Home / Tiêu Điểm / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 13/11/2017: Câu chuyện các tu sĩ hiện về từ luyện ngục

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 13/11/2017: Câu chuyện các tu sĩ hiện về từ luyện ngục

1. Việc thanh luyện Giáo hội được bắt đầu nơi chính tâm hồn mỗi người.

Xây dựng Giáo hội, bảo vệ Giáo Hội, thanh tẩy Giáo hội. Ðó là ba điểm quan trọng Ðức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng thứ Năm mùng 9 tháng 11 tại nhà nguyện Marta.

Hôm nay kỷ niệm ngày Cung hiến Ðền Thờ Latêrano. Ðây là Vương Cung Thánh Ðường Roma, được mệnh danh là “Nhà Thờ Mẹ của tất cả các nhà thờ”. Danh hiệu này không phải là để tự hào nhưng để phục vụ và yêu thương.

Trước hết, Đức Thánh Cha nói về việc xây dựng Giáo hội; và ngài đặt câu hỏi nền móng của Giáo hội là gì? Đức Thánh Cha trả lời rằng đó chính là Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu Kitô là đá tảng góc tường của tòa nhà Giáo hội. Nếu không có Chúa Giêsu Kitô thì không có Giáo hội. Tại sao lại thế? Tại vì nếu không có Chúa Giêsu thì làm gì có nền tảng, và như thế lấy đâu ra tòa nhà Giáo hội. Anh chị em thử nghĩ tới việc xây dựng một nhà thờ bằng vật chất mà xem. Nếu không có nền không có móng, thì làm sao xây được nhà. Không có móng, thì nhà sẽ sụp đổ. Cũng thế, nếu không có Chúa Giêsu Kitô sống trong Giáo hội, thì tòa nhà Giáo hội sẽ sụp đổ.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Còn chúng ta, chúng là là ai, chúng ta là gì? Chúng ta là những viên đá sống động, chúng ta không giống nhau, mỗi người mỗi khác, và đó chính là sự đa dạng phong phú của Giáo hội. Mỗi người chúng ta xây dựng Giáo hội tùy theo ơn Chúa ban. Chúng ta không thể nghĩ về một Giáo hội mà chỉ có một kiểu một dạng. Không, không phải thế, không có Giáo hội theo kiểu đồng phục.

Tiếp đến là việc bảo vệ Giáo hội. Chúng ta cần ý thức rằng Thần Khí Thiên Chúa ở trong chúng ta, hoạt động trong chúng ta.

Ngày nay có biết bao Kitô hữu biết Chúa Giêsu Kitô là ai, họ biết Chúa Cha là ai, bởi vì họ cầu nguyện với Cha của chúng ta, cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Nhưng khi nói về Chúa Thánh Thần, thì người ta nói: “Vâng, vâng… à thì Ngài tựa chim bồ câu, tựa chim bồ câu” và rồi dừng lại tại đó. Thế mà Chúa Thánh Thần chính là sức sống của Giáo hội, là sức sống của cuộc đời anh chị em, là sức sống của cuộc đời tôi. Chúng ta là Ðền Thờ của Chúa Thánh Thần và chúng ta phải yêu mến Chúa Thánh Thần. Ðến nỗi thánh Phaolô khuyên các tín hữu rằng chớ làm phiền lòng Chúa Thánh Thần. Ðiều ấy có nghĩa là chúng ta đừng có những hành vi trái với sự hòa hợp mà Chúa Thánh Thần đang thực hiện trong chúng ta và trong Giáo hội. Ngài là Ðấng tạo nên sự hòa hợp trong tòa nhà Giáo hội.

Trong phần kết luận Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng

Việc thanh luyện Giáo hội được bắt đầu nơi chính tâm hồn mỗi người chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. Tất cả. Tất cả chúng ta. Nếu ai giữa anh chị em mà không có tội, xin hãy giơ tay lên, bởi vì có lẽ đó sẽ là một điều lạ lùng vui thú đấy. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Ðó là lý do mà mỗi người chúng ta phải liên tục thanh tẩy chính mình. Khi thanh tẩy chính mình, khi thanh luyện chính mình, chúng ta cũng góp phần thanh luyện cộng đoàn giáo phận, cộng đoàn Kitô hữu, cộng đoàn Giáo hội phổ quát. Và khi làm được điều ấy, chúng ta góp phần làm cho Giáo hội phát triển.

2. Câu chuyện các tu sĩ hiện về từ luyện ngục

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân tháng các linh hồn, Như Ý xin thuật thêm một câu chuyện nữa do chính cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh kể.

Câu chuyện này xảy ra vào buổi tối tháng 2 năm 1922, nơi Tu Viện San Giovanni Rotondo. Cha Pio kể lại như sau:

Tối hôm ấy tôi xuống phòng chung nơi có đốt lửa để sưởi. Bỗng tôi trông thấy 4 tu sĩ, chưa bao giờ gặp, đang ngồi chung quanh ngọn lửa, đầu phủ mũ cappuccio và giữ thinh lặng. Tôi cất tiếng chào: “Laudetur Gesù Cristo – Ngợi khen Đức Chúa Giêsu Kitô”, nhưng không ai trả lời. Ngạc nhiên, tôi chăm chú nhìn kỹ 4 tu sĩ để xem họ là ai thì thấy rằng đó là 4 tu sĩ lạ, tôi chưa từng bao giờ gặp. Cùng lúc, tôi có cảm tưởng các tu sĩ này đang chịu đau khổ. Tôi lập lại lời chào, vẫn không ai trả lời. Tôi trở lên phòng Cha coi nhà khách và hỏi xem có tu sĩ khách nào đến Tu Viện không. Nghe vậy, Cha Bề Trên, lúc ấy là Cha Lorenzo da San Marco in Lamis trả lời ngay:

– Cha Pio à, đâu có tu sĩ khách nào đến đây vào một đêm đông tuyết lạnh như thế này!

Tôi nói với Cha coi nhà khách:

– Cha à, có 4 tu sĩ ngồi sưởi nơi phòng chung. Tôi cất tiếng chào nhưng không ai trả lời. Tôi nhìn kỹ thì thấy đó là các tu sĩ lạ!

Cha coi nhà khách nói:

– Có lẽ khách lạ đến mà tôi không biết chăng? Vậy chúng ta cùng xuống xem!

Khi chúng tôi trở lại phòng chung thì không còn ai. Phòng chung vắng lặng như tờ.

Tôi hiểu ngay đây là 4 tu sĩ quá cố, đang làm việc đền tội nơi xưa kia họ xúc phạm đến Thiên Chúa. Tôi thức trắng suốt đêm đó để cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Chúa cho 4 tu sĩ sớm được giải thoát khỏi chốn Luyện Hình và về Thiên Đàng vui hưởng Nhan Thánh Chúa…. “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Israel hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Israel cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn”

3. Bí tích Thánh Thể là trọng tâm đời sống Giáo Hội

Các Bí Tích, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể đáp ứng ước mong trông thấy Chúa Kitô, sờ mó Ngài và hiểu biết Ngài hơn. Chúng là các dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa và là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 8 tháng 11. Ngài nhấn mạnh rằng lòng ngài buồn vô hạn khi thấy có quá nhiều người chụp hình trong các thánh lễ.

Giải thích đoạn Phúc Âm thánh Gioan chương 6 viết rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”, Đức Thánh Cha cho biết ngài bắt đầu một loạt giáo lý mới về Bí Tích Thánh Thể, là trọng tâm của cuộc sống Giáo Hội. Kitô hữu cần phải hiểu biết rõ ràng giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ để luôn sống một cách tràn đầy hơn tương quan của mình với Thiên Chúa. Nêu bật tầm quan trọng của Thánh Lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta không thể quên con số lớn lao tín hữu kitô trên toàn thế giới trong hai ngàn năm lịch sử, đã kháng cự tới chết để bênh vực Thánh Thể, và biết bao nhiêu người cả ngày nay nữa liều mạng sống để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Vào năm 304 dưới thời hoàng đế Diocleziano bắt đạo, có một nhóm kitô hữu ở Bắc Phi đã bị bắt thình lình trong khi họ đang cử hành Thánh Lễ trong một căn nhà. Trong cuộc hỏi cung quan tổng tài Roma hỏi họ tại sao lại làm điều đó, khi biết nó bị cấm triệt để. Họ đã trả lời: “Không có Chúa Nhật chúng tôi không thể sống được”, có nghĩa là nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Thể, chúng tôi không thể sống, cuộc sống kitô của chúng tôi sẽ chết.

Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài rằng: “Nếu anh em không ăn thịt Con Người và không uống máu Người, anh em không có sự sống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu ta thì có sự sống vĩnh cửu và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).

Các kitô hữu Bắc Phi này đã bị giết vì cử hành Thánh Thể. Họ đã làm chứng rằng người ta có thể khước từ cuộc sống trần gian vì Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể trao ban cho chúng ta sự sống đời đời, bằng cách khiến cho chúng ta thông phần vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết. Đây là một chứng tá gọi hỏi chúng ta tất cả, và đòi một câu trả lời liên quan tới ý nghĩa việc từng người trong chúng ta tham dự Hy tế Thánh Lễ và tiến tới Bàn Thánh của Chúa.

Chúng ta đang tìm về suối nguồn “vọt lên nước hằng sống” cho cuộc đời vĩnh cửu, khiến cho cuộc sống chúng ta trở thành một hy lễ tinh thần của việc chúc tụng và tạ ơn, và làm cho chúng ta trở thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa sâu xa của Thánh Thể, có nghĩa là tạ ơn. Thánh Thể, Eucaristia, có nghĩa là tạ ơn: tạ ơn Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, lôi cuốn chúng ta và biến đổi chúng ta trong sự hiệp thông tình yêu của Ngài.

Trong các bài giáo lý tới tôi sẽ trả lời vài câu hỏi quan trọng liên quan tới Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái khám phá ra hay khám phá ra qua mầu nhiệm này của đức tin tình yêu của Thiên Chúa rạng ngời như thế nào.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Công Đồng Chung Vaticăng II đã được linh hoạt một cách mạnh mẽ bởi ước mong dẫn đưa các kitô hữu tới chỗ hiểu biết sự cao cả của đức tin và vẻ đẹp của việc gặp gỡ Chúa Kitô. Vì thế trước tiên, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cần hiện thực một việc canh tân Phụng vụ thích hợp, bởi vì Giáo Hội liên tục sống nhờ Thánh Thể và canh tân nhờ Thánh Thể.

Có một đề tài chính mà các Nghị Phụ đã nhấn mạnh đó là việc đào tạo phụng vụ cho các tín hữu, là điều không thể thiếu đối với một việc canh tân đích thực. Và đây cũng chính là mục đích của loạt bài giáo lý chúng ta bắt đầu hôm nay: lớn lên trong việc hiểu biết ơn cao cả Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha định nghĩa Thánh Thể như sau:

Thánh Thể là một biến cố tuyệt diệu trong đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa. Đó là một sự hiển linh: Chúa hiện diện trên bàn thờ để được hiến dâng cho Thiên Chúa Cha cho ơn cứu độ của thế giới” (Bài giảng Thánh Lễ, Nhà trọ Thánh Marta, 10-2-2014). Chúa ở đó với chúng ta, Ngài hiện diện. Nhưng biết bao lần chúng ta đến đó, chúng ta nhìn các sự việc, chúng ta nói chuyện bép xép với nhau, trong khi linh mục cử hành Thánh Thể… Nhưng chúng ta không cử hành gần Ngài. Nhưng đó là Chúa!

Nếu hôm nay tổng thống Cộng hoà hay vài nhân vật rất quan trọng trên thế giới đến đây, thì chắc chắn là mọi người chúng ta sẽ gần gữi ông, sẽ đến chào ông. Nhưng hãy nghĩ coi: khi bạn đi tham dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Thế mà bạn lại lo ra, quay qua quay lại… Đó là Chúa! Chúng ta phải nghĩ tới điều này! “Thưa cha, vì các thánh lễ nhàm chán quá! – “Mà bạn nói gì thế, rằng Chúa là nhàm chán à!” – “ Không, không. Thánh Lễ không, các linh mục thì có”. Ôi, ước chi các liinh mục hoán cải, nhưng mà Chúa ở đó nhé! Anh chị em đã hiểu chưa? Xin đừng quên điều ấy! Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa”

Giờ đây chúng ta hãy đặt cho mình vài câu hỏi đơn sơ. Thí dụ, tại sao ta làm dấu thánh giá và có cử chỉ sám hối ở đầu Thánh Lễ? Một câu hỏi. Và ở đây tôi muốn mở một dấu ngoặc. Anh chị em đã trông thấy các em bé làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Bạn không biết chúng làm gì, không biết đó là dấu thánh giá hay hình vẽ gì. Chúng làm như thế này này… Mà phải học chứ, phải dậy cho trẻ em làm dấu thánh giá hẳn hoi, và Thánh Lễ bắt đầu như vậy, cuộc sống bắt đầu như vậy, ngày sống bắt đầu như vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta được cứu chuộc với thập giá của Chúa. Anh chị em hãy nhìn các trẻ em và dậy chúng làm dấu thánh giá hẳn hoi. Và các bài đọc trong Thánh Lễ, tại sao chúng ở đó. Tại sao ngày Chúa Nhật có ba bài đọc và các ngày khác lại chỉ có hai bài đọc thôi? Tại sao chúng ở đó? Bài đọc Thánh Lễ có ý nghĩa gì? Tại sao lại đọc chúng, chúng có liên quan gì? Hay tại sao tới một lúc nào đó vị linh mục chủ sự buổi cử hành nói: “Hãy nâng tâm hồn lên?”. Ngài không nói hãy giơ điện thoại di động lên để chụp hình nhé! Không. Đây là điều xấu! Và tôi xin nói, tôi rất buồn khi cử hành Thánh Lễ tại quảng trường này hay trong Đền thờ và trông thấy biết bao nhiều điện thoại di động giơ lên, không phải chỉ các tín hữu, mà cả vài linh mục và cả giám mục nữa. Tôi xin anh chị em. Thánh Lễ không phải là một cuộc trình diễn: đó là việc đi gặp gỡ cuộc khổ nạn, sự phục sinh của Chúa. Chính vì thế linh mục mới nói: “Hãy nâng tâm hồn chúng ta lên!”. Điều này có nghĩa là gì? Xin anh chị em hãy nhớ: không phải giơ điện thoại di động lên đâu nhé!

Thật rất quan trọng trở về với các nền tảng, tái khám phá ra điều nòng cốt, qua điều chúng ta sờ mó và trông thấy trong việc cử hành các Bí Tích. Lời tông đồ Tôma xin (x.Ga 20,25) được trông thấy và sờ vào các vết đanh trên thân xác Chúa Giêsu, là ước mong, trong một cách thức nào đó có thể “sờ mó” Thiên Chúa để tin nơi Ngài. Điều thánh Tôma xin Chúa là điều chúng ta tất cả cần đến: đó là trông thấy Chúa và sờ mó Chúa và có thể nhận biết Ngài. Các Bí Tích đáp trả lại đòi hỏi ấy của con người. Các Bí Tích, và một cách đặc biệt việc cử hành Thánh Thể, là các dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.

Như thế, qua các bài giáo lý, mà hôm nay chúng ta bắt đầu, tôi muốn cùng anh chị em tái khám phá ra vẻ đẹp dấu ẩn trong việc cử hành Thánh Thể, và một khi được vén mở nó trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống của từng người trong chúng ta. Xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trên đoạn đường mới này.

4. Nếu đánh mất khả năng cảm nhận tình yêu thương, anh chị em sẽ đánh mất tất cả.

Ðừng đánh mất khả năng yêu thương, bởi vì nếu đánh mất khả năng cảm nhận rằng mình được yêu thương, thì anh chị em sẽ đánh mất tất cả. Ðức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Ba mùng 7 tháng 11 tại nhà nguyện Marta.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 14,15-24), Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe dụ ngôn minh họa cho lời chúc phúc: “Phúc cho kẻ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. Ðó là dụ ngôn về việc các thực khách được mời dự tiệc. Chúa khuyên chúng ta hãy mời đến dự tiệc tất cả những ai không có khả năng mời lại chúng ta.

Có một người dọn tiệc linh đình và mời nhiều người tới dự. Nhưng những người được mời đều không muốn tới dự tiệc, cũng không thích thú gì chủ nhà, và cũng chẳng đoái hoài gì đến lời mời của Chủ. Họ hành xử như thế, bởi lẽ đối với họ, lợi lộc lợi ích quan trọng hơn lời mời. Trong số họ, kẻ thì bận đi xem đất, kẻ thì bận mua bò, kẻ thì nói là do mới cưới vợ. Thực tế, điều quan trọng đối với họ là có thể kiếm lợi được gì, có thể sở hữu được gì. Họ bận rộn giống như ông phú hộ lo lắng tích trữ kho tàng rồi chết đi ngay trong đêm.

Đức Thánh Cha nói:

Họ bị ràng buộc, bị lệ thuộc vào các lợi lộc đến nỗi đóng cửa lòng trước Thần Khí. Và như thế, họ không thể hiểu được tính vô vị lợi của lời mời. Nếu không hiểu được tính vô vị lời của lời mời của Thiên Chúa, thì anh chị em chẳng thể hiểu gì cả. Lời mời của Thiên Chúa luôn luôn là vô vị lợi. Nhưng mà, để được dự bàn tiệc này thì phải trả giá nào? Tấm vé vào cửa là dành cho những người đau ốm, những người nghèo, những kẻ tội lỗi. Có thể đối với anh chị em, họ bị gạt ra bên ngoài cửa, nhưng kỳ thực, vé vào cửa là dành cho những ai cần được chữa lành cả thể lý lẫn tâm hồn. Tấm vé là dành cho những ai cần được chăm sóc, cần được chữa bệnh, cần tình yêu mến

Như thế, có hai điều ở đây. Một mặt, Thiên Chúa không đòi hỏi gì hết, mà Ngài nói với các đầy tớ đi mời tất cả những ai nghèo đói, tàn tật, đau ốm, cả tốt lẫn xấu vào dự tiệc. Vé vào cửa là miễn phí và không giới hạn. Thiên Chúa đón tiếp mọi người, Ngài đón nhận tất cả chẳng trừ một ai. Nhưng mặt khác, những người đã được mời trước, lại không hiểu được tính vô vị lợi trong lời mời của chủ tiệc. Họ giống như người anh trai cả trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh không muốn đến dự tiệc do người cha mở ra để đón mừng người em trở về. Anh ta hiểu lầm người cha.

Như người anh cả, chúng ta có thể hỏi rằng: “Nhưng mà thằng đó đã tiêu xài hết tiền bạc, xài hết cả phần thừa kế, nó lại còn ăn chơi tội lỗi nữa, cớ gì tôi phải vào dự tiệc với nó?” Chúng ta cũng có thể nói rằng: “Tôi là một người Công Giáo, thực hành đạo đàng hoàng. Tôi đi lễ mỗi Chúa Nhật. Tôi hoàn thành các bổn phận. Chẳng lẽ tôi không được gì?” Nếu chúng ta tiếp tục nghĩ như thế, chúng ta chẳng hiểu gì về tính nhưng không, tính vô vị lợi của ơn cứu độ. Chúng ta cứ nghĩ rằng, ơn cứu độ là kết quả của những việc ta làm. Ta cứ nghĩ rằng, ta đã trả giá để mua ơn cứu độ. Ta cứ nghĩ rằng, ta đã trả giá điều này, trả giá điều kia, trả giá điều nọ. Không. Không phải thế. Vì ơn cứu độ là ơn nhưng không! Nếu anh chị em không hiểu được điều này. Nếu anh chị em không hiểu được đặc tính nhưng không, đặc tính vô vị lợi của ơn cứu độ, thì anh chị em chẳng hiểu gì cả. Ơn cứu độ là quà tặng Thiên Chúa trao ban, và để đáp lại, chúng ta cần đáp lại ơn ấy với tất cả tấm lòng.

Tuy nhiên có những người luôn nghĩ tới lợi ích này nọ, lợi lộc riêng này kia. Với họ, khi có món quà này, ngay lập tức họ nghĩ tới món quà khác, nghĩ theo kiểu ăn đi trả lại, nghĩ theo kiểu trao đổi. Dịp này, tôi tặng anh món quà này, và dịp khác, anh sẽ tặng lại tôi món qua khác.

Ðối với Thiên Chúa thì khác, Ngài không đòi hỏi bất cứ điều gì. Ðối với Ngài, chỉ có tình yêu thương và lòng thành tín. Bởi vì Ngài là tình yêu và mãi mãi trung thành. Ơn cứu độ không phải là điều gì đó để mua bán đổi chác. Ơn cứu độ là lời mời gọi nhưng không mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài mời chúng ta vào dự tiệc Nước Thiên Chúa. Phúc cho những ai được dự tiệc Nước Thiên Chúa. Ðó chính là ơn cứu độ.

Thế nhưng có những người không sẵn lòng để vào dự tiệc, vì họ muốn cảm thấy mình an toàn, vì họ đánh mất đi ý nghĩa của tính nhưng không, đánh mất ý nghĩa của đặc tính vô vị lợi. Và như thế, nếu như có thể nói, con đường của tình yêu thương là điều đẹp nhất; thì cũng có thể nói, điều xấu xa nhất là đánh mất khả năng yêu thương và đánh mất khả năng cảm nhận mình được yêu thương.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời cảnh cáo sau:

Tôi không nói rằng, anh chị em có thể đánh mất khả năng yêu thương, bởi lẽ khả năng yêu thương tự nó có thể phục hồi. Nhưng tôi nói rằng, khi anh chị em đánh mất khả năng cảm nhận tình yêu thương, thì anh chị em không còn có hy vọng, và khi ấy anh chị em đánh mất tất cả. Chúng ta cần suy ngẫm điều này trước Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa lại nói với chúng con rằng, Chúa muốn chúng con ở đầy trong nhà Chúa!” Chúa chúng ta thật vĩ đại, vì Ngài là Ðấng yêu thương vô cùng, Ngài muốn nhà của Ngài rộng mở vô vị lợi cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy nài xin Chúa ban cho ta ơn có khả năng cảm nhận mình được yêu thương.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG