Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 13 – 19/06/2017: Câu chuyện phép lạ tại Velikoretsky

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 13 – 19/06/2017: Câu chuyện phép lạ tại Velikoretsky

1. Trở thành muối và ánh sáng

Trở thành muối và ánh sáng cho tha nhân là đang tôn vinh Thiên Chúa với tất cả cuộc sống. Để làm được điều ấy, phải tránh kiếm tìm sự an toàn nhân tạo, và cần biết tựa nương nơi Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 13 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài đọc trích thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô, cho thấy sức mạnh của Tin Mừng, sức mạnh làm cho chúng ta trở thành chứng nhân tôn vinh Thiên Chúa. Trong Chúa Giêsu, luôn luôn là có, nghĩa là chúng ta tìm thấy tất cả lời của Thiên Chúa, tất cả lời hứa của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Tất cả lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện và trở nên viên mãn trong Chúa Giêsu.

Trong Chúa Giêsu, không có cái không, nhưng luôn là có, luôn luôn là vì vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta cũng được tham dự vào điều ấy, vì Người đã xức dầu chúng ta trong Thánh Thần. Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta trên con đường vâng phục, và Ngài sẽ thúc đẩy chúng ta, giúp chúng ta lớn mạnh, làm cho chúng ta trở thành muối và ánh sáng. Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta đến đời chứng nhân Kitô.

Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ. Chúa đã dạy chúng ta điều đó. Đó là đảm bảo mà Chúa trao cho Giáo Hội và trao cho chúng ta là người lãnh nhận phép rửa. Tất cả lời hứa sẽ được hoàn tất trong Chúa Kitô. Việc làm chứng cho Chúa trước tha nhân, là món quà của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Và Chúa đã xức dầu chúng ta trong Thánh Thần để chúng ta sống chứng nhân.

Trở nên một Kitô hữu là trở nên muối và ánh sáng, nhưng nếu ánh sáng lại trở thành bóng tối hoặc muối lại mất vị mặn, thì quả là vô hiệu, quả là vô ích, và khi ấy lời chứng bị suy yếu. Điều tệ ấy xảy ra, khi tôi không chấp nhận việc xức dầu, khi tôi không chấp nhận sự tác động mà Chúa Thánh Thần đang thực hiện trong tôi. Đó cũng là điều tệ mà bạn sẽ làm, khi bạn không nói lời “xin vâng”, không nói lời nói “có” như Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta có thể tự hỏi rằng: Tôi có là ánh sáng cho người khác không? Tôi có là muối là hương vị cuộc sống cho người khác không? Tôi có gắn bó thân thiết với Chúa Kitô không?

Khi một người có đầy ánh sáng, chúng ta nói rằng: đây là một người sáng chói, một người sáng ngời. Để giúp hiểu điều này, chúng ta có thể nói, ở đây còn sáng hơn cả mặt trời nữa. Bởi vì Chúa Giêsu chính là ánh sáng phản chiếu của Chúa Cha, và trong Chúa Giêsu tất cả lời hứa được kiện toàn. Ánh sáng ấy cũng là ánh sáng phản chiếu khi chúng ta được xức dầu trong Thánh Thần. Tại sao chúng ta nhận được ánh sáng ấy? Vì thánh Phaolô nói: Qua Chúa Kitô, Thiên Chúa được tôn vinh. Và Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con trên Trời. Tất cả điều ấy là vì vinh quang Thiên Chúa. Đời sống của người Kitô là thế.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban ơn sủng, để chúng ta có thể bám rễ chắc và sâu trong lời hứa nơi Chúa Giêsu, là Đấng luôn luôn nói có, luôn luôn xin vâng, hoàn toàn xin vâng. Khi ấy chúng ta có thể trở thành muối thành ánh sáng thành chứng nhân cho Chúa trước mặt thế gian, để cho Danh Cha cả sáng, để vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.

2. Câu chuyện Phép lạ tại Velikoretsky

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc hành hương truyền thống có tên gọi là “cuộc hành hương Velikoretsky” vừa diễn ra tại Nga từ ngày 3 tháng Sáu đến ngày 8 tháng Sáu vừa qua.

Những người tham dự cuộc hành hương này mang theo trên vai họ mùng mền chiếu gối và lương thực để trải qua 6 ngày đi bộ, ngủ ngoài trời trên những cánh đồng hay bên trong những khu rừng, và chia sẻ lương thực với nhau như thời kỳ các thánh Tông Đồ.

Cuộc hành hương vĩ đại này, thu hút hàng trăm ngàn người, đã bắt đầu vào năm 1668 và kéo dài đến nay là 349 năm. Năm 1993, người ta ghi nhận có 40,000 người tham dự, năm nay con số lên đến hàng trăm ngàn người từ khắp các miền trên toàn nước Nga và cả nhiều nhóm trên thế giới. Nhiều người được khỏi bệnh cách kỳ lạ sau khi tham dự cuộc hành hương này nên con số người tham dự càng ngày càng đông.

Năm 1383, một nông dân tên là Semyon Agalakov đi qua khu rừng gần sông Velikaya và nhìn thấy một ánh sáng tuyệt vời trong rừng, như thể từ nhiều ngọn nến. Vì sợ hãi, ông tiếp tục con đường của mình để về nhà. Sáng hôm sau, khi trở lại, ông lại nhìn thấy ánh sáng rực rỡ này. Thu hết can đảm, ông làm dấu thánh giá, và đến gần để tìm ra nguồn ánh sáng. Ông nhận ra đó là một bức ảnh của Thánh Nicholas với những cảnh đã diễn ra trong đời thánh nhân.

Semyon Agalakov lấy bức ảnh này về nhà và không hề tiết lộ với ai. Một người dân trong làng bị liệt hai chân đã 20 năm qua. Trong một giấc mơ ông thấy Thánh Nicholas và anh Semyon Agalakov. Trong giấc mơ ông được lệnh phải đi đến gặp bức ảnh này. Sáng hôm sau, anh nhờ người đưa đến nhà Semyon Agalakov. Khi đến nơi, anh quỳ xuống trước bức ảnh, cầu nguyện và tôn kính bức ảnh. Ngay lập tức anh ta cảm thấy khoẻ mạnh và có thể đi đứng được.

Câu chuyện lan truyền nhanh chóng. Dân làng xây dựng một nhà nguyện tại nơi bức ảnh đã được tìm thấy.

Nhiều người từ khắp nơi tuôn đến. Khu rừng gần sông Velikaya nhanh chóng trở thành một thành phố, được gọi là thành phố Vyatka sau đổi tên là thành phố Velikoretsky. Thành phố này ở nơi heo hút, đường xá không thuận tiện cho nên năm 1668, chính quyền và giáo quyền đồng ý đưa bức ảnh về nhà thờ Đức Mẹ An Nghỉ là nhà thờ chính tòa của thành phố Kirov với lời hứa là mỗi năm bức ảnh lại được đưa về thành phố Velikoretsky cho dân chúng kính viếng trong một cuộc rước trọng thể, trên một đoạn đường dài đến 170km, được gọi là “cuộc hành hương Velikoretsky.”

Trong diễn từ với các tín hữu hành hương năm nay, Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Nga nhắc nhớ các tín hữu rằng sau cuộc cách mạng Bolshevik, mọi cuộc rước sách đều bị cấm. Tuy nhiên, các tín hữu vẫn âm thầm tổ chức cuộc hành hương Velikoretsky với từng nhóm nhỏ. Năm 1954, Krushchev tăng cường bách hại đạo thánh Chúa, nhiều người chịu tử đạo khi tham dự cuộc hành hương này. Theo Đức Thượng Phụ, sau 349 năm trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, cuộc hành hương Velikoretsky vẫn được diễn ra và ngày càng lôi cuốn đông đảo các tín hữu là một phép lạ nhãn tiền.

3. Niềm an ủi

Niềm an ủi là quà tặng đến từ Thiên Chúa và đến từ việc phục vụ tha nhân. Để kinh nghiệm được niềm an ủi ấy, cần có trái tim rộng mở của tâm hồn nghèo khó. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Hai 12 tháng Sáu tại nhà nguyện Marta.

Kinh nghiệm về niềm an ủi là kinh nghiệm thiêng liêng, luôn cần được người khác làm đầy. Đây không phải là kiểu tự an ủi chính mình, không phải như thế. Nếu người ta chỉ biết cố gắng tự an ủi chính mình, thì sớm hay muộn người ta tự dẫn tới chỗ chỉ biết ngắm bản thân mình trong gương. Kiểu ngắm nghía chính mình như thế sẽ càng làm cho bản thân thêm khép kín, càng làm cho bầu không khí thêm ngột ngạt. Như thế, niềm an ủi không phải là sự trang điểm vì trang điểm không giúp phát triển. Tự an ủi theo kiểu soi gương không phải là niềm an ủi mà chúng ta nói ở đây, vì càng ngắm nhìn bản thân sẽ càng khép kín và càng lãng quên tha nhân.

Trong Tin Mừng có nhiều người tự an ủi chính mình theo kiểu soi gương. Đó là người phú hộ cảm thấy đầy đủ tất cả và thỏa mãn, ông còn dự định xây thêm nhiều kho lẫm để chứa của cải. Đó là thái độ của người Phariseu khi cầu nguyện trước bàn thờ. Ông nói: Con tạ ơn Chúa vì con không giống như bao nhiêu người khác. Đây chẳng phải là cầu nguyện mà chỉ là soi gương tự ngắm nghía chính mình. Chúa Giêsu chỉ cho thấy, những kẻ sống như thế sẽ không bao giờ tiến đến chỗ hoàn thiện mà chỉ là con đường hư vinh hư danh phù vân.

Niềm an ủi chân thực đến từ lòng vị tha. Trước hết, chúng ta có niềm an ủi vì Thiên Chúa là Đấng ủi an chúng ta, Ngài ban cho chúng ta niềm an ủi. Sau đó, chúng ta trao tặng niềm an ủi cho người khác bằng đời phục vụ. Niềm an ủi là món quà được nhận lãnh và để trao tặng.

Niềm an ủi đồng thời có ý nghĩa kép: vừa là món quà mà tôi nhận được, vừa là quà tặng tôi cần trao đi. Và như thế, nếu tôi trao tặng bạn món quà an ủi mà tôi nhận được từ nơi Chúa, thì cũng có nghĩa là tôi cần được ủi an. Tôi cần được an ủi, bởi vì chỉ có được món quà an ủi khi tôi nhận ra rằng tôi cần được an ủi. Khi đó chính Chúa sẽ đến an ủi chúng ta, và ban cho chúng ta sứ mạng đi an ủi tha nhân. Thật không dễ để mở lòng đón nhận món quà an ủi, cũng không dễ để đi phục vụ.

Để có được niềm an ủi, cần có trái tim rộng mở. Những người như thế được gọi là người có phúc, người được chúc phúc. Đó là người có tâm hồn nghèo khó, là người sầu khổ, là người hiền lành, là người khao khát công lý đấu tranh cho công lý, là người biết xót thương người khác, là người có tâm hồn trong sạch, là người xây dựng hòa bình, là người bị bách hại vì sống công chính vì yêu mến công lý. Những tâm hồn như thế mở ra, và Chúa đến ban niềm an ủi vào cõi lòng và sai họ đi an ủi tha nhân.

Thế nhưng, cũng có nhưng người đang khép kín cõi lòng, những người cảm thấy tự đủ, những người không biết khóc than khi thấy điều bất công. Có người luôn gây bạo lực mà không biết đến sự hiền lành. Có người gây ra biết bao bất công, có kẻ không xót thương ai, có kẻ không bao giờ tha thứ vì họ cảm thấy không cần phải được thứ tha. Có những trái tim nhơ bẩn luôn tìm cách vơ vét và khai thác chứ không bao giờ muốn hòa bình. Những tâm hồn khép kín như thế sẽ chẳng bao giờ nhận được món quà an ủi của Thiên Chúa, đồng thời họ cũng chẳng thể ủi an tha nhân.

Lạy Chúa, tâm hồn con hiện tại đang thế nào? Xin cho con biết mở rộng cõi lòng, để xin ơn an ủi của Chúa, và để có thể trao tặng niềm an ủi ấy cho tha nhân. Con cần nhẩm đi nhắc lại điều ấy nhiều lần, để khắc ghi và dâng lời tạ ơn Chúa vì Ngài luôn luôn tìm cách ủi an chúng con. Xin cho con biết mở cửa tâm hồn, dù là hé mở một chút, để Chúa có thể đến và ngự vào.

4. Biết xấu hổ là khởi đầu của hạnh phúc

Chúng ta ý thức rằng mình yếu đuối, tội lỗi và dễ bị tổn thương. Chúng ta cũng biết rằng, chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp và chữa lành chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Không ai trong chúng ta có thể tự cứu mình, chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa cứu chúng ta. Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương, đều mong manh yếu đuối, và chúng ta cần được chữa lành. Chúng ta đang đau đớn, bối rối, chịu bắt bớ. Những điều ấy cho thấy sự yếu đuối của chúng ta, cũng giống như kinh nghiệm của thánh Phaolô, chúng ta yếu hèn tựa đất sét. Đó là sự mong manh của chúng ta. Đó là một trong những điều khó khăn nhất để thừa nhận trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta cố tình không thừa nhận sự mong manh yếu đuối của mình, nhiều khi chúng ta không muốn thấy điều ấy, nhiều khi chúng ta tìm cách che đậy điều ấy bằng những cách ngụy trang, bằng những lối trang điểm. Khi làm như thế, chúng ta sống giả hình trước mặt người khác.

Không chỉ sống đạo đức giả trước mặt người khác, khi không thừa nhận sự yếu đuối của mình, chính chúng ta cũng sống mâu thuẫn với chính mình. Vì khi đó, chúng ta tin vào những điều khác, suy nghĩ những thứ khác. Chúng ta tưởng rằng mình không cần ai giúp đỡ, tưởng rằng mình không cần được chữa lành. Nói ngắn gọn, khi làm như thế, chúng ta không biết mình chỉ là bụi đất, chúng ta cứ nghĩ là mình giá trị lắm. Đó là con đường của hư danh của phù vân của kiêu hãnh tự phụ. Đó là con đường của những người không cảm nghiệm được những yếu đuối của mình, không biết đi tìm ơn cứu rỗi.

Thế nhưng, khi ý thức được mình chỉ là bình sành, và trong bình sành ấy chứa đựng ngọc quý là sức mạnh của Thiên Chúa; thì chính Thiên Chúa sẽ cứu vớt chúng ta. Đó là kinh nghiệm của thánh Phaolô: chúng tôi bị khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp, hoang mang nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Như thế luôn có mối tương phản và tương quan giữa đất sét và quyền năng, giữa bình sành và ngọc quý. Chúng ta mang ngọc quý trong những bình sành. Nhưng luôn có cám dỗ trong chúng ta là che đậy chính mình và không nhận biết mình chỉ là đất sét. Khi che dấu như thế, chúng ta sống đạo đức giả.

Chúng ta cần đi vào cuộc đối thoại giữa đất sét và ngọc quý như thánh Phaolô, để rao giảng Lời Chúa. Đây là cuộc đối thoại liên tục tiếp diễn và trong sự trung thực. Ngay cả nhiều khi chúng ta cần thú nhận trong xấu hổ. Thế nhưng trên thị trường, người ta luôn cần một chút vôi ve để quét lên để che phủ đất sét. Ngược lại, trước mặt Chúa, chúng ta cần chấp nhận sự yếu đuối, cần chấp nhận mình dễ bị tổn thương, chấp nhận những khó khăn mình đang đối diện, ngay cả chấp nhận rằng, mình thật sự xấu hổ.

Biết xấu hổ là lúc chúng ta bắt đầu có thể đón nhận sức mạnh của Thiên Chúa. Biết xấu hổ vì chúng ta nhìn nhận sự thật nơi bản thân mình, rằng tôi chỉ là đất sét mà thôi, rằng tôi chỉ là chiếc bình sành chứ không phải là bình vàng bạc gì. Là bụi đất. Nếu chúng ta khám phá và nhìn nhận khởi điểm quan trọng này, chúng ta sẽ hạnh phúc, chúng ta sẽ rất hạnh phúc. Hãy nghĩ về cuộc đối thoại giữa sức mạnh của Thiên Chúa và sự yếu đuối đất sét, nghĩ về việc rửa chân, nghĩ về phản ứng của Phêrô khi Chúa tiến đến rửa chân cho ông. Ông đã cản ngăn Chúa mà nói: Không, không đời nào con chịu, Thầy mà rửa chân cho con sao? Lúc ấy ông chưa hiểu. Chúng ta là bụi đất, chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa cứu độ chúng ta.

Do đó chỉ khi chúng ta nhìn nhận sự thật nơi bản thân, nhìn nhận những mong manh yếu đuối và tội lỗi của mình, chỉ khi chúng ta nhìn thấy bản thân mình chỉ là bụi đất chỉ là đất sét chỉ là bình sành; chỉ khi ấy sức mạnh vô song và phi thường của Thiên Chúa mới đến và làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ, trở nên viên mãn. Khi ấy Thiên Chúa cứu độ chúng ta, giúp chúng ta hạnh phúc, giúp chúng ta nhận được niềm vui ơn cứu độ, giúp ta nhận được ngọc quý, nhận được kho báu của Ngài.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …