Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 19/02-25/02/2015: Câu chuyện Nước Trời

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 19/02-25/02/2015: Câu chuyện Nước Trời

 

1. Lòng can đảm lựa chọn Chúa mọi ngày 

Đa số trong quảng đại quần chúng có thể chọn Chúa, yêu mến sự thiện, không để mình thành ra thứ hoang đàng chi địa nhưng cuối cùng họ cũng chỉ là một tín đồ của “những điều tầm thường, phù du đang qua đi”.

Đức Giáo Hoàng đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Năm 19 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài đặt trọng tâm bài giảng vào đoạn Kinh Thánh trong đó Chúa nói với ông Môisê, “Hôm nay Ta đặt trước mặt ngươi cuộc sống và sự thịnh vượng, cái chết và sự diệt vong. Hãy tuân theo các huấn lệnh của Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, mà Ta truyền cho ngươi hôm nay, hãy yêu mến và bước đi trong đường lối của Người.”

Tín đồ của các vị thần vô nghĩa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng sự lựa chọn của Môisê là sự lựa chọn mà mỗi một Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày. Và đó là một sự lựa chọn khó khăn. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng thật dễ dàng để cho đời mình trôi theo những quán tính, để đời mình được định đoạt bởi các tình huống, và những thói quen. Thật là dễ dàng để trở thành những đầy tớ của “những vị thần khác”.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Chúng ta phải lựa chọn giữa Thiên Chúa và các vị thần khác, là những kẻ không có năng lực mang lại cho chúng ta bất cứ điều gì khác hơn là những điều tầm thường, những điều phù du đang qua đi. Thật không phải là dễ dàng để lựa chọn, chúng ta luôn luôn có thói quen là chạy theo, làm theo bầy đàn, như mọi người khác…Sống giống như mọi người khác. Hôm nay Giáo Hội nói với chúng ta: “Không, hãy dừng lại đi và lựa chọn!” Đây là lời khuyên tốt. Thật là tốt cho tất cả chúng ta khi biết dừng lại và suy nghĩ một chút trong ngày: lối sống của tôi là gì, như thế nào? Những con đường này đang đưa tôi về đâu? “.

Một tượng đài cho những kẻ thất bại

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng bên cạnh các câu hỏi này, chúng ta nên tìm hiểu sâu và suy nghĩ thêm về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu, mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ, anh chị em ruột, vợ chồng, mối quan hệ của chúng ta với con em chúng ta.

Tiếp tục bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã phân tích đoạn Tin Mừng trong ngày trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài rằng, một người “được cả và thế gian nhưng mất linh hồn mình thì được ích gì”.

“Việc tìm kiếm thành công cá nhân, của cải, mà không có một ý nghĩ nào dành cho Chúa, cho gia đình mình luôn luôn là con đường sai trái. Có hai câu hỏi chúng ta phải suy nghĩ: Mối quan hệ của tôi với Thiên Chúa như thế nào, và mối quan hệ của tôi với gia đình tôi ra sao. Một người có thể tích lũy được tất cả mọi thứ, nhưng cuối cùng trở thành một kẻ thất bại. Kẻ ấy đã thất bại. Cuộc sống như thế là một thất bại. “Dù cho người ta có xây dựng tượng đài, hay vẽ chân dung kẻ ấy đi nữa …Hắn cũng chỉ là một kẻ thất bại vì đã không biết lựa chọn giữa sự sống và cái chết”.

Đừng chọn chính mình

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó đặt ra một câu hỏi thứ ba: “Nhịp sống của tôi hiện nay là gì? Tôi có suy tư về những gì tôi đang thực hiện không? Chúng ta nên xin Chúa ban cho ân sủng để có ‘chút chút can đảm’ cần thiết mà chọn Ngài trong mỗi lựa chọn của đời mình.

Đức Thánh Cha kết luận rằng ‘lời khuyên đẹp’ của Thánh Vịnh 1 có thể giúp chúng ta về điều này. “Phúc thay bạn nào hy vọng nơi Chúa”. Khi Chúa cho chúng ta lời khuyên này: “Dừng lại, lựa chọn ngay ngày hôm nay đi!” Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài ở với chúng ta và muốn giúp chúng ta. Nhưng chúng ta phải tin cậy Ngài; chúng ta phải có niềm tin vào Ngài vì “Phúc thay bạn nào hy vọng nơi Chúa”

Hôm nay, một khi chúng ta dừng lại để suy nghĩ về những điều cần thiết và đưa ra những quyết định, những lựa chọn về một điều gì đó, chúng ta biết là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, bên cạnh chúng ta, giúp đỡ chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ rơi để mặc chúng ta, không bao giờ. Ngài luôn luôn ở với chúng ta. Ngay cả trong thời điểm lựa chọn, Ngài ở với chúng ta. “

2. Đừng bao giờ dùng Thiên Chúa như bình phong cho sự bất công

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã lên tiếng cảnh cáo những ai tuân theo tất cả các dấu chỉ bên ngoài của lòng mộ đạo nhưng sau đó khai thác hoặc ngược đãi những người lao động hay những người phụ thuộc vào họ. Hành động như thế là dùng Thiên Chúa làm bình phong che đậy những bất công do mình gây ra.

Đức Thánh Cha đã tập trung bài giảng của ngài vào những phương thế theo đó các Kitô hữu, đặc biệt trong Mùa Chay, không nên giới hạn mình vào những dấu chỉ bên ngoài của lòng đạo đức như ăn chay và thi hành các việc bác ái. Thay vào đó, họ phải tiếp cận với những người đang túng quẫn.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta một lòng chay tịnh có khả năng phá vỡ những chuỗi dài các tội lỗi, giải phóng những ai đang bị áp bức, đem y phục đến cho những ai đang rách rưới, và thực hiện công lý. Đức Thánh Cha giải thích rằng điều này là lòng chay tịnh thật sự, chứ không phải chỉ là thứ chay tịnh hay giữ luật bề ngoài nhưng là một lòng chay tịnh xuất phát từ con tim.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân là một và như nhau

“Và trong số các lề luật, có những lề luật hướng đến Thiên Chúa và có những lề luật hướng đến người lân cận của chúng ta và cả hai thứ lề luật này đi cùng với nhau. Tôi không thể nói: ‘Tôi tuân giữ nghiêm nhặt ba điều răn đầu tiên còn những điều khác thì lơ là hơn một chút.’ Không, nếu anh chị em không tuân giữ một điều, thì anh chị em không thể tuân giữ các điều khác; và nếu anh chị em tuân giữ một điều thì anh chị em phải tuân giữ tất cả các điều khác. Những điều này hiệp nhất với nhau: Tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu tha nhân của chúng ta là một và như nhau và nếu anh chị em muốn thể hiện lòng ăn năn chân thật chứ không chỉ là sự sám hối hình thức, anh chị em phải thể hiện điều đó trước mặt Thiên Chúa và hướng đến anh chị em của mình cũng như hướng đến những người lân cận với mình”.

Dùng Thiên Chúa như bình phong che đậy bất công là một trọng tội

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi các tín hữu dự thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật và rước lễ nhưng ngài xoáy vào câu hỏi: Người đó có trả lương cho nhân viên của mình công bằng không, có đúng với mức lương chính đáng không và có đóng đủ tiền an sinh xã hội cần thiết không?

“Có quá nhiều tín hữu nam nữ, có đức tin đó nhưng lại phân biệt những lề luật ra làm hai phần ‘Vâng, tôi tuân giữ những điều này – Nhưng anh chị em có thực hành đức bác ái không? – Có chứ, tất nhiên rồi, tôi luôn gửi một chi phiếu cho Giáo Hội – Được lắm, tốt lắm. Nhưng ở nhà anh chị em, trong Giáo Hội tại gia riêng của anh chị em, anh chị em có quảng đại và công bằng với những người phụ thuộc vào mình – dù là con cái, ông bà, hay nhân viên của anh chị em không? Anh chị em không thể dâng cúng cho Giáo Hội trên những đôi vai của sự bất công mà anh chị em đang làm đối với người phụ thuộc vào mình. Đây là một tội rất nghiêm trọng: là tội dùng Thiên Chúa làm vỏ bọc cho sự bất công “.

Vào Mùa Chay này hãy dành chỗ trong con tim của chúng ta cho những ai đã sai lầm

Tiếp tục bài giảng của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng trong Mùa Chay Kitô hữu nên tiếp cận với những người kém may mắn, với con cái của họ, với những người già không có bảo hiểm y tế tư nhân có thể phải chờ tám tiếng đồng hồ mới gặp được một bác sĩ; và với những ai đã sai lầm và đang trong vòng lao lý.

“Có người nói: thôi đi, tôi không dính dáng với những hạng người này đâu!” Người đó đang ở trong tù; nếu anh chị em đang được tự do không dính vào vòng tù tội thì đó là vì Chúa chúng ta đã giúp anh chị em không phạm tội. Anh chị em có chỗ trong trái tim của mình dành cho các tù nhân trong nhà giam không? Anh chị em có cầu nguyện cho họ để xin Chúa giúp họ thay đổi cuộc sống không?”

Nguyện xin Chúa đồng hành với chúng ta trong hành trình Mùa Chay này để những thực hành bên ngoài của chúng ta trở thành một đổi mới sâu sắc trong Thánh Linh. Đó là những gì chúng ta cầu nguyện. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.”

3. Câu chuyện Ðức Giêsu và các trẻ em

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Các trẻ nhỏ được Chúa Giêsu yêu thương và thường được đưa ra làm mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: “Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”. Tinh thần tu đức trẻ thơ là đơn sơ, phó thác, không cậy dựa vào sức riêng, nhưng đặt trọn tin tưởng vào Chúa.

Tin Mừng theo thánh Luca cũng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đề cập đến trẻ nhỏ trong một hoàn cảnh khác, với những lời như sau: “Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời”.

Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Ðức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng. Thấy vậy, các môn đệ trách mắng họ. Nhưng Ðức Giêsu gọi chúng lại mà nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người ta dẫn các trẻ em đến với Chúa Giêsu để Ngài đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Ðặt tay và cầu nguyện cho một người là nghi thức tôn giáo quen thuộc trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu. Những vị lãnh đạo tôn giáo và các Rabbi thường đặt tay và cầu nguyện cho những ai đến xin được chúc lành; họ cũng đặt tay trên trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng, mặc dù theo phong tục người Do thái thời đó, những trẻ nhỏ không có địa vị, không có giá trị gì, chỉ khi nào trẻ đến tuổi 12, nó mới được nhìn nhận có chỗ đứng trong cộng đoàn. Các môn đệ Chúa Giêsu lúc đó chưa thay đổi tâm thức, họ còn ngăn cản không cho người ta đem các trẻ nhỏ đến với Chúa.

Thái độ và lời dạy của Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ lúc đó và cho chúng ta ngày hôm nay rằng trong cộng đoàn Giáo Hội, mọi người không tùy thuộc hạng tuổi, đều có quyền đến với Chúa để Chúa đặt tay, cầu nguyện và chúc lành cho; không ai bị loại khỏi tình yêu và ân sủng của Chúa, dù là một đức trẻ. Các nhà chú giải đã xem đoạn Tin Mừng này như là căn bản cho việc rửa tội trẻ nhỏ được cộng đoàn tiên khởi thực hiện.

“Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”. Chúng ta có thái độ kỳ thị, ngăn cản các trẻ nhỏ đến với Chúa không? Có những người lớn, những bậc cha mẹ rơi vào tâm thức của các môn đệ ngày xưa: họ không đem con cái đến với Chúa Giêsu, họ không nêu gương sống đức tin cho con cái, cũng không muốn cho con cái lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nại lý do tôn trọng tự do của con cái, đợi chúng lớn lên và tự quyết định muốn rửa tội hay không. Ðây là thái độ sai lầm về ơn cứu rỗi của Chúa: Ơn Chúa được ban nhưng không cho mọi người, chúng ta là ai mà dám xét đoán về điều kiện tuổi tác để được Chúa chúc lành và ban ơn cứu rỗi.

Hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, đừng ngăn cản chúng. Xin Chúa giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm cao cả này, với ý thức rằng ân sủng và chúc lành của Chúa là kho tàng quí giá mà chúng ta có thể trao lại cho con cái chúng ta.

4. Cần cấp thiết đem tình huynh đệ vào lòng xã hội ngày nay

Khi tương quan huynh đệ bị hư hỏng, thì nó mở ra con đường các kinh nghiệm đớn đau của xung khắc, phản bội và thù hận…Ngày nay hơn bao giờ hết cần phải đem tình huynh đệ trở lại vào trung tâm xã hội kỹ thuật và bàn giấy rườm rà của chúng ta, khi đó cả sự tự do và bình đẳng cũng sẽ có được giọng điệu đúng đắn của chúng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ Tư 18 tháng Hai.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý về “anh chị em” trong gia đình. Ngài nói: Anh chị em là các từ Kitô giáo rất ưa thích. Đức Thánh Cha đã nêu bật mối dây huynh đệ trong Kitô giáo như sau:

Mối dây huynh đệ có một chỗ đặc biệt trong lịch sử dân Thiên Chúa, nhận được sự mạc khải của Người trong kinh nghiệm nhân bản sống động. Tác giả thánh vịnh ca tụng vẻ đẹp của mối dây huynh đệ như sau: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!” Tv 132, 1). Chúa Giêsu đã đưa nó tới sự toàn vẹn cả trong kinh nghiệm nhân bản của việc là anh chị em với nhau, bằng cách tiếp nhận nó trong trình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và gia tăng năng lực khiến cho nó vượt mọi mối dây bà con thân thuộc và có thể vượt qua mọi bức tường của sự xa lạ.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: 

Chúng ta biết rằng khi mối dây huynh đệ bị hư hỏng, thì nó mở đường cho các kinh nghiệm đau đớn của xung khắc, phản bội và thù hận. Trình thuật kinh thánh về Cain và Abel là thí dụ điển hình của kết quả tiêu cực đó. Sau khi Cain giết Abel, Thiên Chúa hỏi Cain: “Abel, em ngươi đâu?” (St 4,9a). Đó là câu hỏi mà Chúa tiếp tục hỏi từng thế hệ. Nhưng rất tiếc trong mọi thế hệ cũng không ngừng lập lại câu trả lời thê thảm của Cain: “Con không biết. Con là người giữ em con sao?” (St 4, 9b).

Mối dây huynh đệ được tạo thành trong gia đình giữa các con cái, nếu xảy ra trong một bầu khí giáo dục rộng mở cho tha nhân, thì nó là trường học lớn của sự tự do và hòa bình. Có lẽ chúng ta không ý thức được điều ấy, nhưng chính gia đình đưa tình huynh đệ vào lòng thế giới. Bắt đầu từ kinh nghiệm đầu tiên này về tình huynh đệ, được dưỡng nuôi bằng các trìu mến và nền giáo dục gia đình kiểu sống tình huynh đệ tỏa ra như một lời hứa trên toàn xã hội và trên các tương quan giữa các dân tộc với nhau.

Nơi Đức Giêsu Kitô phước lành của Thiên Chúa đổ xuống trên mối dây huynh đệ này, khiến cho nó nở lớn ra một cách không thể nào tưởng tượng nổi, bằng cách khiến cho nó có khả năng vượt qua mọi khác biệt quốc gia, tiếng nói, văn hóa và cả tôn giáo nữa.

Anh chị em hãy nghĩ coi mối dây giữa con người với nhau trở thành cái gì, khi họ có thể nói với nhau: “Anh ta thật như một người anh em, chị ta thật như là một người chị em đối với tôi”. Ngoài ra lịch sử đã cho thấy đủ rằng nếu không có tình huynh đệ, thì cả sự tự do và sự bình đẳng cũng tràn đầy khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa và xu thời.

Áp dụng vào cuộc sống cụ thể trong gia đình Đức Thánh Cha nói:

Tình huynh đệ trong gia đình đặc biệt toả sáng, khi chúng ta thấy sự sốt sắng, lòng kiên nhẫn, trìu mến bao bọc người em trai em gái bé nhỏ yếu đuối hơn, đau bệnh hay tàn tật. Có rất nhiều các anh chị em làm điều đó trên toàn thế giới, và có lẽ chúng ta không đánh giá đúng đắn lòng quảng đại của họ. Có được một người anh em, chị em yêu thương chúng ta là một kinh nghiệm mạnh mẽ, không thể nào trả giá được, không thể nào thay thế được. Cùng điều này cũng xảy ra đối với tình huynh đệ kitô. Các anh chị em bé nhỏ nhất, yêu đuối nhất. nghèo nàn nhất phải khiến cho chúng ta mềm lòng: họ có quyền lấy đi linh hồn và con tim của chúng ta. Phải, họ là các anh chị em của chúng ta, và chúng ta phải yêu thương và dối xử với họ như là anh chị em. Khi điều này xảy ra, khi người nghèo cảm thấy thoải mái như ở nhà họ, chính tình huynh đệ kitô của chúng ta hồi sinh. Thật vậy các kitô hữu đi gặp người nghèo và yếu đuối không để vâng lời một chương trình ý thức hệ, nhưng bởi vì lời nói và gương sống của Chúa nói với chúng ta rằng họ là anh chị em của chúng ta. Đây là nguyên tắc tình yêu của Thiên Chúa và của mọi mọi sự công bằng giữa mọi người.

Ngày nay hơn bao giờ hết cần phải đem tình huynh đệ trở lại vào trung tâm xã hội kỹ thuật và bàn giấy rườm rà của chúng ta, khi đó cả sự tự do và bình đẳng cũng sẽ có được giọng điệu đúng đắn của chúng. Vì thế, chúng ta đừng nhẹ dạ, do lụy phục hay vì sợ hãi, lấy mất đi khỏi các gia đình của chúng ta vẻ đẹp của một kinh nghiệm huynh đệ rộng rãi giữa các con cái với nhau. Và chúng ta đừng đánh mất đi sự tin tưởng nơi chân trời rộng rãi mà đức tin có khả năng rút tiả ra từ kinh nghiệm được soi sáng bởi phước lành của Thiên Chúa.

5. Trở về với Chúa với tất cả con tim

Trở về với Chúa với tất cả con tim là lời mời gọi của tiên tri Joel đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại trong bài giảng ngày thứ Tư Lễ Tro 18 tháng Hai, ngày đầu Mùa Chay của Giáo Hội.

Lúc 5 giờ chiều, tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ Năm, Đức Thánh Cha đã chủ sự lễ tro. Đồng tế với ngài, có các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong tư cách là dân Chúa, hôm nay chúng ta bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay, một thời gian trong đó chúng ta cố gắng để kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu Kitô, để chia sẻ mầu nhiệm cuộc thương khó và sự phục sinh của Ngài.

Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro trình bày với chúng ta, trước hết, một đoạn nói về tiên tri Joel, được Thiên Chúa sai đến để kêu gọi mọi người ăn năn hối cải trước một tai họa là nạn châu chấu đang tàn phá xứ Giuđêa. Chỉ có Chúa mới có thể cứu dân khỏi tai họa này, và do đó dân chúng cần phải khẩn khoản cầu nguyện và ăn chay, cũng như thú nhận tội lỗi của mình.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Vị tiên tri nhất mực đòi dân chúng phải hoán cải nội tâm: “Hãy quay về với Ta với tất cả con tim ngươi” (2:12). Trở về với Chúa “với tất cả con tim” có nghĩa là chọn một con đường hoán cải không hời hợt hay chóng qua, nhưng là một hành trình tâm linh đạt đến nơi thâm sâu nhất trong tâm hồn của chúng ta. Tâm hồn, thực tế là chỗ ngự trị những tình cảm của chúng ta, là trung tâm nơi các quyết định và thái độ của chúng ta được hình thành.

Như thế, “quay về với Ta với tất cả tâm hồn ngươi” không chỉ liên quan đến cá nhân, nhưng mở rộng ra cho cộng đồng, là một lời hiệu triệu cho tất cả: “Hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! (2:16) “

Vị tiên tri đặc biệt nhắm đến những lời cầu nguyện của các tư tế, khi lưu ý rằng lời cầu nguyện của họ nên được kèm theo nước mắt. Vào đầu Mùa Chay này chúng ta hết sức kêu cầu xin ân sủng biết rơi lệ, để lời cầu nguyện của chúng ta và cuộc hành trình hoán cải của chúng ta trở nên đích thực hơn bao giờ hết và không có chút đạo đức giả nào.

Đây chính là thông điệp của Tin Mừng hôm nay. Trong đoạn trích từ Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nhắc lại ba việc bác ái theo quy định của luật Môi sê là: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Theo thời gian, các quy định này được thực hiện hời hợt bề ngoài, thậm chí còn bị biến dạng thành một thứ dấu chỉ của sự ưu việt xã hội. Chúa Giêsu nhấn mạnh một cám dỗ chung trong ba công việc này, có thể được mô tả tóm lược là đạo đức giả (Ngài nhắc đến từ đạo đức giả này đến ba lần): “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. .. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen…Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. .. Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả” (Mt 6: 1, 2, 5, 16)”

Khi thực hiện điều gì tốt, hầu như tự nhiên nảy sinh nơi chúng ta ước muốn được quí chuộng và chiêm ngưỡng vì hành động tốt ấy, để được hài lòng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thi hành các việc lành ấy mà không khoa trương, và chỉ tín thác nơi phần thưởng của Chúa Cha trên trời, Đấng nhìn thấy tận những nơi sâu kín”(Mt 6,4.6.18).

Anh chị em thân mến, Chúa không bao giờ ngừng thương xót chúng ta, và luôn mong muốn ban cho chúng ta sự tha thứ của Ngài một lần nữa, mời gọi chúng ta trở về với Ngài bằng một trái tim mới, tinh tuyền khỏi mọi tội lỗi, để dự phần trong niềm vui của Ngài. Làm thế nào để nhận lời mời này? Thánh Phaolô đưa ra một gợi ý cho chúng ta trong bài đọc thứ hai ngày hôm nay: “Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi tha thiết mong anh em hòa giải với Thiên Chúa. (2 Cor 5:20)” Công việc hoán cải này không chỉ là một nỗ lực của con người. Hòa giải giữa chúng ta và Thiên Chúa có thể thực hiện được là nhờ vào lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng, vì yêu thương chúng ta, đã không ngần ngại hy sinh Con Một của Ngài. Chúa Kitô, Đấng công chính và tinh tuyền không chút tội lỗi nào đã thành tội nhân vì chúng ta (câu 21). Trên thập tự giá, Ngài đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta, và như vậy đã cứu chuộc chúng ta và làm cho chúng ta được nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Trong Ngài, chúng ta có thể trở nên công chính, trong Ngài, chúng ta có thể thay đổi, nếu chúng ta chấp nhận ân sủng của Thiên Chúa và không để “thời thuận tiện (6: 2)” trôi qua trong vô ích.

Với nhận thức này, tin tưởng và vui tươi, chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay. Xin Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội nâng đỡ trận chiến tâm linh của chúng ta chống lại tội lỗi, đồng hành với chúng ta trong thời thuận lợi này, để chúng ta có thể cùng nhau hát mừng niềm hân hoan chiến thắng trong lễ Phục Sinh.

Giờ đây chúng ta sẽ thực hiện cử chỉ xức tro trên đầu. Vị chủ tế nói những lời này: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro (x Gen 3:19)” hoặc lặp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. (Mk 1:15)” Cả hai công thức là một lời nhắc nhở về sự thật của sự hiện hữu của con người: chúng ta là những tạo vật có giới hạn, là những người tội lỗi luôn cần đến sám hối và hoán cải. Thật là quan trọng để lắng nghe và đón nhận lời nhắc nhở này trong thời của chúng ta! Lời mời gọi hoán cải là một sự thúc đẩy để trở về trong vòng tay Thiên Chúa dịu dàng và đầy lòng thương xót như người con trai trong dụ ngôn để tin cậy và phó thác chúng ta cho Ngài.

6. Mùa Chay là mùa chiến đấu chống tội lỗi và những tính hư nết xấu

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Hai với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa mùa chay như một mùa chiến đấu chống tội lỗi và những tính hư nết xấu và ngài tặng các tín hữu tập sách nhỏ giúp sống mùa chay.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Thứ tư vừa qua, với nghi thức bỏ tro, mùa chay đã bắt đầu và hôm nay là Chúa Nhật thứ Nhất của mùa phụng vụ gợi lại 40 ngày Chúa Giêsu trải qua trong hoang địa, sau khi chịu phép rửa nơi sông Giordan. Thánh Marco đã viết trong Tin Mừng hôm nay: “Thánh Linh thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở lại trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ. Người ở với các dã thú và các thiên thần hầu hạ Người” (Mc 1,12-13). Với những lời này, thánh sử Tin Mừng mô tả cuộc thử thách Chúa Giêsu tự nguyện đương đầu, trước khi khai mạc sứ vụ cứu thế. Đó là một thử thách từ đó Chúa chiến thắng vinh hiển và chuẩn bị Người loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Trong 40 ngày cô tịch, Người đương đầu với Satan ”giáp lá cà”, Người vạch trần những cám dỗ và đã chiến thắng hắn. Và trong Người, tất cả chúng ta đều chiến thắng, nhưng mỗi người chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ chiến thắng ấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta”.

Giáo Hội nhắc nhớ cho chúng ta mầu nhiệm ấy vào đầu mùa chay, vì mầu nhiệm ấy mang lại cho chúng ta viễn tượng và ý nghĩa của mùa này, là một thời kỳ chiến đấu – trong mùa chay ta phải chiến đấu – một thời kỳ chiến đấu tinh thần chống lại thần dữ (Xc Lời nguyện thứ tư lễ tro). Và trong lúc chúng ta tiến qua hoang địa mùa chay, chúng ta hướng nhìn về lễ Phục Sinh, là chiến thắng chung kết của Chúa Giêsu chống lại Ma Quỷ, chống lại tội lỗi và chống lại sự chết. Đó chính là ý nghĩa Chúa Nhật thứ I mùa chay này: chúng ta quyết liệt lên đường theo Chúa Giêsu trên con đường dẫn đến sự sống. Như Chúa Giêsu, những điều Người đã làm, và đồng hành với Người”.

Con đường Chúa Giêsu tiến qua hoang địa. Hoang địa là nơi ta có thể lắng nghe tiếng Thiên Chúa và tiếng nói của kẻ cám dỗ. Trong sự ồn ào, huyên náo, ta không nghe được tiếng ấy mà chỉ nghe thấy những tiếng nói hời hợt. Trái lại trong hoang địa chúng ta có thể đi xuống chiều sâu, nơi quyết định thực sự về vận mệnh của chúng ta, sống hay chết. Nhưng làm sao chúng ta nghe thấy tiếng Chúa? Thưa chúng ta nghe thấy trong Lời của Ngài. Vì thế điều quan trọng là biết Kinh Thánh, nếu không chúng ta sẽ không biết cách đáp trả những mưu mô của ma quỷ. Và ở đây tôi muốn lập lại lời khuyên: mỗi ngày hãy đọc Tin Mừng, suy niệm một chút, chừng 10 phút; và luôn mang theo sách Tin Mừng: trong túi, trong sắc.. Nhưng luôn để sách Tin Mừng trong tầm tay. Hoang địa mùa chay giúp chúng ta chống lại những điều trần tục, những ‘thần tượng”, giúp chúng ta đi tới những chọn lựa can đảm phù hợp với Tin Mừng và củng cố tình liên đới với anh chị em chúng ta”.

“Vậy chúng ta hãy đi vào hoang địa không chút sợ hãi vì chúng ta không lẻ loi: chúng ta ở cùng Chúa Giêsu, với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh. Đúng hơn, cũng như trường hợp Chúa Giêsu, chính Thánh Linh hướng dẫn chúng ta trong hành trình mùa chay, chính Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trên Chúa Giêsu và là Đấng được ban cho chúng ta trong phép rửa tội. Vì thế mùa chay là thời điểm thuận tiện giúp chúng ta ngày càng ý thức hơn về điều Chúa Thánh Linh mà chúng ta lãnh nhận trong phép rửa, đã và có thể làm trong chúng ta. Và vào cuối hành trình mùa chay, trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta có thể canh tân giao ước phép rửa và những quyết tâm từ đó mà ra, với ý thức mạnh mẽ hơn”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Xin Đức Thánh Trinh Nữ là mẫu gương về sự ngoan ngoãn đối với Chùa Thánh Linh, giúp chúng ta để cho mình được Ngài dẫn dắt, Ngài là Đấng muốn làm cho mỗi người chúng ta trở nên một thụ tạo mới. Đặc biệt tôi phó thác cho Mẹ tuần tĩnh tâm của tôi bắt đầu từ chiều Chúa Nhật hôm nay, và các cộng sự viên của tôi trong giáo triều Roma cùng tham dự. Tôi xin anh chị em tháp tùng chúng tôi bằng lời cầu nguyện: Xin anh chị em hãy cầu nguyện để trong hoang địa này, chúng tôi có thể lắng nghe tiếng Chúa Giêsu và sửa chữa những khuyết điểm để đương đầu với những cám dỗ hằng ngày tấn công chúng tôi. Vì thế tôi xin anh chị em tháp tùng chúng tôi với lời cầu nguyện của anh chị em”

Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha đã chào thăm các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn và tất cả các khách hành hương. Ngài cũng loan báo sáng kiến trao tặng các tín hữu tập sách nhỏ, bỏ túi với tựa đề ”Bạn hãy gìn giữ con tim”. Ngài nói:

”Tập sách nhỏ này chứa đựng một số giáo huấn của Chúa Giêsu và những nội dung thiết yếu của đức tin chúng ta, chẳng hạn như 7 bí tích, các ơn của Chúa Thánh Linh, 10 giới răn, các nhân đức, các công việc từ bi (”thương người bẩy mối”). Bây giờ những người thiện nguyện sẽ phân phát các tập sách này, trong đó có nhiều người vô gia cư, đến đây hành hương. Những người túng thiếu cũng là những người trao cho chúng ta sự phong phú lớn lao này, sự phong phú của đạo lý chúng ta. Mỗi người anh chị em hãy nhận lấy cuốn sách nhỏ này và mang theo mình, như một trợ lực để hoán cải và tăng trưởng tinh thần, luôn khởi hành từ con tim…

Cuốn sách bỏ túi Đức Thánh Cha tặng dầy 30 trang với tựa đề ”Bạn hãy gìn giữ tâm hồn” và tiểu đề là: ”Đức Giáo Hoàng: sống mùa chay như thế nào.”

Ngay trang đầu tiên, Đức Thánh Cha mô tả chương trình mùa chay: “Chúng ta phải trở thành những tín hữu Kitô can đảm”, thực hành điều chúng ta tin. Ngài nhắn nhủ các tín hữu hãy quan tâm đến việc huấn luyện con tim, làm cho nó trở nên giống trái tim của Chúa Giêsu vị Mục Tử Nhân Lành. Hình bìa của cuốn sách in lại bức bích họ trong hang toại đạo thánh Callisto, diễn tả Chúa Giêsu đang vác con chiên trên vai và có 2 con chiên khác ngoái đầu hướng về Chúa.

Trong Mùa chay, vang vọng mỗi năm lời mời gọi hoán cải từ con tim, nơi diễn ra những chọn lựa cụ thể, thường nhật, giữa sự thiện và sự ác, giữa những gì là phàm tục với Tin Mừng, giữa dửng dưng và chia sẻ, giữa thái độ khép kín ích kỷ và sự cởi mở quảng đại đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Đức Thánh Cha nhắc đến lời nguyện trong sứ điệp Mùa chay năm nay ngài đã cho phổ biến: “Lạy Chúa xin làm cho trái tim chúng con nên giống Trái Tim Chúa”. Được như thế, chúng ta sẽ có một con tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để cho mình bị khép kín, không rơi vào hố sâu là hoàn cầu hóa sự dửng dưng.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN