Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 16 – 22/05/2017: Câu chuyện phép lạ Fatima

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 16 – 22/05/2017: Câu chuyện phép lạ Fatima

1. Thánh Thần giúp hiệp nhất, còn ý thức hệ gây chia rẽ

Giáo lý lành mạnh và đúng đắn giúp tạo nên sự hiệp nhất, còn ý thức hệ thì gây ra chia rẽ. Đi theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì tâm hồn luôn rộng mở và hướng đến hiệp nhất. Đi theo các ý thức hệ, chỉ dẫn tới sự khép kín và chia rẽ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 19 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay kể về hai thái độ, hai lối hành xử khác nhau. Thứ nhất là cách thức của các tông đồ, cách thức của hiệp nhất. Khi có vấn đề nảy sinh, nhóm các tông đồ đã họp lại để cùng nhau thảo luận. Thứ hai là cách thức của những người gây chia rẽ. Có những người khác lại đi tạo ra những vấn đề. Họ gây ra điều này điều nọ để chia rẽ Giáo Hội. Họ nói rằng những gì các tông đồ nói thì không thật, không đúng như Chúa Giêsu nói.

Sau khi thảo luận với nhau, các tông đồ đã đồng tâm nhất trí về cách giải quyết vấn đề. Nhưng chúng ta hãy lưu ý rằng, đây không phải là lối đồng thuận kiểu chính trị. Bởi lẽ các Tông Đồ được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần. Các ngài được Thánh Thần hướng dẫn để nói điều gì cần nói, và không nói những điều không nên nói tại thời điểm đó. Với các bổn đạo mới không phải là Do thái, các tông đồ viết: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn máu sống, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm.”

Nhưng luôn có những người đi vào cộng đoàn với tâm hồn buồn bã và than phiền rằng: “Ồ, không. Cái điều mà các ông ấy nói là dị giáo, không thể nói như thế được, không thể như thế, học thuyết của Giáo Hội phải như thế này này…” Và như thế, họ trở thành những người cuồng tín về những điều không sáng tỏ. Khi làm như thế, họ đang chia rẽ cộng đoàn. Vấn đề ở đây là: học thuyết của Giáo Hội vừa đến từ Tin Mừng vừa đến từ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói: Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ nhắc anh em nhớ mọi điều Thầy đã dạy anh em. Tuy nhiên, có những người nhầm lẫn giữa học thuyết của Giáo Hội với các ý thức hệ. Đây là sự nhầm lẫn lớn nhất của họ.

Những người nhẫm lẫn như thế, thay vì trở thành các tín hữu, họ lại đi theo các ý thức hệ. Đi theo ý thức hệ có nghĩa là đóng cửa tâm hồn trước hoạt động của Thần Khí. Trái lại với những người ấy, các tông đồ đã cùng nhau thảo luận mạnh mẽ đồng thời mở lòng ra trước sự hướng dẫn của Thánh Thần. Với huấn quyền của riêng mình, với thẩm quyền giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, của các Đức Giám Mục, của các hội đồng, chúng ta phải đi trên con đường đó. Con đường phát xuất từ việc rao giảng của Chúa Giêsu và từ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Con đường này luôn rộng mở, luôn hướng đến hiệp nhất, trong khi đó các ý thức hệ thì luôn gây ra chia rẽ.

2. Câu chuyện phép lạ Fatima

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thế giới Công Giáo đã hướng về đền thánh Đức Mẹ Fatima tại Bồ Đào Nha, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Đức Mẹ hiện ra tại đây. Dịp này, người ta đã nhắc lại vô số các phép lạ nhận được nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria. Nhiều phép lạ đã được Giáo Hội nhìn nhận tính chất siêu nhiên. Tiêu biểu là một phép lạ xảy ra với bác sĩ Agacio Ribeiro.

Chiều ngày 9 tháng 3 năm 1926, bác sĩ Agacio Ribeiro lái một chiếc gắn máy với tốc độ rất nhanh về nhà. Khi còn cách nhà mình chưa đến 400m thì bổng nhiên, một chiếc lốp xe văng ra khỏi niềng bánh xe. Ông bị ngã xuống và bị gãy một chân, gãy xương đòn, và xương bàn chân.

Ông cảm thấy đau đớn khủng khiếp và nghĩ mình sắp chết. Ông đã khấn cầu Đức Mẹ Fatima và phó mình cho Đức Mẹ trong khi chờ chết.

Khi nhận được tin báo tai nạn xảy ra, vợ ông đã chạy ra và với lòng đầy tin tưởng, bà quỳ gối trên đường khấn cầu Đức Mẹ cứu giúp ông.

Người ta đã chuyển ông đến phòng khám, rồi sau đó đến bệnh viện của đại học Coimbra. Sáng hôm sau, khi tỉnh lại bác sĩ Agacio Ribeiro đã ngạc nhiên vô cùng khi thấy mình không bị sốt và không bị nhiễm trùng. Và khoa học không giải thích được hiện tượng là chân tay ông đã lành lặn lại, nguyên vẹn như xưa. Ông có thể bước xuống giường bệnh và đi đứng bình thường, không chút khập khiểng, không chút khó khăn nào.

Joaquin Duarte Oliveira là một người Bồ Đào Nha giàu có, sinh sống tại thủ đô Lisbon. Ông bị ung thư và nằm liệt giường đã 8 năm. Ông đã được các bác sĩ chuyên khoa xuất sắc nhất Bồ Đào Nha chữa trị, nhưng đều thất bại.

Sau khi đọc một bài báo nói về câu chuyện kỳ diệu của bác sĩ Agacio Ribeiro, ông cảm thấy tin tưởng và bắt đầu cầu nguyện với Mẹ Fatima để xin được lành bệnh, như Mẹ đã chữa lành cho bác sĩ Ribeiro. Ngay chính lúc ấy, ông cảm thấy được biến đổi hoàn toàn, được chữa lành và từ ngày hôm sau, ông sống cuộc sống bình thường như lúc chưa bị bệnh. Một tháng sau, ông đã cùng với gia đình đi đến Fatima tạ ơn Đức Mẹ.

3. Tình yêu của Chúa là vô điều kiện, chứ không như tình yêu của thế gian

Tình yêu mến của Chúa Giêsu là một tình yêu vô điều kiện, chứ không như tình yêu của thế gian. Bởi lẽ tình yêu của thế gian luôn đi tìm quyền lực và hư danh phù phiếm. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 18 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Đứng đầu danh sách các điều răn mà Chúa Giêsu nói, chính là giới răn yêu thương. Đó là tình yêu đến từ Chúa Cha, và với tình yêu đó, Chúa Giêsu yêu mến chúng ta.

Có những loại tình yêu khác. Thế gian mang đến cho chúng ta nhiều loại tình yêu khác: ví như yêu thích tiền bạc, yêu chuộng danh vọng, yêu thích niềm tự hào kiêu hãnh, quyền lực, thậm chí là bất chấp mọi giá để đạt được nhiều quyền lực hơn… Những thứ tình yêu ấy không phải là tình yêu của Chúa Giêsu. Những loại tình yêu của thế gian ấy không đến từ Chúa Cha. Chúng ta hãy thử nghĩ về những loại tình yêu làm cho chúng ta rời xa tình yêu của Chúa. Thử nghĩ về kiểu tình yêu một nửa, yêu nửa vời. Yêu nửa vời như thế không phải là yêu.

Yêu mến là điều còn hơn cả chuyện muốn làm điều gì đó tốt. Vậy giới hạn của tình yêu là gì? Giới hạn của tình yêu là không có giới hạn.

Thế nên, khi thực hiện những điều răn của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ ở lại trong tình yêu của Người, Đấng là tình yêu của Chúa Cha, Đấng yêu mến chúng ta như Chúa Cha yêu mến. Tình yêu không biên giới, yêu vô điều kiện, yêu vô hạn. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.” Từ tình yêu mến của Chúa Cha, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta con đường yêu thương: đó là con đường của trái tim rộng mở, con đường cua tình yêu không biên giới, đó là con đường yêu mến tha nhân.

Khi ở trong tình yêu mến tuyệt vời của Thiên Chúa, chúng ta ở lại trong niềm vui của Ngài. Tình yêu và niềm vui ấy là quà tặng là ơn ban mà chúng ta cần nguyện xin. Cách đây không lâu, một vị linh mục được bổ nhiệm làm giám mục. Vị ấy đến với người bố của mình để báo tin. Người bố ấy đã già, đã nghỉ hưu, là một người khiêm tốn với cả đời lao động. Ông cụ không học đại học nhưng có sự khôn ngoan từ cuộc sống. Ông cụ nói với người con trai của mình là vị tân giám mục, một lời khuyên duy nhất: Con hãy sống vâng phục và hãy trao tặng niềm vui cho mọi người dân. Ông cụ đã hiểu được rằng: chỉ vâng theo tình yêu của Chúa Cha chứ không có tình yêu nào khác, và khi đã vâng theo tình yêu được trao ban ấy, người ta có thể trao tặng niềm vui cho mọi người.

Là Kitô hữu, là giáo dân, là linh mục, là tu sĩ, là giám mục, chúng ta phải trao tặng niềm vui cho mọi người. Nhưng tại sao? Vì đó là con đường của tình yêu mến, con đường vô vị lợi. Sứ mạng của người Kitô là mang lại niềm vui cho con người. Nguyện xin Chúa nhận lời chúng ta cầu xin, để chúng ta có thể ở lại trong tình yêu của Chúa và để chúng ta có thể trao tặng niềm vui cho mọi người.

4. Bình an của Chúa Giêsu là đích thực, bình an của thế gian chỉ là thuốc gây mê

Bình an đích thực là bình an mà chúng ta không tự có nơi mình, nhưng bình an ấy là ân sủng của Chúa Thánh Thần. Bình an mà vắng bóng thập giá, không phải là bình an của Chúa Giêsu. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta bình an ngay giữa những thử thách. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 16 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Thế gian hứa hẹn mang lại cho chúng ta một nền hòa bình vắng bóng đau khổ, một nền hòa bình nhân tạo. Đó là một sự bình an bị giản lược thành “yên tĩnh”, nó cũng có thể được gọi tên là hòa bình. Nhưng đó là kiểu hòa bình thu vén và tập trung vào tư lợi, vào sự an toàn của cá nhân, vào sự đảm bảo và bình yên giống như cảm giác của ông phú hộ được kể trong Tin Mừng. Đó là kiểu an bình khép kín nơi bản thân, mà không mở ra với tha nhân.

Thế gian dạy cho chúng ta con đường hòa bình ấy. Con đường này mê hoặc chúng ta và làm cho chúng ta không còn nhìn thấy thực tế của cuộc sống nữa, thực tế của thập giá. Đó là lý do mà chính thánh Phaolô đã nói: chúng ta phải vào Nước Trời với rất nhiều gian khổ. Thế nhưng, anh chị em có thể có hòa bình ngay giữa những gian nan không? Về phần chúng ta, chúng ta không có loại bình an giống như kiểu yên tâm về tâm lý, bởi lẽ bình an đích thực là bình an mang nhiều gian khổ: nơi ấy có người bệnh tật ốm đau, nơi ấy có người qua đời… và có cả chúng ta nữa. Bình an của Chúa Giêsu là ân sủng, là ơn ban của Chúa Thánh Thần. Trong bình an này có dáng dấp của thập giá và chúng ta tiếp tục tiến bước. Đây không phải là thứ chủ nghĩa khắc kỷ. Không. Chủ nghĩa khắc kỷ là chuyện khác.

Bình an của Chúa là ơn ban là ân sủng giúp chúng ta tiến bước. Ngay cả Chúa Giêsu, sau khi Chúa ban bình an cho các môn đệ, thì chính Chúa chịu nhiều đau khổ trong Vườn Cây Dầu. Chúa đã hiến dâng tất cả để làm theo ý Chúa Cha. Khi ấy Chúa Giêsu rất đau khổ. Cũng khi ấy, Chúa Cha sai thiên thần đến an ủi Chúa Giêsu.

Bình an của Thiên Chúa là bình an đích thực, là bình an làm nên thực tại cuộc sống, là bình an không chối bỏ cuộc sống. Cuộc sống là thế, có đau khổ, có bệnh tật, có nhiều điều xấu, có chiến tranh… nhưng giữa những điều ấy, có hòa bình, có bình an như là món quà. Cùng với quà tặng bình an ấy, chúng ta vác lấy thập giá và tiếp tục tiến bước. Bình an mà vắng bóng thập giá thì không phải là bình an của Chúa, vì thứ bình an của thế gian là loại bình an có thể mua bán. Bình an của thế gian thì chúng ta có thể tạo ra nhưng không bền vững.

Khi một người nổi giận, thì người ấy mất hòa khí. Tâm hồn chúng ta gặp trục trặc là lúc chúng ta chưa mở lòng cho bình an của Chúa Giêsu. Khi chưa mở lòng như thế, tâm hồn chúng ta không có khả năng mang lấy cuộc sống với những thập giá và khổ đau. Chúng ta hãy nài xin ơn bình an của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta vào được Nước Thiên Chúa sau khi phải trải qua nhiều gian khổ. Ơn bình an không thể bị đánh mất là bình an nội tâm. Trong cuốn sách Thành Đô Thiên Chúa, Thánh Augustino nói rằng: cuộc sống người Kitô là cuộc hành trình đi giữa những bách hại của thế gian và những an ủi của Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Cùng với bình an ấy, Người ban chính Thánh Thần cho chúng ta.

5. Chúa đồng hành cùng con trên từng bước đường đời

Dân Chúa luôn đi trên từng bước đường để đào sâu đức tin. Mỗi người cũng đang trong từng bước hành trình để hoàn tất cuộc đời. Và xưng tội là một bước trong con đường gặp gỡ Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng 11 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta

Để hiểu con người Chúa Giêsu, cần có một tiến trình, để đào sâu đức tin, cũng như để hiểu được đạo đức luân lý và các Điều Răn. Có những thứ, một thời được coi là bình thường và không có gì là tội lỗi, nhưng hiện tại chúng là trọng tội.

Chúng ta thử nghĩ về chế độ nô lệ. Khi chúng ta đi học ở trường, chúng ta được nghe kể lại về những gì người ta đối xử với các nô lệ. Các nô lệ bị đưa từ nơi này qua nơi khác, bị bán từ người này sang người khác. Ở Châu Mỹ Latinh, họ trở thành như hàng hóa để trao đổi mua bán… Đây là tội trọng về luân lý. Bây giờ chúng ta nói như thế, chúng ta nói đây là tội vô cùng nặng nề. Nhưng vào thời đó, người ta nói là Không. Thời đó, có những người cho rằng có thể đối xử như thế với các nô lệ, vì họ cho rằng các nô lệ không có linh hồn. Nhưng rồi, từng bước chúng ta đào sâu con đường đức tin, và chúng ta hiểu đạo đức luân lý cách tốt hơn. Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con tạ ơn Cha vì ngày nay không còn những nô lệ nữa! Hay là lại có nhiều hơn xưa nữa! Nhưng ít nhất chúng ta biết chắc rằng, ngày nay chế độ nô lệ là một tội luân lý. Cả án tử hình cũng thế. Ngày trước nó được coi là điều bình thường, nhưng ngày nay, càng ngày án tử hình càng trở thành một điều không thể chấp nhận được.

Cũng thế, ngay cả giữa những chiến tranh tôn giáo, thì đức tin và luân lý đạo đức vẫn ngày càng sáng tỏ hơn. Giữa những thời khắc khó khăn ấy, Giáo Hội vẫn có đầy những vị thánh, những vị thánh ẩn danh. Sự thánh thiện của những vị thánh ẩn danh ấy tiếp tục dẫn dắt Giáo Hội đến thời mà Chúa sẽ tỏ cho chúng ta mọi sự. Và như thế, từng bước từng bước một, Thiên Chúa tỏ mình cho Dân của Ngài.

Dân Chúa luôn luôn trên từng bước đường. Luôn luôn như thế. Mỗi khi Dân Chúa dừng chân, thì họ trở nên như những tù nhân trong ngục, như con lừa trì trệ, họ sẽ chẳng hiểu, sẽ không tiếp bước, sẽ không đào sâu đức tin và tình yêu mến, sẽ không thanh tẩy tâm hồn. Còn chúng ta, mỗi chúng ta cũng đang trên đường hoàn tất thời gian, hoàn tất cuộc sống, và tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ về các tông đồ, về những nhà truyền giáo. Các ngài trước tiên đã được Thiên Chúa yêu mến và tuyển chọn, các ngài yêu mến Dân Chúa, các ngài luôn luôn trên bước hành trình. Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta vì chúng ta vẫn còn trên đường lữ hành, và Thần Khí thúc đẩy chúng ta tiến bước: đây là hoạt động vĩ đại của lòng thương xót Chúa. Mỗi người chúng ta đang trong hành trình hoàn thành thời gian của chính mình. Chính lời hứa của Thiên Chúa cũng đang tiếp diễn và Giáo Hội ngày nay tiếp tục tiến bước.

Khi đi xưng tội, chúng ta có tự hỏi lòng mình, rằng tôi có xấu hổ vì tội lỗi của mình không. Tôi có hiểu được rằng, việc mình làm là một bước trong tiến trình hoàn tất thời gian không. Hãy cầu xin ơn tha thứ của Chúa. Và hãy chú ý rằng, ơn tha thứ của Thiên Chúa không phải là điều gì đó tự động.

Chúng ta có hiểu được rằng, chúng ta vẫn đang trong hành trình, dân Chúa đang trong hành trình, và một ngày nào đó, có lẽ hôm nay, ngày mai hay ngày kia, tôi sẽ đối diện với chính mình trước mặt Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi tôi, Đấng luôn đồng hành với tôi trên từng bước đường đời. Khi anh chị em đi xưng tội, anh chị em có nghĩ đến những điều ấy không? Anh chị em có nghĩ rằng minh đang bước từng bước đường đời? Anh chị em có nghĩ đâu là bước đường dẫn anh chị em tới cuộc gặp gỡ với Chúa không?

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …