Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 12/03 – 18/03/2015: Những dụ ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 12/03 – 18/03/2015: Những dụ ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu

 

1. Hãy tha thứ để được thứ tha

Để cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành lời dạy trong kinh Lạy Cha: nghĩa là phải chân thành ăn năn vì những tội lỗi của chúng ta, vì biết rằng Thiên Chúa luôn tha thứ, và chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho người khác. Đây là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ sáng thứ Ba 10 tháng 3.

Tập trung chủ yếu vào bài trích Phúc Âm theo Thánh Mátthêu (18: 21-35), trong đó Chúa khuyên các môn đệ của Ngài tha thứ “bảy mươi lần bảy”, tức là luôn luôn và tất cả, Đức Thánh Cha đã đề cập đến những liên kết chặt chẽ giữa việc Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta và sự tha thứ của chúng ta cho tha nhân.

Suy tư trên bài đọc từ Cựu Ước trích từ sách tiên tri Daniel, kể về lời van xin Thiên Chúa khoan hồng của Azariah, người đại diện cho toàn dân, thú nhận tội lỗi và cầu xin được tha thứ vì đã từ bỏ con đường đoan chính của Chúa. Azariah không biện hộ cho dân, cũng không cầu xin Chúa hãy xem nhẹ những tội lỗi của họ, hay là bỏ qua những tội lỗi của dân Người, nhưng xin Chúa tha thứ cho họ.

Đức Thánh Cha nói: 

“Kêu cầu sự tha thứ là một điều khác với việc chỉ đơn giản nói rằng, tôi đã thực hiện một sai lầm ‘cho tôi xin lỗi’ hay ‘Xin lỗi, tôi đã làm sai’. Không, ‘Tôi đã phạm tội!’ – Đó là sự khác biệt: hai điều này không giống nhau. Tội lỗi không phải là một sai lầm đơn giản. Tội lỗi là thờ ngẫu tượng: đó là sự tôn thờ những ngẫu tượng như niềm tự hào, phù hoa, tiền bạc, ‘cái tôi’, ‘sự sung túc riêng mình’. Chúng ta có quá nhiều ngẫu tượng vì thế mà Azariah không xin lỗi nhưng ông cầu xin sự tha thứ”

Sự tha thứ phải được khẩn xin một cách chân thành, hết lòng – và sự thứ tha cũng phải được trao ra hết lòng với những người đã làm tổn thương chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc lại thái độ của người đầy tớ được tường thuật trong Tin Mừng, là người đã được chủ tha cho một món nợ lớn, nhưng đã không hào phóng như thế với người bạn mình. Đức Thánh Cha giải thích rằng động lực của sự tha thứ là những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha:

“Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha như thế này: Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” Nếu tôi không thể tha thứ, thì tôi không thể cầu xin được tha thứ. ‘Nhưng thưa cha, con đi xưng tội’ Nhưng anh chị em sẽ làm gì trước khi đi xưng tội? ‘Thưa, con nghĩ đến những điều con đã làm sai. Sau đó, con cầu xin Chúa tha thứ và hứa sẽ không làm những điều đó nữa. Và sau đó con đến gặp một linh mục’ Nhưng trước khi anh chị em làm những điều này, anh chị em vẫn thiếu một cái gì đó: anh chị em có tha thứ cho những người đã làm tổn thương anh chị em không?”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng sự tha thứ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đòi buộc chúng ta phải tha thứ cho người khác.

“Đây là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta về sự tha thứ: đầu tiên, xin tha thứ không phải là một lời xin lỗi đơn giản, đó phải là một nhận thức về tội lỗi, về sự sùng bái ngẫu tượng mà tôi đã phạm; thứ hai, Thiên Chúa luôn tha thứ, luôn luôn – nhưng Ngài đòi hỏi tôi phải tha thứ cho người khác. Nếu tôi không tha thứ, trong một nghĩa nào đó, tôi đã đóng cửa với sự tha thứ của Thiên Chúa. Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. 

2. Những tâm hồn chai đá

Không thể có sự thỏa hiệp: hoặc chúng ta để cho mình được yêu thương “bởi lòng thương xót của Thiên Chúa” hoặc chúng ta chạy theo con đường “đạo đức giả” và cứ làm theo ý mình muốn để rồi con tim mình ngày càng chai cứng. Đây là lịch sử của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, từ thời Abel cho đến bây giờ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Năm 12 tháng Ba.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng của ngài với những lời trong Thánh vịnh đáp ca – “Đừng cứng lòng nữa” – và đặt câu hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra?”. Để tìm câu trả lời, Đức Thánh Cha đã nhắc lại bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Jeremiah (7: 23-28), trong đó tóm tắt cách nào đó “lịch sử của Thiên Chúa”. Nhưng liệu chúng ta thực sự có thể nói “Thiên Chúa có một lịch sử hay không?” Làm sao lại có thể như thế vì “Thiên Chúa là vĩnh cửu?” Đức Thánh Cha giải thích rằng, sự thật là, “từ lúc Thiên Chúa bắt đầu các cuộc đối thoại với dân Người, Ngài đã đi vào lịch sử”.

Và lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài “là một lịch sử đáng buồn”, vì “Thiên Chúa đã cho tất cả mọi thứ” và đổi lại “Ngài chỉ nhận được những buồn phiền”. Chúa phán: “Hãy lắng nghe tiếng Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi và các ngươi sẽ là dân Ta. Hãy bước đi trong đường lối Ta đã truyền cho các ngươi, để các ngươi phát triển thịnh vượng”. Đó là “con đường” để được hạnh phúc. “Nhưng họ không vâng lời, họ cũng chẳng màng chú tâm đến”. Thay vào đó, họ tiếp tục ngoan cố bước đi “trong sự cứng lòng gian ác của họ”. Nói cách khác, họ không muốn “lắng nghe Lời Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng lựa chọn đó đặc trưng cho toàn bộ lịch sử của Dân Chúa: “chúng ta hãy xem xét vụ giết hại và cái chết của Abel bởi anh trai của mình, bởi trái tim ác độc do ghen tị”. Tuy con người liên tục “quay lưng” với Chúa, Ngài “không bao giờ mệt mỏi”. Thực vậy, Ngài “không mệt mỏi” sai các tiên tri đến với dân Người. Nhưng dù thế, con người vẫn không nghe. Thay vào đó, Kinh Thánh cho chúng ta biết: “họ đã cứng cổ và làm ra những điều còn tồi tệ hơn so với những gì cha ông họ đã làm”. Thành ra, “tình hình của dân Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác càng trở nên tồi tệ hơn”.

Chúa nói với tiên tri Jeremiah: “Khi ngươi nói với họ tất cả những lời này, họ sẽ không lắng nghe ngươi, họ sẽ không trả lời. Hãy nói với họ: Đây là dân tộc không lắng nghe tiếng Chúa, cũng chẳng sửa sai”. Và Đức Thánh Cha nhận xét là Thiên Chúa đã cho biết thêm một điều “khủng khiếp” hơn: Lòng trung thành đã biến mất ‘. Các ngươi không phải là những người trung tín. Ở đây, theo Đức Thánh Cha, có vẻ như Thiên Chúa đang khóc: “Ta đã yêu thương ngươi rất nhiều, Ta đã cho ngươi rất nhiều …”, nhưng ngươi đã làm “mọi thứ để chống lại Ta”. Sự than khóc này nhắc chúng ta nhớ đến biến cố Chúa Giêsu “khóc thương thành Giêrusalem”. “Tất cả lịch sử này, trong đó sự trung thành đã biến mất, làm con tim Chúa Giêsu thổn thức”. “Lịch sử cá nhân của chúng ta” cũng là một lịch sử của sự bất trung bởi vì “chúng ta làm theo ý riêng của mình. Nhưng khi làm như vậy, trong hành trình của cuộc sống, chúng ta đi theo một con đường chai cứng: chai cứng con tim, biến nó thành đá. Lời Chúa không thấm nhập được và chúng ta sa ngã”. Đây là lý do tại sao “ngày hôm nay, vào Mùa Chay này, chúng ta có thể tự hỏi mình: Tôi có lắng nghe tiếng nói của Chúa không, hay tôi chiều theo những gì tôi muốn, bất cứ những gì miễn là làm tôi vui lòng?”.

Những lời khuyên của Thánh vịnh đáp ca – “Đừng cứng lòng nữa” – được tìm thấy “rất nhiều lần trong Kinh Thánh” để giải thích “sự bất trung của dân Chúa” – thường sử dụng “hình ảnh của những người đàn bà hoang dâm”. Đức Thánh Cha nhắc đến đoạn văn nổi tiếng từ Ezekiel 16 như một ví dụ: “Đời ngươi là một lịch sử lâu dài của ngoại tình. Dân này đã không chung thủy với Ta, dân này đã là một dân ngoại tình “. Ngoài ra còn có rất nhiều lần, trong đó Chúa Giêsu “quở trách các môn đệ vì lòng họ chai cứng”, như khi Ngài nói với hai môn đệ trên đường Emmau: “Hởi những kẻ ngu ngốc và lòng dạ chai cứng”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng con tim gian ác – mà “tất cả chúng ta mỗi người đều có một chút” – “không cho phép chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta muốn được tự do”, nhưng” với một sự tự do mà cuối cùng biến chúng ta ra nô lệ, chứ không phải là tự do trong tình yêu mà Chúa ban cho chúng ta”.

Điều này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, cũng xảy ra trong các định chế. Ví dụ, “Chúa Giêsu chữa lành một người, nhưng trái tim của các thầy thông luật, của các tư tế, của hệ thống pháp luật đã chai cứng đến mức họ luôn tìm kiếm những lời biện minh”. Thành ra, họ nói với Ngài: “Ông đuổi quỷ nhờ danh của quỷ. Ông là một thầy phù thủy ma quỷ”. Các thầy thông luật này “tin rằng cuộc sống đức tin phải được điều hòa bởi những luật lệ do họ bày ra”. Chúa Giêsu gọi họ là “những kẻ giả hình, những ngôi mộ tô vôi, bề ngoài xinh đẹp nhưng bên trong chứa đầy sự gian ác và đạo đức giả”.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng “thật không may, điều tương tự đã xảy ra trong lịch sử của Giáo Hội. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp cô bé Joan thành Arc tội nghiệp: hôm nay cô ấy là một vị thánh! Cô gái tội nghiệp ấy đã bị thiêu sống vì người ta tin rằng cô là một kẻ dị giáo. Hoặc chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp gần đây hơn là Chân Phước Rosmini là người mà tất cả các sách của ngài đều bị cấm. Anh chị em đã không thể đọc những sách này, đọc những sách ấy là có tội. Hôm nay, ngài được phong Chân Phước.”

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “trong lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài, Chúa đã gửi các tiên tri đến nói cho dân Ngài biết rằng Ngài yêu thương họ”, tương tự như vậy, “trong Giáo Hội, Chúa gửi các thánh đến với chúng ta”. Họ là “những người dẫn dắt đời sống của Giáo Hội. Họ không quyền lực, không phải là những kẻ đạo đức giả”. Họ là “những người nam nữ thánh thiện, trẻ em, thanh thiếu niên thánh thiện, các linh mục thánh thiện, các nữ tu thánh thiện, các vị giám mục thánh thiện …”. Nói cách khác, họ là những con người “mà trái tim không chai cứng”, nhưng thay vào đó “luôn luôn mở cửa cho lời tình yêu của Chúa”. Họ “không phải là người sợ để cho mình được vuốt ve bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao các thánh là những người hiểu rất rõ về đau khổ, về sự khốn cùng của con người, và gần gũi với con người”.

Chúa rất thẳng thừng với những ai “đã mất đi lòng trung thành của họ”: “Những ai không theo Ta là chống lại Ta”. Người ta có thể hỏi: “Không có một cách nào để thỏa hiệp, để có một chút cái này và một chút cái kia sao?”. Không, Đức Thánh Cha nói, “Hoặc chúng ta để cho mình được yêu thương “bởi lòng thương xót của Thiên Chúa” hoặc chúng ta chạy theo con đường ‘đạo đức giả’ và cứ làm theo ý mình muốn để con tim mình ngày càng chai cứng”. Không có “con đường thứ ba cho sự thỏa hiệp: hoặc là anh chị em trở nên thánh thiện hoặc là anh chị em đi theo con đường khác”. Những ai “không cùng đi” với Chúa, không chỉ “bỏ rơi mọi thứ” mà “tồi tệ hơn: sẽ bị phân tán, phá hủy. Họ là những kẻ băng hoại”.

Vì sự bất trung này, “Chúa Giêsu khóc thành Giêrusalem” và “khóc cho mỗi người chúng ta”. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong Chương 23 Phúc Âm Thánh Mátthêu, có một lời nguyền khủng khiếp chống lại “những người lãnh đạo có con tim chai cứng và muốn làm chai cứng con tim người dân”. Chúa Giêsu nói: “đổ xuống đầu các ngươi là máu của tất cả những người vô tội, bắt đầu từ Abel. Chúng sẽ phải chịu trách nhiệm vì tất cả máu của người vô tội, đổ ra bởi sự gian ác của họ, bởi thói đạo đức giả của họ, bởi sự chai cứng và trái tim hóa đá của họ”.

3. Những dụ ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi vừa trình bày, trong bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Năm 12 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng Chúa rất thẳng thừng với những ai “đã mất đi lòng trung thành của họ”: “Những ai không theo Ta là chống lại Ta”. Ba dụ ngôn tiếp theo đây, do chính Chúa Giêsu kể cũng nói lên sự cấp bách trong lựa chọn nước Trời thay vì thờ lạy những ngẫu tượng thế gian.

Dụ ngôn kho báu và ngọc quý

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

Dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển

Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Ðến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người thứ nhất trong dụ ngôn kho báu là một người làm công nhật, cầy ruộng cho một người khác, tình cờ trong lúc làm ruộng, anh gặp thấy một kho báu chôn giấu dưới đất. Một kho báu mà theo con mắt của anh là vô giá, nên anh liền “đi bán tất cả những gì có là mua thửa ruộng ấy”.

Người thứ hai trong dụ ngôn kho báu là một thương gia buôn bán ngọc quý. Tình cờ trong khi chạy hàng anh đã tìm được một viên ngọc thượng thặng, liền bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

Cả hai đều không muốn bỏ lỡ cơ hội có một không hai, không muốn để cho vận may của cuộc đời qua mất, và vì thế họ hành động với những quyết định rất can đảm và quyết liệt. 

Lời đáp trả cho sứ điệp Tin Mừng về Nước Chúa, có thể khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh và ơn gọi của mỗi cá nhân; nhưng không làm tất cả những gì cần thiết để được vào Nước Chúa, không lợi dụng vận may hiếm có đưa đến, đó là một thái độ khờ dại sẽ dẫn đến một chung cục đã được nghiêm khắc cảnh cáo trong dụ ngôn thứ ba. 

4. Sứ mệnh và ơn gọi của người cao niên

Sứ mệnh và ơn gọi của người già là cầu nguyện cho Giáo Hội, cho toàn thế giới và khuyên nhủ, khích lệ và nâng đỡ các thế hệ trẻ. Các ông bà nội ngoại làm thành một “ca đoàn” thường xuyên của một đền thánh tinh thần vĩ đại, nơi lời cầu nguyện khẩn nài và tiếng hát chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn làm việc và tranh đấu trong cánh đồng cuộc sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 18,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 11 tháng Ba tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã suy tư về giá trị và vai trò quan trọng của ngưởi già trong gia đình. Đức Thánh Cha nói ngài làm điều này bằng cách tự đồng hóa mình với người già, vì ngài cũng thuộc lứa tuổi này. Nhắc lại kỷ niệm chuyến công du tại Phi Luật Tân Đức Thánh Cha cho biết dân chúng đã gọi ngài là “ông nội Phanxicô”.

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh đó là có đúng là xã hội hướng tới chỗ gạt bỏ chúng ta thật, nhưng Chúa chắc chắn không gạt bỏ người già. 

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Chúa mời gọi chúng ta theo Ngài trong mọi lứa tuổi cuộc sống và cả tuổi già cũng chứa đựng một ơn thánh và một sứ mệnh, một on gọi đích thật của Chúa. Chưa phải là lúc kéo chèo lên thuyền để nghỉ ngơi. Giai đoạn này của cuộc sống khác với các giai đoạn đi trước, chắc chắn rồi, nhưng chúng ta cũng phải “sáng tạo nó một chút”, bởi vì các xã hội của chúng ta không sẵn sàng trên bình diện tinh thần và luân lý để trao ban cho tuổi già giá trị tràn đầy của nó. Thật thế, xưa kia có thời giờ cho chính mình không là điều bình thường. Nhưng ngày nay nó lại càng không bình thường hơn nữa. Cả nền tu đức kitô cũng đã hơi ngạc nhiên, và đây là việc đề ra các đường nét của một nền tu đức người già. Nhưng cám ơn Chúa không thiếu các chứng tá của các thánh nam thánh nữ!

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Tôi đã rất bị đánh động bởi “Ngày quốc tế người già” chúng ta đã cử hành tại quảng trường thánh Phêrô này hồi năm ngoái: tôi đã lắng nghe lịch sử của các người già tiêu hao cuộc sống vì người khác. Đây là một suy tư cần tiếp tục trong môi trường Giáo Hội cũng như dân sự. Phúc Âm cống hiến cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp, cảm động và khích lệ. Đó là hình ảnh của ông Simeon và bà Anna, được nhắc tới trong Phúc Âm thời thơ ấu của Chúa Giêsu do thánh Luca biên soạn. Hai vị chắc chắn là người cao niên, cụ Simeon và bà Anna là người đã 84 tuổi. Phúc Âm nói rằng đã từ nhiều năm họ đợi chờ Chúa đến mỗi ngày, với lòng trung thành lớn lao. Họ đã muốn trông thấy Ngài ngày hôm đó, tiếp nhận các dấu chỉ, trực giác được lúc khởi đầu. Có lẽ họ cũng đã hơi cam chịu phải chết trước: tuy nhiên sự chờ đợi lâu dài tiếp tục chiếm hữu suốt cuộc đời họ, họ đã không có dấn thân nào khác quan trọng hơn. Và thế là khi Maria và Giuse đến Đền Thờ để chu toàn các đòi buộc của Luật Lệ, ông Simeon và bà Anna được Thánh Thần linh hứng, hăng hái tiến lên (x. Lc 2,27). Sức nặng của tuổi đời và sự chờ đợi biến mất trong chốc lát. Họ nhận ra Con Trẻ và khám phá ra một năng lực mới, cho một nhiệm vụ mới: là cảm tạ và làm chứng cho Dấu Chỉ đó của Thiên Chúa. Ông Simeon đã ứng khẩu một thánh thi rất hay đẹp diễn tả niềm vui (x. Lc 2,29-32) và bà Anna đã trở thành người đầu tiên rao giảng về Chúa Giêsu: “Bà nói về Con Trẻ với tất cả nhũng ai trông đọi ơn cứu rỗi của Giêrusalem” (Lc 2,38).

Các ông bà nội ngoại thân mến, các người già thân mến, chúng ta hãy bước theo hai cụ già ngoại thường này! Chúng ta cũng hãy trở thành các thi sĩ của lời cầu nguyện một chút: hãy ưa thích tìm các lời của chúng ta, chúng ta hãy lấy lại những gì mà Lời Chúa đạy chúng ta. Thật là một ơn trọng đại cho Giáo Hội lời cầu nguyện của các ông bà nội ngoại! Một tiêm chích lớn của sự khôn ngoan cả cho toàn xã hội loài người nữa; nhất là cho xã hội quá chộn rộn với công ăn việc làm, quá bận bịu, quá lo ra. Nhưng phải có ai đó hát ca chúc tụng các dấu chỉ của Thiên Chúa cho các xã hội ấy! Chúng ta hãy coi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lựa chọn sống quãng đời còn lại trong cầu nguyện và trong việc lắng nghe Thiên Chúa! Một tín hữu lớn thuộc truyền thống chính thống thế kỷ trước là Olivier Clément đã nói: “Một nền văn minh nơi người ta không cầu nguyện nữa là một nền văn minh nơi tuổi già không còn ý nghĩa. Và đây là điều kinh khủng, trước hết chúng ta cần các người già cầu nguyện, bởi vì tuổi già được ban cho chúng ta là cho việc đó”.

Đề cập đến những gì người già có thể làm Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta có thể cảm tạ Chúa vì các ơn lành đã nhận lãnh và làm đầy sự trống rỗng của sự vô ơn bao quanh. Chúng ta có thể cầu bầu cho các chờ mong của các thế hệ mới và trao ban phẩm giá cho ký ức và các hy sinh của các thế hệ đã qua. Chúng ta có thể nhắc nhớ cho người trẻ tham vọng biết rằng một cuộc sống không tình yêu thương là một cuộc sống khô cằn. Chúng ta có thể nói với những người trẻ sợ hãi rằng có thể chiến thắng nỗi lo lắng cho tương lai. Chúng ta có thể dậy cho người trẻ quá si mê chính mình rằng có nhiều niềm vui trong việc cho đi hơn là nhận lãnh. Các ông bà nội ngoại làm thành một ca đoàn thường xuyên của một đền thánh tinh thần lớn lao, nơi lòi cầu nguyện khẩn nài và tiếng hát chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn làm việc và chiến đấu trong cánh đồng cuộc sống.

Sau cùng lời cầu nguyện liên lỉ thanh tẩy con tim. Lời chúc tụng và khẩn nài lên Thiên Chúa ngăn ngừa sự chai cứng của con tim trong oán hận và ích kỷ. Thật xấu xa biết bao thái độ trơ trẽn của một người già đã đánh mất đi ý thức về chứng tá của mình, khinh rẻ giới trẻ và không thông truyền sự khôn ngoan của cuộc sống! Trái lại đẹp đẽ biết bao sự khích lệ mà người già thành công thông truyền cho người trẻ đang đi tìm ý nghĩa đức tin và cuộc sống! Đó thật là sứ mệnh của các ông bà nội ngoại, ơn gọi của người già. Các lời nói của ông bà nội ngoại có cái gì đặc biệt đối với người trẻ. Và họ biết điều ấy. Các lời mà bà nội tôi viết cho tôi trong ngày thụ phong linh mục của tôi, tôi vẫn còn luôn luôn đem theo trong sách thần vụ.

Tôi mong ước biết bao nhiêu một Giáo Hội thách đố nền văn hóa gạt bỏ với niềm vui tràn bờ của một vòng tay ôm giữa người trẻ và người già.

5. Tình yêu của Thiên Chúa là nhưng không và vô hạn

Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu đó là bí tích Thánh Thể.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Phúc Âm hôm nay tái đề nghị với chúng ta các lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Khi nghe các lời này, chúng ta hướng cái nhìn của con tim lên Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh và cảm thấy trong chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương chúng ta thật sự và yêu thương chúng ta biết bao! Đức Thánh Cha nói:

Đó là kiểu diễn tả đơn sơ nhất tóm gọn toàn Tin Mừng, toàn đức tin, toàn thần học: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Tình yêu ấy Thiên Chúa chứng minh nó trước hết trong việc tạo dựng, như phụng vụ loan báo trong kinh nguyện Thánh Thể 4: “Cha đã tác thành vũ trụ để đổ tình thương của Cha xuống trên tất cả mọi tạo vật và khiến chúng vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha”. Ở nguồn gốc thế giới chỉ có tình yêu tự do và nhưng không của Thiên Chúa Cha. Thánh Ireneo viết rằng: “Thiên Chúa đã không tạo dựng nên Ađam vì Ngài cần đến con người, nhưng để có ai đó mà ban các ơn phúc” (Adversus haereses, IV 14,1). Và Kinh nguyện Thánh Thể 4 viết tiếp: “Và khi, vì bất phục tùng, con người đã mất tình nghĩa với Cha, Cha đã không bỏ mặc con người trong quyền lực sự chết, nhưng trong lòng thương xót Cha đã đến gặp gỡ mọi người”. 

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Như trong việc tạo dựng cả trong các chặng tiếp theo của lịch sử cứu độ nổi bật lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa: Chúa chọn dân Người không phải vì họ xứng đáng, nhưng chính vì họ là dân bé nhỏ nhất trong tất cả mọi dân tộc. Và khi đến thời viên mãn, mặc dầu con người đã nhiều lần bẻ gẫy giao ước , Thiên Chúa, thay vì bỏ rơi họ, đã ký kết với họ một dây cột buộc mới, trong máu Chúa Giêsu – mối dây của giao ước mới vĩnh cửu – mà không có gì có thể bẻ gẫy được. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì tội lỗi chúng ta, Người cũng đã cho chúng ta được sống lại với Đức Kitô” (Ep 2, 4). Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta cho tới cùng” (Ga 13,1), nghĩa là không phải chỉ cho tới phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, nhưng cho tới mức tột đỉnh của tình yêu. Nếu trong việc tạo dựng Thiên Chúa Cha đã trao ban bằng chứng tình yêu vô biên của Người bằng cách ban cho chúng ta sự sống, thì trong cuộc khổ nạn của Con Ngài Ngài đã ban cho chúng ta bằng chứng của các bằng chứng: Người đã đến để đau khổ và chết cho chúng ta. Sau cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu thánh Phaolô nói “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ trên con tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và qua Giáo Hội bảo đảm ký ức sống động của Chúa Kitô và Người hoạt dộng khắp mọi nơi, cả ngoài Giáo Hội nữa, bằng cách làm cho các giá trị nhân bản đích thực lớn lên. Thần Khi của tình yêu làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên Chúa và các anh chị em khác. Dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu này là bí tích Thánh Thể, tưởng niệm lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu: mỗi khi chúng ta cử hành nó, là chúng ta sống lại biến cố Núi Sọ, tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Xin Mẹ Maria là Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Xin Mẹ gần gũi chúng ta trong những lúc khó khăn và ban cho chúng ta các tâm tình của Con Mẹ, để cho lộ trình mùa chay của chúng ta là kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN