1. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta tất cả mọi tội lỗi
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngày 13 tháng 3 tới đây, Giáo Hội trên toàn thế giới thực hiện chương trình mang tên “24 giờ cho Chúa,” với một buổi cử hành Phụng Vụ sám hối do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong 24 giờ sau đó, các nhà thờ ở Rôma và toàn thế giới sẽ tổ chức chầu Thánh Thể và các linh mục sẽ túc trực để giải tội cho anh chị em giáo dân.
Do đó, trong chương trình hôm nay Hà Thu và Thảo Ly sẽ lần lượt giới thiệu với quý vị và anh chị em hai bài cổ vũ bí tích Hòa Giải có tựa đề “Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta tất cả mọi tội lỗi” của Đức Thánh Cha Phanxicô và bài “Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời” của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói xưng tội không phải là ra tòa nhưng là gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng tha thứ tất cả mọi tội lỗi của chúng ta, không trừ một tội nào. Đức Thánh Cha đã đưa ra nhận định này trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 23 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.
Dựa trên một đoạn trích từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái, Đức Giáo Hoàng nói Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta tất cả mọi tội lỗi, luôn luôn là như vậy và không có ngoại lệ nào. Ngài lại còn vui mừng khi có ai đó cầu xin Ngài tha thứ. Đức Thánh Cha nói thêm là Thiên Chúa, là Đấng hòa giải, đã chọn Chúa Giêsu để thiết lập một giao ước mới với nhân loại và nền tảng của giao ước này là sự tha thứ tội lỗi của chúng ta.
“Trước hết, Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài không mệt mỏi về điều này. Chính chúng ta mới là những người cảm thấy mệt mỏi xin tha thứ. Còn Ngài thì không mệt mỏi thứ tha cho chúng ta. Khi Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: ‘Con phải tha thứ bao nhiêu lần? Bảy lần được không?’ – ‘Không phải là bảy lần? nhưng là bảy mươi lần bảy’. Nghĩa là luôn luôn. Đó là cách Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta: luôn luôn. Nếu anh chị em đã sống một cuộc sống chồng chất bao nhiêu là tội lỗi, bao nhiêu là những điều xấu xa, nhưng cuối cùng trong một thoáng ăn năn, anh chị em cầu xin sự tha thứ, Ngài sẽ ngay lập tức thứ tha cho anh chị em! Ngài luôn luôn tha thứ cho chúng ta. “
Đức Thánh Cha cho biết một nỗi hoài nghi có thể ập đến trong con tim một người là Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta tới mức nào. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng tất cả những gì anh chị em phải làm là ăn năn và xin được tha thứ; và anh chị em không phải trả gì cả vì Chúa Kitô đã trả thay cho chúng ta.
“Không có tội lỗi nào mà Ngài không tha thứ. Ngài tha thứ tất cả mọi thứ. ‘Nhưng mà thưa cha, con không đi xưng tội đâu vì con đã phạm quá nhiều những tội lỗi rất xấu xa, rất nhiều đến mức chắc là con không được tha thứ đâu….’ Không, điều đó không đúng sự thật. Ngài tha thứ tất cả mọi thứ. Nếu anh chị em ăn năn và đi xưng tội, Ngài sẽ tha thứ tất cả mọi thứ. Nhiều khi Ngài thậm chí không để cho anh chị em kịp nói đâu! Ngay khi anh chị em cầu xin được thứ tha thì Ngài đã để cho anh chị em cảm nhận được niềm vui được tha thứ ngay cả trước khi anh chị em xưng thú hết mọi tội. “
Tiếp theo, Đức Thánh Cha đã mô tả Thiên Chúa vui mừng ra sao khi có ai cầu xin được tha thứ và cùng lúc ấy Ngài “quên ngay” hay gạt ngay ra khỏi bộ nhớ của Ngài những tội lỗi của chúng ta. Đức Thánh Cha giải thích rằng đối với Thiên Chúa điều quan trọng là chúng ta gặp gỡ Ngài. Xưng tội không phải là ra tòa nhưng là gặp gỡ với Thiên Chúa.
“Xưng tội thường có vẻ giống như một thủ tục, một hình thức. Mọi thứ có vẻ máy móc! Đừng! Trong trường hợp như thế thì còn đâu cuộc gặp gỡ với Chúa, Đấng tha tội cho anh chị em, ôm anh chị em vào lòng và vui mừng? Và đây là Thiên Chúa của chúng ta Đấng lòng lành vô cùng. Vì thế, chúng ta cần phải dạy bảo nhau: dạy cho con em chúng ta, dạy cho những thanh niên thiếu nữ của chúng ta biết xưng tội cho nên, bởi vì đi xưng tội không phải là đi đến một tiệm giặt ủi để làm sạch một vết dơ. Không! Xưng tội là về gặp Cha Đấng hòa giải, Đấng tha thứ cho chúng ta, và vui mừng.”
2. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! ” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”
Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”
“Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:39-43)
Những giây phút còn lại đang dần qua khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết; sức sống và sức mạnh của Ngài đang kiệt dần. Tuy thế, Ngài vẫn còn chút sức lực để thực hiện cử chỉ yêu thương cuối cùng cho một trong hai người bị kết án tử hình là những người đang bên cạnh Ngài trong giờ phút bi thảm này, khi mặt trời công chính còn cao vời vợi trên thiên quốc. Giữa Chúa Kitô và con người đó, một cuộc đàm thoại ngắn ngủi đã diễn ra, với hai câu thiết yếu.
Đầu tiên là lời thỉnh cầu của người tội phạm mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!” Hầu như anh ta đang xướng lên một phiên bản “Kinh Lạy Cha” của cá nhân anh với lời cầu “Nước Chúa trị đến!”. Nhưng anh ta đọc kinh ấy trực tiếp với Chúa Giêsu, kêu tên Người, một danh xưng có ý nghĩa ngoại thường trong giờ phút đó: “Thiên Chúa cứu chuộc”. Sau đó là một lời thỉnh cầu “Xin nhớ đến tôi nhé!”. Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh động từ “nhớ” này có một lực đặc biệt chuyển tải nhiều hơn từ “nhớ” không có chút sắc mầu nào của chúng ta. Đó là từ thở ra sự xác tín như thể nói: “Xin giữ gìn tôi, xin đừng bỏ tôi, như bằng hữu nâng đỡ và bảo vệ tôi!”.
Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”. Từ “Thiên Đàng” này rất hiếm thấy trong Thánh Kinh. Thật vậy, từ này chỉ xuất hiện hai lần nữa trong Tân Ước. Trong nghĩa nguyên thủy từ này gợi ra một khu vườn huy hoàng và đầy hoa trái. Đó là hình ảnh đẹp của Vương Quốc ánh sáng và hòa bình mà Chúa Giêsu đã công bố trong những lời rao giảng, và đã hé mở với những phép lạ của Ngài, cũng như sẽ nhanh chóng xuất hiện trong vinh quang Phục Sinh. Đó là mục tiêu của cuộc hành trình khó nhọc của chúng ta xuyên suốt lịch sử, đó là sự viên mãn của cuộc sống, đó là sự thân mật trong vòng tay Thiên Chúa. Đó là hồng ân chung cuộc Chúa Kitô trao cho chúng ta, trong sự hy sinh đến chết trên thập giá của Ngài để mở ra vinh quang phục sinh.
Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.
3. Câu chuyện Chúa Giêsu làm sóng yên biển lặng
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Nhìn vào hành trình theo Chúa của các môn đệ, chúng ta chứng kiến nhiều biến cố thú vị, từ những chuyến dong duổi đường dài để rao giảng tin mừng Nước Trời, đến những biến cố lạ thường hoá bánh ra nhiều nuôi sống nhiều ngàn người. Những biến cố ấy đem lại niềm vui và an ủi cho các môn đệ sau những vất vả ngược xuôi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chứng kiến vài biến cố khác nơi mà các ông bị thử thách, phải trải qua những kinh nghiệm khó khăn hơn. Và đó cũng là một phần trên bước đường theo Chúa.
Hôm ấy, khi chiều đến, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Ðức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi ! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?
Chúng ta có thể nhận ra sự nguy cấp trong lời kêu cứu của các môn đệ. Trong số các ông, ít là có bốn người làm nghề chài lưới, thông thuộc biển hồ, thế mà khi sóng to gió lớn ập đến, các ông vẫn bị nỗi sợ bao trùm. “Chúng ta chết mất!”.
Nhìn vào kinh nghiệm của các môn đệ, chúng ta ít nhiều cảm nghiệm tình cảnh của mình trong đời sống thường ngày. Có lẽ cũng có lần chúng ta trải qua thời điểm khó khăn như thế. Kinh nghiệm nỗi đau của bệnh tật, đứng trước sự mất mát của những người thân, hay kinh nghiệm cay đắng của những vấp ngã, thất bại… chúng ta thấy mình bị thử thách tột cùng. Cũng có khi tâm hồn ta rơi vào hoang mang, sợ sệt và sầu khổ. Những lúc ấy, tâm hồn ta rơi vào tình trạng bất an khiến ta thực sự thấy mọi thứ thật tồi tệ, không tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống và những nỗ lực trở nên vô vọng.
Cuộc sống chắc chắn có những thời điểm khó khăn, đức tin của ta chắc chắn có lúc chịu thử thách. Những biến cố ấy giống như những gam màu tối của một bức tranh, chúng giúp làm nổi bật những màu sắc sinh động khác. Nếu chỉ nhìn vào những khổ đau, ta sẽ chỉ nhìn thấy những gam màu tối và quên đi bức tranh tổng thể cuộc đời được tô điểm bằng nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Chúng ta không tìm nỗi buồn nhưng đó là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Một cách tự nhiên, chúng ta có thể lo buồn hay sợ sệt vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, chúng ta không cho phép mình ở mãi trong nỗi buồn ấy. “Đức tin của anh em ở đâu?” là lời tra vấn Đức Giêsu cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta. Chắc chắn, ngang qua thử thách, đức tin của ta được trưởng thành và vững vàng hơn trong niềm trông cậy và Thầy Giêsu.
4. Mục tiêu của hành trình hoán cải
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Chúa Nhật tuần trước phụng vụ đã trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ trong hoang địa, nhưng Chúa chiến thắng cám dỗ này. Dưới ánh sáng Tin Mừng ấy, chúng ta tái ý thức về thân phận tội nhân của chúng ta, và cả chiến thắng trên sự ác được ban cho những người tiến bước trên con đường hoán cải, và cũng như Chúa Giêsu, họ muốn thi hành thánh ý Chúa Cha. Trong Chúa Nhật thứ hai mùa chay này, Giáo Hội chỉ cho chúng ta mục tiêu của hành trình hoán cải ấy, nghĩa là được tham dự vào vinh quang của Chúa Kitô, vinh quang chiếu tỏa trên khuôn mặt của Người là Tôi Tớ vâng phục, chịu chết và sống lại vì chúng ta.
Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 01 tháng Ba. Ngài đã quảng diễn mục tiêu hành trình hoán cải của người Kitô hữu như sau:
Phúc Âm thuật lại biến cố hiển dung, được đặt nơi cao điểm sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Người đang trên đường tiến về Jerusalem, nơi mà các lời tiên trì về “Người Tôi Tớ” Thiên Chúa sẽ được ứng nghiệm viên mãn và hy tế cứu chuộc của Người sẽ được hoàn thành. Đứng trước viễn tượng một Đấng Messia trái ngược với mong đợi trần tục của mình, đám đông rời bỏ Người. Họ nghĩ rằng Đấng Messia là vị giải thoát quê hương họ khỏi sự thống trị của người Roma; nhưng viễn tượng này của Chúa Giêsu không làm cho họ hài lòng và họ bỏ Người. Cả các Tông Đồ cũng không hiểu những lời Chúa Giêsu loan báo sự kết thúc sứ mạng của Người trong cuộc khổ nạn vinh hiển. Họ không hiểu, vì thế Chúa Giêsu tỏ cho Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy trước vinh quang của Người, sẽ diễn ra sau khi Người sống lại, để củng cố họ trong đức tin và khích lệ họ theo Người trên con đường Thập Giá. Trên núi cao ấy, chìm đắm trong kinh nguyện, Chúa hiển dung trước mặt họ: Mặt Người và toàn thân tỏa sáng chói lòa. Cả 3 môn đệ kinh hãi, trong khi một đám mây bao phủ các vị và từ trên cao vang vọng tiếng Chúa Cha – giống như khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giordan-: “Đây là Con yêu dấu của Ta: Hãy nghe lời Người!” (Mc 9,7). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trở thành Tôi Tớ, được sai xuống trần thế để thực thi dự án cứu độ qua Thập Giá. Sự hoàn toàn gắn bó với Thánh Ý Chúa Cha làm cho nhân tính của Người chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa là Tình Thương”.
Thế là Chúa Giêsu tỏ mình ra như một hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, tỏa lan vinh quang Thiên Chúa. Đó là sự viên mãn mạc khải, vì thế ở cạnh Người lúc hiển dung có Môisê và Elia xuất hiện, tượng trưng cho Lề Luật và các Ngôn Sứ. Như thể cho thấy rằng tất cả đều bắt đầu và kết thúc trong Chúa Giêsu.
Mệnh lệnh được truyền cho các môn đệ và chúng ta là: “Các con hãy nghe Người! Hãy lắng nghe Chúa Giêsu. Chính Người là Đấng Cứu Thế, hãy bước theo Người. Thực vậy, lắng nghe Chúa Kitô bao hàm sự đón nhận con đường mầu nhiệm phục sinh của Chúa, lên đường đồng hành với Chúa để biến cuộc sống của mình thành một món quà tình thương cho tha nhân, trong sự ngoan ngoãn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, với thái độ không dính bén những sự trần thế và tự do trong nội tâm. Nói khác đi, cần phải sẵn sàng ”mất mạng sống mình” (Xc Mc 89,35), hiến mạng sống của mình, để mọi người được cứu thoát và như thế chúng ta gặp lại nhau trong hạnh phúc vĩnh cửu. Con đường của Chúa Giêsu luôn mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Trên con đường ấy có thánh giá, thử thách, nhưng luôn có hạnh phúc. Chúa Giêsu không đánh lừa chúng ta: Người hứa cho chúng ta được hạnh phúc và Người sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta tiến bước trên con đường của Người”.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Cùng với thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, cả chúng ta cũng lên núi Hiển Dung và dừng lại chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu, để đón nhận từ đó sứ điệp và diễn tả sứ điệp đó trong cuộc sống của chúng ta; để cả chúng ta cũng có thể được Đấng Là Tình thương biến đổi. Trong thực tế, Tình Thương biến đổi mọi sự. Anh chị em có tin điều đó hay không?.. Xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong hành trình này, và giờ đây chúng ta cầu khẩn Mẹ qua kinh Truyền tin”.
5. Hãy tự phán xét chính mình trước
Thật là dễ dàng để phán xét người khác, nhưng chúng ta chỉ có thể tiến trên cuộc hành trình Kitô của chúng ta trong cuộc sống nếu chúng ta có khả năng tự phán xét chính mình trước tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Hai 2 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.
Các bài đọc trong ngày tập trung vào chủ đề lòng thương xót. Đức Giáo Hoàng nhắc lại rằng “chúng ta đều là tội nhân” – không phải chỉ là “về mặt lý thuyết”, nhưng là trong thực tế. Ngài cho rằng, khả năng phán xét bản thân là “một nhân đức Kitô giáo, thực sự còn hơn là một nhân đức” nữa vì nó là bước đầu tiên cho những ai muốn là Kitô hữu.
Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta đều là bậc thầy, đều là các giáo sư trong việc tự biện minh cho mình: ‘Không không phải tôi đâu, không phải là lỗi của tôi, có thể là như thế, nhưng không đến mức đó đâu … không phải như thế đâu … ‘. Chúng ta tất cả đều có một chứng cớ ngoại phạm để giải thích những thiếu sót hay tội lỗi của chúng ta, và chúng ta thường sẵn sàng mang một khuôn mặt vô tội khi nói rằng: ‘Tôi không biết’, một khuôn mặt thật ngây thơ để nói: ‘Tôi đã không làm điều đó, có thể ai đó đã làm’. Điều này không phải là cách để sống một đời sống Kitô hữu”.
Đức Thánh Cha quan sát rằng “Thật dễ dàng hơn nhiều để đổ lỗi cho người khác” nhưng “một cái gì đó kỳ lạ xảy ra nếu chúng ta cố gắng hành xử ngược lại: Nếu chúng ta bắt đầu nhìn vào những điều chúng ta có khả năng làm, thoạt đầu có thể chúng ta ‘cảm thấy xấu, cảm thấy ghê tởm’, nhưng sau đó điều này đem lại ‘cho chúng ta sự bình an và làm cho chúng ta trở nên lành mạnh’.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “khi tôi cảm thấy được lòng ghen tị trong trái tim tôi và tôi biết rằng cái ghen tị này sẽ đưa tôi tới chuyện nói xấu người khác và ám sát họ về mặt đạo đức”, thì đây chính là “sự khôn ngoan trong việc đánh giá chính mình. Nếu chúng ta không học được bước đầu tiên này trong đời, chúng ta sẽ không bao giờ, không bao giờ có thể thực hiện các bước khác trên con đường đời sống Kitô hữu của chúng ta, trong đời sống tinh thần của chúng ta”
“Bước đầu tiên là phải phán xét bản thân mình. Không cần phải nói to lên. Chỉ giữa anh chị em và lương tâm của anh chị em biết là đủ. Khi đi bộ trên đường phố ngang qua một nhà tù, tôi nói: ‘Vâng, chúng xứng đáng bị như thế’ – ‘Tuy nhiên, anh chị em có biết rằng nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, anh chị em liệu có thoát được cảnh đó không? Anh chị em có nghĩ rằng mình cũng có thể làm ra những điều họ đã làm, thậm chí còn tồi tệ hơn thế nữa không? Đây là ý nghĩa của việc tự đánh giá bản thân, mà không che giấu đi những căn cội tội lỗi có trong tất cả chúng ta, những thứ mà chúng ta có khả năng gây ra, ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy chúng” .
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến một nhân đức khác là sự xấu hổ trước mặt Thiên Chúa, trong một cuộc đối thoại trong đó chúng ta nhận ra sự xấu hổ về tội lỗi của chúng ta và sự vĩ đại của lòng thương xót của Thiên Chúa.
“Lạy Chúa là Thiên Chúa con, xin thương xót con và tha thứ cho con. Con thật xấu hổ về con và xấu hổ trước lòng thương xót và tha thứ của Chúa.” Trong mùa Chay này, thật là tốt cho tất cả chúng ta để có cuộc đối thoại tự buộc tội mình như thế với Chúa. Chúng ta hãy cầu xin lòng thương xót. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót”. Khi một người học biết buộc tội chính mình trước hết, thì người ấy cũng học được lòng thương xót dành cho những người khác vì “Tôi là ai để phán xét, nếu tôi có thể làm những điều còn tồi tệ hơn thế nữa?”.
Cụm từ: “Tôi là ai mà phán xét người khác?” là tuân theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Đừng phán xét và anh em sẽ khỏi bị phán xét; đừng kết tội ai để khỏi bị kết tội. Hãy tha thứ thì anh em cũng được thứ tha”.
Nếu không như thế thì nó làm rõ nét “lòng ham thích đến là ngần nào của chúng ta muốn xét đoán người khác và nói xấu họ”
Đức Thánh Cha kết luận rằng trong Mùa Chay này xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để học được cách đánh giá chính mình và hiểu rõ rằng chúng ta có khả năng làm ra những điều xấu xa nhất và hãy nói “Xin thương xót con, Lạy Chúa, xin giúp con biết xấu hổ và xin ban cho con lòng thương xót, để con có thể thương xót những người khác”.
Nguồn: Vietcatholic News