Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 21/05 – 27/05/2015: Câu chuyện Đức Giêsu hiện ra ở Biển Hồ Tibêria

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 21/05 – 27/05/2015: Câu chuyện Đức Giêsu hiện ra ở Biển Hồ Tibêria

 

1. Kitô hữu phải luôn nghĩ đến ngày vĩnh biệt cuộc đời

Trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Ba 19 tháng Năm, Đức Thánh Cha nói nhiều người dân Rohingya ở Miến Điện, các tín hữu Kitô và người Yazidis tại Iraq đã buộc phải nói lời chia tay với những ngôi nhà của họ. Cuộc đời của chúng ta đều được đánh dấu bằng những lời tạm biệt và vĩnh biệt có tầm quan trọng khác nhau. Mỗi người chúng ta phải suy nghĩ về sự vĩnh biệt cuối cùng của chúng ta khỏi cuộc sống này và ý nghĩa của sự phó thác trong tay Chúa.

Bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô được cảm hứng từ những lời chia tay của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc thương khó và cái chết, và tiếng khóc của Thánh Phalô trên bãi biển với những người tiễn ngài lên Giêrusalem. 

Dựa trên hai sự kiện này, Đức Thánh Cha đã nói về những lời tạm biệt và vĩnh biệt ghi dấu trong cuộc đời mỗi người chúng ta ra sao, và chúng ta nên đối diện với những biến cố này như thế nào. 

Cuộc sống của chúng ta trong cõi nhân sinh này được tạo thành bởi cơ man những lời tạm biệt và vĩnh biệt lớn nhỏ, trong đó không thiếu những chia tay đẫm lệ và tan nát tâm can.

Đức Thánh Cha nói:

“Ngày hôm nay đây, chúng ta hãy nghĩ đến những người Rohingya tội nghiệp ở Miến Điện. Khi rời bỏ vùng đất của mình để trốn chạy sự đàn áp, họ không biết điều gì sẽ xảy ra với họ. Và họ đã phải ở trên thuyền hàng tháng trời. Họ đến một thị trấn, người ta cho họ thực phẩm và nước uống và bảo họ đi chỗ khác đi. Đó là một lời từ biệt. Lời chia tay hiện sinh này đang diễn ra trong thời đại chúng ta. Chúng ta cũng hãy suy nghĩ về những lời chia tay của các Kitô hữu và người Yazidis Iraq, là những người tin rằng họ không còn có thể quay trở lại vùng đất của họ vì họ đã bị đuổi khỏi những ngôi nhà thân yêu của mình. Điều này đang xảy ra ngay bây giờ.” 

Đức Giáo Hoàng nói có những chia tay nhỏ như khi một người mẹ ôm đứa con trai sắp ra chiến trường và rồi có cái vĩnh biệt sau cùng khi một người rời khỏi thế giới này. Ngài nhận xét rằng chia tay là một chủ đề được khám phá nhiều trong nghệ thuật và trong những bài hát.

“Tôi đang nghĩ đến một điều đó là trung đoàn Alpini của Ý, khi sĩ quan chỉ huy tạm biệt những người lính của mình, đến di chúc của viên sĩ quan này. Tôi đang nghĩ đến cái chia tay lớn của tôi, khi tôi không nói ‘hẹn gặp lại nhé’, ‘tạm biệt’, nhưng là ‘vĩnh biệt’. Hai bài đọc đều dùng chữ ‘addio’ (chia tay theo nghĩa cuối cùng). Thánh Phaolô phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, và Chúa Giêsu trao phó các môn đệ Người vẫn còn trên dương thế này cho Chúa Cha. ‘Họ không thuộc về thế gian này.. xin Cha gìn giữ họ’. Chúng ta chỉ nói ‘vĩnh biệt’ tại thời điểm của những chia tay sau cùng, khi chia tay cuộc sống này hay là vĩnh viễn không còn trông thấy nhau. 

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng mỗi người chúng ta phải suy nghĩ về ngày vĩnh biệt cuối cùng của mình hay ngày mình qua đời và tự vấn lương tâm của chúng ta, như Chúa Giêsu và Thánh Phaolô đã làm.

“Tôi sẽ để lại cho đời cái gì? Cả Chúa Giêsu và thánh Phaolô trong hai bài đọc đều thực hiện một loại xét mình: ‘Tôi đã làm điều này, điều nọ và điều kia. .. Và tôi đã làm được những gì? Sẽ tốt cho tôi để tưởng tượng ra bản thân mình tại thời điểm đó. Chúng ta không biết khi đó sẽ xảy ra những gì, nhưng khi đó những thành ngữ như ‘gặp lại sau nhé’, ‘mong sớm gặp lại’, ‘ngày mai gặp lại nhé’, ‘tạm biệt’… sẽ trở thành ‘vĩnh biệt’ – addio. Liệu tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, để tín thác nơi Ngài, để nói với Chúa những lời của đứa con đặt mình trong tay Cha?”

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết làm thế nào để nói lời vĩnh biệt và thật sự phó thác cho Thiên Chúa ở cuối cuộc đời của chúng ta.

2. Hãy để cái nhìn của Chúa Giêsu thay đổi tâm hồn chúng ta

Mỗi người trong chúng ta nên xin Chúa Giêsu đoái nhìn chúng ta và bảo cho chúng ta biết chúng ta cần phải làm những gì để thay đổi con tim mình và ăn năn những tội lỗi đã phạm. Chúng ta nên suy nghĩ xem Chúa Giêsu đang nhìn chúng ta với một lời mời gọi, với một sự tha thứ hay với một sứ mệnh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra nhận xét trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 22 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta.

Lấy cảm hứng từ các bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài trên ba cách thức khác nhau mà Chúa Giêsu đã đưa mắt nhìn Tông Đồ Phêrô. Ba ánh mắt khác nhau ấy bao gồm ánh mắt của sự lựa chọn, ánh mắt của sự tha thứ và ánh mắt trao ban sứ vụ.

Đức Thánh Cha nhắc lại bài Phúc Âm đã tường thuật ra sao về việc Tông Đồ Anrê nói với anh mình là ông Phêrô rằng họ đã gặp được Đấng Thiên Sai và đưa ông đến gặp Đức Giêsu. Chúa Kitô nhìn ông và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan. Anh sẽ được gọi là Phêrô (Kêpha) có nghĩa là Đá. Đức Thánh Cha nói Phêrô đã rất nhiệt tình sau cái nhìn đầu tiên ấy của Chúa Giêsu và muốn theo Chúa chúng ta ngay.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Nhưng mà sau đó, vào buổi tối trước khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Phêrô đã chối Chúa ba lần và khi Chúa Giêsu quay lại và nhìn thẳng vào ông sau khi ông chối Chúa lần thứ ba, Phêrô đã bật khóc.”

“Phúc âm của Thánh Luca nói: ‘Ông Phêrô khóc lóc thảm thiết’. Nhiệt tình theo Chúa Giêsu trước đó đã biến thành nỗi đau, vì ông đã phạm tội: Ông đã phủ nhận từng biết Chúa. Cái nhìn ấy của Chúa Giêsu đã thay đổi con tim của Phêrô, còn nhiều hơn cả cái nhìn trước đó. Sự thay đổi đầu tiên là được có một tên mới và một ơn gọi mới. Trong khi ánh mắt thứ hai của Chúa Giêsu là một cái nhìn thay đổi con tim ông và hình thành sự hoán cải cho tình yêu”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng cái nhìn thứ ba Chúa Giêsu dành cho Phêrô là cái nhìn giao phó sứ vụ. Khi Ngài hỏi ông ba lần ông có mến Chúa không trước khi giao phó nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của Ngài. Đức Thánh Cha lưu ý rằng Phúc Âm đã mô tả ông Phêrô cảm thấy buồn ra sao khi Chúa Giêsu hỏi ông tới ba lần cùng một câu hỏi đó.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

“Buồn vì Chúa Giêsu hỏi ông tới ba lần ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?’ và ông đáp lại: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.’ Chúa Giêsu đáp lại: ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.’ Đây là cái nhìn thứ ba, cái nhìn giao phó sứ vụ. Cái nhìn thứ nhất là cái nhìn lựa chọn khơi dậy một lòng nhiệt thành muốn theo Chúa; cái nhìn thứ hai là cái nhìn thứ tha khơi dậy lòng ăn năn vào thời điểm của một tội lỗi nghiêm trọng là chối Chúa; cái nhìn cuối cùng là cái nhìn sứ vụ: ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy’, ‘Hãy dưỡng nuôi đoàn chiên của Thầy’”

Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn hãy suy nghĩ về cái nhìn của Chúa Giêsu dành cho chúng ta hôm nay.

“Cả chúng ta cũng nên suy tư xem ánh mắt nào Chúa Giêsu dành cho tôi ngày hôm nay là gì? Chúa Giêsu đang nhìn tôi như thế nào đây? Với một lời mời gọi? hay với một sự tha thứ? Hay với một sứ mệnh? Trên con đường Ngài đã vạch ra, tất cả chúng ta đang được Chúa Giêsu đưa mắt nhìn. Ngài luôn luôn nhìn chúng ta với tình yêu. Ngài kêu gọi chúng ta một điều gì đó, Ngài tha thứ cho chúng ta cho một cái gì đó và Ngài trao ban cho chúng ta một sứ mệnh. Chúa Giêsu đang ngự trên bàn thờ. Xin cho mỗi người trong chúng ta biết nghĩ rằng: ‘Lạy Chúa, Chúa ở đây, giữa chúng con. Xin đoái nhìn đến con và cho con biết con phải làm gì: làm sao con ăn năn những sai lầm của con, tội lỗi của con; con cần sự can đảm nào để đi tiếp trên con đường mà Chúa đã vạch ra ban đầu.”

3. Câu chuyện Đức Giêsu hiện ra ở Biển Hồ Tibêria

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô “Hãy để cái nhìn của Chúa Giêsu thay đổi tâm hồn chúng ta” mà Hà Thu và Kim Thúy vừa trình bày đề cập đến câu chuyện Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô 3 lần “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” mặc dù thánh nhân đã trả lời “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Bối cảnh câu chuyện này là biến cố Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ ngài ở Biển Hồ Tibêria mà Như Ý xin được thuật hầu quý vị và anh chị em sau đây:

Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư? “ Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó! “ Vừa nghe nói “Chúa đó! “, ông Simôn Phêrô vội rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây! “ Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn! “ Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? “ Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? “ Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không? “ Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? “ Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hãy thả lưới xuống bên phải. Thánh Phêrô và các môn đệ là những ngư phủ lành nghề, họ đã làm việc vất vả cả đêm mà không bắt được gì cả. Tuy nhiên, từ bờ biển, Đức Kitô ra lệnh cho họ và khi họ làm theo sự chỉ dẫn của Người, họ đã bắt được một mẻ cá lớn.

Khi chúng ta có những khả năng và năng khiếu thì chúng ta nên vận dụng chúng. Tuy nhiên, những nỗ lực làm việc tông đồ sẽ không sinh hoa kết quả nếu chúng ta không hành động theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta đảm nhận một việc gì, trước hết hãy hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, Ngài muốn chúng con làm gì?” hay “Lạy Chúa, Ngài muốn chúng con nói gì?”

Chúng ta hãy tìm kiếm thánh ý Chúa dành cho chúng ta là gì như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói hôm thứ Sáu 22 tháng 5. 

“Chúng ta nên suy tư xem ánh mắt nào Chúa Giêsu dành cho tôi ngày hôm nay là gì? Chúa Giêsu đang nhìn tôi như thế nào đây? Với một lời mời gọi? hay với một sự tha thứ? hay với một sứ mệnh? Lạy Chúa, Chúa ở đây, giữa chúng con. Xin đoái nhìn đến con và cho con biết con phải làm gì: làm sao con ăn năn những sai lầm của con, tội lỗi của con; con cần sự can đảm nào để đi tiếp trên con đường mà Chúa đã vạch ra ban đầu.”

4. Kitô hữu được mời gọi để nên một

Vết thương của Chúa Giêsu là “giá” mà Ngài đã phải trả cho Giáo Hội được hiệp nhất mãi mãi với Ngài và với Chúa Cha. Kitô hữu ngày nay được kêu gọi để xin ơn hiệp nhất và chiến đấu chống lại tất cả “tinh thần chia rẽ, chiến tranh, và ghen tị.”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng Thứ Năm 21 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “lời cầu nguyện lớn của Đức Giêsu” là Giáo Hội được hiệp nhất – là các Kitô hữu được “nên một” như Chúa Giêsu với Chúa Cha. Trình bày những suy tư của ngài trên các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa cộng đoàn trở lại không khí của bữa tiệc ly – không lâu trước khi Đức Kitô trao ban cho chính Ngài trong cuộc Thương Khó. Nhắc lại lời nói nghiêm trọng mà Đức Kitô ủy thác cho các Tông Đồ, Đức Thánh Cha cảnh báo chúng ta chống lại các chước cám dỗ của thế gian là sấp mình thờ lạy “người cha khác” là ma quỷ, là đứa gian trá và gây chia rẽ.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã trình bày 3 điểm chính là Giá của sự hiệp nhất, Các khuôn mặt của sự chia rẽ và Đoàn kết là ân sủng, không phải là “chất keo”

Giá của sự hiệp nhất

Đức Thánh Cha nhận xét rằng thật an ủi khi nghe Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha rằng Ngài không muốn chỉ cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài mà thôi nhưng còn cho cả những ai sẽ tin vào Ngài “thông qua lời của các môn đệ” Ngài. Đó là một cụm từ quen thuộc, nhưng Đức Giáo Hoàng nhận định rằng lời ấy có một giá trị đặc biệt đáng chú ý đến.

“Có lẽ, chúng ta không chú ý đủ đến những lời này: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho tôi! Điều này thực sự là một nguồn mạch đem lại sự tự tin cho chúng ta. Người cầu nguyện cho tôi, Người cầu nguyện cho tôi. .. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh khi Chúa Giêsu đứng trước mặt Chúa Cha trên Thiên Đàng. Ngài cầu nguyện cho chúng ta, Ngài cầu nguyện cho tôi và những gì Chúa Cha thấy là vết thương, là giá Chúa Giêsu đã phải trả cho chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi với những vết thương của Ngài, và với trái tim đầy thương tích của Ngài và Ngài sẽ tiếp tục làm như vậy.”

Các khuôn mặt của sự chia rẽ

Chúa Giêsu cầu nguyện “cho sự hiệp nhất của dân Ngài, cho Giáo Hội.” Nhưng Chúa Giêsu biết rằng “tinh thần của thế gian” là “tinh thần của chia rẽ, chiến tranh, ghen tị, ganh ghét ngay cả trong gia đình, ngay cả trong cộng đoàn tôn giáo, thậm chí trong các giáo phận trong toàn thể Giáo Hội: đó là sự cám dỗ lớn. “Đó là điều dẫn chúng ta đến với ngồi lê đôi mách, gán cho nhau những nhãn hiệu, chụp mũ người khác. Đó là những thái độ và hành vi mà chúng ta được mời gọi để xa lánh”

“Chúng ta phải nên một, chỉ được là một mà thôi, như Chúa Giêsu và Chúa Cha là một. Điều này chính xác là một thách thức đối với tất cả các Kitô hữu chúng ta: đó là không chiều theo sự chia rẽ giữa chúng ta, không để cho tinh thần chia rẽ, cho ma quỷ là cha của mọi điều dối trá hiện diện giữa chúng ta. Hãy tiếp tục tìm kiếm sự hiệp nhất. Tất cả mọi người đều có những khác biệt với người khác, nhưng chúng ta phải cố gắng để sống trong tình hiệp nhất. Chúa Giêsu có tha thứ cho anh chị em không? Ngài tha thứ cho tất cả mọi người. Sao chúng ta không tha thứ cho nhau? Chúa Giêsu cầu nguyện để chúng ta hiệp nhất, nên một. Và Giáo Hội có nhu cầu rất lớn cho lời cầu nguyện hiệp nhất này”

Đoàn kết là ân sủng, không phải là “chất keo”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa rằng một Giáo Hội được gắn kết lại với nhau bằng “chất keo” đơn giản là không tồn tại – Bởi vì sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “là một ân sủng của Thiên Chúa” và là “một cuộc đấu tranh” vất vả để giành được chiến thắng trên trái đất này. “Chúng ta phải có chỗ cho Chúa Thánh Thần, để chúng ta được biến đổi để nên một như Chúa Cha trong Chúa Con”

“Một lời khuyên khác Chúa Giêsu đã trối lại trước khi Ngài lìa xa các môn đệ là hãy ở lại trong Ngài” Và Ngài xin cho chúng ta ân sủng là tất cả chúng ta ở lại trong Ngài. Và này đây Ngài chỉ cho chúng ta thấy tại sao: ‘Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con’ nghĩa là ở mãi với Chúa Giêsu, trong thế giới của Ngài, luôn ở lại trong Ngài ‘để họ được chiêm ngưỡng vinh quang của con’”

5. Sứ mệnh giáo dục con cái của các gia đình

Các cộng đoàn kitô được mời gọi cống hiến sự yểm trợ cho sứ mệnh giáo dục của các gia đình, trước hết bằng Lời Chúa. Một nền giáo dục tốt trong gia đình là cột sống của thuyết nhân bản. Nếu nền giáo dục gia đình tìm lại được sự nâng đỡ cần thiết, nhiều điều sẽ được thay đổi một cách tốt đẹp hơn cho những bậc cha mẹ đang hoang mang và cho những con cái đang thất vọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ Tư hàng tuần hôm 20 tháng Năm. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý về sứ mệnh giáo dục con cái của các gia đình. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha ứng khẩu nói như sau: Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn chào đón anh chị em vì thấy có biết bao nhiêu gia đình. Xin chào các gia đình. Chúng ta tiếp tục suy tư về gia đình, về đặc tính nòng cốt của gia đình hay ơn gọi tự nhiên của gia đình là giáo dục con cái, để chúng lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với chính mình và đối với tha nhân. Điều mà chúng ta đã nghe từ đầu từ thư của thánh Phaolô thật là hay đẹp: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Hỡi các người cha, đừng làm cho con cái bực tức để chúng không ngã lòng” (Cl 3,20-21). Đây là một luật khôn ngoan: người con được giáo dục lắng nghe cha mẹ và vâng lời cha mẹ. Cha mẹ đừng ra những lệnh truyền khiến con cái ngã lòng.

Thật thế con cái phải lớn lên từng bước một, mà không chán nản. Nếu anh chị em là cha mẹ mà nói với con cái như thế này: Chúng ta hãy leo lên cái thang nhỏ này và cầm tay chúng từng bước một cho chúng leo, thì mọi chuyện xuôi chảy.

Nhưng nếu anh chị em nói: “Con hãy đi lên”- “Nhưng con không thể”. “Đi lên đi, nói chẳng nghe gì hết cả”. Điều này là làm cho con cái nản lòng đấy: vì chúng ta đòi hỏi ở con cái điều chúng không có khả năng làm. Vì vậy tương quan giữa cha mẹ và con cái phải là một sự khôn ngoan, và quân bình. Con cái hãy vâng lời cha mẹ, vì điều này đẹp lòng Thiên Chúa. Và cha mẹ đừng khiến con cái nản lòng, bằng cách đòi hỏi nơi chúng điều chúng không thể làm. Chúng ta cần hướng dẫn con cái lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với mình và đối với tha nhân.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Xem ra là một nhận xét hiển nhiên, nhưng cả thời này nữa cũng không thiếu các khó khăn. Giáo dục khó khăn đối với các cha mẹ chỉ trông thấy con cái vào ban chiều, khi trở về nhà mệt mỏi vì công việc: những người may mắn có công ăn việc làm! Lại càng khó khăn hơn đối với các cha mẹ ly thân, nặng nề vì điều kiện này của họ: tội nghiệp họ đã có các khó khăn, họ chia tay và biết bao lần đứa con bị bắt như con tin, và người cha nói xấu người mẹ và người mẹ nói xấu người cha, và người ta gây ra đau khổ. Và Đức Thánh Cha khuyên các cha mẹ chia lìa như sau:

Đừng bao giờ, đừng bao giờ lấy đứa con như là con tin! Anh chị em đã chia tay vì biết bao nhiêu khó khăn và bao nhiêu lý do, cuộc sống đã cho anh chị em thử thách này, nhưng con cái không phải là những người mang gánh nặng của sự chia lìa ấy, ước chi chúng đừng bị dùng như các con tin chống lại người phỗi ngẫu, ước chi chúng lớn lên nghe thấy cha mẹ nói tốt về nhau ngay cả trong trường hợp họ không còn sống chung với nhau! Đối với các cha mẹ ly thân, đó là một điều rất là quan trọng và rất khó, nhưng họ có thể làm được.

Nhưng nhất là câu hỏi giáo dục như thế nào? Đâu là truyền thống mà ngày nay chúng ta phải thông truyền cho con cái chúng ta?

Các nhà trí thức có óc phê bình đủ loại đã khiến cho các cha mẹ phải im lặng bằng hàng ngàn cách, để bảo vệ các thế hệ trẻ khỏi các nguy hại – thật sự hay suy đoán – của nền giáo dục trong gia đình. Gia đình bị tố cáo là duy độc tài, dễ dãi, thủ cựu, đàn áp tình cảm gây ra các xung đột.

Thật thế, ngày nay có một sự gẫy đổ giữa gia đình và học đường. Khế ước giáo dục ngày nay đã bị bẻ gẫy, và như thế liên minh giáo dục của xã hội với gia đình đã bước vào khủng hoảng, bởi vì sự tin tưởng lẫn nhau đã bị soi mòn. Có nhiều triệu chứng. Chẳng hạn nơi trường học các tương quan giữa cha mẹ và thầy cô bị tấn kích. Đôi khi xảy ra các căng thẳng và không tin tưởng lẫn nhau; và các hậu qủa rơi trên con cái. Đàng khác số những người gọi là chuyên viên gia tăng; họ chiếm vai trò của cha mẹ, cả trong các khía cạnh thân tình nhất của việc giáo dục: trên cuộc sống tình cảm, trên cá tính và sự phát triển, trên các quyền lợi và bổn phận, các chuyên viên muốn biết mọi sự; các mục đích, các lý do, các kỹ thuật. Và các cha mẹ buộc phải lắng nghe, học hỏi và thích nghi. Bị lấy mất đi vai trò của mình họ thường trở thành lo lắng và chiếm hữu thái quá đối với con cái họ, tới độ không bao giờ sửa dậy chúng: “Bạn không thể sửa dậy con”.

Họ hướng tới chỗ càng ngày càng tín thác con cái cho các chuyên viên, kể cả những khiá cạnh tế nhị và riêng tư nhất trong cuộc sống của chúng, và tự đặt mình vào một góc: Như thế ngày nay các cha mẹ gặp nguy cơ tự loại mình ra khỏi cuộc sống của con cái.

Và điều này rất nghiêm trọng! Ngày nay có những trường hợp loại này. Tôi không nói là nó luôn luôn xảy ra, nhưng có xảy ra. Bà giáo ở trường la rầy đứa bé và viết giấy cho cha mẹ. Tôi còn nhớ một giai thoại cá nhân. Có một lần, khi tôi học lớp tư tiểu học, tôi đã nói một từ xấu với bà giáo, và bà giáo, một người đàn bà rất giỏi, đã cho gọi mẹ tôi đến. Ngày hôm sau bà đến trường và hai người nói chuyện với nhau, và tôi được gọi vào. Trước mặt bà giáo mẹ tôi đã rất dịu dàng giải thích điều tôi đã làm và bảo tôi xin lỗi bà giáo. Tôi đã làm và tôi hài lòng tự nhủ: câu chuyện đã kết thúc tốt đẹp. Nhưng đó chỉ là chương thứ nhất! Khi tôi về nhà thì bắt đầu chương thứ hai… Anh chị em có thể tưởng tượng ngày nay nếu bà giáo mà làm như thế, thì ngày hôm sau cả cha mẹ hay một trong hai người đến la rầy bà giáo, bởi vì các chuyên viên nói rằng không được la rầy trẻ em như vậy. Mọi chuyện đã thay đổi! Tuy nhiên các bậc cha mẹ không đuợc tự loại mình khỏi việc giáo dục con cái.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Hiển nhiên là định hướng này không tốt: nó không hài hòa, không đối thoại, thay vì tạo thuận tiện cho sự cộng tác giữa gia đình và các tổ chức giáo dục khác, học đường, chỗ chơi thể thao thể dục… nó chống lại sự cộng tác.

Làm sao chúng ta lại đi đến điểm này? Chắc chắn là các bậc cha mẹ, hay đúng hơn vài mô thức giáo dục trong qúa khứ chắc chắn đã có vài hạn hẹp. Nhưng cũng đúng thật là có các sai lầm mà chỉ cha mẹ được phép làm, bởi vì họ có thể bù trừ chúng một cách mà không ai khác có thể làm được. Đàng khác, chúng ta biết rõ, cuộc sống đã trở nên hà tiện thời giờ để nói, để suy tư, để đối chiếu với nhau. Nhiều cha mẹ bị bắt cóc bởi công ăn việc làm – cha mẹ phải làm việc – và các lo toan khác, bối rối bởi các đòi hỏi mới của con cái và sự phức tạp của cuộc sống hiện tại – nó là như thế và chúng ta phải chấp nhận như nó là – và họ như thể bị tê liệt vì sợ sai lầm. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ liên quan tới việc nói mà thôi. Trái lại một chủ thuyết đối thoại hời hợt bề ngoài không đưa tới một cuộc gặp gỡ thực sự của trí óc và con tim. Chúng ta hãy tự hỏi: “Chúng ta có tìm hiểu con cái mình đang thực sự ở đâu trên con đường của chúng không? Linh hồn chúng thực sự ở đâu, chúng ta có biết không? Và nhất là chúng ta có muốn biết điều đó không? Chúng ta có xác tín rằng trên thực tế chúng không đợi chờ gì khác không?

Các cộng đoàn kitô được mời gọi cống hiến sự nâng đỡ cho sứ mệnh giáo dục của các gia đình, và làm điều đó trước hết bằng Lời Chúa. Tông đồ Phaolô nhắc nhớ sự hỗ tương bổn phận giữa cha mẹ và con cái, khi viết trong thư gửi tín hữu Côlôxê: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa: Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,20-21). Nền tảng của tất cả là tình yêu thương mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, tình yêu thương “không thiếu kính trọng, không tìm tư lợi, không nóng giận, không chú ý tới điều ác đã nhận… tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (1 Cr 13,5-6). Cả trong các gia đình tốt lành nhất cũng cần phải chịu đựng lẫn nhau, và cần nhiều kiên nhẫn lắm để chịu đựng nhau! Nhưng cuộc sống là như thế. Cuộc sống không được làm trong phòng thí nghiệm, nhưng trong thực tế. Chính Chúa Giêsu cũng đã phải đi qua nền giáo dục gia đình, và đã lớn lên trong tuổi tác, khôn ngoan và ơn thánh (x. Lc 2,40.51-52).

Cả trong trường hợp này nữa ơn thánh của tình yêu Chúa Kitô thành toàn điều được khắc ghi trong bản tính nhân loại. Chúng ta có biết bao nhiêu gương mẫu tuyệt diệu của các cha mẹ kitô tràn đầy khôn ngoan! Các vị cho thấy rằng một nền giáo dục gia đình tốt là cột sống của thuyết nhân bản. Sự giãi toả của nó trong xã hội là tài nguyên cho phép bù lại các thiếu sót, các thương tích, các trống rỗng của thiên chức làm cha làm mẹ liên quan tới các người con kém may mắn. Sự giãi tỏa đó có thể làm các phép lạ đích thật. Và trong Giáo Hội các phép lạ ấy xảy ra mỗi ngày!

Và Đức Thánh Cha kết luận bài giáo lý như sau: Tôi cầu mong Chúa ban cho các gia đình kitô đức tin, sự tự do và lòng can đảm cần thiết cho sứ mệnh của mình. Nếu nền giáo dục gia đình tìm lại được niềm kiêu hãnh là tác nhân của xã hội, thì nhiều điều sẽ thay đổi tốt đẹp hơn, đối với các cha mẹ đang hoang mang và đối với những con cái đang thất vọng. Đã đến giờ các cha mẹ trở về từ sự đi đầy của mình – bởi vì họ đã tự đẩy ải mình khỏi việc giáo dục con cái – và lãnh lấy vài trò giáo dục của mình một cách tràn đầy. Chúng ta hy vọng rằng Chúa ban cho các cha mẹ ơn này: đó là đừng tự đầy ải mình khỏi việc giáo dục con cái. Và chỉ có tình yêu, sự hiền dịu và lòng kiên nhẫn mới có thể làm được điều này.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN