1. Những ai không đối thoại không vâng phục Thiên Chúa
Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Năm 16 tháng Tư đã dâng lễ tại nhà nguyện Santa Marta cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nhân dịp sinh nhật thứ 88 của vị tiền nhiệm của ngài. Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn nhắc nhớ rằng hôm nay là ngày sinh nhật của Đức Thánh Cha Bênêđictô 16. Tôi dâng lễ cầu cho ngài, và tôi mời anh chị em cùng cầu nguyện với tôi xin Chúa nâng đỡ và ban cho ngài nhiều niềm vui và hạnh phúc.”
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận định rằng những ai không biết đến đối thoại thì không vâng lời Thiên Chúa; họ muốn bịt miệng những ai rao giảng sự mới mẻ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Vâng lời Thiên Chúa có nghĩa là có can đảm để thay đổi cuộc sống mình.
Ngài nói:
“Phụng vụ của ngày hôm nay nói với chúng ta về sự vâng phục là điều thường đưa chúng ta sang một con đường khác không phải là một trong những con đường ta đã từng nghĩ, nhưng là theo những con đường khác. Tuân phục nghĩa là có can đảm để thay đổi đường đời một khi Chúa đòi hỏi điều này nơi chúng ta. Ai tuân phục thì có sự sống đời đời, trong khi ai bất tuân thì cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vẫn đeo theo người đó.
Phân tích bài đọc thứ Nhất trong ngày, Đức Thánh Cha nói:
Trong bài đọc thứ Nhất từ sách Công Vụ Tông Đồ, các tư tế và các nhà lãnh đạo ra lệnh cho các môn đệ của Chúa Giêsu phải ngừng rao giảng Tin Mừng cho mọi người: Họ đâm ra tức giận, họ “đầy ghen tuông” bởi vì những phép lạ không ngừng diễn ra nơi đâu có sự hiện diện của các môn đệ, vì đông đảo dân chúng đi theo các ngài, và số lượng các tín hữu ngày càng lớn dần. Họ đưa các môn đệ vào tù, nhưng trong đêm, Thiên sứ của Chúa giải phóng các ngài và các ngài trở về tiếp tục rao giảng Tin Mừng. Khi bị bắt và bị thẩm vấn một lần nữa, Phêrô đáp lại trước các mối đe dọa của các thượng tế rằng: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là con người.” Các thượng tế không hiểu.
Nhưng họ là các thầy giảng, họ đã nghiên cứu lịch sử của dân, họ đã nghiên cứu những lời tiên tri, họ đã nghiên cứu lề luật, họ thấu hiểu thần học của dân Israel, mặc khải của Thiên Chúa, họ biết tất cả mọi thứ, họ đều là thầy giảng, nhưng họ không có khả năng nhận thức được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng tại sao sự chai cứng này lại đến nông nỗi này? Thưa, bởi vì nó không phải là một sự cứng đầu, nó không chỉ đơn giản là sự bướng bỉnh. Ở đây nó là sự chai cứng.. . Và người ta có thể hỏi: đâu là con đường dẫn đến sự bướng bỉnh là tổng hợp những bướng bỉnh của cái đầu và con tim này?
Ai không biết đối thoại thì không vâng lời Chúa
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Lịch sử của sự bướng bỉnh này là một cuộc hành trình co cụm trên chính mình, không đối thoại, thiếu đối thoại”.
Họ không biết đối thoại, họ không đối thoại với Thiên Chúa, vì họ không biết cầu nguyện và lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, và họ không biết đối thoại với người khác. “Nhưng tại sao họ hiểu như thế?” Họ chỉ tìm cách diễn dịch lề luật chính xác hơn, nhưng lại đóng cửa trước các dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử, họ đã đóng cửa trước người dân của họ. Họ đã đóng cửa, đóng mọi cửa. Và sự thiếu đối thoại, sự đóng cửa này của con tim dẫn họ đi xa đến mức bất tuân Thiên Chúa. Đây là thảm kịch của những thầy giảng trong dân Israel, của những nhà thần học của dân Thiên Chúa: họ không biết lắng nghe, họ không biết đối thoại. Đối thoại với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
Ai không đối thoại chỉ muốn bịt miệng những ai rao giảng sự mới mẻ của Thiên Chúa
Và dấu chỉ cho thấy một người không biết đối thoại, không mở cửa cho tiếng nói của Chúa, và cho những dấu chỉ Chúa thực hiện nơi dân Người là “sự giận dữ và mong muốn làm câm nín những người rao giảng, trong trường hợp này, là sự mới mẻ của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu đã Phục Sinh. Họ đi đến mức đó mà chẳng có lý do nào cả. Đó là một cuộc hành trình đáng buồn. Họ cũng chính là những người đã trả tiền cho lính canh mộ để phao lên rằng các môn đệ Chúa đã đánh cắp thi thể Ngài. Họ đã làm tất cả mọi thứ họ có thể làm để đừng mở mở lòng mình ra với tiếng nói của Thiên Chúa. “
Và trong Thánh lễ này chúng ta hãy cầu nguyện cho các thầy giảng, các nhà thông luật, và cho những ai dạy dỗ dân Chúa, để họ sẽ không tự đóng cửa lòng mình, nhưng sẽ đối thoại, và như vậy tránh được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, là điều sẽ còn đeo theo họ nếu họ không thay đổi thái độ của mình.
2. Giáo Hội phải có can đảm nói thẳng, nói thật
Giáo Hội là một nơi “cởi mở”, nơi mọi người nên nói mọi sự thẳng thắn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Hai 13 tháng Tư. Đức Thánh Cha nói thêm chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng thay đổi thái độ của chúng ta, cuộc sống của chúng ta, và ban cho chúng ta can đảm như các tông đồ khi được linh hứng bởi sự phục sinh của Chúa Kitô.
“Chúng ta không thể giữ im lặng về những gì chúng ta đã thấy và đã nghe,” Đức Giáo Hoàng nói trong bài giảng của ngài, ám chỉ đến Bài Đọc trong ngày từ sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại chuyện hai tông đồ Phêrô và Gioan xin Chúa cho phép các ngài nói cách tự do và cởi mở.
Cứ nói thẳng thắn đừng sợ hãi
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng hai ông Phêrô và Gioan, sau khi thực hiện một phép lạ, thì bị bắt giam và bị các thượng tế đe dọa cấm không cho nói nhân danh Chúa Giêsu. Nhưng họ vẫn tiếp tục rao giảng và khi họ trở về giữa những anh em khác, họ khuyến khích anh em rao giảng Lời Chúa “với sự thẳng thắn.” Họ van nài Chúa “ghi nhận những mối đe dọa trên họ” và cho các “tôi tớ” Ngài “đừng chạy trốn “nhưng rao giảng Lời Chúa” mạnh dạn hơn.
“Và hôm nay cũng vậy, thông điệp của Giáo Hội là thông điệp của con đường công khai, con đường của lòng dũng cảm Kitô Giáo,”
Đức Giáo Hoàng nói tiếp:
“Hai con người đơn sơ này -. như Kinh Thánh nói – không được học hành, nhưng có can đảm. Có một từ có thể dùng để dịch cụm từ ‘can đảm’, ‘nói thẳng vào đề’, ‘nói một cách tự do’, ‘nói không sợ hãi’.. . Đó là một từ có nhiều ý nghĩa, ở dạng nguyên thủy là parrhesía, là sự thẳng thắn.. . và sự sợ hãi của họ đã nhường chỗ cho ‘sự cởi mở’ để tự do nói về những điều này.”
Đức Thánh Cha sau đó trình bày suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày kể lại cuộc đối thoại có phần “bí ẩn” giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, liên quan đến việc “sinh lần thứ hai” và “một cuộc sống mới, khác với cuộc sống ban đầu.”
Loan báo Chúa Kitô không cần “quảng cáo”
Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra rằng trong câu chuyện này, trong “cuộc hành trình của sự cởi mở này, nhân vật chính thực sự là Chúa Thánh Thần vì Ngài là tác nhân duy nhất có khả năng ban cho chúng ta ân sủng can đảm rao giảng Chúa Giêsu Kitô”
“Và lòng can đảm công bố này phân biệt chúng ta với những với những kẻ chiêu dụ tín đồ. Chúng ta không quảng cáo Chúa Giêsu Kitô, để có thêm nhiều thành viên trong xã hội tâm linh của chúng ta, không. Điều này không cần thiết. Đó không phải là Kitô giáo. Điều người tín hữu Kitô cần làm là công bố với lòng can đảm; và việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô sẽ tạo ra, nhờ Chúa Thánh Thần, một sự ngạc nhiên giúp chúng ta tiếp tục”
Nhân vật chính thực sự của tất cả điều này là Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Giêsu nói về việc tái sinh ra một lần nữa, Ngài làm cho chúng ta hiểu đó chính là Chúa Thánh Thần là Đấng thay đổi chúng ta, Đấng đến từ muôn hướng, giống như gió: vì chúng ta nghe thấy tiếng Người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng thay đổi thái độ của chúng ta, và cuộc sống của chúng ta.
Can đảm là ân sủng xuất phát từ Chúa Thánh Thần
Đức Thánh Cha khẳng định rằng:
Chính Chúa Thánh Thần đã ban cho hai tông đồ Phêrô và Gioan, là những người đơn sơ, ít học.. sức mạnh để rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho đến chứng tá tối hậu là tử đạo”:
“Con đường của lòng dũng cảm Kitô là một ân sủng được trao ban bởi Chúa Thánh Thần. Có rất nhiều con đường chúng ta có thể chọn theo mà cũng có thể đem lại chút can đảm nào đó. Nhưng hãy nhìn cái quyết định dũng cảm mà ông [Phêrô] đã chọn! Và hãy nhìn cách ông hoạch định và tổ chức mọi điều. Điều này có ích nhưng đó là một khí cụ của một cái điều gì đó lớn hơn là Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể làm được nhiều thứ, nhiều việc, nhưng chẳng có ích gì”
Sau Phục Sinh, Giáo Hội chuẩn bị cho chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng trong các “cử hành về mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, xin cho chúng ta có thể nhớ lại “toàn bộ lịch sử cứu độ” và “xin cho chúng ta ơn can đảm thật sự công bố Chúa Giêsu Kitô”
3. Ông Phêrô chữa một người què
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Chúa Giêsu từ trong kẻ chết sống lại đã khai mở một kỷ nguyên mới; một kỷ nguyên mà từ nay, Ngài họat động từ trong và với các tông đồ.
Biến cố đầu tiên gây sửng sốt cho những người đã đòi đóng đimh Chúa vào thập giá và tha cho Barbara là câu chuyện hai ông Phêrô từ một người nhát đảm chối Chúa ba lần đã hiên ngang cùng với ông Gioan rao giảng Tin Mừng cách công khai trong đền thờ.
Ông Phêrô được đầy quyền năng Thánh Thần đã mạnh dạn tuyên xưng: chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu Nazareth, Người đã bị các ông đóng đinh vào Thập Giá. Ngài vẫn đang sống và họat động trong chúng tôi; và không ai có thể được cứu độ nếu không tin vào Danh Ngài.
Bằng chứng đầu tiên ông đưa ra cho người Do Thái là phép lạ chữa cho một người què từ lúc lọt lòng mẹ có thể đi đứng bình thường và chạy nhảy tung tăng.
Phúc âm thuật lại rằng:
Một hôm, ông Phêrô và ông Gioan lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày, họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí.
Vừa thấy ông Phêrô và ông Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí.
Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phêrô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây! “
Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì.
Bấy giờ ông Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nagiarét, anh đứng dậy mà đi!”
Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp.
Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Câu chuyện ông Phêrô chữa một người què đã kết thúc rất đẹp với những lời sau: Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.
Ông Phêrô đã chối Chúa ba lần và ông Gioan đã bỏ chạy trong lúc Chúa bị bắt tại vườn Giệtsimani. Như thế, quả thật hơn hai ngàn năm trước, đã xảy ra một phép lạ lớn lao, biến đổi các môn đồ Chúa Giêsu từ những người nhát đảm mà Thượng Hội Đồng Do thái tuyên bố là “không chữ nghĩa, thuộc tầng lớp cùng đinh” thành những con người can đảm, uyên bác và có khả năng thực hiện những phép lạ phi thường.
Xin Chúa Giêsu Phục sinh cũng biến đổi chúng ta nên những chứng nhân can trường của Ngài.
4. Chậm bất bình để tìm ra cách thế đẹp lòng Chúa
Chậm bất bình để có thời gian khám phá chính bản thân mình và tìm ra những tình cảm và thái độ làm đẹp lòng Thiên Chúa, hướng đến yêu thương và đối thoại là lời khuyên Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra trong thánh lễ sáng Thứ Sáu 17 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta.
Chúng ta có thể phản ứng trước những tình huống khó khăn theo những phương thế làm đẹp lòng Thiên Chúa hay không? Đức Giáo Hoàng khẳng định là có, và tất cả là vấn đề thời gian. Thời gian để cho mình bị tràn ngập bởi những tâm tình của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã giải thích điều này khi phân tích các tình tiết trong trong bài đọc từ sách Công Vụ Tông Đồ. Các Tông đồ đã bị gọi ra trước Hội Đồng Công Tọa Do Thái, bị cáo buộc và vu khống nhiều điều vì các ngài đã rao giảng Tin Mừng, trình bày những điều mới mẻ về Thiên Chúa mà các thầy thông luật không muốn nghe.
Tuy nhiên, một trong những người Pharisêu, là ông Gamaliel đã có một thái độ cởi mở hơn. Ông đưa ra đề nghị là các Tông Đồ nên được phép tiếp tục rao giảng. Ông lý luận rằng nếu các giáo huấn của các Tông đồ “có nguồn gốc từ loài người, chúng sẽ tự hủy diệt”. Điều đó sẽ không xảy ra nếu các giáo huấn ấy đến từ Thiên Chúa. Hội Đồng Công Tọa chấp nhận đề nghị này.
Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng điều đó nghĩa là họ đã chọn để có thời gian. Họ không phản ứng theo những tình cảm hận thù bản năng. Và điều này là “phương dược” đúng đắn cho mỗi con người.
Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:
Hãy dành thời gian cho thời gian. Điều này rất hữu ích cho chúng ta một khi chúng ta có những suy nghĩ xấu xa về người khác, những tình cảm ác độc, khi chúng ta có cảm giác đố kỵ, hận thù. Chậm bất bình, chậm hành động sẽ giúp không cho những tình cảm và ý nghĩ xấu xa phát triển, và ngăn chặn chúng. Thời gian đặt mọi thứ trong sự hòa hợp, và làm cho chúng ta thấy mọi điều trong ánh sáng đúng đắn. Nhưng nếu anh chị em phản ứng ngay trong một lúc nóng giận, chắc chắn anh chị em sẽ không chính đáng. Anh chị em sẽ không công bằng. Và anh chị em sẽ làm tổn thương chính mình. Cần phải dành ra thời gian, thời gian trong khoảnh khắc của cơn cám dỗ.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi chúng ta nuôi giận trong lòng điều không thể tránh khỏi là sự bùng phát của giận dữ. “Nó sẽ nổ ra dưới hình thức những lời lăng mạ, và cả chiến tranh” Nhưng, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng “Với những suy nghĩ gian ác chống lại những người khác, chúng ta đang chiến đấu chống lại Thiên Chúa;” vì Thiên Chúa mong muốn chúng ta “yêu người khác, yêu hòa hợp, yêu lòng mến, yêu đối thoại, đồng hành cùng nhau.”
Đức Giáo Hoàng thừa nhận: “Nó thậm chí cũng xảy ra với tôi”. Khi chúng ta đối diện với một cái gì đó không được hài lòng, cảm giác đầu tiên không phải đến từ Thiên Chúa, luôn luôn đó là một điều xấu xa. Nhưng, chúng ta cần phải cho chúng ta thời gian và chúng ta phải tạo ra “không gian cho Chúa Thánh Thần” để “chúng ta có thể cư xử chính đáng, và chúng ta có thể đi đến hòa bình.” Hãy có những tâm tình như các tông đồ, là những người đã bị đánh đòn nhưng rời khỏi Hội Đồng Công Tọa “vui mừng” vì đã chịu “nhục vì danh Chúa Giêsu.”
Niềm tự hào được là người nổi bật hơn hết dẫn anh chị em đến ý muốn giết người khác; nhưng khiêm tốn, thậm chí sỉ nhục, làm anh chị em trở nên giống như Chúa Giêsu. Và đây là một điều chúng ta ít nghĩ đến. Trong thời điểm này khi rất nhiều anh chị em của chúng ta đang chịu tử đạo vì danh Chúa Giêsu, họ đang ở trong trạng thái này, trong thời điểm này họ có niềm vui của việc bị hạ nhục, và thậm chí tử vong, vì danh Chúa Giêsu. Để thoát khỏi niềm tự hào được là người trên hết, chỉ có con đường là mở trái tim ra cho lòng khiêm nhường, một sự khiêm nhường không bao giờ xảy đến mà không đi kèm với sự sỉ nhục. Đây là một điều chúng ta không tự nhiên hiểu được. Đó là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin.
Đó là ân sủng được “bắt chước Đức Kitô”. Điều này không chỉ là ân sủng đối với các vị tử đạo ngày nay là những người đang đưa ra những chứng tá cho sự bắt chước này, nhưng còn cho “nhiều người nam nữ đang chịu nhục mỗi ngày vì lợi ích của gia đình riêng của họ,” và những người “câm nín, không nói được, vì tình yêu của họ với Chúa Giêsu”.
Và niềm vui bị sỉ nhục này là sự thánh thiện của Giáo Hội, không phải vì sự sỉ nhục là đẹp đẽ, không, nhưng vì với sự sỉ nhục đó, anh chị em bắt chước Chúa Giêsu. Hai thái độ tôi muốn đề cập ở đây là hãy đóng tâm hồn mình lại trước những gì mang đến cho anh chị em hận thù, giận dữ, muốn giết những người khác; và thứ hai là mở lòng ra với đường lối của Chúa Giêsu là chấp nhận sự nhục mạ, thậm chí nhục mạ rất nghiêm trọng. Niềm vui nội tâm đó đưa anh chị em trở lại trên con đường đoan chính đã được Chúa Giêsu vạch ra.
5. Vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội và Giáo Hội
Cần phải biết tái khám phá ra thiên tài nữ giới, biết lắng nghe tiếng nói của họ nhiều hơn, thừa nhận uy tín của tiếng nói đó, và để cho nó thực sự có ảnh hưởng trên cuộc sống của xã hội và của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chúng sáng thứ Tư 15 tháng Tư.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói ngài sẽ dành mấy bài giáo lý để trình bầy khiá cạnh chính của đề tài gia đình đó là ơn Thiên Chúa Ban cho nhân loại với việc tạo dựng người nam và người nữ và với bí tích hôn phối. Có hai bài giáo lý nói về sự khác biệt và bổ túc giũa người nam và người nữ, và hai bài giáo lý trình bầy về Hôn Nhân.
Trước hết là một bình luận về trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế. Trong trình thuật này chúng ta đọc thấy rằng sau khi tạo dựng vũ trụ và mọi sinh vật, Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài là tuyệt đỉnh công trình sáng tạo của Ngài: “giống hình ảnh Ngài, nam nữ Thiên Chúa tạo dựng họ” (St 1,27): người nam và người nữ là hình ảnh và giống Thiên Chúa.
Như chúng ta tất cả đều biết, sự khác biệt phái tính hiện diện trong tất cả mọi hình thức của sự sống, trong chiếc thang dài của các sinh vật. Nhưng chỉ nơi người nam và người nữ nó mang theo trong mình hình ảnh và việc giống Thiên Chúa: văn bản kinh thánh lập lại điều này 3 lần trong trong hai câu 26-27.
Đức Thánh Cha giải thích sự kiện này như sau:
Điều này nói với chúng ta rằng không chỉ con người được xét trong chính nó là hình ảnh của Thiên Chúa, mà cả người nam và người nữ như là cặp đôi cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự khác biệt giữa nam nữ không phải là sự đối chọi hay phục tùng, nhưng để hiệp thông và truyền sinh, luôn luôn như hình ảnh và giống Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: kinh nghiệm dậy cho chúng ta biết điều đó: để hiểu biết một các tốt đẹp và lớn lên một cách hài hòa con người cần có sự hỗ tương giữa nam nữ. Chúng ta được dựng nên để lắng nghe nhau và trợ giúp nhau. Chúng ta có thể nói rằng không có việc làm giầu cho nhau trong tương giao này, trong tư tưởng và trong hành dộng, trong các tâm tình và trong công việc làm cũng như trong đức tin – thì cả hai cũng không thể hiểu thấu đáo là nam nữ có nghĩa là gì.
Nền văn hóa tân tiến hiện đại đã mở ra các khoảng không mới, các tự do mới và các sâu thẳm mới cho việc hiểu biết sự khác biệt phong phú này. Nhưng nó cũng đã đem theo nhiều nghi hoặc. Chẳng hạn, tôi tự hỏi cái gọi là lý thuyết giống lại cũng không phải là một biểu lộ của một sự tước đoạt và chịu trận nhằm xóa bỏ sự khác biệt phái tính, bởi vì nó không còn biết đối diện với chính mình nữa hay sao. Phải, chúng ta có nguy cơ đi thụt lùi một bước. Việc lấy mất đi sự khác biệt phái tính thật ra là vấn đề, chứ không phải là giải pháp. Trái lại, để giải đáp các vấn đề tương quan, người nam và người nữ phải nói chuyện với nhau nhiều hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn, và cộng tác với nhau với tình bạn. Với các nền tảng nhân bản đó, được nâng đỡ bởi ơn thánh Chúa, có thể dư phóng sự hiệp nhất hôn nhân và gia đình cho suốt cuộc đời. Mối dây hôn nhân và gia đình là một chuyện nghiêm chỉnh, và nó nghiêm chỉnh đối với tất cả mọi người chứ không chỉ đối với các tín hữu mà thôi. Tôi muốn khuyến khích các nhà trí thức đừng chạy trốn đề tài này, như thể nó đã trở thành phụ thuôc đối với dấn thân cho một xã hội tự do và công bằng hơn.
Thiên Chúa đã phó thác trái đất cho giao ước của người nam và người nữ: sự thất bại của nó khiến cho thế giới tình yêu thương cằn cỗi đi, và làm cho bầu trời của niềm hy vọng trở thành đen tối. Có các dấu hiệu khiến cho chúng ta âu lo, và chúng ta trông thấy chúng. Trong nhiều điểm tôi muốn chỉ cho thấy hai điều mà tôi tin rằng cần phải dấn thân với nhiều cấp bách hơn. Đức Thánh Cha nêu lên điểm thứ nhất như sau:
Thật không nghi ngờ rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để tạo thuận tiện cho nữ giới, nếu chúng ta muốn tái trao ban sức mạnh lớn hơn cho sự tương giao giữa nam nữ. Thật thế, nữ giới cần phải được lắng nghe nhiều hơn, nhưng tiếng nói của họ cũng phải có sức nặng thực sự hơn, và có một uy tín được thừa nhận nhiều hơn trong xã hội và trong Giáo Hội. Cách thức mà chính Chúa Giêsu đã nhìn nữ giới – nhưng chúng ra nói rằng Phúc Âm là như thế – trong một bối cảnh ít thuận tiện hơn bối cảnh của chúng ta ngày nay, bởi vì vào thời đó phụ nữ chiếm chỗ hạng hai, và Chúa Giêsu đã coi nữ giới trong một cách thức trao ban một ánh sáng mạnh mẽ chiếu soi con đường dẫn đi rất xa, mà chúng ta mới chỉ đi được một đoạn ngắn.
Chúng ta chưa hiểu trong chiều sâu đâu là những điều mà thiên tài nữ giới có thể trao ban, những điều mà phụ nũ có thể cống hiến cho xã hội và cho cả chúng ta nữa, những điều mà họ biết trông thấy với đôi mắt khác, bổ túc cho các tư tưởng của nam giới. Nó là một con đường cần phải đi với nhiều óc sáng tạo và sự táo bạo hơn.
Một suy tư thứ hai liên quan tới đề tài người nam và người nữ được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi tự hỏi không biết cuộc khủng hoảng của lòng tin tưởng tập thể nơi Thiên Chúa, gây ra biết bao sự dữ, khiến cho chúng ta bị bệnh chịu trận trước thái độ không tin và trơ trẽn, cũng không phải gắn liền với cuộc khủng hoảng của giao ước giữa người nam và người nữ hay sao. Thật ra trình thuật kinh thánh, với bức tranh lớn biểu tượng liên quan tới thiên đàng dưới thế và tội tổ tông, nói với chúng ta rằng chính sự hiệp thông với Thiên Chúa được phản ánh trong sự hiệp thông của cặp con người nam nữ, và việc đánh mất đi sự tin tưởng nơi Cha trên trời sinh ra chia rẽ và xung khắc giữa người nam và người nữ.
Từ đó phát xuất ra trách nhiệm lớn của Giáo Hội, của tất cả mọi tín hữu và trước hết của các gia đình tín hữu, đó là phải tái khám phá ra vẻ đẹp trong chương trình tạo dựng mà Đấng Tạo Hóa đã in nơi hình ảnh của Thiên Chúa, cả trong giao ước giữa người nam và người nữ nữa. Trái đất tràn đầy sự hài hòa và tin cậy, khi giao ước giữa người nam và người nữ được sống một cách tốt đẹp. Và nếu người nam và người nữ cùng tìm vẻ đẹp đó giữa nhau và với Thiên Chúa, thì chắc chắn họ sẽ tìm thấy nó. Chúa Giêsu khích lệ chúng ta công khai làm chứng cho vẻ đẹp đó, là hình ảnh của Thiên Chúa.
Nguồn; Vietcatholic News