Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 14/05 – 20/05/2015: Câu chuyện Thánh Phaolô rao giảng tại kinh thành Nhã Điển của Hy Lạp

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 14/05 – 20/05/2015: Câu chuyện Thánh Phaolô rao giảng tại kinh thành Nhã Điển của Hy Lạp

 

1. Sẽ đến giờ những kẻ giết anh em lại tưởng mình đang phụng thờ Thiên Chúa

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Hai 11 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mặc dù các Kitô hữu vẫn còn bị bách hại và giết chết nhân danh Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh ban cho họ sức mạnh để đối mặt với tử đạo khi họ làm chứng cho đức tin của mình.

Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài dựa trên bài Tin Mừng trong ngày, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng sẽ làm chứng cho Thầy” (Ga 15: 26-27)

Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa đang nói về tương lai, về Thập Giá đang chờ đợi chúng ta, và về Thánh Thần, Đấng sẽ giúp chúng ta hiên ngang làm chứng như một Kitô hữu. Ngài cũng nói về “tai tiếng bách hại”, “tai tiếng của Thập Giá”.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng cuộc sống của Giáo Hội là một cuộc hành trình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, là Đấng luôn nhắc nhở chúng ta những lời của Chúa Giêsu và “dạy chúng ta điều mà Chúa Giêsu chưa thể nói với chúng ta”.

Chúa Thánh Thần là bạn đồng hành của chúng ta trong cuộc hành trình này và bảo vệ chúng ta khỏi “tai tiếng của Thập Giá”.

Tại sao lại là “tai tiếng của Thập Giá”? Đức Thánh Cha chỉ ra rằng thập giá là một tai tiếng đối với những người Do Thái, là những người luôn “đòi những dấu lạ”. Thập giá cũng là một điều điên rồ đối với những người Hy Lạp – với dân ngoại – là những người luôn “đòi hỏi kiến thức và những ý tưởng mới”.

Kitô hữu, ngược lại, rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh. Do đó, Chúa Giêsu phải chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ Ngài: “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ những kẻ giết anh em lại tưởng mình đang phụng thờ Thiên Chúa.”

“Hôm nay chúng ta đang nhìn thấy những kẻ giết các Kitô hữu nhân danh Thiên Chúa, vì họ nghĩ rằng các tín hữu Kitô này là quân vô đạo. Đây là Thập Giá của Chúa Kitô: ‘Họ sẽ làm như thế bởi vì họ chẳng biết Cha và cũng chẳng biết Thầy’. ‘Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước’. Những điều họ đã làm cho Thầy, họ cũng làm cho anh em, đó là bách hại, là gian truân – nhưng anh em đừng hoang mang: Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta thấu hiểu”.

Đức Thánh Cha sau đó nhắc lại cuộc trò chuyện qua điện thoại hôm Chúa Nhật với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Coptic Tawadros Đệ Nhị nhân dịp “Ngày của tình hữu nghị giữa Giáo Hội Chính Thống Coptic và Giáo Hội Công Giáo”.

“Tôi đang nhớ về các tín hữu của Giáo Hội ngài, là những người đã bị giết chết trên bãi biển Lybia chỉ vì họ là Kitô hữu. Nhờ sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho họ, họ đã không khủng hoảng. Họ đã chết với danh cực trọng của Chúa Giêsu trên môi họ. Đây là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là chứng tá. Tử đạo là chứng tá tối cao”.

Nhưng, cả chúng ta cũng phải là những chứng nhân với những chứng tá chúng ta đưa ra mỗi ngày, trong đó chúng ta tái hiện thông điệp Phục Sinh trao ban sự sống là điều hướng dẫn chúng ta đến với sự thật và nhắc nhở chúng ta về những lời của Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Một Kitô hữu không nghiêm túc chấp nhận chiều kích tử đạo trong cuộc sống không hiểu nổi con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ ra là con đường mời gọi chúng ta làm chứng mỗi ngày. Đó là hãy bảo vệ quyền lợi của người khác; bảo vệ trẻ em; các bà mẹ và ông bố đang bảo vệ gia đình của họ; và cơ man những người bệnh làm chứng và chịu đau khổ vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta đều có khả năng thăng tiến thông điệp Phục Sinh mang lại sự sống này, làm chứng, và không để mình bị hoang mang”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện sau: “Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn sủng đón nhận Chúa Thánh Thần, là Đấng sẽ nhắc nhở chúng ta những lời của Chúa Giêsu, là Đấng sẽ hướng dẫn chúng ta trong sự thật suốt cuộc đời của chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta có thể làm chứng trong cuộc sống của mình, với những hy sinh nho nhỏ mỗi ngày, hoặc với một giá tử đạo tuyệt vời, tùy theo thánh ý Thiên Chúa”.

2. Các cộng đoàn sợ hãi và không có niềm vui không phải là các cộng đoàn Kitô

Trong thánh lễ sáng 15 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng các cộng đoàn sợ hãi và không có niềm vui không phải là các cộng đoàn Kitô. 

“Sự sợ hãi” và “niềm vui” là hai từ chủ yếu của phụng vụ ngày Thứ Sáu trong Tuần Thứ Sáu Mùa Phục sinh. Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Sợ hãi là một thái độ làm hại chúng ta. Nó làm cho chúng ta suy yếu và ti tiện. Nó thậm chí còn làm tê liệt chúng ta. Một người đang sợ không dám làm gì cả, không biết phải làm gì. Anh ta tập trung vào chính bản thân mình để đừng có chuyện gì xấu xảy ra. Sự sợ hãi dẫn anh chị em đến một thái độ ích kỷ tập trung vào mình và làm tê liệt anh chị em. Một Kitô hữu sợ hãi là một người không hiểu được thông điệp của Đức Giêsu” 

“Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với Thánh Phaolô: “Đừng sợ. Cứ tiếp tục nói”. Sợ không phải là một thái độ Kitô giáo. Chúng ta có thể nói đó là một thái độ cá chậu chim lồng, là thái độ của những người không có tự do để nhìn về phía trước, để tạo ra một cái gì đó, để làm tốt … là thái độ của những kẻ lúc nào cũng nói “không”: “nhưng điều này rất nguy hiểm, phải có cái gì đó khác.. Sợ hãi là một tật xấu. Sợ hãi gây ra những thiệt hại.

“Đừng sợ, hãy xin ơn can đảm, sự can đảm của Chúa Thánh Thần mà Ngài sai đến cùng chúng ta”:

“Có những cộng đoàn sợ hãi, họ luôn luôn đi ở phiá an toàn: ‘Không, không, chúng ta đừng làm điều này … Không, không, điều này không thể thực hiện được, đừng làm như vậy.” Có vẻ như họ đã viết sẵn trên lối ra vào mấy chữ ‘Tử Cấm Thành’ Tất cả mọi thứ đều bị cấm vì sợ hãi. Và khi anh chị em gia nhập vào cộng đoàn này anh chị em sẽ thấy một bầu không khí cũ mèm, bởi vì đó là một cộng đoàn bệnh hoạn. Sợ hãi làm cho một cộng đoàn trở nên bệnh hoạn. Thiếu can đảm làm cho một cộng đoàn mất sinh khí”

Đức Giáo Hoàng giải thích thêm là sự sợ hãi cần phải được phân biệt với “sự kính sợ Chúa”, là một thái độ thánh thiện. Thái độ kính sợ trước tôn nhan Chúa là một nhân đức. Thái độ kính sợ Thiên Chúa không làm chúng ta ra ti tiện, hèn yếu, tê liệt nhưng đưa chúng ta tiến về phía trước, với sứ mệnh Chúa trao phó cho chúng ta.

Một từ khác trong phụng vụ hôm nay là “niềm vui”. “Không ai có thể lấy đi niềm vui của anh em” Chúa Giêsu nói với chúng ta. Và, Đức Thánh Cha nói, “trong những khoảnh khắc buồn bã nhất, trong những khoảnh khắc sầu muộn,” niềm vui “mang lại hòa bình.” “Một Kitô hữu mà không có niềm vui thì không phải là Kitô hữu. Một Kitô hữu liên tục sống trong nỗi buồn không phải là một Kitô hữu đích thực. Và khi một Kitô hữu, trong lúc gặp thử thách, bệnh tật, và rất nhiều khó khăn, mà mất đi an bình – thì người ấy đang còn thiếu một cái gì đó”. 

“Niềm vui Kitô hữu không chỉ đơn giản là sự hân hoan, không phải là một sự vui tươi phù du. Niềm vui Kitô hữu là một ân sủng, đó là một ân sủng của Chúa Thánh Thần. Trong tim người ấy luôn có sự vui mừng vì Chúa đã chiến thắng, Chúa đang hiển trị, Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa đã đoái nhìn tôi và gọi tôi và đã ban cho tôi ân sủng của Ngài, và đã khiến tôi trở thành một người Con của Chúa Cha … Đó là niềm vui Kitô giáo. Kitô hữu phải sống trong niềm vui.”

Cũng thế “cộng đoàn không có niềm vui” là một cộng đoàn bệnh. Có lẽ nó sẽ là một “cộng đoàn yêu đời” đấy, nhưng “nó đã trở nên bệnh hoạn với những sự thế gian, vì nó không có niềm vui của Chúa Giêsu Kitô. Và như thế, “khi Giáo Hội sợ hãi và khi Giáo Hội không nhận được niềm vui của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành ra bệnh hoạn, các cộng đoàn thành đau yếu, các tín hữu đâm ra ốm đau.” Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bài giảng của ngài bằng lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, xin nâng chúng con lên với Chúa Kitô Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha … xin vực dậy tinh thần của chúng con. Xin lấy đi mọi nỗi sợ hãi của chúng con, và ban cho chúng con niềm vui và bình an.”

3. Câu chuyện thánh Phaolô rao giảng ở thành Nhã Điển

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu sau Chúa Giáng Sinh, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. Tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng Saolô sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ. Ngài vóc dáng thấp bé, nhưng thông minh vượt xa những người cùng lứa tuổi. Lúc nhỏ được giáo dục ở Tarsus là một trung tâm nổi tiếng về văn hoá và triết học. Lớn lên, Saolô được gởi lên Giêrusalem, học với Thầy Gamaliel Cả, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt phái. Saolô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ngài thuộc lòng Kinh Thánh của người Do thái, tức là bộ Cựu Ước. Saolô hết sức nhiệt thành đối với truyền thống của cha ông. Sau khi trở lại, thánh Phaolô đã được gọi là vị tông đồ dân ngoại vì sự nhiệt thành của ngài trong việc rao giảng Tin Mừng với những người không phải là Do Thái.

Như Ý xin giới thiệu với quý vị và anh chị em câu chuyện Thánh Phaolô rao giảng tại thành Nhã Điển là kinh đô của nước Hy Lạp.

Trong khi ông Phaolô đợi hai ông Xila và Timôthêô ở Athê-na, ông nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần. Vậy ông thảo luận trong hội đường với những người Do-thái và những người tôn thờ Thiên Chúa, và ngoài quảng trường mỗi ngày với những người qua lại. Có mấy triết gia thuộc phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ cũng trao đổi với ông. Kẻ thì nói: “Con vẹt đó muốn nói gì vậy? “ Người khác lại bảo: “Hình như ông ta rao giảng về những thần xa lạ”, vì ông Phaolô loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu và về sự Phục Sinh.

Họ mời ông đi với họ đến Hội đồng A-rê-ô-pa-gô và nói: “Chúng tôi có thể biết thứ đạo lý mới ông dạy là gì không? Quả ông có đem đến cho chúng tôi một số điều lạ tai; vậy chúng tôi muốn biết những điều đó nghĩa là gì.” Thật thế, mọi người Nhã Điển và kiều dân ở đó chỉ để thời giờ bàn tán hay nghe những chuyện mới nhất.

Diễn từ của ông Phaolô trước Hội đồng A-rê-ô-pa-gô

Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người Nhã Điển, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.

“Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: “Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.

“Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.

“Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết.”

Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy.” Thế là ông Phaolô bỏ họ mà đi. Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Đi-ô-ny-xi-ô, thành viên Hội đồng A-rê-ô-pa-gô và một phụ nữ tên là Đa-ma-ri cùng những người khác nữa.

4. Xin phép, cám ơn và xin lỗi là ba từ giúp chúng ta duy trì cuộc sống hạnh phúc gia đình

Xin phép, cám ơn và xin lỗi là ba từ giúp chúng ta bước vào trong tình yêu của gia đình, duy trì cuộc sống hạnh phúc và bình an trong gia đình và trong xã hội, vì chúng giúp tránh các rạn nứt có thể trở thành các hố sâu ngăn cách. Vì thế đừng bao giờ kết thúc ngày sống trong gia đình mà không làm hòa với nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hàng tuần hôm 13 tháng 5.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài Gia đình và ba lời nói phải được viết trên cửa: Xin phép, cám ơn và xin lỗi. Đức Thánh Cha nói:

Bài giáo lý hôm nay giống như cửa vào của một loạt các suy tư về cuộc sống gia đình, cuộc sống thực tế của nó với các thời điểm và các biến cố. Trên cánh cửa này có viết ba từ: “Có đuợc phép không?”, “cám ơn”, “xin lỗi”. Thật thế các từ này mở ra con đường giúp sống hạnh phúc trong gia đình. …

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng

Chúng là các từ đơn sơ, nhưng thực thi chúng thì lại không đơn sơ như thế! Chúng gói ghém một sức mạnh lớn: sức mạnh gìn giữ gia đình cả qua hàng ngàn khó khăn và thử thách; trái lại việc thiếu chúng, từ từ mở ra các nứt rạn có thể làm cho nó sụp đổ.

Chúng ta thưòng coi các từ đó như các từ của “nền giáo dục tốt”. Đúng, nền giáo dục tốt là rất quan trọng. Một Giám Mục lớn là thánh Phanxicô de Sales, thường nói: “nền giáo dục tốt là một nửa sự thánh thiện”. Tuy nhiên hãy chú ý trong lịch sử chúng ta cũng nhận ra một khuynh hướng hình thức của các cung cách hành xử có thể trở thành mặt nạ che dấu sự khô cằn của tâm hồn và sự thờ ơ đối với tha nhân. Người ta thường nói: “Đàng sau các cung cách tốt ẩn dấu các thói quen xấu”. Cả tôn giáo cũng không thoát khỏi nguy cơ này, khiến cho việc tuân giữ hình thức rơi vào tinh thần thế tục. Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu đưa ra các cung cách tốt và trích dẫn cả Thánh Kinh nữa. Xem ra nó là một thần học gia. Kiểu của nó bề ngoài đúng đắn, nhưng ý hưóng của nó là nhằm làm sai lệch sự thật của tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta trái lại hiểu nền giáo dục tốt trong các phạm trù đích thực, nơi kiểu của các tương quan tốt đâm rễ sâu trong tình yêu sự thiện và trong sự tôn trọng tha nhân. Gia đình sống nhờ sự tinh tế ấy của tình yêu thương nhau.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khai triển từng từ một. Trước hết là “xin phép” hay hỏi “Có được phép không?” Khi chúng ta lo lắng xin một cách lễ phép, cả khi chúng ta nghĩ rẳng có thể yêu sách, là chúng ta đặt một sự bảo vệ đích thật cho tinh thần sống chung trong hôn nhân và gia đình. Bước vào trong cuộc sống của người khác, cả khi nó là một phần cuộc sống của chúng ta, đòi hỏi sự tế nhị của một thái độ không xâm lăng, canh tân lòng tin tưởng và sự kính trọng. Chuyện riêng không cho phép coi mọi sự là tự nhiên. Và tình yêu càng thân tình và sâu xa bao nhiêu lại càng đòi hỏi việc tôn trọng sự tự do và khả năng chờ đợi người khác mở cửa tâm lòng họ bấy nhiêu. Liên quan tới điểm này chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu nói trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Cả Chúa cũng xin phép để vào! Chúng ta đừng quên điều đó.

Từ thứ hai là “cám ơn”. Vài lần người ta nghĩ rằng chúng ta đang trở thành một nền văn minh của các cung cách hành xử xấu và các lời nói xấu, làm như thể chúng là dấu chỉ của sự thoát ly. Nhiều lần chúng ta cũng nghe nói công khai như thế. Sự tử tế và khả năng cám ơn được xem như một dấu chỉ của sự yếu đuối, có khi lại dấy lên ngờ vực. Phải chống lại khuynh hướng này ngay rong gia đình. Chúng ta phải đòi hỏi đối với việc giáo dục sống biết ơn, nhớ ơn: phẩm giá con người và công bằng xã hội đều đi qua đó. Nếu cuộc sống gia đình lơ là lối sống này, cả cuộc sống xã hội cũng sẽ mất nó. Thế rồi, đối với một tín hữu lòng biết ơn là trung tâm của đức tin: một kitô hữu không biết cám ơn là một người đã quên đi tiếng nói của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ câu Chúa Giêsu hỏi khi chữa mười người phong cùi và thấy chỉ có một người trong bọn họ trở lại cám ơn (x. Lc 17,18).

Lời thứ ba là « xin lỗi ». Đây là lời khó nói, chắn chắn rồi nhưng cần thiết. Khi thiếu nó, các nứt rạn nhỏ trở thành lớn hơn – cả khi không muốn – cho tới khi trở thành các hố sâu. Không phải vô tình trong lời kinh Lậy Cha Chúa Giêsu dậy chúng ta tìm thấy kiểu nói này: « Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con » (Mt 6,12). Thừa nhận dã thiếu sót và ước ao trả lại những gì đã bị lấy mất – tôn trọng, chân thành, yêu thương – khiến đáng được tha thứ. Và như thế là chúng ta ngăn chặn nhiễm trùng. …

Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, thì có nghĩa là chúng ta cũng không có khả năng tha thứ. Trong gia đình nơi người ta không xin lỗi thì bắt đầu thiếu dưỡng khí, nước tù đọng. Biết bao nhiêu vết thương đối với lòng yêu mến, biết bao nhiêu xâu xé trong các gia đình bắt đầu với sự mất đi lời nói qúy báu này « Xin lỗi ». Trong cuộc sống hôn nhân người ta cãi nhau biết bao nhiêu lần… có khi điã chén bay nữa, nhưng tôi xin cho anh chị em một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau. Và để làm điều đó thì chỉ cần một cử chỉ bé nhỏ, một cái vuốt ve…

Ba lời then chốt này của gia đình là những lời đơn sơ và có lẽ ban đầu chúng khiên cho chúng ta cười. Nhưng khi chúng ta quên chúng, thì không có gì để mà cười, có đúng thế không ? Có lẽ nên giáo dục của chúng ta bỏ bê chúng quá. Xin Chúa giúp chúng ta đặt để chúng trở lại vào đúng chỗ, trong con tim chúng ta, trong nhà chúng ta và trong cả cuộc sống chung xã hội nữa.

5. Tin Mừng thúc giục chúng ta rửa chân và các vết thương của những ai đau khổ và dọn bàn ăn cho họ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ khai mạc Đại Hội Đồng lần thứ 20 của Caritas Thế Giới vào chiều thứ Ba 12 tháng 5.

Ngài nói:

Bài đọc từ sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 16: 22-34) mà chúng ta vừa nghe trình bày cho chúng ta một nhân vật khá đặc biệt. Đó là viên cai ngục của nhà tù ở Philippê, nơi hai tông đồ Phaolô và Silô bị giam giữ sau cuộc nổi loạn của đám đông dân chúng chống lại họ. Các quan tòa trước hết đã cho đánh đập Phaolô và Silô và sau đó tống ngục hai ông, ra lệnh cho viên cai ngục phải canh chừng nghiêm ngặt. Vì thế, trong đêm, khi viên cai ngục thấy động đất và cửa nhà tù mở toang, anh ta đầy tuyệt vọng và toan tính tự tử. Nhưng Thánh Phaolô trấn an anh ta. Run rẩy và đầy kinh ngạc, người cai tù quỳ mọp xuống và cầu xin ơn cứu rỗi.

Câu chuyện này nói với chúng ta rằng người cai ngục ấy đã ngay lập tức tiến hành những bước cần thiết trên con đường hướng tới đức tin và ơn cứu độ: Cùng với gia đình mình, ông lắng nghe Lời Chúa; rửa sạch các vết thương của Phaolô và Silô; đón nhận Phép Rửa với toàn bộ gia đình mình; và cuối cùng, tràn đầy niềm vui, anh ta đón Phaolô và Silô về nhà mình, dọn bàn và thết đãi họ.

Tin Mừng, như được loan báo và tin tưởng, thúc giục chúng ta rửa chân và các vết thương của những ai đau khổ và dọn bàn ăn cho họ. Ý nghĩa đơn sơ của các cử chỉ, nơi mà việc đón nhận Lời Chúa và bí tích Rửa Tội được đi kèm với sự đón tiếp anh chị em mình, là việc đón nhận Chúa và đón nhận tha nhân thực ra chỉ là một; đó là đón nhận tha nhân với ân sủng Thiên Chúa; là đón nhận Thiên Chúa và thể hiện hành động này trong sự phục vụ anh chị em mình. Lời Chúa, các phép bí tích và sự phục vụ liên hệ với nhau và nuôi dưỡng nhau như đã từng thấy trong những chứng tá của Giáo Hội sơ khai.

Chúng ta có thể nhìn thấy trong cử chỉ này, toàn bộ ơn gọi của Caritas. Caritas hiện nay là một Liên Đoàn lớn, được công nhận rộng rãi khắp thế giới vì công việc và những thành tựu của mình. Caritas là một thực tại của Giáo Hội ở nhiều nơi trên thế giới và vẫn phải tìm kiếm sự mở rộng lớn hơn trong các giáo xứ và cộng đồng khác, để canh tân những gì đã diễn ra trong những ngày đầu của Giáo Hội. Trong thực tế, nguồn mạch tất cả sứ vụ của anh chị em là việc đơn sơ và ngoan ngoãn chào đón Thiên Chúa và người lân cận mình. Đây là nguồn mạch; nếu anh chị em từ bỏ nguồn mạch này Caritas sẽ chết. Sự chào đón này trước hết phải được anh chị em cảm nghiệm một cách cá vị, trước khi anh chị em bước ra thế giới bên ngoài, và tại đó, phục vụ những người khác nhân danh Đức Kitô, Đấng mà anh chị em đã gặp gỡ và sẽ tiếp tục gặp gỡ nơi mỗi người mà anh chị em sẽ tiếp cận như người lân cận của mình. Như thế, anh chị em sẽ thực sự tránh được nguy cơ bị giản lược thành một tổ chức nhân đạo đơn thuần.

Không có “Caritas” lớn hay nhỏ, tất cả đều là như nhau. Chúng ta hãy xin Chúa ban ân sủng để hiểu được những chiều kích thực sự của “Caritas” là gì; xin Chúa ban ân sủng để không rơi vào cạm bẫy tin tưởng rằng con đường phải theo là một cấu trúc tập trung được tổ chức cho tốt; xin Chúa ban ân sủng để hiểu rằng “Caritas” luôn luôn có thể tìm thấy ở những vùng ngoại vi, trong mỗi Giáo Hội cụ thể; xin Chúa ban ân sủng để tin rằng các “Caritas” trung ương chỉ là sự hỗ trợ, phục vụ và kinh nghiệm chung chứ không phải là người đứng đầu của tất cả.

Bất cứ ai sống sứ vụ của Caritas đều không phải là nhân viên từ thiện đơn thuần, nhưng là một chứng nhân đích thực của Chúa Kitô. Người ấy tìm kiếm Chúa Kitô và để cho Chúa Kitô tìm kiếm mình; người ấy yêu mến với tinh thần của Đức Kitô, một tinh thần cho đi nhưng không. Tất cả các chiến lược và kế hoạch của chúng ta là hư không trừ khi chúng ta mang theo trong chúng ta tình yêu này. Không phải là tình yêu của chúng ta, nhưng là tình yêu của Ngài. Hay đúng hơn là tình yêu của chúng ta đã được thanh tẩy và củng cố bởi tình yêu của Ngài.

Như thế, chúng ta có thể phục vụ tất cả mọi người và dọn bàn cho tất cả. Đây là một hình ảnh đẹp mà Lời Chúa ban cho chúng ta hôm nay, đó là dọn bàn. Ngay cả lúc này đây, Chúa đang dọn bàn tiệc Thánh Thể. Caritas dọn nhiều bàn cho người đói. Trong những tháng gần đây anh chị em tung ra một chiến dịch lớn “Một gia đình nhân loại, lương thực cho tất cả”. Hiện vẫn còn rất nhiều người ngày nay không có đủ thực phẩm. Hành tinh này có đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng có vẻ như vẫn còn thiếu ý thức sẵn sàng chia sẻ cơm bánh với tất cả mọi người. Chúng ta phải dọn bàn cho tất cả, và yêu cầu rằng phải có bàn ăn cho tất cả mọi người. Chúng ta phải làm những gì có thể để mọi người có một cái gì đó mà ăn, nhưng chúng ta cũng phải nhắc nhở mạnh mẽ những kẻ có quyền có thế trên trái đất này rằng Thiên Chúa sẽ gọi họ ra trước tòa phán xét một ngày nào đó và lúc đó sẽ lộ ra là họ thực sự đã cho Ngài ăn hay không nơi mỗi con người (cf. Mt 25: 35) và họ đã làm những gì có thể hay không để bảo vệ môi trường hầu nó có thể sản xuất ra thực phẩm này.

Và khi nghĩ về bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta không thể quên anh chị em Kitô hữu của chúng ta đang bị tước đoạt đi lương thực phần hồn và phần xác: họ bị đuổi khỏi nhà cửa và nhà thờ của mình – những ngôi nhà này đôi khi còn bị phá hủy. Tôi lặp lại lời kêu gọi chúng ta đừng quên những anh chị em này và những ai đang gánh chịu những bất công không thể chấp nhận được.

Do đó, cùng với nhiều tổ chức bác ái khác của Giáo Hội, Caritas tỏ cho thấy sức mạnh của tình yêu Kitô giáo và mong muốn của Giáo Hội để gặp gỡ Chúa Giêsu nơi tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và những ai đau khổ. Đây là con đường phía trước chúng ta. Với ý hướng ấy, tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ thực hiện được công việc của mình trong suốt khóa họp này. Chúng ta phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã biến việc chào đón Thiên Chúa và tha nhân thành các tiêu chí cơ bản của cuộc sống mình. Thực ra, ngày mai chúng ta sẽ mừng lễ Đức Mẹ Fatima, Đấng đã xuất hiện để loan báo chiến thắng trên sự ác. Với sự hỗ trợ lớn như vậy, chúng ta không ngại tiếp tục sứ mệnh của chúng ta. Amen.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …