Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 08 – 14/10/2015: Câu chuyện “Lòng Nhân Từ Cảm Hóa”

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 08 – 14/10/2015: Câu chuyện “Lòng Nhân Từ Cảm Hóa”

 

1. Tại sao những điều tốt lành lại đến với những kẻ độc ác, xấu xa?

Thiên Chúa chẳng hề bỏ rơi những người công chính; còn kẻ gian ác giống như người xa lạ, tên của chúng sẽ không bao giờ được nhắc đến trên Thiên Quốc. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 08 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đặt vấn đề: “Có một người mẹ dũng cảm sống với chồng và ba đứa con. Chị chưa tròn 40 tuổi nhưng lại mang trên mình một cục bướu. Căn bệnh quái ác ấy buộc chị suốt ngày phải ở trên giường, chẳng thể đi đâu. Tại sao chuyện này lại xảy ra? Một cụ bà đạo đức, hằng ngày cầu nguyện liên lỉ trước nhan Thiên Chúa với những lời chân thật xuất phát từ con tim, nhưng con trai của cụ lại bị mafia giết chết. Tại sao chuyện này lại xảy ra với cụ?”

Tại sao những điều tốt lành lại đến với những kẻ độc ác, xấu xa?

Lời của Đức Thánh Cha trong nhà nguyện Marta làm vang vọng một câu hỏi nhức nhối, tựa như lưỡi dao sắc cắt vào những suy tư của rất nhiều người, đặc biệt là những người có sự xác tín và niềm tin được bén rễ sâu xa, nhưng lại bị lung lay bởi những bi kịch xảy ra trong cuộc sống. Vấn nạn đặt ra là: Tại sao phải sống công chính? Việc phụng thờ Thiên Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, có ích lợi chi không? Trong khi kẻ kiêu ngạo và làm điều gian ác lại được thịnh đạt. Họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì.

Đức Thánh Cha nói:

“Nhiều lần chúng ra đã nhận thấy rằng những kẻ gian ác, chuyên làm điều xấu xa, nhưng cuộc sống của họ lại rất phát đạt: Họ hạnh phúc và có tất cả những gì họ muốn, chẳng hề thiếu thốn chi. Tại sao Thiên Chúa lại để điều này xảy ra? Tại sao một kẻ hỗn láo, xấc xược chẳng hề màng tới Thiên Chúa và người khác, nói khác đi là một kẻ bất chính và xấu xa, nhưng mọi sự trong cuộc sống của hắn ta đều thuận lợi? Tại sao hắn có tất cả những gì hắn muốn; còn chúng ta là những người muốn làm điều tốt, lại toàn gặp những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống?”

Thiên Chúa săn sóc những người công chính

Đức Thánh Cha trích Thánh Vịnh nhằm đưa ra một câu trả lời cho vấn nạn nêu trên. Thánh Vịnh nói: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (TV 1, 1-2).

Đức Thánh Cha giải thích: “Ngay bây giờ, có thể chúng ta không nhìn thấy hoa trái của những người công chính đang gặp đau khổ, bất hạnh; không thấy được hoa trái của những người đang trung kiên vác thập giá. Cũng vậy, trong ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, hoa trái của việc Con Thiên Chúa chịu khổ hình, vác thập giá cũng đâu có thấy được. Những đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu cũng đâu được nhận ra. Nhưng tất cả những gì Ngài thực hiện đều trở nên tốt đẹp. Chúng ta có biết Thánh Vịnh nói gì về những kẻ gian ác, kẻ mà chúng ta nghĩ rằng luôn gặp những điều may mắn, tốt lành không? Thật ra, kết cục của những ai gian ác chẳng hề tốt đẹp: ‘Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong’ (Tv 1, 4.6).”

Chỉ duy nhất một tính từ

Đức Thánh Cha lấy ý tưởng từ dụ ngôn anh Lazzaro nghèo khó trong Tin Mừng để nhấn mạnh rằng sự diệt vong là kết cục của những kẻ gian ác. Dụ ngôn ấy là một biểu tượng về sự đau khổ mà người gặp phải không hề kêu la, trốn chạy. Ông phú hộ giàu có, yến tiệc say xưa đã từ chối bố thí cho anh Lazzaro ngay cả những mẩu vụn bánh rớt xuống bàn của ông.

Thật đáng tò mò là ông phú hộ ấy không hề được nhắc đến tên. Nhưng chỉ có một tính từ nói về ông: giàu có. Trong Cuốn Sổ Ghi Nhớ được viết trước nhan Thiên Chúa, không hề có tên của những kẻ gian ác. Kẻ gian ác không có tên, nhưng chỉ có những tính từ để chỉ đặc điểm. Trái lại, tất cả những ai đang cố gắng đi trên đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa, sẽ được ở cùng với Chúa Con, Đấng có tước hiệu là: Giêsu – Đấng Cứu Độ. Đây là một tước hiệu thật khó để có thể hiểu thấu và giải thích rõ ràng khi đứng trước những thánh đố của thập giá và tất cả những đau khổ mà Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta.

2. Thiên Chúa muốn các vị sứ giả của Ngài phải có lòng thương xót

Chúng ta hãy cảnh giác đừng để trái tim ra chai đá, vì như thế tình thương xót của Thiên Chúa không để đi vào. Đây là điều được Đức Thánh Cha nói đến trong thánh lễ sáng thứ Ba 06 thánng 10 tại nhà nguyện thánh Marta, trước khi ngài tham dự Thượng Hội Đồng nhóm họp tại Hội Trường Thượng Hội Đồng Giám Mục Vatican. Đức Thánh Cha cũng nói thêm đừng cưỡng lại lòng thương xót của Thiên Chúa, vì lòng thương xót ấy quan trọng hơn những suy nghĩ của chúng ta, quan trọng hơn hàng tá điều răn mà chúng ta phải tuân giữ.

Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của ngài từ Bài Đọc Một, trích sách Giô-na. Tiên tri Giô-na đã cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa, nhưng cuối cùng ông đã học để biết thế nào là vâng phục. Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn và dân chúng trong thành đã biết hoán cải nhờ lời công bố của Giô-na. Đức Thánh Cha nói: “Thực sự đã có một phép lạ xảy ra, vì Giô-na đã từ bỏ được sự cứng lòng và vâng phục ý Chúa. Ông đi và thực hiện điều Thiên Chúa đã truyền dạy cho ông.”

Dân thành Ni-ni-vê cũng đã ăn năn hoán cải. Nhưng đứng trước sự hoán cải này, Giô-na – người “không ngoan ngoãn vâng nghe Thần Khí” – đã nổi giận: “Ông Giô-na bực mình, bực lắm và ông nổi giận.” Đức Thánh Cha nói: “Thậm chí, ông còn trách mắng Thiên Chúa.”

Lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đi vào một con tim chai đá

Đức Thánh Cha nói, chuyện xảy giữa tiên tri Giô-na và thành Ni-ni-vê được chia thành ba phần. Phần một, tiên tri Giô-na chống lại sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho ông. Phần hai là sự vâng phục, và khi ông vâng phục, phép lạ xảy ra: dân thành Ni-ni-vê đã hoán cải. Trong phần ba, tiên tri Giô-na, một lần nữa, cưỡng lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông đã nói với Thiên Chúa rằng: “Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Con đã làm tất cả những gì có thể để công bố cho dân thành Ni-ni-vê lời tuyên cáo của Chúa. Con đã hoàn thành việc đó thật tốt đẹp. Nhưng tại sao Ngài lại là một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương? Tại sao Ngài lại hối tiếc và tha thứ cho thành ấy?” Như vậy, tiên tri Giô-na thực sự không thấu hiểu được lòng thương xót của chúa. Đức Thánh Cha nói, một trái tim với sự cứng cỏi, chai đá như thế sẽ không để cho lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào.

Người ta cũng không hiểu được lòng thương xót của Đức Giêsu

Những Tiến Sỹ Luật không hiểu tại sao Đức Giêsu lại bênh vực người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và không để chị bị ném đá cho đến chết. Họ cũng không hiểu tại sao Ngài lại đến dùng bữa với những người thu thuế và quân tội lỗi. Họ không hiểu được. Nói khác đi, họ thật sự không thể hiểu được lòng thương xót: “Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Thánh Vịnh mà chúng ta đã cùng cầu nguyện với nhau ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta hãy kiễn nhẫn chờ đợi Thiên Chúa vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, nơi Ngài luôn chứa chan hồng ân cứu độ.”

Không hề có những sứ giả cứng đầu, bướng bỉnh; Thiên Chúa mời gọi chúng ta biết xót thương

Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đấy có tình xót thương”. Và thánh Ambrogio nói thêm: ‘Ở đâu có những sứ giả, ở đó có sự cứng đầu, bướng bỉnh.’ Chính sự bướng bỉnh này dẫn tới việc không vâng lời trong sứ mạng, và vì thế thách thức lòng thương xót. 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Năm Thánh Kính Lòng Thương Xót Chúa đã gần kề, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta thấu hiểu được trái tim của Chúa và ý nghĩa của “lòng xót thương” là gì. Đặc biệt, Thiên Chúa có ý gì khi nói: ‘Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế.’ Trong lời nguyện Nhập Lễ, chúng ta đã cầu nguyện nhiều với một câu rất đẹp: ‘Xin tuôn đổ trên chúng con lòng thương xót của Chúa.’ Như thế, chúng ta chỉ hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa một khi lòng thương xót ấy tuôn đổ tràn trề trên chúng ta, trên tội lỗi của chúng ta và trên những đau khổ của chúng ta…”

3. Lòng Nhân Từ Cảm Hóa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một bà mẹ kia lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ nữa, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: “Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố đối diện với chúng ta. Nếu con làm giùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa”.

Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mà mẹ anh ta yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.

Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: “Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu”.

Chàng thanh niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.

Chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.

Câu chuyện này minh họa điều từng được Đức Thánh Cha Phanxicô nói nhiều lần, gần đây nhất là trong đêm canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Ngài nói: 

“Khi yêu thương tha nhân, chúng ta học cách yêu mến Thiên Chúa, khi khom lưng xuống để giúp đỡ hàng xóm của chúng ta, chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa. Thông qua sự gần gũi huynh đệ và sự đoàn kết với những người nghèo và bị bỏ rơi, anh nhận ra chính họ là người đang rao giảng Tin Mừng cho chúng ta, chính họ giúp chúng ta lớn lên về mặt nhân bản.”

4. Hãy biết phân định và tỉnh thức, ngay cả khi mọi sự có vẻ tốt đẹp

“Luôn nghĩ xấu cho những người làm điều tốt, vu khống người khác vì ghen tị, xếp đặt những cạm bẫy để mưu hại tha nhân là những hành vi đến từ ma quỷ. Thế nên, trong bối cảnh đó, một Kitô hữu phải biết phân định và tỉnh thức, phân định trong tất cả mọi sự, ngay cả khi mọi sự ấy dường như đang tốt đẹp”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 9 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu trừ một tên quỷ. Ngài đã làm một việc tốt lành cho người bị quỷ ám. Trong số những người đang nghe Ngài giảng dạy và chứng kiến phép lạ, có những kẻ đã tin và nhận ra uy quyền của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Nhưng cũng có những kẻ tố cáo Ngài dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trử quỷ. Đức Thánh Cha nói: “Đã có những người không muốn nghĩ tốt về Đức Giêsu. Họ luôn tìm cách hiểu và giải thích lời nói cũng như hành động của Ngài theo một cách thế sai lạc để chống lại Ngài. Có những người chống đối Ngài vì ghen tị; một số khác là vì có sẵn trong đầu những giáo thuyết cứng nhắc; một số khác vì sợ quân đội Roma sẽ đến và thảm sát họ. Bởi rất nhiều những lý do như thế, họ đã cố gắng tìm cách để loại trừ uy quyền của Đức Giêsu và thậm chí lăng nhục, vu khống Ngài.”

Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu hãy phân định và cảnh giác. Phân định trong những tình huống cụ thể để biết điều nào đến từ Thiên Chúa và điều nào đến từ ma quỷ, vì ma quỷ luôn tìm cách để lừa dối và bịp bợp chúng ta chọn lựa những con đường sai trái. Chúng ta không thể bình tĩnh, thản nhiên trước những điều có vẻ là đang tốt đẹp, nhưng phải phân định và xem chúng đến từ đâu, gốc rễ của chúng là gì.

Không chỉ có phân định nhưng phải luôn cảnh giác; vì trong hành trình đức tin, cám dỗ luôn quay trở lại và thần dữ không bao giờ biết mệt mỏi. Khi thần dữ xuất ra khỏi một người, nó vẫn kiên nhẫn chờ đợi để quay trở lại. Nếu để nó quay trở lại, tình trạng của người ấy sẽ còn thê thảm hơn trước. Đức Thánh Cha giải thích: “Chúng ta đã biết rằng ma quỷ trước hết sẽ quấy rối và giày vò một người. Nhưng sau đó, hắn sẽ ẩn núp và cùng với bè lũ của hắn từ từ gõ cửa và xin phép cách rất lịch sự. Rồi hắn sẽ đi vào và sống với người đó trong mọi hoạt động của đời sống hằng ngày. Dần dần, hắn mới đưa ra những chỉ dẫn. Với cách thức như thế, ma quỷ từ từ thuyết phục người đó làm mọi sự với một tâm thức hoài nghi và khiến lương tâm trở nên dửng dưng, không còn biết phân biệt tốt-xấu.

Đức Thánh Cha nói: “Làm tê liệt lương tâm là một sự dữ khủng khiếp. Bởi vì khi thần ô uế thành công trong việc làm tê liệt lương tâm con người, hắn đã thực sự chiến thắng. Hắn đã trở thành ông chủ của lương tâm ấy rồi. Và như thế, người đó đang sống trong một cách thức giống như là con cái của thần dữ.”

Đức Thánh Cha nhắc lại hai từ: cảnh giác và phân định. Cảnh giác tức là làm việc xét mình hằng ngày. Quả thế, Giáo Hội khuyên chúng ta luôn thực hành việc xét mình: Điều gì đã xảy ra trong tâm hồn tôi ngày hôm nay và bởi lý do gì? Tiếp đến là phân định. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem: những bàn luận, lời nói, sự giảng dạy đến từ đâu? Ai nói những điều này? Nói tóm lại, hãy biết phân định trong mọi sự và hết sức cảnh giác. Đừng để bị quyến rũ, lừa dối và mê hoặc. Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng này. Đó là ơn luôn biết phân định và cảnh giác.”

5. Tinh thần gia đình

Trong buổi tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 7-10-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tinh thần gia đình và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em

“Từ vài ngày nay đã khai diễn Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về đề tài “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”. Gia đình tiến bước trên con đường của Chúa là điều cơ bản trong việc làm chứng về tình yêu Thiên Chúa và vì thế đáng được Giáo Hội tận tụy quan tâm săn sóc, và Giáo Hội có khả năng làm điều đó. Thượng HĐGM được kêu gọi diễn giải mối quan tâm và sự săn sóc này của Giáo Hội ngày nay. Chúng ta hãy tháp tùng trọn hành trình của Thượng HĐGM, nhất là bằng kinh nguyện và bằng sự chú tâm của chúng ta. Trong thời kỳ này, các bài huấn giáo của chúng ta sẽ là những suy tư lấy hứng từ một số khía cạnh trong tương quan giữa Giáo Hội và gia đình, chúng ta có thể nói tương quan ấy là bất khả phân ly, với chân trời cởi mở đối với thiện ích của toàn thể cộng đoàn nhân loại.

“Khi chăm chú nhìn đời sống thường nhật của con người nam nữ ngày nay, ta thấy ngay một nhu cầu, đó là ở mọi nơi đều cần đưa vào một tinh thần gia đình mạnh mẽ. Thực vậy, những lối quan hệ – về dân sự, kinh tế, pháp lý, nghề nghiệp và về mặt cộng dân, có tính chất hợp lý, chính thức, có tổ chức, nhưng nhiều khi chúng cũng rất khô cằn, vô danh. Nhiều khi các tương quan ấy trở nên không thể chịu nổi. Tuy chúng cũng muốn có tính chất bao gồm, dưới mọi hình thức, nhưng trong thực tế các quan hệ ấy bỏ mặc trong sự cô độc và bị gạt bỏ một số người ngày càng đông đảo.

“Đó là lý do tại sao gia đình mở ra cho toàn thể xã hội một viễn tượng nhân bản hơn; mở mắt con cái về sự sống, và không phải mở cái nhìn mà thôi, nhưng còn mở tất cả các giác quan khác, trình bày một cái nhìn về tương quan nhân bản dựa trên sự giao ước tình yêu tự do. Gia đình dẫn vào nhu cầu cần có những quan hệ chung thủy, thành thật, tín nhiệm, cộng tác, tôn trọng; gia đình khích lệ đề ra dự phóng một thế giới có thể cư ngụ được và tin tưởng nơi các quan hệ tín nhiệm, cả trong những hoàn cảnh khó khăn; gia đình dạy thực thi lời đã hứa, tôn trọng mỗi người, chia sẻ những giới hạn của mình và tha nhân. Và tất cả chúng ta đều ý thức về tính chất không thể thay thế được của sự quan tâm gia đình đối với những phần tử nhỏ bé, dễ bị tổn thương, bị thương tổn nhất, thậm chí những người đãng trí nhất trong cách cư xử của họ. Trong xã hội, ai thực thi những thái độ ấy, họ được thấm nhiễm tinh thần gia đình, không phải tinh thần cạnht rang và ước muốn tự thành đạt.

“Tuy biết tất cả những điều đó, người ta vẫn không dành cho gia đình sự quan tâm cần phải có, một sự nhìn nhận và nâng đỡ trong tổ chức chính trị và kinh tế của xã hội ngày nay. Tôi muốn nói hơn nữa: gia đình không những không được nhìn nhận thích đáng, nhưng không được học hỏi nhiều hơn! Nhiều khi điều ấy có nghĩa là: với tất cả những khoa học và kỹ thuật của mình, xã hội tân tiến ngày nay chưa có khả năng diễn tả những kiến thức ấy trong những hình thức sống chung xã hội tốt đẹp hơn. Không những việc tổ chức đời sống chung ngày càng bị sa lầy trong một thứ bệnh bàn giấy rất xa lạ với những quan hệ cơ bản giữa con người với nhau, nhưng thậm chí phong tục xã hội và chính trị thường cho thấy có những dấu hiệu sa đọa, – gây hấn, thô lỗ, khinh rẻ – ở dưới mức độ một nền giáo dục gia đình tối thiểu nhất. Trong bối cảnh đó, hai thái độ đối nghịch nhau trong quan hệ sa đọa – một bên là thái độ duy kỹ thuật, và bên kia là duy gia đình vô luân – liên kết với nhau và nuôi dưỡng nhau. Đó thực là một điều nghịch lý mâu thuẫn.

“Ngày nay, về điểm này, Giáo Hội xác định ý nghĩa lịch sử sứ mạng của mình, về gia đình và tinh thần gia đình chân chính: bắt đầu từ sự quan tâm kiểm điểm cuộc sống, liên quan đến chính mình. Ta có thể nói rằng tinh thần gia đình là một hiến pháp đối với Giáo Hội; Kitô giáo phải xuất hiện và phải hiện hữu như thế. Kinh thánh đã viết rõ ràng: “Anh chị em không còn là những người xa lạ hoặc khách trọ, nhưng là đồng bào của các thánh và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19). Giáo Hội đang và phải là gia đình của Thiên Chúa.

“Chúa Giêsu, khi gọi Phêrô đi theo Ngài, đã nói với ông là Ngài sẽ làm cho ông trở thành “ngư phủ đánh cá người”; và vì thế Ngài muốn có một thứ lưới mới. Ngày nay chúng ta có thể nói rằng các gia đình là một trong những lưới quan trọng nhất đối với sứ mạng của Phêrô và Giáo Hội. Đó không phải là lưới làm cho ta trở thành tù nhân bị ràng buộc. Trái lại lưới ấy giải thoát khỏi những vùng biển xấu xa của sự bỏ rơi và dửng dưng, làm cho nhiều người chết đuối trong biển cô đơn và lãnh đạm. Gia đình biết rõ thế nào là phẩm giá được cảm thấy mình là con cái chứ không phải là nô lệ hoặc là người xa lạ, hay chỉ là một con số trên thẻ căn cước.

“Chính từ đó, từ gia đình, Chúa Giêsu tái bắt đầu tiến qua con người để thuyết phục họ rằng Thiên Chúa không quên họ. Từ đó Phêrô kín múc sức mạnh cho sứ vụ của Ngài. Từ đó, Giáo Hội, tuân theo lời Thầy chí thánh, ra khơi thả lưới, xác tín rằng nếu điều này xảy ra, vì sẽ có mẻ cá lạ lùng. Ước gì lòng nhiệt thành của các nghị phụ thượng HĐGM, được Thánh Thần linh hoạt, nuôi dưỡng đà tiến của một Giáo Hội từ bỏ những lưới củ kỹ và bắt đầu đánh cá tín thác nơi Lời Chúa. Chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho ý nguyện đó! Chúa Kitô đã hứa và khích lệ chúng ta: nếu những người cha xấu tính vẫn không từ chối bánh cho con cái mình đang đói, thì chúng ta tưởng tượng xem, Thiên Chúa chẳng lẽ không ban Thánh Thần của Ngài cho những người nồng nhiệt xin ngài, dù họ là người bất toàn sao!

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …