Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 17/9 – 23/09/2015: Câu chuyện “Tôi là người bất hạnh nhất trần đời”

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 17/9 – 23/09/2015: Câu chuyện “Tôi là người bất hạnh nhất trần đời”

 

1. Giáo Hội là một người mẹ, không phải là một hiệp hội cứng nhắc

Giáo Hội là một người mẹ nơi cảm giác yêu thương và dịu dàng từ mẫu, cũng như sự ấm áp nhân bản được cảm nhận, nếu không tất cả những gì còn lại chỉ là sự cứng nhắc và kỷ luật. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 15 tháng Chín, lễ Đức Mẹ Sầu Bi, tại nhà nguyện Santa Marta. Chín vị Hồng Y đang tham dự khóa họp về cải tổ giáo triều Rôma cũng đã tham dự thánh lễ.

Những suy tư trong bài giảng của Đức Thánh Cha đã dựa trên những lời Chúa Giêsu trối lại từ trên Thập giá khi Ngài phó ông Thánh Gioan làm con Đức Mẹ và ủy thác sự chăm sóc Mẹ Ngài cho vị tông đồ được Ngài yêu mến. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu không để chúng ta mồ côi. Chúng ta có một người mẹ bảo vệ chúng ta.

“Trong thời buổi này tôi không biết đó có phải là một cảm giác thịnh hành không; nhưng trong thế giới của chúng ta có một cảm giác rất lớn là bị mồ côi, thế giới này là một thế giới mồ côi. Từ này có một tầm quan trọng rất lớn, đó là tầm quan trọng khi Chúa Giêsu nói với chúng ta: ‘Thầy không để anh em mồ côi, Thầy ban cho anh em một người mẹ.’ Và đây cũng là một nguồn mạch cho niềm tự hào của chúng ta. Đó là chúng ta có một người mẹ, một người mẹ bên cạnh chúng ta, bảo vệ chúng ta, đồng hành cùng chúng ta, giúp đỡ chúng ta, ngay cả trong những thời điểm khó khăn hay kinh hoàng.”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Lòng từ mẫu của Đức Maria, vượt khỏi Mẹ và lan xa. Từ đó, xuất hiện một người mẹ thứ hai, đó là Mẹ Giáo Hội.

“Giáo Hội là mẹ của chúng ta. ‘Giáo Hội Mẹ Thánh’ của chúng ta được hình thành thông qua phép rửa của chúng ta, làm cho chúng ta lớn lên trong cộng đồng của mình và có thái độ của người mẹ: hiền lành và nhân ái. Mẹ Maria của chúng ta và Giáo Hội Mẹ của chúng ta biết làm thế nào để vuốt ve con cái của mình và thể hiện sự dịu dàng. Nghĩ về Giáo Hội mà không có cảm giác của lòng từ mẫu là nghĩ về một hiệp hội cứng nhắc, một hiệp hội không có sự ấm áp nhân bản, là nghĩ đến một đứa trẻ mồ côi.”

“Giáo Hội là mẹ của chúng ta và chào đón tất cả chúng ta như một người mẹ: Mẹ Maria của chúng ta, Giáo Hội Mẹ chúng ta, và lòng từ mẫu này được thể hiện qua thái độ hoan nghênh, hiểu biết, nhân lành, tha thứ và dịu dàng.”

“Và nơi đâu có lòng từ mẫu và sự sống, ở đó có cuộc sống, có niềm vui, có hòa bình và chúng ta lớn trong hòa bình. Thiếu vắng lòng từ mẫu này tất cả những gì còn lại chỉ là sự cứng nhắc, kỷ luật và mọi người không biết làm thế nào để mỉm cười. Một trong những điều đẹp nhất và nhân bản nhất là mỉm cười với một đứa trẻ và làm cho đứa bé ấy cười.”

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói: “Xin Chúa cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay, hệt như Ngài lại đang phó mình trong tay Cha thay mặt cho chúng ta và nói: ‘Này Con, này là mẹ con!’”

2. Hãy dõi theo con đường Thánh Giá , tránh xa các chước ma quỷ cám dỗ

Nếu chúng ta muốn tiến tới “trên con đường đời sống Kitô”, chúng ta phải hạ mình xuống, như Chúa Giêsu đã làm trên Thánh Giá. Đây là thông điệp trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Hai 14 tháng 9 trong Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà nguyện Santa Marta, cùng với sự tham dự của các Hồng Y thuộc nhóm 9 vị Hồng Y cố vấn đang họp tại Vatican cho đến ngày 16 tháng 9.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã dựa trên bài đọc trong ngày kể về con rắn trong sa mạc và những cám dỗ mà ma quỷ quyến rũ chúng ta để rồi tiêu diệt chúng ta. Ngài lưu ý rằng nhân vật chính trong dụ ngôn này là một con rắn, là ma quỷ, là “đứa xảo quyệt và có tài quyến rũ”.

Kinh Thánh nói thêm với chúng ta rằng “ma quỷ là một đứa dối trá, hay ghen ghét, và vì sự ghen tị của ma quỷ, tội lỗi đã lẻn vào thế gian. Tài cám dỗ chúng ta của ma quỷ triệt hạ chúng ta.”

Đức Thánh Cha cảnh báo: “Ma quỷ hứa hẹn nhiều điều, nhưng đến lúc chúng ta tỉnh ngộ giá phải trả là rất cao.”

Đề cập đến Thánh Phaolô, là người đã nổi giận nói với các Kitô hữu thành Galát rằng “Hỡi những người Galát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?. . Anh em ngu xuẩn như thế sao?.. Bấy nhiêu kinh nghiệm anh em đã trải qua, lại uổng công sao?” (Thư Galát 3:1-4), Đức Thánh Cha nói họ đã bị con rắn này làm cho hư hỏng. Điều này, Đức Thánh Cha nhận xét rằng, không có gì là lạ; điều này nằm trong tâm thức người dân Israel.

Đức Giáo Hoàng sau đó đã đề cập đến câu chuyện Chúa nói với ông Môsê, “hãy làm một con rắn bằng đồng và những ai [bị rắn cắn] ngước nhìn lên nó sẽ được cứu”. Điều này, Đức Thánh Cha giải thích rằng cũng là “một lời tiên tri, một lời hứa không phải là dễ hiểu”. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, “Như ông Môise treo con rắn trong sa mạc lên, cũng thế Con Người cũng sẽ bị treo lên, để ai tin vào Ngài thì được sự sống đời đời.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng con rắn bằng đồng tiêu biểu cho Chúa Giêsu, Đấng đã phải chịu treo trên thập giá.

“Tại sao Chúa chọn hình ảnh thê thảm và xấu xí này. Đơn giản bởi vì Ngài đã đến để gánh lên trên vai mình tất cả tội lỗi của chúng ta, và Ngài đã trở thành tội nhân lớn nhất mà chẳng hề mắc bất cứ tội lỗi nào. Thánh Phaolô nói với chúng ta: ‘Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.’ (2 Côrintô 5:21). Khi chấp nhận hình ảnh thê thảm và xấu xí ấy, Ngài trở thành con rắn đồng, thành hiện thân của tội lỗi để cứu chúng ta. Đây là thông điệp của Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay, đây là con đường của Chúa Giêsu.”

“Con đường của Ngài là trở thành phàm nhân giữa chúng ta và gánh lấy mọi tội lỗi của chúng ta lên chính mình. Và Thánh Phaolô giải thích với dân thành Philipphê, là những người mà ông rất thương mến: ‘Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự.’

Con đường của Chúa Giêsu là “trút bỏ chính mình, Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta. Ngài đã trở nên xấu xí như con rắn.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Chúng ta thường nhìn thấy những bức tranh đẹp mô tả lúc Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, nhưng thực tế khác rất xa. Thân thể Ngài đã bị rách nát và đẫm máu bởi tội lỗi của chúng ta. Đây là con đường Chúa đã chọn để đánh bại con rắn theo đường lối của mình. Chúng ta phải nhìn vào Thập Giá của Chúa Giêsu, không phải vào những đường nét nghệ thuật, vào những bức tranh đẹp, nhưng vào thực tế. Và chúng ta phải hướng nhìn vào con đường của Ngài, và nhìn vào Thiên Chúa, là Đấng tiêu diệt chính mình, là Đấng đã cúi xuống để cứu chúng ta.”

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với những lời như sau: “Con đường của người Kitô hữu là nếu ai muốn tiến trên con đường đời sống Kitô, người ấy phải biết tự hạ mình như Chúa Giêsu. Đó là con đường của sự khiêm nhường, vâng, điều đó cũng có nghĩa là người ấy phải gánh lấy nhục nhã vào mình như Chúa Giêsu đã làm.”

3. Câu chuyện “Tôi là người bất hạnh nhất trần đời”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Quý vị và anh chị em vừa nghe một trích đoạn trong bản giao hưởng số 5 cung C thứ của nhà soạn nhạc tài hoa Beethoven được giàn giao hưởng Berlin trình bày.

