Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 13– 20/12/2016: Câu chuyện Ông Già Noel

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 13– 20/12/2016: Câu chuyện Ông Già Noel

 

1. Người mục tử nói lên sự thật

Các mục tử cần nói lên sự thật, đó là bước đầu, phần còn lại Chúa sẽ lo. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta. Bài giảng của ngài đã tập trung vào Thánh Gioan Tẩy Giả.

Thánh Gioan rao giảng rất mạnh mẽ. Ngài đề cập đến những tật xấu của người Pharisêu, của các luật sĩ, các kinh sư. Ngài không nói: “Anh em thân mến, hãy cư xử tử tế!” Nhưng ngài chỉ thẳng vào mặt họ mà nói: “Nòi rắn độc kia!” Thánh Gioan nói cách rất đơn giản và thẳng thắn, không có chút gì là úp mở. Ngài phải nói thế, bởi vì họ đến để kiểm tra, để thách đố, để đứng nhìn, chứ không bao giờ mở lòng ra sám hối. Họ mang dáng dấp lươn lẹo của loài rắn. Khi nói như thế, Gioan mạo hiểm với cuộc sống, nhưng ngài vẫn trung thành sống lối sống ấy. Sau đó, khi gặp vua Hêrôđê, Thánh Gioan cũng nói thẳng vào mặt vị quân vương đầy quyền thế: “Vua là kẻ ngoại tình, vua không được phép sống ngoại tình như thế!”

Phải đối mặt! Để cụ thể hơn, ví dụ trong bài giảng lễ Chúa Nhật, vị linh mục nói: “Giữa anh chị em có một số người là nòi rắn độc, có nhiều người sống ngoại tình”. Chắc chắn sau đó, Đức Giám Mục giáo phận sẽ nhận được những lá đơn nói rằng: “Cha ấy đã xúc phạm chúng con.” Đó là thật là chuyện xúc phạm nhưng người mục tử phải trung thành với sứ mạng nói lên sự thật.

Mặc dù Thánh Gioan rất mạnh mẽ và kiên vững trong ơn gọi mà Thiên Chúa ủy thác, nhưng ngài cũng có những giây phút đêm tối, có những lúc nghi ngờ. Ngay cả sau khi làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt toàn dân, rằng Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian. Vậy mà, khi ở trong tù, ngài nghi ngờ, ngài sai các môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu xem có đúng Người là Đấng Kitô không, là Đấng phải đến không.

Những con người vĩ đại như ông vẫn có những lúc nghi ngờ, và điều ấy thật đẹp. Họ chắc chắn về ơn gọi, nhưng mỗi khi Chúa tỏ cho họ thấy con đường mới, thì họ bước vào con đường ấy với những nghi ngờ. Nghi ngờ ví như “điều ấy hình như không mang tính chính thống, hình như có gì đó sai lạc, hình như đây không phải là Đấng Mesia mà tôi mong đợi.” Có khả năng nghi ngờ như thế, chúng ta càng thấy rõ sự vĩ đại của Gioan.

Chúng ta hãy xin thánh Gioan Tiền Hô chuyển cầu cùng Chúa, để ban cho chúng ta ơn can đảm khi thực thi sứ mạng mục tử, để chúng ta luôn luôn nói sự thật với tình thương của người mục tử, để chúng ta đón nhận mọi người và những gì nhỏ bé mà mọi người trao tặng. Đó là bước khởi đầu. Phần còn lại, chính Chúa sẽ làm. Thậm chí, chúng ta cũng xin ơn nghi ngờ như Gioan đã nghi ngờ. Điều gì làm cho Gioan vĩ đại! Gioan là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời, và vì thế mà ông vĩ đại, ông trợ giúp chúng ta trên con đường theo bước chân của Chúa.

2. Câu chuyện Ông Già Noel

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tháng 9 năm 1897, một bé gái 8 tuổi tên là Virginia đã viết cho tờ báo Công Giáo Hoa Kỳ để hỏi về ông già Noel. Câu hỏi của cô bé là: Ông già Noel có thật không?

Vài ngày sau, trên mục quan điểm của tờ báo, người ta đọc được câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau “Virginia yêu dấu của bác. Ðiều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là sai lầm khi bảo rằng không có ông già Noel. Các bạn của cháu bị tiêm nhiễm bởi trào lưu hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng không gì có thể có được nếu trí khôn nhỏ bé của họ không hiểu được.

Virginia yêu dấu, tất cả mọi trí khôn của loài người, dù là của trẻ em, dù là của người lớn, tất cả đều nhỏ bé. Trong cái vũ trụ bao la này, con người chỉ là một con kiến nhỏ bé.

Virginia ạ, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại nhờ đó cuộc sống của cháu trở thành vui tươi và xinh đẹp. Bé ơi, nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có những tâm hồn ngây thơ trong trắng của những trẻ thơ như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có một niềm tin của trẻ thơ như cháu thì không có một áng văn, một dòng thơ nào có thể làm cho cuộc sống của chúng ta đáng sống nữa. Không có một niềm tin của trẻ thơ thì ánh sáng vĩnh cửu đang lấp đầy thế giới cũng sẽ tắt dần.

Virginia, nếu cháu không còn tin ở ông già Noel nữa, thì cháu cũng chẳng còn tin ở chuyện thần tiên nữa. Có thể cháu sẽ yêu cầu bố cho người ngồi canh ở lò sưởi, ở cuối giường để bắt cho được ông già Noel… Nhưng dù cháu không bắt được ông già Noel đi nữa, điều đó có ý nghĩa gì? Chưa có ai thấy ông già Noel, nhưng cũng không ai chứng minh được là không có ông già Noel. Những điều có thực nhất trong thế giới của chúng ta đó là những điều mà trẻ con và ngay cả người lớn cũng chưa từng thấy.

Cháu đã bao giờ thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên là chưa. Nhưng có ai chứng thực được các nàng tiên không có không? Không ai có thể có khái niệm hay tưởng tượng được bao điều kỳ diệu chưa thấy hoặc không thể thấy được trong thế giới của chúng ta.

Chỉ có Ðức Tin, chỉ có tình yêu mới có thể vén mở được bức màn bí mật của thế giới chúng ta.

Nhờ ơn Chúa, ông già Noel vẫn sống và tiếp tục sống, cháu Virginia ạ. Ông già Noel sẽ tiếp tục làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan lạc”.

3. Người Kitô hữu mở đường cho Chúa Giêsu bằng đời sống chứng tá

Người Kitô hữu nhận thấy thánh Gioan Tẩy Giả là chứng tá khiêm nhường cho Chúa Giêsu. Thánh nhân đã trở nên nhỏ đi, để cho Chúa lớn lên, để giới thiệu Con Thiên Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 16 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta

Trong những ngày này, Tin Mừng giúp chúng ta tập trung vào chân dung của Gioan Tẩy Giả. Ông là chứng nhân cho Chúa Giêsu. Ơn gọi của ông là làm chứng cho Chúa, là giới thiệu Chúa cho mọi người, là ngọn đèn cháy sáng.

Ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng, làm chứng cho ánh sáng. Ông là tiếng kêu. Chính ông nói: Tôi là tiếng kêu trong hoang địa. Ông là tiếng kêu, là tiếng nói làm chứng cho Lời của Thiên Chúa, cho Ngôi Lời Thiên Chúa. Ông chỉ là tiếng kêu. Ông rao giảng về ơn sám hối và làm phép rửa để giúp mọi người sám hối. Ông nói cách rõ ràng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng mạnh hơn tôi, và tôi không đáng để cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa.”

Gioan thật vĩ đại, vĩ đại vì ông rất khiêm tốn. Ông cho thấy Người quan trọng là Chúa Giêsu chứ không phải ông. Khi dân chúng và các luật sĩ hỏi: Ông có phải là Đấng Cứu Thế không? Ông trả lời rõ ràng: Tôi không phải.

Lời chứng của ông rất mạnh mẽ và xác quyết, không có chút gì là hư danh. Tiếng nói của ông dập tắt sức mạnh của kiêu hãnh. Tiếng nói ấy mở cánh cửa cho lời chứng khác. Đó là lời chứng từ chính Chúa Cha. Hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ta có lời chứng còn mạnh hơn cả lời chứng của Gioan, đó là lời chứng từ Chúa Cha.” Và Gioan đã mở cánh cửa cho lời chứng này. Ông Gioan đã nghe thấy tiếng nói từ Chúa Cha về Chúa Giêsu rằng: “Này là Con của Ta”. Thật tuyệt vời là sau khi mở cánh cửa, Gioan đã luôn lùi sang một bên. Đó là con đường khiêm tốn của ông. Cuối đời, ông chết trong tù, bị Hêrôđê chặt đầu chỉ vì vua chiều theo ý thích của bà mẹ dâm đãng xúi giục đứa con gái.

Hôm nay thật là một ngày đẹp để chúng ta tự hỏi về đời sống Kitô của chính mình. Đời sống chúng ta có mở đường cho Chúa Giêsu không. Nếu đời sống có đầy những cử chỉ tốt đẹp ấy, chúng ta hãy dâng lên Chúa. Chúng ta hãy tiếp bước để làm chứng cho Chúa Giêsu, giống như thánh Gioan đã làm. Thánh nhân đã làm chứng tuyệt vời và ngài trợ giúp chúng ta trên bước đường chứng tá.

4. Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

Tinh thần “giáo sĩ trị” là điều xấu nhưng tiếp tục có mặt trong Giáo Hội ngày nay. Và hậu quả là: dân Chúa trở thành nạn nhân, dân Chúa cảm thấy bị chối từ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 13 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các mục tử rằng, đừng trở thành những nhà trí thức tôn giáo theo kiểu rời xa Mặc khải của Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ lão trong dân. Ngài tập trung những suy tư vào vai trò của họ. Họ có thẩm quyền về luật pháp, về luân lý, về tôn giáo. Họ quyết định mọi sự. Anna và Caipha đã xét xử Chúa Giêsu. Các thượng tế và giới lãnh đạo quyết định giết anh Lazarô. Họ cũng thương lượng với Giuđa về giá cả để bán Chúa Giêsu. Họ cho thấy sự kiêu ngạo, độc tài của họ và hậu quả là người dân phải chịu đựng.

Họ khai thác luật lệ. Các điều luật lên tới con số 500. Họ thiết lập mọi sự, mọi thứ! Họ làm nên luật lệ một cách rất khoa học, bởi vị họ là những nhà thông thái, vì họ hiểu biết rất nhiều. Nhưng họ có thực thi những điều luật ấy, hay là không? Có một luật mà họ không nhớ. Họ quên mất điều răn đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho tổ phụ Abraham: “Hãy bước đi trong sự hiện diện của Chúa, không chê trách được điều gì.” Họ không bước đi, mà luôn khẳng định ý kiến của mình dù họ thật đáng trách!

Thực thế, họ quên đi Mười điều răn Chúa trao cho Môsê. Họ chỉ biết luật do họ làm ra một cách tỉ mỉ tinh tế với những nghiên cứu kỹ lưỡng. Họ hủy bỏ luật pháp của Thiên Chúa. Nạn nhân của họ chính là người dân, những người nghèo, người bé nhỏ, người tin tưởng nơi Thiên Chúa, những người bị loại trừ. Ngay cả, những người ăn năn sám hối vì chưa thực thi những điều luật một cách hoàn hảo, cũng bị đau khổ bởi những bất công.

Giuđa là kẻ phản bội. Ông phạm trọng tội! Đúng thế. Nhưng sau đó Tin Mừng nói: ông hối hận, ông trả lại những đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục. Còn họ, họ đã làm gì? Có thể họ nói: “Nhưng anh là bạn của chúng tôi. Đừng lo… Chúng tôi có quyền tha thứ tất cả cho anh!” Không! Họ nói thẳng với Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giuđa bị bỏ lại một mình và ông bỏ đi! Giuđa nghèo hèn khốn khổ, đã sám hối, nhưng không được các mục tử là chính các thượng tế và kỳ mục chấp nhận. Họ đã quên mất vai trò mục tử. Họ là những trí thức tôn giáo, là những người cầm quyền, là những người dạy giáo lý cho dân chúng bằng sự học thức của họ, chứ không bằng mặc khải của Thiên Chúa.

Ngay cả ngày nay, trong Giáo Hội, vẫn còn tinh thần “giáo sĩ trị”. Những vị giáo sĩ ấy luôn cảm thấy mình hơn người và xa lánh người dân. Các vị ấy không còn giờ để lắng nghe người nghèo, lắng nghe người đau khổ, người bị tù đày, người bệnh tật.

Điều tệ hại của thứ gọi là “giáo sĩ trị” vẫn tồn tại và xuất hiện những phiên bản mới. Nhưng những con người phải chịu đựng điều ấy thì luôn là những người nghèo, những người bé nhỏ và những người chờ đợi ngày Chúa đến. Thiên Chúa là Cha luôn tìm mọi cách để đến với chúng ta: Ngài đã sai Con của Ngài đến. Chúng ta đang mong chờ trong niềm vui hoan hỉ. Chúa Con đến với những người đau bệnh, người nghèo khó, người bị loại trừ, những người thu thuế và kẻ tội lỗi, ngay cả những cô gái điếm. Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục nói với những người đang bị quyến rũ bởi tinh thần “giáo sĩ trị”, giống như Chúa đã nói với các thượng tế và kỹ lão rằng: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG