Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 12/11 – 18/11/2015: Câu chuyện “Cội nguồn sự ác”

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 12/11 – 18/11/2015: Câu chuyện “Cội nguồn sự ác”

 

1. Chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới trường tồn, vĩnh cửu

“Đừng rơi vào một hình thức ‘tôn thờ ngẫu tượng nội tại tính cục bộ’ cũng như những phong tục thói quen cố hữu. Nhưng thay vào đó, chúng ta phải luôn biết nhìn vượt lên trên: vượt ra khỏi nội tại tính cục bộ để vươn tới siêu việt tính; vượt ra khỏi những thói quen, phong tục cố hữu để chạm tới điểm kết tận cùng, đó chính là vinh quang Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 13 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta

Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa là Đấng đẹp đẽ và vinh quang nhất. Đáp Ca trong thánh lễ hôm nay đã nhắc đến điều ấy: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa”. Tuy nhiên, vấn nạn của con người là thường nghiêng mình bái lạy trước những gì lộng lẫy, huy hoàng. Nhưng sự lộng lẫy đó chỉ phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa mà thôi, đến một ngày nào đó chúng sẽ tan biến đi.

Đức Thánh Cha làm nổi bật hai thứ tôn thờ ngẫu tượng mà ngay cả những người có niềm tin cũng có thể mắc phải. Bài đọc thứ nhất và đáp ca nói về vẻ đẹp của các tạo vật nhưng đồng thời cũng chỉ ra sai lầm của những người khi nhìn vẻ đẹp của thụ tạo mà không biết nhìn vượt lên trên để vươn tới Đấng Siêu Việt. Đức Thánh Cha gọi điều này là: “Tôn thờ ngẫu tượng nội tại tính”. Có nghĩa là, người ta chỉ dừng lại ở vẻ đẹp nơi sự vật mà thôi chứ không biết nhìn lên trên và vượt ra ngoài để thấy vinh quang Thiên Chúa.

Ngài nói:

“Có những người đã gắn chặt đời mình với việc tôn thờ ngẫu tượng này. Họ bị ấn tượng mạnh bởi những điều kỳ diệu cùng sức mạnh và năng lực của chúng. Họ không nghĩ rằng có Đấng còn siêu việt hơn những điều ấy nữa, vì chính Đấng ấy đã sáng tạo nên mọi loài, đồng thời cũng là nguồn gốc và tác giả của mọi vẻ đẹp và vinh quang. Chỉ nhìn thấy vẻ đẹp của thụ tạo, rồi tôn phong chúng thành thần thánh mà không nghĩ rằng vẻ đẹp đó chỉ là vẻ đẹp của một buổi hoàng hôn, nó sẽ qua đi chứ không tồn tại mãi. Đây chính là một hình thức tôn thờ ngẫu tượng, gắn bó với những vẻ đẹp sẽ qua đi mà không nhận thấy siêu việt tính. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc phải điều này, một thứ tôn thờ ngẫu tượng nội tại tính, khi chúng ta tin rằng các thụ tạo này như là các vị thần và sẽ không bao giờ qua đi. Như vậy, chúng ta đã quên đi buổi chiều hoàng hôn rồi.”

Một hình thức tôn thờ ngẫu tượng khác chính là thần thánh hóa những phong tục, thói quen. Chính điều ấy sẽ làm cho con tim và tâm hồn chúng ta bị điếc. Đức Thánh Cha giải thích điều này bằng cách nhắc lại lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu đã mô tả về con người trong thời đại của Nô-ê và thời ông Lót: ‘Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng’ mà chẳng để ý lưu tâm đến những chuyện khác, cho đến lúc nạn hồng thủy ấp tới hay mưa diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.

“Như vậy, mọi chuyện xảy ra là do thói quen, xem mọi chuyện bình thường chẳng có gì đáng để ý. Cuộc sống là như thế, ta cứ tiếp tục sống như mình đã sống, chẳng bao giờ nghĩ đến ‘buổi chiều tà hoàng hôn’ của kiếp sống chúng ta. Đây chính là một hình thức tôn thờ ngẫu tượng: gắn chặt vào những thói quen cố hữu và không nghĩ rằng mọi chuyện sẽ kết thúc, qua đi. Thật vậy, ngay cả những thói quen, phong tục cũng có thể được suy tôn thành những vị thần. Cuộc sống là như thế nên chúng là cứ vậy mà sống. Nhưng Giáo Hội giúp chúng ta nhận ra cái điểm tận cùng của mọi sự. Vẻ đẹp này sẽ kết thúc trong một vẻ đẹp khác; thói quen, phong tục này cũng sẽ kết thúc trong một thói quen, phong tục ‘vĩnh cửu’ khác. Đó chính là Thiên Chúa.”

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha khuyến khích: “Chúng ta phải luôn biết ngắm nhìn ‘điều siêu việt’, hay ‘đích điểm cuối cùng’. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng duy nhất siêu vượt lên trên cái tận kết của tạo vật. Chúng ta đừng lặp lại sai lầm chết người là ngoái nhìn lại phía sau giống như vợ ông Lót đã làm; nhưng luôn lao mình về phía trước với một niềm xác tín rằng nếu cuộc sống trần gian này có đẹp và quyến rũ đến thế nào đi nữa, thì cũng chỉ như cái đẹp của một buổi chiều hoàng hôn rồi sẽ phụt tắt.

Chúng ta – những người có đức tin – không là người quay lại đàng sau hay đầu hàng, nhụt chí; nhưng là những người luôn tiến về phía trước. Lao mình về phía trước trong cuộc đời này, biết chiêm ngắm vẻ đẹp và sống với những thói quen vốn có nhưng chúng ta không thần thánh chúng. Bởi vì, tất cả rồi sẽ qua đi. Tạo vật dù có đẹp đi nữa thì cũng chỉ là cái đẹp nhỏ bé, tạm thời, phản chiếu vẻ đẹp và vinh quang khôn tả của Thiên Chúa. Chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới trường tồn, vĩnh cửu mà thôi. Đó là điều mà chúng ta cần phải chiêm ngắm và xác tín”

2. Hãy có Lòng Thương Xót

Hãy biết rao giảng Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh khi thuận lợi cũng như khi khó khăn thách đố; dám cứng rắn khiển trách và sửa dạy nhưng trong sự dịu dàng và bao dung. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức Ông Angelo De Donatis vào lúc 5 chiều ngày 09.11, tại Thánh Đường Gioan Latêranô. 

Đức Ông đã là người giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Roma vào mùa Chay 2014.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em rất thân mến, chúng ta cùng nhau suy tư về nhiệm vụ cao cả mà Giáo Hội đã tin tưởng ký thác cho người anh em của chúng ta đây.

Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ con người. Đến lượt mình, Đức Kitô cũng sai mười hai Tông đồ đi vào thế giới, với sức mạnh của Thánh Thần, công bố Tin Mừng cho muôn dân và tập họp tất cả lại dưới bóng một vị Chủ Chiên duy nhất, Đấng sẽ thánh hóa và dẫn đưa họ vào vùng đất an toàn.

Và để lưu truyền từ đời này sang đời kia thừa tác vụ Tông đồ, Nhóm Mười Hai đã tập hợp các cộng tác viên lại và sai họ đi qua việc đặt tay trao ban Thần Khí đã được lãnh nhận từ chính Đức Kitô, Đấng đã thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh. Bởi thế, ngang qua sự kế thừa liên tục của các Giám mục trong truyền thống sống động của Giáo Hội, thừa tác vụ đầu tiên này vẫn được duy trì. Qua đó, sứ mạng của Đấng Cứu Thế vẫn tiếp tục và phát triển cho đến thời đại của chúng ta.

