1. Thông cảm với những người tội lỗi nhưng không thể nhượng bộ về chân lý
Công bố Lời Chúa không bao giờ được tách biệt khỏi nhận thức về sự yếu đuối của con người. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Bình luận về đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Kitô nói với những người Pharisêu về tội ngoại tình, Đức Thánh Cha nói Chúa vượt qua tầm nhìn của con người trong đó giản lược viễn kiến Thiên Chúa thành một phương trình nan giải.
Đức Giáo Hoàng nói trong Phúc Âm chúng ta thấy đầy rẫy các trường hợp những người Pharisêu và các thầy thông luật cố gắng để gài bẫy Chúa Giêsu bằng cách tìm kiếm những sơ hở của Ngài, hòng làm suy yếu huấn quyền của Ngài cũng như và sự mến chuộng của dân chúng dành cho Ngài. Một trong những nỗ lực đó được nêu trong bài Phúc Âm hôm nay, trong đó những người Pharisêu thử thách Ngài bằng cách hỏi xem liệu một người đàn ông có được rẩy bỏ vợ mình hay không.
Yêu mến sự thật, chứ đừng mưu tìm những quỉ kế
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về “cái bẫy” của những “người nhiều quỉ kế”, được bày ra bởi “một nhóm nhỏ các nhà thần học uyên bác,” tự tin rằng rằng họ “có tất cả các kiến thức và trí tuệ của dân Chúa.” Đó là một cái bẫy mà Chúa Giêsu thoát ra dễ dàng bằng cách “vượt lên trên”, “hướng đến sự viên mãn của hôn nhân.” Đức Thánh Cha nhắc cho cộng đoàn nhớ rằng Chúa đã làm như vậy với những người thuộc bè Sađốc, khi họ hỏi Ngài về trường hợp người phụ nữ đã có bảy người chồng. Chúa Giêsu khẳng định rằng khi được sống lại, người đàn bà ấy sẽ không phải là vợ của bất kỳ người nào, bởi vì “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” (Lc 20:34)
Trong trường hợp đó, Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Kitô hướng tới sự “viên mãn cánh chung” của hôn nhân. Mặt khác, với những người Pharisêu, Ngài nhắc đến “sự viên mãn của sự hài hòa trong sáng tạo.” “Chúa tạo ra con người có nam có nữ”, và “hai người trở thành một xương một thịt.”
“Họ không còn là hai, nhưng một thịt”, và vì thế, “con người không được phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp. Cả trong trường hợp của cuộc hôn nhân theo luật Lêvi và trong trường hợp này, Chúa Giêsu trả lời với một sự thật áp đảo, với một sự thật thẳng thừng: Đây là sự thật! Luôn luôn từ sự viên mãn. Và Chúa Giêsu không bao giờ thương lượng sự thật. Trong khi những người này, nhóm nhỏ này của các nhà thần học uyên bác, luôn luôn đàm phán với sự thật, giản lược sự thật thành những quỉ kế. Chúa Giêsu không bao giờ giản lược sự thật. Và điều này là sự thật về hôn nhân, không thể khác được.
Chân lý và sự cảm thông
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “Nhưng Chúa Giêsu, do thương xót, Ngài thật cao cả nên không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ đóng sầm cánh cửa lại trước những người tội lỗi.” Và vì thế Ngài không tự giới hạn chính mình trong việc rao giảng chân lý của Thiên Chúa, nhưng Ngài đi xa hơn khi hỏi những người Pharisêu xem ông Môisê đã thiết định những gì trong Luật. Và khi những người Pharisêu trả lời rằng ông Môisê cho phép một người chồng viết đơn ly dị, Chúa Giêsu trả lời rằng điều này đã được cho phép “vì sự cứng lòng của các ngươi.” Như thế, Đức Thánh Cha giải thích, Chúa Giêsu luôn luôn phân biệt giữa sự thật và “sự yếu đuối của con người” mà không “bẻ cong chữ nghĩa”
Trong thế giới chúng ta đang sống, với nền văn hóa tạm bợ, thực tế của tội lỗi là quá mạnh. Nhưng Chúa Giêsu, khi nhắc nhớ đến ông Môisê, đã nói với chúng ta rằng: “Có sự chai cứng con tim, có tội lỗi, nhưng cũng có một điều gì đó có thể được thực hiện, đó là sự tha thứ, sự hiểu biết, tháp tùng, hội nhập, phân định các trường hợp … Nhưng luôn luôn … sự thật không thể bị bán rẻ. Và Chúa Giêsu khả năng khẳng định sự thật rất tuyệt vời này, đồng thời cảm thông với người tội lỗi, với kẻ yếu đuối.
Tha thứ không phải là một phương trình
Và như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, đây là “hai điều mà Chúa Giêsu dạy chúng ta: sự thật và sự cảm thông.” Đây là những gì các “nhà thần học uyên bác” thất bại, bởi vì họ bị đóng kín trong cái bẫy của “một phương trình toán học” khi tìm kiếm xem “điều này có được phép làm hay không? Hay nó không được phép? “và như vậy họ “không có chân trời rộng lớn, cũng chẳng có tình yêu” trước sự yếu đuối của con người.
Đức Thánh Cha kết luận rằng chỉ cần nhìn “sự tinh tế” trong cách thức Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ ngoại tình, là người sắp bị ném đá là đủ: “Không, tôi không lên án chị. Hãy đi, và đừng phạm tội nữa”
Xin Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có một tâm hồn gắn bó với sự thật, nhưng đồng thời là một tâm hồn hiểu biết và cảm thông với tất cả những anh chị em chúng ta đang gặp khó khăn. Và đây là một ân sủng, đây là những gì Chúa Thánh Thần dạy chúng ta, chứ không phải những thầy thông luật uyên bác này, là những kẻ dạy chúng ta cần phải giản lược sự viên mãn của Thiên Chúa thành một phương trình nan giải.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.
2. Kẻ giàu có bóc lột người lao động giống như đỉa hút máu.
Ai bóc lột người khác trong lao động để làm giàu cũng giống như những con đỉa hút máu. Đó là tội trọng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 19.05, tại nguyện đường thánh Marta.
Kẻ giàu hút máu người nghèo
“Bài đọc một trích thư Gia-cô-bê là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với những kẻ giàu có tích trữ tiền bạc, bóc lột người khác. Giàu có tự bản chất là tốt nhưng nó chỉ là phương tiện, có tính tương đối chứ không phải là cùng đích. Có nhiều người đã lầm lạc khi cố gắng theo đuổi một cái gọi là ‘nền thần học về sự thịnh vượng’ với lý lẽ rằng: Nếu Thiên Chúa thấy bạn công chính, Người sẽ ban cho bạn dư đầy của cải. Vâng, giàu có là tốt. Nhưng vấn đề ở đây là đừng để tâm hồn mình quá dính bén với giàu có, vì chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.
Sự giàu có hay tiền của sẽ trở thành những dây xích ràng buộc ta, tước mất tự do để bước theo Đức Giêsu. Thánh Gia-cô-bê nói: ‘Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những người thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.’
Khi giàu có được tạo nên bằng việc bóc lột người khác, người giầu bóc lột người nghèo, thì chính những người nghèo ấy dần dần biến thành nô lệ. Hãy nghĩ đến thế giới ngày hôm nay của chúng ta, tình trạng ấy cũng như vậy thôi. ‘Tôi muốn làm việc.’- ‘Vâng, tốt thôi. Chúng ta hãy kí hợp đồng, từ tháng 9 đến tháng 6. Không có trợ cấp về hưu dưỡng, không có bảo hiểm sức khỏe…’ Lương chỉ được tính đến tháng 6, vậy tháng 7 và tháng 8 biết lấy chỉ mà ăn. Chẳng lẽ chỉ ngồi ngáp gió? Tới tháng 9 người ta mới tính lương lại cho công nhân. Những người tính toán chi li như thế thật giống như những con đỉa, sống nhờ vào xương máu của những người lao động, đã bị họ biến thành nô lệ.”
Bóc lột lao động là tội trọng
Đức Thánh Cha nhớ lại có lần người ta đã kể với ngài về một cô gái kiếm được một công việc, phải làm 11 giờ mỗi ngày với 650 euro mà không được khai báo, tức là cô không hề nhận được những phúc lợi xã hội như lương hưu và bảo hiểm y tế. Họ nói với cô: ‘Nếu cô thích, thì vào làm; còn không thích, thì cút đi. Còn nhiều người khác đang chờ tới phiên kìa. Sau cô còn một hàng dài.’ Thánh Tông đồ Gia-cô-bê đã nói về những người giàu, được vỗ béo trong của cải này là: ‘Lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại. Máu của những người mà các ngươi bóc lột đã kêu thấu đến tai Thiên Chúa.’ Đó là tiếng kêu đòi công lý. Ngày hôm nay, việc khai thác bóc lột người khác thực sự là một hình thức nô lệ. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng nô lệ không còn tồn tại nữa. Nhưng thật sự nó vẫn tồn tại. Đúng là không còn cảnh những người đến Châu Phi bắt dân bản địa bán làm nô lệ nữa. Nhưng trong chính những thành phố của chúng ta, vẫn có những con buôn khi họ đối xử với người lao động cách bất công.
Ngày hôm qua, trong buổi tiếp kiến chung, chúng ta đã cùng suy tư về hình ảnh người phú hộ và anh Lazarô nghèo khổ. Người phú hộ ngự trị trong thế giới riêng của mình và không nhận ra bên cạnh cửa nhà có một người đang chết đói. Ông phú hộ đã không nhận ra và để cho người ta chết đói trước cửa. Thật vậy, ngày hôm nay, có những người đang chết đói khi phải làm việc để mang lại lợi nhuận cho người khác. Sống trên xương máu của người khác là một tội trọng. Cần phải có lòng ăn năn sám hối thật nhiều và một sự bồi thường thật xứng đáng mới có thể đền bù được tội lỗi này.
Lễ tang của kẻ bủn xỉn
Người ta hay kể câu chuyện về tang lễ của một ông bủn xỉn: Sau lễ, người ta không đóng nắp quan tài của ông lại được vì ông muốn mang theo tất cả những gì ông có. Tuy nhiên, ông không mang theo được gì hết. Dù có giàu có đến đâu, khi chết đi, người ta cũng không thể mang theo được gì.
Chúng ta hãy xem những tấn kịch cuộc đời: bóc lột người khác, bòn rút xương máu người khác, biến người khác trở thành nô lệ, những kẻ buôn người – không chỉ buôn bán phụ nữ trong các ngành kỹ nghệ mại dâm và buôn bán trẻ em để bóc lột sức lao động nhưng còn có một hình thức buôn bán khác ẩn dưới lớp vỏ ‘văn minh’: ‘Tôi trả công cho anh như thế, nhưng anh không hề có kỳ nghỉ, không có bảo hiểm sức khỏe, không có gì hết…. Mọi thứ đều không được khai báo. Nhờ làm như thế, tôi mới trở nên giàu có.’
Xin Chúa cho chúng ta hiểu được sự đơn sơ, giản dị mà ngày hôm nay Đức Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng: Một chén nước lã vì danh Đức Giêsu thì quan trọng hơn nhiều so với sự giàu có được tích góp bằng việc bóc lột người khác.”
3. Câu Chuyện một phép lạ vĩ đại mà có thể bạn chưa bao giờ biết đến.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Vào Chúa Nhật, 10/03/1847, hơn 2,000 người ở Ocotlán, Mễ Tây Cơ đã thấy một hình ảnh hoàn mỹ về Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh xuất hiện trên bầu trời trong khoảng 30 phút.
“Phép lạ Ocotlán”, được tổng giáo phận Guadaljara chính thức công nhận vào năm 1911, đã diễn ra một ngày trước một trận động đất kinh hoàng làm thiệt mạng 40 người và biến thị trấn Ocotlán, bang Jalisco thành một đống hoang tàn.
Trước khi cha Julián Navarro là cha phó xứ cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Nhà Nguyện Mẹ Vô Nghiễm thì có hai đám mây trắng hợp lại với nhau ở bầu trời phía tây bắc, nơi xuất hiện hình ảnh Đức Kitô.
Những người hiện diện trong nghĩa trang và cư dân những thị trấn lân cận đã xúc động sâu sắc. Họ làm những hành vi tôn kính, và kêu van, “Lạy Chúa xin xót thương!” Cuộc hiện ra này của Đức Kitô được gọi là “Chúa Thương Xót” và để làm vinh danh Ngài, vào tháng 9 năm 1875, một nhà thờ giáo xứ mới được làm phép, và cung hiến cho Ngài.
Trong số các tín hữu chứng kiến phép lạ hôm ấy có cha Julián Martín del Campo, là cha xứ, và ông Antonio Jiménez, thị trưởng của thị trấn. Cả hai người đã gửi thư đến những bề trên thẩm quyền của mình để tường thuật lại sự việc.
Sau phép lạ diễn ra, một hồ sơ về sự kiện được viết ra với 30 người chứng kiến làm chứng. Năm mươi năm sau, vào năm 1897, theo lệnh của Đức Tổng Giám Mục Guadaljara lúc bấy giờ là Đức Pedro Loza y Pardavé, một hồ sơ khác của sự kiện được thực hiện, với 30 người chứng khác gồm cả 5 vị linh mục.
Vào ngày 29/09/1911, Đức Tổng Giám Mục Guadalajara vào thời đó, là Đức Hồng Y José de Jesús Ortiz y Rodríguez, đã ký một văn bản công nhận sự hiện ra của Chúa Giêsu Kitô tại Ocotlán, và việc thờ phượng và tôn kính được trao cho người dân của khu vực nơi có bức tượng tôn kính Thiên Chúa Thương Xót đặt ở trong đền thờ cùng tên.
“Chúng ta phải nhìn nhận như một sự kiện lịch sử, đã được chứng minh cách hoàn hảo, cuộc hiện ra hình ảnh đầy ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô Chịu Nạn…và rằng đó không phải là việc làm của một trò ảo giác hay gian lận, bởi vì biến cố xảy ra ngay giữa ban ngày, dưới sự chứng kiến của hơn 2,000 người”, Đức Hồng Y nói.
Để Thiên Chúa Thương Xót không bao giờ bị lãng quên, ngài cũng truyền rằng các tín hữu phải “qui tụ với nhau bằng mọi cách có thể, sau khi đã thanh luyện lương tâm của mình bằng bí tích Giải Tội, cũng như việc Rước Mình Thánh Chúa; và trang trọng thề trước sự hiện diện của Thiên Chúa rằng chính bản thân họ và con cháu họ, năm này qua năm khác sẽ cử hành ngày 03/10”.
Sau khi phép lạ được công nhận và thể theo ý của Đức Tổng Giám Mục Guadalajara, vào năm 1912, dân chúng bắt đầu những lễ hội công khai để tôn vinh Chúa Thương Xót, trong khi nhắc lại Phép Lạ năm 1847. Các buổi cử hành hiện kéo dài đến 13 ngày, từ ngày 20/09 đến 03/10 hàng năm.
Sau này, vào năm 1997, Thánh Gioan Phaolô II đã ban Phép Lành Toà Thánh cho người dân Ocotlán nhân dịp kỷ niệm 150 năm xảy ra phép lạ.
4. Tiền bạc và quyền lực làm nhơ bẩn Giáo Hội
Con đường mà Đức Giêsu chỉ ra là con đường yêu thương, phục vụ, nhưng trong Giáo Hội, người ta lại thường đi tìm kiếm quyền lực, tiền bạc và những điều phù phiếm khác. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 17.05, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải chiến thắng cám dỗ của thế gian muốn chia rẽ Giáo Hội và cảnh giác những kẻ ‘cơ hội’. Họ là những người luôn tìm cách loại trừ người khác để leo lên vị trí cao hơn.
Các Kitô hữu phải chiến thắng cám dỗ quyền lực
“Các môn đệ có cám dỗ về quyền lực. Họ suy nghĩ theo tinh thần thế gian. Các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Nhưng Đức Giêsu nói với các ông rằng phải làm người rốt hết, phải làm người phục vụ mọi người.
Tiêu chuẩn trên con đường mà Đức Giêsu chỉ ra chính là sự phục vụ. Người đứng đầu phải là người phục vụ, khiêm nhường phục vụ người khác chứ không huênh hoang, tự đắc, chỉ lo tìm kiếm quyền lực, tiền tài và những thứ phù phiếm khác. Nếu ai không phục vụ thì không phải là người lớn hơn cả. Tranh cãi với nhau xem ai là người lớn hơn cả đã là chuyện xảy ra với các tông đồ, cũng như với mẹ của Gioan và Giacôbê. Và đó cũng chính là điều diễn ra ngày hôm nay trong Giáo Hội, trong mỗi cộng đoàn. Trong chúng ta, ai là người lớn hơn cả? Ai là người ra lệnh? Trong mỗi cộng đoàn, trong các xứ đạo, trong các tổ chức luôn có một ước muốn được thăng tiến, được leo thật cao trên nấc thang quyền lực.
Bài đọc một thuật lại một đoạn trong lá thư của thánh Giacôbê, trong đó thánh nhân đã cảnh giác mọi người trước đam mê quyền lực, ghen ghét, ganh tị dẫn đến việc loại trừ lẫn nhau.
Đây cũng là thông điệp cho Giáo Hội ngày hôm nay. Thế gian cho rằng ai có nhiều quyền lực sẽ là người chỉ huy. Nhưng Đức Giêsu lại tuyên bố ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.
Khi chúng ta có những ước muốn thế tục, muốn nhiều quyền lực, muốn được phục vụ chứ không phục vụ, thì sẽ rất dễ dẫn đến việc chúng ta nói xấu và loại trừ người khác. Sự ghen ghét và đố kỵ cũng khiến người ta làm như thế. Tất cả chúng ta đều biết điều này. Nó xảy ra trong mọi tổ chức của Giáo Hội: xứ đạo, trường học, giáo phận và thậm chí là trong giám mục đoàn. Ước muốn của tinh thần thế gian chính là tinh thần của sự giàu có, của danh vọng và những thứ phù phiếm. Đức Giêsu đã dạy sự khiêm nhường phục vụ nhưng các môn đệ lại cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong số họ. Đức Giêsu đến thế gian này để phục vụ và ngài dạy cho chúng ta con đường của sự phục vụ, của khiêm hạ.
Yêu thế gian là ghét Thiên Chúa
Khi các vị đại thánh nói họ cảm thấy mình rất tội lỗi, đó là vì họ hiểu được tinh thần thế gian đang tồn tại trong tâm hồn họ, và họ bị cám dỗ rất nhiều bởi những tinh thần ấy. Không ai trong chúng ta có thể nói: Tôi là thánh. Tôi trong sạch.
Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ bởi tinh thần thế gian. Chúng ta bị cám dỗ loại trừ người khác để leo lên những vị trị trên cao. Đó chính là cám dỗ của thế gian, gây chia rẽ và hủy hoại Giáo Hội, chứ không phải là Thần Khí của Đức Giêsu.
Chúng ta hãy hình dung cảnh này: Khi Đức Giêsu nói những lời khiêm tốn phục vụ, các môn đệ thưa: ‘Thôi Thầy ơi, đừng yêu cầu quá nhiều. Chúng ta hãy đi thôi’. Và sau đó, các ông lại thích cãi vã với nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rất nhiều lần chúng ta đã thấy điều này xảy ra trong Giáo Hội và ngay cả chúng ta cũng đã làm như thế. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta, để chúng ta hiểu ra rằng yêu thế gian, hay yêu tinh thần thế gian, tức là ghét Thiên Chúa.”
Nguồn: Vietcatholic News