Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 22/01-28/01/2015

Video Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 22/01-28/01/2015

 

Câu chuyện những người làm vườn nho cho Chúa

1. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta tất cả mọi tội lỗi

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói xưng tội không phải là ra tòa nhưng là gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng tha thứ tất cả mọi tội lỗi của chúng ta, không trừ một tội nào. Đức Thánh Cha đã đưa ra nhận định này trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 23 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Dựa trên một đoạn trích từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái, Đức Giáo Hoàng nói Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta tất cả mọi tội lỗi, luôn luôn là như vậy và không có ngoại lệ nào. Ngài lại còn vui mừng khi có ai đó cầu xin Ngài tha thứ. Đức Thánh Cha nói thêm là Thiên Chúa, là Đấng hòa giải, đã chọn Chúa Giêsu để thiết lập một giao ước mới với nhân loại và nền tảng của giao ước này là sự tha thứ tội lỗi của chúng ta.

“Trước hết, Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài không mệt mỏi về điều này. Chính chúng ta mới là những người cảm thấy mệt mỏi xin tha thứ. Còn Ngài thì không mệt mỏi thứ tha cho chúng ta. Khi Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: ‘Con phải tha thứ bao nhiêu lần? Bảy lần được không?’ – ‘Không phải là bảy lần? nhưng là bảy mươi lần bảy’. Nghĩa là luôn luôn. Đó là cách Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta: luôn luôn. Nếu anh chị em đã sống một cuộc sống chồng chất bao nhiêu là tội lỗi, bao nhiêu là những điều xấu xa, nhưng cuối cùng trong một thoáng ăn năn, anh chị em cầu xin sự tha thứ, Ngài sẽ ngay lập tức thứ tha cho anh chị em! Ngài luôn luôn tha thứ cho chúng ta. “

Đức Thánh Cha cho biết một nỗi hoài nghi có thể ập đến trong con tim một người là Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta tới mức nào. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng tất cả những gì anh chị em phải làm là ăn năn và xin được tha thứ; và anh chị em không phải trả gì cả vì Chúa Kitô đã trả thay cho chúng ta.

“Không có tội lỗi nào mà Ngài không tha thứ. Ngài tha thứ tất cả mọi thứ. ‘Nhưng mà thưa cha, con không đi xưng tội đâu vì con đã phạm quá nhiều những tội lỗi rất xấu xa, rất nhiều đến mức chắc là con không được tha thứ đâu….’ Không, điều đó không đúng sự thật. Ngài tha thứ tất cả mọi thứ. Nếu anh chị em ăn năn và đi xưng tội, Ngài sẽ tha thứ tất cả mọi thứ. Nhiều khi Ngài thậm chí không để cho anh chị em kịp nói đâu! Ngay khi anh chị em cầu xin được thứ tha thì Ngài đã để cho anh chị em cảm nhận được niềm vui được tha thứ ngay cả trước khi anh chị em xưng thú hết mọi tội. “

Tiếp theo, Đức Thánh Cha đã mô tả Thiên Chúa vui mừng ra sao khi có ai cầu xin được tha thứ và cùng lúc ấy Ngài “quên ngay” hay gạt ngay ra khỏi bộ nhớ của Ngài những tội lỗi của chúng ta. Đức Thánh Cha giải thích rằng đối với Thiên Chúa điều quan trọng là chúng ta gặp gỡ Ngài. Xưng tội không phải là ra tòa nhưng là gặp gỡ với Thiên Chúa.

“Xưng tội thường có vẻ giống như một thủ tục, một hình thức. Mọi thứ có vẻ máy móc! Đừng! Trong trường hợp như thế thì còn đâu cuộc gặp gỡ với Chúa, Đấng tha tội cho anh chị em, ôm anh chị em vào lòng và vui mừng? Và đây là Thiên Chúa của chúng ta Đấng lòng lành vô cùng. Vì thế, chúng ta cần phải dạy bảo nhau: dạy cho con em chúng ta, dạy cho những thanh niên thiếu nữ của chúng ta biết xưng tội cho nên, bởi vì đi xưng tội không phải là đi đến một tiệm giặt ủi để làm sạch một vết dơ. Không! Xưng tội là về gặp Cha Đấng hòa giải, Đấng tha thứ cho chúng ta, và vui mừng.”

2. Chúa Giêsu vẫn đang cầu bầu cho chúng ta

Trình bày những suy tư của ngài về bài Phúc Âm trong ngày Thứ Năm Sau Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên 21 Tháng Giêng (Mc 3: 7-12), kể về đám đông dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu từ mọi miền, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng dân Chúa nhìn thấy nơi Chúa Giêsu “một niềm hy vọng, bởi vì cách ứng xử, và giảng dạy của Ngài chạm đến con tim của họ, đến tâm hồn họ, bởi vì giáo huấn của Ngài có sức mạnh của Lời Chúa “:

“Người dân cảm thấy điều này, và thấy rằng những lời hứa đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, và nơi Chúa Giêsu loé lên những tia hy vọng. Người dân đã có chút chán nản với cách giảng dạy đức tin của các nhà thông luật thời đó, là những người chồng chất trên vai người dân rất nhiều điều răn, rất nhiều giới luật, nhưng không chạm được đến con tim người dân. Và khi mọi người nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe những đề xuất của Ngài là Tám Mối Phúc Thật, họ cảm thấy một cái gì đó khuấy động bên trong – chính là Chúa Thánh Thần đang khuấy động tâm hồn họ. Và họ đi đến gặp Đức Giêsu”

Tìm kiếm Thiên Chúa với một ý định thanh khiết

Đám đông đến với Chúa Giêsu để được chữa lành: nghĩa là, họ tìm kiếm lợi ích riêng cho mình. “Không bao giờ chúng ta có thể theo Chúa với một ý định thanh khiết ngay từ đầu: bao giờ chúng ta cũng tìm kiếm Thiên Chúa vì một chút cho chúng ta, và một chút cho Thiên Chúa – và rồi chính cuộc hành trình sẽ thanh lọc ý định này. Mọi người ra đi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng họ cũng tìm Ngài vì sức khỏe của họ, vì muốn được chữa lành – và họ nhào đến Ngài, chạm vào Ngài, hy vọng rằng chút sức mạnh nào đó có thể phát ra từ Ngài và chữa lành cho họ.”

Chúa Giêsu cứu rỗi chúng ta

Đức Thánh Cha giải thích rằng điều quan trọng nhất không phải là việc Chúa Giêsu chữa lành những bệnh tật phần xác cho chúng ta. Nhưng là điều sau đây: những sự chữa lành này là một dấu chỉ của một sự chữa lành khác. Cũng vậy, điều quan trọng nhất không phải là Chúa Giêsu nói những lời làm rung động con tim. Nhưng là vì những lời ấy giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa như đã được mô tả trong Thư gửi tín hữu Do Thái (7:25), “Chúa Giêsu có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.”

“Chúa Giêsu cứu chúng ta! Những sự chữa lành này, những lời đến được con tim này, là dấu chỉ và là khởi đầu của ơn cứu độ – là con đường cứu rỗi cho đông đảo những người bắt đầu đến nghe Chúa Giêsu, hoặc đến xin một sự chữa lành và sau đó trở lại với Ngài và cảm nhận được ơn cứu rỗi.” 

Đức Thánh Cha nêu câu hỏi là: “Tuy nhiên, điều gì là quan trọng nhất? Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật chăng? Không, đó không phải là điều quan trọng nhất. Hay là những lời Ngài dạy chúng ta chăng? Đó cũng không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là Ngài cứu rỗi chúng ta! Ngài là Cứu Chúa và chúng ta được Chúa cứu rỗi. Đây là điều quan trọng nhất, và đây là sức mạnh đức tin của chúng ta “

Chúa Giêsu cầu bầu cho chúng ta

Chúa Giêsu lên trời cùng Chúa Cha, “và từ đó Ngài tiếp tục cầu bầu, mỗi ngày, mỗi lúc cho chúng ta.”

“Điều này liên quan với chúng ta ngày nay. Chúa Giêsu đứng trước mặt Chúa Cha, hiến mạng sống của Người để cứu độ muôn dân – Ngài cho Chúa Cha thấy vết thương của Ngài như là giá cứu chuộc – và do đó, mỗi ngày, Chúa Giêsu đều cầu bầu cho chúng ta. Khi chúng ta, vì điều này điều khác vấp ngã, chúng ta hãy nhớ rằng chính Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho chúng ta, liên tục cầu bầu cho chúng ta. Quá thường khi chúng ta quên điều này và nghĩ rằng “Chúa Giêsu à … nhưng mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã lên trời rồi và gửi Thánh Thần Chúa đến cho chúng ta, hết chuyện rồi.” Không! Ngay cả bây giờ, trong từng giây phút, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cầu bầu cho chúng ta. Ngài đang cầu thay cho tôi trong lời cầu nguyện này: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin dủ lòng thương xót con’. Hãy hướng về Chúa, và khẩn khoản xin lời cầu bầu này.”

Sự “nhạy cảm” của dân Chúa

Chúng ta phải nhớ kỹ điểm chính yếu này là Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Đấng cầu bầu cho chúng ta. Đám đông tìm Chúa Giêsu với một hy vọng trực giác phù hợp với dân Chúa, là những người lúc đó đang trông chờ Đấng Mêsia, và họ tìm thấy nơi Ngài sức khỏe, sự thật, ơn cứu rỗi, vì Ngài là Đấng Cứu Độ và là Đấng Cứu Thế ngay cả bây giờ, tại thời điểm này, vẫn đang cầu thay cho chúng ta. Cầu xin cho cuộc sống Kitô của chúng ta ngày càng trở nên xác tín hơn rằng chúng ta được cứu rỗi, chúng ta có một Đấng Cứu Độ, Chúa Giêsu ngự bên phải Chúa Cha đang chuyển cầu cho chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta hiểu được những điều này.”

3. Câu chuyện những người làm vườn nho cho Chúa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Theo Chúa chúng ta được gì và mất gì? Đó là một câu hỏi đôi lúc vang lên trong lòng chúng ta, những môn đệ của Chúa Kitô ngày nay.

Đó cũng là câu hỏi đã khuấy động tâm hồn của các tông đồ, là những người đã được chính Chúa Giêsu chọn trên những nẻo đường rao giảng nước Thiên Chúa của Ngài.

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ítraen. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

“Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đối với với những ai thật sự muốn theo Đức Giêsu, Ngài đều đặt họ vào một chọn lựa giữa Ngài với những đối tượng mà họ yêu quý, trân trọng nhất trên đời. Chỉ khi ta sẵn sàng chọn Ngài và sẵn sàng chấp nhận mất hay từ bỏ đối tượng ta vô cùng yêu quý kia, thì ta mới thật sự xứng danh theo Ngài. 

Thật vậy, Ngài đòi hỏi ta phải quý Ngài hơn bất kỳ người nào, vật nào, cho dù ta có quý mến hay gắn bó người hay vật ấy tới đâu. Ngài nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37-38). Vì Ngài chính là kho báu hay viên ngọc quý mà Ngài nói đến trong dụ ngôn Mt 13,44-46: phải sẵn sàng bán hết tất cả mọi thứ mình có, thậm chí tới đồng xu cuối cùng, mới có thể mua được kho báu hay viên ngọc ấy. 

“Sẵn sàng” ở đây là một thái độ tâm linh mà Ngài đòi hỏi tuyệt đối phải có; chứ trong thực tế, chẳng mấy khi Ngài bắt ta phải thật sự “bán hết” tất cả rồi mới đạt được Ngài. Thật vậy, khi ta đã có được thái độ sẵn sàng tuyệt đối ấy, lắm khi Ngài còn cho ta thêm gấp bội những gì ta đã có nữa: “Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30).

4. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua tại công trường thánh Phêrô Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ mọi người tiếp tục cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu. 

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Phúc Âm thánh Marcô kể lại biến cố Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt. Chính trong lúc tiếng nói ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrốt dập tắt, Chúa Giêsu bắt đầu rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường quê hương của Ngài để đem Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Việc loan báo của Chúa Giêsu cũng giống như việc loan báo của thánh Gioan Tẩy Giả chỉ khác một điều là Chúa Giêsu không chỉ cho thấy một đấng khác phải tới nữa, bởi vì chính Ngài là sự thành toàn của các lời hứa, chính Ngài là Tin Mừng cần tin, tiếp nhận và thông truyền cho các người nam nữ thuộc mọi thời đại, để họ cũng tín thác cuộc sống cho Ngài. 

Đức Thánh Cha nói:

Chính Chúa Giêsu là hiện thân Lời hằng sống và hoạt dộng trong lịch sử: ai lắng nghe Ngài và theo Ngài là bước vào Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu là sự thành toàn các lời hứa của Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Đấng trao ban cho con người Chúa Thánh Thần, nước hằng sống giải khát con tim bất an của chúng ta, khát sự sống, tình yêu, sự tự do, hòa bình: khát Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta cảm thấy hay đã cảm thấy con tim mình khát! Chính Chúa Giêsu đã vén mở cho người đàn bà xứ Samaria biết điều dó khi gặp bà bên bờ giếng Giacóp và nói với bà: “Xin cho tôi uống” (Ga 4,7). Chính các lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà xứ Samaria đã là đề tài của Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô, kết thúc hôm nay. Chiều nay cùng với tín hữu giáo phận Roma và đại diện các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội khác nhau chúng ta sẽ tụ tập nhau trong Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành dể cùng nhau tha thiết cầu xin Chúa để Ngài củng cố nỗ lực của chúng ta cho sự hiệp nhất tất cả những người tin nơi Chúa Kitô. Thật là điều xấu, khi các kitô hữu chia rẽ nhau! Chúa Giêsu muốn chúng ta hiệp nhất: là một thân thể. Các tội lỗi của chúng ta, lịch sử, đã chia rẽ chúng ta, vì thế chúng ta phải cầu nguyện biết bao nhiêu để chính Chúa Thánh Thần tái hiệp nhất chúng ta. 

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Khi làm người Thiên Chúa đã lấy cái khát của chúng ta làm cái khát của Người, không phải chỉ khát nước vật chất, mà nhất là cái khát của một cuộc sống tràn đầy, tự do khỏi nô lệ sự dữ và cái chết. Đồng thời, với việc nhập thể Thiên Chúa đã đặt để cái khát đó trong trái tim một người là Đức Giêsu thành Nagiarét. Thiên Chúa khao khát chúng ta, khao khát trái tim của chúng ta, tình yêu của chúng ta và đã đặt sự khát khao đó trong trái tim của Chúa Giêsu. Như vậy, trong con tim của Chúa Kitô cái khát của Thiên Chúa và cái khát của con người gặp nhau. Và ước mong hiệp nhất các môn đệ Ngài thuộc cái khát này. Chúng ta thấy nó được diễn tả trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa Cha trước cuộc khổ nạn: “Để tất cả nên một” (Ga 17,21). Điều Chúa Giêsu muốn là sự hiệp nhất của tất cả. Ma qủy, chúng ta biết đấy, là cha của các chia rẽ, là một kẻ luôn luôn chia rẽ, luôn luôn gây chiến tranh, làm đau khổ biết bao. Rồi Đức Thánh Cha cầu mong như sau:

Ước chi cái khát này của Chúa Giêsu cũng luôn luôn trở thành cái khát của chúng ta!Vì thế chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và dấn thấn cho sự hiệp nhất trọn vẹn của các môn đệ Chúa Kitô, trong niềm xác tín rằng chính Chúa ở bên cạnh chúng ta và nâng đỡ chúng ta với sức mạnh của Thần Khí Ngài để cho mục đích đó mau tới gần. Chúng ta hãy phó thác lời cầu này cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, để Mẹ hiệp nhất tất cả như một bà mẹ tốt lành.

5. Vai trò trước hết và trên hết của phụ nữ trong việc thông truyền đức tin

Vai trò chính yếu và không thể thiếu được của phụ nữ trong việc thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta vào sáng thứ Hai 26 tháng Giêng nhân lễ nhớ hai Thánh Timôthê và Titô – giám mục và là các môn đệ của Thánh Phaolô Tông Đồ. Đức Thánh Cha đã đặc biệt khai triển bức thư thứ hai của Thánh Phaolô gởi ông Timôthê.

Các bà mẹ và bà ngoại thông truyền đức tin

Thánh Phaolô nhắc nhớ là “đức tin chân thành” của Timôthê đến từ đâu: đức tin của người môn đệ ngài đến từ Chúa Thánh Thần, “qua mẹ và bà ngoại” của ông. Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp: “Mẹ và bà ngoại là những người [chủ yếu] thông truyền đức tin”.

Có hai khía cạnh: một là truyền lại đức tin, hai là dạy dỗ những vấn đề đức tin. Đức tin là một ân sủng: người ta không thể nghiên cứu Đức tin. Chúng ta nghiên cứu những khiá cạnh của đức tin, đúng thế, để hiểu đức tin tốt hơn, nhưng chỉ nghiên cứu mà thôi ta sẽ không bao giờ đạt tới được đức tin. Đức tin là một ân sủng của Chúa Thánh Thần, vượt lên tất cả việc đào tạo mang tính”học thuật”.

Đức tin, hơn thế nữa, là một ân sủng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua các “công việc tốt đẹp của các bà mẹ và những người bà, và những công việc đẹp đẽ của những phụ nữ đóng những vai trò này” trong một gia đình”, cho dù họ là người giúp việc hoặc cô dì,” những người đang lưu truyền đức tin.

Câu hỏi được đặt ra là: tại sao những người thông truyền đức tin lại chủ yếu là những phụ nữ? Đơn giản bởi vì Đấng đã mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta là một người phụ nữ. Đó là con đường đã được Chúa Giêsu lựa chọn. Ngài muốn có một người mẹ: hồng ân đức tin đến với chúng ta thông qua những người phụ nữ, như Đức Giêsu đã đến với chúng ta qua Đức Maria.

Trân trọng hồng ân đức tin để đức tin đừng lụi tàn

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Ngày nay, chúng ta cần xem xét liệu người phụ nữ có thực sự nhận thức được nghĩa vụ phải thông truyền đức tin của họ không.” Thánh Phaolô mời gọi Timôthê hãy bảo vệ Đức tin, kho tàng Đức tin, tránh xa “thứ tranh luận ngoại giáo trống rỗng, thứ tranh luận rỗng tuếch của thế giới “

Đức Thánh Cha nói tiếp, “Chúng ta – tất cả chúng ta – đã nhận được hồng ân đức tin. Chúng ta phải giữ gìn nó, ít nhất là để nó không bị tàn lụi, để đức tin vẫn vững mạnh, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần là Đấng đã ban đức tin cho chúng ta”. Chúng ta giữ vững đức tin bằng cách trân trọng và dưỡng nuôi nó mỗi ngày.

Nếu chúng ta không chăm sóc mỗi ngày, không linh hoạt hồng ân này của Thiên Chúa là Đức Tin, nhưng cứ để đức tin chúng ta suy yếu, tan loãng, thì kết cục đức tin chỉ còn là một thứ văn hóa: “Vâng, tôi là một Kitô hữu, đúng lắm “- nhưng chỉ là một thứ văn hóa –một kiến thức ngộ đạo, hay một dạng chuyên biệt của kiến thức:” Vâng, tôi biết rõ tất cả các khía cạnh của đức tin, tôi rành rẽ giáo lý’. Nhưng anh chị em sống đức tin của mình như thế nào? Như thế, điều trọng yếu là phải linh hoạt hồng ân này mỗi ngày: phải đưa nó vào cuộc sống.

Đức tin không thể gia tăng nếu ta nhút nhát và xấu hổ vì đức tin

Thánh Phaolô nói rằng có hai điều đặc biệt tương phản với một đức tin sống động: đó là “tinh thần hèn nhát và xấu hổ”.

Thiên Chúa đã không ban cho chúng ta một tinh thần nhút nhát. Thái độ rụt rè đi ngược lại với hồng ân đức tin: nó không để cho đức tin phát triển, vươn lên, và lớn mạnh. Còn xấu hổ thì là tội lỗi sau đây, [chẳng hạn có người nói] “Vâng, tôi có đức tin, nhưng tôi che đậy nó, để người ta thấy chút chút thôi’. Một chút chỗ này, một chút chỗ kia – như các bậc tiền bối của chúng ta thường gọi là thứ đức tin “nước hoa hồng” – bởi vì tôi xấu hổ không dám sống đức tin mạnh mẽ. Không. Như thế không còn là Đức tin nữa: Đức tin không thể rụt rè cũng không thể xấu hổ. Vậy, đức tin là gì? Thưa, đó là một tinh thần mạnh mẽ, yêu thương, và khôn ngoan: đức tin là như thế”

Đức tin là không thể thương lượng

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng tinh thần của sự khôn ngoan là biết rằng chúng ta không thể làm tất cả mọi thứ chúng ta muốn: nó có nghĩa là tìm kiếm những cách thế để thăng tiến đức tin một cách thận trọng. 

Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Chúng ta cầu xin ân sủng của Chúa để chúng ta có thể có một đức tin chân thành, một đức tin không tương nhượng tùy theo những hoàn cảnh cụ thể, một đức tin được chúng ta linh hoạt mỗi ngày hay ít nhất là xin Chúa Thánh Thần linh hoạt nó cho chúng ta, và làm cho nó sinh nhiều hoa trái”.

Nguồn: vietcatholic.org

h50

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …