Home / Tiêu Điểm / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 07/11/2017: Câu chuyện người hiện về từ luyện ngục

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 07/11/2017: Câu chuyện người hiện về từ luyện ngục

1. Hôm nay là ngày của hy vọng, cũng là ngày của nước mắt.

Hôm nay là ngày của hy vọng, cũng là ngày của nước mắt. Ðức Thánh Cha chia sẻ như trên trong Thánh Lễ ngày mùng 02 tháng 11 cầu nguyện cho người đã khuất tại nghĩa trang Nettuno, cách Roma 70km. Trong ngày lễ các đẳng linh hồn, tất cả chúng ta tụ họp nơi đây trong niềm hy vọng. Mỗi người chúng ta trong tâm hồn mình, có thể nhẩm đi nhắc lại những lời của ông Gióp mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc Một. Lời ấy là: “Tôi biết rằng Ðấng Bênh Vực tôi hằng sống và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất”. Niềm hy vọng của chúng ta là được diện kiến Thiên Chúa, là được gặp gỡ, là gặp lại nhau như anh chị em: niềm hy vọng này không làm cho chúng ta thất vọng. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ diễn tả điều ấy trong bài đọc Hai (Rm 5,5-11), khi thánh nhân nói: Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng.

Đức Thánh Cha nói:

Thế nhưng biết bao lần, niềm hy vọng ấy đã nảy sinh và phát xuất từ những vết thương, từ những đau khổ của con người. Trong những lúc đau đớn ấy, trong giờ phút cùng cực ấy, chúng ta cầu nguyện, chúng ta khổ đau nhìn lên trời mà than van: “Tôi tin rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống. Nhưng Chúa ơi, xin hãy dừng lại!”. Ðây là lời nguyện thống thiết phát xuất từ chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn về nghĩa trang này. Chúng ta thân thưa rằng: “Chúa ơi, con chắc chắn rằng, những người anh chị em này đang ở cùng con, con chắc chắn như thế. Nhưng làm ơn đi Chúa ơi. Xin dừng lại. Ðừng thêm nữa. Ðừng có thêm chiến tranh nữa. Ðừng thêm những thời khắc vô dụng ấy nữa”. Ðức Thánh Cha Benedicto XV cũng từng nói như thế.

Tốt hơn hãy hy vọng đừng có thêm sự hủy diệt nữa. Vì những người trẻ… hàng ngàn hàng ngàn hàng ngàn… đã tan vỡ hy vọng. Chúa ơi, xin đừng. Hôm nay ở đây chúng ta phải cầu nguyện điều ấy, chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất, nhưng cũng tại nơi này, chúng ta cần cầu nguyện cách đặc biệt cho những người trẻ. Bởi vì ngày nay thế giới một lần nữa lại đang lún sâu vào chiến tranh, và đang chuẩn bị mạnh mẽ hơn nữa cho các cuộc chiến. “Chúa ơi, xin đừng, xin đừng”. Bởi vì nếu chiến tranh xảy ra, thì tất cả đều bị hủy diệt.

Tôi nhớ lại một bậc cao niên đứng nhìn đống đổ nát của Hiroshima, với đầy khổ đau và sự khôn ngoan, cụ nói: “Người ta đã làm mọi sự, đã tuyên bố này nọ, đã gây ra chiến tranh, và thực sự là họ hủy hoại chính họ”. Ðó là chiến tranh. Chiến tranh hủy diệt tất cả chúng ta. Người cha người mẹ mất con, người ông người bà mất cháu. Chỉ còn lại con tim tan vỡ và đầy nước mắt. Nếu như hôm nay là ngày của hy vọng, thì hôm nay cũng là ngày của nước mắt. Ðó là nước mắt của người phụ nữ nhận được tin: “Thưa bà, thật đáng tự hào vì chồng của bà là anh hùng của Tổ quốc, thật là tự hào vì con của bà là anh hùng của quê hương.” Ðó là những giọt nước mắt mà nhân loại không thể quên. Niềm tự hào ấy có lẽ không cần học và cũng chẳng muốn học.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Nhiều lần trong lịch sử, người ta nghĩ rằng họ thực thi một cuộc chiến để thuyết phục rằng, họ sẽ mang lại một thế giới mới, để thuyết phục rằng, họ sẽ đem đến “mùa xuân”. Nhưng kết cục chỉ mang lại một mùa đông xấu xí, ác độc, khủng bố và chết chóc. Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất, cho tất cả, nhưng một cách đặc biệt là cầu nguyện cho những người trẻ này, vào một thời điểm mà có quá nhiều người bị chết trong các trận đánh từng ngày. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người đã khuất của hôm nay, những người bị chết vì chiến tranh, cả những trẻ em và người dân vô tội. Hậu quả của chiến tranh chính là chết chóc. Và vì thế, xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết khóc than.

2. Câu chuyện người hiện về từ luyện ngục

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cuộc đời cha Piô Năm Dấu Thánh là trang sử lạ thường ghi dấu các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các Thiên Thần, Các Thánh, và Các Đẳng Linh Hồn. Có thể nói được rằng, Cha thánh Pio sống cùng lúc ở hai thế giới: một hữu hình và một vô hình, thiêng liêng.

Trong chương trình hôm nay, Như Ý xin thuật hầu quý vị và anh chị em câu chuyện Linh Hồn Luyện Ngục hiện về xin Cha thánh Pio cầu nguyện cho.

Một buổi tối, Cha Pio đang nghỉ ở tầng trệt của Cộng Đoàn nơi căn phòng dành đón tiếp khách lạ. Lúc ấy Cha Pio chỉ có một mình và vừa đặt lưng nằm xuống thì bất thình lình một người đàn ông xuất hiện, mình trùm kín chiếc áo choàng đen. Ngạc nhiên, Cha Pio tức khắc đứng bật dậy và hỏi cho biết ông là ai và muốn gì. Người khách lạ cho biết ông là Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội. Ông nói: Con là Pietro Di Mauro, tức Nicola và có biệt danh “Precoco”. Con bị chết trong trận hỏa hoạn xảy ra vào đêm 18-9-1908, tại chính Tu Viện này, lúc ấy bị truất hữu và biến thành Viện Tế Bần. Con bị cháy giữa các ngọn lửa, ngay trên tấm nệm rơm, lúc đang ngủ say, trong căn phòng số 4. Con hiện về từ Luyện Ngục. Thiên Chúa Nhân Lành cho phép con đến xin Cha dâng một Thánh Lễ với ý chỉ cầu cho con vào sáng ngày mai. Nhờ Thánh Lễ này con mới có thể vào được Thiên Đàng.

Cha Pio hứa sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho ông. Chính Cha kể lại như sau. Phần tôi, tôi muốn đích thân tháp tùng Linh Hồn Luyện Ngục ra tận cửa Tu Viện. Và tôi chỉ ý thức rõ ràng mình đã nói chuyện với Linh Hồn Luyện Ngục khi ra tới thềm, bởi vì, người đàn ông đang đi bên cạnh tôi bỗng nhiên biến mất. Tôi thành thật thú nhận lúc ấy tôi cảm thấy hoảng sợ. Tôi đi thẳng đến phòng Bề Trên là Cha Paolino da Casacalenda. Cha Bề Trên nhận ra nét kinh hoảng của tôi. Sau khi nghe tôi giải thích và xin phép dâng Thánh Lễ vào sáng hôm sau cầu cho Linh Hồn Luyện Ngục, Cha Bề Trên hiểu lý do và chấp thuận ngay lời xin.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vài ngày sau, vì bị tính tò mò thúc đẩy, Cha Bề Trên Paolino muốn làm cuộc kiểm chứng. Cha ra tòa thị chính thành phố San Giovanni Rotondo và xin phép xem Cuốn Sổ Tử của thành phố vào năm 1908. Và đúng như lời tôi kể, trong Sổ Tử tháng 9 năm 1908 có ghi mấy hàng: Ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong trận hỏa hoạn Viện Tế Bần có một người bị chết mang tên Pietro di Mauro, tức Nicola.

3. Mục tử tốt lành gần gũi dân chúng và có lòng trắc ẩn.

Mục tử tốt lành là người đến với những người bị loại bỏ hất hủi, là người có lòng thương xót và không xấu hổ khi đụng chạm đến các thân thể bị thương tích. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa giáo sĩ trị thì luôn tìm cách tiếp cận với quyền lực hoặc là tiền bạc. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh những điều này trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Hai 30 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta, dựa trên đoạn tin mừng theo thánh Luca chương 13, thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành người phụ nữ bị còng lưng từ 18 năm trời.

Vào ngày sabát, ngày thứ Bảy, ngày nghỉ lễ của người Do thái, Chúa Giêsu vào hội đường và ngài gặp một phụ nữ bị còng lưng, không thể đứng thẳng được. Tin mừng nói là bà bị bệnh; đó là một căn bệnh khiến cho bà phải chịu cảnh cúi gầm, không thể đứng thẳng và nhìn lên, từ nhiều năm trời. Thánh sử Luca dùng 5 động từ để nói về những việc Chúa Giêsu làm: Chúa nhìn thấy bà, Chúa gọi bà, nói với bà, “đặt tay trên bà và chữa lành cho bà”.

Ðây là 5 động từ diễn tả sự gần gũi, bởi vì một mục tử luôn luôn gần với dân của mình. Trong dụ ngôn người mục tử nhân lành, người mục tử gần với con chiên lạc, bỏ lại những con chiên khác và đi tìm con chiên lạc. Mục tử không thể xa rời dân của mình.

Trái lại, các giáo sĩ, các thày thông luật, những người biệt phái, Sađusêu, lại sống tách biệt khỏi dân chúng và luôn luôn trách mắng họ. Ðây không phải là những mục tử tốt lành; họ là những người chỉ thu mình trong nhóm của mình và không quan tâm đến dân chúng. Có thể, đối với họ, điều quan trọng là đến cuối các nghi thức phụng vụ, đi xem có bao nhiêu tiền được dâng cúng. Họ không gần với dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu thì ngược lại, sự gần gũi của Ngài với dân chúng xuất phát từ điều ngài cảm thấy trong tim Ngài. Một đoạn Tin mừng khác nói rằng “Chúa Giêsu động lòng thương.”

Do đó, Chúa Giêsu luôn luôn ở với người dân bị loại bỏ hắt hủi bởi một nhóm nhỏ các giáo sĩ: ở đó có những người nghèo, người đau yếu bệnh tật, các tội nhân, những người phong cùi, nhưng tất cả họ ở đó, bởi vì Chúa Giêsu có khả năng động lòng thương trước bệnh tật; Ngài là một mục tử tốt lành. Một mục tử tốt lành đến gần dân và có khả năng thương xót. Ðức tính thứ ba của một mục tử tốt lành là không xấu hổ, dám đụng chạm đến thân xác thương tích, như Chúa Giêsu đã tỏ ra đối với người phụ nữ: Ngài chạm đến bà và đặt tay trên bà, Ngài chạm đến người cùi, Ngài chạm đến người tội lỗi.

Mục tử tốt lành thì không nói “được rồi, tôi gần với anh em trong tinh thần”; đó là sự xa cách. Nhưng mục tử tốt lành thực hiện những điều mà Chúa Cha đã làm, đó là gần gũi, để cảm thông, để thương xót, trong thân xác của chính Con của Ngài.” Chúa Cha, vị Mục tử cao cả, đã dạy chúng ta cách thức trở nên mục tử tốt lành: hạ mình xuống, làm cho mình trở nên không, tự loại bỏ mình, mang lấy thân nô lệ.

Còn những người theo con đường của chủ nghĩa giáo sĩ thì họ gần ai? Họ luôn gần hay tiếp cận với quyền lực hay tiền bạc. Ðó là mục tử xấu. Họ chỉ nghĩ đến việc leo lên nắm quyền cao hơn, nghĩ đến làm bạn với quyền lực và thỏa hiệp với mọi thứ hoặc nghĩ đến túi tiền của họ. Ðây là những kẻ giả hình, có khả năng làm mọi điều. Ðối với họ, dân chúng không quan trọng. Và khi Chúa Giêsu dùng tính từ “giả hình”, nhiều lần, để nói về họ, thì họ phản đối: “nhưng chúng tôi không làm vậy, chúng tôi tuân giữ lề luật.”

Mục tử tốt lành là Chúa Giêsu; Ngài nhìn, Ngài nghe, Ngài nói, Ngài đụng chạm và chữa lành. Ðó chính là Chúa Cha, qua Chúa Con nhập thể làm người, thực hiện những điều này vì lòng thương xót

Ðối với dân Chúa, thật là một ân phúc khi có được những mục tử tốt lành, những mục tử như Chúa Giêsu, những mục tử không xấu hổ khi chạm đến thân thể bị thương tích , những mục tử biết rằng không chỉ họ, mà cả chúng ta, sẽ bị phán xét về điều này: Chúa Giêsu sẽ hỏi: khi Ta đói, khi Ta bị giam tù, khi Ta đau bệnh… Các tiêu chuẩn cuối cùng là tiêu chuẩn gần gũi dân chúng, các tiêu chuẩn gần gũi hoàn toàn, để động chạm, chia sẻ với hoàn cảnh của dân Chúa. Chúng ta đừng quên điều này: mục tử tốt lành luôn đến gần dân chúng, luôn luôn, như Chúa Cha của chúng ta, Ngài đã đến gần chúng ta trong chính Chúa Giêsu, Con của Ngài sinh ra làm người để ở gần và ở cùng chúng ta.

4. Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng.

Ðể làm cho Nước Thiên Chúa được lớn mạnh, chúng ta cần can đảm trở nên hạt cải và nắm men. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 31 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta. Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 13,18-21) Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời giống như hạt cải và nắm men. Cả hai tuy bé nhỏ nhưng lại mang trong mình một sức phát triển lớn mạnh. Nước Thiên Chúa cũng thế, vì sức mạnh của Nước Trời là đến từ bên trong.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong bài đọc trích thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh rằng, những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới, vinh quang đang đợi chờ chúng ta. Luôn có sự căng thẳng giằng co giữa đau khổ và vinh quang. Trong mối giằng co ấy, có lòng mong đợi mặc khải lớn lao về Nước Thiên Chúa. Lòng mong đợi ấy không chỉ dành cho chúng ta mà thôi, còn cho cả các tạo vật nữa. Các tạo vật cùng với chúng ta, đợi trông mặc khải của Con Thiên Chúa. Ðó là sức mạnh nội tại đưa chúng ta tới sự viên mãn trong Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần.

Ðây là hành trình hy vọng. Niềm hy vọng ấy đưa chúng ta tới sự viên mãn, đưa chúng ta thoát khỏi nhà tù, thoát khỏi những giới hạn, thoát khỏi kiếp nô lệ, thoát khỏi những thứ lạm dụng lạm quyền tham nhũng, để đưa chúng ta tới bến bờ vinh quang. Ðó là cuộc hành trình của niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Ðiều ấy Chúa Thánh Thần ban tặng trong cõi lòng chúng ta. Ðiều ấy thật tuyệt vời, thật tự do, thật là vinh quang lớn lao. Chúa Giêsu đã nói: hạt cải quả là bé nhỏ, nhưng có một sức lớn mạnh không thể tưởng tượng được.

Trong chúng ta, trong các loài thụ tạo, có một sức mạnh lớn lao, có một sức sống vĩ đại, đó là Chúa Thánh Thần. Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn mạnh để vươn tới độ hoàn thiện, và đợi chờ chúng ta trong vinh quang. Khi hạt cải được gieo vãi và nắm men được vùi vào đấu bột, dường như chẳng có gì thay đổi, nhưng kỳ thực sức mạnh nội tại vẫn có đó. Ðó là sức mạnh của Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh nội tại, sức mạnh toát ra từ bên trong.

Nước Trời phát triển từ bên trong, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Giáo hội luôn cần can đảm để trở thành hạt cải được gieo vãi, trở thành nắm men vùi trong bột. Tuy nhiên luôn có nỗi sợ khi làm điều ấy. Nhiều lần chúng ta thấy rằng, chúng ta thích một loại mục vụ nắm giữ bảo tồn, chứ không biết để cho Nước Trời phát triển. Nếu cứ nắm giữ như thế, chúng ta vẫn chỉ là chúng ta, vẫn bé nhỏ như thế, chúng ta an toàn… Nhưng khi ấy, Nước Trời không phát triển. Bởi vì, để Nước Trời có thể phát triển, chúng ta phải can đảm gieo hạt, can đảm trộn men với bột.

Thật sự là khi gieo hạt giống, chúng ta chấp nhận mất mát. Khi trộn men vào trong bột, chúng ta chấp nhận bàn tay bị lấm lem. Và như thế, chúng ta luôn cần chấp nhận sự mất mát nào đó, để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên. Khốn cho những ai công bố Nước Trời với ảo tưởng rằng bàn tay không hề bị lấm lem. Những người ấy chỉ giống như người bảo vệ chăm sóc các bảo tàng, chỉ muốn bảo tồn những gì đẹp đẽ, nhưng không có sức mạnh của việc gieo vãi, không có sức mạnh của việc đi ra, không có sức sống, không có sức phát triển. Còn sứ điệp của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô luôn có sức giằng co, để kéo chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, để dẫn chúng ta đến sự viên mãn trong vinh quang. Niềm hy vọng ấy là hành trình tiến bước, tiến bước trong hy vọng, không thoái lui. Niềm hy vọng ấy quá bé nhỏ, rất bé nhỏ, tựa hạt cải, tựa nắm men.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Hy vọng là “nhân đức khiêm tốn nhất, nhỏ bé nhất”, nhưng nơi nào có hy vọng, nơi ấy có Chúa Thánh Thần. Ở nơi đó, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới Nước Trời. Hôm nay chúng ta tự hỏi lòng mình về niềm hy vọng. Hãy ở lại trong niềm hy vọng ấy, hãy ở lại trong nội tâm mình và thân thưa với Chúa Thánh Thần.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …