Home / Tiêu Điểm / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 09/10/2017 – Câu chuyện hai cha con và con lừa

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 09/10/2017 – Câu chuyện hai cha con và con lừa

1. Một xin vâng ý Cha trong mọi sự

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba mùng 3 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã phân tích bài Phúc Âm kể lại chuyện Chúa Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem, chấp nhận cuộc thương khó, chấp nhận thập giá. Chúa đang tiến bước trên con đường cùng với các môn đệ, và Chúa loan báo cho các ông về cuộc thương khó sắp tới. 

Chúa Giêsu đã từng xin với Chúa Cha để tránh khỏi phải uống chén đắng. Trong vườn Cây Dầu, Chúa van xin Chúa Cha: “Nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, một theo Ý Cha.” Như thế Chúa Giêsu đã bước đi kiên trì, bước đi tới cùng, bước đi trong đau khổ trên thập giá, bước đi bền chí đến cùng.

Đức Thánh Cha mô tả thái độ của các tông đồ như sau:

Càng gần đến Giêrusalem, càng gần thập giá, các môn đệ càng không hiểu Thầy mình, càng xa Thầy mình. Các ông không hiểu điều Thầy loan báo về cuộc khổ nạn. Các ông không hiểu và không muốn hiểu, vì các ông đầy sợ hãi. Khi sợ hãi, các ông hoặc không muốn biết sự thật, hoặc bị phân tâm bằng cách xa tránh.

Và khi ấy, Chúa chỉ còn lại một mình. Chẳng ai đồng hành cùng Chúa trong quyết định ấy, bởi vì chẳng ai hiểu được mầu nhiệm của Chúa. Có một sự cô đơn không hề nhẹ khi Chúa một mình tiến về Giêrusalem. Chúa Giêsu tiếp tục tiến bước một mình như thế cho đến tận cùng. Chúa Giêsu bị các môn đệ bỏ rơi, còn Phêrô thì chối ba lần. Và như thế, Chúa tiếp tục bước đi một mình. Tin Mừng theo thánh Luca kể lại: chỉ có một thiên thần từ trời xuống để an ủi Chúa trong vườn Cây Dầu. Chúa Giêsu vẫn một mình.

Thật là quý giá để dành vài phút ngẫm suy xem Chúa đã yêu thương chúng ta tới mức nào. Chúa đã bước đi một mình trong đơn côi, bị hiểu lầm và bị chết treo trên thập giá, vì chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ suy, hãy nhìn ngắm, hãy cám ơn Chúa Giêsu, vì Người đã sống vâng phục và can trường.

Để kết luận, Đức Thánh Cha dâng lên lời nguyện này:

Lạy Chúa! Ðã bao lần con cố gắng làm nhiều điều mà chưa biết nhìn lên Chúa là Ðấng đã làm tất cả vì con. Chúa đã bền chí tiến bước. Ðó là sự bền lòng bền chí của một con người và của Ðấng là Thiên Chúa. Chúa ơi! Chúa đã kiên nhẫn chịu đựng biết bao tội lỗi và phản bội của con. Con xin thưa với Chúa nhưng điều ấy. Con cám ơn Chúa.

Hôm nay, con xin dành vài phút, năm phút, mười phút, mười lăm phút, để nhìn lên Thánh Giá Chúa, để hình dung Chúa đang nhất quyết đi lên Giêrusalem, để xin ơn can đảm dám bước theo Chúa gần hơn sát hơn.

2. Niềm vui tìm lại cội nguồn.

Ai tìm thấy cội nguồn của chính mình thì người ấy sống trong niềm vui. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 05 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài đọc trích sách Nehemiah trong ngày diễn tả một buổi cử hành phụng vụ vĩ đại của toàn dân. Ðó cũng là thời điểm kết thúc 70 năm dân đi lưu đầy bên Babylon. Khi dân còn ở bên Babylon, Nehemiah bày tỏ ước muốn hồi hương, diễn tả niềm hoài cổ. Trong Thánh Vịnh, có câu nói rằng: bên bờ sông Babylon, họ ngồi than khóc, họ không thể hát. Ðó là nỗi nhớ của người di cư. Ðó là nỗi nhớ của người xa quê và muốn trở lại.

Nehemiah đã chuẩn bị cho sự trở lại và đưa dân chúng trở về quê hương. Ðây là hành trình đầy khó khăn. Ðây là hành trình đầy vất vả để tìm về cội nguồn, tìm lại gốc rễ của mọi người. Sau nhiều tháng năm, gốc rễ bị suy yếu nhưng chưa bị mất. Tìm lại cội nguồn, tìm lại tính thuộc về của một dân tộc. Nếu thiếu rễ, cây không thể sống. Cũng thế, nếu đánh mất cội nguồn, bạn không thể sống. Nếu quên đi cội rễ, bạn chỉ là một người bị bệnh.

Nếu một người không có cội nguồn, nếu một người đánh mất cội rễ của mình, thì người đó đang bị bệnh. Cần tìm kiếm, cần tìm lại cội nguồn, để có sức mạnh, để tiếp tục sinh hoa kết trái. Có một mối tương quan hữu cơ giữa cội rễ của chúng ta và những gì tốt đẹp chúng ta có thể làm.

Tuy nhiên, trong hành trình tìm lại cội nguồn, có rất nhiều ngăn trở, nhiều khó khăn, có nhiều điều dường như không thể. Ví dụ, có nhiều người thích sống lưu vong, có nhiều người thích ở lại trong tâm lý lưu vong. Có nhiều người thích ở lại trong những phóng túng của cộng đồng xã hội. Có những người không cần màng chi đến gốc rễ. Chúng ta cần nghĩ suy về căn bệnh tự kỷ này: nó rất tệ hại. Căn bệnh ấy lấy đi cội rễ. Căn bệnh ấy lấy mất từng thành viên trong cộng đồng của chúng ta.

Trong bài đọc hôm nay, dân chúng đã tiến bước, đã họp lại để bắt đầu công cuộc tái thiết. Họ lắng nghe Lời Chúa mà Ezra đọc. Họ đã khóc. Nhưng hôm nay, họ không còn than khóc sầu buồn như trước kia ở Babylon nữa, mà là khóc trong niềm vui sướng, khóc vì tìm lại được cội nguồn, khóc vì gặp lại quê hương, khóc vì cuộc gặp gỡ thân tình gắn bó trong cội rễ của chính mình. Sau khi nghe đọc Sách Thánh, họ cùng nhau dự tiệc, bữa tiệc chứa chan niềm vui của những người tìm thấy nguồn cội. Họ đầy niềm vui trong nước mắt. Họ trở về từ phương xa. Giờ đây, họ đang ở trong nhà mình, nơi quê hương thân yêu.

Hôm nay, chúng ta hãy dành thời gian đi vào ký ức của Thiên Chúa để bắt đầu hành trình khám phá cội nguồn của chính mình. Ðừng sợ hãi và khép kín. Nếu bạn sợ khóc, thì bạn cũng sẽ sợ cười. Nhưng, bạn hãy sẵn lòng khóc với nỗi buồn, và khóc cả trong niềm vui. Hãy cầu xin Chúa để mình biết khóc tiếng khóc sám hối, biết buồn vì tội lỗi bản thân, biết khóc trong niềm vui vì Chúa yêu thương tha thứ cho bạn cho tôi cho dân Chúa, vì những gì Chúa đã làm cho chúng ta. Nguyện xin Chúa ban cho ta ơn tìm lại nguồn cội của chính mình.

3. Câu chuyện hai cha con và con lừa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ thường kể cho con cái nghe nhất đó là câu chuyện: “Hai cha con và con lừa”. 

Có hai cha con dắt con lừa ra chợ bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người đi đường thấy thế bèn nói: “Cha gì mà không biết thương con! Ngồi chễm chệ trên lưng lừa, trong khi con phải đi bộ!”. Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống khỏi lưng lừa và nhường cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại nghe người hai bên đường chỉ trích: “Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng lừa, trong khi cha lại phải cuốc bộ”. Nghe như vậy, hai cha con mới bảo nhau: “Chỉ còn một cách để cho thiên hạ khỏi nói là hai cha con ta cùng cưỡi lừa”.

Thế là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng, họ lại bắt đầu nghe một lời phê bình khác: “Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa chịu đựng cả một sức nặng như thế”.

Nghe thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì cũng có người phê bình: “Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ”. Hai cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến chợ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ở sao cho vừa lòng người,

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

Nếu chúng ta đặt tiêu chí cho cuộc đời mình là làm sao để được vui lòng mọi người, để được mọi người tôn vinh, khen ngợi, để được vênh vang trước công chúng thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại.

Dĩ nhiên chúng ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên, chỉ có một tiêu chí duy nhất mà chúng ta phải theo đuổi đó là những gì được hướng dẫn bởi Tin Mừng. Cầu xin Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước mỗi ngày, trong mọi quyết định lớn nhỏ của đời con.

4. Kitô hữu phải là thừa sai của niềm hy vọng.

Các Kitô hữu không phải là những ngôn sứ của tai ương, không phải là những người đi dọa nạt người khác rằng tận thế đến nơi rồi, thảm hoạ sắp xảy ra. Nhiệm vụ của kitô hữu không phải là thế. Kitô hữu trong thế giới này phải trở thành các thừa sai của niềm hy vọng, mở ra các không gian của ơn cứu rỗi. Họ phải như các tế bào tái sinh, có khả năng tái trao ban nhựa sống cho những gì xem ra đã mất đi vĩnh viễn.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hàng tuần, hôm mùng 4 tháng 10 vừa qua.

Ngài đã quảng diễn ý nghĩa trình thuật Phúc Âm thánh Luca chương 24 kể lại việc Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ,: “Trong khi các tông đồ còn đang nói, thì chính Ðức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! “ Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy/ Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? “ (Lc 24,36-41).

Đức Thánh Cha nói: 

Hôm nay tôi muốn nói về đề tài “Các thừa sai của niềm hy vọng ngày nay”. Tôi rất vui được làm điều này vào đầu tháng 10 là tháng truyền giáo và cũng là lễ kính thánh Phanxicô thành Assisi; ngài là vị thừa sai lớn của niềm hy vọng.

Thật thế, kitô hữu không phải là một ngôn sứ của tai ương. Chúng ta không phải là các ngôn sứ cuả tai ương. Nòng cốt lời loan báo của họ ngược lại, ngược lại với tai ương: đó là Chúa Giêsu chết vì yêu thương và Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại sáng ngày Phục Sinh. Và đó là nòng cốt của niềm tin kitô. Nếu các Phúc Âm đã chỉ dừng lại trên việc an táng Chúa Giêsu, lịch sử của vị ngôn sứ này sẽ chỉ được thêm vào biết bao nhiêu tiểu sử của các nhân vật anh hùng đã tiêu hao cuộc sống cho một lý tưởng. Phúc Âm khi đó sẽ chỉ là một cuốn sách xây dựng và an ủi, nhưng sẽ không phải là một loan báo của niềm hy vọng.

Nhưng các Phúc Âm không khép lại với ngày thứ sáu tuần thánh, Tin Mừng đi xa hơn. Và chính mảnh cuối cùng này biến đổi cuộc sống chúng ta. Các môn đệ của Chúa Giêsu đã bị đánh quỵ trong ngày thứ bẩy sau vụ Ngài bị đóng đanh; hòn đá đã đuợc lăn lấp cửa mồ cũng đã đóng kín ba năm hăng say sống với vị Thầy làng Nadarét. Xem ra tất cả đã chấm dứt, và vài người thất vọng sợ hãi đã đang rời bỏ Giêrusalem.

Nhưng Chúa Giêsu sống lại! Sự kiện không chờ đợi này lật ngược và đảo lộn tâm trí các môn đệ. Bởi vì Chúa Giêsu không sống lại cho chính mình làm như thể là sự tái sinh của ngài là một đặc ân cần ganh tỵ: nếu Ngài lên với Thiên Chúa Cha là bởi vì Ngài muốn rằng sự sống lại của Ngài được chia sẻ cho mỗi người và lôi cuốn mọi thụ tạo lên cao. Và trong ngày lễ Ngũ Tuần các môn đệ được biến đổi bởi hơi thở của Chúa Thánh Thần. Các vị sẽ không chỉ có một tin đẹp mang đến cho mọi người, mà chính các vị sẽ là những người đầu tiên như được tái sinh vào cuộc sống mới. Sự sống lại của Chúa Giêsu biến đổi chúng ta với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu sống, và sống giữa chúng ta. Ngài sống và có sức mạnh biến đổi chúng ta.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Thật đẹp biết bao nghĩ rằng mình là những người loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả các việc làm và với chứng tá cuộc sống nữa! Chúa Giêsu muốn các môn đệ không chỉ có khả năng lập lại các công thức đã học thuộc lòng. Ngài muốn các chứng nhân: những người loan truyền niềm hy vọng với kiểu tiếp đón, cười và yêu thương của mình. Nhất là yêu thương: bởi vì sức mạnh của sự sống lại khiến cho các kitô hữu có thể yêu thương, cả khi tình yêu xem ra đã lạc mất các lý do của nó. Có một điều “hơn” ở trong sự hiện hữu kitô, và nó không được giải thích một cách đơn sơ với sức mạnh của tâm hồn hay một sự lạc quan lớn hơn. Không, đức tin, niềm hy vọng của chúng ta không chỉ là một sự lạc quan; nó là một cái gì khác, hơn nhiều! Nó như thể các tín hữu là những người có một “mảnh trời” hơn nữa ở trên đầu. Ðiều này thật đẹp! Chúng ta là những người có một mảnh trời hơn nữa ở trên đầu, được đồng hành bởi một sự hiện diện mà ai đó không thể trực giác được.

Như thế nhiệm vụ của các kitô hữu trong thế giới này là mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh có khả năng trả lại nhựa sống cho những gì xem ra đã mất luôn mãi. Khi toàn bầu trời âm u, thì thật là một phước lành ai biết nói về mặt trời.

Kitô hữu đích thật là như thế: không than van và giận dữ, nhưng xác tín nhờ sức mạnh của sự sống lại, xác tín rằng không có sự dữ nào vô tận, không có đêm đen nào mà không kết thúc, không có người nào sai lầm một cách vĩnh viễn, không có thù hận nào mà không có thể chiến thắng bởi tình yêu thương.

Chắc chắn là đôi khi các môn đệ sẽ trả giá mắc mỏ cho niềm hy vọng mà Chúa Giêsu đã ban cho họ. Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu kitô hữu đã không từ bỏ dân tộc của họ, khi thời bách hại đến. Họ đã ở lại đó, nơi người ta không chắc chắn với ngày mai, nơi không thể đưa ra các chương trình thuộc bất cứ loại nào, họ ở lại đó hy vọng nơi Thiên Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ tới các anh chị em vùng Trung Ðông làm chứng cho niềm hy vọng và dâng hiến cuộc sống cho chứng tá ấy. Những người này là các kitô hữu đích thật. Những nguời này mang bầu trời trong tim, họ nhìn xa hơn, luôn luôn xa hơn.

Ai đã được ơn ôm ấp sự sống lại của Chúa Giêsu thì còn có thể hy vọng nơi điều không thể hy vọng. Các vị tử đạo thuộc mọi thời đại, với lòng trung thành của các vị với Chúa Kitô, kể lại rằng sự bất công không phải là tiếng nói cuối cùng trong cuộc sống. Nơi Chúa Kitô phục sinh chúng ta có thể tiếp tục hy vọng. Những người nam nữ có một lý do “tại sao” sống, thì có nhiều sức kháng cự hơn những người khác trong thời gian lao khốn khó. Nhưng ai có Chúa Kitô bên cạnh, thì họ thật không sợ hãi gì hết. Và chính vì vậy các kitô hữu không bao giờ là những người dễ dãi và thoả hiệp, các kitô hữu đích thật. 

Để kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Không được lầm lẫn sự dịu dàng của họ với một ý thức về sự không chắc chắn và nhượng bộ. Thánh Phaolô khích lệ Timôthê chịu đau khổ vì Tin Mừng và nói như thế này : “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 Tm 1,7). Bị ngã họ luôn luôn đứng dậy.

Anh chị em thân mến, đó là lý do tại sao tín hữu kitô là một thừa sai của niềm hy vọng. Không phải vì công nghiệp của họ, nhưng nhờ ơn của Chúa Giêsu là hạt giống đã rơi vào lòng đất, đã chết và đã sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24).

5. Ơn biết xấu hổ giúp chúng ta thoát khỏi con đường tội lỗi.

Biết xấu hổ chính là cánh cửa mở ra ơn chữa lành. Khi cảm thấy xấu hổ trước mặt Chúa, và khẩn khoản xin Ngài chữa lành, Chúa sẽ tha thứ và bảo bọc ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 06 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Sự công chính thuộc về Thiên Chúa, còn sự hổ thẹn thuộc về chúng ta, vì chúng ta đã phạm tội trước mặt Thiên Chúa. Ðó là lời của ngôn sứ Baruc trong bài đọc hôm nay. Vị ngôn sứ muốn chỉ cho dân con đường đúng đắn, mời gọi họ sám hối, và cầu xin ơn tha thứ.

Không ai có thể nói rằng: tôi là người chính trực. Cũng không ai có thể nói rằng: tôi thế này, tôi thế kia. Bởi lẽ tôi chỉ là một kẻ có tội. Chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. 

Đức Thánh Cha đã mở đầu bài giảng bằng câu hỏi: “Tại sao tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi?”. Ngài giải thích như sau:

Bởi vì chúng ta không tuân phục Thiên Chúa, vì chúng ta nói một đàng làm một nẻo. Vì chúng ta không lắng nghe Lời Chúa, cho dù Chúa nói nhiều lần với chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta có thể nghĩ xem: Ðã bao lần Chúa nói với tôi trong cuộc đời? Ðã bao lần tôi không lắng nghe? Chúa đã nói với cha mẹ chúng ta, nói với gia đình ta, nói với các giáo lý viên, nói trong giáo hội, nói trong tâm hồn chúng ta.

Thế nhưng, chúng ta sống theo kiểu nổi loạn. Ðó là sống theo con đường tội lỗi. Chúng ta nổi loạn, cứng đầu cứng cổ. Ðó là xu hướng thường thấy trong trái tim chúng ta, với những nhỏ nhen, tham lam, ghen tỵ, hận thù, chê bai… Những điều ấy tạo nên cuộc chiến hỗn loạn trong tâm hồn chúng ta. Những điều ấy gây ra tội lỗi và hủy hoại cuộc sống, làm cho linh hồn ta bị yếu nhược. Tội lỗi luôn là điều gì đó chống lại Thiên Chúa.

Tội lỗi không phải như một vết bẩn có thể xóa đi. Nếu là vết bẩn, chúng ta có thể làm sạch hoặc dùng thuốc nhuộm. Nhưng ở đây thì không phải thế. Tội lỗi là việc nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Khi nghĩ về tội lỗi bản thân, thay vì bị chìm vào trầm cảm, chúng ta hãy xin ơn để cảm thấy xấu hổ. Biết xấu hổ chính là một hồng ân. Bởi lẽ, biết xấu hổ chính là cánh cửa mở ra ơn chữa lành. Khi cảm thấy xấu hổ trước mặt Chúa, tôi sẽ xin Chúa chữa lành tôi.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Khi Thiên Chúa thấy chúng ta xấu hổ vì tội lỗi mình gây ra, khi Chúa thấy ta khiêm tốn xin ơn tha thứ, thì Ngài sẽ thứ tha, sẽ xóa tội, sẽ bảo bọc che chở chúng ta, vì Ngài là Ðấng Toàn Năng. Ðó là cách mà chúng ta cần đến với ơn tha thứ. Giờ đây chúng ta hãy ngợi khen Chúa vì Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài trong lòng thương xót và ơn thứ tha.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …