Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 02– 08/06/2016: Câu Chuyện Muôn Vàn Phép Lạ

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 02– 08/06/2016: Câu Chuyện Muôn Vàn Phép Lạ

1. Phục vụ và gặp gỡ

Nếu chúng ta biết học cách phục vụ và biết đi đến gặp gỡ tha nhân, thế giới của chúng ta sẽ được biến đổi. Đây là nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài kết thúc bài giảng trong thánh lễ sáng thứ Ba, 31.05, tại nguyện đường Thánh Marta. Bởi vì hôm nay là ngày cuối cùng trong tháng kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã chia sẻ những suy tư của ngài về Mẹ Maria.

Mẹ là một phụ nữ can đảm, có khả năng đến với người khác, đôi tay lúc nào cũng rộng mở để giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc. Và trên hết, Mẹ là một người của niềm vui, niềm vui tràn gập tâm hồn, mang lại cho cuộc đời một ý nghĩa và một hướng đi mới.

Niềm vui và gương mặt nhăn nhó

Tất cả những điểm chia sẻ trong bài giảng đều được Đức Thánh Cha rút ra từ đoạn Phúc Âm, thuật lại cuộc thăm viếng của Mẹ Maria dành cho bà Ê-li-sa-bét. Đức Thánh Cha nói: “Bài Phúc Âm cùng với bài đọc một trích sách Xô-phô-ni-a và bài đọc hai trích thư Roma đã tạo nên một buổi phụng vụ chan chứa niềm vui mừng, ùa đến như một làn gió mới mẻ tràn ngập cuộc đời chúng ta.

Nhưng sẽ chẳng có gì xấu bằng những Kitô hữu với gương mặt nhăn nhó, buồn phiền. Thật là xấu lắm! Họ không phải là những Kitô hữu đúng nghĩa. Họ tưởng mình là Kitô hữu nhưng thật sự không phải là một Kitô hữu tròn đầy. Đây là một thông điệp cho chúng ta. Và trong bầu không khí vui mừng mà phụng vụ ngày hôm nay trao cho chúng ta như một món quà, tôi muốn nhấn mạnh đến hai điểm. Điểm thứ nhất là thái độ và điểm thứ hai là hành động. Thái độ chính là thái độ phục vụ.

Những phụ nữ can trường trong Giáo Hội

Mẹ Maria sẵn sàng phục vụ mà không có chút do dự. Thật vậy, Tin Mừng thuật lại rằng Mẹ đã lên đường, vội vã đi đến miền núi cho dù Mẹ đang mang thai, và trên hành trình ấy có khả năng sẽ bị rơi vào tay bọn cướp. Lúc ấy, Mẹ mới chỉ là cô gái 16, 17 tuổi đầu chứ không hơn, nhưng Mẹ lại hết sức can trường. Mẹ lên đường và vội vã đi không hề chần chừ hay biện lý do.

Lòng can đảm của người phụ nữ. Trong Giáo Hội, có những phụ nữ can trường giống như Mẹ Maria. Những người nữ này đã làm cho gia đình mình triển trở, đã giáo dục con cái thật tốt, đã sẵn sàng đương đầu với bao khó khăn, thử thách; đã chăm sóc biết bao bệnh nhân… Họ can đảm đứng dậy và phục vụ. Phục vụ là một dấu chỉ Kitô giáo. Ai không sống để phục vụ sẽ không phục vụ để mà sống. Phục vụ trong vui tươi chính là thái độ hay cung cách sống mà tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em ngày hôm nay. Có niềm vui và cũng có phục vụ. Luôn luôn phục vụ.

Sự gặp gỡ là một dấu chỉ Kitô giáo

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ là sự gặp gỡ giữa Mẹ Maria và người chị họ. Hai người phụ nữ này gặp gỡ nhau và họ đã gặp nhau trong niềm vui. Thời khắc đó chính là thời khắc vui mừng của ngày lễ hội. Nếu chúng ta biết học lấy điều này: phục vụ và đến gặp gỡ tha nhân; thế giới của chúng ta sẽ được biến đổi.

Sự gặp gỡ chính là một dấu chỉ khác của người Kitô hữu. Ai nói mình là Kitô hữu nhưng lại không có khả năng ra đi gặp gỡ tha nhân thì hoàn toàn không phải là Kitô hữu. Cả việc phục vụ lẫn sự gặp gỡ đều đòi hỏi người ta phải đi ra khỏi chính mình: đi ra để phục vụ và đi ra để gặp gỡ, để ôm chầm lấy tha nhân.

Ngang qua sự phục vụ của Mẹ Maria và cuộc gặp gỡ giữa Mẹ với người chị họ, Thiên Chúa đã làm mới lại lời đoan hứa của mình. Lời đoan hứa ấy đang xảy ra, và xảy ra ngay trong những giây phút hiện tại này. Như chúng ta đã nghe trong bài đọc một: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đang ngự giữa ngươi’. Đức Chúa đang ngự giữa chúng ta trong sự phục vụ và trong những cuộc gặp gỡ.”

Ý nghĩa các mối phúc trong đời sống Kito hữu

Sống và thực hành các Mối Phúc, giống như ‘kim chỉ nam’ hướng dẫn người Kitô hữu biết bước đi đúng đường trong hành trình cuộc sống. Đây là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai, 06.06, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng cảnh giác đừng để mình bị trượt dài trên ba nấc thang dẫn đến sự diệt vọng: Kitô hữu chống luật, tôn thờ ngẫu tượng tiền tài, sự phù phiếm và cái tôi ích kỷ.

Để không bị lạc đường trên hành trình đức tin, các Kitô hữu phải có một người chỉ đường vững chắc. Đó chính là các Mối Phúc Thật. Khi lãng quên các Mối Phúc, người ta sẽ lạc lối và trượt dài trên ba nấc thang tôn thờ của cái tôi ích kỷ, tiền tài, và những thứ phù phiếm. Khi con tim tràn gập những điều này, nó bắt đầu cảm thấy thỏa mãn, hả hê và lãng quên những điều quan trọng khác.

Những hoa tiêu trong đời sống Kitô hữu

Đức Giêsu chỉ ra một danh sách dựa trên những suy tư từ bài Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu, tường thuật lại việc Đức Giêsu trình bày cho dân chúng một bài giảng rất nổi tiếng, được gọi là Bài Giảng Trên Núi. Đức Giêsu giảng dạy một lề luật mới, nhưng không hề hủy bỏ luật cũ mà là kiện toàn, mang lề luật đến chỗ tròn đầy.

Đây là lề luật mới, được chúng ta gọi là ‘Các Mối Phúc Thật’. Đây là luật mới Thiên Chúa dành cho chúng ta. Các Mối Phúc như là hướng dẫn viên trên đường, là những hoa tiêu trong đời sống của Kitô hữu. Chính nhờ sự hướng dẫn của những hoa tiêu này, chúng ta có thể tiến lên phía trước trong đời sống Kitô hữu.

Ba nấc thang dẫn đến diệt vong

Ngang qua các Mối Phúc Thật, dường như thánh sử Mát-thêu muốn nói về bốn điều khốn: khốn cho ai giàu có, khốn cho những ai no đầy, khốn cho ai vui cười, khốn cho những ai nói mình là công chính. Tôi đã chia sẻ với anh chị em nhiều lần rằng giầu có là tốt, nhưng quá bám víu vào sự giàu có lại là điều xấu, biến chúng ta thành những kẻ tôn thờ ngẫu tượng.

Đó là những người chống lại lề luật, là những hoa tiêu sai lầm, là ba nấc thang dẫn đến diệt vong. Trái lại, các Mối Phúc Thật là những nấc thang dẫn chúng ta không ngừng tiến lên trong cuộc sống. Những nấc thang dẫn đến diệt vong chính là sự bám víu vào tiền của, vì một khi quá quyến luyến với tiền của, người ta không còn cần điều gì khác nữa. Đó là nấc thang của sự phù phiếm: muốn người khác nói tốt về tôi, tôi thấy mình quan trọng, thật vinh quang, ngạo nghễ… Tôi tin là mình công chính, chứ không tội lỗi như người này, người kia… Chúng ta nhớ lại câu chuyện về người Pha-ri-sêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Người Pha-ri-sêu ngẩng cao đầu nói: ‘Tạ ơn Chúa vì con không giống như tên thu thuế tội lỗi kia…’ Cũng một cách thức ấy, có thể ta cũng đã thưa với Chúa: ‘Cám ơn Chúa, con là một người Công Giáo tốt lành. Con không giống như người này, người nọ. Con không giống như những tên hàng xóm của con…’ Cuối cùng, đằng sau sự phù phiếm hư danh là nấc thang thứ ba: sự tự kiêu, ngạo mạn; cảm thấy no đầy thỏa mãn với chình mình nên đóng chặt con tim và không hề biết mở lòng ra.

Chìa khóa hệ tại ở sự hiền lành

Trong số các Mối Phúc Thật, tôi xin chọn ra một. Tôi không nói Mối Phúc này là chìa khóa cho tất cả nhưng nó giúp cho chúng ta suy tư nhiều: Phúc cho ai hiền lành. Chính Đức Giêsu cũng nói: ‘Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.’ Hiền lành là một cách thức hiện hữu mang chúng ta lại gần với Đức Giêsu hơn. Còn thái độ trái ngược sẽ luôn gây ra chiến tranh, thù hằn; rồi dẫn đến rất nhiều những thứ xấu xa tệ hại khác. Sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng không phải là khờ khạo, ngu ngốc. Hoàn toàn không phải. Hiền lành chính là chiều sâu thẳm trong việc hiểu biết sự vĩ đại, cao cả của Thiên Chúa, và thúc đẩy ta chạy đến bái thờ.”

3. Câu Chuyện: Muôn Vàn Phép Lạ

Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.

Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người.

Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: “Ngài đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho ngươi thêm lòng kiên nhẫn…”.

Ðược lời của vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.

“Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này để mời gọi chúng ta sống một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút hiện tại là một hồng ân cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây của cuộc sống chúng ta thành một phép lạ.

Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.

Chúng ta vẫn thường nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám phá của khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn ngắm vũ trụ, thì sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc sống, trước tình người cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta thấy được, cảm mến được sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.

Cái nhìn ấy sẽ giúp chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng ngày của chúng ta. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục phấn đấu khi phải đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc sống. Một Thiên Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện hảo đôi khi vượt quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng ta.

4. Sự ghi nhớ, lời tiên tri và niềm trông cậy

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai, 30.05, tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào chủ đề về sự hợp nhất năng động trong đời sống Kitô hữu gồm ba yếu tố. Đó là sự ghi nhớ, lời ngôn sứ và niềm trông cậy.

Những chia sẻ của Đức Thánh Cha được khởi đi từ bài Phúc Âm theo Thánh Mác-cô, thuật lại việc Đức Giêsu dùng dụ ngôn những tá điền sát nhân mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục. Các tá điền đã chống lại ông chủ vườn nho, người đã cho rào giậu chung quanh vườn, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh, rồi trao cho họ canh tác. Nhưng các tá điền đã quyết định nổi loạn; nhục mạ, đánh đập và giết chết người đầy tớ thứ nhất được ông chủ sai đến để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải trả. Tấn kịch đã đạt đến cao trào khi họ giết chết chính người con một của ông chủ. Họ tin tưởng cách mù quáng rằng khi làm như thế họ có thể chiếm được quyền thừa kế gia tài.

Lý lẽ ngụy biện và tự do

“Việc sát hại những đầy tớ và kể cả người con một của ông chủ – mà theo Thánh Kinh, đó chính là các tiên tri và Đức Kitô – cho thấy rằng người ta đã tự đóng mình lại, không hề biết mở ra với lời đoan hứa của Thiên Chúa. Đó là một dân không biết chờ đợi đến ngày lời hứa được thực hiện: một dân không biết nhớ, không có ngôn sứ và không có niềm trông cậy. Đặc biệt, những thủ lãnh của dân lại thích thú với việc dựng lên những tường thành của lề luật, một hệ thống tòa án đóng kín; ngoài ra, chẳng còn gì nữa.

Những ký ức không đáng bận tâm. Còn đối với các ngôn sứ ư? Tốt hơn là họ đừng xuất hiện. Niềm trông cậy cũng không cần nhắc đến. Hệ thống mà các thượng tế, kinh sư và kỳ mục hợp thức hóa cho mình là luôn đi theo con đường với những lý lẽ ngụy biện và không hề dành chỗ cho sự tự do của Thánh Thần. Họ không nhận ra hồng ân của Thiên Chúa, quà tặng của Thánh Thần. Họ giam hãm Thần Khí, vì không muốn lắng nghe các tiên tri trong niềm hy vọng.

Đây chính là hệ thống tôn giáo mà Đức Giêsu nói đến. Một hệ thống của sự hư đốn, của tinh thần thế gian và của dục vọng.”

Sự ghi nhớ giúp chúng ta tự do

Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng: “Chính Đức Giêsu cũng đã bị cám dỗ lãng quên sứ mạng của mình, từ bỏ con đường ngôn sứ và thích yên ổn an toàn hơn là dấn thân vào những hoàn cảnh bấp bênh cần đến niềm trông cậy. Đức Giêsu đã chiến đấu với ba cám dỗ này trong hoang địa.

Đối với dân Do Thái, vì biết được cám dỗ nơi chính bản thân mình nên Đức Giêsu mới sửa dạy họ: ‘Các ông cất công đi nửa vòng trái đất để tìm một người theo đạo. Khi tìm thấy rồi, các ông lại biến người ấy thành nô lệ.’

Họ đã đóng chặt mình lại. Và Giáo Hội quá chặt chẽ, cứng ngắc sẽ biến người ta thành nô lệ. Qua đó, chúng ta có thể hiểu Thánh Phaolo đã phản ứng thế nào khi ngài nói về sự nộ lệ dưới ách lề luật và sự tự do mà ân sủng mang lại. Một dân tự do, một Giáo Hội rộng mở, khi biết ghi nhớ, khi có chỗ dành cho các ngôn sứ và khi không đánh mất đi niềm trông cậy.”

Một con tim rộng mở hay đóng kín

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vườn nho được rào giậu kỹ lưỡng xung quanh chính là hình ảnh của Dân Thiên Chúa, là hình ảnh của Giáo Hội và cũng là hình ảnh của linh hồn chúng ta. Thiên Chúa Cha luôn hết mực quan tâm, chăm sóc cho khu vườn ấy với tất cả tình yêu và sự dịu dàng. Nổi loạn chống lại Thiên Chúa, như các tá điền sát nhân, chính là đã lãng quên đi những hồng ân được nhận lãnh nơi Ngài. Trong khi để ghi nhớ và không đi lầm đường lạc lối thì phải quay trở về với những điều căn bản sau:

“Tôi có nhớ những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời tôi hay không? Tôi có thể ghi nhớ những quà tặng của Thiên Chúa không? Tôi có dám mở lòng ra với các ngôn sứ khi họ mời gọi tôi: Đừng dừng lại nhưng hãy tiến về phía trước. Đừng sợ nguy hiểm, đừng ngại rủi ro? Tôi mở lòng ra hay tôi sợ hãi? Và phải chăng tôi muốn đóng mình lại với sự giam hãm của lề luật? Tôi có trông cậy vào lời đoan hứa của Thiên Chúa như tổ phụ Áp-ra-ham đã làm không? Ngài đã từ bỏ quê hương, đi đến một nơi chẳng hề biết, chỉ vì ngài một lòng trông cậy nơi Chúa. Bởi thế, sẽ thật hữu ích nếu chúng ta hãy tự tra vấn bản thân mình với những câu hỏi này.”

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN