1. Không thể sống đời sống Kitô hữu nếu không ghi nhớ ký ức, không hy vọng và không can đảm
Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi sự hèn nhát, khỏi sự sợ hãi. Chúng ta đừng quên những điều ấy. Chúng ta đã hãy sống với đầy hy vọng, can đảm và kiên nhẫn. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Sáu 27 tháng Giêng tại nhà nguyện Marta.
Bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái nói: “Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những ngày trước”: những ngày đầy lòng nhiệt thành, những ngày tiến tới trong đức tin, những ngày vừa bắt đầu sống đức tin, những ngày phải đương đầu với bao đau khổ lớn lao… Anh em không thể hiểu đời sống Kitô hữu mà không ghi nhớ ký ức. Anh em cũng không thể hiểu đời sống thiêng liêng nếu không ghi nhớ ký ức. Anh em không thể sống đời sống Kitô hữu nếu không ghi nhớ ký ức.
Đó là ký ức về ơn cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc sống của bản thân mình. Giữa những chao đảo của cuộc sống, Chúa đã cứu từng người chúng ta. Ký ức ấy là ơn Chúa ban cho ta và là ơn để ta nguyện xin cùng Chúa. Chúng ta thưa lên: “Lạy Chúa, xin đừng quên dấu ấn của Ngài trong đời con; con sẽ không quên những giây phút sáng tươi cũng như khi tăm tối, những niềm vui và những thập giá”. Các Kitô hữu là những người luôn khắc ghi ký ức trong tâm khảm.
Với niềm hy vọng, chúng ta nhìn tới tương lai. Anh chị em không thể là Kitô hữu nếu anh chị em không ghi khắc ký ức, cũng thế anh chị em không thể sống đời Kitô hữu nếu anh chị em không nhìn tới tương lai trong niềm hy vọng được gặp gỡ Chúa. Chúa có thể nói: “Một ít lâu nữa…” Ồ, sự sống tựa hơi thở phải không? Đổi thay. Khi một người còn trẻ, người ấy nghĩ rằng vẫn còn nhiều thời giờ phía trước, nhưng cuộc sống dạy cho chúng ta rằng thời gian đang trôi đi. Chẳng bao lâu nữa, tôi hy vọng gặp sẽ Ngài. Cuộc sống luôn có những giằng co đong đầy giữa ký ức và hy vọng, giữa quá khứ và tương lai.
Đừng có tâm hồn co cụm chật hẹp… Có những điều răn dành cho mọi người. Điều ấy là phải, nhưng đừng để cho các điều răn ấy bóp nghẹt anh chị em. Vì nếu không cẩn thận, các điều luật sẽ lấy mất khỏi anh chị em những ơn phúc và hy vọng. Anh chị em đừng lãng quên biết bao ơn lành đã lãnh nhận. Hãy ghi khắc vào tâm can và bước đi với niềm hy vọng.
Cái hiện tại của người Kitô hữu tựa như một người đi trên đường và gặp cơn mưa bất chợt. Vì người ấy không đem theo áo đủ tốt, nên khi bị mưa làm cho ướt, người ấy co rúm lại… Và có những tâm hồn co rúm co cụm như thế… Đó là sự nhát đảm. Sự nhát đảm ấy làm cho chúng ta mất ký ức, mất hy vọng, mất đi lòng dũng cảm. Còn Thiên Chúa, Ngài tăng sức cho chúng ta mỗi ngày, để giúp chúng ta có một ký ức sống động, một niềm hy vọng lớn mạnh. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự nhu nhược nhát đảm, khỏi nỗi sợ hãi, khỏi sự co cụm của một tâm hồn chỉ lo tự vệ. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất.”
2. Câu chuyện “Hướng Về Nagasaki”
Nagasaki là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với hàng trăm ngàn sinh linh vào nămm1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1597, 26 vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về thành phố Nagasaki. Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những người thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxico. Họ thuộc loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người giúp việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một đức tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội.
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữa. Nhưng sau khi đã thiết lập được vài công đoạn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín hữu sinh sống quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà 26 vị tử đạo đã anh dũng tuyên xưng.
Vào năm 1617, 26 vị này được phong á thánh và cuối cùng được tôn phong hiển thánh vào năm 1862.
“Bản án tử hình của chúng tôi có ghi rằng những người bị hành quyết này đã đến từ Phi Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật chính tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng như vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao truyền danh Ngài. Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn nói với các bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn được hạnh phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không oán ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất cả các bạn và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt mưa giúp phát sinh nhiều hoa trái”.
Ðó là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô Miki, người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị tử đạo tại Nhật.
Ngày nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số khiêm nhường, nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được hưởng tự do hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và niềm tin Thánh Phaolô Miki đã rao giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần.
Ước gì sự xác tin, lòng can đảm va sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp tục sống mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta.
3. Này con đây
Lịch sử cứu độ chính là câu chuyện về lời thưa “Này con đây!”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 24 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta
Theo bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái, khi đến thế gian, Chúa Kitô nói: “Lạy Cha, của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Ngài không muốn. Thì này con đây, con đến để thi hành thánh ý Cha”. Lịch sử cứu độ chính là câu chuyện về lời thưa “Này con đây!”. Sau khi Adam lẩn trốn vì sợ hãi Thiên Chúa, Chúa đã bắt đầu gọi mời và lắng nghe những lời đáp lại “Này con đây! Con sẵn lòng. Con sẵn sàng.” Những lời ấy được vang lên trong dòng lịch sử qua lời thưa của Abraham, của Mose, Elia, Isaia, Gieremia, cho tới lời thưa xin vâng tuyệt hảo của Mẹ Maria, và chóp đỉnh là lời thưa xin vâng của chính Chúa Giêsu. Lịch sử của lời thưa “Này con đây!” không phải theo kiểu tự động, bởi vì Thiên Chúa ngỏ lời với những ai Ngài mời gọi.
Thiên Chúa luôn luôn đối thoại với những ai mà Ngài ngỏ lời trên con đường này, con đường của tiếng thưa “Này con đây!”. Thiên Chúa hết sức kiên nhẫn. Khi đọc sách ông Gióp, chúng ta thấy tất cả những lời than vãn, những điều không hiểu, những phản ứng, và Chúa đã nói với ông, Chúa sửa đổi tâm hồn ông… và cuối cùng, ông thú nhận: “Vâng. Lạy Chúa, Chúa thật phải lẽ. Lâu nay con chỉ biết Chúa dựa vào những tiếng đồn thổi. Giờ đây mắt con đã nhìn thấy Ngài”. Đó là lời thưa xin vâng, và đời sống Kitô hữu là thế, là thân thưa: Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa. Hết lần này đến lần khác… Thật là tuyệt khi đọc Kinh Thánh, vì ở đó chúng ta tìm thấy những lời thân thưa của dân đối với Chúa, đó là những câu trả lời và điều ấy quá đẹp: “Này con đây, con đến để làm theo ý Ngài”.
Làm thế nào để tôi có thể thưa lên lời xin vâng “Này con đây!” đối với Thiên Chúa? Có lẽ tôi giống như Adam, tức là chạy trốn, ẩn núp và không đáp lại. Hoặc là khi Chúa gọi tôi, thay vì thưa lên “Này con đây!” thì tôi lại nói “Chúa muốn gì ở con chứ?”. Hoặc là tôi trốn chạy giống như Giona, ông không muốn làm điều Chúa nói với ông. Hoặc là tôi chỉ giả bộ làm theo ý Chúa, tức là chỉ sống kiểu bề ngoài thôi, giống như các kinh sư và luật sĩ, và Chúa Giêsu đã mắng cho những người như thế là kẻ đạo đức giả. Hoặc là chúng ta sống kiểu ““chọn đường khác mà đi” giống như các thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện người Samari nhân hậu. Vì thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện ấy đã bỏ mặc nạn nhân nửa sống nửa chết trên đường, và tránh qua một bên mà đi. Chúng ta đáp lại Thiên Chúa trong cách thức nào?
Thiên Chúa thích nói chuyện với chúng ta. Một số người nói với tôi rằng: “Nhưng thưa Cha, nhiều lần khi con đi cầu nguyện, con tức giận với Chúa…” Tôi đáp lại: Đúng thế, nhưng hãy cứ tiếp tục cầu nguyện! Thiên Chúa thích những điều ấy, ngay cả khi bạn giận Ngài, và Ngài sẽ nói về những gì mà bạn đang cảm nhận, được diễn tả trên gương mặt bạn. Ngài yêu mến bạn bởi vì Ngài là Người Cha. Còn bạn, bạn sẽ thân thưa “Này con đây!” Hay là bạn ẩn núp? Hoặc là chạy trốn? Hoặc là sống giả vờ? Hoặc là chọn con đường khác? Mỗi người chúng ta có thể tự đưa ra câu trả lời. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thương ban ân sủng để chúng ta tìm thấy lời đáp của chính mình.
4. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha
Chúa Kitô là vị tư tế tuyệt vời vì Người là Đấng đã dâng hiến một lần cho tất cả để tha thứ tội lỗi chúng ta, bây giờ Người đang chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, và Người sẽ trở lại để đưa chúng ta về với Chúa Cha. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Hai 23 tháng Giêng tại nhà nguyện Marta.
Chức vụ tư tế của Chúa Kitô có ba giai đoạn. Trước hết là cứu chuộc. Các tư tế của Cựu Ước thì hiến dâng mỗi năm một lần, còn Chúa Kitô thì hiến dâng một lần cho tất cả để chúng ta được tha tội. Người dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha. Người tái lập vẻ đẹp hài hòa của công trình sáng tạo. Giai đoạn thứ hai là hiện nay, Người cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta đang cầu nguyện ở đây, và Người cầu thay nguyện giúp cho mỗi người chúng ta trước mặt Chúa Cha. Đã bao lần chúng ta xin các linh mục cầu nguyện, vì chúng ta biết rằng, lời cầu nguyện của các linh mục có một sức mạnh nào đó, sức mạnh ấy chính là lễ hy sinh của Chúa Kitô trong thánh lễ. Giai đoạn thứ ba là Chúa Kitô sẽ trở lại để đưa chúng ta về với Chúa Cha.
Đức Kitô tha thứ tội lỗi cho chúng ta, cho từng người, không phải chỉ một lần nhưng là luôn mãi. Hiện giờ Người đang cầu nguyện cho chúng ta, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi Người trở lại, bởi vì “tội phạm đến Chúa Thánh Thần” thì không được tha. Thật khó chịu khi nghe Chúa Giêsu nói những điều này, nhưng điều Chúa nói là sự thật. Chúng ta nghe lại lời Chúa nói: “Quả thật, ta bảo cho các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần thì sẽ không bao giờ được tha” (Mc 3:28.29).
Ngay cả Chúa Giêsu là vị Thượng Tế mà cũng đã được sức dầu. Vậy lần sức dầu đầu tiên ấy là khi nào? Đó là khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Trinh nữ Maria. Còn về việc nói phạm đến Chúa Thánh Thần thì là việc gì? Đó là nói phạm đến tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ và sáng tạo. Nếu thế, chẳng lẽ Thiên Chúa không tha thứ cho kẻ xấu hay sao? Không phải thế! Thiên Chúa tha thứ tất cả! Nhưng những người nói phạm đến Thánh Thần là người không muốn được thứ tha, họ đóng cửa lòng trước ơn tha thứ. Những người ấy thật là tệ hại, vì họ phủ nhận Đức Kitô vị Thượng Tế được Chúa Thánh Thần sức dầu để ban ơn tha thứ cho mọi người.
Hôm nay, trong thánh lễ này, thật là tốt để chúng ta nghĩ rằng, ở đây trên bàn thờ này có một ký ức sống động, bởi vì chính Chúa Giêsu đang hiện diện, Đấng đã dâng hiến chính Mình Người cho chúng ta, Đấng đang chuyển cầu cho chúng ta trước Chúa Cha, Đấng sẽ trở lại trong vinh quang. Thánh lễ hôm nay chúng ta nghĩ về những điều thật đẹp. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để tâm hồn chúng ta không bao giờ khép lại – không bao giờ đóng lại! Lòng quảng đại của Thiên Chúa thật tuyệt vời!
Nguồn Vietcatholic News