1. Đức tin mang lại niềm vui cho chúng ta chứ không phải những học thuyết lạnh lùng
Đức tin và niềm hy vọng được gặp Chúa Giêsu mang lại niềm vui cho chúng ta chứ không phải những học thuyết lạnh lùng. Những Kitô hữu nào không thể vui mừng là những tín hữu bất hạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 26 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.
Niềm vui của Abraham vào lời Thiên Chúa phán hứa cho ông có thể trở thành một người cha là nguồn cảm hứng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng. Bình luận về bài đọc trong ngày, Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng Abraham đã già, và vợ ông Sara cũng vậy, nhưng ông tin và mở “trái tim của mình ra cho hy vọng” và “lòng đầy an ủi.” Chúa Giêsu nhắc nhở các thầy thông luật rằng Abraham “hớn hở vui mừng” thấy ngày của Chúa Giêsu “và tràn đầy niềm vui”:
“Và đó là những gì các thầy thông luật đã không hiểu. Họ không hiểu được niềm vui của lời hứa này; họ không hiểu được niềm vui của hy vọng, họ đã không hiểu được niềm vui của sự hiệp nhất. Họ không hiểu, họ không biết làm thế nào để vui mừng, bởi vì họ đã mất đi ý nghĩa của niềm vui chỉ xuất phát từ đức tin. Tổ phụ chúng ta là Abraham có thể vui mừng vì ông đã có đức tin; ông được công chính trong đức tin. Những người khác đã mất đức tin. Họ là các thầy thông luật nhưng không có đức tin. Bởi vì trung tâm của lề luật là tình yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân!”
Đức Giáo Hoàng nói tiếp:
“Họ chỉ có một hệ thống các học thuyết chính xác mà họ cố gắng làm rõ mỗi ngày từng điều một và không cho ai được sửa đổi chúng. Những người không có đức tin, không gắn bó với lề luật, khi đương đầu với những lề luật này trở thành những con người với nhiều quỉ kế: nộp thuế cho Caesar à, không nộp có được không? Người phụ nữ này là người đã kết hôn bảy lần khi cô đi lên thiên đường cô sẽ là vợ ai trong số bảy người đàn ông này? Đây là thế giới của họ, một thế giới trừu tượng, một thế giới không có tình yêu, một thế giới không có đức tin, một thế giới không có hy vọng, một thế giới không có sự tin tưởng, một thế giới không có Thiên Chúa. Và vì thế, họ không thể vui mừng! “
Đức Thánh Cha nhận xét mỉa mai rằng có lẽ các thầy thông luật cũng có thể có niềm vui “nhưng không có niềm vui thực sự, một niềm vui không có chút sợ hãi nào. Họ sống không có niềm tin vào Thiên Chúa, mà đã không có niềm tin vào Thiên Chúa, không có hy vọng vào Thiên Chúa thì trái tim của họ hóa đá.” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng thật là buồn khi là một tín đồ không có niềm vui – niềm vui không hiện hữu khi không có đức tin, không có hy vọng, không có lề luật – nhưng chỉ có các quy định và những học thuyết lạnh lùng”
“Niềm vui của đức tin, niềm vui của Tin Mừng là tảng đá góc tường cho đức tin của một người. Không có niềm vui, người đó không phải là một tín đồ thực sự. Hôm nay, trước khi ra về chúng ta hãy cử mừng với những lời của Chúa Giêsu: “Abraham, tổ phụ của các ngươi sẽ hớn hở vui mừng được nhìn thấy ngày của Ta, ông đã nhìn thấy và vui mừng. Chúng ta xin Chúa ban ơn để được vui mừng trong hy vọng, trong ân sủng được nhìn thấy ngày của Chúa Giêsu khi chúng ta được ở với Ngài; và trong ân sủng của niềm vui.”
2. Cầu xin cho Tuần Thánh giúp chúng ta chấp nhận đường lối Chúa
Hãy chấp nhận tình yêu Chúa chứ đừng phàn nàn và chống đối lại. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong thánh lễ sáng thứ Ba 24 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.
Lấy ý từ Bài Đọc Cựu Ước trong ngày nói về chuyện con cái Israel phàn nàn chống lại Thiên Chúa trong cuộc hành trình qua sa mạc và chuyện họ phản đối những cái họ gọi là “thực phẩm tồi tệ” được ban cho họ, Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho chúng ta trong hàng ngàn cách thế khác nhau nhưng quá thường khi chúng ta không có khả năng chấp nhận những “đường lối thánh thiện” dành cho mình.
Bài đọc Cựu Ước từ Sách Dân Số kể lại chuyện dân Israel gặp nạn là những con rắn cắn chết nhiều người. Moses đã cầu nguyện cho dân và theo mệnh lệnh của Chúa, đã đúc một con rắn đồng để cứu những ai nhìn vào nó sau khi bị cắn.
Lời bầu của Moses và biểu tượng của thập giá nơi Chúa Kitô sẽ bị chết treo đã cứu dân Israel khỏi chết vì nọc độc của các loài rắn.
Mô tả thái độ của nhiều Kitô hữu ngày nay là “lắc lư về tinh thần,” Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta thường phạm cùng một tội lỗi là “bực dọc và ta thán”.
“Có bao nhiêu người trong chúng ta thấy mình đang bị ‘đầu độc’ vì những bất mãn trong cuộc sống. Đúng, Thiên Chúa là tốt lành đấy nhưng mà … Chúng ta là Kitô hữu, đúng thế, nhưng mà … Đây là loại Kitô hữu cuối cùng không mở trái tim của mình ra cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, nhưng luôn luôn đặt ra điều kiện. ‘Vâng, tôi muốn được cứu rỗi lắm, nhưng phải như thế này …’ Thái độ này đầu độc tâm hồn chúng ta”
Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh cáo rằng khi chúng ta không chấp nhận những ân sủng của Thiên Chúa theo cách thức các ân sủng này được trao ban thì đó là một tội lỗi. Nó đầu độc tâm hồn chúng ta, nó tước đi niềm vui. Và Chúa Giêsu đành phải leo lên núi Calvariô.
“Chính Chúa Giêsu tự nguyện gánh lấy chất độc vào mình. ‘Thái độ lưng chừng’ của các Kitô hữu hiện nửa vời là những người nhiệt tình vào lúc bắt đầu cuộc hành trình với Chúa Giêsu đã làm cho họ thất vọng ở giữa đường. Cách duy nhất để chữa lành là nhìn vào thập giá, nhìn vào Thiên Chúa, là Đấng đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta”.
Đức Thánh Cha kết luận rằng ngày nay có quá nhiều Kitô hữu “chết trong sa mạc của nỗi buồn, trong những lời cằn nhằn và trong thái độ không chấp nhận đường lối Chúa”.
“Hãy nhìn vào con rắn, hãy nhìn vào nọc độc nơi thân xác Chúa Kitô. Nọc độc của tất cả các tội lỗi trên thế giới và chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng dám chấp nhận những lúc khó khăn, dám chấp nhận ơn cứu rỗi theo thánh ý Chúa, dám chấp nhận được những ‘thực phẩm tồi tệ’ mà con cái nhà Israel đã càm ràm… Chúng ta hãy chấp nhận những đường lối mà Chúa dẫn dắt chúng ta đi. Xin cho Tuần Thánh này giúp chúng ta quay lưng lại với những cám dỗ để trở thành ‘những người Kitô hữu đúng thế, nhưng mà…”.
3. Câu chuyện của Giuđa Iscariot
Lịch sử giữa Thiên Chúa và loài người trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào những mảng sáng, hay tối của biến cố này. Câu chuyện bi thảm nhất là câu chuyện của Giuđa Iscariot.
Giuđa đã được lựa chọn ngay từ đầu trong Nhóm Mười Hai. Khi đưa tên ông ta vào trong danh sách các tông đồ, Thánh Sử Luca viết “Giuđa Iscariot, người trở thành (egeneto) một kẻ phản bội” (Lc 6:16). Như thế, Giuđa đã không phải là một kẻ phản bội từ lúc lọt lòng mẹ, và cũng chẳng phải là một kẻ phản bội lúc Chúa Giêsu chọn ông; sau này ông mới trở thành một kẻ phản bội! Chúng ta đang đứng trước một trong những thảm kịch bi đát nhất của tự do con người.
Tại sao anh ta trở thành một kẻ phản bội? Những sách Phúc Âm là các nguồn đáng tin cậy duy nhất mà chúng ta có về nhân vật Giuđa đều đồng thanh nói về một động cơ rất trần tục: đó là tiền. Giuđa đã được giao phó giữ tiền của nhóm; khi bà Maria Mađalêna xức dầu thơm cho Chúa tại Bethany, Giuđa đã phản đối việc dùng dầu thơm quý giá để đổ lên chân Chúa không phải vì ông quan tâm đến người nghèo nhưng, như thánh Gioan lưu ý , “vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.”(Ga 12:6). Đề nghị của ông với các thượng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các thượng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15).
Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một vũ trụ tinh thần khác; nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái không còn được đặt vào Thiên Chúa nhưng vào tiền. Một đảo ngược nham hiểm của tất cả các giá trị xảy ra. Kinh Thánh nói: ” Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin ” (Mc 9:23), nhưng thế gian nói: “Có tiền mua tiên cũng được.” Và trên một bình diện nhất định, mọi thứ dường như là như thế thật.
Bao nhiêu lần trong thời buổi này chúng ta lẽ ra phải suy nghĩ lại một lần nữa tiếng Chúa Giêsu kêu lên với người phú hộ trong dụ ngôn về người cứ lo thu tóm của cải bất tận và nghĩ rằng phần còn lại của cuộc đời mình sẽ được an toàn: “Đồ ngu! Nội đêm nay, mạng ngươi bị đòi lại, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? “(Lc 12:20)
Tin Mừng mô tả cái kết cục khủng khiếp của Giuđa: “Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”. Nhưng họ đáp: ‘Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!’ Giuđa ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ” (Mt 27:3-5).
Nhưng chúng ta không nên đưa ra một phán quyết vội vàng ở đây. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi Giuđa, và không ai biết, sau khi ông treo mình lên cây với một sợi dây thừng quanh cổ, ông ta sẽ đi về đâu: trong tay của Satan hay trong bàn tay của Thiên Chúa. Ai có thể biết được điều gì đã loé lên trong tâm hồn ông trong những giây phút cuối cùng này? “Bạn” là từ cuối cùng mà Chúa Giêsu gọi ông, và ông không thể quên được, cũng giống như ông không thể quên ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn ông.
4. Kitô hữu phải là những người có lòng xót thương
Hôm thứ Hai 23 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại thói đạo đức giả và khẳng định rằng Kitô hữu chân chính phải là những người có lòng thương xót.
Trong bài giảng thánh lễ sáng tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư về bài Tin Mừng trong ngày và chỉ ra rằng “không có lòng thương xót thì cũng không có công lý.”
Đề cập đến ba người phụ nữ trong Kinh Thánh, Đức Giáo Hoàng cho biết họ đại diện cho ba hình ảnh có tính ngụ ngôn về Giáo Hội.
Những người phụ nữ được Đức Thánh Cha đề cập đến là: Susanna – một người phụ nữ vô tội; sau đó là người đàn bà ngoại tình, là một tội nhân; và cuối cùng là bà goá nghèo, là một người góa phụ sống trong cơ bần.
Đức Giáo Hoàng nói họ tượng trưng cho Giáo Hội thánh thiện, Giáo Hội tội lỗi và Giáo Hội của người nghèo.
Tất cả họ đều bị xét xử và ‘lên án’ bởi những thẩm phán gian ác và tham nhũng.
Đề cập đến các kinh sư và những người Pharisêu là những người đã đưa người đàn bà ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói trái tim của họ đã bị chai cứng “họ nghĩ rằng họ đang thực thi lề luật nhưng thực ra họ không biết thương xót”.
Ngài nói thêm:
“Họ không phải là thánh, họ đã bị băng hoại. Bởi vì thái độ này cứng rắn này dẫn con người đến một cuộc sống hai mặt: một mặt họ lên án những người phụ nữ này, nhưng mặt khác họ lại tìm kiếm họ để mua vui. Từ ngữ Chúa Giêsu dùng để mô tả họ là ‘những kẻ giả hình’, những kẻ hai mặt”.
Đức Thánh Cha cũng liên hệ đến những người trong Giáo Hội thường phán xét và lên án người khác, với một thái độ hai mặt, với một thái độ cứng ngắc đến mức người ta không thể thở được.
Đề cập đến chuyện của hai người thẩm phán già, là những kẻ mưu toan tống tiền Susanna, Đức Giáo Hoàng nói rằng họ đã bị băng hoại bởi đồi trụy và một lòng ham muốn, ngày càng gia tăng theo tuổi già của họ.
Liên quan đến vị thẩm phán, là người mà bà góa nghèo đã nài xin phải xử cho bà chống lại một kẻ bất công, Đức Giáo Hoàng nói rằng ông ta là một thẩm phán “chẳng kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng ngán ai”; ông chỉ lo lắng cho mình và bị hư hỏng vì lòng ham hố tiền bạc và uy tín.
Tất cả những thẩm phán này là “những kẻ trục lợi, đồi trụy và cứng nhắc, không biết đến ý nghĩa của lòng thương xót.”
“Sự băng họai làm cho họ không thể hiểu được ý nghĩa lòng thương xót, và cũng chẳng biết rằng người ta phải có lòng từ bi với nhau. Kinh Thánh cho chúng ta biết là công lý được tìm thấy nơi lòng thương xót. Ba phụ nữ bao gồm một vị thánh, một kẻ tội lỗi và một người thiếu thốn, là những ẩn dụ tiêu biểu cho Giáo Hội, chịu đau khổ vì thiếu lòng từ bi. Và dân Chúa ngày nay có thể tìm thấy mình đang đứng trước những thẩm phán ‘thiếu lòng thương xót’, cả trong môi trường xã hội dân sự và trong Giáo Hội. Nơi đâu không có lòng thương xót, ở đó cũng không có công lý. Khi dân Chúa đến xin tha thứ, họ thường thấy mình bị lên án bởi một trong những thẩm phán này”.
Dân Chúa gặp phải những kẻ “khai thác và tận dụng tối đa họ, những kẻ cướp đi oxy của linh hồn, cướp đi niềm hy vọng, những kẻ trừng phạt những hối nhân vì những tội lỗi mà chính họ đang che giấu bên trong chính mình.” Điều này, Đức Thánh Cha gọi là thiếu lòng thương xót.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
“Tôi chỉ muốn đề cập đến một trong những đoạn rất đẹp trong Tin Mừng không ngơi làm tôi xúc động: ‘Không ai lên án chị sao?’, ‘Không có ai, thưa ngài’, ‘Tôi cũng không lên án chị đâu hãy đi và đừng phạm tội nữa’. Đó là một trong những đoạn đẹp nhất vì nó là đầy lòng thương xót”
5. Giáo Hội là mẹ không bao giờ bỏ rơi các gia đình
Giáo Hội là mẹ không bao giờ bỏ rơi các gia đình, cả khi những gia đình bị ngã qụy, mang thương tích và bị sỉ nhục trong biết bao nhiêu cách thế đi nữa. Cả khi các gia đình rơi vào tội lỗi hay xa rời Giáo Hội, Giáo Hội sẽ luôn luôn làm tất cả để tìm săn sóc và chữa lành, và mời gọi gia đình hoán cải và hoà giải gia đình với Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 25 tháng Ba tại quảng trường thánh Phêrô. Buổi tiếp kiến chung đã diễn ra trong ngày Giáo Hội cử hành lễ trọng Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria. Đức Thánh Cha tạm ngưng loạt bài giáo lý về gia đình để nói về ngày lễ này, nhưng trong một hình thái hơi đặc biệt của lời cầu nguyện. Ngài nói:
Thật vậy, ngày 25 tháng 3 Giáo Hội long trọng cử hành lễ Truyền Tin, khai mào mầu nhiệm Nhập Thể. Tổng lãnh Thiên thần Gabriel viếng thăm thiếu nữ khiêm hạ thành Nagiarét và báo cho biết nàng sẽ thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa. Với lời loan báo đó Chúa soi sáng và củng cố đức tin của Đức Maria, cũng như người sẽ làm với chồng nàng là ông Giuse, để cho Đức Giêsu có thể sinh ra trong một gia đình nhân loại. Đây là điều rất hay đẹp: một cách sâu xa dường nào nó cho chúng ta thấy mầu nhiệm Nhập Thể như Thiên Chúa đã muốn, không chỉ bao gồm việc thụ thai trong lòng mẹ, nhưng cũng cho thấy việc tiếp đón trong một gia đình đích thật nữa. Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em chiêm ngắm vẻ đẹp của mối dây này, của sự chiếu cố của Thiên Chúa. Và chúng ta cùng nhau làm đọc Kinh Kính Mừng, là lời kinh trong phần đầu lấy lại các lời của Thiên Thần chào Đức Trinh Nữ. Đức Thánh Cha và mọi người đã đọc Kinh Kính Mừng.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói đến khiá cạnh thứ hai là trong ngày lễ Truyền Tin nhiều nước trên thế giới cử hành “Ngày cho sự sống”. Chính vì thế cách đây 20 năm Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ký Thông điệp “Tin Mừng sự sống”. Để kỷ niệm biến cố này hôm nay tại quảng trường thánh Phêrô hiện diện nhiều thành viên các Phong trào bảo vệ sự sống. Trong Thông điệp Tin Mừng sự sống gia đình chiếm một chỗ trung tâm, theo nghĩa gia đình là cung lòng sự sống con người. Lời của vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi nhắc cho chúng ta nhớ rằng cặp vợ chồng được Thiên Chúa chúc phúc ngay từ đầu để làm thành một cộng đoàn tình yêu và sự sống, được giao phó cho sứ mệnh truyền sinh. Khi cử hành bí tích Hôn Phối, các cặp vợ chống kitô tự khiến cho mình sẵn sàng vinh danh phước lành đó trong suốt cuộc đời, với ơn thánh của Chúa Kitô. Về phía mình, Giáo Hội long trọng dấn thân săn sóc gia đình nảy sinh từ đó, như là món qùa Thiên Chúa ban cho chính sự sống của nó, trong số phận tốt cũng như xấu: mối dây giữa Giáo Hội và gia đình là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Đức Thánh Cha khẳng định thêm như sau:
Giáo Hội là mẹ không bao giờ bỏ rơi gia đình, cả khi nó bị ngã qụy, mang thương tích và bị hành nhục trong biết bao nhiêu cách thế đi nữa. Cả khi nó rơi vào tội lỗi hay xa rời Giáo Hội, Giáo Hội sẽ luôn luôn làm tất cả dể tìm săn sóc và chữa lành, và mời gọi gia đình hoán cải và hoà giải gia đình với Chúa.
Nếu đó là nhiệm vụ, thì rõ ràng là Giáo Hội cần biết bao nhiêu lời cầu nguyện để có thể chu toàn sứ mệnh này trong mọi thời đại. Một lời cầu nguyện tràn đầy tình yêu đối với gia đình và sự sống. Một lời cầu nguyện biết vui với người vui, đau khổ với người đau khổ.
Vì thế cùng với các cộng sự viên của tôi, chúng tôi đã nghĩ tới việc hôm nay đề nghị canh tân lời cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. Chúng ta hãy phát động dấn thân này cho tới tháng 10 tới đây, khi sẽ diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường dành cho gia đình. Tôi muốn rằng lời cầu nguyện này, cũng như toàn lộ trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục, được linh hoạt bởi lòng từ bi của Mục Tử Nhân Lành đối với đoàn chiên, một cách đặc biệt các người và các gia đình, mà vì nhiều lý do đang “mệt mỏi, kiệt sức, như chiên không có người chăn” (Mt 9,36) Như vậy, được ơn thánh Chúa nâng đỡ và linh hoạt , Giáo Hội sẽ còn có thể dấn thân hơn và hiệp nhất hơn trong chứng tá sự thật và tình yêu của Thiên Chúa và của lòng thương xót Ngài đối với các gia đình trên thế giới, không loại trừ gia đình nào, bên trong cũng như bên ngoài ràn chiên.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Tôi xin anh chị em đừng thiếu lời cầu nguyện của mình cho ý chỉ đó. Tất cả mọi người: Giáo Hoàng, các Hồng Y, Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tất cả chúng ta đều được mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục. Cần lời cầu nguyện chứ không cần các bép xép! Tôi mời cầu nguyện cả các người cảm thấy xa vắng hay không còn có thói quen cầu nguyện nữa. Lời cầu này cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình là thiện ích cho tất cả mọi người. Tôi biết là sáng nay đã được phát cho anh chị em một ảnh nhỏ, chắc hơi bị ươt một chút, mà anh chị em có trên tay. Tôi xin mời anh chị em giữ nó và đem nó theo trong mình, như thế trong các tháng tới anh chị em có thể năng đọc lời kinh này với sự nài nỉ thánh thiện, như Chúa Giêsu đã xin chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau đọc lời cầu ấy:
“Lậy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, nơi các Ngài chúng con chiêm ngưỡng ánh quang của tình yêu chân thật, chúng con hưóng lên các Ngài với lòng cậy tin.
Ôi Thánh Gia Nagiarét, xin cũng hãy làm cho các gia đình của chúng con trở thành các nơi hiệp thông và các nhà tiệc ly cầu nguyện, các trường học Tin Mừng đích thực và các Giáo Hội tại gia nhỏ.
Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin đừng bao giờ có kinh nghiệm bạo lực, khép kín và chia rẽ trong gia đình nữa: ước chi ai đã bị tổn thương hay bị gương mù gương xấu mau chóng biết hòa giải và chữa lành.
Lậy Thánh Gia Nagiarét, xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới có thể thức tỉnh nơi mọi người ý thức về tính cách thánh thiêng, bất khả xâm phạm của gia đình và vẻ đẹp của nó trong chương trình của Thiên Chúa. Lậy Chúa Giêsu Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin hãy lắng nghe và nhận lời van nài của chúng con. Amen”.
Nguồn: Vietcatholic News