Đây là một bản giao hưởng quen thuộc với nhiều người và các chương trình truyền hình của chúng tôi cũng thường dùng làm những cách đoạn giữa 2 bản tin hay hai câu chuyện.

Nhiều người rất muốn được nổi tiếng lẫy lừng, được lưu danh thiên cổ như Beethoven, nhưng ít người biết rằng lúc sinh thời nhà soạn nhạc danh tiếng lẫy lừng này thường cho rằng “Tôi là người bất hạnh nhất trần đời”.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,

Cuộc đời của nhạc sĩ Beethoven, ngay cả khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, cũng không phải là một cuộc đời hạnh phúc. Tất cả những người viết tiểu sử của nhạc sĩ đều ghi nhận rằng ông đã qua một thời tuổi thơ khốn khổ. Cha ông đã xem kỳ tài âm nhạc của ông như một cơ hội để làm tiền. Thần đồng âm nhạc đã phải ngồi vào đàn Piano từ sáng tới chiều, đến độ ông đâm chán cả âm nhạc. Chỉ có mẹ ông mới là nguồn an ủi duy nhất của ông trong lúc tuổi thơ, nhưng bà đã mất năm ông mới 17 tuổi.

Năm 28 tuổi, Beethoven bắt đầu bị điếc. Ông cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Và tai họa đã tiếp diễn cho đến cuối đời ông.

Tuy nhiên, con người “bất hạnh nhất trần gian ấy” như ông thường nói về mình đã sáng tác những dòng nhạc bất hủ nhất ở cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19.

Trong sứ điệp Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân được cử hành vào ngày 11 tháng 2 năm 2016 với đề tài: “Tín thác nơi Chúa Giêsu từ bi như Mẹ Maria: Bất cứ gì Ngài nói với anh em, hãy cứ làm như vậy”, Đức Thánh Cha đã muốn trả lời cho câu hỏi mà nhiều người bệnh, đặc biệt là bệnh nặng, thường đưa ra “Tại sao lại là tôi?” 

Bệnh tật khiến cho chúng ta bị khủng hoảng và dễ bị cám dỗ rơi vào thất vọng và nổi loạn, vì nghĩ rằng đã mất mọi sự. Nhưng chính trong những lúc như thế đức tin vén mở cho chúng ta thấy tiềm năng tích cực của bệnh tật. Đức tin không làm cho bệnh tật hay khổ đau biến mất, nhưng cung cấp cho chúng ta một chìa khóa đọc hiểu, qua đó có thể khám phá ra ý nghĩa sâu xa của sự sống con người. Và Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, là “chuyên viên sự sống”, trao ban chìa khóa đó cho chúng ta, giúp chúng ta tiến tới gần Chúa Giêsu hơn.

4. Phụ nữ mang trong mình một phước lành bí mật và đặc biệt

Phụ nữ mang trong mình một phước lành bí mật và đặc biệt của Thiên Chúa để bảo vệ con cái khỏi Kẻ Dữ. Thiên Chúa ghi dấu người đàn bà với một hàng rào che chở chống lại sự dữ, mà bà có thể sử dụng cho mỗi thế hệ nếu muốn. Phước lành đó là nền tảng của một nền thần học về nữ giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiêp kiến chúng sáng thứ Tư 16 tháng 9.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói ngài kết thúc loạt bài giáo lý về hôn nhân và gia đình với đề tài “tương quan giữa gia đình và các dân tộc.” Ngài nói: chúng ta đang đứng trước hai biến cố lớn liên quan tới đề tài này: đó là cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia bên Hoa Kỳ và Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình tại Roma. Cả hai đều có chiều kích quốc tế tương xứng với chiều kích đại đồng của Kitô giáo, nhưng cũng tương xứng với tầm quan trọng phổ quát của cộng đoàn nhân loại nền tảng và không thể thay thế được chính là gia đình. Đức Thánh Cha nhận xét xã hội trong đó gia đình phải sống như sau:

Nền văn minh đang đi qua hiện nay xem ra bị ghi dấu bởi các hậu quả dài hạn của một xã hội bị quản trị bởi chế độ kỹ thuật kinh tế. Luân lý đạo đức tuỳ thuộc cái luận lý của lợi nhuận đã thủ đắc các phương tiện to lớn và được các phương tiện truyền thông khổng lồ yểm trợ. Trong bối cảnh này một liên minh mới của người nam và người nữ cũng trở thành chiến thuật giúp các dân tộc thoát khỏi ách thực dân của tiền bạc. Liên minh đó phải trở lại hướng dẫn chính trị, kinh tế và cuộc sống chung dân sự. Nó định đoạt phẩm giá của con người trên trái đất, việc thông truyền tình cảm sự sống, các mối dây của ký ức và niềm hy vọng.

Cộng đoàn hôn nhân gia đình của người nam và người nữ là văn phạm sinh nở của liên minh này, mà chúng ta có thể nói là “nút thắt bằng vàng”. 

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: 

Chính từ Lời kinh thánh về việc tạo dựng chúng ta đã đặt làm nền tảng cho các suy tư về gia đình trong các buổi gặp gỡ ngày thứ tư. Chúng ta có thể và phải kín múc trở lại lời đó một cách sâu rộng hơn. Đây là một việc làm lớn nhưng cũng hứng thú chờ đợi chúng ta. Việc tạo dựng của Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là một tiền đề triết lý: nó là chân trời đại đồng của đức tin! Không có một dự án tạo dựng và cứu rỗi khác của Thiên Chúa. Chính cho sự cứu rỗi thụ tạo, của mỗi thụ tạo, mà Thiên Chúa đã làm người: “cho loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” như Kinh Tin Kính nói. Và Chúa Giêsu phục sinh là “con đầu lòng của mọi thụ tạo” (Cl 1,15).

Thế giới đưọc tạo dựng được giao phó cho người nam và người nữ: điều xảy ra trao ban dấu ấn cho tất cả. Việc khước từ phước lành của Thiên Chúa của họ, một cách thê thảm, dẫn đưa tới một mê sảng muốn toàn quyền làm hư hỏng mọi sự. Đó là điều mà chúng ta gọi là “tội tổ tông”. Và chúng ta tất cả đều vào đời với gia tài của căn bệnh ấy.

Tuy thế, chúng ta không bị chúc dữ cũng không bị bỏ rơi cho chính mình. Trình thuật cổ xưa về tình yêu đầu tiên của Thiên Chúa đối vói người nam và người nữ, đã có các trang được viết bằng lửa liên quan tới sự kiện này. “Ta sẽ đặt thù nghịch giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng dõi bà và dòng dõi ngươi” (St 3,15a). Đó là những lời Thiên Chúa đã nói với con rắn lừa dối. Qua các lời này Thiên Chúa ghi dấu người đàn bà với một hàng rảo che chở chống lại sự dữ, mà bà có thể sử dụng cho mỗi thế hệ, nếu muốn, Nó có nghĩa là người nữ mang trong mình một phước lành bí mật và đặc biệt, giúp chống lại Kẻ Dữ! Như Người Đàn Bà trong sách Khải Huyền chạy đi giấu con khỏi Con Rồng. Và Thiên Chúa che chở bà (x, Kh 12,6). Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Anh chị em hãy nghĩ coi sự sâu xa nào được mở ra ở đây! Có nhiều kiểu nói thuộc lòng, đôi khi gây xúc phạm đối với người đàn bà cám dỗ gọi hứng cho sự dữ. Trái lại, có chỗ cho một nền thần học về phụ nữ ở độ cao phước lành của Thiên Chúa đối với nàng và đối với việc sinh con!

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Dù sao đi nữa, sự chở che thương xót của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ không bao giờ thuyên giảm cho cả hai. Chúng ta đừng quên điều này! Ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Kinh nói với chúng ta rằng trước khi họ xa rời Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã làm cho người nam và người nữ các chiếc áo bằng da và mặc cho họ (x. St 3,21). Cử chỉ dịu hiền này cũng có nghĩa là trong các hậu quả đớn đau của tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa vẫn không muốn rằng chúng ta trần truồng và bị bỏ rơi cho số phận của chúng ta là những người tội lỗi. Sự dịu hiền ấy của Thiên Chúa, sự săn sóc này đối với chúng ta, chúng ta trông thấy được nhập thể nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, Con Thiên Chúa “sinh ra từ người đàn bà” (Gl 4,4) Và thánh Phaolô còn luôn luôn nói rằng: “trong khi chúng ta còn là các tội nhân, Chúa Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5,8).

Lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa với người nam và người nữ, ở nguồn gốc của lịch sử, bao gồm tất cả mọi người, cho tới ngày lịch sử kết thúc. Nếu chúng ta có đức tin đủ, các gia đình của các dân tộc trên trái đất sẽ nhận biết phước lành này. Dầu sao đi nữa, bất cứ ai để cho mình cảm động bởi quan điểm này, dù họ có thuộc dân tộc nào, quốc gia nào hay tôn giáo nào đi nữa, họ đều tiến bước với chúng ta,. Họ sẽ là anh chị em của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các gia đình tại khắp mọi nơi trên trái đất này! Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em.

Nguồn: Vietcatholic News

h4

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN