Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 03 – 09/05/2017: Câu chuyện phép lạ của Thánh Piô tại Rumani

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 03 – 09/05/2017: Câu chuyện phép lạ của Thánh Piô tại Rumani

1. Cuộc sống hiền lành và phục vụ

Trong Giáo Hội có những người sống cứng nhắc để che đậy tội lỗi của họ. Chúng ta đừng sống hai mặt như thế, nhưng hãy sống hiền lành và phục vụ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu ngày mùng 5 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Có những người sống rất khuôn phép luật lệ và cứng nhắc, nhưng lại không thành thực với chính mình. Chúa Giêsu lên án gay gắt những người như thế, vì họ sống giả hình. Có những người sống cứng nhắc và đồng thời sống hai mặt: bề ngoài mà mọi người nhìn thấy thì đẹp đẽ, nhưng khi không ai thấy, thì họ lại làm những điều xấu xa. Cũng có nhiều bạn trẻ bị cuốn vào vòng cám dỗ của lối sống như thế.

Có những người sống cứng nhắc để che giấu khuyết điểm tội lỗi, che giấu nhân cách rối loạn của mình, và để khẳng định bản thân là hơn người. Trường hợp của Saolô thì khác. Saolô là chàng thanh niên cứng nhắc nhưng rất chân thành tốt lành. Anh không thể chịu đựng được những gì mà anh cho là dị giáo. Thậm chí, anh còn ra tay đi bắt bớ các Kitô hữu. Khi đang trên đường Đamas hướng về Giêrusalem, anh Saolô ngã ngựa và gặp được tiếng nói nhẹ nhàng: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”.

Saolô là chàng thanh niên cứng nhắc nhưng không giả hình, mà rất trung thực. Chúa đã gọi anh, đã dẫn dắt anh. Sức mạnh dịu hiền của Chúa biến đổi anh. Để rồi, Saolô biến đổi thành Phaolô: người công bố Tin Mừng của Chúa và sẵn lòng chịu biết bao đau khổ vì Danh Chúa.

Từ kinh nghiệm của bản thân, thánh Phaolô đã rao giảng cho người khác, hết người này đến người kia. Cũng có nhiều vấn đề trong Giáo Hội và chính ngài phải chịu đau khổ nhiều để có thể giúp các tín hữu trong giáo đoàn biết đồng lòng với nhau. Ngài nói với các tín hữu: Anh em đã rời xa Chúa vì anh em phạm tội trong tinh thần và nơi thân xác anh em, giờ đây anh em hãy nên hoàn thiện, hãy ca tụng Thiên Chúa.

Nơi Thánh Phaolô, có cuộc gặp gỡ giữa một bên là sự cứng nhắc và bên kia là sự dịu hiền. Có cuộc đối thoại thực sự giữa một bên là người đàn ông chân thành và bên kia là Chúa Giêsu hiền lành. Đối với một số người, cuộc đời của Phaolô kể như là thất bại; những người ấy cũng từng nghĩ cuộc đời của Chúa Giêsu là thất bại. Thế nhưng, con đường của Kitô giáo là con đường hiền lành của Chúa Giêsu, là con đường rao giảng, con đường sống chứng nhân, con đường có đầy dấu vết của thập giá, con đường của sự phục sinh.

Hôm nay chúng ta hãy khẩn cầu thánh Phaolô một cách đặc biệt, để cầu nguyện cho những người cứng nhắc trong Giáo Hội. Cầu nguyện cho những người cứng nhắc và thành thực như thánh nhân từng sống thời chưa hoán cải. Đó là những người nhiệt thành nhưng lại làm sai. Cầu nguyện cho những người cứng nhắc và giả hình, vì họ nói mà không làm. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người ấy.

2. Câu chuyện phép lạ của Thánh Piô tại Rumani

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cha Thánh Piô thành Pietrelcina, thường được gọi cách thân thương là Cha Piô Năm Dấu Thánh. Ngài sinh ngày 25 tháng Năm năm 1887 và qua đời ngày 23 tháng Chín năm 1968. Khi còn sinh tiền, vị linh mục dòng Anh Em Hèn Mọn này được hai ơn lạ là ơn có Năm Dấu Thánh trên người; và có thể xuất hiện trong cùng một lúc tại hai địa điểm khác nhau.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước cho ngài ngày 2 tháng Năm năm 1999. Chỉ ba năm sau, cụ thể là vào ngày 16 tháng Sáu năm 2002, vị Giáo Hoàng Ba Lan đã tuyên thánh cho ngài. Tiến trình tuyên thánh cho ngài nhanh như vậy vì thánh nhân nổi tiếng làm nhiều phép lạ không chỉ tại Italia mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Một trong những phép lạ ngoạn mục vừa được thông tấn xã Aleteia loan tải là một phép lạ tại Rumani đã khiến cho cả một làng Chính Thống Giáo trở lại Công Giáo.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cha Victor Tudor, nguyên là linh mục Chính Thống coi sóc giáo xứ Chính Thống Giáo tại làng Pesceana. Năm 2002, bà Lucrecia, mẹ của cha Victor, được chẩn đoán là bị ung thư phổi và đã sang giai đoạn di căn. Các bác sĩ báo cho bà biết là bà chỉ còn sống được vài tháng. Mariano, một người anh của cha Victor là một họa sĩ chuyên vẽ các bức ảnh trong các nhà thờ, lúc ấy đang sống ở Rôma, đã đưa mẹ ông đến Rôma để được một bác sĩ người Italia chữa trị. Vị bác sĩ này nói là ông chỉ có thể cho bà các thứ thuốc để làm giàm cơn đau đớn trong khi chờ chết.

Bà Lucretia đã ở Rôma một thời gian với con của mình để tiện cho việc khám bệnh. Khi Mariano đi đến các nhà thờ Công Giáo để thực hiện các bức tranh khảm theo kiểu mosaic, bà Lucretia cũng đi theo. Trong khi Mariano làm việc thì bà Lucretia ngắm nhà thờ và các hình ảnh bên trong nhà thờ. Có một bức tượng nằm ở góc nhà thờ thu hút sự chú ý của bà. Ðó là tượng cha thánh Piô. Mariano đã kể cho mẹ mình nghe về tiểu sử của vị thánh thành Pietrelcina và trong những ngày tiếp sau đó, Mariano thấy mẹ mình đi đến ngồi trước bức tượng và trò chuyện như đang nói với một người. Hai tuần sau, bà mẹ và người con trở lại bệnh viện để làm xét nghiệm mới và họ đã vô cùng ngạc nhiên, vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đã hoàn toàn biến mất. Bà Lucretia, một tín hữu Chính thống giáo, đã cầu xin sự can thiệp của cha Pio và ngài đã đáp lời bà.

Cha Victor đã làm chứng: “Mẹ tôi, một tín hữu Chính thống giáo, được chữa lành cách mầu nhiệm bởi cha Piô, đã đánh động tôi”. Cho đến khi biết mẹ mình được lành bệnh, cha Victor chưa được biết về cuộc đời của cha Pio, nhưng từ lúc đó, cha bắt đầu ngưỡng mộ và yêu mến vị thánh thật nhiều. Cha đã kể lại cho các giáo dân của mình về phép lạ đã xảy ra với mẹ mình. Cha nói: “Mọi người đều biết mẹ của tôi, họ đều biết là bà đã sang Italia để dự định phẫu thuật và bây giờ bà trở về nhà và được lành bệnh mà không có bác sĩ nào đã phẫu thuật cho bà.”

Phép lạ không chỉ thay đổi cuộc đời của cha Victor Tudor, nhưng cả cộng đoàn giáo xứ. Họ bắt đầu biết đến cha Piô và ngày càng yêu mến cha nhiều hơn. Họ đọc tất cả những gì họ tìm thấy về cha và sự thánh thiện của cha đã chinh phục họ. Nhiều bệnh nhân khác của giáo xứ cũng nhận được ơn lạ thường nhờ lời cầu bầu của Cha Piô. Do đó, gần 350 giáo dân Chính thống giáo cùng với cha xứ của họ đã quyết định trở lại Công Giáo.

Cố nhiên, việc trở lại Công Giáo của họ trong một đất nước đa số dân theo Chính thống giáo, là một chuyện cam go. Trước hết, họ không thể sử dụng nhà thờ cũ là tài sản của Giáo Hội Chính Thống. Tuy nhiên, các tín hữu Công Giáo tân tòng này không những không bị nản chí. Những người dân nghèo này đã gom góp xây dựng được một nhà thờ dâng kính cha Piô. Câu chuyện trở lại của họ làm nhiều người xúc động. Thật thế, trong suốt thời gian xây cất nhà thờ mới, cộng đoàn không có nhà thờ nên phải cử hành thánh lễ ngoài trời giữa trời giá lạnh.

Ngày nay nhà thờ đã thành hiện thực và đối với cha Victor, đó là một phép lạ khác.

3. Lắng nghe khát vọng trong trái tim con người

Giáo Hội không ngồi lỳ một chỗ, mà đứng lên và tiến bước. Giáo Hội đang lắng nghe những thao thức của dân Chúa và luôn sống trong mừng vui. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm mùng 4 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: “Hãy chỗi dậy, đi về hướng nam…” Lời này rất quan trọng. Đây là dấu chỉ của việc loan báo Tin Mừng. Ơn gọi và niềm an ủi lớn lao của Giáo Hội chính là việc loan báo Tin Mừng.

Để loan báo Tin Mừng, cần chỗi dậy, cần đứng lên mà đi… Thiên thần không nói là: cứ ngồi đó, cứ bình chân như vại, cứ ở trong nhà của bạn. Không! Không phải thế. Giáo Hội luôn trung thành với Chúa và biết đứng dậy để tiến bước. Một Giáo Hội không trỗi dậy, không đứng lên, không biết tiến bước, thì Giáo Hội ấy đang bị bệnh. Thế nên, hãy khép lại thế giới hạn hẹp của điều này điều nọ. Hãy đóng lại loại thế giới hẹp hòi không còn những chân trời. Hãy trỗi dậy, đứng lên mà tiến bước. Đó là điều cần cho Giáo Hội, một Giáo Hội biết lên đường loan báo Tin Mừng.

Tiếp tục bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ, Thần Khí thôi thúc ông Philipphê: “Hãy tiến lên và đuổi kịp xe đó!” Trên chiếc xe ấy, có viên quan thái giám người Ethiopia. Ông làm tổng quản công khố của nữ hoàng. Ông đang đọc sách ngôn sứ Isaia mà không hiểu. Sau cuộc trò chuyện giữa ông và tông đồ Philipphe, viên quan đã xin nhận Phép Rửa. Đó là một phép lạ vĩ đại. Điều quan trọng là làm thế nào Giáo Hội có thể lắng nghe những thao thức nơi trái tim con người.

Mọi người nam nữ đều có những thao thức trong cõi lòng mình, dù là tốt hay xấu, nhưng đó là những thao thức, những bồn chồn lo lắng. Hãy lắng nghe những thao thức ấy! Thần Khí đã không nói với Philipphe rằng: hãy đi và cải đạo ông ấy. Không. Thần Khí nói: hãy đi và lắng nghe. Như thế, bước đầu tiên là hãy trỗi dậy mà đi, bước thứ hai là lắng nghe. Lắng nghe là có khả năng cảm thấy những gì đang diễn ra trong tâm hồn con người. Nhưng những điều đang diễn ra ấy cũng có thể là sai trái. Đúng thế, và tôi muốn lắng nghe cả những điều sai trái ấy, để có thể hiểu được đâu là điều người ta âu lo, đâu là điều người ta thao thức. Mỗi người chúng ta đều có những thao thức nằm sâu trong tâm hồn. Và Giáo Hội cần nhận thấy cần nghe thấy những thao thức của con người.

Trong khi viên quan lắng nghe tông đồ Philipphê, Chúa đã hoạt động trong trái tim ông. Dần dần, viên quan hiểu được rằng tiên tri Isaia nói về Chúa Giêsu. Sau đó, ông đã nhận Phép Rửa và lòng tràn ngập niềm vui. Đó là niềm vui của người tín hữa.

Giáo Hội là Mẹ đã sinh ra nhiều con cái là các tín hữu trong cùng cách thức ấy. Đó không phải là cách thức tuyên truyền, nhưng là con đường sống chứng nhân. Hôm nay, Giáo Hội nói với chúng ta rằng: “Mừng vui lên!” Vui lên. Vui lên đi. Niềm vui của người Kitô hữu là niềm vui ngay cả trong những lúc đen tối. Sau thánh Stephano bị ném đá, tiếp tục có nhiều Kitô hữu bị bách hại ở khắp nơi. Các ngài giống như những hạt giống được gió mang đi và gieo rắc khắp chốn. Các ngài đã rao giảng Lời Chúa bằng chính cuộc sống chứng tá như thế. Nguyện xin Chúa ban ân sủng cho mỗi người chúng ta để Giáo Hội luôn biết đứng lên đi ra, biết lắng nghe khát vọng của con người, và luôn sống trong niềm vui của người Kitô.

4. Chúa có thể làm mềm những con tim chai đá

Những trái tim chai cứng chỉ biết lên án tất cả những gì nằm ngoài luật lệ. Nhưng Chúa sẽ làm mềm những trái tim ấy. Sự dịu hiền của Thiên Chúa có thể lấy đi trái tim chai đá, và thay thế những con tim khô cứng ấy bằng những trái tim biết yêu thương. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba mùng 2 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta

Trong Thánh Vịnh 94, Chúa cảnh báo một thực tế phũ phàng là: người dân rất cứng lòng. Sau đó ngôn sứ Ezekiel loan báo lời hứa vĩ đại. Đó là Thiên Chúa sẽ biến đổi lòng người. Ngài sẽ lấy đi những trái tim bằng đá, và thay vào đó là trái tim bằng thịt, trái tim biết lắng nghe, trái tim trở nên chứng nhân cho đời vâng phục.

Thật là buồn khi trong Giáo Hội có những con tim chai đá, những trái tim bằng đá, những trái tim khép kín và không muốn mở ra, những trái tim chỉ biết đến thứ ngôn ngữ của lên án trách móc. Họ không hỏi những điều như: “Xin vui lòng cho tôi biết, tại sao bạn nói điều này? Tại sao điều kia? Vui lòng nói cho tôi…” Không. Họ không nói như thế, không hỏi như thế. Họ khép kín tâm hồn. Họ tỏ ra là biết mọi sự. Họ không cần một lời giải thích nào.

Trước sự cứng lòng của dân chúng, Chúa Giêsu nhắc lại những gì mà cha ông họ đã đối xử với các ngôn sứ, đó là việc giết hại các ngôn sứ. Và khi một tâm hồn khép kín, thì Chúa Thánh Thần không thể ngự vào. Nơi những trái tim chai đá, không có chỗ cho Chúa Thánh Thần ở.

Thế nhưng, bài trích sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho chúng ta thấy, thánh Stephanô được đầy Thánh Thần. Nhờ đó thánh nhân hiểu được mọi sự, và trở thành chứng nhân, sống vâng phục Đấng là Ngôi Lời trở thành người phàm. Điều tuyệt vời ấy chính Chúa Thánh Thần đã làm. Đó là sự thật đầy tràn viên mãn và đó là một trái tim sung mãn. Trái lại, những trái tim ngang bướng không để cho Chúa Thánh Thần ngự vào, thì lúc nào cũng cảm thấy thiếu vắng.

Hai môn đệ trên đường Emmau cũng như chúng ta ngày nay, với nhiều nghi ngờ, với nhiều tội lỗi, thường khi chúng ta muốn rời xa con đường Thập giá. Chúng ta cần được Chúa Giêsu đồng hành nâng đỡ, để Ngài có thể sưởi ấm tâm hồn chúng ta.

Hôm nay chúng ta hãy ngắm nhìn sự hiền từ của Chúa Giêsu, Đấng là chứng nhân cho đức vâng phục. Người là Chứng Nhân Vĩ Đại, là Đấng đã trao hiến mạng sống, để giúp chúng ta thấy sự hiền từ của Thiên Chúa trước những tội lỗi yếu đuối của chúng ta. Nguyện xin ân sủng của Chúa làm mềm dịu những trái tim cứng nhắc của những người bị đóng khung trong lề luật. Họ lên án tất cả những gì nằm ngoài lề luật. Bởi vì họ không biết đến Ngôi Lời đã trở nên người phàm, Đấng là chứng nhân cho đời vâng phục. Bởi lẽ họ chưa biết rằng, sự hiền từ của Thiên Chúa có thể biến đổi trái tim bằng đá, trở thành trái tim biết yêu thương.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …