hãi, không vùi đầu ta vào trong cát.
Thượng Hội Đồng là để thúc giục mọi người biết đánh giá tầm quan trọng của định chế gia đình và hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, đặt căn bản trên tính nên một và tính không thể hủy tiêu của nó, và biết trân qúy nó như là căn bản nền tảng của xã hội và nhân sinh.
Thượng Hội Đồng là việc lắng nghe và làm người khác lắng nghe tiếng nói của các gia đình và của các mục tử của Giáo Hội, những người đã tới Rôma này, mang trên vai gánh nặng và hy vọng, những phong phú cùng thách đố của các gia đình khắp thế giới.
Thượng Hội Đồng là để biểu lộ sinh lực của Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội không sợ khuấy động các lương tâm cùn nhụt hay làm dơ tay mình bằng những cuộc thảo luận sinh động và thành thực về gia đình.
Thượng Hội Đồng là để cố gắng nhìn và giải thích các thực tại, các thực tại của ngày nay, bằng con mắt Thiên Chúa, để đốt lên ngọn lửa đức tin và soi sáng tâm hồn người ta trong thời buổi nản lòng, khủng hoảng xã hội, kinh tế và luân lý, cũng như chủ nghĩa bi quan đang mỗi ngày mỗi gia tăng.
Thượng Hội Đồng là việc làm chứng để mọi người thấy rằng đối với Giáo Hội, Tin Mừng vẫn tiếp tục là nguồn sinh tử mãi mãi mới mẻ, chống lại bất cứ những ai “nhồi sọ” nó thành những viên đá chết dùng để ném vào người khác.
Thượng Hội Đồng cũng là việc vạch trần những trái tim khépt kín thường nấp đàng sau các giáo huấn của Giáo Hội hay các ý ngay lành, để ngồi lên tòa Môsê mà phán xử, đôi khi với lòng tự tôn và phiến diện, những vụ án khó khăn và các gia đình thương tích.
Thượng Hội Đồng là việc làm cho rõ rằng Giáo Hội là Giáo Hội của người nghèo trong tinh thần và của những người có tội đi tìm sự tha thứ, không chỉ của những người công chính và thánh thiện, mà đúng hơn của những người công chính và thánh thiện chỉ vì cảm thấy mình là những kẻ tội lỗi khốn cùng.
Thượng Hội Đồng là việc cố gắng mở ra nhiều chân trời bao quát hơn, vượt lên trên các lý thuyết âm mưu và các quan điểm bị che mắt, để bảo vệ và truyền bá tự do của con cái Thiên Chúa, và để thông truyền vẻ đẹp của Sự Mới Mẻ Kitô Giáo, đôi khi được cẩn vào một ngôn ngữ cổ lỗ hay không tài nào hiểu được.
Trong suốt Thượng Hội Đồng này, nhiều ý kiến khác nhau, vốn được nói ra một cách tự do, và có lúc, chẳng may, không hoàn toàn có ý tốt, chắc chắn đã dẫn tới một cuộc đối thoại phong phú và sinh động; các ý kiến này đưa ra một hình ảnh sống động về một Giáo Hội không chỉ biết “đóng mộc”, nhưng đã múc được từ nguồn suối đức tin của mình những làn nước nuôi sống làm tươi mát các tâm hồn nứt nẻ.
Và, không kể một số vấn đề tín lý đã được Huấn Quyền Giáo Hội xác định rõ ràng, chúng ta cũng đã thấy có những điều xem ra bình thường đối với một giám mục tại một lục địa, nhưng bị coi là xa lạ, thậm chí gây tai tiếng đối với một giám mục tại một lục địa khác; có những điều bị coi là vi phạm một quyền nào đó trong một xã hội, nhưng lại được coi như một qui định hiển nhiên và bất khả vi phạm tại một xã hội khác; có những điều với người này là tự do lương tâm, nhưng với ngườ kia nó đơn giản chỉ là hỗn độn. Các nền văn hóa quả rất đa dạng, và mỗi nguyên tắc tổng quát cần phải được hội nhập văn hóa, nếu nó muốn được tôn trọng và áp dụng. Thượng Hội Đồng năm 1985, để kỷ niệm 20 năm kết thúc Công Đồng Vatican II, có nói tới việc hội nhập văn hóa như là “việc thay đổi thâm hậu các giá trị văn hóa chân chính qua việc tích hợp chúng vào Kitô Giáo, và làm cho các nền văn hóa nhân bản khác nhau bén rễ vào Kitô Giáo”. Hội nhập văn hóa không làm yếu các giá trị đích thực, mà chứng tỏ sức mạnh đích thực và sự chân chính của chúng, vì chúng thích ứng mà không thay đổi; thực vậy, chúng âm thầm và từ từ biến đổi các nền văn hóa khác nhau.
Cũng nhờ sự phong phú trong tính đa dạng của ta, ta đã thấy cùng một thách thức ấy đang ở trước mặt ta: đó là thách thức công bố Tin Mừng cho con người nam nữ thời nay, và bảo vệ gia đình khỏi mọi tấn kích ý thức hệ và cá nhân chủ nghĩa.
Và bằng cách không bao giờ rơi vào nguy cơ duy tương đối hay nhục mạ người khác, ta tìm cách tiếp nhận, một cách trọn vẹn và can đảm, lòng tốt và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi tính toán phàm nhân của ta và chỉ muốn “mọi người được cứu vớt” (xem 1Tm 2:4). Bằng cách này, ta muốn cảm nghiệm Thượng Hội Đồng này trong bối cảnh Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót, năm mà Giáo Hội đang được kêu gọi cử hành.
Anh em thân mến,
Trải nghiệm Thượng Hội Đồng cũng làm ta hiểu rõ hơn điều này: những người đích thực bảo vệ tín lý không phải là những người đề cao chữ nghĩa của nó mà là tinh thần của nó; không đề cao các ý niệm mà đề cao các con người; không đề cao các công thức mà đề cao tính nhưng không của tình yêu và lòng tha thứ của Thiên Chúa. Điều này không hề làm ta sao lãng sự quan trọng của các công thức, lề luật và giới răn Thiên Chúa, mà đúng hơn hiển dương sự cao cả của Thiên Chúa chân thật, Đấng không xử với ta theo công trạng của ta, thậm chí theo việc làm của ta mà hoàn toàn theo sự đại lượng vô bờ vô bến của lòng thương xót của Người (xem Rm 3:21-30; Tv 129; Lc 11:37-54). Trải nghiệm này phải liên hệ tới việc thắng vượt cơn cám dỗ khôn nguôi của người anh cả (xem Lc 15:25-32) và của những công nhân hay ghen tuông (xem Mt 20:1-16). Thực vậy, nó có nghĩa càng phải đề cao các luật lệ và giới răn được làm vì con người chứ không ngược lại (xem Mc 2:27).
Theo nghĩa trên, việc thống hối, các việc làm và các cố gắng cần thiết của con người mang một ý nghĩa sâu xa hơn, không như giá mua ơn cứu rỗi vốn đã được Chúa Kitô trên thập giá giành cho chúng ta miễn phí, mà như một đáp trả với Đấng đã yêu thương ta trước và cứu vớt ta bằng giá máu vô tội của Người, dù chúng ta vẫn đang là những kẻ có tội (xem Rm 5:6).
Nhiệm vụ thứ nhất của Giáo Hội không phải là chuyển giao các kết án hay vạ tuyệt thông, mà là công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, mời gọi hoán cải, và dẫn mọi người nam nữ tới ơn cứu rỗi trong Chúa (xem Ga 12:44-50).
Chân Phúc Phaolô VI đã nói điều trên một cách hùng biện như sau: “Như thế, ta có thể tưởng tượng ra rằng mỗi tội lỗi của ta, các cố gắng quay lưng ta lại với Thiên Chúa đều khơi lên trong Người một một ngọn lửa yêu thương mãnh liệt hơn, một ý muốn đem ta trở lại với Người và với kế hoạch cứu rỗi của Người… Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô, tự biểu lộ Người là Đấng tốt lành vô cùng… Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Không chỉ trong Người mà thôi; Thiên Chúa, ta hãy nói trong nước mắt, còn tốt lành với ta nữa. Người yêu ta, Người đi tìm ta, Người nghĩ đến ta, Người biết ta, Người chạm tới trái tim ta và Người chờ đợi ta. Có thể nói, Người sẽ hân hoan trong ngày ta trở về và nói: ‘Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì lòng tốt của Ngài’. Nhờ thế, sự thống hối của ta trở nên niềm vui của Thiên Chúa”.
Thánh Gioan Phaolô II cũng tuyên bố rằng “Giáo Hội sống một cuộc sống chân thực khi tuyên xưng và công bố lòng thương xót… và khi đem người ta tới gần các nguồn suối của lòng thương xót của Chúa Cứu Thế, một lòng thương xót mà Giáo Hội là người được trao phó và phân phối”.
Đức Bênêđíctô XVI cũng nói: “Lòng thương xót quả lả cái nhân chính của sứ điệp Tin Mừng; nó là chính tên của Thiên Chúa… Ước chi mọi điều Giáo Hội nói và làm đều biểu lộ lòng thương xót mà Thiên Chúa cảm nhận cho nhân loại. Khi phải nhắc nhở một sự thật không được nhìn nhận hay một điều tốt bị phản bội, Giáo Hội luôn làm thế vì được tình yêu đầy thương xót thúc đẩy, để mọi người được sống và sống dồi dào (xem Ga 10:10).
Dưới ánh sáng của tất cả các điều trên và nhờ thời điểm đầy ơn thánh mà Giáo Hội đang cảm nghiệm trong khi thảo luận về gia đình này, chúng ta cảm thấy được phong phú hóa lẫn nhau. Nhiều người trong chúng ta cảm nhận được việc làm của Chúa Thánh Thần, Đấng là người chủ đạo và hướng dẫn thực sự của Thượng Hội Đồng. Đối với tất cả chúng ta, chữ “gia đình” có một âm hưởng mới, đến nỗi chính chữ này đã gợi lên sự phong phú của ơn gọi gia đình và ý nghĩa các lao công của Thượng Hội Đồng.
Thực vậy, đối với Giáo Hội, kết thúc Thượng Hội Đồng có nghĩa trở về với cuộc “hành trình với nhau” thực sự bằng cách đem đến mọi nơi trên thế giới, mọi giáo phận, mọi cộng đồng và mọi hoàn cảnh, ánh sáng Tin Mừng, vòng tay ôm của Giáo Hội và sự trợ giúp của lòng Chúa thương xót!
Xin cám ơn qúy vị.
Nguồn: Vietcatholic News