Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 14– 20/09/2016: Câu chuyện Hai Vì Sao Mỉm Cười

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 14– 20/09/2016: Câu chuyện Hai Vì Sao Mỉm Cười

1. Vượt qua sự dửng dưng, xây dựng văn hóa gặp gỡ

Chúng ta xây dựng nền văn hóa đích thực của việc gặp gỡ, để vượt thắng kiểu văn hóa dửng dưng. Đó là lời mà Đức Thánh Cha chia sẻ trong Thánh lễ sáng thứ Ba 13 tháng 9 tại Nhà nguyện Thánh Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Đức Thánh Cha cảnh báo về những thói quen xấu, ngay cả trong gia đình, đó là những thói quen làm cho mọi người không còn lắng nghe nhau.

Đức Thánh Cha nói:

Lời Chúa làm cho chúng ta nghĩ về những cuộc gặp gỡ ngày nay. Người ta thường đi vượt qua người khác mà không có gặp, nhìn mà không thấy, chỉ nghe mà không lắng nghe.

Cuộc gặp gỡ mà Tin Mừng hôm nay loan báo, là cuộc gặp gỡ giữa người nam và người nữ; giữa người con một còn sống và người con một đã chết; giữa đám đông vui vẻ vì họ gặp Thầy Giêsu và đi theo Người với đám người đang than khóc cùng người phụ nữ mất con; giữa những người đi ra cổng thành và những người đi vào cổng thành.

Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” không giống như kiểu chúng ta đi trên đường phố và thấy điều gì đó rồi nói “thật tội nghiệp”. Chúa Giêsu không đứng ngoài cuộc, nhưng Người chạnh lòng thương. Người tiến lại gần người phụ nữ, Người thực sự gặp bà, và sau đó phép lạ xảy ra cho con trai bà.

Cuộc gặp gỡ với Thầy Giêsu giúp vượt thắng sự dửng dưng và làm phục hồi phẩm giá. Chúng ta không chỉ thấy sự dịu hiền mà còn thấy hoa trái của gặp gỡ, vì mọi cuộc gặp gỡ đều phát sinh hoa trái. Chúng ta đã quen với kiểu thờ ơ, nên chúng ta phải hành động và cầu nguyện để xây dựng văn hóa gặp gỡ, để những cuộc gặp gỡ phát sinh hoa trái, là đưa con người trở về với phẩm giá làm con Thiên Chúa. Gặp gỡ. Nếu tôi không nhìn, nếu tôi không dừng lại, nếu tôi không đụng chạm, nếu tôi không nói, thì tôi không thể gặp gỡ, tôi không thể góp phần tạo nên văn hóa gặp gỡ.

Nơi gia đình, chúng ta sống trong cuộc gặp gỡ đích thực, khi mọi người ăn cùng một bàn, lắng nghe nhau. Tại bàn ăn gia đình mỗi tối, chúng ta thường vừa ăn vừa xem tivi vừa nhắn tin trên điện thoại. Mọi người đều thờ ơ với cuộc gặp gỡ. Hạt nhân của tình thân gia đình chính là gặp gỡ. Điều này giúp chúng ta xây dựng văn hóa gặp gỡ như Chúa Giêsu đã làm. Đừng chỉ có nhìn mà hãy ngắm nhìn. Đừng chỉ có nghe mà hãy lắng nghe. Đừng chỉ có đi qua mà hãy biết dừng lại. Đừng chỉ có nói “Khổ thân người nghèo” mà hãy động lòng trắc ẩn. Khi Chúa Giêsu tiến lại gần, chạm tới, và nói với mọi người trong giây phút ấy, Chúa nói bằng ngôn ngữ của con tim: “Đừng khóc nữa”, và Người ban cho anh thanh niên sức sống.

2. Câu Chuyện: Hai Vì Sao Mỉm Cười

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chuyện xưa kể rằng có một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống. Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.

Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.

Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.

Ðể mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: “Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ”.

Qua thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.

Nói như mẹ Têrêsa Calcutta: “Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khi chúng ta cố gắng chào hỏi một người chúng ta ghét cay ghét đắng, thì đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi chúng ta có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi chúng ta có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta, thì đó mới là một hành động bác ái thực sự. Chúng ta đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực”.

3. Kẻ mạo danh Thiên Chúa để giết người chính là Satan

Sáng thứ Tư, 14/09, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho cha Jacques Hamel, là vị linh mục đã bị giết khi dâng Thánh lễ tại nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray vào ngày 26 tháng 7 vừa qua. Thánh lễ này là dấu chỉ của sự gần gũi của Đức Thánh Cha với gia đình và cộng đoàn Rouen.

Một nhóm 80 khách hành hương thuộc Giáo phận Rouen đã đi cùng với Đức Cha Dominique Lebrun của Giáo phận về Vatican tham dự Thánh lễ được thu hình và phát trực tiếp bởi Trung tâm truyền hình Vatican.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay Hội Thánh cử hành lễ suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Trong Thập giá Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấu hiểu mầu nhiệm Đức Kitô. Mầu nhiệm về sự tự hủy của Chúa rất gần gũi với chúng ta.

Thánh Phaolô nói: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8). Đây chính là mầu nhiệm về Chúa Kitô. Đây chính là mầu nhiệm về Đấng tử đạo tiên khởi để cứu độ loài người.

Chúa Giêsu Kitô là vị tử đạo tiên khởi, là người đầu tiên trao ban mạng sống vì chúng ta. Và từ mầu nhiệm này, Chúa Kitô mở ra toàn bộ lịch sử tử đạo của Kitô giáo từ những thế kỷ đầu cho tới ngày hôm nay. Thời Hội Thánh sơ khai, các Kitô hữu đã làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống của họ. Các tín hữu tiên khởi bị bắt buộc bỏ đạo, nhưng các ngài đã từ chối. Khi từ chối như thế, các ngài bị bắt bớ, bị giết. Câu chuyện ấy tiếp tục được lặp đi lặp lại cho tới ngày nay, và thời nay Hội Thánh có nhiều vị tử đạo hơn những thời trước. Ngày nay có nhiều Kitô hữu bị cầm tù, bị giết hại, vì họ không chối bỏ Chúa Giêsu Kitô. Câu chuyện này chúng ta tiếp tục gặp thấy nơi cha Jacques. Cha là một trong những vị tử đạo. Các vị tử đạo cho thấy rõ sự tàn ác của cuộc bách hại.

Cha Jacques Hamel đã cử hành hy lễ Thập giá Chúa Kitô. Cha là một người tốt, hiền lành, đầy tình huynh đệ, luôn nỗ lực xây dựng hòa bình, thế mà cha bị giết hại như một kẻ tội phạm. Đây là kiểu bách hại của ma quỷ. Có điều gì đó nơi cha làm cho chúng ta thấy rằng cha là vị tử đạo cùng với Đấng tử đạo là Chúa Kitô. Có một điều làm cho tôi nghĩ như thế, vì giữa thời gian khó khăn thử thách, cha vẫn sống rất hiền hậu tốt lành, cha vẫn sống như người anh em. Cha cũng không quên xác minh đích danh kẻ giết người, đó chính là ma quỷ. Cha nói cách rõ ràng: “Xéo đi, Satan!”. Cha đã trao tặng mạng sống tựa như lễ hy sinh của Chúa Kitô trên Thập giá. Và từ đây, danh tính của tên sát nhân bị tố giác: “Xéo đi, Satan!”

Cha là mẫu gương về lòng can đảm cũng như mẫu gương về chính cuộc sống. Cha đã tự khiêm tự hạ để giúp đỡ người khác, để kết thân huynh đệ với tha nhân, để giúp chúng ta bước về phía trước mà không còn sợ hãi. Cha về Thiên Đàng, và chúng ta cầu nguyện với cha, cầu nguyện với vị tử đạo được chúc phúc, để chúng ta có thể hiền lành, đầy tình huynh đệ, bình an, và ngay cả can đảm nói lên sự thật rằng: kẻ nhân danh Chúa để giết người chính là Satan.

4. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại

Người Kitô hướng tầm nhìn vào ‘ngày sau hết’, có nghĩa là không dừng lại ở đây mà nhìn hướng tới “xác loài người ngày sau sống lại”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này trong thánh lễ sáng thứ Sáu 16 tháng 9 tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha phát triển bài giảng dựa trên đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô. Trong thư, thánh Phaolô nói về “sự cứu chuộc trong ngày sau hết”. Đức Thánh Cha nhắc nhớ về khúc cuối của Kinh Tin Kính mà các tín hữu vẫn đọc: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.”

Thật dễ khi nói về quá khứ, vì quá khứ thì cụ thể. Cũng dễ khi nhìn về quá khứ, vì chúng ta thấy nó. Nhưng khi nhìn tới tương lai, chúng ta nghĩ rằng, “tốt hơn là không nên nghĩ”. Và không dễ chút nào để đi vào thực tại của tương lai.

Thật dễ để nhìn về quá khứ; cũng dễ khi nhìn vào hiện tại; ngay cả nhìn tới tương lai cũng dễ. Bởi lẽ, dù quá khứ, hiện tại, hay tương lai, thì tất cả đều chết. Thế nhưng, nhìn tới “ngày sau hết” thì quả là khó. Đó là điều mà thánh Phaolô nói. Điều ấy là gì và như thế nào? Sự sống lại. Chúa Kitô sống lại. Chúa Kitô đã sống lại và rõ ràng Người không phải là ma. Trong Tin Mừng, thánh Luca tường thuật về sự phục sinh: Chúa Giêsu nói “Hãy chạm vào Thầy… Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây… Anh em có gì ăn không?”. Chúng ta lại hỏi: “Trời ở đâu?” nếu “tất cả chúng ta sẽ ở đó,” nhưng chúng ta không hiểu được điều mà thánh Phaolô nói về ‘ngày sau hết’.

Đừng quên rằng, ngay từ thế kỷ đầu, thánh Gioan tông đồ đã xác định: “Nếu ai nói Ngôi Lời Thiên Chúa không trở nên người phàm, thì đó là kẻ phản Kitô”. Để hiểu được ‘ngày sau hết’, thì quả là rất khó khăn. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta sẽ sống lại, giống như Đức Kitô đã sống lại. Thân xác chúng ta sẽ được biến đổi thành thân xác phục sinh.” Đức tin vào sự sống lại, có căn nguyên sâu xa từ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Một lần nữa, chúng ta hãy nhớ rằng, sau khi Phục Sinh, Chúa Kitô đã cùng ăn cùng uống với các môn đệ và các ông đã chạm vào Người. Những điều này rất khó hiểu và khó chấp nhận, vì đó là thực tại thuộc về ‘ngày sau hết’. Cần có một mức độ trưởng thành nào đó để có thể hiểu được quá khứ. Cũng thế, cần có một mức độ trưởng thành nào đó để hiểu được hiện tại, để hiểu tương lai. Và cần có một hồng ân lớn lao của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể hiểu được ‘ngày sau hết’. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin.

5. Cầu nguyện xin ơn hiệp nhất

Sự chia rẽ đã phá hoại Hội Thánh và ma quỷ nỗ lực tấn công vào gốc rễ của sự hiệp nhất, gốc rễ của sự hiệp nhất là việc cử hành Thánh Lễ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong Thánh lễ sáng thứ Hai 12 tháng 9 tại Nhà nguyện Thánh Marta, nhân ngày lễ Danh thánh Mẹ Maria.

Giải thích thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Ma quỷ có hai vũ khí lợi hại để phá hoại Hội Thánh, đó là sự chia rẽ và tiền bạc. Những điều này xảy ra ngay từ thời đầu: những chia rẽ về tư tưởng và về thần học đã xâu xé Hội Thánh. Ma quỷ đã gieo rắc tham vọng và ghen tuông để chia rẽ. Sau cuộc chiến của chia rẽ thì tất cả bị hủy diệt, còn ma quỷ thì chạy trốn trong sung sướng. Trong khi đó, chúng ta trở nên trần trụi trong trò chơi của ma quỷ. Cũng có thứ chiến tranh nhơ bẩn tựa như khủng bố. Đó là những lời nói hành nói xấu trong các cộng đoàn. Đó là những thứ ngôn ngữ để giết hại.

Những chia rẽ trong Giáo Hội không để cho Nước Trời được lớn lên, không để cho Chúa được hiện diện như chính Ngài. Những chia rẽ là điều mà anh chị em đang thấy, sẽ thấy và lại thấy… Luôn có! Nhưng ma quỷ đi xa hơn sâu hơn. Chúng không chỉ tấn công vào cộng đoàn Kitô hữu, mà còn vào tận gốc rễ của sự hiệp nhất Kitô, là tấn công vào việc cử hành Thánh Lễ. Điều này đã xảy ra trong cộng đoàn Cô-rin-tô.

Nơi cộng đoàn Cô-rin-tô thời ấy, có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo trong việc cử hành Thánh Lễ. Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha về sự hiệp nhất, nhưng ma quỷ thì ra sức phá hoại.

Đức Thánh Cha nói: Cha nài xin anh chị em hãy làm tất cả những gì có thể để đừng phá hoại Hội Thánh với những chia rẽ về tư tưởng, tham vọng… Trên tất cả, hãy cầu nguyện và bảo vệ cội rễ hiệp nhất của Hội Thánh là thân thể Đức Kitô. Đó là, hàng ngày chúng ta cùng nhau hiệp dâng lễ hy sinh của Chúa Kitô trong Thánh Lễ.

Thánh Phaolô đã nói về sự chia rẽ giữa các Kitô hữu Cô-rin-tô hai ngàn năm trước… Những lời của thánh nhân vẫn thích hợp cho chúng ta hôm nay, cho Hội Thánh ngày nay. “Thưa anh em, về điều này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại…” Và “bất cứ ai ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.”

Chúng ta hãy khẩn cầu cùng Thiên Chúa để Hội Thánh hiệp nhất, để không còn chia rẽ. Ơn hiệp nhất ở ngay trong cội rễ của Hội Thánh, là lễ hy sinh của Đức Kitô mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ hằng ngày.

6. Mẹ Maria đồng hành và che chở chúng ta

Trong một thế giới đang đau khổ vì đơn côi, chúng ta có Mẹ Maria đồng hành và che chở. Đức Thánh Cha nói như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 9 tại nhà nguyện thánh Marta nhân ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta lên đồi Calvario. Tất cả các môn đệ đều bỏ chạy, chỉ còn Gioan và mấy người phụ nữ. Dưới chân Thập giá, có Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu. Mọi người có thể nhìn vào Mẹ mà nói: “Đó là mẹ của tên tử tội!”.

Mẹ Maria cảm nhận được những điều ấy. Mẹ đau khổ nhiều, Mẹ phải chịu sự sỉ nhục khủng khiếp. Một số thượng tế đứng đó cũng chế giễu: “Có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! Xuống đi!” Người Con của Mẹ đang trần trụi trên thập giá. Mẹ Maria đau khổ vô cùng, nhưng Mẹ không bỏ đi. Mẹ vẫn đứng đó. Mẹ không chối bỏ đó là Con của Mẹ. Đó là người Con mà Mẹ đứt ruột sinh ra.

Đức Thánh Cha nhớ lại, khi Ngài đến Buenos Aires thăm những người bị giam trong tù, Ngài luôn nhìn thấy những người phụ nữ xếp hàng chờ để được vào nhà tù mà thăm viếng. “Họ là những người mẹ. Họ không xấu hổ vì những người con ruột thịt của họ ở đó. Những người mẹ này đau khổ không chỉ vì tình trạng ở tù của con họ. Mà họ còn chịu những sỉ nhục tệ hại khi họ tìm cách vào tù thăm con. Thế nhưng, vì họ là những người mẹ, nên họ đi tìm người con ruột thịt của họ, những người mẹ đi tìm chính thân mình.” Mẹ Maria đã đứng đó, đã ở đó với Con của Mẹ trong đau khổ tột cùng.

Chính Chúa Giêsu đã hứa là không để chúng ta mồ côi. Trên Thánh Giá, Người đã ban cho chúng ta một người Mẹ. Từ đây Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta. Các Kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Mẹ của Chúa Giêsu, chúng ta có chung một người Cha, là Cha trên Trời, Cha của Chúa Giêsu. Chúng ta không mồ côi. Mẹ là Mẹ chúng ta. Mẹ chăm sóc con cái Mẹ. Mẹ không xấu hổ vì chúng ta vì Mẹ che chở chúng ta.

Các nhà thần bí trong những thế kỷ đầu đã tìm đến nương ẩn nơi Mẹ, khi họ gặp thử thách thiêng liêng: khi chúng ta ở bên Mẹ, ma quỷ không thể tấn công chúng ta, vì Mẹ là Mẹ và Mẹ bảo bọc chúng ta. Sau đó, điều tốt lành này được đón nhận và làm thành bài ca “Dưới áo Mẹ từ bi”.

Trong một thế giới đang khủng hoảng và trong đơn côi, chúng ta nhìn lên Mẹ. Chúng ta có một người Mẹ. Mẹ bảo vệ, đồng hành, dẫn dắt chúng ta. Mẹ không xấu hổ vì những lầm lỗi của chúng ta, vì Mẹ là Mẹ chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Bạn Đồng Hành, là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm tuyệt vời về Mẹ của chúng ta, Mẹ Maria.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

Mc 12, 28b-34b

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 31B TN Giới Răn Trọng Nhất  (Mc 12,28b-34) I.TÀI LIỆU GỢI Ý Theo Matthêu …