Đức Giám Mục cùng với linh mục đoàn hiện diện giữa mọi người là một minh chứng cho sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Vị Linh Mục Thượng Thẩm cho đến đời đời.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Quả vậy, trong sứ vụ Giám mục, Đức Kitô tiếp tục rao truyền Tin Mừng cứu độ và tiếp tục thánh hóa những người tin ngang qua những Bí tích thánh. Trong tình phụ tử của Giám mục, Đức Kitô tiếp tục làm gia tăng thêm những thành viên mới vào thân thể của Ngài là Giáo Hội. Và với sự khôn ngoan, sáng suốt của Giám mục, Đức Kitô tiếp tục hướng dẫn đoàn dân Chúa trong cuộc hành hương dương thế để tiến vào niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

Vì thế, chúng ta cùng chào đón với niềm vui và lòng biết ơn người anh em của chúng ta đây, Đức Ông Angelo De Donatis, vào Giám mục đoàn. Chúc mừng ngài vì được là thừa tác viên của Đức Kitô và là người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Anh em nhớ lời của Đức Giêsu nói với các Tông đồ: ‘Ai lắng nghe anh em là lắng nghe Thầy; ai chối từ anh em là chối từ Thầy; và ai chối từ Thầy là chối từ chính Đấng đã sai Thầy.’

Và cũng như thế với Đức Cha De Donatis, người anh em rất thân mến. Đức Cha đã được Thiên Chúa tuyển chọn, tuyển chọn giữa chư dân và để phục vụ chư dân. Thật vậy, Giám mục là một tước hiệu mang nghĩa phục vụ chứ không phải điều gì đó để tự hào. Giám mục là người có nhiệm vụ phải phục vụ nhiều hơn ai hết, vì như Đức Giêsu đã nói: ‘Ai muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em; ai muốn thành người cầm đầu, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.’

Hãy biết rao giảng Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh khi thuận lợi cũng như khi khó khăn thách đố; dám cứng rắn khiển trách và sửa dạy nhưng trong sự dịu dàng và bao dung. Lời giảng phải đơn sơ để mọi người có thể hiểu được, và đừng giảng dài quá. Bài giảng thông chuyển ân sủng của Thiên Chúa nên cần đơn sơ để mọi người có thể hiểu, và nhờ đó mà họ được thúc đẩy khao khát sống tốt hơn.

Thiên Chúa trao phó Giáo Hội cho Đức Cha, cách cụ thể là Giáo phận Roma. Tôi cũng trao phó các linh mục và chủng sinh trong sự hướng dẫn của Đức Cha, và Đức Cha có đặc sủng để làm điều đó. Hãy là một thừa tác viên, một người phân phát trung tín các mầu nhiệm của Đức Kitô. Và trong cương vị như một người cha, chủ gia đình, hãy luôn noi gương bắt chước vị Mục Tử Nhân Lành, biết tất cả mọi con chiên và tất cả chiên đều biết mình; đồng thời nếu cần thiết, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đàn chiên.

Với trái tim nhân ái, hãy yêu thương như một người cha và cũng có thể như một người anh tất cả những ai Thiên Chúa đã trao phó, trước hết là các linh mục, phó tế, chủng sinh; rồi sau đó, hết thảy những ai nghèo khổ, những người đang bị tổn thương và những người đang cần sự đón nhận và giúp đỡ. Hãy khuyến khích, thúc đẩy các tín hữu cộng tác với nhau trong các dấn thân tông đồ và hãy sẵn sàng lắng nghe họ với một sự nhẫn nại.

Hãy nhớ rằng phải đặc biệt lưu tâm đến những người không thuộc đàn chiên của Đức Kitô, bởi vì họ cũng được Thiên Chúa ký thác cho Đức Cha.

Hãy nhớ rằng Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội được quy tụ trong mối dây bác ái. Đức Cha đã gia nhập vào Giám mục đoàn nên phải mang nơi mình niềm cảm thức chung với toàn thể Giáo Hội và hãy quảng đại với những ai cần sự trợ giúp. Và, Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp bắt đầu, tôi cũng đòi hỏi Đức Cha, như một người anh em thân tình của tôi, hãy có lòng thương xót. Giáo Hội và thế giới đang rất cần tình xót thương. 

Đức Cha hãy hướng dẫn các linh mục, chủng sinh bước đi trên con đường của lòng xót thương; có thể hướng dẫn bằng lời nói, nhưng trên hết là bằng thái độ và cung cách sống của mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đón nhận và luôn có chỗ cho mọi người trong trái tim của Ngài. Thế nên, sẽ không có một ai bị đuổi ra ngoài bao giờ. Tôi cầu chúc Đức Cha điều này là Đức Cha có lòng xót thương”

3. Câu chuyện Cội Nguồn Sự Ác

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh, có hàng ngàn người xuống đường tuần hành qua các đường phố, hô to các khẩu hiệu chống chiến tranh. Ban đầu người ta hô: “đả đảo bom giết người!”

Sau đó, trong đám đông tham gia biểu tình có cuộc tranh luận nhỏ: “Làm gì có bom giết người! Bom đạn có giết ai đâu? Chỉ có những con người ác tâm tạo ra bom đạn, rồi đem bom bỏ lên đầu người khác mới gây nên tội giết người.”

Thế là sau đó, người ta hô khẩu hiệu khác, hợp tình hợp lý hơn: “Đả đảo những kẻ giết người!”

Nhưng rồi lại có người bàn thêm: “Đâu phải tự dưng mà người lại giết người. Phải có động cơ nào đó thúc đẩy mới có chuyện giết người. Nếu không có lòng tham lam, ghen tị và những dục vọng xấu xa thúc đẩy, nào có ai lại đi giết người?” Nhiều người đáp lại: “Chí lý! Chí lý!”

Thế là cuối cùng, mọi người hô to khẩu hiệu khác: “Đả đảo lòng tham lam! Đả đảo lòng ghen tị! Đả đảo lòng hận thù!”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chính những dục vọng đen tối trong lòng người mới là nguyên nhân chính gây nên mọi xấu xa trong cuộc đời.

Vì chưa hiểu điều nầy, những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu cứ lo rửa cho sạch bên ngoài mà không lo rửa sạch nội tâm. Họ luôn rửa tay trước khi dùng bữa, hô hào mọi người hãy làm như họ, cho rằng đó là việc quan trọng cần làm và họ trách các môn đệ Chúa Giêsu vì các ông nầy bỏ qua tập tục đó.

Nhân cơ hội đó, Chúa Giêsu dạy cho các ông một bài học: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người Nhật Bản có một câu chuyện như sau:

Có hai vị thiền sư vừa xuống núi. Họ đi vào trong một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt đã khiến một thiếu nữ xinh đẹp không thể băng qua ngã tư lầy lội được… Lập tức, một trong hai vị thiền sư đến bồng người thiếu nữ trên tay và đưa qua đường. Vị sư khác lấy làm khó chịu nên không mở miệng nói với bạn mình một lời. Mãi một lúc sau, không còn nhịn được nữa, ông ta mới lên tiếng: “Chúng ta là người tu hành, không được phép gần đàn bà, nhất là những cô gái đẹp. Sao anh lại bồng đàn bà trên tay?”.

Vị sư đã bồng người thiếu nữ trên tay mỉm cười đáp: “Tôi đã bỏ cô ta tại chỗ rồi. Còn anh sao cứ mãi mang cô ta tới đây”.

4. Chung sống chia sẻ trong cuộc sống gia đình

Chung sống chia sẻ là phẩm chất đặc thù của cuộc sống gia đình. Nó là hàn thử biều giúp đo lường các tương quan, và đuợc thể hiện tràn đầy trong Bí Tích Thánh Thể, khi tín hữu chia sẻ với nhau Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, là lương thực dưỡng nuôi tình yêu đích thạt và bền lâu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với gần 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ ngày thứ Tư 11-11. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý: tinh thần chung sống chia sẻ trong gia đình. Ngài nói: Đây là một phẩm chất đặc thù của cuộc sống gia đình mà người ta học từ ngay những ngày đầu của cuộc sống. Nó là thái độ chia sẻ các thiện ích của cuộc sống, và người ta hạnh phúc vì có thể làm như vậy. Nhưng chia sẻ và biết chia sẻ là một nhân đức qúy báu. Biểu tượng của nó, “hình ảnh” của nó là gia đình tụ họp chung quanh bàn ăn. Việc chia sẻ bữa ăn, và vượt ngoài thực phẩm – việc chia sẻ tình yêu thương, các câu chuyện, các biến cố… là một kinh nghiệm quan trọng. Khi có một lễ, một ngày sinh nhật, một ngày kỷ niệm, người ta tìm lại nhau chung quanh một bàn ăn. Trong một vài nền văn hóa người ta cũng có thói quen làm điều này trong dịp tang chế, để gần gũi với người đau khổ vì mất thân nhân. 

Đức Thánh Cha khẳng định thêm như sau:

Việc chung sống chia sẻ là một hàn thử biểu chắc chắn giúp đo lường các tương quan: nếu trong gia đình có điều gì đó không ổn, hay một vết thương ẩn kín, thì người ta hiểu ngay tại bàn ăn. Một gia đình mà hầu như không bao giờ ăn chung với nhau, hay tại bàn ăn không nói chuyện với nhau, nhưng nhìn truyền hình hay nhìn điện thoại di động, thì đó là một gia đình “ít có tính cách gia đình”. Khi người ta sử dụng máy vi tính hay điện thoại di động mà không nói chuyện với nhau, thì gia đình ít có tính cách gia đình. Khi con cái gắn chặt với mày vi tính hay điện thoại di động ở bàn ăn, và người ta không lắng nghe nhau, đó không phải là gia đình, đó là một nhà trọ.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta tất cả đều hiết rằng Kitô giáo có một ơn gọi đặc biệt chung sống chia sẻ. Chúa Giêsu thích giảng dậy tại bàn ăn, và đôi khi Ngài trình bầy Nước Thiên Chúa như một bữa tiệc. Chúa Giêsu cũng lựa chọn bàn ăn để trao ban cho các môn đệ sứ điệp tinh thần của Ngài- ngài làm điều đó trong bữa ăn chiều – cô đọng trong cử chỉ tưởng niệm cuộc Hiến Tế của Ngài: trao ban Mình và Máu làm Của Ăn và Của Uống cứu độ, dưỡng nuôi tình yêu đích thật và bền lâu.

Trong viễn tượng này, chúng ta có thể hiểu rằng trong Thánh Lễ gia đình ở trong nhà mình, chính vì nó đem tới Thánh Thể kinh nghiệm chung sống chia sẻ và rộng mở cho ơn thánh của việc sống chung chia sẻ đại đồng, của tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới. Khi tham dự bí tích Thánh Thể, gia đình được thanh tẩy khỏi cám dỗ khép kín trong chính mình, được củng cố trong tình yêu, trong lòng trung thành và nới rộng các biên giới của tình huynh đệ theo trái tim của Chúa Kitô.

Nhận xét về thời đại ngày nay Đức Thánh Cha nói: Trong thời đại ngày nay, bị ghi dấu bởi biết bao nhiêu khép kín và qúa nhiều bức tường ngăn cách, việc chung sống chia sẻ, do gia đình sinh ra và được bí tích Thánh Thể nới rộng, trở thành một cơ may nền tảng. Bí tích Thánh Thể và các gia đình được Thánh Thể nuôi dưỡng có thể chiến thắng các khép kín đó và xây dựng các cây cầu tiếp đón và bác ái. Phải, Bí tích Thánh Thể của một Giáo Hội tại gia, có khả năng tái trao ban cho cộng đoàn men hoạt động của việc chung sống chia sẻ và sự tiếp đón nhau, là một trường học bao gồm nhân bản không sợ hãi các đối chiếu.

Ký ức về các nhân đức gia đình giúp chúng ta hiểu. Chính chúng ta đã thừa nhận và còn thừa nhận rằng các phép lạ nào có thể xảy ra khi một bà mẹ trông nom chú ý, nuôi nấng và săn sóc con cái của người khác, ngoài con cái của mình. Cho tới ngày hôm qua đây chỉ cần một bà mẹ là đủ trông nom mọi đứa trẻ trong sân! Còn nữa, chúng ta biết rõ một dân tộc có sức mạnh nào, khi các người cha coi con cái như một thiện ích được chia sẻ, họ hạnh phúc và hãnh diện che chở con cái họ. Tiếp dến Đức Thánh Cha ghi nhận các bối cảnh xã hội ngày nay như sau:

Ngày nay nhiều môi trường xã hội đặt ra các chướng ngại cho sự chung sống chia sẻ trong gia đình. Thật thế, ngày nay nó không dễ dàng. Chúng ta phải tìm ra cách thế tái phục hồi nó: nói chuyện với nhau tại bàn ăn, lắng nghe nhau tại bàn ăn. Không thinh lặng, cái thinh lặng ấy không phải là thinh lặng của các nữ đan sĩ, nó là sự thinh lặng của tính ích kỷ: mỗi người có cái của mình hoặc là truyền hình hay máy vi tính… và người ta không nói với nhau nữa. Không, đừng thinh lặng. Hãy thu hồi sự chung sống chia sẻ trong gia đình miễn là bằng cách thích ứng nó với thời đại. Việc chung sống chia sẻ xem ra trở thành một điều mà người ta buôn bán, nhưng như vậy nó trở thành một điều khác. Việc nuôi dưỡng không chỉ luôn luôn là biểu tượng của một sự chia sẻ công bằng các của cải, có khả năng đạt tới những người không có cơm bánh và tình yêu thương. Tại các nước giầu chúng ra bị giản lược vào chỗ tiêu tiền cho việc ăn uống qúa độ, rồi lại sửa chữa việc thái quá ấy. Và dịch vụ vô nghĩa này khiến cho chúng ta không chú ý tới cái đói đích thật của thân xác và của linh hồn. Khi không có sự chung sống chia sẻ, thì có ích kỷ, mỗi người nghĩ tới chính mình. Tệ hơn nữa là việc quảng cáo đã khiến cho nó trở thành một ăn bữa nhỡ buồn chán và một ước muốn ăn bánh ngọt. Trong khi có quá nhiều anh chị em ở bên ngoài bàn ăn. Thật là hơi đáng xấu hổ phải không?

Chúng ta hãy nhìn vào mầu nhiệm Tiệc Bí Tích. Chúa bẻ bánh Mình và đổ Máu Ngài cho tất cả mọi người. Thật thế, không có chia rẽ nào có thể chống lại Hy Lễ hiệp thông này. Chỉ có thái độ giả dối, đồng lõa với sự dữ có thể loại trừ khỏi nó. Mọi xa cách khác không thể chống lại quyền năng không được che chở của bánh được bẻ ra và rượu được đổ ra này, là Bí Tích Thân Mình duy nhất của Chúa. Liên minh sống động của các gia đình kitô đi trước, nâng đỡ và bao gồm, trong năng động của tính hiểu khách của nó, các mệt nhọc và niềm vui thường ngày, cộng tác với ơn của Bí Tích Thành Thể, có khả năng tạo dựng sự hiệp thông luôn mới mẻ với sức mạnh bao gồm và cứu rỗi.

Kết thúc bàì huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Như thế gia đình kitô sẽ cho thấy chân trời rộng rãi của nó, là chân trời của Giáo Hội, Mẹ của tất cả mọi người, của tất cả những người bị bỏ rơi và loại trừ, trong tất cả mọi dân tộc. Chúng ta hãy cầu nguyện để sự chung sống chia sẻ này của gia đình có thể lớn lên và chín mùi trong thời gian ơn thánh của Năm Lòng Thương Xót sắp tới.

5. Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta là cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh

Chúa Kitô Phục sinh là đích điểm cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta là cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh, diện đối diện. Chúng ta không chờ đợi một thời gian hay một nơi chốn, nhưng chúng ta đi gặp gỡ một người: đó là Chúa Giêsu. Vì thế vấn đề không phải khi nào xảy ra các dấu chỉ báo trước thời sau hết, nhưng là phải sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ ấy.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 15-11. 

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật thứ 33 thường niên năm B, liên quan tới diễn văn của Chúa Giêsu về sự thành toàn của Nước Thiên Chúa (x. Mc 13,24-32). Đây là một diễn văn Chúa nói tại Giêrusalem trước lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài. Nó chứa đựng vài yếu tố khải huyền như chiến tranh, đói kém, các tai ương trong vũ trụ. Chúa nói: “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyền” (Mc 13,24-25). Tuy nhiên, các yếu tố này không phải là điều nòng cốt của sứ điệp. Nhân tố chính, mà diễn văn của Chúa Giêsu xoay quanh, là chính Ngài, mầu nhiệm con người của Ngài, cái chết, sự phục sinh và việc Ngài trở lại vào thời sau hết. 

Đức Thánh Cha giải thích thêm:

Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta là cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh. Và tôi muốn hỏi anh chị em: có bao nhiêu người trong anh chị em nghĩ tới điều này? Sẽ có một ngày kia tôi sẽ gặp gỡ Chúa diện đối diện. Đó là đích điểm của chúng ta: cuộc gặp gỡ này với Chúa. Chúng ta không chờ đợi một thời gian hay một nơi chốn, nhưng chúng ta đi gặp gỡ một người: đó là Chúa Giêsu. Vì thế vấn đề không phải khi nào xảy ra các dấu chỉ báo trước thời sau hết, nhưng là phải sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ ấy. Vấn đề cũng không phải là biết các điều đó sẽ xảy ra như thế nào, mà là biết chúng ta phải hành xử ra sao, hôm nay, trong lúc chờ đợi các điều đó. Chúng ta được mời gọi sống hiện tại, bằng cách xây dựng tưong lai của chúng ta với sự thanh thản và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Dụ ngôn cây vả đâm chồi, như dấu hiệu của mùa hè gần tới (x. cc28-29) nói rằng viễn tượng của ngày sau hết không cất chúng ta ra khỏi hiện tại, nhưng làm cho chúng ta nhìn các ngày sống của mình trong một lăng kính của niềm hy vọng. Đó là nhân đức thật khó mà sống được: đức cậy, nhân đức bé nhỏ nhưng là nhân đức mạnh mẽ nhất. Và niềm hy vọng của chúng ta có một gương mặt: đó là gương mặt của Chúa phục sinh, đến trong “quyền năng lớn lao và vinh quang” (c. 26), nghĩa là Ngài tỏ lộ tình yêu bị đóng đanh được hiền dung của Ngài trong sự phục sinh. Chiến thắng của Chúa Giêsu vào thời sau hết sẽ là chiến thắng của Thập Giá, là việc chứng minh cho thấy rằng sự hiến tế chính mình vì yêu thương tha nhân và noi gương Chúa Kitô, là quyền lực chiến thắng duy nhất và là điểm vững chắc duy nhất giữa các đảo lộn và các thảm cảnh của thế giới.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Chúa Giêsu không chỉ là điểm tới cuộc lữ hành trần thế của chúng ta, nhưng là một sự hiện diện thường hằng trong cuộc sống chúng ta: ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, Ngài luôn luôn đồng hành với chúng ta. Vì thế khi Ngài nói tới tương lai và dự phóng chúng ta về tương lai, đó là để dẫn đưa chúng ta trở lại hiện tại. Ngài chống lại các ngôn sứ giả, các thị nhân thấy trước ngày tận cùng của thế giới gần kề, và chống lại thuyết định mệnh. Chúa ở bên cạnh chúng ta, bước đi với chúng ta, yêu thương chúng ta. Ngài muốn kéo các môn đệ thuộc mọi thời đại của Ngài khỏi sự tò mò muốn biến các ngày tháng, các tiên báo, các lá số tử vi, và tập trung sự chú ý của chúng ta trên ngày hôm nay của lịch sử. Tôi muốn hỏi anh chị em – nhưng xin đừng trả lời, mỗi người hãy trả lời trong chính mình thôi – có bao nhiêu người trong anh chị em đọc lá số tử vi mỗi ngày? Im lặng nhé! Mỗi người hãy tự trả lời đi. Và khi bạn muốn đọc lá số tử vi, thì hãy nhìn lên Chúa Giêsu, đang ở với bạn. Làm như thế thì tốt hơn cho bạn. Sự hiện diện này của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chờ đợi và tỉnh thức. Chúng loại trừ biết bao thái độ mất kiên nhẫn cũng như ngủ quên, biết bao trốn chạy về phía trước, biết bao tình trạng bị giam cầm trong thời gian hiện tại và trong tinh thần thế tục.

Cả trong thời đại chúng ta nữa cũng không thiếu các tai ương thiên nhiên và tai ương luân lý, cũng không thiếu các thù nghịch và sai lạc đủ loại. Mọi sự đều qua đi – Chúa nhắc cho chúng ta biết thế – chỉ có Ngài, Lời ngài còn lại như ánh sáng dẫn đường, trao ban can đảm cho các bước chân của chúng ta, và Ngài luôn luôn tha thứ cho chúng ta, bởi vỉ Ngài ở bên cạnh chúng ta. Chỉ cần nhìn Chúa và Ngài thay đổi con tim chúng ta. Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tín thác nơi Chúa Giêsu, là nền tảng vững vàng của cuộc sống chúng ta, và xin Mẹ giúp chúng ta tươi vui kiên trì sống trong tình yêu của Chúa.

Đức Thánh Cha cũng đã tái mạnh mẽ lên án các hành động khủng bố bạo lực tại Paris khiến cho 129 người chết và 352 người bị thương. Đức Thánh Cha tái chia buồn với toàn dân Pháp và nói:

Tôi muốn bầy tỏ nỗi đớn đâu sâu thẳm của tôi đối với các vụ tấn công khủng bố chiều tối ngày thứ Sáu đã khiến nước Pháp đổ máu, gây ra nhiều nạn nhân. Tôi xin bầy tỏ sự chia buồn sâu xa với tổng thống và mọi công dân của Cộng Hòa Pháp. Tôi đặc biệt gần gũi gia đình những người đã thiệt mạng và nhũng người bị thương. Biết bao nhiêu dã man khiến cho chúng ta kinh hoàng, và người ta tự hỏi làm sao trái tim con người lại có thể nghĩ ra và thực hiện các biến cố kinh khủng như thế, không chỉ đảo lộn nước Pháp mà còn đảo lộn toàn thế giới nữa. Trước các hành động bất khoan nhượng như vậy, không thể không lên án việc xúc phạm tới phẩm giá con người một cách xấu hổ như thế. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng con đường của bạo lực và thù hận không giải quyết được các vấn đề của nhân loại và dùng tên của Thiên Chúa để biện minh cho con đường này là một sự phạm thượng.

Tôi xin mời anh chị em hiệp nhất với lời cầu nguyện của tôi: chúng ta hãy phó thác cho lòng thương xót Chúa các nạn nhân không được bênh đỡ của thảm cảnh này. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của lòng thương xót, dấy lên trong con tim của mọi người các tư tưởng của sự khôn ngoan và các ý hướng hòa bình. Chúng ta hãy xin Mẹ che chở và canh thức trên quốc gia Pháp thân yêu, trưởng nữ của Giáo Hội, trên Âu châu và trên toàn thế giới. Chúng ta tất cả cùng nhau cầu nguyện một chút trong thinh lặng, rồi cùng đọc một kinh Kính Mừng.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

T3T31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TIỆC BẤT TẬN “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. “Thiên …