Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 05/03 – 11/03/2015: Câu chuyện Chúa Giêsu tẩy uế Ðền Thờ

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 05/03 – 11/03/2015: Câu chuyện Chúa Giêsu tẩy uế Ðền Thờ

 

1. Hãy học làm điều thiện

Thiên Chúa “hào phóng tha thứ cho” những người “học làm điều thiện”, nhưng ngài không tha thứ cho “những kẻ đạo đức giả và các vị thánh giả”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng Thứ Ba mùng 3 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

Ngài nói rằng chúng ta không chút hồ nghi nào là Thiên Chúa thích những “tội nhân được thánh hóa” – tức là những người, bất chấp quá khứ tội lỗi của mình, đang học cách làm điều thiện – hơn là những “thánh giả” – tức là những người quan tâm nhiều đến vẻ thánh thiện bên ngoài hơn là tập chú vào việc làm điều tốt.

Đức Giáo Hoàng đã trình bày các suy tư của ngài dựa trên các bài đọc thứ nhất trích từ Sách tiên tri Isaiah, mà ngài mô tả như “một lời mời và một mệnh lệnh” đến trực tiếp từ Thiên Chúa: “Đừng làm điều gian ác nữa, hãy học biết làm điều thiện” để bảo vệ trẻ em mồ côi và người góa bụa, nghĩa là “những người không ai buồn nhớ đến”. Đức Thánh Cha nói rằng nhóm này bao gồm các “người già bị bỏ rơi”, “những đứa trẻ không được cắp sách đến trường”, và những ai “không biết làm sao để làm dấu Thánh Giá”. Về cơ bản đó là một lời mời gọi để hoán cải.

“Nhưng tôi có thể hoán cải như thế nào đây? Thưa ‘Bằng cách học làm điều thiện’. Anh chị em không thể loại bỏ sự dơ bẩn trong con tim mình như loại bỏ một vết nhơ: chúng ta thường cậy nhờ đến cái máy giặt và khi rời khỏi đó mọi thứ sạch sẽ … Nhưng, sự dơ bẩn trong tim ta được loại bỏ bằng cách chính ta phải ‘làm’. Hãy chọn lấy một con đường khác, một con đường mới tách biệt khỏi cái ác! ‘hãy học biết làm điều thiện’, nghĩa là chọn con đường làm điều tốt. Nhưng làm sao để làm điều thiện? Đơn giản thôi! Hãy tìm kiếm công lý, khích lệ những người bị áp bức, bảo vệ các trẻ mồ côi, bênh đỡ cho các góa phụ. Chúng ta hãy nhớ rằng trẻ mồ côi và người góa bụa là những người nghèo nhất trong dân Israel: hãy công bằng với họ, hãy chăm sóc những vết thương của nhân loại, là nơi đang có quá nhiều đau khổ … Và khi làm như thế, khi thực thi những điều thiện như thế, anh chị em sẽ làm sạch trái tim của mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng một con tim thanh sạch là lời hứa tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa không giữ ký ức về những tội lỗi của những ai yêu mến người lân cận mình. Thiên Chúa nói với chúng ta rằng “Nếu chúng ta chọn con đường mà Ta mời gọi thì tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” Đó là nói quá lên, Chúa đã nói quá lên nhưng đó là sự thật: Chúa ban cho ta ân sủng là sự tha thứ của Ngài. Chúa hào phóng tha thứ cho chúng ta. “Ta tha thứ cho ngươi bao nhiêu đây thôi, rồi sau đó chúng ta sẽ xem lại coi sao ….” Không, không Chúa không nói như thế! Chúa luôn tha thứ cho chúng ta tất cả mọi thứ! Tất cả mọi thứ ! Nhưng nếu anh chị em muốn được tha thứ, anh chị em phải khởi hành trên con đường làm điều thiện. Ân sủng này là như thế!

Đức Thánh Cha nói tiếp là bài Tin Mừng trong ngày trình bày thói giả hình của người Pharisêu và các kinh sư là những con người “nói đúng hết, nhưng lại làm những điều ngược lại.”

“Chúng ta đều tinh ranh và luôn luôn tìm ra một con đường sai trái để làm ra vẻ đạo đức hơn: đó là con đường của đạo đức giả”. “Họ giả vờ hoán cải, nhưng trái tim của họ là một lời nói láo. Họ là những kẻ nói dối. Toàn dối trá… trái tim của họ không thuộc về Chúa;. Trái tim của họ thuộc về cha đẻ của tất cả những sự dối trá là Satan Và điều này là sự thánh thiện giả. Chúa Giêsu thích những kẻ tội lỗi ngàn lần hơn những kẻ này. Tại sao? Bởi vì những người tội lỗi nói sự thật về bản thân họ. Thánh Phêrô đã có lần nói: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, con là kẻ có tội!”. Những kẻ đạo đức giả không bao giờ nói như thế! Nhưng họ nói: “Cám ơn Chúa vì con đây không phải là phường tội lỗi, con là người công chính đây. Trong tuần thứ hai của mùa Chay, chúng ta có ba từ để suy ngẫm: lời mời gọi hoán cải, ân sủng Chúa ban cho chúng ta là sự tha thứ tuyệt vời, và cái bẫy trong đó chúng ta giả vờ hoán cải trong khi lại lựa chọn con đường đạo đức giả”.

2. Thế gian che mắt chúng ta khiến chúng ta không thấy những nhu cầu của người nghèo

Của cải thế gian làm tăm tối tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta không thể nhìn thấy những người nghèo là những người sống ngay bên cạnh chúng ta với tất cả các vết thương của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng Thứ Năm 5 tháng Ba tại tại nhà nguyện Santa Marta. 

Bình luận về dụ ngôn người đàn ông giàu có “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, Đức Giáo Hoàng nói rằng chúng ta không bao giờ nghe nói xấu về người đàn ông này, không ai nói với chúng ta rằng đó là một người đàn ông xấu. Trong thực tế, “ông ta có lẽ là một người ngoan đạo theo cách của ông ta: ông ấy cầu nguyện, có lẽ, một vài lần trong ngày và hai hoặc ba lần một năm chắc chắn sẽ đến các đền thờ để bố thí và dâng cúng những khoản tiền lớn cho các tư tế, và các thầy cả đó – với sự nhát gan cố hữu của hàng giáo sĩ – sẽ dành cho ông ta một chỗ ngồi ở vị trí danh dự. Các tư tế này đã không thấy người ăn xin nghèo tại cửa của nhà ông ta, là Ladarô, đói, đầy vết lở loét, như là những bằng chứng về nhu cầu thê thảm của mình. 

Đức Thánh Cha mô tả tiếp về người đàn ông giàu có như sau:

“Khi ông ta dạo quanh thành phố, chúng ta có thể tưởng tượng ra xe của ông với các cửa sổ nhuộm màu để bên ngoài không nhìn thấy – và chắc chắn rằng đôi mắt linh hồn của ông cũng bị nhuộm tối đi như thế đến nỗi ông ta không thể nhìn thấy gì bên ngoài. Ông ta chỉ còn nhìn thấy cuộc sống hiện tại của chính mình, và thậm chí không còn nhận ra những gì đã xảy ra cho mình nữa. Ông ấy không phải là người xấu: ông ta bị đau yếu với của cải thế gian – và thế gian này đã biến đổi linh hồn ông, làm mất đi ý thức về thực tại. Những linh hồn tục lụy chìm đắm trong một thế giới nhân tạo, là một trong những thế giới do họ hình thành nên. Sự trần tục làm linh hồn chúng ta mất ý thức. Đây là lý do tại sao những người say đắm những sự thế gian không còn nhìn thấy thực tại”.

Thực tại là có nhiều người nghèo đang sống ngay giữa chúng ta:

“Có quá nhiều người đang gánh chịu rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nếu tôi có trái tim trần tục, tôi sẽ không bao giờ hiểu điều đó. Một một trái tim trần tục không thể hiểu được nhu cầu và sự quẫn bách của người khác. Với một trái tim trần tục anh chị em có thể đi đến nhà thờ, anh chị em có thể cầu nguyện, anh chị em có thể làm rất nhiều điều. Nhưng Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, đã cầu nguyện những gì? Ngài khẩn xin ‘Nhưng lạy Cha, xin giữ cho các môn đệ này khỏi sa vào thế gian, khỏi rơi vào trần tục’. Trần tục là một tội lỗi tinh tế – nó còn nhiều hơn một tội lỗi – Nó là một tình trạng tội lỗi của tâm hồn “

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha đã đề cập đến hai kết cục chung thẩm được đưa ra trong câu chuyện: một lời nguyền dành cho người nhà giàu là kẻ đã đặt niềm tin vào thế gian và một lời chúc lành dành cho những ai tin tưởng vào Chúa. Người đàn ông giàu có với trái tim ngoảnh mặt đi với Chúa có “một linh hồn trống rỗng như mảnh đất khô cằn và hoang vắng sẽ cô đơn với sự ích kỷ của mình.” Những người say đắm của cải thế gian có “một trái tim bệnh họan quá gắn bó với đường lối thế gian đến mức chỉ có thể được chữa lành với những khó khăn rất lớn.” Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng, trong khi người nghèo có một cái tên là Ladarô, người đàn ông giàu có trong câu chuyện này là vô danh. Người đàn ông giàu có không có tên vì những con người trần tục này đã đánh mất đi tên tuổi của mình. Họ chỉ là một trong đám đông những kẻ giàu có, là những kẻ cảm thấy quá đầy đủ và không cần bất cứ điều gì nữa. Những con người trần tục đánh mất tên họ của mình. 

Trong dụ ngôn, người đàn ông giàu có chết đi, và khi thấy mình phải đau khổ trong địa ngục, ông ta đã xin tổ phụ Abraham gửi một người nào đó từ cõi chết về cảnh báo các thành viên trong gia đình vẫn còn sống. Tuy nhiên, Abraham, trả lời rằng nếu họ đã không nghe Môi-se và các tiên tri, người nào đó từ cõi chết trở về cũng sẽ không thuyết phục nổi họ. Đức Thánh Cha nói: “Thế gian thường thích thấy những biểu hiện bất thường, tuy nhiên, cuối cùng, trong Giáo Hội tất cả đã rõ ràng, Chúa Giêsu đã nói rõ Ngài là đường”.

Tuy nhiên, ở cuối đường hầm cũng có một chút an ủi:

“Khi người đàn ông giàu có đáng thương này, trong đau khổ đã xin tổ phụ Abraham sai Ladarô mang một ít nước đến giúp ông, tổ phụ Abraham đã trả lời thế nào? Abraham là hình ảnh của Chúa Cha đã nói: ‘Con ơi, hãy nhớ rằng…’ Những kẻ trần tục đã quên tên của họ: chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta có một trái tim trần tục, chúng ta sẽ đánh mất đi tên họ của chúng ta. Nhưng, dù thế, ở thời điểm cuối cùng, trên hết tất cả mọi sự chúng ta không phải là những trẻ mồ côi, chúng ta vẫn có sự tự tin rằng chúng ta có một người Cha là Đấng sẵn sàng chờ đợi chúng ta. Chúng ta hãy tín thác nơi Ngài là Đấng vẫn tiếp tục gọi ‘Con ơi,’ giữa thế gian này. “Con ơi, vâng chúng ta không phải là những trẻ mồ côi”

3. Câu chuyện Ðức Giêsu tẩy uế Ðền Thờ

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong nghi lễ của Do thái giáo, các tín hữu cần có súc vật để dâng cho Thiên Chúa. Khi dâng lễ hi sinh, người ta mổ một con thú, đặt trên bàn thờ rồi đốt lửa thiêu con vật. Mùi mỡ cháy quyện khói xông lên nghi ngút. Người giầu thì dâng một con bò hay một con chiên. Người nghèo có thể dâng một cặp chim bồ câu hoặc một đôi chim gáy. Để đáp ứng nhu cầu của tín đồ, dịch vụ cung cấp lễ vật mau chóng thành hình ngay trong khuôn viên đền thờ. Ta hãy tưởng tượng một chợ trâu bò ngay trong đền thờ. Thật là dơ bẩn, ồn ào và chướng tai gai mắt. Nhưng nhu cầu đã biện minh cho sự ô nhiễm. Và dân Do Thái mặc nhiên chấp nhận để cho súc vật nghễu nghện ngự trị ngay trong khuôn viên đền thờ rất nguy nga, rất lộng lẫy, rất cao sang mà họ từng ca tụng là “đền vàng”, là “nơi thánh”. Thấy nhà Chúa bị xúc phạm, Chúa Giêsu không kiềm chế được cơn giận, đã lấy roi xua đuổi hết súc vật và cả đám con buôn ra khỏi đền thờ.

Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Gioan kể lại biến cố này như sau:

Gần đến lễ Vượt Qua của người Dothái, Ðức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Ðền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Ðền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh:

Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do Thái hỏi Ðức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Ðức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Người Do Thái nói: “Ðền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Ðền Thờ Ðức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Ðức Giêsu đã nói.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khi xua đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu đã thanh tẩy thói tôn thờ ngẫu tượng. Theo Chúa Giêsu, ngẫu tượng nguy hiểm nhất là tiền bạc. Những con buôn đưa súc vật vào đền thờ không do lòng yêu mến Chúa, nhưng vì lợi nhuận. Để cho súc vật làm ô uế đền thờ cao trọng, họ đã dùng đền thờ làm phương tiện phục vụ túi tiền của họ. Các tư tế coi sóc đền thờ có lẽ cũng được chia phần nên đã cho phép con buôn được tự do họp chợ trong đền thờ. Họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. 

Khi đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu muốn thanh tẩy cung cách thờ phượng của ta. Trước kia người ta dâng súc vật làm của lễ. Lòng đạo đức được đo lường bằng sức nặng của con vật. Dâng con vật to sẽ được nhiều ơn phúc. Nay, Chúa Giêsu cho thấy Chúa đã chán thịt bò, mỡ dê. Chúa đã ghê sợ mùi khói khét lẹt, mùi máu tanh tưởi ( x. Is 1,11). Chúa muốn ta đến với Người bằng chính bản thân ta. Lễ dâng đẹp lòng Chúa là thái độ khiêm nhường thống hối. Chúa Giêsu đã thanh tẩy đền thờ. Người muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người. Giữ gìn cho nhà thờ luôn sạch đẹp, có bầu khí tôn nghiêm là điều cần thiết. Nhưng cần hơn vẫn là giữ gìn ngôi đền thờ thiêng liêng là chính bản thân ta. Tâm hồn chính là cung thánh nơi Chúa ngự. Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng với Chúa.

4. Bỏ rơi không săn sóc thăm viếng cha mẹ già là một tội trọng. 

Vô tâm, thờ ơ, khinh rẻ và gạt bỏ người già là một tội, đặc biệt bỏ rơi không săn sóc thăm viếng cha mẹ già là một tội trọng. Một xã hội không có sự gần gũi, trong đó sự nhưng không và lòng yêu thương trìu mến không cần đáp trả đang biến mất, là một xã hội đồi bại.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với gần 20,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 04 tháng Ba.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói ngài dành hai bài giáo lý để nói về điều kiện hiện nay của người già, trong gia đình là các ông bà nội ngoại, và ơn gọi của tuổi già trong xã hội ngày nay.

Dựa trên kinh nghiệm đã có khi là Tổng Giám Mục Buenos Aires Đức Thánh Cha nói về các vấn đề của người già như sau:

Các người già bị bỏ rơi, và không phải chỉ bị bỏ rơi trong sự bấp bênh vật chất. Họ bị bỏ rơi trong sự bất lực ích kỷ chấp nhận các hạn hẹp của họ phản ánh các hạn hẹp của chúng ta, trong nhiều khó khăn mà ngày nay họ phải vượt thắng để sống còn trong một nền văn minh không cho phép họ tham gia, nói lên suy tư của họ, cũng không là những người được quy chiếu theo mô hình tiêu thụ của chủ trương chỉ có người trẻ là ích lợi và có thể hưởng thụ. Trái lại đối với toàn xã hội, các người già này đáng lý ra phải là kho dự trữ khôn ngoan của dân tộc chúng ta. Người già là kho dự trữ khôn ngoan của dân tộc chúng ta. Chúng ta để cho lương tâm ngủ một cách dễ dàng biết bao khi không có tình yêu!

Và xảy ra như vậy. Tôi còn nhớ khi viếng thăm các nhà dưỡng lão, tôi đã nói chuyện với ai đó và biết bao lần tôi đã nghe điều này: “Bác khỏe không? Con cái ra sao rồi?” “Tôi khỏe, tôi khỏe” “Bác có mấy con?” “Nhiều lắm”. “Chúng có tới thăm bác không?” “Có, có, luôn luôn, vâng chúng có đến, chúng có đến”. “Lần cuối cùng các con đến thăm bác là khi nào?” Và bà cụ già, tôi đặc biệt nhớ một bà cụ đã nói: “Ôi, vào lễ Giáng Sinh”. Lúc đó chúng tôi đang ở trong tháng 8! Tám tháng không được con cái thăm viếng, bị bỏ rơi tám tháng! Điều này gọi là tội trọng, anh chị em hiểu không? Hồi còn bé bà nội tôi kể cho chúng tôi câu chuyện của một ông cụ già khi ăn làm bẩn tùm lum vì ông không thể đưa muỗng súp lên miệng một cách đúng đắn được. Người con, hay người cha gia đình, đã quyết định dời chỗ của cụ từ bàn ăn chung xuống cái bàn nhỏ trong nhà bếp, nơi không ai trông thấy vì ông ăn một mình. Và như thế ông khỏi bị mất mặt, khi có bạn bè tới dùng bữa trưa hay bữa tối. Ít ngày sau đó, ông về nhà và thấy đứa con nhỏ nhất của mình chơi với gỗ, cái búa và đinh. Nó đang làm cái gì đó. Ông hỏi: “Con đang làm gì đấy?” Nó trả lời: “Thưa cha con làm một cái bàn nhỏ”. “Một cái bàn nhỏ, tại sao?” “Để có nó khi ba trở thành già yếu, ba có thể ăn ở đấy”. Trẻ em có ý thức hơn chúng ta!

Nhờ các tiến bộ của y khoa sự sống con người “được kéo dài ra”, nhưng xã hội đã không “rộng mở ra” đối với sự sống. Số người già gia tăng, nhưng các xã hội chúng ta không được tổ chức đủ để dành chỗ cho họ, với lòng kính trọng đúng đắn và sự chú ý cụ thể đối với sự giòn mỏng và phẩm giá của họ. Cho tới khi nào chúng ta còn trẻ , chúng ta bị thúc đầy không biết tới tuổi già, làm như thể nó là một bệnh cần tránh xa. Nhưng rồi khi chúng ta già nua, đặc biệt khi chúng ta nghèo túng, đau yếu và cô đơn, chúng ta sống kinh nghiệm các thiếu sót của một xã hội được dự phóng trên sự hữu hiệu, và kết qủa là nó không biết tới người già. Nhưng người già là một sự giầu có, không thể không biết tới.

Khi thăm viếng một nhà dưỡng lão Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dùng các từ chìa khóa có tính cách ngôn sứ. Ngài nói: “Phẩm chất của một xã hội, tôi muốn nói của một nền văn minh, cũng được xét xử theo cách nó đối xử với người già và chỗ nó dành cho họ trong cuộc sống chung” (12-11-2012). Thật thế, sự chú ý tớí người già làm thành điểm khác biệt của một nền văn minh. Trong một nền văn minh có sự chú ý tới người cao niên không? Có chỗ cho người già không? Nền văn minh này sẽ tiến tới, nếu biết tôn trọng sự khôn ngoan, sự khôn ngoan của người già. Trong một nền văn minh mà không có chỗ cho người già, họ bị gạt bỏ, bởi vì họ tạo ra các vấn đề, thì xã hội đó đem theo trong mình vi rút của sự chết chóc. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tuyên bố như vậy.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Bên Tây phương các nhà nghiên cứu trình bầy thế kỷ này như là thế kỷ của sự già nua: con cái giảm xuống, người già gia tăng. Sự mất quân bình này gọi hỏi chúng ta, còn hơn thế nữa nó là một thách đố lớn đối với xã hội hiện đại. Thế nhưng có một nền văn hóa lợi nhuận nào đó cố nhấn mạnh việc coi người già như một gánh nặng, một khối nặng vô ích. Chẳng những họ không sản xuất, mà còn là gánh nặng; và đâu là kết qủa của suy nghĩ như thế? họ bị gạt bỏ. Thật là xấu, khi thấy người già bị gạt bỏ, nó là điều xấu, nó là tội. Người ta không dám công khai nói lên điều ấy, nhưng người ta làm. Có một cái gì hèn hạ trong thái độ này của nền văn hóa gạt bỏ. Nhưng chúng ta quen gạt bỏ con người rồi. Chúng ta muốn lấy đi nỗi sợ hãi gia tăng của sự yếu đuối và dễ bị tổn thương; nhưng khi làm như vậy là chúng ta khiến gia tăng nơi người già nỗi âu lo bị chịu đựng và bị bỏ rơi. Trong truyền thống của Giáo Hội có một hành trang của sự khôn ngoan đã luôn luôn nâng đỡ một nền văn hóa gần gũi người già, một sự sẵn sàng tiếp đón yêu thương trìu mến và liên đới trong phần cuối của cuộc đời này. Truyền thống đó đâm rễ sâu trong Thánh Kinh, như các kiểu nói của sách Huấn Ca làm chứng: “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp” (Hc 8,9). ĐTC khẳng định lập trường của Giáo Hội đối với người già như sau:

Giáo Hội không thể và không muốn thuận theo một tâm thức không chịu đựng, lại càng không thờ ơ và khinh rẻ đối với người già. Chúng ta phải thức tỉnh ý thức tập thể biết ơn, qúy trọng, hiếu khách khiến cho người già cảm thấy họ là thành phần sống dộng của cộng đoàn.

Các người già là những người nam nữ, là cha mẹ đã đi trước chúng ta trên cùng con đường của chúng ta, trong nhà của chúng ta, trong cuộc chiến đấu thường ngày của chúng ta cho một đời sống xứng đáng hơn. Họ là những người nam nữ từ đó chúng ta đã nhận được rất nhiều, Người già không phải là một người xa lạ. Người già là chính chúng ta: trong ít lâu nữa, hay lâu sau này, nhưng không thể tránh được, cả khi chúng ta không nghĩ tới nó. Và nếu chúng ta không học đối xử tốt với ngưòi già, thì người ta cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.

Tất cả người già chúng ta đều ít nhiều giòn mỏng. Tuy nhiên, một vài người đặc biệt yếu đuối, nhiều người cô đơn và bị ghi dấu bởi tật bệnh. Vài người tùy thuộc các chữa trị không thể thiếu và sự chú ý của người khác.Vì thế mà chúng ta sẽ lui bước, bỏ rơi họ cho số phận của họ hay sao? Một xã hội không sự gần gũi, trong đó sự nhưng không và lòng yêu thương trìu mến không cần đáp trả, đang biến mất, là một xã hội đồi bại.

Trung thành với Lời Chúa Giáo Hội không thể nhân nhượng với các suy đồi này. Trong một cộng đoàn kitô mà “sự gần gũi và nhưng không”/ không còn được coi là không thể thiếu, sẽ đánh mất đi linh hồn của nó. Nơi đâu không có lòng tôn kính người già, thì không có tương lại cho người trẻ.

5. Hãy trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa

Trưa Chúa Nhật 08 tháng 03 Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin vào lúc 12h trưa trước sự hiện diện của hàng chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Ngài nhắn nhủ mọi người hãy làm cho cuộc sống của chính mình trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa trên trần gian.

“Tin Mừng ngày hôm nay giới thiệu cho chúng ta sự kiện Đức Giêsu đánh đuổi các con buôn ra khỏi Đền thờ, Ngài đã “lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ” (c. 15), cả tiền bạc và mọi thứ khác. Hiển nhiên là hành động này đã xuất hiện như một cử chỉ mang tính ngôn sứ đến nỗi mà một vài người hiện diện ở đó đã hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (c.18) Và Ngài đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (c.19). Nhưng người Do Thái không hiểu Đền Thờ mà Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể sống động của Người.”

Mời gọi mọi người hãy nhìn nhận hành động này của Đức Giêsu và sứ điệp mang tính ngôn sứ của Ngài nơi ánh sáng của sự Phục Sinh, Đức Thánh Cha nói:

“Ở đây, theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Đức Kitô: thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, sẽ trở nên nơi chốn gặp gỡ của Thiên Chúa và con người giữa vụ trụ này qua sự Phục Sinh. Chính vì thế, nhân tính của Người chính là Đền Thờ đích thực, là nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để phán bảo và gặp gỡ con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực chẳng phải là những kẻ giữ cửa của Đền Thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).”

Kêu gọi mọi người hãy kiến thiết cho Thiên Chúa một Đền Thờ trong cuộc sống của chính mình, Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Chúng ta đang lữ hành trên dương thế giống như Đức Giêsu và chúng ta hãy làm cho toàn bộ cuộc hiện hữu của mình như một dấu chứng của tình yêu Đức Giêsu dành cho anh chị em của chúng ta, đặc biệt cho ai những ai hèn kém nhất và nghèo khổ nhất, chúng ta hãy kiến thiết cho Thiên Chúa một Đền Thờ trong cuộc sống của chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể khiến cho nhiều người chúng ta gặp gỡ trên cuộc lữ hành nhận ra Ngài. Nhưng chúng ta phải tự hỏi chính mình rằng liệu Thiên Chúa có thực sự cảm thấy cuộc sống của mỗi người chúng ta như là ngôi nhà của Ngài hay không? Chúng ta có để cho Ngài tẩy rửa con tim của chúng ta và quét sạch khỏi đó những ngẫu tượng, như là những thái độ tham lam, ghen ghét, lối sống trần tục, tỵ hiềm, hận thù, và cả thói quen nói xấu người khác không? Chúng ta có để cho Ngài tẩy trừ những cách ăn nết ở chống lại Thiên Chúa, chống lại người thân cận và chống lại với chính mình không?”

Xác tín Đức Giêsu sẽ thanh tẩy tâm hồn con người với sự thương xót, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Đức Giêsu sẽ tẩy uế cùng với sự âu yếm, với lòng thương xót và cả tình yêu. Lòng thương xót là cách thức Ngài dùng để thanh tẩy. Mỗi người chúng ta hãy để cho Chúa bước vào cùng với lòng thương xót của Ngài để thanh tẩy cõi lòng của chúng ta.”

Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Đức Giêsu biết rõ trong lòng ta đang chất chứa điều gì, và thậm chí Ngài biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Ngài cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Ngài mà thôi. Chúng ta hãy để cho Ngài bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa. Rất Thánh Trinh Nữ Maria, nơi cư trú được đặc ân của Con Thiên Chúa, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay này, ngõ hầu chúng con có thể tái khám phá vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con.”

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN