1. Thói đạo đức giả là một loại vi khuẩn ẩn núp trong bóng tối chúng ta chỉ có thể chiến thắng bằng lời cầu nguyện
“Chúng ta cần phải cầu nguyện liên lỉ để đừng bị lây nhiễm những ‘vi khuẩn’ giả hình. Thói đạo đức giả ấy mê hoặc người khác với những lời dối trá luôn ẩn núp trong bóng tối.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 16 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha mô tả lại bối cảnh trong bài Tin Mừng theo thánh Luca: “Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đang ở giữa một đám đông có đến hàng vạn người, đông đến nỗi họ giẫm lên nhau. Và Đức Giêsu bắt đầu cảnh giác các môn đệ bằng những lời rất thẳng thắn: ‘Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu.’ Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Men là một thứ rất nhỏ bé. Nhưng với Đức Giêsu, men Pha-ri-sêu giống như ‘vi khuẩn’. Và như một vị lương y, Đức Giêsu đã khuyên nhủ những cộng sự viên của Ngài là các môn đệ cần phải cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm thứ vi khuẩn đó. Thói đạo đức giả không hề có màu sắc rõ rệt để nhận biết, nhưng cứ thích chơi đùa theo kiểu lấp lửng, nửa thật nửa giả. Kẻ giả hình thường luồn lách và dụ dỗ người khác trong trạng thái ‘tranh tối tranh sáng’ không rõ ràng, với ‘sự quyến rũ của những lời dối trá’.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Giả hình cũng là một cách sống, một cách hành xử và một cách để nói những điều không rõ ràng. Cứ nửa đùa, nửa thật… Không sáng, cũng chẳng tối. Cách thức hành động của người giả hình dường như chẳng đe họa hay gây thiệt hại gì đến ai, giống như con rắn trườn bò, luồn lách. Nhưng anh ta lại có cái vẻ đẹp quyến rũ của cái trạng thái nửa sáng nửa tối, của những thứ không rõ ràng, của nhưng lời nói không minh bạch; và nhất là sự mê hoặc của những lời đường mật dối trá hay của dáng mạo bề ngoài. Đối với những người Pha-ri-sêu giả hình, tâm hồn họ bị lấp đầy bởi lòng tự kiêu và sự hư danh. Họ thích đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ làm tất cả những điều ấy vì muốn chứng tỏ họ là người quan trọng và có học thức.
Đứng trước thứ men giả hình, Đức Giêsu khích lệ dân chúng: ‘Anh em đừng sợ vì không có gì che giấu mà không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.’ Từ đó, Đức Thánh Cha nói: “Men Pha-ri-sêu như một thứ vi khuẩn khiến anh chị em bị nhiễm bệnh và dẫn đến cái chết. Hãy cẩn thận! Thứ men này sẽ đẩy anh chị em vào bóng tối. Hãy cẩn thận. Nhưng có một Đấng còn mạnh hơn chất men này. Đó chính là Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. ‘Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.’ Như vậy, trước tất cả những nỗi sợ hãi mà chúng ta phải đối diện ở khắp mọi nơi hay nỗi sợ trước sự lây nhiễm của men Pha-ri-sêu, Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng: Có Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta và hết lòng quan tâm chăm sóc chúng ta.”
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói: “Chỉ có một cách để tránh không bị lây nhiễm. Cách thức mà Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta: Hãy cầu nguyện. Đó là giải pháp duy nhất để không rơi vào thói đạo đức giả. Nếu không cầu nguyện, chúng ta mãi chơi vơi giữa cuộc hành trình và chẳng bao giờ tiến tới được ánh sáng của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha dâng một lời nguyện để kết thúc bài giảng: “Lạy Chúa Giêsu xin bảo vệ Hội Thánh Chúa, một Hội Thánh đang ôm ấp tất cả chúng con trong mình. Xin canh giữ đoàn dân Chúa, những người đang tụ họp bên Chúa ‘như muốn giẫm lên nhau vì đông đúc’.
Xin bảo vệ đoàn dân Chúa, bởi vì Chúa yêu thích sự sáng và sự sáng lại đến từ Chúa Cha; và từ Cha mà Chúa đã đến để cứu chuộc chúng con. Xin che chở dân Chúa để họ đừng trở nên những kẻ giả hình, để họ đừng rơi vào một kiểu sống lãnh đạm, dửng dưng. Xin chăm sóc đoàn dân Chúa vì họ là những người đang vui mừng khôn tả khi nhận biết rằng có một Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương họ vô cùng”
2. Không ai có thể kiểm soát ơn cứu độ, vì tình yêu của Thiên Chúa được ban tặng cách nhưng không
“Hãy cảnh giác trước những thàu thông luật vì họ đang thu hẹp chân trời ân sủng và tình yêu thương hải hà của Thiên Chúa. Họ chỉ tập trung đến giới luật mà lãng quên tình mến, và muốn trở thành những người kiểm soát ơn sủng.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Khởi đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Một trong những điều khó hiểu đối với tất cả những người Kitô hữu chúng ta là chúng ta được ban tặng hồng ân cứu độ cách nhưng không nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính những người trong thời đại của thánh Phao-lô cũng cảm thấy khó khăn để hiểu giáo lý này: ‘Ân huệ của Thiên Chúa được ban cách nhưng không’. Chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Vì yêu thương, Ngài đã đến thế gian để cứu chuộc và đã chết vì chúng ta. Ta đã nghe những điều ấy rất nhiều lần đến nỗi cảm thấy quen thuộc. Nhưng khi chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm ‘Thiên Chúa tình yêu không ranh giới’, chúng ta sẽ cảm thấy kinh ngạc và thậm chí là không thể hiểu nổi.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
Chúng ta bắt buộc phải thực thi những điều mà Đức Giêsu chỉ dạy là đúng đắn và nên làm. Nhưng sự đáp trả của chúng ta trước hồng ân cứu độ lại là một hành động tự do, vì hồng ân ấy xuất phát từ tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói: “Đức Giêsu tỏ ra gay gắt với những thày thông luật, vì Ngài đã nói với họ những lời rất mạnh và cứng rắn: ‘Khốn cho các ngươi hỡi những thày thông luật! Các ngươi đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản.’ Chìa khóa ấy chính là chìa khóa của ân sủng, của sự hiểu biết.
Những thày thông luật nghĩ rằng chỉ cần tuân giữ tất cả những giới răn là có thể đảm bảo cho ơn cứu độ. Nhưng chính những vị ấy lại không thực thi những gì giới luật đòi buộc. Vì quá tập trung vào giới răn, nên những thày thông luật đã thu hẹp khung trời ân thiêng và làm cho tình yêu của Thiên Chúa hóa ra nhỏ bé, tầm trường trước con mắt phàm nhân. Thu hẹp hay kiểm soát ân sủng chính là một thách đố mà cả Đức Giêsu và thánh Phao-lô đã cố gắng hết sức để loại bỏ.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đúng là chúng ta có những giới luật phải giữ nhưng tất cả những giới luật ấy chỉ tóm thành một điều là ‘mến Chúa và yêu người’. Chính giới luật duy nhất này đưa ta đến cao điểm của một thứ ân sủng được trao ban cách nhưng không, vì chính đặc tính của tình yêu là vô vị lợi. Thật vậy, nếu tôi nói tôi yêu bạn, nhưng đằng sau lời nói đó lại ẩn chứa một suy tính vị lợi, chắc chắn đó không phải là tình yêu nhưng chỉ là một mưu toan ích kỷ mà thôi.
Do đó, đối với Đức Giêsu, giới luật cao trọng hơn hết phải là: ‘Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và phải yêu người thân cận như chính mình’. Đây chính là giới luật duy nhất và giới luật ấy đã diễn tả được tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Trong giới luật này, rõ ràng là có những người thân cận. Bởi thế, ta phải làm những điều tốt lành cho những người thân cận ấy. Nhưng nguồn gốc của những gì ta làm chính là tình yêu, là khung trời tình mến. Nếu một người muốn đóng kín cửa và cất dấu đi chiếc chìa khóa tình yêu, người ấy sẽ chẳng bao giờ tiến tới được cao điểm của hồng ân cứu độ đã được ban tặng cách nhưng không. ‘Đóng kín cửa và cất dấu chìa khóa của sự hiểu biết’ chính là thách đố muốn kiểm soát ân sủng. Đức Giêsu và thánh Phao-lô đã kịch liệt phê phán thái độ này.”
Đức Thánh Cha nói thêm: “Năm nay chúng ta sẽ kỉ niệm 500 năm sinh nhật của của thánh Tê-rê-sa Avila, vị thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Mẹ là một phụ nữ có nhiều kinh nghiệm thần bí và đã được Thiên Chúa ban tặng ơn thấu hiểu những cung bậc tình yêu. Nhưng ngay trong thời đại của mẹ, mẹ cũng đã bị những tiến sĩ hay những thày thông luật phán xử về tình yêu ấy. Và quả thật, đã có rất nhiều vị thánh bị bách hại khi cố gắng bảo vệ là làm chứng cho tình yêu, một tình yêu nhưng không vô vị lợi. Chúng ta cũng có thể nói rằng: Tất cả các thánh đều bị phán xử như thế. Và một cách đặc biệt, chúng ta nhớ đến thánh Jeanne D’Arc của nước Pháp.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Thách đố muốn kiểm soát ân sủng chưa kết thúc, và nó vẫn đang diễn ra bên trong mỗi người chúng ta. Bởi thế, ngày hôm nay, thật là thích đáng nếu chúng ta tự tra vấn mình rằng: Tôi có tin Thiên Chúa cứu chuộc tôi bằng một tình yêu vô vị lợi không? Tôi có nghĩ rằng tôi chẳng hề xứng đáng với hồng ân cứu chuộc ấy không? Và tôi có nghĩ rằng giả như có điều gì xứng đáng thì cũng là nhờ Đức Giêsu Kitô và tất cả những gì Ngài đã làm cho tôi?”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, chúng ta hãy xác tín vào tình yêu xót thương của Thiên Chúa. Tình yêu ấy giống như tình yêu của một người bố, người mẹ dành cho con cái; vì chính Thiên Chúa đã nói rằng Ngài thương yêu chúng ta bằng một tình yêu phụ tử. Đó là một tình yêu với khung trời bao la rộng mở, không hề có giới hạn, không hề có biên giới chia cắt. Chúng ta đừng để những thày thông luật che mắt dối lừa, vì họ là những người muốn thu hẹp tình yêu của Thiên Chúa”
3. Câu chuyện cặp vợ chồng đầu tiên cùng được tuyên thánh
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tuần cuối cùng của Thượng Hội Đồng về gia đình được đánh dấu bởi một sự kiện rất có ý nghĩa. Đó là lễ tuyên thánh cho một đôi vợ chồng. Đôi vợ chồng ấy không ai khác hơn là cha mẹ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các nhà truyền giáo và là tiến sĩ Hội Thánh.
Cả hai ông bà Louis và Zélie Martin đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tuyên phong Chân Phước cách đây 7 năm vào ngày 19 tháng 10 năm 2008. Giờ đây 2 ông bà là đôi vợ chồng đầu tiên cùng được tuyên thánh trong cùng một buổi lễ.
Quý vị và anh chị em đang chứng kiến Đức Thánh Cha Phanxicô đọc công thức tuyên thánh cho cha mẹ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Phép lạ dẫn đến việc tuyên thánh thánh cho hai ông bà Martin là việc chữa lành không thể giải thích được về mặt y khoa cho một bé gái người Tây Ban Nha tên là Carmen vào năm 2008.
Bé gái này sinh non sau thời gian thai kỳ khó khăn. Cháu đau đớn vì nhiều bệnh tật, bắt đầu là căn bệnh xuất huyết não rất nặng, và các bác sĩ đã tuyên bố hoàn toàn bó tay vì các loại thuốc đã không còn tác dụng. Trong tình cảnh ngặt nghèo ấy gia đình cháu đã chạy đến cầu khẩn cùng song thân Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Sơ Maria Giêsu Cremadesc, một nữ tu phụ trách gác cửa tu viện Portress ở Valencia, Tây Ban Nha cho biết câu chuyện diễn ra vào ngày 19 tháng 10 năm 2008 như sau:
“Nghe tiếng chuông ở ngoài cổng vang lên, tôi ra để trả lời. Tôi nghe thấy một giọng nói trong đau đớn bảo tôi rằng: ‘Sơ ơi, con đến để cầu nguyện cho con gái của con’”
Rồi họ đề nghị sơ cùng van xin lời chuyển cầu của đôi vợ chồng mới được phong chân phước cùng ngày. Trong khi họ cầu nguyện, cháu bé hồi phục dần và cuối cùng khoẻ mạnh hoàn toàn trước sự kinh ngạc của các bác sĩ và y tá. Không thể có bất kỳ lời giải thích nào từ góc độ y khoa. Carmen hiện nay đã được 7 tuổi.
Thêm vào câu chuyện này còn có 18 bằng chứng khác trong tiến trình xét tuyên thánh cho hai ông bà.
4. Lời hứa với các trẻ em.
Trong bài huấn dụ hôm thứ Tư 14 thámg 10, Đức Thánh Cha đã nói về đề tài: “Lời hứa với các trẻ em.” Đây là bài thứ 29 trong loạt bài huấn giáo của ngài về gia đình.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
“Hôm nay chúng ta suy tư về một đề tài rất quan trọng: những lời chúng ta hứa với các trẻ em. Tôi không nói về những lời hứa mà thỉnh thoảng trong ngày chúng ta nói với các trẻ em, để làm cho các em hài lòng hoặc làm cho các em ở yên – có khi với vài mưu kế vô tội-, để các em dấn thân chăm chỉ học hành hoặc để ngăn cản các em đừng làm điều gì đó. Tôi nói về những lời hứa quan trọng hơn, có tính chất quyết định đối với những mong đợi của các em đối với cuộc sống, niềm tín nhiệm của các em đối với con người, đối với khả năng của các em ý thức về danh Thiên Chúa như một phúc lành.
“Người lớn chúng ta sẵn sàng nói về các em như một lời hứa, một triển vọng của cuộc sống. Và chúng ta cũng dễ cảm động, khi bảo các trẻ em là tương lai của chúng ta. Nhưng tôi tự hỏi, nhiều khi chúng ta có nghiêm túc như vậy đối với tương lai các em hay không! Một cầu hỏi mà chúng ta thường phải đặt ra cho mình là: “chúng ta thành thực thế nào đối với những lời chúng ta hứa với các trẻ em, làm cho các em đi vào thế giới của chúng ta.”
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Tiếp đón và săn sóc, gần gũi và quan tâm, tin tưởng và hy vọng, đó là những lời hứa căn bản, có thể được tóm trong một lời hứa duy nhất, đó là thương yêu. Đây là cách thức tốt nhất để đón nhận một con người sinh ra trong trần thế và tất cả chúng ta đều học điều đó, trước khi ý thức về điều ấy. Đó là một lời hứa mà người nam và người nữ hứa với mỗi người con: ngay từ khi người con được thụ thai trong tư tướng. Các trẻ em đến trần thế và mong đợi có sự khẳng định lời hứa này: các em mong đợi điều ấy một cách hoàn toàn, tín thác và tin tưởng trọn vẹn. Chỉ cần nhìn các em: trong mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống! Khi xảy ra điều trái ngược, thì các em bị thương tổn vì một “gương mù” không thể chịu đựng được; tình trạng ấy càng trầm trọng hơn, xét vì các em không có phương tiện để hiểu rõ gương mù ấy. Thiên Chúa giám sát lời hứa ấy ngay từ lúc đầu tiên. Anh chị em có nhớ Chúa Giêsu nói gì không? Các thiên thần của các em phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bao giờ quên nhìn các em (Xc Mt 18,10). Khốn cho những kẻ phản bội lòng tín nhiệm của các em, khốn cho những kẻ ấy! Lòng tín thác tin tưởng của các em nơi lời hứa của chúng ta, đòi chúng ta phải dấn thân ngay từ lúc đầu tiên, niềm tín thác ấy xét xử chúng ta.
“Tôi muốn thêm một điều khác nữa, với lòng tôn trọng tất cả mọi người, nhưng cũng rất thẳng thắn. Không bao giờ được làm thương tổn lòng tín thác tự nhiên của các em nơi Thiên Chúa, nhất là khi điều ấy xảy ra vì một sự tự mãn nào đó, hơn kém ý thức, muốn thay thế Chúa. Tương quan dịu dàng và huyền nhiệm của Thiên Chúa với tâm hồn các trẻ em không bao giờ được vi phạm. Trẻ em sẵn sàng ngay từ lúc mới sinh để cảm thấy được Thiên Chúa yêu mến. Vừa khi có khả năng cảm thấy mình được yêu thương vì chính mình, thì một người con cũng cảm thấy rằng có một Thiên Chúa yêu thương các trẻ em.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
“Vừa mới sinh ra, các trẻ em đã bắt đầu nhận được như hồng ân, cùng với sự nuôi dưỡng chăm sóc, sự xác nhận chất lượng tinh thần của tình thương. Những cử chỉ yêu thương diễn ra qua sự đặt tên, chia sẻ ngôn ngữ, những ý hướng qua cái nhìn, những nụ cười rạng ngời. Qua đó, các em học thấy vẻ đẹp của tình người chiếu vào tâm hồn chúng ta, tìm tự do, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng tha nhân như người đối thoại. Một phép lạ thứ hai một lời hứa thứ hai: ba má là cha mẹ, hiến thân cho con, để ban con cho chính con! Và đó là tình yêu, đưa lại một tia sáng tình thương của Thiên Chúa!
“Chỉ khi nào chúng ta nhìn các trẻ em với đôi mắt của Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự hiểu rằng khi bảo vệ gia đình, tức là chúng ta bảo vệ nhân loại! Quan điểm của các trẻ em là quan điểm của Con Thiên Chúa. Chính Giáo Hội, trong phép rửa tội, dành cho các em những lời hứa long trọng, qua đó Giáo Hội yêu cầu sự dấn thân của cha mẹ và cộng đoàn Kitô.
Xin Mẹ thánh thiện của Chúa Giêsu – qua đó Con Thiên Chúa đến với chúng ta, được yêu thương và sinh ra như một hài nhi, – làm cho Giáo Hội có khả năng tiến bước trên con đường mẫu tử và đức tin của Mẹ. Và xin Thánh Giuse – là một người công chính, đã đón nhận và bảo vệ Chúa, cản đảm tôn trọng phúc lành và lời hứa của Thiên Chúa – làm cho chúng ta đáng được đón nhận Chúa Giêsu nơi mỗi hài như mà Thiên Chúa gửi tới trái đất này.
5. Đừng biến tôn giáo thành một thứ công ty bảo hiểm
“Tham lam là một hình thức tôn thờ ngẫu tượng. Nó làm suy giảm khả năng chia sẻ và trao ban của con người với tha nhân. Đức Giêsu không kết án sự giàu có nhưng ngài mạnh mẽ phâ phán tâm lý bo thiết với của cải, là điều gây ra những chia rẽ trong gia đình và là nguyên nhân làm phát sinh chiến tranh.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 19 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta.
Trình bày những suy niệm về các bài đọc trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: “Việc quá gắn bó với sự giàu sang, tiền của cũng giống như thờ ngẫu tượng. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hoặc là phục vụ Thiên Chúa hoặc là làm tôi tớ cho tiền của. Chúng ta cần biết rằng Chúa Giêsu không hề lên án của cải. Nhưng Ngài khuyến cáo chúng ta trước thái độ đặt sự an toàn của bản thân vào tiền của và biến tôn giáo thành một thứ ‘công ty bảo hiểm’. Tức là, một mặt ta chỉ lo tìm kiếm tiền bạc để bảo đảm an toàn cho cuộc sống, nhưng mặt khác ta chạy đến với tôn giáo để khỏi phải sa hỏa ngục. Điều này là không thể được.
Thêm vào đó, việc gắn bó với của cải gây ra chia rẽ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hai anh em ruột thịt đã tranh cãi với nhau về việc chia gia tài. Đây cũng chính là điều vẫn thường xảy ra trong xã hội ngày hôm nay. Thử nghĩ xem chúng ta đã gặp biết bao gia đình: Họ cãi vã, tranh chấp, thậm chí ghét bỏ và không thèm nhìn mặt nhau chỉ vì gia tài, của cải. Điều ấy cho thấy rằng tình yêu trong gia đình không còn quan trọng nữa. Tình yêu của con cái đối với cha mẹ, của anh chị em đối với nhau và của cha mẹ dành cho con cái không còn quan trọng bằng sức mạnh của đồng tiền. Đây là một sự hủy hoại. Tất cả chúng ta, ít là một lần trong đời, đã bắt gặp những gia đình rơi vào thảm trạng bi thương như thế.
Sự tham lam của cải còn dẫn đến chiến tranh. Người ta thường bắt đầu với một lý tưởng cao đẹp, nhưng đằng sau lý tưởng ấy lại là tiền bạc: tiền của những kẻ buôn bán vũ khí, tiền của những kẻ thu lợi nhuận từ chiến tranh. Bởi vậy, Đức Giêsu đã nói rất rõ ràng: ‘Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi sự tham lam.’ Tham lam thực sự rất nguy hiểm. Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu. Tiền của chỉ mang đến cho chúng ta một sự bảo đảm tạm bợ. Nếu chúng ta vừa đi đến nhà thờ để đọc kinh, cầu nguyện vừa mang trong mình một con tim quá gắn bó với của cải; chắc chắn, chúng ta sẽ không có một kết cục tốt đẹp.”
Quay trở lại câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha mô tả hình ảnh của một người phú hộ giàu có: “Ông phú hộ là người rất giỏi làm ăn, kiếm tiền. Ông biết cách làm sao để ruộng nương sinh nhiều hoa lợi. Những kho lẫm của ông được tích trữ đầy ứ hoa mầu và của cải. Thay vì suy nghĩ: ‘À, hoa màu nhiều như vậy, ta nên chia sẻ chúng với những người làm công cho ta. Nhờ vậy, họ có thêm chút thu nhập để chăm lo cho gia đình của họ’. Nhưng ông lại tự nhủ: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu để tích trữ hoa mầu! À, mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.’ Chúng ta nhận thấy rằng, luôn luôn có chữ ‘hơn’. Thật vậy, sự gắn bó với của cải chẳng bao giờ có giới hạn. Một khi đã gắn bó với của cải; mặc dù đã có dư thừa rồi, chúng ta lại cứ muốn hơn nữa, hơn nữa và hơn nữa. Thế nên, của cải chính là chúa tể của những ai có lòng gắn bó với giàu sang, tiền bạc.
Đức Giêsu đã mời gọi mỗi người chúng ta phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Và, thật ngạc nhiên khi Ngài giới thiệu cho chúng ta con đường cứu độ chính là con đường của Tám mối Phúc. Mối Phúc đầu tiên: ‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ’. Điều này có nghĩa là đừng để lòng mình gắn bó với của cải vật chất. Nếu có nhiều của cải, ta hãy biến chúng thành phương tiện để phục vụ người khác, để chia sẻ và để đến với tha nhân.”
Đức Thánh Cha nói thêm: “Có người sẽ hỏi rằng: ‘Vậy bây giờ chúng con phải làm gì? Đâu là dấu chỉ cho biết chúng con không tôn thờ ngẫu tượng, không bị gắn bó với của cải vật chất?’ Câu trả lời rất đơn giản và ở ngay trong Tin Mừng. Thật vậy, ngay từ hồi Giáo Hội sơ khai đã có dấu chỉ này, đó là hãy làm việc bố thí. Như thế, dấu chỉ cho biết chúng ta không ‘tôn thờ ngẫu tượng’ là khi chúng ta biết bố thí, biết chia sẻ với những người đang túng thiếu. Không phải chỉ sẻ chia những của dư thừa mà còn tất cả những gì khiến chúng ta phải trả ‘một cái giá thật đắt’. Tức là chia sẻ cả những gì đang rất cần thiết đối với chúng ta. Đó là một dấu chỉ hết sức đẹp. Dấu chỉ ấy có nghĩa là: Tình yêu của Thiên Chúa vĩ đại hơn việc gắn bó với của cải vật chất.”
Và để đúc kết, Đức Thánh Cha nói: “Có ba câu hỏi chúng ta cần phải tra vấn mình. Câu hỏi trước hết: Tôi có dám sẻ chia không? Câu hỏi thứ hai: Tôi chia sẻ bao nhiêu? Và câu hỏi thứ ba: Tôi chia sẻ như thế nào? Giống như Đức Giêsu, tôi sẻ chia cho người khác bằng lòng quan tâm và tình yêu mến hay tôi chỉ thực hiện hành vi ấy giống như một người làm công ăn lương? Khi giúp đỡ người khác, tôi có nhìn vào đôi mắt của họ? Tôi có dám tiếp chạm vào đôi tay của họ không? Họ chính là thân xác của Đức Kitô, là anh em của tôi, là chị em của tôi. Trong giờ khắc tuyệt vời của sự sẻ chia chân thành, chúng ta thực sự được trở nên giống Thiên Chúa Cha, Đấng chẳng hề bỏ rơi và luôn ban phát của ăn nuôi dưỡng chim trời. Đấy chính là tình yêu trao ban của Thiên Chúa.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự tôn thờ ngẫu tượng; đó chính là lòng gắn bó với tiền tài, của cải. Chúng ta cũng xin ơn để biết chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng rất mực giàu có nơi con tim, trong sự quảng đại và trong tình xót thương. Chúng ta xin ơn để biết giúp đỡ tha nhân bằng việc thực hành bố thí như chính Chúa đã làm. Nhưng có người sẽ nói: ‘Thưa cha, khi Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, Ngài chẳng mất mát gì cả…’. Thực ra, Đức Giêsu Kitô, Đấng có địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, đã ban tặng cho chúng ta tất cả. Ngài đã tự hạ mình xuống, đã hủy mình đi để trao cho chúng ta trọn vẹn con người của Ngài”.
Nguồn: Vietcatholic News