Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 12/02-18/02/2015: Ngày Thứ Tư Lễ Tro

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 12/02-18/02/2015: Ngày Thứ Tư Lễ Tro

1. Kitô hữu được mời gọi để bảo vệ kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa

Kitô hữu được mời gọi để bảo vệ kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 09 tháng 02 tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài cũng đề cập đến “cuộc tạo thành lần thứ hai”, được thực hiện bởi Chúa Giêsu khi Ngài “tái tạo” những gì đã bị hủy hoại bởi tội lỗi.

Thiên Chúa sáng tạo ra vũ trụ nhưng kỳ công sáng tạo không kết thúc ở đó, “Ngài tiếp tục củng cố những gì Ngài đã tạo thành.” Đó là ý chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên bài đọc thứ Nhất trong sách Sáng Thế kể về công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói rằng: “Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một công trình sáng tạo khác của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu, Đấng đã đến để tái tạo những gì đã bị hủy hoại bởi tội lỗi.”

Chúng ta thấy Chúa Giêsu ở giữa dân chúng, và “những ai chạm vào Ngài đều được chữa khỏi”, đó là “sự tái tạo”. Kỳ công sáng tạo lần hai này còn tuyệt vời hơn so với công trình lần thứ nhất. Kỳ công sáng tạo lần thứ hai này thật tuyệt vời. “Cuối cùng, còn ‘một công việc khác’, là ‘sự bền đỗ trong đức tin’ mà trong đó Chúa Thánh Thần hoạt động.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục hoạt động, và chúng ta tự hỏi xem mình sẽ đáp lại như thế nào đây trước kỳ công sáng tạo này của Thiên Chúa xuất phát từ tình yêu, vì Ngài hoạt động qua tình yêu. Đối với ‘cuộc tạo thành thứ nhất’, chúng ta phải đáp lại bằng trách nhiệm mà Chúa đã trao cho chúng ta: ‘Trái đất này là của các ngươi, hãy làm cho nó tăng trưởng’. Cả chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ trái đất, dưỡng nuôi công trình sáng tạo để trái đất tăng trưởng theo những quy luật của nó. Chúng ta là những người quản lý công trình sáng tạo chứ không phải là những chủ nhân ông.”

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng chúng ta phải cẩn thận đừng để mình trở thành những chủ nhân ông của công trình sáng tạo, nhưng phải làm cho công trình sáng tạo tăng trưởng theo những quy luật của nó. Vì vậy, đáp trả đầu tiên trước kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa là hãy trở thành những người bảo vệ công trình sáng tạo.

“Khi chúng ta nghe thấy người ta có những cuộc họp về bảo vệ thiên nhiên, chúng ta có thể nói: ‘Không, họ là thành viên đảng xanh!’ Không phải đâu, họ không phải là thành viên đảng xanh! Họ là các tín hữu Kitô! Đây phải là ‘phản ứng của chúng ta trước các ‘kỳ công sáng tạo đầu tiên’ của Thiên Chúa. Và cũng là trách nhiệm của chúng ta. Một Kitô hữu không bảo vệ thiên nhiên, không cho nó phát triển, là một Kitô hữu không quan tâm đến công việc của Thiên Chúa, một công việc nảy sinh từ tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Và phản ứng đầu tiên đối với kỳ công sáng tạo đầu tiên phải là bảo vệ thiên nhiên, làm cho nó phát triển “

Về “cuộc tạo thành thứ hai”, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nhìn đến gương mặt của thánh Phaolô tông đồ. Thánh nhân khuyên chính chúng ta hãy “giao hòa cùng Thiên Chúa”, “đi vào con đường hòa giải nội tâm, hoà giải trong cộng đồng, vì giao hòa là công trình của Chúa Kitô. Và một lần nữa, khi nhắc lại những lời của Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha nói chúng ta không nên âu lo là Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta, đang hoạt động trong chúng ta. Chúng tay phải tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Cha, Con và Thánh Thần.

Và cả ba ngôi đều tham gia vào công trình sáng tạo này, trong việc tái tạo này. Và đáp lại của chúng ta với Ba Ngôi là chúng ta hãy bảo vệ và nuôi dưỡng công trình sáng tạo, hãy để chính chúng ta hòa giải mỗi ngày với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, mỗi ngày, và đừng lo buồn vì Chúa Thánh Thần trong ta, đừng tránh xa Ngài, Đấng làm chủ tâm hồn chúng ta, đồng hành với chúng ta, và làm cho chúng ta lớn lên”.

“Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để hiểu rằng Ngài đang hoạt động và ban cho chúng ta ân sủng đáp lại cách thích đáng công trình tình yêu này.”

2. Lòng can đảm của một con tim thổn thức khôn nguôi

Nếu anh chị em muốn tìm kiếm Thiên Chúa, anh chị em sẽ không gặp Ngài khi anh chị em ngồi trên một chiếc ghế thoải mái lướt nhìn qua các tạp chí, hay đang ngồi trên máy điện toán của mình. Tìm kiếm Thiên Chúa nghĩa là có can đảm cất bước trên một hành trình nguy hiểm, nghĩa là đi theo tiếng gọi của con tim thổn thức khôn nguôi. Đó là ý chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 10 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu những suy tư của ngài với bài đọc thứ nhất trích từ sách Sáng Thế kể về việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người “theo hình ảnh của Ngài”. Đức Thánh Cha đã phân tích về những nẻo đường đúng đắn và sai trái mà Kitô hữu có thể gặp phải trên đường tìm hiểu nguồn gốc và căn tính của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng chúng ta chắc chắn không thể tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa “trên máy tính, hoặc trong những cuốn bách khoa toàn thư”. Trái lại, chúng ta chỉ có thể tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa và “hiểu về căn tính của chúng ta” khi chúng ta dám cất bước “trong một cuộc hành trình”. Chẳng vậy, “chúng ta sẽ không bao giờ biết được khuôn mặt Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

“Những ai không bao giờ cất bước trong một hành trình, sẽ không bao giờ biết hình ảnh của Thiên Chúa, sẽ không bao giờ tìm thấy khuôn mặt của Chúa Kitô. Các kitô hữu ngồi một chỗ hay các Kitô hữu thụ động sẽ không bao giờ biết về khuôn mặt của Thiên Chúa: Họ không biết Ngài. Họ nói: “Thiên Chúa là như thế này, thế kia… nhưng những người thơ ơ sẽ không biết gì về Ngài. Anh chị em cần phải có một con tim thổn thức trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, sự thổn thức mà Thiên Chúa đặt trong tâm hồn mỗi người chúng ta và đưa chúng ta tiến về phía trước trong việc tìm kiếm Ngài”.

Một “bức biếm họa” về Thiên Chúa

Đức Thánh Cha nói tiếp là dĩ nhiên “cất bước trên một hành trình như thế và để cho Thiên Chúa hay cuộc đời thử thách chúng ta nghĩa là đón nhận rủi ro.” Đó là những gì mà những nhân vật vĩ đại [của Kinh Thánh] như Êlia, hay Giêrêmia hay ông Giop đã làm khi đương đầu với những nguy hiểm và những cảm nhận mệt mỏi và mất lòng tin. Nhưng chúng ta cũng có những nguy cơ khác khi trở nên ù lì và do đó tạo ra sai lầm trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã chỉ ra điều này khi đề cập đến đoạn Tin Mừng trong đó các kinh sư và người Pharisêu quở trách Chúa Giêsu và các môn đệ ăn mà không rửa tay:

“Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp những người sợ cất bước trong hành trình tìm kiếm căn tính của mình và những người hài lòng với một hình ảnh biếm họa về Thiên Chúa. Đó là căn tính sai lạc. Những con người thờ ơ này đã làm câm nín sự thổn thức trong tâm hồn mình, họ mô tả Thiên Chúa với những giới răn và quên đi Ngài. ‘Các ngươi chỉ tuân theo các truyền thống con người khi bỏ qua lệnh truyền của Thiên Chúa’, và khi làm như vậy họ quay lưng lại với Thiên Chúa, không cất bước trong hành trình hướng về Thiên Chúa và khi họ cảm thấy không an toàn, họ lại chế tạo hay đặt ra nên một điều răn khác”.

Ân sủng để ở lại trong nẻo đường đoan chính

Đức Thánh Cha kết luận rằng “những ai hành động như trên thực ra đang đi trên ‘cái gọi là đạo’, nhưng chỉ là một con đường chẳng đi đến đâu, một con đường mơ mơ màng màng”.

“Hôm nay phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư về hai đoạn văn này, như là hai thẻ căn cước mà tất cả chúng ta đều có. 1. Thiên Chúa đã dựng nên ta cách này. Ngài nói với chúng ta: ‘Hãy cất bước và con sẽ khám phá ra căn tính của con, vì con là hình ảnh của Thiên Chúa, con được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chỗi dậy và tìm kiếm Thiên Chúa. 2. Đừng lo lắng: hãy thực thi tất cả những giới răn này, và đây là Thiên Chúa. Đây là khuôn mặt của Thiên Chúa’.

Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn can đảm để cất bước trong cuộc hành trình tìm kiếm khuôn mặt của Chúa, khuôn mặt mà một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy, nhưng chúng ta phải tìm kiếm ngay ở đây, trên dương thế này”.

3. Lịch sử và ý nghĩa ngày thứ Tư Lễ Tro

Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro.

Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro” được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay.

Giáo Hội đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình . . . Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công khai theo định chế Giáo Hội đưa ra. Vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đuổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích.

Về sau định chế thống hối công khai không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo Hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối.

Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino.

Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ Thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo Hội.

4. Con cái là hồng ân của Chúa – Một xã hội không có con là một xã hội không ký ức và không tương lai

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 11 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã nói về con cái trong gia đình. Ngài trích một câu trong sách Isaia miêu tả cảnh gia đình hạnh phúc: “Con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. Khi dó ngươi sẽ nhìn và sẽ rạng rỡ, tim ngươi sẽ hồi hộp và nở lớn” (Is 60,4-5a). Đây là một hình ảnh tuyệt vời của niềm hạnh phúc đạt được trong cảnh gặp gỡ giữa cha mẹ và con cái, cùng tiến bước về một tương lai tự do và hòa bình, sau một thời gian thiếu thốn và chia cách. Thật thế, có một ràng buộc chặt chẽ giữa niềm hy vọng của một dân tộc và sự hài hòa giữa các thế hệ. Niềm vui của con cái khiến cho con tim của cha mẹ hồi hộp và rộng mở cho tương lai.

Đức Thánh Cha nói:

Con cái là niềm vui của gia đình và của xã hội. Chúng không phải là một vấn đề sinh học truyền sinh, cũng không phải là một trong biết bao kiểu cloning – tức là sao y chính mình, lại càng không phải là một chiếm hữu của cha mẹ. Không, con cái là một ơn, chúng là một ân sủng. Mỗi người là duy nhất và không thể lập lại được; nhưng đồng thời con cái cũng được gắn liền với nguồn gốc của mình một cách không thể nhầm lẫn được. Thật vậy, là con trai con gái theo chương trình của Thiên Chúa có nghĩa là mang theo trong mình ký ức và niềm hy vọng của một tình yêu đã thực hiện chính mình bằng cách thắp sáng lên sự sống của một con người khác, độc đáo và mới mẻ. Và đối với các cha mẹ mỗi một đứa con là chính nó, khác biệt. Xin anh chị em cho phép tôi nhớ tới một kỷ niệm gia đình. Tôi còn nhớ mẹ tôi đã nói về chúng tôi là năm anh chị em: “Tôi có năm người con”, Khi người ta hỏi bà: “Bà thích đứa nào nhất?” Bà trả lời: “Tôi có năm đứa con như năm ngón tay”. Bà chỉ các ngón tay và nói: “Nếu người ta đánh ngón này, nó làm tôi đau; nếu người ta đánh ngón kia, nó làm tôi đau. Cả năm ngón đều làm tôi đau. Tất cả chúng là con tôi, nhưng tất cả đều khác nhau như các ngón của bàn tay”. Gia đình tôi là như thế đấy! Các con khác nhau, nhưng tất cả là con.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Ta yêu một người con, bởi vì nó là con, chứ không phải vì nó đẹp, lành mạnh, tốt, không phải vì nó suy tư như tôi, hay nhập thể các ước mong của tôi. Một người con là một người con, một sư sống đã được sinh ra bởi chúng ta nhưng được chỉ định cho nó, cho thiện ích của nó, cho thiện ích của gia đình, của xã hội và của toàn nhân loại. Từ đó cũng phát xuất ra sự sâu thẳm của kinh nghiệm nhân bản là con trai và con gái, cho phép chúng ta khám phá ra chiều kích nhưng không của tình yêu, không ngừng làm cho chúng ta ngạc nhiên. Đó là vẻ đẹp được yêu trước: trước khi làm đuợc bất cứ gì để xứng đáng điều ấy, trước khi biết nói hay biết nghĩ và cả trước khi chào đời nữa!

Biết bao nhiêu lần tôi thấy các bà mẹ ở công trường giơ bụng cho tôi coi và xin tôi chúc lành cho họ… các đứa trẻ này đã được yêu thương trước khi chúng vào đời. Đó là sự nhưng không, đó là tình yêu; chúng được yêu thương trước khi sinh ra, như tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng yêu chúng ta trước. Chúng được yêu trước: trước khi làm được bất cứ gì để xứng đáng điều ấy, trước khi biết nói hay biết nghĩ và cả trước khi chào đời nữa.

Là con cái là điều kiện nền tảng để nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, là suối nguồn cuối cùng của phép lạ đích thật này.

Trong linh hồn của mỗi người con, cho dù có dễ bị tổn thương tới đâu, Thiên Chúa đặt để dấu ấn của tình yêu đó, là nền tảng phẩm giá cá nhân, một phẩm giá mà không có gì và không có ai sẽ có thể phá hủy được.

Ngày nay các người con xem ra khó tưởng tượng ra tương lai. Trong các bài giáo lý trước đây tôi đã nhấn mạnh rằng các người cha có lẽ đã thụt lùi một bước và con cái đã trở nên chắc chắn trong việc bước tới. Chúng ta có thể học tương quan tốt giữa các thế hệ từ Cha trên Trời, là Đấng để cho từng người trong chúng ta tự do, nhưng không bao giờ để chúng ta một mình. Và nếu chúng ta sai lầm, thì Người tiếp tục theo chúng ta với lòng kiên nhẫn mà không giảm thiểu tình yêu đối với chúng ta. Cha thiên quốc không lui bước; Ngài muốn rằng con cái Ngài can đảm và tiến bước.

Về phía mình con cái không được sợ dấn thân xây dựng một thế giới mới: chúng thật đúng, khi ước ao nó tốt lành hơn là thế giới chúng đã nhận lãnh. Nhưng điều này đươc làm mà không xấc láo, không yêu sách. Cần phải biết thừa nhận giá trị của con cái, và phải luôn luôn tôn kính cha mẹ.

Điều răn thứ tư xin con cái – và chúng ta tất cả là con cái – thờ kính cha mẹ (x, Xh 20,12). Điều răn này đến ngay sau các điều răn liên quan tới Thiên Chúa. Qủa thế, nó chứa đựng một cái gì thánh thiêng, một cái gì nằm ở gốc rễ của mọi loại tôn trọng khác giữa con người. Và trong kiểu nói kinh thánh của điều răn thứ tư người ta còn thêm: “để cho ngươi được sống lâu trong đất Thiên Chúa ban cho ngươi”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Mối dây nối kết mạnh mẽ giữa các thế hệ là bảo đảm cho tương lai, và bảo đảm của một lịch sử nhân bản thực sự. Một xã hội con cái không thờ kính cha mẹ là một xã hội không danh dự, bị chỉ định tràn đầy những người trẻ khô cằn và tham lam. Nhưng một xã hội hà tiện việc sinh sản, không yêu thích được vây quanh bởi con cái, nhất là coi chúng là một mối lo âu, một gánh nặng, một liều lĩnh, là một xã hội trầm cảm. Nếu một gia đình quảng đại có nhiều con cái bị coi như là một gánh nặng, thì có cái gì đó không ổn! Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao xã hội ở Âu châu này: đó là các xã hội trầm cảm, bởi vì chúng không muốn có con, không có con, mức sinh không tới một phần trăm. Tại sao vậy? Mỗi người hãy suy nghĩ và trả lời.

Việc sinh con cái phải có tinh thần trách nhiệm, như Thông điệp Humanae vitae của Chân phước Phaolô Đệ Lục dậy, nhưng có nhiều con hơn không thể tự động trở thành một lựa chọn trách nhịệm. Sự sống trở thành trẻ trung và có được các năng lực bằng cách nhân nhiều lên: nó trở thành giầu có chứ không nghèo nàn đi! Con cái học lo lắng cho gia đình, trưởng thành trong việc chia sẻ các hy sinh của nó, lớn lên trong việc đánh giá các ơn của nó. Kinh nghiệm tươi vui của tình huynh đệ linh hoạt lòng tôn trọng và việc chăm sóc cha mẹ, mà chúng ta phải biết ơn. Biết bao anh chị em hiện diện ở đây có con cái và chúng ta tất cả là con. Chúng ta hãy làm một điều, hãy giữ một phút thinh lặng. Mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ tới con cái mình trong tim, nếu có con, hãy suy nghĩ trong thinh lặng. Và tất cả chúng ta nghĩ tới cha mẹ của chúng ta và cảm tạ Thiên Chúa vì ơn sự sống. Trong thinh lặng, ai có con cái thì nghĩ tới chúng, và chúng ta tất cả nghĩ tới cha mẹ mình. Xin Chúa chúc lành cho cha mẹ của chúng ta và chúc lành cho con cái anh chị em.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Xin Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu đã trở thành con trong thời gian, giúp chúng ta tìm ra con đường dãi toả một cách mới mẻ kinh nghiệm nhân bản là con đơn sơ và to lớn này. Trong việc nhân thế hệ nhiều lên có một mầu nhiệm phong phú sự sống của tất cả mọi nguời đến từ chính Thiên Chúa. Chúng ta phải tái khám ra nó, bằng cách thách thức thành kiến, và sống nó trong đức tin và trong sự tươi vui toàn thiện. Và tôi nói: thật là xinh đẹp biết bao, khi tôi đi ngang qua giữa anh chị em và trông thấy các người cha và người mẹ giơ con lên để được chúc lành; đây là một cử chỉ hầu như thiên linh. Xin cám ơn anh chị em vì làm như thế.

5. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt qua mọi rào cản

Chúa Giêsu đã trở thành thuyền và xe để chuyên chở lòng thương xót chữa lành của Chúa Cha. Đây cũng là bản chất sứ vụ của Giáo Hội phải được thể hiện rõ rệt hơn hết nơi các vị Hồng Y.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 15 tháng Hai trước hàng chục ngàn tín hữu sau khi ngài cử hành thánh lễ tạ ơn với các tân Hồng Y bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

“Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt qua mọi rào cản,” Đức Thánh Cha nói. “Bàn tay của Chúa Giêsu chạm vào người phong cùi, nghĩa là Chúa Kitô không hành động từ một khoảng cách an toàn, cũng không hành động qua một trung gian nhưng tiếp xúc trực tiếp với sự lây lan tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, tội lỗi của chúng ta trở thành một nơi gặp gỡ: Đức Giêsu gánh lấy bệnh hoạn nhân sinh của chúng ta và chúng ta nhận lãnh nơi Ngài ơn chữa lành – là nhân tính lành mạnh của Ngài. Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta nhận lãnh một bí tích với đức tin: Chúa Giêsu ‘chạm’ vào chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng của Ngài. Trong trường hợp này, chúng ta đặc biệt nghĩ đến là Bí Tích Hòa Giải là bí tích chữa lành chúng ta khỏi thứ phong cùi tội lỗi. “

Đức Thánh Cha kết luận rằng, nếu chúng ta bắt chước Chúa Kitô, như Thánh Phaolô khuyên chúng ta trong Thư gửi tín hữu Côrintô (xem 1 Cor 11: 1) trước những người nghèo hoặc người bệnh, chúng ta không nên sợ nhìn vào mắt những người đau khổ này, nhưng hãy gần gũi với những người đau khổ với sự dịu dàng và lòng từ bi.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Nếu điều ác là truyền nhiễm, thì điều thiện cũng vậy; do đó, chúng ta phải để cho sự thiện triển nở giữa chúng ta, ngày càng nhiều; để chúng ta bị nhiễm bởi những điều thiện, và chúng ta hãy lây lan những sự tốt lành này. “

Cuối buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chúc mừng đặc biệt tất cả những dân tộc trên thế giới đang chuẩn bị đón năm mới âm lịch. “Cầu xin những lễ hội này mang lại những dịp vui mừng để tái khám phá và sống mãnh liệt tình anh em, đó là mối giây ràng buộc quý giá của cuộc sống gia đình và là nền tảng của đời sống xã hội,”

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ hy vọng rằng các dân tộc sẽ đánh dấu năm mới âm lịch với một quyết tâm xây dựng một xã hội trong đó các quan hệ giữa các cá nhân được hình thành với sự tôn trọng lẫn nhau, công lý và bác ái.

Nguồn: Vietcatholic News

h

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …