Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 02/04 – 08/04/2015: Trên đường Emmau

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 02/04 – 08/04/2015: Trên đường Emmau

 

1. Ý nghĩa của Tam Nhật Thánh

Nếu chúng ta lên rước lễ mà không thực sự sẵn sàng rửa chân cho nhau, thì chúng ta không nhận biết Thân Mình của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ Tư hàng tuần hôm 01 Tháng Tư tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài đã dành buổi tiếp kiến chung này để trình bày về ý nghĩa của Tam Nhật Thánh là ba ngày rất quan trọng trong Tuần Thánh. 

Đề cập đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha nói:

Vào ban chiều Thánh Lễ “Tiệc Chiều của Chúa” sẽ bắt đầu Tam Nhật Thánh cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, tột đỉnh toàn năm phụng vụ của cuộc sống kitô.

Tam Nhật bắt đầu với việc tưởng niệm Bữa Tiệc cuối cùng. Trong ngày vọng của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu hiến dâng cho Thiên Chúa Cha mình và máu của Ngài dưới hình bánh và rượu, làm của dưõng nuôi các Tông Đồ, và truyền cho các vị lưu truyền việc hiến dâng ấy để tưởng niệm Ngài. Khi nhắc lại việc rửa chân, Phúc Âm của ngày lễ này diễn tả cùng một ý nghĩa của Thánh Thể dưới một viễn tượng khác. Như một người đầy tớ, Chúa Giêsu rửa chân cho ông Simon Phêrô và mười một môn đệ khác (x. Ga 13,4-5). Với cử chỉ ngôn sứ đó Ngài diễn tả ý nghĩa cuộc sống và cuôc khổ nạn của ngài như việc phục vụ Thiên Chúa và các anh em: “Thật ra Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10,f45). Điều này cũng xảy ra trong bí tích Rửa Tội, khi ơn thánh Chúa đã rửa chúng ta sạch khỏi tội lỗi và chúng ta được mặc lấy Chúa Kitô (x. Cl 3,10). Điều này cũng xảy ra mỗi khi chúng ta tưởng niệm Chúa trong bí tích Thánh Thể: chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô Người Tôi Tớ để vâng lệnh Ngài, lệnh yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34; 15,12). Nếu chúng ta lên rước lễ mà không thực sự sẵn sàng rửa chân cho nhau, thì chúng ta không nhận biết Thân Mình của Chúa Kitô. Đó là việc phục vụ của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến mình một cách toàn hảo.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: 

Trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh chúng ta suy niệm mầu nhiệm cái chết của Chúa Kitô và thờ lậy Thánh Giá. Trong những lúc cuối cùng của cuộc sống, trước khi phó thần hồn cho Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Đã hoàn tất” (Ga 19,30). Lời này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là công trình cứu chuộc đã hoàn tất, rằng Toàn Thánh Kinh đã tìm thấy sự thành toàn trong tình yêu của Chúa Kitô, Chiên Con bị sát tế. Với hiến tế của mình Chúa Giêsu đã biến đổi sự gian ác lớn lao nhất trong tình yêu vĩ đại của Ngài.

Dọc dài các thế kỷ, với chứng tá của mình có những người nam nữ phản ánh một tia sáng của tình yêu toàn thiện, tràn đầy và không nhiễm uế. Tôi thích nhớ tới một chứng nhân anh hùng của thời đại chúng ta ngày nay đó là cha Andrea Santoro, linh mục thuộc giáo phận Roma và là thừa sai bên Thổ Nhĩ Kỳ. Vài ngày trước khi bị ám sát tại Trebisonda bên Thổ Nhĩ Kỳ, cha đã viết: “Tôi ở đây để sống giữa dân này và để cho phép Chúa Giêsu làm điều đó bằng cách cho Ngài mượn thịt xác tôi… Ta chỉ có khả năng cứu rỗi, khi hiến dâng chính thịt xác mình. Phải mang lấy sự dữ của thế giới và chia sẻ sự khổ đau, bằng cách làm cho nó thấm nhập xác thịt mình cho tới tận cùng như Chúa Giêsu đã làm” (A. Polselli, Don Andrea Santoro, le eredità, Città Nuova, Roma 2008, tr. 31). Ước chi thí dụ này và biết bao thí dụ khác nâng đỡ chúng ta trong việc hiến dâng mạng sống mình như món quà của tình yêu tặng cho các anh em khác, noi gương Chúa Giêsu. Và cả ngày nay nữa cũng có biết bao nhiêu người nam nữ, các vị tử đạo thật hiến dâng mạng sống họ với Chúa Giêsu để tuyên xưng đức tin, chỉ vì lý do đó. Đó là một việc phục vụ, phục vụ của chứng tá kitô cho tới đổ máu, việc phục vụ mà Chúa Kitô đã làm cho chúng ta: Ngài đã cứu chúng ta cho tới cùng. Và đó là ý nghĩa của từ “Đã hoàn tất”. Thật đẹp biết bao nếu tất cả chúng ta vào cuối cuộc đời mình với các sai lầm, các tội lỗi và cả các việc lành, với tình yêu của chúng ta đối với tha nhân, chúng ta có thể nói với Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu: “Đã hoàn tất”, không phải với sự toàn vẹn như Người, nhưng nói: “Lậy Chúa, con đã làm tất cả những gì con có thể làm. Đã hoàn tất”. Khi thờ lậy Thập Giá, khi nhìn Chúa Giêsu, chúng ta nghĩ tới tình yêu, việc phục vụ, cuộc sống chúng ta, các kitô hữu tử đạo, và nghĩ tới cuộc sống mình sẽ ích lợi cho chúng ta. Không ai trong chúng ta biết khi nào điều này sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có thể xin ơn thánh có thể nói: “Lậy Cha, con đã làm điều con có thể làm. Đã hoàn tất”.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh là ngày, trong đó Giáo Hội chiêm ngưỡng “việc ngủ nghỉ” của Chúa Kitô trong mồ, sau chiến thắng của thập giá. Trong ngày Thứ Bẩy, một lần nữa Giáo Hội tự đồng hóa với Mẹ Maria: toàn đức tin của Giáo Hội đã được tiếp nhận nơi Mẹ, là người tin toàn vẹn, đầu tiên. Trong sự tối tăm bao trùm thụ tạo, Mẹ một mình cầm giữ cho ngọn đuốc đức tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu được cháy sáng, bằng cách hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).

Trong lễ vọng phục sinh, lời tung hô Alleluiya lại được vang lên, chúng ta cử hành Chúa Kitô Phục Sinh, trung tâm và cùng đích của vũ hoàn và của lịch sử. Chúng ta canh thức đầy hy vọng đợi chờ sự trở lại của Ngài, khi lễ Vuợt Qua sẽ được biểu lộ tràn đầy. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Đôi khi tối tăm của đêm đen xem ra vào thấu tận linh hồn; đôi khi chúng ta nghĩ “không còn làm được gì nữa”, và con tim không tìm ra sức mạnh để yêu thương. Nhưng chính trong sự tối tăm đó Chúa Kitô thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa: một ánh sáng phá tan đêm tối và loan báo một khởi đầu. Hòn dá của đớn đau đã được lật qua một bên, nhường chỗ cho niềm hy vọng. Đó chính là mầu nhiệm cao cả của sự phục sinh! Trong đêm thánh này Giáo Hội trao ban cho chúng ta ánh sáng của Đấng Phục Sinh, để nơi chúng ta không còn có sự tiếc nuối nữa nhưng có niềm hy vọng cho những ai rộng mở cho một hiện tại tràn đầy tương lai: Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết và chúng ta cùng chiến thắng vời Ngài. Như là kitô hữu chúng ta được mời gọi là những tuần canh trời sáng biết nhận ra các dấu chỉ của Đấng Phục Sinh, như các phụ nữ và các môn đệ đã làm khi chạy tới mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần.

Anh chị em thân mến, trong các ngày Tam Nhật Thánh chúng ta đừng chỉ hạn chế tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, nhưng cũng hãy bước vào trong mầu nhiệm, và nhận lấy các tâm tình và thái độ của Chúa, như tông đồ Phaolô mời gọi chúng ta. “Anh em hãy có chính các tâm tình của Chúa Kitô Giêsu” (Fl 2,5). Và khi đó sẽ là lễ Vưọt Qua tốt lành cho chúng ta.

2. Bước vào mầu nhiệm Phục sinh

Để sống mầu nhiệm Phục sinh chúng ta phải bước vào mầu nhiệm Phục sinh vì mầu nhiệm không phải là những chỉ thuộc về tri thức, một điều gì đó chúng ta chỉ biết tới hoặc đọc qua.. . Mầu nhiệm Phục sinh là điều gì đó nhiều hơn, nhiều hơn rất nhiều! Đó là chủ đề chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Vọng Phục sinh 2015.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Đêm nay là một đêm canh thức. Chúa không ngủ; Đấng Canh Thức đang dõi nhìn dân Người (xem Tv 121: 4), để đưa họ thoát vòng nô lệ và mở ra một thông lộ dẫn đến tự do.

Chúa đang tiếp tục canh thức và, với sức mạnh của tình yêu Ngài, Chúa đang đưa dân Người qua Biển Đỏ. Ngài cũng đưa Chúa Giêsu qua vực thẳm của cái chết và cõi âm.

Đây là một đêm canh thức cho các môn đệ của Chúa Giêsu, một đêm của nỗi buồn và sợ hãi. Họ khóa kín mình trong nhà Tiệc Ly. Tuy nhiên, những người phụ nữ đã đi đến ngôi mộ vào rạng sáng ngày Chúa Nhật để xức dầu thơm cho xác Chúa Giêsu. Lòng họ rối bời và tự hỏi lẫn nhau: “Làm sao chúng ta vào được? Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng đây là dấu chỉ đầu tiên của biến cố vĩ đại này: tảng đá đã lăn ra một bên rồi, và cửa mộ mở toang!

“Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng” (Mc 16:5). Những người phụ nữ là những người đầu tiên nhìn thấy dấu hiệu tuyệt vời này, ngôi mộ trống; và họ là những người đầu tiên đi vào.. .

Nhận xét về biến cố này, Đức Thánh Cha nói:

“Bước vào ngôi mộ.” Thật là tốt cho chúng ta, vào đêm vọng này để suy tư trên kinh nghiệm của những người phụ nữ, một kinh nghiệm đang vang lên trong chúng ta. Bởi vì đó là lý do tại sao chúng ta đang hiện diện ở đây: để bước vào, bước vào vào mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực hiện với lễ vọng tình yêu của Ngài.

Chúng ta không thể sống Mùa Phục sinh mà không bước vào mầu nhiệm này. Mầu nhiệm ấy không phải là điều gì đó thuộc về tri thức, một điều gì đó chúng ta chỉ biết tới hoặc đọc qua.. . Đó là điều gì đó nhiều hơn, nhiều hơn rất nhiều!

“Bước vào mầu nhiệm này” là khả năng tự hỏi, chiêm niệm; là khả năng lắng nghe sự im lặng và nhận ra những tiếng thì thầm nhỏ bé giữa sự im lặng tuyệt vời trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta (x 1 Các Vua 19:12).

Bước vào mầu nhiệm này đòi hỏi đó chúng ta không sợ thực tại, nghĩa là chúng ta đừng tự nhốt chính mình, đừng chạy trốn khỏi những gì chúng ta không hiểu, đừng nhắm mắt lại trước các nan đề hoặc phủ nhận chúng, đừng lờ đi những câu hỏi của chúng ta…

Bước vào mầu nhiệm này nghĩa là vượt ra ngoài vùng thoải mái của riêng chúng ta, vượt ra khỏi sự lười biếng và sự thờ ơ đang giữ chúng ta lại, và vươn ra tìm kiếm chân lý, cái đẹp và tình yêu. Đó là tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa, một câu trả lời không dễ cho những câu hỏi đang thử thách đức tin của chúng ta, lòng trung thành của chúng ta và chính sự hiện hữu của chúng ta.

Để bước vào mầu nhiệm này, chúng ta cần đến khiêm tốn, cần đến sự khiêm nhường hạ thấp mình xuống, đi xuống khỏi ngai của cái “tôi” quá tự hào của chúng ta, và các giả định của chúng ta; một sự khiêm tốn để không còn coi bản thân mình là quá quan trọng, trong khi nhận ra chúng ta thực sự là ai: là những tạo vật có những điểm mạnh và điểm yếu của nó, và chỉ là những tội nhân cần đến sự tha thứ. Để bước vào mầu nhiệm này, chúng ta cần sự khiêm nhường là sự bất lực, sự từ bỏ những ngẫu tượng của chúng ta.. . nói tắt một lời, chúng ta cần biết tôn thờ. Nếu không có sự tôn thờ, chúng ta không thể bước vào mầu nhiệm này.

Những người phụ nữ là môn đệ của Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta tất cả những điều này. Họ tiếp tục canh thức trong đêm đó, cùng với Mẹ Maria. Và Đức Mẹ giúp họ không đánh mất đi niềm tin và hy vọng. Kết quả là, họ không còn là những tù nhân của sự sợ hãi và nỗi buồn, nhưng khi tia nắng đầu tiên của bình minh ló dạng họ đã đi ra ngoài mang theo dầu thơm của họ, lòng họ đã được xức dầu với tình yêu. Họ ra đi và tìm thấy ngôi mộ mở tung. Và họ đã đi vào. Các bà đã canh thức, vươn ra và bước vào mầu nhiệm. Cầu xin cho chúng ta có thể học hỏi được từ các bà để canh thức cùng Thiên Chúa và với Mẹ Maria là Mẹ chúng ta, để chúng ta cũng có thể bước vào Mầu Nhiệm dẫn từ sự chết đến sự sống. Amen

3. Ðức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đoạn Tin Mừng về hai môn đệ trên đường Emmau được kể là một trong những đoạn tin mừng đẹp nhất của thánh Luca, một câu chuyện vừa sâu sắc về thần học, vừa diễm ảo về văn chương, chính cấu trúc câu chuyện – chuyến đi khứ hồi Giêrusalem -Emmau-Giêrusalem là bức phông biểu tượng cho “cuộc qui hồi ” sắp thực hiện trong lòng hai môn đệ.

Câu chuyện xẩy ra vào ngày “thứ ba sau khi Đức Giêsu lìa trần” ngày mà, thánh Luca, ngay những dòng mở đầu của Tin Mừng, đã coi như “ngày thứ nhất trong tuần ” và các Kitô hữu đã sớm gọi là “ngày Chúa Nhật”, ngày của Chúa.

Vào ngày thứ Ba sau khi Chúa Giêsu lìa trần có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem 11 km về phía Tây Bắc. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 

Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 

Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Colêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. 

Ðức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” 

Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”.

Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người vào ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”.

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon”. Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao mà xa xôi vạn lí. Ấy vậy mà lúc trở về Giêrusalem lại chỉ trong phút giây vì Tin Mừng đang cháy bóng trong tim và trên môi họ.

Chính nhóm mười một và thân hữu lại tập họp nhau đã thông báo với họ trước rằng “Chúa đã phục sinh : Ngài đã hiện ra với Simon Phêrô “. Bấy giờ, họ cũng kể lại những diễn biến trên đường và nhờ đâu họ đã nhận ra được Ngài “khi Ngài bẻ bánh “

“Cuộc trở về nguồn cội, nghĩa là trở về với cái nôi phát sinh hội thánh, tức Jerusalem, tượng trưng cho cuộc trở lại từ nỗi buồn sang niềm vui, từ sự lùi bước đến dấn thân, từ sự tan tác đến kết đoàn, nhóm những người theo Chúa đã tản mác ở đầu câu chuyện, nay đã tái hợp, nhưng khác hẳn ngày xưa, họ đã chết, nay họ “sống lại”, ngày lễ Phục sinh của Chúa Giêsu đã biến thành ngày Lễ Phục sinh của riêng họ : là một nhóm nhỏ, họ cũng đã đi qua cái chết để phục sinh thành Hội thánh.” 

4. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng

Bất kể quá khứ của chúng ta, Chúa yêu thương mỗi một người trong chúng ta cho đến cùng. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trước hàng trăm tù nhân tại trại giam Rebibbia khi ngài đến đây cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh với họ.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong ngày thứ Năm này, Đức Giêsu nơi bàn ăn với các môn đệ đang mừng lễ Vượt Qua. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe nêu bật một từ chính là trung tâm của những gì Chúa Giêsu đã thực hiện cho tất cả chúng ta: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,2)… Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Không có giới hạn, luôn luôn cho đến cùng. Tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta không có giới hạn, ngày càng nhiều. Ngài không bao giờ mệt mỏi yêu thương một ai. Ngài yêu thương tất cả chúng ta đến mức trao ban chính mạng sống mình. Đúng thế, Ngài trao ban mạng sống mình cho tất cả chúng ta, Ngài đã ban sự sống của Ngài cho mỗi người chúng ta và mỗi người trong chúng ta đều có thể nói: “.. Ngài ban sự sống của Ngài cho tôi” Ngài ban sự sống của Ngài cho anh, cho em, cho tôi, cho mỗi một người trong chúng ta, với tên họ của mình, vì tình yêu của Ngài là như thế: yêu từng cá nhân.

Đức Thánh Cha đã quảng diễn tiếp về tình yêu Thiên Chúa như sau:

Tình yêu của Chúa Giêsu không bao giờ lừa dối vì Ngài không mệt mỏi yêu thương nên Ngài không mệt mỏi tha thứ, Ngài không bao giờ mệt mỏi ôm ấp chúng ta vào lòng. Đây là điều đầu tiên tôi muốn nói với các bạn: Chúa Giêsu yêu mỗi một người trong các bạn cho “đến cùng.”

Và sau đó Ngài làm một điều mà các môn đệ không hiểu, đó là Người rửa chân cho họ. Vào thời đó, đây là một điều phổ biến; một phong tục vì khi đến một ngôi nhà, bàn chân của người ta dính đầy bụi đường. Thời đó, chưa có những con đường lát đá!

Và ở lối vào của ngôi nhà, người ta sẽ rửa chân mình. Nhưng việc rửa chân không bao giờ được thực hiện bởi người chủ gia đình đó; nó được thực hiện bởi những người nô lệ. Đó là công việc của những người nô lệ. Và Chúa Giêsu rửa chân cho chúng ta, rửa chân cho các môn đệ Ngài, như một nô lệ. Và Ngài nói với họ: “Những gì Thầy đang làm, bây giờ anh em không hiểu đâu,” và Ngài nói với Phêrô (Ga 13.: 7) “nhưng sau này anh sẽ hiểu.”

Chúa Giêsu, với tình yêu bao la đến nỗi Ngài đã biến chính mình thành một người nô lệ để phục vụ chúng ta, để chữa lành chúng ta, để làm sạch chúng ta. Và hôm nay, trong Thánh Lễ này, Giáo Hội muốn các linh mục rửa chân cho 12 người, để tưởng nhớ 12 môn đệ lúc đó. Nhưng trong con tim chúng ta, chúng ta phải có sự xác tín, chúng ta phải tin chắc rằng Chúa, một khi Chúa rửa chân cho chúng ta, thì Ngài rửa sạch tất cả mọi thứ, Ngài thanh tẩy chúng ta! Ngài làm cho chúng ta cảm nhận tình yêu Ngài một lần nữa.

Trong Kinh Thánh có một câu từ ngôn sứ Isaiah rất là đẹp: “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is. 49:15) Đó là cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Và hôm nay tôi sẽ rửa chân cho 12 bạn, nhưng qua những anh em này là tất cả các bạn. Tất cả mọi người, tất cả mọi người! Tất cả những người đang sống ở đây. Anh chị em đại diện cho họ. Nhưng tôi cũng cần phải được Chúa thanh tẩy. Và vì thế, hãy cầu nguyện trong Thánh lễ này, để xin Chúa có thể thanh tẩy mọi vết nhơ của tôi để tôi ngày càng có thể trở thành nô lệ của anh chị em, càng trở nên nô lệ trong sứ vụ cho người dân, như Chúa Giêsu. Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu phần này của buổi lễ.

5. “ECCE HOMO!” – Đây là người! 

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu Mùng 3 tháng Tư, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức Suy Tôn Thánh Giá bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô. 

Sau bài Thương Khó, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã nghe bài chia sẻ sau đây của Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng. Những bài chia sẻ trong những dịp trọng đại này có chuyển tải những suy tư thần học rất sâu sắc.

Mở đầu bài chia sẻ của ngài, cha Cantalamessa nói:

Chúng ta vừa nghe trình thuật về Chúa Giêsu trước tòa của Philatô. Có một điểm đặc biệt trong trình thuật này mà chúng ta cần phải dừng lại để suy tư.

Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do Thái!”, rồi vả vào mặt Người…Vậy, Ðức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Ðây là người! [Ecce Homo!] (Ga 19: 1-3, 5)

Trong vô số những bức tranh lấy Ecce Homo làm chủ đề, có một bức tranh đã luôn luôn gây ấn tượng cho tôi. Đó là bức tranh của một họa sĩ người miền Bắc nước Bỉ sống ở thế kỷ thứ mười sáu là Jan Mostaert. Hãy để tôi cố gắng mô tả bức tranh này. Điều đó sẽ giúp ghi một dấu ấn tốt hơn trong tâm trí của chúng ta về biến cố này, vì người nghệ sĩ đã trung thành sao chép thành tranh các sự kiện của trình thuật Phúc Âm, đặc biệt là Phúc Âm của Thánh Máccô (xem Mc 15: 16-20).

Cha Cantalamessa quảng diễn tiếp như sau:

Chúa Giêsu đầu đội một mão gai. Một bó những nhánh cây đầy gai được tìm thấy trong sân, có lẽ dùng để nhóm lửa, đã cho các các binh sĩ một cơ hội để chế giễu vương quyền của Ngài. Những giọt máu chảy xuống trên khuôn mặt Ngài. Miệng Ngài mở ra một nửa, như một người đang bị khó thở. Vai Ngài khoác một áo choàng nặng và bạc thếch, giống như làm bằng thiếc hơn là bằng vải. Trên vai Chúa là những vết thương ngang dọc từ trận đòn gần đây. Hai cổ tay của Ngài bị buộc lại với nhau bằng một sợi dây thừng thô thắt hai vòng. Chúng bắt Ngài cầm một cây sậy trong tay như vương trượng, còn tay kia chúng bắt ngài cầm những nhành lá như những biểu tượng nhằm chế giễu vương quyền của Ngài. Chúa Giêsu không thể di chuyển dù chỉ một ngón tay; đây là một con người bị chà đạp xuống đến mức hoàn toàn bất lực, là nguyên mẫu của tất cả những con người trong lịch sử với bàn tay bị khóa chặt.

Khi suy niệm về cuộc thương khó, nhà triết học Blaise Pascal đã viết những lời này một ngày nào đó: “Chúa Kitô sẽ còn phải đau đớn cho đến ngày tận thế; chúng ta đừng mê ngủ trong thời gian này.” Có một ý nghĩa trong những lời này rất đúng với chính con người của Chúa Kitô, nghĩa là đúng với Đấng là đầu của nhiệm thể, chứ không chỉ đúng với các thành viên của nhiệm thể ấy. Không phải là chúng ta bỏ qua sự kiện là Chúa đã sống lại và đang sống, nhưng chính vì Ngài đã sống lại và đang sống. Nhưng thôi, chúng ta hãy bỏ qua một bên ý nghĩa khó hiểu này và thay vào đó đề cập đến một ý nghĩa rõ ràng nhất của những lời này. Chúa Giêsu sẽ còn phải đau đớn cho đến ngày tận thế trong mỗi người nam nữ đang cùng một nỗi thống khổ của Ngài. “Các ngươi đã làm cho chính Ta!” (Mt 25:40). Ngài nói những lời này không chỉ với các tín hữu đặt niềm tin nơi Người; nhưng là với mỗi người nam nữ đang đói khát, trần truồng, chịu ngược đãi, giam cầm.

Xin được một lần đừng nói chung chung về những tệ nạn xã hội: nghèo đói, bất công, và bóc lột những người yếu thế. Những tệ nạn này vẫn thường được nói đến (dù chẳng bao giờ là đủ), nhưng có nguy cơ là những tệ nạn ấy trở thành trừu tượng, thành những phạm trù chứ không phải là những con người. Thay vào đó, chúng ta hãy nghĩ đến những đau khổ của các cá nhân, những người có tên tuổi và danh tính cụ thể; hãy nói đến những nhục hình do con người quyết định đưa ra trong máu lạnh và trong sự tự nguyện để làm thương tổn những người khác, kể cả các hài nhi tại thời điểm này.

Có biết bao những trường hợp “Ecce homo” (“Đây là người!”) trên cái thế giới này! Có biết bao những tù nhân thấy mình đứng trước tình trạng tương tự như Chúa Giêsu trước tòa Philatô: cô đơn, tay bị còng, bị tra tấn, chỉ còn biết trông đợi nơi lòng thương xót của đám quân lính thô bạo đầy thù hận là những kẻ tham gia vào tất cả các loại tàn ác về thể chất và tâm lý và là những kẻ thích thú trước những đau khổ của người khác. “Chúng ta đừng mê ngủ; chúng ta đừng bỏ họ một mình!” 

Tiếng hô “Ecce homo!” áp dụng không chỉ cho các nạn nhân nhưng còn cho những kẻ tra tấn. Nó có nghĩa là, “Đây là những gì con người có thể làm được!” Với sự sợ hãi và run rẩy, chúng ta cũng hãy nói, “Đây là những gì nhân loại có thể làm được!” Chúng ta đã tiến được bao xa trong cuộc diễn hành tiến về phía trước không thể ngăn cản được, so với homo sapiens sapiens (con người hiện đại thời Khai Sáng), so với loại người, mà một số người nào đó cho rằng đã được sinh ra từ cái chết của Thượng Đế để thay thế cho Ngài! 

* * *

Kitô hữu tất nhiên không phải là những nạn nhân duy nhất của bạo lực giết người trên thế giới, nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự kiện là tại nhiều quốc gia, họ là những nạn nhân chịu đau khổ thường xuyên nhất. Và ngày hôm nay có tin tức là 147 Kitô hữu đã bị tàn sát trong cơn cuồng nộ của những kẻ thánh chiến Hồi Giáo cực đoan Somali tại một trường đại học ở Kenya. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ của Ngài, “Sẽ đến giờ những kẻ giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa.” (Ga 16:2) Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ những lời này được thực hiện chính xác đến thế như trong thời đại chúng ta ngày nay.

Một giám mục sống ở thành Alexandria vào thế kỷ thứ ba là Dionysius đã để lại cho chúng ta một chứng tá về hoàn cảnh cử hành lễ Phục sinh của các tín hữu Kitô trong các cuộc bách hại khốc liệt bởi đại đế La Mã Decius:

Đầu tiên chúng tôi bị chỉ định nơi cư trú, và bị bao vây bởi những kẻ bắt bớ và giết người, nhưng chúng tôi vẫn là những người duy nhất giữ ngày lễ này thậm chí sau khi đã bị cô lập như vậy. Mỗi nơi mà chúng tôi bị tấn công đã trở thành một địa điểm mừng lễ dù là ở cánh đồng, sa mạc, trên tàu, trong các nhà trọ, hay nhà tù. Ngày lễ huy hoàng nhất trong tất cả các ngày lễ này được giữ bởi các vị tử đạo, những người giờ đây đang mừng lễ này trên thiên quốc. 

Đây cũng là tình cảnh mà nhiều Kitô hữu mừng lễ Phục Sinh năm nay, năm 2015 sau Chúa Giáng Sinh.

Có những người, trên báo chí thế tục, có can đảm tố cáo sự thờ ơ đáng lo ngại của các tổ chức và dư luận trên thế giới trước những sự giết chóc các Kitô hữu này, trong khi gợi nhớ đến những sự thờ ơ như thế trong quá khứ. Tất cả chúng ta và tất cả các tổ chức của chúng ta ở phương Tây có nguy cơ trở thành những Philatô đang rửa tay [trước máu người vô tội].

Tuy nhiên, chúng ta lại không được phép đưa ra bất cứ tố cáo nào ngày hôm nay. Chúng ta sẽ phản bội mầu nhiệm đang được cử hành. Chúa Giêsu trong giờ hấp hối, đã kêu lên “Lạy Cha, xin tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Lời cầu nguyện này không chỉ là lời thì thầm trong hơi thở của Ngài; nó còn là tiếng kêu to lên để mọi người có thể nghe rõ. Đó cũng chẳng phải là một lời cầu nguyện; đó là một yêu cầu quyết liệt được đưa ra trong cương vị của người Con: “Lạy Cha, xin tha cho chúng” và vì chính Chúa đã từng cho biết là Chúa Cha luôn nhậm lời cầu nguyện của Ngài (xem Ga 11:42), chúng ta phải tin rằng Chúa Cha đã nghe lời cầu nguyện cuối cùng này từ cây thánh giá và do đó những kẻ đã đóng đinh Chúa Kitô vào thánh giá đã được Thiên Chúa tha thứ (tất nhiên là với một lòng ăn năn cách nào đó) và được ở với Ngài trên thiên đường, để làm chứng muôn đời cho thấy tình yêu của Thiên Chúa có khả năng đi xa đến mức nào.

Sự thiếu hiểu biết như thế vốn tồn tại một cách đặc biệt trong đám lính tráng. Nhưng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho họ. Sự hùng vĩ thánh thiêng trong sự tha thứ của Ngài bao gồm cả sự kiện là nó cũng được trao ban cho những kẻ thù tàn nhẫn nhất của Ngài. Lý do thiếu hiểu biết được đưa ra chính xác là dành cho họ. Mặc dù họ đã hành động đầy xảo quyệt và ranh ma, nhưng trong thực tế, họ không biết những gì họ đang làm; họ không nghĩ rằng họ đã đóng đinh vào thập giá một người đàn ông thực sự là Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa! Thay vì cáo buộc đối thủ của mình, hoặc tha cho họ và ủy thác nhiệm vụ trả thù cho Cha trên trời của mình, Ngài đã đứng ra bảo vệ họ.

Ngài đưa ra cho các môn đệ của mình một ví dụ về sự rộng lượng vô hạn. Để tha thứ với cùng một sự vĩ đại trong tâm hồn như thế không chỉ đòi hỏi một thái độ tiêu cực trong đó ta từ bỏ ao ước muốn thấy kẻ ác gặp ác; nhưng còn phải được biến đổi xa hơn thành một ý chí tích cực là làm điều thiện cho họ, thậm chí cho dù đó chỉ là một lời cầu nguyện với Thiên Chúa nhân danh họ. “Hãy cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em” (Mt 5:44). Kiểu tha thứ này không tìm sự hả dạ trong hy vọng nơi sự trừng phạt của Thiên Chúa. Nó phải được linh hứng từ một lòng bác ái tha cho kẻ lân cận, tuy nhiên, không nhắm mắt lại với sự thật nhưng trái lại là phải mở mắt ra để ngăn chặn kẻ gian ngõ hầu họ sẽ không gây hại thêm cho người khác và cho chính họ.

Chúng ta có thể muốn nói rằng “Lạy Chúa, Chúa yêu cầu chúng con phải làm những điều không thể!” Ngài sẽ trả lời, “Ta biết, nhưng Ta đã chết để ban cho anh em những gì Ta yêu cầu anh em. Ta không chỉ truyền cho anh em phải tha thứ và không chỉ đưa ra cho anh em một tấm gương anh hùng về sự tha thứ, nhưng qua cái chết của Ta, Ta cũng mang lại cho anh em những ân sủng để anh em có thể thứ tha. Ta không chỉ ban cho thế giới giáo huấn về lòng thương xót như nhiều người khác đã từng làm. Ta cũng là Chúa và Ta đổ ra cho anh em những con sông của lòng thương xót qua cái chết của Ta. Từ đó, anh em có thể kín múc lòng thương xót bao nhiêu cũng được trong Năm Thánh Từ Bi sắp tới”.

***

Ai đó có thể nói, “Nếu thế thì chẳng lẽ theo Chúa Kitô luôn luôn có nghĩa là từ bỏ chính mình một cách thụ động để bị đánh bại và bị giết chết hay sao?” Không, trái ngược lại! Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài: “Hãy vui lên” trước khi bước vào cuộc thương khó của Ngài: “Ta đã chiến thắng thế gian” (Ga 16:33). Chúa Kitô đã chiến thắng thế gian bằng cách vượt qua sự gian ác của thế giới này. Chiến thắng cuối cùng của cái thiện trước cái ác đó sẽ được thể hiện vào cuối thời điểm đã đến, chính thức và thực tế, trên thánh giá của Chúa Kitô. Ngài nói “Bây giờ là giờ Phán xét của thế giới này” (Ga 12:31). Từ ngày đó, sự ác đang thua dần, và nó đang thua nhiều hơn khi xem ra nó đang có vẻ thắng nhiều hơn. Nó đã bị xét xử và kết án trong những biểu hiện cuối cùng của nó với một bản án không thể nào kháng cáo.

Chúa Giêsu đã vượt qua bạo lực không phải với bạo lực lớn hơn nhưng bằng cách chịu đựng nó và phơi bày tất cả sự bất công và vô vọng của nó. Ngài khai mở một loại chiến thắng mới đã được Thánh Augustinô tóm gọn trong ba chữ: “Victor quia victima” (Chiến thắng vì là nạn nhân). Chính vì thấy Ngài chết như thế mà viên đội trưởng La Mã đã thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39). Những người khác hỏi nhau xem những “tiếng kêu lớn” từ Chúa Giêsu đang hấp hối có nghĩa là gì (xem Mc 15:37). Viên đội trưởng La Mã, là một chuyên gia về những chiến binh và những trận đánh, nhận ra ngay lập tức đó là một tiếng kêu của chiến thắng. 

Những vấn đề bạo lực làm chúng ta quan ngại, sửng sốt, và ngày nay nó đã phát minh ra những hình thái mới hơn và khủng khiếp hơn của sự tàn bạo và man rợ. Kitô hữu chúng ta đang kinh hãi với ý tưởng trong đó người ta có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, một người nào đó có thể phản đối “Nhưng không phải là Kinh Thánh cũng đầy những câu chuyện bạo lực đó sao? Không phải là Thiên Chúa được gọi là ‘Chúa các đạo binh’ sao? Không phải Chúa đã từng lên án toàn bộ một thành phố phải bị tiêu diệt sao? Không phải là chính Người đã quy định bao nhiêu những trường hợp phải tử hình trong Luật Môsê đó sao?”

Nếu họ đã đưa ra những phản đối này với Chúa Giêsu trong cuộc đời Ngài, chắc chắn Ngài sẽ đáp lại như những gì Ngài đã nói về ly dị: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không thế đâu.” (Mt 19: 8). Điều này cũng đúng đối với bạo lực: “Lúc đầu nó không phải như vậy.” Chương đầu tiên của Sách Sáng Thế trình bày một thế giới nơi mà bạo lực giữa con người với nhau hay giữa con người và các loài động vật không hề có, thậm chí cả trong trí tưởng tượng. Không được phép giết người ngay cả là để trả thù cho cái chết của Abel, và qua đó trừng phạt một kẻ giết người (xem Sáng Thế 4:15).

Ý định thực sự của Thiên Chúa được thể hiện nơi điều răn “Chớ giết người” hơn là nơi những ngoại lệ đối với lệnh truyền đó trong luật pháp, là một sự nhượng bộ trước “sự cứng lòng” và trước những thực hành của con người. Bạo lực, cùng với tội lỗi, là một phần đáng tiếc trong đời sống, và Cựu Ước, trong đó phản ảnh đời sống và phải là hữu ích cho đời sống như nó đang xảy ra, đã tìm hiểu các luật lệ và hình phạt tử hình ít nhất là để cô lập và ngăn chặn không để cho bạo lực biến thành một lựa chọn cá nhân để rồi mọi người xâu xé lẫn nhau.

Thánh Phaolô đề cập đến một khoảng thời gian được đặc trưng bởi “sự nhẫn nại” của Thiên Chúa (Rm 3:25). Thiên Chúa nhẫn nại trước bạo lực như Ngài nhẫn nại trước tình trạng đa thê, ly dị, và những thứ khác, nhưng Ngài đang chuẩn bị dân Ngài cho một thời gian trong đó hoạch định nguyên thủy của Người cho nhân loại được “tái lập” và được phục hồi trong danh dự, như thể thông qua một sáng tạo mới. Thời ấy đã đến với Chúa Giêsu, Đấng đã công bố trên núi, “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa… Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5: 38-39, 43-44).

“Bài Giảng Trên Núi” thực sự thay đổi lịch sử, tuy nhiên, không phải là bài giảng đã được đưa ra trên một ngọn đồi ở Galilê, nhưng là bài giảng giờ đây được công bố lặng lẽ từ trên thánh giá. Trên đồi Canvê, Chúa Kitô đưa ra một tiếng nói “không” dứt khoát với bạo lực, đặt đối lập với nó không chỉ là bất bạo động, nhưng còn là sự tha thứ, hiền lành, và tình yêu. Mặc dù bạo lực vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, nó sẽ không còn có thể được liên kết dù là xa xôi đi chăng nữa với Thiên Chúa và không thể núp dưới quyền bính của Ngài. Làm như thế là làm cho khái niệm về Thiên Chúa suy thoái ngược lại vào những thời kỳ sơ khai và thô thiển trong một lịch sử đã được vượt qua bởi lương tâm tôn giáo và văn minh của nhân loại.

* * *

Những vị tử đạo chân chính vì Chúa Kitô không chết với bàn tay nắm chặt nhưng với bàn tay chắp lại trong lời cầu nguyện. Chúng ta đã có nhiều ví dụ gần đây về điều này. Chúa Kitô là Đấng đã ban cho 21 Kitô hữu Coptic bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chặt đầu tại Libya hôm 22 tháng 2 sức mạnh để chết trong khi thì thầm kêu tên Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cầu nguyện cho những anh chị em trong đức tin của chúng con đang bị đàn áp và cho tất cả những con người là những Ecce Homo trên mặt đất này tại thời điểm hiện nay, là Kitô hữu cũng như những người không phải là Kitô hữu. 

Lạy Mẹ Maria, dưới chân thập giá, Mẹ kết hiệp với Con của Mẹ, và Mẹ thì thầm theo Ngài, “Lạy Cha, xin tha cho chúng!” Xin hãy giúp chúng con chiến thắng sự ác bằng điều thiện, không chỉ trên trường thế giới nhưng cả trong cuộc sống hàng ngày của chúng con, bên trong các bức tường ngôi nhà của chúng con. Mẹ đã chia sẻ những đau khổ của Người khi Người chết trên thánh giá. Như vậy, một cách rất đặc biệt, Mẹ đồng công cứu chuộc bằng sự vâng phục của Mẹ, niềm tin, hy vọng và lòng bác ái bừng cháy. Xin Mẹ linh hứng cho những người nam nữ trong thời đại chúng con với những ý nghĩ hòa bình và lòng thương xót. Và với sự tha thứ. Amen.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN