Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 10– 16/03/2016: Câu chuyện Tôi Muốn Con Tôi Sống

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 10– 16/03/2016: Câu chuyện Tôi Muốn Con Tôi Sống

1. Thánh Giá là câu chuyện tình của Thiên Chúa

Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba ngày 15.03, tại nguyện đường Thánh Marta.

Lịch sử cứu độ được Kinh Thánh thuật lại có nói về một con vật. Con vật ấy được nhắc đến lần đâu tiên trong Sách Sáng Thế và lần cuối cùng là trong Sách Khải Huyền: con rắn. Rắn là loài vật mà theo Kinh Thánh mang một biểu tượng mạnh mẽ của sự nguyền rủa, của tội lỗi và một cách mầu nhiệm cũng là biểu tượng của sự cứu chuộc.

Để giải thích điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô trưng dẫn bài đọc một trích sách Dân số và Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Bài đọc một tường thuật lại sự kiện khá nổi bật về dân tộc It-ra-en khi họ thực hiện chuyến hành trình trong sa mạc. Họ không muốn đi trong cảnh lương thực ít ỏi như thế nữa. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê. Và ở đây, nhân vật chính là con rắn. Trước hết, nó được Thiên Chúa cho đến để làm hại những kẻ cứng lòng không tin, để gieo rắc sự sợ hãi và cái chết cho đến khi dân chúng biết chạy đến nài xin Mô-sê sự tha thứ. Và sau đó là hình ảnh con rắn đồng. Thiên Chúa nói với Mô-sê: ‘Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.’ Điều nhiệm mầu nằm ở chỗ này: Khi dân hối hận, Thiên Chúa không giết chết các con rắn, nhưng Ngài để chúng đó. Nếu có con rắn nào làm hại dân chúng, chỉ cần họ nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được cứu. Giương cao con rắn lên.

Động từ ‘giương cao’ (innalzare) là trung tâm điểm trong cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người Pha-ri-sêu như đã được mô tả trong Tin Mừng. Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: ‘Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.’ ‘Tôi Hằng Hữu’ là tước hiệu mà chính Thiên Chúa đã truyền cho Mô-sê để ông nói lại cho dân Ít-ra-en. Sau này, cụm từ diễn đạt ấy cũng quay trở lại trong dạng thức: ‘giương cao Con Người lên’.

Con rắn tượng trưng cho tội lỗi. Con rắn giết hại người ta nhưng nó cũng chữa lành. Và đó chính là mầu nhiệm của Đức Kitô. Thánh Phao-lô đã nói về mầu nhiệm này như sau: ‘Đức Giêsu đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, đã hạ mình xuống, đã tự hủy mình đi để cứu chúng ta.’ Mạnh mẽ hơn, Thánh Phao-lô còn nói: ‘Đức Giêsu là Đấng chẳng biết tội là gì, thì Thiên Chúa lại biến Người thành hiện thân của tội.’ Như vậy cách nào đó, Đức Giêsu chính là con rắn được giương cao lên. Bài đọc một ngày hôm chất chứa cái nhìn có tính tiên tri: Con Người như là hình ảnh con rắn, ‘hiện thân của tội lỗi’, đã được giương cao lên để cứu độ con người.

Đây chính là câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Đây cũng là chuyện tình của Thiên Chúa. Nếu muốn biết câu chuyện tình ấy, chúng ta hãy ngước nhìn lên cây Thánh Giá: một con người bị tra tấn dã man, một Thiên Chúa đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn vì tội lỗi con người’. Vị Thiên Chúa ấy sẽ hủy diệt vĩnh viễn cái tên xấu xa đích thực của sự dữ mà Sách Khải huyền gọi là ‘con rắn xưa’. Tội lỗi là việc làm của Satan. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng Satan. Ngài đã tự hạ mình xuống, trở thành hiện thân của tội để nâng con người lên.

Thánh Giá không phải là đồ trang sức, không phải là một công trình nghệ thuật được đính nhiều đá quý và kim cương lấp lánh. Nhưng như chúng ta thấy, Thánh Giá là mầu nhiệm tự hủy của Thiên Chúa vì yêu thương. Con rắn đồng trong sa mặc có ý nghĩa tiền trưng về ơn cứu độ: Nó được giương cao lên và bất cứ ai bị cắn mà nhìn nó, sẽ được chữa lành. Sự chữa lành ấy không được thực hiện bởi một cây đũa thần từ tay của một vị Thiên Chúa ma thuật, nhưng bởi chính sự đớn đau của Con Người, bởi chính khổ hình của Đức Giêsu Kitô.”

2. Noi gương Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy biểu lộ tình yêu thương qua việc phục vụ lẫn nhau, noi gương Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 12 tháng 3, dành cho 50 ngàn tín hữu hành hương. Đây là buổi tiếp kiến đặc biệt mỗi tháng một lần vào thứ bẩy, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài huấn dụ về đề tài “Lòng thương xót và việc phục vụ”, sau khi diễn giải ý nghĩa việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Tình yêu là một việc phục vụ cụ thể chúng ta làm cho nhau. Một việc phục vụ khiêm tốn, làm trong thinh lặng và âm thầm, như Chúa Giêsu đã nói: “Đừng để tay phải biết việc tay trái làm” (Mt 6,3). Việc phục vụ này cũng bao hàm việc đặt để những hồng ân Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta để cộng đoàn có thể tăng trưởng (Xc 1 Cr 12,4-11).”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “việc phục vụ cũng được diễn tả qua sự chia sẻ của cải vật chất, để không ai phải ở trong tình cảnh túng thiếu. Sự chia sẻ và tận tụy dành cho người túng thiếu là một lối sống mà Thiên Chúa cũng gợi ý cho cả những người không Kitô, như con đường tình người đích thực”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhủ rằng Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta xưng thú với nhau những khiếm khuyết và cầu nguyện cho nhau để biết thành tâm tha thứ cho nhau.

3. Câu Chuyện: “Tôi Muốn Con Tôi Sống”

“Tôi muốn con tôi sống” đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu? Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.

Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: “Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước”. Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: “Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm”. Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa… Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: “Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”.

Tấm gương hy sinh cao cả của bà mẹ trên đây có thể gợi lên Tình Yêu của Ðấng đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì người mình yêu”.

Cũng giống như một người mẹ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để cho đứa con được sống. Chúa Giêsu cũng đã hy sinh chính mạng sống của mình cho con người được sống. Sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn thông ban cho con người cũng chính là tình yêu của Ngài. Chịu treo trên thập giá, đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng, Chúa Giêsu chỉ muốn cho con người được sống và sống trong tình yêu. Ai sống trong tình yêu, người đó đang sống thực sự, bởi vì người đó đang sống trong Chúa.

Nhờ phép Rửa Tội, người Kitô chúng ta đang sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Ðó là kết quả của những giọt máu của Ðấng đã chịu chết vì chúng ta trên thập giá… Những giọt máu thần linh ấy một cách nào đó, đang châu lưu trong chúng ta. Máu ngừng chảy, máu không châu lưu, tình yêu không được san sẻ cho người khác, cũng sẽ làm cho con người chết khô cằn… Bao lâu chúng ta khước từ không san sẻ tình yêu cho người khác, chúng ta cũng chối bỏ chính tình yêu của Chúa.

4. Dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng

Một người vô gia cư chết cóng ở Roma, các nữ tu Bác Ái của Mẹ Têrêsa bị giết hại tại Yemen, những người mắc các chứng bệnh hiểm nghèo trong vùng ‘Tam giác Tử thần’ ở phía Nam Italia. Ở nơi đó, việc đốt trái phép các chất thải độc hại đã gây ra những chứng bệnh ung thư và dẫn người ta đến sự tuyệt vọng. Trong thánh lễ sáng thứ Hai ngày 14.03, tại nguyện đường thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi nhắc lại những sự kiện bi thương trong thời gian gần đây. Đứng trước những ‘vực thẳm tăm tối’ của thời đại, phương cách duy nhất là chúng ta phải tín thác vào Thiên Chúa. Ngay cả khi không hiểu được sự dữ và đau khổ, chúng ta hãy cứ tín thác vào bàn tay của Thiên Chúa, là Đấng chẳng bao giờ bỏ rơi dân Ngài.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Đa-ni-en, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Ngay cả khi chúng ta thấy mình đang bước đi trong vực sâu tăm tối nhưng chúng ta đừng sợ hãi trước sự dữ. Su-san-na, một người phụ nữ công chính, sắp bị ‘ô uế’ bởi ước muốn gian tà của hai vị thẩm phán. Bà đã quyết định tín thác vào Chúa và chọn lựa cái chết trong sạch hơn là sống và làm theo điều mà hai người kia mong muốn.

Những khi con bước đi trong vực sâu tăm tối, Chúa ở đâu?

Thiên Chúa luôn ở đồng hành bên cạnh chúng ta, mong muốn những điều tốt lành cho chúng ta và nhất là không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngày hôm nay, khi chúng ta gặp phải những vực sâu tăm tối, những khó khăn và tai ương; bao nhiêu người chết vì đói khát, vì chiến tranh; bao nhiêu trẻ em bị tàn tật…. Khi hỏi thăm bố mẹ của đứa trẻ, chúng ta mới nhận ra rằng chẳng ai biết căn bệnh ấy là gì. Người ta chỉ biết gọi là bệnh hiếm. Nhưng cũng có những tai ương chúng ta tự gây ra cho mình. Hãy nghĩ tới các chứng bệnh ung thư do đốt các chất thải độc hại ở vùng ‘Tam giác Tử thần’. Khi chứng kiến tất cả những điều này, chúng ta không khỏi thốt lên: ‘Chúa ơi, Chúa đâu rồi? Chúa có còn đồng hành với con nữa không?’ Đây cũng chính là cảm xúc dâng trào nơi tâm hồn đau khổ của bà Su-san-na. Cảm xúc này cũng là của chúng ta khi chứng kiến bốn nữ tu bị sát hại cách tàn bạo. Các chị phục vụ hết mình vì tình yêu nhưng lại bị giết chết bởi sự ghen ghét và hận thù. Khi thấy người ta đóng các cửa biên giới lại và đẩy những người tị nạn ra bên ngoài trong cảnh lạnh lẽo đói khát, chúng ta không khỏi khắc khoải tự hỏi Chúa có còn ở với chúng ta hay không.

Tại sao đứa bé vô tội lại phải chịu đau khổ? Tôi không biết tại sao nhưng tôi tin Chúa

‘Chúa ơi, làm sao con thể tin Chúa khi phải chứng kiến tất cả những nỗi khốn khổ này?’ Vẫn có câu trả lời cho vấn nạn ấy nhưng lại không thể giải thích rõ ràng được. Đứa trẻ có tội tình gì đâu mà phải chịu khổ như thế? Tôi không biết. Với tôi, đó là một mầu nhiệm. Khi chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu trong Vườn Dầu, tôi được soi sáng ít nhiều để hiểu ra vấn đề, nhưng không phải cái hiểu của trí tuệ mà là cái thấu hiểu của tâm hồn. Đức Giêsu cầu nguyện rằng: ‘Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.’ Đức Giêsu đã tín thác vào thánh ý Cha. Bởi vì Ngài biết mọi sự sẽ không chấm dứt với những đau khổ và cái chết nhục nhằn. Những lời cuối cùng của Đức Giêsu trên Thánh Giá là: ‘Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.’ Sau đó, Ngài trút hơi thở. Tôi tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng luôn đồng hành với tôi, luôn đồng hành với đoàn dân Chúa, luôn đồng hành với Giáo Hội. Đây là một hành vi đức tin. Chúng ta hãy thưa với Chúa: ‘Chúa ơi, con tin Chúa. Con không giải thích được tại sao, nhưng con đặt trọn con người con trong bàn tay Chúa. Bởi vì Chúa biết lý do tại sao.’

Đau khổ và sự dữ sẽ không chấm dứt, nhưng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta

Giáo huấn của Đức Giêsu là: ‘Ai tín thác vào Chúa là Vị Mục Tử Nhân Lành sẽ chẳng thiếu thốn gì.’ Ngay cả khi đang bước đi trong những thung lũng âm u, người ấy cũng nhận ra rằng đó chỉ là một khoảnh khắc thôi và Thiên Chúa luôn ở với anh: ‘Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.’ Đây là một ơn mà chúng ta phải nài xin: ‘Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tín thác vào bàn tay quyền năng Chúa, biết tín thác vào sự hướng dẫn của Ngài ngay cả trong những khi tối tăm, tệ hại và khi cái chết đang gần kề.’ Vì thế, thật là hữu ích nếu ngày hôm nay chúng ta nhìn lại đời sống của mình, nghĩ về những khó khăn đang gặp phải và xin ơn để đặt trọn con người chúng ta vào bàn tay của Thiên Chúa. Hãy nghĩ đến biết bao nhiêu người chẳng hề được quan tâm và chăm sóc trong những giây phút cuối đời.

Ba ngày trước, một người vô gia cư đã chết bên đường, ngay tại Roma này. Người ấy đã chết cóng vì lạnh giữa một trung tâm phồn hoa, một thành phố có đầy đủ khả năng để cung cấp những trợ giúp cần thiết. Thế nhưng tại sao lại chẳng có sự quan tâm chăm sóc nào cả? ‘Chúa ơi, mặc dù con không hiểu tại sao, nhưng con tin Chúa, vì Chúa chẳng để con phải thất vọng bao giờ. Không hiểu, nhưng con vẫn trao phó cuộc đời con trong tay Chúa.’”

5. Dân chúng mong đợi những mảnh sự sống từ các môn đệ Chúa Giêsu, chứ không phải những mảnh đạo lý

Đó là lời nhắc nhở của cha Ermes Ronchi, vị giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh.

Cha Ermes Ronchi nói: “Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “hãy trở nên muối đất” là lời nhắc nhở các môn đệ của Người, hãy rao giảng niềm hy vọng và sự sống chứ không phải trình bày các vấn nạn tín lý. Nếu chúng ta không là những người quả quyết, không thoát khỏi sự giả dối và sợ hãi, chúng ta sẽ là muối đã bị nhạt.”

Cha Ronchi là một Linh mục người Ý, là giáo sư của phân khoa Thần học của Học viện Giáo hoàng Marianum ở Roma. Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn giảng tĩnh tâm mùa Chay 2016 cho giáo triều Roma. Cha đã chọn đề tài “Những câu hỏi trần trụi của Tin Mừng”. Tuần tĩnh tâm này được tổ chức ở Ariccia, một thành phố cách Roma 30 cây số về hướng đông nam.

Trong bài giảng sáng ngày 7 tháng 3, cha Ronchi đã nói về sự sợ hãi, điều đã đi vào thế giới sau sự bất tuân của Adam và Eva trong vườn địa đàng. Cha nói, vì lo sợ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, Adam đã trốn tránh Người. Điều này chứng tỏ hậu quả của tội lỗi là làm cho ông xa cách lòng thương xót. Đối với các Kitô hữu, sự lo sợ này tạo nên một cộng đoàn Kitô buồn sầu, và một Thiên Chúa không có niềm vui. Như thế, kẻ thù của sợ hãi không phải là sự can đảm nhưng là đức tin.”

Suy niệm đoạn Tin Mừng theo thánh Mát cô 4,35-41 nói về việc Chúa Giê su làm cho biển yên sóng lặng, cha Ronchi nói: “Sợ hãi khiến cho các môn đệ trên thuyền như là ra lệnh cho Chúa hành động và cứu họ khỏi chìm xuống biển sâu. Tuy nhiên, Thiên Chúa không đưa chúng ta ra khỏi cơn bão táp, nhưng Người nâng đỡ chúng ta trong giông bão”.

Cha Ronchi còn nói với các vị dự tuần tĩnh tâm rằng, trong một thời gian dài, Giáo Hội đã truyền lại một niềm tin pha trộn với sợ hãi. Cha nhấn mạnh: “Do đó, hãy là những thiên thần giải thoát họ khỏi sợ hãi”.

Vào ban chiều, cha đã tập trung vào đoạn Kinh Thánh nói về Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, trong đó Chúa nói: “Các con là muối cho trần gian. Nếu muối đã bị lạt thì lấy gì ướp lại cho mặn?” Theo Cha Ronchi, hình ảnh của muối, tiêu tan để ướp mặn, phản chiếu sứ mệnh của Giáo Hội, là phải trao ban chính mình và tan biến đi. Muối và ánh sáng không phải để tồn tại mãi mãi cho chính mình nhưng là trao ban. Giáo Hội cũng phải như thế. Tiêu hao không có nghĩa là hủy diệt hay mất đi, nhưng là để làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn.

Vào ngày thứ 3 của cuộc tĩnh tâm, cha Ronchi suy niệm về “sứ mạng làm chứng thật cho Chúa Giêsu của Giáo Hội.” Từ đoạn Tin Mừng nói về cuộc tuyên xưng đức tin của Phê rô, cha Ronchi nói, câu hỏi của Chúa Giêsu cho các môn đệ “Phần các con bảo Thầy là ai?|” là một câu truy vấn cho tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không chờ câu trả lời, nhưng là chính con người, không phải là những định nghĩa nhưng là sự dấn thân. Chúa Giêsu không có đang dạy học, Người không gợi ý câu trả lời, nhưng Người nhẹ nhàng dẫn mọi người nhìn vào nội tâm sâu thẳm của chính minh. Cha nói tiếp, câu hỏi của Chúa Giêsu, được hiểu là không dạy đạo lý cho bất cứ ai, cũng không bắt buộc các môn đệ phải trả lời một cách khuôn mẫu. Câu trả lời của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” là chứng nhân rằng “Chúa Kitô đang sống trong chúng ta”

Cha Ronchi cũng nói: “Tâm hồn chúng ta có thể là máng cỏ hoặc là nấm mồ của Chúa. Lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ “đừng nói cho ai biết Người là Đấng Mêsia” cũng là lệnh truyền cho Giáo Hội, vì thỉnh thoảng Giáo Hội đã truyền giảng một kinh nghiệm méo mó về Thiên Chúa. Nay Giáo Hội được kêu gọi rao giảng bằng chính chứng từ cá nhân của minh. Những giáo sĩ chúng ta, nhìn ai cũng như nhau: có cùng cử chỉ, các lời nói và y phục. Nhưng mọi người đang yêu cầu chúng ta cho họ kinh nghiệm về Thiên Chúa. Chúa Giêsu không phải là những điều chúng ta nói về Người nhưng là điều tôi sống về Người. Chúng ta không phải là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, trung gian đích thật chinh là Chúa Giêsu.”

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …