Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 29/01-04/02/2015

Video Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 29/01-04/02/2015

 

Câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong Hội Đường Nazarét

1. Ký ức và hy vọng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo rằng các Kitô hữu thờ ơ, là những người đã đánh mất đi ký ức và lòng nhiệt thành về cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ với Đức Kitô, đang đứng trước nguy cơ rước ma quỷ vào nhà mình. Đức Giáo Hoàng giải thích rằng người Kitô hữu phải luôn giữ ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa Kitô cũng như niềm hy vọng của họ nơi Ngài để giúp họ tiến về phía trước với lòng can đảm của đức tin. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ Sáng thứ Sáu 30 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta. 

Trình bày những suy tư của ngài trên Thư gửi tín hữu Do Thái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng một người không còn nhớ về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa Giêsu là một con người trống rỗng và nghèo nàn về tâm linh, như trong trường hợp của những người nhạt đạo. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày đầu gặp gỡ với Đức Kitô không bao giờ có thể bị lãng quên.

Những Kitô hữu lạnh nhạt đang trong vòng nguy hiểm

“Ký ức của chúng ta rất quan trọng để nhắc nhớ ta về những ân sủng nhận được, bởi vì nếu chúng ta xua đi lòng nhiệt thành đến từ ký ức của tình yêu đầu tiên này, thì lúc đó một nguy cơ rất lớn ập đến với các Kitô hữu: nguy cơ của một đức tin lụi tàn, một Kitô hữu thờ ơ. Họ vẫn đang ở đó nhưng bất động. Đúng họ đang là các Kitô hữu, không sai, nhưng họ đã mất đi ký ức về tình yêu đầu tiên. Và họ cũng đã đánh mất đi lửa nhiệt tình trong họ. Ngoài ra, họ cũng đã mất kiên nhẫn, không còn chịu đựng nổi những vấn đề trong cuộc sống với một tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu, để tha thứ, và vác trên vai những khó khăn. … Những Kitô hữu nhạt đạo, những kẻ thật tội nghiệp, họ đang trong vòng nguy hiểm. “

Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi ngài nghĩ đến các Kitô hữu thờ ơ, ngài bị đánh động bởi hai hình ảnh đánh kinh tởm, thứ nhất là hình ảnh về con chó ăn lại những gì nói đã ói ra được mô tả bởi Thánh Phêrô; và thứ hai là câu chuyện Chúa Giêsu kể về những người đã đuổi ma quỷ đi và quyết định đi theo Tin Mừng nhưng khi ma quỷ quay trở lại với quân tiếp viện thì họ lại mở toang cửa nhà ra đón chúng. Đức Giáo Hoàng nói điều này giống như quay trở lại với thứ ô uế đã nôn ra trước đó.

“Một Kitô hữu có hai thông số là ký ức và hy vọng. Chúng ta phải gợi lên ký ức của chúng ta để đừng đánh mất đi kinh nghiệm đẹp đẽ của tình yêu đầu tiên là nguồn mạch đem đến cho chúng ta hy vọng. Nhiều lần hy vọng bị chìm ngập trong bóng tối nhưng Kitô hữu vẫn đi về phía trước. Anh chị em ấy tin và tiến về phía trước bởi vì họ biết rằng hy vọng trong việc tìm kiếm Chúa Giêsu không bao giờ làm họ thất vọng. Hai tham số này chính là những khung cảnh trong đó chúng ta có thể bảo vệ ơn cứu rỗi xuất phát từ Chúa dành cho những người lành.”

Đức Giáo Hoàng nói ơn cứu rỗi này cần phải được bảo vệ để bảo đảm rằng hạt cải nhỏ bé sẽ lớn lên và sinh hoa kết quả.

“Thật buồn và đau lòng khi thấy rất nhiều người Kitô hữu – rất nhiều Kitô hữu! – nửa vời, rất nhiều Kitô hữu, những người đã thất bại trên con đường hướng tới một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, những người đang xa lánh cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu; những người đã mất ký ức về tình yêu đầu tiên và không còn có bất kỳ chút hy vọng nào. “

2. Đừng tư nhân hóa đức tin

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ trích một số thành phần trong Giáo Hội đang tạo ra các bè phái và khinh miệt người khác. Họ đang tư nhân hóa đức tin và không đi theo con đường của Chúa Giêsu. Ngài nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 29 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng của Đức Giáo Hoàng nói lên sự cần thiết là các Kitô hữu theo Chúa Giêsu theo đúng cách mà Người muốn, chứ đừng đi theo mô hình sai lạc như việc tư nhân hóa đức tin của chúng ta.

“Đúng là Chúa Giêsu đã cứu tất cả chúng ta, nhưng không phải một cách chung chung. Ngài cứu tất cả chúng ta, mỗi một người với họ và tên riêng của người ấy. Và đó là sự cứu rỗi cá nhân dành cho mỗi người chúng ta. Tôi thực sự được cứu rỗi, Chúa nhìn tôi, ban cuộc sống Người cho tôi, Người mở cánh cửa này, cuộc sống mới này cho tôi và mỗi người trong chúng ta có thể nói ơn cứu độ này là dành “cho tôi.” Tuy nhiên, có một nguy cơ chúng ta quên đi rằng Người cứu chúng ta cách riêng rẽ cá nhân, nhưng đồng thời cũng cứu ta như là một phần của Dân Ngài hay cộng đồng của Ngài. Chúa luôn luôn cứu dân Ngài. Từ thời điểm Người gọi Abraham và hứa ban cho ông một dân tộc. Và Chúa cứu chúng ta như là một phần của dân tộc này. Đó là lý do tại sao tác giả lá thư cho người Do Thái nói với chúng ta rằng: ‘Chúng ta hãy quan tâm cho nhau.’ Không thể có sự cứu rỗi chỉ duy nhất dành cho tôi. Nếu đó là cách tôi hiểu ơn cứu rỗi, thì tôi đã nhầm lẫn và đi vào con đường sai lầm. Tư nhân hóa ơn cứu độ là con đường sai lầm. “

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng có ba tiêu chuẩn để không không tư nhân hóa ơn cứu rỗi: “Đức Tin vào Chúa Giêsu, Đấng thanh tẩy chúng ta, Đức Cậy khích lệ chúng ta nhìn tới những lời hứa và tiến đi về phía trước và Đức Mến là chăm sóc lẫn nhau, khuyến khích tất cả chúng ta thực hành bác ái và các việc lành. “

“Và khi tôi ở trong một giáo xứ, trong một cộng đồng – hoặc bất cứ trong đoàn thể gì – tôi có thể tư nhân hóa ơn cứu rỗi và chỉ dự phần trong cộng đồng ấy trên một bình diện xã hội thu hẹp. Để không tư nhân hóa sự cứu rỗi, tôi cần phải tự hỏi mình rằng tôi có nói và giao tiếp đức tin, đức tin, đức cậy và đức mến không. Nếu trong một cộng đồng cụ thể nào đó không có sự giao tiếp giữa các thành viên cũng chẳng có sự khuyến khích lẫn nhau thực hành ba nhân đức trọng yếu này, thì các thành viên của cộng đồng đó đã tư nhân hóa đức tin của họ. Mỗi người trong số họ đang tìm kiếm ơn cứu rỗi cho riêng mình, cho cá nhân của mình, không phải là ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, hay ơn cứu rỗi cho dân Chúa. Và Chúa Giêsu đã cứu rỗi tất cả chúng ta, nhưng như là một phần của dân Chúa, trong một Giáo Hội.”

Đức Giáo Hoàng cho thấy rằng tác giả của Thư gửi tín hữu Do Thái đưa ra một số lời khuyên thực tế rất quan trọng: “Đừng vắng mặt trong Cộng đồng mà mình là thành phần, như một số đã làm”. Đức Giáo Hoàng nói điều này sẽ xảy ra khi chúng ta thuộc về một nhóm, một giáo xứ hay cộng đoàn và chúng ta phán đoán người khác, nhất là miệt thị họ. Điều này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh, không phải là con đường mới và sống động của Chúa Giêsu.

“Họ khinh miệt những người khác, họ tránh xa cộng đoàn, họ tránh xa dân Chúa, họ đã tư nhân hóa sự cứu rỗi: ơn cứu rỗi là dành cho tôi và nhóm nhỏ của tôi, nhưng không phải cho tất cả dân của Thiên Chúa. Và đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Đó là những gì chúng ta nhìn thấy và gọi đó là: ‘Các tầng lớp ưu tuyển trong Giáo Hội’. Khi các nhóm nhỏ như thế được tạo ra trong lòng các cộng đồng dân Chúa, những người nói trên tin rằng họ là những Kitô hữu tốt và cũng có thể cho rằng mình đang hành động trong đức tin tốt, nhưng họ là những nhóm nhỏ, những người đang tư nhân hóa ơn cứu rỗi. “

Nhắc lại rằng Thiên Chúa cứu độ chúng ta như là một phần của dân Chúa, không phải như là một phần của một nhóm ưu tú, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận bài giảng của Ngài bằng cách thúc giục chúng ta phải xem xét liệu chúng ta đang có xu hướng tư nhân hóa đức tin của chúng ta theo cách này thay vì gần gũi với dân Chúa và thực hành ba nhân đức tin, cậy, mến.

3. Câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong Hội Đường Nazarét

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ðược quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. 

Rồi Ðức Giêsu đến Nazarét, là nơi Người sinh trưởng. 

Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nuớc phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđon. 

Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi”.

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường thành Nazarét nói lên những điều kiện cần và đủ giúp hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã trao cho con người, mà Chúa Giêsu là một mẫu gương đã chu toàn cách hoàn hảo. 

Trước hết người đi theo Chúa được mời gọi tiến bước vào trong môi trường và hoàn cảnh sống cụ thể của quê hương xứ sở mình. Cũng như Chúa Giêsu phải hoàn tất sứ mạng của mình trước tiên tại quê hương xứ sở là Nazarét, “là nơi Người sinh trưởng”, với tất cả niềm vui nỗi buồn, được đón nhận hay bị từ chối, được tôn vinh hay bị khinh khi… Người tông đồ cũng phải chấp nhận những thực tại ấy, sẽ bị hiểu lầm, bị chống đối, sẽ gặp nhiều khó khăn như Chúa. Có thể những khó khăn ấy lại bắt đầu từ chính nơi thân thương nhất của mình như gia đình, làng xóm, hoặc xứ đạo…

Bên cạnh đó, người tông đồ khi đi theo Chúa cũng phải trở nên giống Chúa Giêsu, phải mạnh dạn và thường xuyên công bố Lời Chúa “như Chúa vẫn quen làm”. Đây là việc phải được thực thi mọi ngày, mỗi ngày, thực thi trong từng giây phút của cuộc sống. Đây cũng phải là việc ăn vào nếp sống của từng người đến nỗi trở thành thói quen, thành điều kiện cần và đủ của cuộc sống. Lời Chúa phải là nguồn sống, là sức mạnh của người tông đồ.

Hơn nữa, người tông đồ cũng phải làm cho Lời Chúa mà mình công bố được ứng nghiệm trên chính cuộc đời của mình. Phải mạnh dạn nói được như Chúa Giêsu: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

4. Chúa Giêsu giảng dạy trong Hội Đường Do Thái tại Carpharnaum

Kính thưa quý vị và anh chị em, 

Chúa Giêsu đã rong ruổi khắp miền thập tỉnh để rao giảng về Nước Trời. Trong Tin Mừng theo thánh Máccô, câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong Hội Đường Nazarét mà Như Ý vừa trình bày ở trên là phần tiếp theo của câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường Do Thái ở Carpharnaum.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phân tích những khiá cạnh cuả đọan Tin Mừng này trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1 tháng Hai.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Đoạn sách Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Xc Mc 1,21-28) trình bày Chúa Giêsu với cộng đoàn nhỏ bé các môn đệ của Ngài đi vào Carpharnaum, là thành nơi Phêrô sinh sống và hồi đó là thành lớn nhất ở miền Galilea.

Thánh sử Marco kể lại rằng vì hôm đó là ngày thứ Bẩy nên Chúa Giêsu đi ngay tới Hội đường và bắt đầu giảng dạy (Xc v.21). Điều này làm ta nghĩ đến vị trí tối thượng của Lời Chúa, Lời cần được lắng nghe, đón nhận và loan báo. Khi đến Carphanaum, Chúa Giêsu không hoãn lại việc loan báo Tin Mừng, Ngài không nghĩ đến việc thu xếp chỗ ăn ở cho cộng đoàn bé nhỏ của Ngài, tuy là cần thiết, Chúa không nghĩ đến việc tổ chức trước tiên. Mối quan tâm chính của Ngài là thông truyền lời Chúa với sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Và dân chúng trong Hội đường có ấn tượng mạnh, vì Chúa Giêsu ”giảng dạy họ như một người có uy quyền, chứ không phải như các nhà thông luật” (v.22).

Nhưng “giảng dạy với uy quyền có nghĩa là gì?” Thưa có nghĩa là trong lời nói nhân trần của Chúa Giêsu, người ta cảm thấy sức mạnh của Lời Chúa, cảm thấy chính thế giá của Thiên Chúa, là Đấng Linh hứng các Sách Thánh. Và một trong những đặc tính của Lời Chúa là thực hiện điều Chúa nói. Vì Lời Chúa tương ứng với ý Chúa. Trái lại, nhiều khi chúng ta nói những lời trống rộng, không có căn cội, hoặc nói những lời thừa thãi, những lời không tương ứng với sự thật. Lời Chúa tương ứng với sự thật, đồng nhất với ý chí và thực hiện điều Ngài nói. Thực vậy, Chúa Giêsu, sau khi rao giảng, đã chứng tỏ ngay uy quyền của Ngài bằng cách giải thoát cho một người bị quỷ ám đang có mặt trong Hội đường lúc ấy (Xc Mc 1,23-26). Chính uy quyền của Chúa Kitô đã khơi dậy phản ứng của Satan, ẩn nấp trong người ấy; và Chúa Giêsu nhận ra ngay tiếng nói của ma quỷ, nên Ngài nghiêm nghị truyền lệnh: “Hãy im đi! Hãy ra khỏi người này!” (v.25). Với nguyên sức mạnh của lời Ngài, Chúa Giêsu giải thoát người ấy khỏi ma quỷ. Và một lần nữa những người hiện diện kinh ngạc nói: “Ông này truyền lệnh cho cả những thần ô uế và chúng vâng phục Ông!” (v.27).

“Tin Mừng là lời sự sống: không đè nén con người, trái lại giải thoát những người nô lệ khỏi bao nhiêu thần dữ của thế gian này: sự ham ố danh vọng, quyến luyến tiền bạc, kiêu ngạo, mê dâm dục.. Tin Mừng thay đổi con tim, thay đổi cuộc sống, biến đổi những xu hướng xấu xa thành quyết tâm làm điều thiện.. Vì thế, nghĩa vụ của các tín hữu Kitô là phổ biến khắp nơi sức mạnh cứu độ, trở thành thừa sai và sứ giả của Lời Chúa. Đó cũng là điều mà đoạn Tin Mừng hôm nay gợi ý, khi kết thúc bằng cách mở ra một viễn tượng truyền giáo: ”Tiếng tăm của Ngài – danh tiếng của Chúa Giêsu – được phổ biến ngay ở các nơi thuộc miền Galilea” (v.28). Đạo lý mới mẻ mà Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền chính là đạo lý mà Giáo Hội mang tới thế giới, cũng với những dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Chúa: giáo huấn với uy quyền và hoạt động cứu độ của Con Thiên Chúa trở thành những lời cứu độ và những cử chỉ yêu thương của Giáo Hội truyền giáo.

Anh chị em hãy luôn nhờ rằng Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống, Tin Mừng chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta để cho mình được Tin Mừng biến đổi. Chính vì thế, tôi xin anh chị em hãy tiếp xúc hằng ngày với Tin Mừng, mang sách Tin Mừng trong túi, trong sắc.. đễ mỗi ngày để đọc một câu, một đoạn Tin Mừng.. Đó là sức mạnh biến đổi chúng ta, thay đổi cuộc sống, thay đổi con tim”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng tay hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời và sinh Người cho thế giới, cho tất cả mọi người. Xin Mẹ dạy chúng ta trở thành những người chăm chỉ lắng nghe và loan báo một cách có uy tín Tin Mừng của Chúa Giêsu.

5. Cần cầu xin cho biết thực thi thánh ý Chúa mỗi ngày trong đời ta

Chúng ta cần phải cầu nguyện với Chúa mỗi ngày để hiểu thánh ý muốn, tuân theo và thực hiện hoàn toàn ý muốn Ngài. Đó là thông điệp trọng tâm trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Ba 27 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Dựa trên bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về một trong những nền tảng của đức tin chúng ta: đó là sự vâng phục thánh ý Chúa. Theo Đức Thánh Cha, con đường nên thánh cho mỗi Kitô hữu là thực thi thánh ý Chúa mỗi ngày trong đời ta.

“Chiều ngược lại bắt đầu tại Vườn Địa Đàng với thất bại của Adong khi ông bất tuân thánh ý Chúa. Và sự bất tuân đó giáng tai họa lên toàn thể nhân loại. Cả tội lỗi cũng là những hành vi bất tuân đối với Thiên Chúa, không làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Chúa dạy chúng ta rằng tuân phục thánh ý Chúa là con đường phải theo, không có con đường nào khác. Và con đường ấy bắt đầu với Chúa Giêsu trên thiên đường, trong ước muốn tuân phục Chúa Cha. Còn ở trái đất này con đường ấy bắt đầu với Đức Mẹ: Mẹ đã nói gì với các thiên thần nhỉ? ‘Xin hãy làm cho tôi như lời Thánh Thiên Thần truyền’. Và với tiếng ‘Xin Vâng’ ấy với Thiên Chúa, Chúa chúng ta đã bắt đầu hành trình của Ngài giữa chúng ta. “

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng, tuy nhiên, vâng theo thánh ý Chúa không phải là dễ dàng. Ngay cả đối với Chúa Giêsu cũng không dễ dàng khi Ngài phải đối mặt với những cám dỗ trong hoang địa hoặc trong Vườn Cây Dầu. Nó cũng chẳng phải là dễ dàng cho các môn đệ của Ngài cũng như cho chúng ta, khi mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với một khay của rất nhiều lựa chọn khác nhau và đó là lý do tại sao chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa.

“Tôi có cầu nguyện xin Chúa cho tôi lòng ao uớc thực thi thánh ý Ngài không, hay tôi chỉ tìm kiếm một sự thỏa hiệp vì tôi sợ thánh ý Chúa? Một điều nữa: khi cầu nguyện để biết thánh ý Chúa dành cho tôi và cuộc sống tôi về một quyết định mà tôi phải đưa ra ngay bây giờ.. . có rất nhiều điều trong cách thức mà chúng ta hành xử mọi thứ.. .. Hãy cầu nguyện cho lòng ao ước được làm theo ý muốn của Thiên Chúa và cầu nguyện để biết ý muốn của Thiên Chúa. Và khi tôi biết ý muốn của Thiên Chúa rồi, thì hãy cầu nguyện lần thứ ba, để tuân theo thánh ý ấy. Để thực thi thánh ý ấy, chứ không phải là ý riêng tôi, nhưng là ý muốn của Ngài. Và tất cả điều này không dễ đâu. “

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải cầu nguyện để có lòng mong muốn làm theo thánh ý của Thiên Chúa, cầu nguyện để biết ý muốn của Thiên Chúa và một khi chúng ta biết điều này, hãy cầu nguyện cho có sức mạnh để đi tới và tuân theo ý muốn của Ngài.

“Chúa ban ân sủng của Ngài cho tất cả chúng ta để một ngày kia Ngài có thể nói về chúng ta như Ngài đã nói về nhóm đông đảo những người đi theo Ngài, những người ngồi xung quanh Ngài, cũng như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng: “Đây là mẹ tôi và anh chị em của tôi. Ai thi hành thánh ý Thiên Chúa là anh em, chị em tôi và mẹ tôi.” Thực thi thánh ý Chúa làm cho chúng ta trở thành một phần trong gia đình của Chúa Giêsu, gồm cha, mẹ, và anh chị em của Ngài.”

6. Gương mặt và sự hiện diện của người cha trong gia đình rất quan trọng đối với sự phát triển của con cái

Sự vắng bóng gương mặt của người cha trong cuộc sống của trẻ em và người trẻ tạo ra các thiếu sót và vết thương có thể rất trầm trọng. 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ thứ tư hàng tuần trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha suy tư về gương mặt của người cha trong gia đình. Ngài nói:

Hôm nay chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi từ “cha”. Đó là một từ kitô hữu chúng ta yêu thích hơn mọi từ khác, bởi vì đó là tên mà Chúa Giêsu dã dậy chúng ta gọi Thiên Chúa. Ý nghĩa của từ này đã nhận được một sự sâu sắc mới chính từ kiểu Chúa Giêsu dùng để hướng về Thiên Chúa và biểu lộ tương quan đặc biệt của Người với Thiên Chúa. Mầu nhiệm sự thân tình của Thiên Chúa Cha, Con và Thần Khí do Chúa Giêsu mạc khải, là trung tâm đức tin kitô của chúng ta.

Cha là một từ phổ quát ai cũng biết. Nó ám chỉ một tương quan nền tảng mà thực tế cổ xưa như lịch sử con người. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã đi tới chỗ khẳng định rằng xã hội chúng ta là một “xã hội không cha”. Nói cách khác, đặc biệt trong nền văn hóa tây phương, gương mặt của người cha một cách biểu tượng đã vắng bóng, đã bị biến mất, bị lấy mất. Ban đầu sự kiện được nhận thức như là một sự giải phóng: giải phóng khỏi người cha – chủ nhân, khỏi người cha như người đại diện cho luật lệ, bị áp đặt từ bên ngoài, khỏi người cha như kẻ kiểm soát hạnh phúc của con cái và như là chướng ngại vật của sự thoát ly và tự chủ của người trẻ. Thật thế, đôi khi trong các gia đình của chúng ta trong quá khứ đã ngự trị khuynh hướng độc đoán, trong vài trường hợp cả sự đàn áp nữa: cha mẹ đối xử với con cái như đầy tớ, không tôn trọng các đòi hỏi cá nhân sự trưởng thành của chúng; các người cha không trợ giúp con cái bước đi trên con đường của chúng trong tự do và lãnh các trách nhiệm riêng để xây dựng tương lai của chúng và của xã hội.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: 

Và như thường xảy ra là người ta đi từ thái cực này sang thái cực khác. Vấn đề của chúng ta ngày nay xem ra không là sự hiện diện xâm lấn của các người cha, nhưng là sự vắng bóng, sự trốn tránh của người cha. Đôi khi các người cha tập trung nơi chính mình và việc hiện thực cá nhân mình tới độ quên cả gia đình. Và họ để trẻ em và người trê con cái họ một mình. Khi còn là Giám Mục Buenos Aires tôi đã nhận ra cảm giác mồ côi mà người trẻ ngày nay sống. Giờ đây trong suy tư chung này về gia đình, tôi muốn nói với tất cả mọi cộng đoàn kitô rằng chúng ta phải chú ý nhiều hơn nữa: Sự vắng bóng gương mặt của người cha trong cuộc sống của trẻ em và người trẻ tạo ra các thiếu sót và vết thương có thể rất trầm trọng.

Và qủa thế, các lệch lạc của trẻ em và thanh thiếu niên một phần lớn có thể tìm ra trong sự thiếu sót này, thiếu sót các gương sống và các hướng dẫn uy tín trong cuộc sống thường ngày của chúng. Ý thức về sự mồ côi mà nhiều người trẻ sống sâu đậm hơn là chúng ta tưởng nghĩ. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Chúng mồ côi trong gia đình, bởi vì các người cha thường vắng mặt, không ở nhà, cả trong thể lý nữa, nhưng nhất là bởi vì khi ờ nhà, họ lại không hành xử như là cha, họ không chu toàn nhiệm vụ giáo dục và không trao ban cho con cái các nguyên tắc, các giá trị, các luật sống mà chúng cần như cơm bánh, với gương sống đi kèm lời nói của họ. Phẩm chất giáo dục của sự hiện diện của người cha lại càng cần thiết hơn nữa, khi người cha bị bó buộc phải làm việc xa nhà. Đôi khi xem ra các người cha không biết rõ phải chiếm chỗ nào trong gia đình và phải giáo dục con cái ra sao. Và khi đó, trong sự nghi ngờ họ vắng mặt, họ rút lui và lơ là trách nhiệm của mình, có khi là trốn chạy vào trong một tương quan “ngang hàng” với con cái.

Nhưng xã hội dân sự, với các cơ cấu của mình, cũng có trách nhiệm đối với người trẻ, một trách nhiệm, mà đôi khi nó lơ là hay thi hành dở. Thường khi xã hội cũng để người trẻ mồ côi và không đề nghị với họ một viễn tượng thật. Như thế giới trẻ bị mồ côi không có các con đường chắn chắn để đi, mồ côi không có các thầy dậy để tin cậy, mồ côi các lý tưởng sưởi ấm con tim, mồ côi các giá trị và các niềm hy vọng nâng đỡ họ thường ngày. Họ được lấp đầy bởi các thần tượng, nhưng người ta ăn cắp trái tim của họ; họ bị đầy tới chỗ mơ tưởng các cuộc giải trí và lạc thú, nhưng người ta không cho giới trẻ công việc làm; họ bị ảo tưởng với thần tiền bạc và người ta khước từ trao ban cho họ các điều phong phú thực sự.

Do đó thật là tốt cho tất cả mọi người, cha và con cái, nghe trở lại lời Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Thật vậy, chính Ngài là Đường phải theo, là Thầy phải lắng nghe, là niềm Hy vọng rằng thế giới có thể thay đổi, tình yêu chiến thắng hận thù, có thể có một tương lai của tình huynh đệ, hòa bình cho tất cả mọi người.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …