Home / Tiêu Điểm / Video: Ngày họp thứ hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ thứ 14.

Video: Ngày họp thứ hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ thứ 14.

 

Các nghị phụ đang chuẩn bị ổn định vị trí của mình để bắt đầu cuộc họp.

Chúng tôi xin nhắc lại là tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ này có 270 vị gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ. Trong đó có 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 2 vị là Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương; rồi đến 183 vị được các Giáo Hội địa phương bầu lên, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, là Tổng Giám Mục Sàigòn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó Xuân Lộc); bên cạnh đó còn có 45 vị do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm. 

Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo Hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 18 đôi vợ chồng tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ thứ 14 này.

Thành ra , tổng số những người có quyền phát biểu ý kiến trong Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này lên đến 318 người.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu buổi họp.

Sau một kinh nguyện ngắn, giờ đây các tham dự viên đang hát bài Veni Creator Spiritus – Cầu xin Chúa Thánh Thần.

Sau đó các vị đã đọc kinh giờ ba. Chúng tôi phải dài dòng một chút để muốn nói với quý vị và anh chị em là bầu khí trong Thượng Hội Đồng Giám Mục là một bầu khí nguyện cầu, thanh thản chứ không phải là căng thẳng, tranh cãi, bất đồng quyết liệt như các phương tiện truyền thông thế tục loan tải.

Trên bàn chủ tọa từ trái sang phải chúng tôi nhận thấy có 

Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte của tổng giáo phận Chieti-Vasto, Ý là Thư Ký đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.

Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris bên Pháp

Đức Cha Fabio Fabene, Phó Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Đức Thánh Cha Phanxicô.

Rồi đến các vị Hồng Y thừa ủy là

Đức Hồng Y Peter Erdo, Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest 

Đức Hồng Y Luis Antonio G. Tagle, tổng giám mục Manila, Philippines

Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida, Brazil

Hồng Y Wilfrid Napier OFM, tổng giám mục Durban, Nam Phi

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục đang trình bày các tiến trình và phương pháp làm việc, cũng như các yếu tố mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình lần này

Tiếp theo bài phát biểu của Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Đức Thánh Cha đã đọc một diễn từ ngắn nhắc nhở các nghị phụ tham chiếu ba văn kiện chính thức là bài diễn văn khai mạc và bài diễn văn bế mạc Thượng Hội Đồng đặc biệt năm 2014 của ngài và Tường Trình sau cùng (Relatio Synodi) của Thượng Hội Đồng kỳ đó vì theo Đức Thánh Cha Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ này là phần tiếp theo của công nghị diễn ra hồi năm ngoái.

Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng việc thảo luận vấn đề cho người ly dị tái hôn rước lễ không phải là chủ đề duy nhất của Thượng Hội Đồng, mà chỉ là một trong nhiều ưu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.

Tổng cộng đã có khoảng 70 phát biểu bằng tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức và tiếng Bồ Đào Nha. Các vấn đề di dân, nghèo đói, nhân dụng, chiến tranh và vấn đề tỵ nạn đã được nhấn mạnh trong ngày họp thứ hai. Các vấn đề bạo hành trong gia đình, bạo hành trong Giáo Hội, và lạm dụng tình dục cũng đã được nói tới.

Chiều thứ Ba, các tham dự viên tại Thượng Hội Đồng về gia đình đã chia từng nhóm thảo luận nhỏ theo ngôn ngữ, sau một ngày rưỡi được nghe các bài trình bầy tại các phiên họp toàn thể.

Khó có thể tóm lược 72 bài đóng góp của các tham dự viên trong 24 giờ qua. Nhưng theo Radio Vatican, ta có thể phân biệt được hai cách các nhà lãnh đạo này của Giáo Hội đang suy tư về các thách đố của gia đình ngày nay. (Thượng Hội Đồng: Ngày thứ hai, 6 tháng Mười, 2015 – Vũ Văn An)

Phương thức đầu có tính triết lý, khởi đi từ Thánh Kinh và tín lý, để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề trong nền văn hóa thế tục hiện đang đe dọa các niềm tin và truyền thống Công Giáo. Một vị giám mục cảnh báo rằng nếu ta mở cửa cho não trạng thế tục này, thì sói rừng sẽ ập vào. 

Phương thức thứ hai do nhiều vị giám mục khác đề xuất là khởi đi từ các thay đổi sâu xa đang diễn ra trong xã hội để tìm hiểu xem Giáo Hội có thể dùng Thánh Kinh và Thánh Truyền ra sao để vẫn còn liên hệ tới đời sống của người thời nay. Không sống trong sợ hãi đối với một nền văn hóa thù nghịch và vô thượng đế, nhưng đúng hơn là can dự vào nó, đề xuất Tin Vui Phúc Âm cho bất cứ ai đang tìm ý nghĩa đời người. 

Từ quan điểm vừa nói, phần trình bầy có tính dẫn nhập của Đức Hồng Y Peter Erdo vào hôm thứ Hai có thể được coi là bài trình bầy sắc sảo và cổ điển về giáo huấn gia đình của Giáo Hội. Tuy nhiên, như Đức Tổng Giám Mục Paul-André Durocher, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Canada, từng nói, đây chỉ là một mảnh của câu đố khó giải mà thôi. Đúng hơn, thay vì là lời sau cùng đối với các giám mục, đây mới chỉ là một khởi điểm, để từ đó, các nhóm nhỏ theo ngôn ngữ bắt đầu thảo luận. Chính trong khung cảnh nhỏ hơn, nhưng nhiều tương tác hơn này, mọi tham dự viên, kể cả các giáo dân nam nữ, kể luôn các đại biểu không phải là Công Giáo, có thể chia sẻ cung cách duy trì giáo huấn Giáo Hội trong khi vẫn tiếp xúc được với đời sống thực của người ta. Hoặc nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: làm cách nào trở thành một Giáo Hội biết mở rộng cửa, không dính chặt vào phòng áo lễ mà là đi ra ngoài phố khiến tay mình ra dơ bẩn. 

Về ngữ vựng, rất nhiều diễn giả đã nói về việc sử dụng những ngôn từ không làm những người đang khát khao được nghe lời Chúa cảm thấy xa lạ. Một vài tham dự viên cảnh cáo cách mạnh mẽ chống thứ ngôn ngữ loại trừ, nhất là khi nói về những người đang sống trong các cuộc hôn nhân thứ hai hay trong các liên hệ đồng tính. Dù ta dễ nhất trí đối với việc sử dụng ngôn từ nhậy cảm và bao gồm để nói về các nạn nhân của bạo lực, về người nghèo hay những người bị hắt hủi khác, ta vẫn chưa tìm được sự đồng thuận đối với ngôn từ được dùng để mô tả những người đồng tính, coi họ như thành phần của chính gia đình ta, như anh chị em của chính ta.

Bạo lực chống phụ nữ cũng là một chủ đề nóng bỏng khác được một số nghị phụ Thượng Hội Đồng nêu lên. Một trong các vị này trưng dẫn những con số thống kê khiến ta giật mình, cho thấy tới một phần ba phụ nữ trên thế giới đang là nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Ngài kêu gọi Thượng Hội Đồng dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất để nhấn mạnh rằng không bao giờ được dùng Thánh Kinh để biện minh cho việc thống trị của đàn ông hay cho việc bạo hành đối với phụ nữ. Ngài cũng đề nghị rằng Giáo Hội nên chứng tỏ là mình nghiêm túc trong việc khai mở một vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội và tại các Giáo Hội địa phương hay trong việc cho phép các giáo dân nam nữ được giảng trong các Thánh Lễ, làm nổi bật sự thống nhất giữa lời Chúa và cuộc sống hàng ngày của họ. 

Nếu tất cả những điều trên xem ra hơi có tính áp đảo hoặc đôi chút lạc ra ngoài các tiêu chí chặt chẽ của Tài Liệu Làm Việc, thì một tham dự viên cho ta một hình ảnh khá hữu ích: đôi khi cứ dựa vào hệ thống chỉ dẫn của vệ tinh để lái xe, nhưng gặp một chỗ chặn đường, thì làm sao đi. Lúc ấy, ta lại phải tin vào kỹ thuật mới để đi theo một nẻo đường khác với nẻo đường cũ để đến đích mà thôi.

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …