1. Nhân đức khiêm nhường
Nhân đức khiêm nhường là một ơn không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 7 tháng 12 tại nhà nguyện Marta.
Bài đọc trích sách tiên tri Isaia có nói: “Từ gốc Giêsê, sẽ đâm ra một chồi non. Từ chồi non ấy, Thần Khí Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức. Thần Khí ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Chúa.” Đó là những ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Và mỗi Kitô hữu là một chồi non như thế. Mỗi người tiến triển từ những chồi non để nên thành toàn, để trở nên viên mãn trong Chúa Thánh Thần. Đó là cuộc sống của người Kitô hữu.
Chúng ta cần ý thức rằng, mỗi người chúng ta là đều là chồi non, và chồi non ấy cần lớn lên, cần được lớn lên trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chồi non cần lớn lên cho đến lúc thành toàn, cho tới khi viên mãn trong Thần Khí. Nhiệm vụ của người Kitô hữu là gì? Đó là luôn luôn bảo vệ mầm non ấy, để mầm non ấy có thể lớn lên trong chúng ta, để bảo đảm rằng mầm non ấy có thể tăng trưởng, có thể lớn mạnh trong Thánh Thần.
Vậy đâu là lối sống của các Kitô hữu? Đó là sống như Chúa Giêsu đã sống. Đó là sống khiêm nhường như Chúa. Chúng ta cần có đức tin và đức khiêm nhường để có thể tin rằng: mầm non bé nhỏ ấy, ơn sủng ấy có thể ngày càng tiến triển, lớn mạnh, sung mãn trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần khiêm tốn để tin rằng, Chúa Cha là Chúa trời đất. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: Chúa Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những người đơn sơ bé mọn. Khiêm nhường có nghĩa là trở nên bé nhỏ, bé nhỏ như hạt giống, như mầm non. Biết mình bé nhỏ, để biết được rằng mình cần Chúa Thánh Thần làm cho mạnh mẽ tiến về phía trước, để vươn tới sự viên mãn thành toàn.
Nếu có ai đó tin rằng: khiêm tốn có nghĩa là lịch sự, là học thức, là nhã nhặn… thì nên nhắm mắt lại thầm thì cầu nguyện, và sẽ thấy rằng: “Không, khiêm tốn không phải như thế!” Nếu như vậy, làm thế nào để biết rằng mình khiêm tốn hay không?
Có một dấu hiệu, một dấu chỉ, một tín hiệu, chỉ có một: Đó là chấp nhận chịu sỉ nhục. Khiêm tốn mà không có chịu sỉ nhục, thì chưa phải là khiêm tốn. Người khiêm nhường là những người nam người nữ, là những người có khả năng chịu đựng biết bao nhục nhã, có khả năng nhận lấy những sỉ nhục, giống như Chúa Giêsu đã chịu đựng. Chúa chịu sỉ nhục ghê gớm, Chúa bị sỉ nhục ghê gớm.
Chúng ta biết về gương lành của biết bao vị thánh. Các ngài không những chịu đựng bị sỉ nhục, không những chấp nhận những sỉ vả, mà các ngài còn mong ước, còn xin cho được nên giống Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn sủng ấy, để Ngài gìn giữ những người bé nhỏ hướng tới sự viên mãn trong Thần Khí, để chúng ta không quên đi cội rễ của sự khiêm nhường là chấp nhận chịu sỉ nhục.
2. Câu Chuyện Ngạc Nhiên
Tại miền Provence thuộc miền Nam nước Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng. Ða số các nhân vật trong máng cỏ, du khách thường để ý đến một con người nhỏ bé với hai bàn tay mở ra trống trơn, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế mà người ta đặt tên cho nhân vật này là “ngạc nhiên”.
Người địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên trên gương mặt của nhân vật này bằng một câu chuyện như sau: Một hôm tất cả các nhân vật trong máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa, đều tỏ ra khó chịu đối với nhân vật có tên là “ngạc nhiên” này, bởi vì anh ta không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trắng của anh. Họ sỉ vả anh như sau: “Mày không biết xấu hổ sao? Mày đến chầu Hài Nhi Giêsu mà không mang theo gì cả?”.
Nhưng con người có tên là “ngạc nhiên” ấy không để lộ một phản ứng nào, đôi mắt của anh vẫn mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.
Những lời rủa sả cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến độ Ðức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho anh như sau: “Quả thực anh “ngạc nhiên” đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn tay trắng. Nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của anh! Ðiều này có nghĩa là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của anh”.
Và Ðức Mẹ kết luận như sau: “Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu luôn có những con người như anh “ngạc nhiên”, biết ngây ngất vì ngạc nhiên”.
Người ta thường nói: “ngạc nhiên” là khởi đầu của khám phá. Có biết ngạc nhiên, có biết đặt câu hỏi, người ta mới đặt ra giả thuyết rồi mới tìm tòi, khảo sát và khám phá… Sự tiến bộ của loài người bắt nguồn từ chính sự ngạc nhiên.
Trong lĩnh vực siêu nhiên cũng thế, Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng biết ngạc nhiên, biết chiêm ngắm để khám phá ra Tình Yêu bao la của Ngài. Cả vũ trụ là một quyển sách luôn được mở ra để mời gọi con người tìm đọc được Lời Ngỏ yêu thương của Chúa. Lịch sử của nhân loại, cuộc đời của mỗi người cũng là một kỳ công, qua đó Thiên Chúa không ngừng bày tỏ Tình Yêu của Ngài.
Ðức Kitô Phục Sinh mang lại cho chúng ta sức sống mới với đôi mắt mới. Với đôi mắt mới ấy, chúng ta không ngừng được mời gọi để đi vào sự ngạc nhiên và ngây ngất trước Tình Yêu của Thiên Chúa. Tình Yêu ấy nhiệm màu đến nỗi chúng phải vượt qua nhãn giới bình thường của chúng ta để nhìn thấy được và cảm nếm được những gì không nằm trong sự đo lường, tính toán của chúng ta. Do đó, người có cái nhìn ngạc nhiên và ngây ngất luôn phó thác cho Tình Yêu của Chúa… Trong lúc thịnh vượng, họ thốt lên lời ca chúc tụng tri ân đã đành, mà đứng trước thất bại, khổ đau, mất mát, họ vẫn có thể nhìn ra dấu ấn Tình Yêu của Chúa.
3. Ba loại ngăn trở trong tâm hồn
Trong tâm hồn mỗi người đều có ơn thánh: chúng ta phải tìm thấy ơn ấy, nài xin Chúa nâng đỡ, để nhận ra chúng ta là những tội nhân. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ trong đó ngài tập trung đề cập đến động lực ẩn sau những ngôn từ sáo rỗng, những lời tự biện minh, hoặc những càm ràm trách móc. Ngài cũng cảnh báo về loại tinh thần chỉ thay đổi hời hợt vẻ bề ngoài, của những người luôn nói rằng mọi thứ sẽ thay đổi mà thực chất chẳng đổi thay gì.
Ân sủng của Thiên Chúa thì lớn hơn những ngăn trở của tội lỗi. Đó là kinh nghiệm, là sức mạnh thúc đẩy đời sống người Kitô hữu. Có loại “ngăn trở mở – ngăn trở hiển hiện” phát sinh từ ý muốn ngay lành, ví như trường hợp của thánh Phaolô. Thánh nhân bước đầu đã chống lại ân sủng, đã ngăn trở Chúa vì ngài quá nhiệt thành với Lề Luật, nhưng rồi ngài bị thuyết phục và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh nói với Phaolô và Phaolô đã hoán cải. Ngăn trở theo kiểu của Phaolô là một loại ngăn trở mạnh mẽ và cởi mở, vì đã mở ra cho ân sủng để rồi hoán cải. Thế đó, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi cần hoán cải.
Thế nhưng, có những “ngăn trở ẩn giấu” và rất nguy hiểm vì không ai nhìn thấy. Mọi người đều muốn che giấu những ngăn trở ấy, những cản trở ân sủng Chúa. Chúng ta phải tìm cách đưa chúng ra trước mặt Chúa, để Ngài có thể thanh tẩy chúng ta. Những ngăn trở ẩn giấu ấy ví như trường hợp của các Tiến sĩ Luật trong vụ kết án thánh Têphanô. Thánh nhân mạnh mẽ lên tiếng tố giác các Tiến sĩ Luật vì họ chống lại Chúa Thánh Thần nhưng lại làm như thể là họ đang tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa. Khi nói ra sự thật ấy, thánh nhân đã nhận lấy phúc tử đạo.
Có ba loại ngăn trở ẩn giấu. Thứ nhất là ngăn trở ẩn giấu dưới lời nói trống rỗng. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói, không phải tất cả những người nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là sẽ được vào Nước Trời. Trong dụ ngôn về hai người con được cha sai đi làm vườn nho cũng thế: một đứa nói không rồi sau đó có đi làm, một đứa nói có rồi sau đó lại không đi. Có kiểu nói vâng, luôn luôn là vâng, nhưng chỉ mang nghĩa xã giao mà thôi, vì thực sự lại có nghĩa là không. Thế nên, có người luôn miệng nói có và rằng chúng tôi sẽ thay đổi mọi thứ, nhưng thực ra thì chẳng làm gì. Đó là kiểu sáo rỗng.
Thứ hai là kiểu biện minh. Có người luôn luôn có lý do hợp lý để phản đối. Ở đó không có mùi thơm của Thiên Chúa, nhưng là mùi hôi của ma quỷ. Người Kitô hữu không cần biện minh cho bản thân. Vì khi tìm mọi cách biện minh cho vị thế của mình, chúng ta không còn đi theo điều Chúa mời gọi nữa.
Thứ ba là những lời trách móc. Khi bạn trách móc và xét đoán người khác, thì bạn quên nhìn lại bản thân và quên rằng chính bạn cũng cần sám hối, và như thế là chống lại ơn sủng, là giống như người Pharisêu trong dụ ngôn về người thu thuế và người Pharisêu cầu nguyện trong đền thờ.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em đừng sợ nếu mỗi người trong chúng ta nhận thấy những ngăn trở trong cõi lòng mình. Vì những điều ấy hiển hiện trước mắt Chúa. “Lạy Chúa, xin hãy nhìn con đang cố che đậy, đang cố làm điều ấy và tránh lời Ngài.” Nói như thế thì có đẹp không? Không. “Lạy Chúa, với sức mạnh lớn lao, xin hãy giúp con. Ân sủng của Ngài sẽ chiến thắng ngăn trở của tội con. Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, xin cứu giúp con!” Đó là cách cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa Giáng Sinh.
4. Chúa Giêsu đem đến sự đổi mới không theo kiểu trang điểm mà là đổi mới thực sự tâm hồn
Chúng ta hãy trở về với Chúa Giêsu, vì Người đã thực hiện cuộc sáng tạo mới, khi giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta khi phân tích bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia trong đó vị tiên tri nói sa mạc sẽ nở hoa, người mù sẽ thấy, kẻ điếc nghe được. Tất cả những điều ấy nói với chúng ta về sự đổi mới. Tất cả đổi thay từ xấu xí sang xinh đẹp, từ xấu xa đến tốt lành. Có một sự thay đổi để trở nên tốt hơn. Đây là những gì mà người dân được báo trước về điều mà Đấng Cứu Thế mang tới.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành. Người thực thi con đường của những đổi thay cho dân chúng và đó là lý do người ta đi theo Chúa. Điều này rất đặc sắc. Người ta đi theo Chúa vì sứ điệp của Chúa đụng vào tâm hồn con người. Dân chúng chứng kiến Chúa chữa lành con người và thế là dân chúng đi theo.
Thế nhưng Chúa Giêsu không chỉ làm thay đổi từ xấu thành đẹp, từ ác thành thiện, mà Người làm nên một sự biến đổi. Không phải là biến đổi theo kiểu làm đẹp, kiểu trang điểm, mà là biến đổi tận căn từ nội tâm. Sự biến đổi sâu xa ấy là cuộc sáng tạo mới. Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới, con người sa ngã trong tội lỗi, và Chúa Giêsu thực hiện cuộc tái tạo, cuộc sáng tạo mới. Đây chính là sứ điệp của Tin Mừng. Bạn thấy điều ấy rất rõ: trước khi chữa lành cho người bất toại, Chúa đã tha tội cho anh. Khi ấy Chúa thực hiện cuộc sáng tạo mới nơi anh và Chúa thực hiện quyền năng sáng tạo. Khi làm như thế, Chúa làm cho một số người bị sốc, một số người cảm thấy chướng tai gai mắt. Các luật sĩ bắt đầu lý luận và thì thầm, vì họ không chấp nhận quyền năng của Chúa. Chúa Giêsu nói rằng, Người có thể làm cho chúng ta từ những kẻ tội lỗi trở thành những con người mới.
Chúa đến chữa lành tâm hồn và thực hiện cuộc sáng tạo mới nơi chúng ta. Hãy thay đổi! Vì đó là sức mạnh của ân sủng mà Chúa Giêsu đem đến. Chúng ta phải vượt thắng cám dỗ rằng “Con không thể làm như thế”. Thay vào đó, thì hãy “biến đổi”, hãy để Chúa Giêsu thực hiên cuộc sáng tạo mới nơi bạn. Chính Chúa đã nói: “Can đảm lên!”
Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng hãy nhìn vào gốc rễ của tội lỗi, và ở nơi đó, Chúa đã cúi xuống mà thực hiện cuộc tái tạo, Ngài thực thi công lý, và bạn sẽ là con người mới. Nhưng nếu chúng ta nói: “Vâng, vâng, con có tội, con đi xưng tội… với đôi lời, và rồi con lại tiếp tục như cũ…”, nếu cứ như thế, chúng ta sẽ chẳng được Chúa biến đổi. Không phải là chúng ta chỉ tin và thế là xong chuyện. Không! Tội lỗi của chúng ta có tên tuổi hẳn hoi, nào là con đã làm điều này điều kia và con cảm thấy xấu hổ trong lòng! Con mở tâm hồn ra với Chúa mà nài xin: “Lạy Chúa, xin cứu chữa con, xin cứu chữa con!” Và như thế chúng ta can đảm bước đi trong đức tin tinh tuyền.
Thường thì chúng ta cố tình che giấu sự nguy hiểm trầm trọng của tội lỗi, ví như khi chúng ta đầy lòng ghen tị. Khi che giấu như thế thì thật là tệ hại! Điều ấy giống như nọc độc của con rắn, và nó sẽ ra sức phá hủy. Hãy đi vào tận gốc rễ của tội lỗi chúng ta, hãy dâng những tội lỗi và nết xấu ấy cho Chúa, vì Người có cách giúp chúng ta gỡ bỏ những tội lỗi ấy, và trong đức tin Người sẽ dẫn chúng ta tiến về phía trước.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
Có vị thánh nọ thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Ngài có vui không?” Chúa nói: “Không!” – “Nhưng thưa Chúa, con đã dâng tất cả cho Chúa rồi mà!” – “Không, có cái gì đó còn thiếu thiếu…” Người ấy tiếp tục kiên nhẫn cầu nguyện, cầu nguyện, và thưa lên: “Con xin dâng lên Chúa điều này? Lạy Chúa, có được không?” – “Không!” – “Vẫn còn thiếu điều gì đó…” – “Nhưng lạy Chúa, con đã quên điều gì?” – “Đó là tội của con! Hãy dâng tội của con cho Ta!” Đó là điều mà hôm nay Chúa mời gọi chúng ta: “Hãy đến đây! Dâng tội lỗi của con cho Ta, và Ta sẽ làm cho con trở thành con người mới.” Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta đức tin để tin như thế.
Nguồn: VietCatholic News