Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 10/9 – 16/09/2015: Câu chuyện Vị Thánh là ai?

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 10/9 – 16/09/2015: Câu chuyện Vị Thánh là ai?

 

1. Nếu không có khả năng tha thứ chúng ta không thể trở thành các Kitô hữu đích thực

Lòng Thương Xót, hòa bình và hòa giải là những điều trái ngược với chiến tranh và thù hận là những chủ đề chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm 10 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài đưa ra câu hỏi liệu chúng ta có luôn luôn sẵn sàng đón nhận những ân sủng của bình an mà chúng ta nhận được qua Đức Giêsu và than trách cơ man những cuộc chiến tranh, những phá hoại, thù hận và bạo lực mà chúng ta nhìn thấy và đọc thấy mỗi ngày trên truyền hình và báo chí không.

“Ngày nay có bao nhiêu con người nam nữ làm việc cật lực – rất là cật lực – để sản xuất vũ khí gây chết người, những thứ khí giới cuối cùng tắm trong máu biết bao người dân vô tội. Ngày nay có nhiều cuộc chiến tranh đang diễn ra! Có bao nhiêu những cuộc chiến tranh và có bao nhiêu những kẻ gian ác miệt mài chuẩn bị cho những cuộc chiến đó. Họ chế tạo ra những vũ khí được sử dụng để chống lại người khác, để giết người! Hòa bình giải thoát chúng ta, hòa bình mang đến cho chúng ta cuộc sống, làm cho anh chị em phát triển; còn chiến tranh hủy diệt anh chị em, nó dìm anh chị em xuống”.

Một người không thể tha thứ thì không phải là một Kitô hữu

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo rằng chiến tranh có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí chúng tồn tại “ngay cả trong các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta, giữa chúng ta”. Ngài cho biết những ý tưởng chủ yếu mà phụng vụ hôm nay muốn đề cập với chúng ta là sự tha thứ và nhu cầu kiến tạo hòa bình giữa chúng ta với nhau.

Ngài nói:

“Nếu anh chị em không thể tha thứ, anh chị em không phải là Kitô hữu. Anh chị em có thể là một người đàn ông tốt, một người phụ nữ tốt …. nhưng anh chị em chưa thực hiện được những ý nguyện của Chúa chúng ta. Hơn nữa, nếu anh chị em không thể tha thứ, anh chị em không nhận được sự bình an của Chúa. Và mỗi ngày khi chúng ta cầu nguyện cùng Cha chúng ta trên trời: ‘Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’ thì hãy nhớ rằng đó là một điều kiện. Chúng ta đang cố gắng ‘thuyết phục’ Thiên Chúa rằng chúng ta là những người tốt lành bằng cách là chúng ta tha thứ cho những người khác. Nếu không phải như thế thì những lời kinh của chúng ta chỉ là những từ ngữ sáo rỗng, phải không? Tôi nhớ đến một bài hát hay: ‘Từ ngữ, từ ngữ, và lại những từ ngữ’ có lẽ anh chị em vẫn thường nghe ca sĩ Mina hát phải không? Hãy tha thứ cho nhau! Như Chúa đã tha thứ cho chúng ta như vậy.”

Đức Thánh Cha cũng đã vinh danh những người nam nữ anh hùng kiên nhẫn vượt lên cơ man những khó khăn và bất công để giúp đỡ gia đình họ. Ngài mô tả họ như những người lành thánh. Nhưng đồng thời, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về những người chuyên nói xấu những người khác để gây ra chiến tranh. Ngài nói điều quan trọng là “cảm thông với tha nhân, chứ không phải là lên án họ.”

Nhắc nhở cộng đoàn rằng Thiên Chúa luôn luôn có lòng thương xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết là các linh mục phải có lòng thương xót và tha thứ trong tòa giải tội.

“Nếu một linh mục khó có thể thương xót, thì ngài nên nói với giám mục của mình, là người sẽ trao cho vị linh mục ấy một công việc quản trị thích hợp chứ đừng ngồi tòa giải tội nữa! Một linh mục không có lòng thương xót sẽ gây ra rất nhiều tác hại trong tòa giải tội! Ngài hành hạ hối nhân. ‘Không, thưa cha, tôi cũng thương xót đấy chứ nhưng tôi có chút căng thẳng ….? Thế à, nếu thế thì trước khi đi đến tòa giải tội, cha hãy đến với bác sĩ của cha, là người sẽ cho cha một số thuốc để làm cho cha ít căng thẳng hơn! Nhưng hãy tỏ lòng thương xót! Và anh chị em cũng hãy tỏ lòng thương xót giữa chúng ta với nhau. ‘Nhưng thưa cha, con người này đã gây ra bao nhiêu chuyện …. Tôi làm sao bây giờ?’ Người đó phạm bao nhiêu tội tày trời hơn tôi nhiều! Ai trong chúng ta dám nói như thế, ai trong chúng ta dám nói rằng người này, người kia nặng tội hơn mình? Không ai trong chúng ta có thể nói điều này! Chỉ có Chúa chúng ta mới biết điều đó mà thôi.”

Đức Thánh Cha đã kêu gọi tất cả chúng ta hãy thể hiện phong cách Kitô giáo là lòng nhân hậu, tử tế và khiêm nhường chứ không phải là kiêu ngạo hay lên án hoặc nói xấu về người khác. Đức Thánh Cha đã kết luận bài giảng với lời nguyện xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng để mang đến những hỗ trợ cho những người khác, để tha thứ và thương xót, như Cha chúng ta trên hằng thương xót đối với mỗi người chúng ta.

2. Chúng ta, kể cả tôi, đều có nguy cơ là những kẻ đạo đức giả

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “chúng ta phải rèn luyện để đừng phán xét người khác nếu không tất cả chúng ta, kể cả tôi, đều có nguy cơ trở thành những kẻ đạo đức giả”. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải có can đảm để thú nhận lỗi lầm của mình ngõ hầu có thể trở nên từ bi đối với người khác. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 11 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô phản ảnh những giáo huấn của Thánh Phaolô về lòng thương xót, sự tha thứ và sự cần thiết tránh đừng xét đoán người khác. Ngài đặc biệt nhắc đến ân thưởng Chúa dành cho chúng ta khi thực hiện những điều này: Đừng phán xét và anh em sẽ không bị phán xét. Đừng luận phạt và anh em sẽ không bị luận phạt.

Hãy có can đảm để thú nhận lỗi lầm của chính chúng ta

“Nhưng có người nói: ‘Cha nói hay lắm. Nhưng thực tế làm sao thực hiện được, làm sao bắt đầu đây?’ Bước đầu tiên để đi theo con đường này là những gì? Thưa: bước đầu tiên đã được đề cập đến trong bài đọc thứ nhất, và trong Tin Mừng của ngày hôm nay. Bước đầu tiên là thừa nhận lỗi lầm của chúng ta. Hãy can đảm thừa nhận lỗi lầm của mình trước khi buộc tội người khác. Và Thánh Phaolô ca ngợi Chúa vì Ngài đã chọn mình và dâng lời chúc tụng vì “Ngài đã tin tưởng tôi, mặc dù tôi đã từng là một kẻ phạm thánh và là một tên bắt bớ, một tên khủng bố. Nhưng Chúa đã tỏ lòng thương xót tôi.”

Từ vị Giáo Hoàng trở xuống, tất cả chúng ta hãy coi chừng mình là kẻ giả hình 

Trích dẫn lời của Chúa Kitô hãy lấy cái xà ra khỏi con mắt chính mình trước, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng điều cần thiết là chúng ta thú nhận lỗi lầm của mình trước khi chúng ta có thể thấy rõ ràng ‘để có thể lấy cái rác ra khỏi mắt những người anh em của chúng ta’.

“Chúa Giêsu dùng từ ‘kẻ giả hình, kẻ đạo đức giả’ để chỉ những người hai mặt, với hai lối tư duy. Những người nam nữ không biết thừa nhận lỗi lầm của mình là những kẻ đạo đức giả. Tất cả bọn họ sao? Đúng, tất cả trong số họ: bắt đầu từ Giáo hoàng trở xuống: tất cả trong số họ. Trước một người không có khả năng thừa nhận lỗi lầm, nếu cần thiết, chúng ta phải nói rằng người đó không phải là một Kitô hữu, không phải là một phần của công việc rất đẹp là hòa giải, hòa bình; là sự dịu dàng, hiền lành, tha thứ, rộng lượng và lòng thương xót mà Chúa Giêsu Kitô mang lại cho chúng ta” 

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta nên dừng lại khi chúng ta bị cám dỗ để nói xấu về người khác.

“Khi chúng ta bị cám dỗ để nói với mọi người về những lỗi lầm của người khác, chúng ta phải ngưng chính mình lại. Hãy hỏi chính mình: còn tôi thì sao? Và hãy có can đảm mà Thánh Phaolô đã có, ở đây: ‘Tôi đã từng là một kẻ phạm thánh và là một tên bắt bớ, một tên khủng bố’. Biết bao nhiêu những điều chúng ta có thể nói chính bản thân mình. Hãy kiềm chế đừng bình luận về những người khác và hãy nhận xét về chính mình. Và đây là bước đầu trên con đường hưóng thượng. Bởi vì một người chỉ có thể nhìn thấy những mảnh rác nhỏ mọn trong mắt của người anh em, thì người ấy rơi vào nhỏ nhen với một tâm trí nhỏ mọn, đầy những sự nhỏ nhen, nhảm nhí” 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết luận bài giảng của ngài với lời nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để có thể nghe theo lời khuyên của Chúa Giêsu là quảng đại trong sự tha thứ và rộng lượng với lòng thương xót. Ngài nói và thêm rằng một người chưa từng bao giờ và không bao giờ nói xấu về người khác nên được phong thánh ngay lập tức.

3. Vị Thánh Là Ai?

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày kia một em bé được theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai người phải đi qua một thánh đường nguy nga, to lớn. Em bé ngước mắt nhìn thánh đường, chợt em giơ tay chỉ cho mẹ và nói: “Mẹ xem kìa, những cửa kiếng màu bị đóng đầy bụi, xem thật dơ bẩn và không đẹp tí nào”.

Bà mẹ không nói không rằng về nhận xét của con, nhưng tiếp tục nắm lấy tay dẫn em tiến vào bên trong nhà thờ. Tại đây, những cửa kiếng bên ngoài xem ra dơ bẩn, xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc lộng lẫy.

Em bé ngạc nhiên mở to đôi mắt nhìn những cửa kiếng màu diễn tả nhiều hình ảnh đẹp mắt. Bỗng mắt em dừng lại ở cửa kiếng sau bàn thờ diễn tả hình của bốn thánh sử viết Phúc Âm trong lúc ánh mặt trời đang chiếu rọi qua. Em bé hỏi mẹ đó là những thánh nào và được mẹ giải thích vắn tắt về từng vị thánh.

Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ giáo lý viên hỏi các em: “Này, trong các em có ai trả lời được: một vị thánh là ai?” Trước một câu hỏi có vẻ không có ý nghĩa, cả lớp giáo lý thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào bên trong nhà thờ để nhìn ngắm các cửa kiếng giơ tay xin trả lời. Em nói: “Vị thánh là một người để cho ánh sáng mặt trời chiếu thấu qua”.

Kinh nghiệm và câu trả lời của em bé trên có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn phần nào về cuộc đời của thánh Matthêu, vị thánh Giáo Hội mừng kính ngày 21 tháng 9 hàng năm, trước và sau khi được Ðức Giêsu kêu gọi, như được chính thánh nhân vắn tắt thuật lại như sau: Ði khỏi đấy, Ðức Giêsu thấy một người ngồi ở bàn thâu thuế, tên là Matthêu. Chúa bảo ông rằng: “Hãy theo Ta”. Ông Matthêu liền đứng dậy và đi theo Chúa.

Một tiếng gọi và một hành động đáp trả được diễn tả vắn gọn trong những dòng trên đây có thể nói được chỉ là bề mặt của trận chiến nội tâm diễn ra từ lâu nơi ông Matthêu. Một trận chiến giằng co để suy tính thiệt hơn, để cân nhắc cái lợi và cái bất lợi, để đắn đo nhưng cái mình phải mất với những cái mình sẽ đạt được, khi ông bỏ mọi sự để theo Chúa:

– Ông phải mất một nghề hái ra bạc nhưng tìm được một số mệnh và sứ mệnh thật sự có giá trị vĩnh viễn.

– Ông phải mất một gia tài to lớn nhưng tìm lại được danh dự.

– Ông phải mất sự bảo đảm xây dựng trên của cải vật chất để đi theo Ðức Giêsu trong một cuộc hành trình dẫn đến sự sống mà trước đó ông chưa bao giờ mơ ước.

Về phần Ðức Giêsu, khi chọn lựa và kêu gọi ông Matthêu, một người hành nghề thâu thuế, bị các người đồng hương thời đó coi như là người phản quốc, nối giáo cho giặc, bóc lột đồng bào để làm lợi cho dân ngoại xâm, cũng như bị lên án là kẻ tội lỗi, biển thủ, gian lận và bị nhóm biệt phái kết án là kẻ tội lỗi, Ðức Giêsu không nhìn những lỗi lầm, những vết nhơ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn sâu thẳm tận tâm hồn, nhìn tận bên trong và nhất là Ngài đã lấy ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa để chiếu sáng và chiếu thấu, biến ông Matthêu từ một người thâu thuế thành một tông đồ và một thánh sử viết Phúc Âm.

4. Hãy hiến dâng mạng sống mình cho Đức Kitô và Lời của Ngài.

Trưa Chúa Nhật 13 thánh 09, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của vài chục ngàn khách hành hương. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy hiến dâng mạng sống mình cho Đức Kitô và Lời của Ngài.

Ngài nói:

“Tin Mừng ngày hôm nay giới thiệu biến cố Đức Giêsu, trong hành trình đi đến Cesarea di Filippo, chất vấn các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mc 8, 27) . Họ trả lời như những gì mà dân chúng đã nói: có người cho Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã sống lại, kẻ khác lại cho là Ê-li-a và hay là một tiên tri vĩ đại nào đấy. Dân chúng cảm mến Đức Giêsu, họ xem Ngài như “một Đấng Thiên Sai”, nhưng họ vẫn chưa nhận biết Ngài là Đấng Mêsia, Đấng đã được loan báo và mọi người chờ đợi. Đức Giêsu ngước nhìn các môn đệ và hỏi: “Còn anh em bảo Thầy là ai” (c.29). Đây là câu hỏi quan trọng nhất, qua đó Đức Giêsu nhắm trực tiếp đến các môn đệ là những kẻ theo Ngài, để trắc nghiệm đức tin của họ. Phêrô nhân danh tất cả, đã la lớn tiếng với sự chân chất: “Thầy là Đức Kitô” (c.29). Đức Giêsu đã được đánh động bởi đức tin của Phêrô và nhận ra rằng đức tin ấy là ân ban đặc biệt từ Thiên Chúa Cha. Và rồi Ngài đã mạc khải cách rõ ràng cho các môn đệ điều đang chờ đợi Ngài ở Giê-ru-sa-lem, nghĩa là “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (c.31)

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Lắng nghe những điều này, chính bản thân Phêrô, người vừa tuyên xưng niềm tin của mình rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mê-si-a, đã cảm thấy bực bội. Ông đã kéo Thầy ra một bên và trách Ngài. Và Đức Giêsu đã phản ứng thế nào? Đến lượt mình, Ngài trách mắng Phêrô với những lời lẽ đầy nghiêm khắc: “Sa-tan, xéo ra đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (c.33). Đức Giêsu nhận ra nơi Phêrô, cũng như các môn đệ khác – và nơi mỗi người chúng ta! – sự cần thiết phải có ân sủng của Thiên Chúa Cha để chống lại cám dỗ này của ma quỷ, vốn muốn tách rời chúng ta khỏi ý muốn của Thiên Chúa. Tuyên bố mình sẽ phải chịu đau khổ và bị giết chết để rồi sẽ trỗi dậy, Đức Giêsu muốn làm cho những ai bước theo Ngài hiểu rằng Ngài là một Đấng Mêsia khiêm nhượng và là đầy tớ. Ngài là Tôi trung phục tùng Lời và Thánh Ý Chúa Cha, cho đến nỗi hiến dâng toàn thể mạng sống của chính mình. Vì thế, Ngài hướng về phía đám đông đang ở đó, tuyên bố rằng ai muốn làm môn đệ của Ngài thì phải trở nên tôi tớ, như chính Ngài đã trở nên tôi tớ, và tiên báo: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c.34).

Minh định về con đường của Đức Giêsu, Đức Thánh Cha nói: “Dấn mình bước theo Đức Giêsu có nghĩa là vác thập giá chính mình để đồng hành với Ngài trên hành trình, một hành trình không thoải mái vì không phải là một hành trình dẫn đến thành công hay là vinh quang chóng qua, nhưng là một hành trình dẫn dắt đến sự tự do đích thực, sự tự do vốn giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và khỏi tội lỗi. Cần phải thực hiện một sự chối từ dứt khoát với não trạng thế gian vốn cậy dựa vào “chính bản thân mình” và chính những lợi lộc như trung tâm của sự hiện hữu. Không, đây không phải là điều Đức Giêsu muốn từ chúng ta! Thay vào đó, Đức Giêsu mời gọi ta hiến dâng chính mạng sống mình vì Ngài và vì Tin Mừng, để nhận lại được sự sống mới và chân thực. Tạ ơn Đức Giêsu, chúng ta xác tin rằng con đường này đưa dẫn tới sự sống lại, tới cuộc sống tròn đầy và chung cục cùng với Thiên Chúa. Quyết định bước theo Ngài, Thầy Chí Thánh và là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã trở nên tôi tớ vì tất cả, đòi buộc chúng ta bước theo sau Ngài và lắng nghe lời Ngài một cách chăm chú và hãy nhớ : mỗi ngày hãy đọc một đoạn Tin Mừng và nhận lãnh các Bí Tích.”

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Nơi quảng trường này, có những người trẻ đang ở đây, nam cũng như nữ. Cha chỉ đặt một câu hỏi cho chúng con: Chúng con có bao giờ cảm thấy ước muốn bước theo Đức Giêsu ngày càng sát sao hơn không? Hãy suy nghĩ. Hãy cầu nguyện. Và hãy để Thiên Chúa ngỏ lời với chúng con. Đức Trinh Nữ Maria, Người đã bước theo Đức Giêsu cho đến Cal-va-ri-ô, xin Mẹ hãy giúp đỡ chúng ta thanh luyện thường xuyên đức tin của mình, để kết hợp mật thiết với Đức Ki tô và Tin Mừng của Ngài.

5. Thiên Chúa đồng hành cùng chúng ta, cả những thánh nhân và những tội nhân

Thiên Chúa giao hòa và mang lại hòa bình nơi những điều bé mọn và đồng hành với tất cả chúng ta, các thánh nhân lẫn những người tội lỗi. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba mùng 08 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã lưu ý cộng đoàn rằng ngày 8 tháng Chín Giáo Hội mừng kính ngày sinh nhật Đức Mẹ, và mời gọi tất cả các Kitô hữu trở nên khiêm tốn và gần gũi với anh chị em chung quanh mình như được dạy trong Tám Mối Phúc Thật. Chúng ta cần trở nên như những trẻ thơ để được vào Nước Thiên Chúa vì “Thiên Chúa giao hòa và mang lại hòa bình nơi những gì là bé mọn” trong cuộc sống hàng ngày.

“Nhưng Ngài cũng làm điều này bằng cách đồng hành với chúng ta. Chúa chúng ta có muốn mang lại hòa bình và hòa giải ngày hôm nay với một cây đũa thần không? Vèo một cái là xong! Không! Ngài cất bước đồng hành với dân mình và chúng ta nghe đoạn này từ Phúc Âm Thánh Mátthêu: Người này là cha ông này, ông này là cha ông kia, và ông kia là cha của ông nọ ……có một chút gì nhàm chán, phải không nào? Đó là một danh sách dài, nhưng danh sách này cho thấy Thiên Chúa đồng hành với chúng ta! Thiên Chúa đồng hành với tất cả nhân loại, với cả những người tốt lẫn những kẻ xấu xa, vì trong danh sách này có những vị thánh nhân và có cả những tội nhân nữa. Có cơ man những tội lỗi trong đó. Nhưng Thiên Chúa không sợ hãi, Ngài đồng hành với chúng ta. Ngài tiến bước với dân mình.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khi đồng hành với dân mình, Thiên Chúa giúp gia tăng niềm hy vọng của dân Ngài nơi Đấng Cứu Thế. Ngài cũng mô tả cách thức Thiên Chúa đang mơ về những điều đẹp đẽ cho dân Ngài, cho mỗi người chúng ta.

“Dân chúng đã mơ ước tự do. Dân Israel có giấc mơ này, vì họ đã được hứa rằng họ sẽ được tự do, hòa bình và hòa giải. Giấc mơ của Giuse có thể nói được là một bản tóm tắt những giấc mơ về tất cả lịch sử Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài. Nhưng không phải chỉ có Giuse mơ ước. Thiên Chúa cũng có những giấc mơ. Thiên Chúa là Cha chúng ta có những giấc mơ và Ngài đang mơ về những điều tốt đẹp cho dân mình, cho mỗi người trong chúng ta bởi vì Ngài là Cha chúng ta, và như một người Cha, Ngài đang nghĩ và mơ ước về những điều tốt nhất cho con cái mình.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng dù Thiên Chúa là vĩ đại và quyền năng vô biên, Ngài dạy chúng ta thực hiện các công việc lớn lao và mang lại hòa bình và hòa giải thông qua những điều nhỏ nhặt. Ngài cũng dạy chúng ta biết mơ ước những điều lớn lao và nhắm đến những mục đích cao cả. Đức Giáo Hoàng nói ngày hôm nay khi chúng ta kỷ niệm sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria, “chúng ta hãy cầu xin ơn hiệp nhất, hòa giải và hòa bình.”

“Nhưng để đạt đến những giấc mơ cao cả ấy, chúng ta phải bắt đầu với việc đồng hành và gần gũi với những người khác, như chúng ta đã được dạy trong Tám Mối Phúc Thật, trong Chương 25 của Phúc Âm Thánh Matthêu. Và với những giấc mơ tuyệt vời, giờ đây chúng ta hãy tiếp tục, tưởng niệm Chúa chúng ta trong ‘những điều nhỏ bé’: một mẩu bánh nhỏ, một chút rượu … và trong những điều nhỏ nhặt khác. Nhưng tất cả mọi điều vĩ đại được chứa trong những điều nhỏ nhặt này. Ở đó có giấc mơ của Thiên Chúa, có tình yêu của Ngài, hòa bình, và hòa giải của Ngài, có Chúa Giêsu: Ngài là tất cả những điều này”.

6. Củng cố mối dây giữa gia đình và cộng đoàn kitô là điều cấp thiết

Giữa Giáo Hội và gia đình có một mối dây nối kết “tự nhiên”, bởi vì Giáo Hội là một gia đình tinh thần và gia đình là một Giáo Hội nhỏ. Một Giáo Hội theo Tin Mừng chỉ có thể có hình thái của một căn nhà tiếp đón với cánh cửa luôn luôn rộng mở. Các nhà thờ, các giáo xứ, các cơ cấu với cửa đóng, thì không được gọi là nhà thờ, mà phải gọi là viện bảo tàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ Tư mùng 9 tháng 9.Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý “Tương quan giữa gia đình và cộng đoàn kitô”. Ngài nói:

Cộng đoàn kitô là căn nhà của những người tin nơi Chúa Giêsu như là suối nguồn của tình huynh đệ giữa tất cả mọi người. Giáo Hội bước đi giữa các dân tộc, trong lịch sử của những người nam nữ, của cha mẹ, con trai con gái: đó là lịch sử có giá trị đối với Chúa. Các biến cố lớn của các quyền lực trần gian được ghi trong lịch sử và ở lại trong đó. Nhưng lịch sử của các yêu thương nhân loại được viết trực tiếp trong con tim của Thiên Chúa, và nó là lịch sử vĩnh cửu. Đó là nơi chốn của cuộc sống đức tin. Gia đình là nơi khai tâm của chúng ta vào lịch sử đó – không thể thay thế được và không thể huỷ diệt được. Khai tâm vào lịch sử này của cuộc sống tràn đầy sẽ kết thúc trong việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa đời đời trên Trời, nhưng bắt đầu từ gia đình. Và chính vì thế mà gia đình quan trọng biết bao.

Con Thiên Chúa đã học lịch sử nhân loại qua con đường này và đã đi con đường ấy cho tới cùng (x. Dt 2,18; 5,8). Thật là đẹp khi chiêm ngưỡng trở lại Chúa Giêsu và các dấu chỉ của mối dây liên lạc ấy! Ngài đã sinh ra trong một gia đình, và ở đó Ngài học hiểu thế giới: một hàng quán, ba bốn căn nhà, một xứ bé nhỏ vô nghĩa. Ấy thế mà khi sống 30 năm kinh nghiệm này, Chúa Giêsu đã tiêu hóa điều kiện là người, bằng cách đón nhận nó trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha và trong chính sứ mạng tông đồ. Thế rồi khi bỏ Nagiarét và bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu thành lập một cộng đoàn chung quanh mình, một “cộng đồng”, nghĩa là cùng mời gọi con người lại với nhau. Đó là ý nghĩa từ Giáo Hội.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong các Phúc Âm, cộng đoàn của Chúa Giêsu có hình thái của một gia đình, và của một gia đình hiếu khách, chứ không phải của một giáo phái khai trừ, khép kín: chúng ta tìm thấy ở đó Phêrô và Gioan,, nhưng cũng tìm thấy ở đó những người đói, những kẻ khát, những khách ngoại kiều, và những người bị bách hại, kể cả những phụ nữ tội lỗi và những người thu thuế, các người Pharisêu và các đám đông. Và Chúa Giêsu không ngừng tiếp đón và nói chuyện với tất cả mọi người, cả với người không chờ đợi gặp gỡ Thiên Chúa trong cuộc đời họ nữa. Đây là một bài học mạnh mẽ cho Giáo Hội! Chính các môn đệ đã được chọn dể lo lắng cho cộng đoàn này, cho gia đình các khách này của Thiên Chúa.

Để cho thực tại cộng đoàn này của Chúa Giêsu sống động vào ngày hôm nay, cần phải làm sống động trở lại giao ước giữa gia đình và cộng đoàn kitô. Chúng ta có thể nói rằng gia đình và giáo xứ là hai nơi chốn, trong đó được thực hiện sự hiệp thông tình yêu tìm thấy hình thái cuối cùng của nó nơi chính Thiên Chúa. Một Giáo Hội thực sự theo Tin Mừng chỉ có thể có hình thái của một căn nhà tiếp đón với cánh cửa luôn luôn rộng mở. Các nhà thờ, các giáo xứ, các cơ cấu với cửa đóng, thì không được gọi là nhà thờ, mà phải gọi là viện bảo tàng! Đức Thánh Cha quảng diễn thêm như sau:

Và ngày nay đó là một giao ước định đoạt “chống lại các trung tâm quyền lực ý thức hệ tài chánh và chính trị, chúng ta đặt hy vọng nơi các trung tâm quyền lực này hay sao? Không! Nhưng đặt hy vọng nơi các trung tâm tình yêu! Niềm hy vọng của chúng ta là nơi các trung tâm tình yêu này, các trung tâm rao truyền Tin Mừng, phong phú hơi ấm tình người, dựa trên tình liên đới và sự chia sẻ” (Hội Đồng Toà Thánh về Gia Đình, Các giáo huấn của Đức J. M. Bergoglio – Papa Francesco sulla famiglia e sulla vita 1999-2014, LEV 2014, 189). Cả trên sự tha thứ giữa chúng ta nữa.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Củng cố mối dây giữa gia đình và cộng đoàn kitô ngày nay là điều không thể thiếu và cấp thiết. Chắc chắn rồi, cần phải có một niềm tin quảng đại để tìm lại sự thông minh và lòng can đảm giúp canh tân giao ước này. Đôi khi các gia đình tháo lui và nói mình không ở trên độ cao phải có: “Thưa cha, chúng con là một gia đình nghèo và cũng hơi xập xệ một chút”, “Chúng con không có khả năng”, “Chúng con có biết bao nhiều vấn đề trong nhà”, “Chúng con không có sức”. Điều này đúng thật. Nhưng không có ai xứng đáng, không có ai ở độ cao, không có ai có sức mạnh! Không có ơn thánh Chúa chúng ta sẽ không làm được gì cả. Tất cả đều được ban cho chúng ta, được ban một cách nhưng không! Và Chúa không bao giờ đến trong một gia đình mà không làm vài phép lạ. Chúng ta hãy nhớ lại điều Ngài làm tại tiệc cưới Cana! Phải, ở đó Chúa, nếu chúng ta đặt mình trong tay Ngài, Ngài làm cho chúng ta hoàn thành các phép lạ – nhưng các phép lạ của mỗi ngày – khi có Chúa, ở đó, trong gia đình ấy.

Dĩ nhiên, cả cộng đoàn kitô cũng phải góp phần mình. Chẳng hạn, tìm cách thắng vượt các thái độ quá kẻ cả và ra lệnh hay quá dễ dãi, tạo thuận tiện cho việc đối thoại liên bản vị và hiểu biết quý trọng lẫn nhau. Các gia đình hãy có sáng kiến và cảm thấy trách nhiệm đem các món quà quý báu cho cộng đoàn. Tất cả chúng ta phải ý thức rằng đức tin được sống trên sân rộng mở của cuộc sống chia sẻ với tất cả mọi người, gia đình và giáo xứ phải hoàn thành phép lạ của một cuộc sống cộng đoàn hơn đối với toàn xã hội.

Tại Cana, đã có Mẹ Chúa Giêsu, là Mẹ “chỉ bào đàng lành”. Chúng ta hãy lắng nghe lời Mẹ: “Hãy làm những gì Ngài bảo” (x. Ga 2,5). Các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ thân mến, chúng ta hãy để cho mình được linh hứng bởi Mẹ, hãy làm tất cả những gì Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta và chúng ta sẽ đứng trước phép lạ, phép lạ của mỗi ngày!

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN