Home / Tiêu Điểm / Video: Giáo Hội Năm Châu 9/9/2017: Ngày thứ nhất trong chuyến tông du Colombia của Đức Thánh Cha

Video: Giáo Hội Năm Châu 9/9/2017: Ngày thứ nhất trong chuyến tông du Colombia của Đức Thánh Cha

Sáng thứ Tư mùng 7 tháng 8, Đức Thánh Cha đã rời nhà trọ Thánh Marta để ra phi trường Fiumicino đáp máy bay đi Colombia.

Chiếc Airbus A330 của hãng Alitalia chở Đức Thánh Cha, đoàn tùy tùng và hơn 70 ký giả quốc tế cất cánh lúc quá 11 giờ sáng, trực chỉ thủ đô Bogotà của Colombia.

Sau 12 tiếng rưỡi đồng hồ bay, máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã đáp xuống căn cứ không quân Catam thuộc phi trường thủ đô Bogotà vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. 

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là lúc máy bay vừa đáp xuống phi đạo của căn cứ không quân Colombia.

Trong khi chờ đợi những lễ nghi chào đóbn chính thức, chúng tôi xin mạn phép trình bày một vài điểm chính như sau: 

Với chuyến tông du bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào ngày 11 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp bước Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là các vị Giáo Hoàng đã đến Colombia vào năm 1964 và năm 1986. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 20 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài nước Ý.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha thăm Colombia vì ngài đã có mặt tại quốc gia này trong tư cách một linh mục vào những năm 1970 và hai lần trong tư cách một Giám mục thành viên của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM.

Nếu quý vị và anh chị em theo dõi thường xuyên các chuyến tông du hải ngoại của các vị Giáo Hoàng, quý vị và anh chị em dễ dàng nhận ra đây là một chuyến tông du rất dài đến 5 năm, là một điều hiếm khi xảy ra.

Giải thích về điều này, Đức Thánh Cha đã nói với các ký giả đồng hành: “Đây là chuyến công du hơi đặc biệt, một chuyến du hành để giúp Colombia tiếp tục tiến bước trên con đường hòa bình. Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện cho ý chỉ đó trong cuộc hành trình này. Cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em sẽ làm.”

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong tiến trình hòa bình đã được Giáo hội Công giáo và chính Đức Giáo Hoàng ủng hộ mạnh mẽ.

Chính phủ đã ký một thỏa thuận với nhóm phiến quân FARC hồi tháng 11 năm ngoái sau 52 năm xung đột khiến 260,000 người thiệt mạng, 60,000 người mất tích, và hơn 7 triệu người phải di dời.

Hai ngày trước khi Đức Thánh Cha lên đường, cụ thể là hôm 4 tháng 9, đã có một biến cố lịch sử đối với đối với Colombia: đó là chính phủ nước này đã ký hiệp định ngưng bắn song phương với nhóm phiến quân “Quân đội giải phóng quốc gia”, gọi tắt là ELN. Hiệp định được ký tại Quito, thủ đô Ecuador, sau 7 tháng thương thuyết tại đây, và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 tới đây.

Các hiệp định hòa bình nói trên được ký kết là do chủ ý của chính phủ, với sự hậu thuẫn của Tòa Thánh, bất chấp ý nguyện của nhân dân Colombia. Các cuộc trưng cầu dân ý đều cho thấy đa số người dân Colombia chống lại các thỏa thuận ngưng bắn này.

Thách đố lớn nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du này là làm sao thuyết phục người dân Colombia chấp nhận các thỏa ước đã được chính phủ ký kết với các nhóm phiến quân; và cổ vũ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dân số Colombia là 48.2 triệu người, trong đó 93.9% là người Công Giáo. Cả nước có 7,236 linh mục triều và 2,324 linh mục dòng phục vụ các tín hữu trong các giáo xứ, với 2,995 tiểu chủng sinh và 3,416 đại chủng sinh đang được đào tạo.

Thêm vào đó, Giáo Hội Colombia còn có 593 phó tế vĩnh viễn, 1,058 nam tu sĩ không thụ phong, 13,874 nữ tu và 4,167 trường Công Giáo.

Colombia là quốc gia tuyệt đại đa số dân theo Công Giáo nhưng lại rất chia rẽ. Chẳng hạn, như trong thái độ đối với chủ nghĩa Mác. Lực lượng “Quân đội giải phóng quốc gia” được thành lập năm 1964 sau cuộc nổi dậy của giới nông dân và hiện còn ít nhất 1,500 chiến binh. Trong số những người theo lực lượng này có hàng trăm linh mục, tu huynh và nữ tu. Là người Công Giáo, nhưng họ theo chủ nghĩa Mác, và say mê Cuba của Fidel Castro.

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gởi nhân dân Colombia

Trước khi đến Colombia, hôm 4 tháng 9, Đức Thánh Cha đã gởi một sứ điệp video cho dân chúng nước này trong đó ngài kêu gọi nhân dân Colombia trở thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải, đi bước đầu trong việc bắc những nhịp cầu và kiến tạo tình huynh đệ.

Sau khi cám ơn tổng thống, các Giám Mục và mọi người đã tích cực góp phần vào việc chuẩn bị chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha nhắc đến chủ đề cuộc tông du của ngài là “Chúng ta hãy đi bước đầu” và nhận xét rằng:

“Chủ đề này nhắc nhở chúng ta luôn luôn cần đi bước đầu trong bất kỳ hoạt động và dự phóng nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta trở thành những người đầu tiên yêu mến, bắc cầu và xây dựng tình huynh đệ. Đi bước đầu khích lệ chúng ta hãy đi ra gặp gỡ tha nhân, giơ tay và trao đổi dấu chỉ hòa bình. Hòa bình là điều mà Colombia hoạt động từ lâu để đạt tới. Một nền hòa bình ổn định, lâu bền, để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh chị em, chứ không phải như kẻ thù. Hòa bình nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là con cái của cùng Cha, Đấng yêu thương và an ủi chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng “Thế giới ngày nay đang cần những vị cố vấn hòa bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được kêu gọi thi hành nghĩa vụ này, để thăng tiến hòa giải với Chúa và với anh chị em, và cả sự hòa giải với môi trường là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách bừa bãi”.

“Ước gì cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm huynh đệ đối với mỗi người trong anh chị em và họ cảm thấy niềm an ủi và dịu dàng của Chúa”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đang chuẩn bị bước xuống thang máy bay.

Từ trên máy bay bước xuống, Đức Thánh Cha đã được Tổng thống Juan Manuel Santos, cùng với phu nhân Maria Clemencia Rodriguez Munera nồng nhiệt tiếp đón, và hai em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa cho ngài.

Bên cạnh tổng thống và phu nhân còn có Đức Tổng Giám Mục Oscar Urbina Ortega, là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Villavicencio và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia.

Hiện diện tại sân bay cũng có một số quan chức chính quyền dân sự và các Giám Mục Colombia, cùng với đại diện các nhóm phiến quân Lực lượng võ trang cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội giải phóng quốc gia (ELN), sau cùng là 1 ngàn tín hữu, trong đó có một số chiến binh bị thương trong chiến tranh.

Tại buổi nghinh đón, Emmanuel con trai của nữ chính trị gia Colombia, Bà Clara Rojas, sinh ra trong cảnh bị giam giữ khi bà bị Các Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (FARC) bắt cóc năm 2002, đã dâng lên Đức Giáo Hoàng một bức điêu khắc hình con chim bồ câu trắng. Emmanuel sinh ra năm 2004 lúc mẹ bị giam trong rừng. Em bị lấy đi khỏi mẹ lúc còn sơ sinh. Mãi năm 2008, em mới được gặp lại mẹ.

Đức Phanxicô vỗ nhẹ lên trán Emmanuel sau khi tiếp nhận bức điêu khắc, rồi bắt tay em.

Ngài được nghinh đón chân tình bởi các vũ công múa nhạc nhân gian và các nghệ sĩ trình diễn cả nhạc cổ điển lẫn nhạc vũ cumbia. Giàn giao hưởng quốc gia Colombia trình tấu các bản nhạc của Ludwig van Beethoven và Antonio Vivaldi khi Đức Giáo Hoàng xuất hiện từ cửa máy bay. Tổng Thống Juan Manuel Santos, các nhà thương thuyết hòa bình, các nhóm thổ dân và nhiều đoàn nghệ sĩ, thể tháo gia và chính trị gia đã tới nghinh đón ngài. Đức Phanxicô mỉm cười khi ngắm các vũ công và bắt tay mấy người khuyết tật nam nữ mà đài truyền hình quốc gia mô tả là các nạn nhân của cuộc tranh chấp.

Sau đó, Đức Thánh Cha dùng xe mui trần đi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở trung tâm thủ đô.

Dọc đường suốt 15 cây số, hàng trăm ngàn người đã đứng hai bên để đón chào Đức Thánh Cha. Càng gần Tòa Sứ thần Tòa Thánh, dân chúng càng đông, và tràn ra đường, khiến các nhân viên an ninh lo lắng.

Vì không thấy một rào cản an ninh nào cả, nên các người ái mộ đã tới sát đến có thể đụng vào xe của ngài, khiến các nhân viên an ninh vất vả để hãm đà xúc cảm của công chúng.

Nhưng thay vì lo âu, vị giáo hoàng người Á Căn Đình, tỏ ra thích thú khi thấy quá nhiều người tới quàng hoa lên ngài, vẫy cờ đỏ vàng xanh của Colombia và hô “Viva Francisco”.

Đại sứ quán của Tòa Thánh tọa lạc ở khu vực Teusaquilo, nơi có trụ sở của nhiều bộ cũng như của Đại học Công Giáo và Viện quốc gia Colombia Truyền thanh và truyền hình. Đây là một trong những khu vực đông dân cư nhất ở thủ đô Bogotà. Đức Thánh Cha qua 4 đêm tại đây trong những ngày viếng thăm, nên các giới chức liên hệ của chính quyền đã thiết lập 3 vòng đai an ninh, với 633 cảnh sát viên được bố trí.

Khi đến tòa sứ thần vào khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã được một nhóm gần 1 ngàn tín hữu nồng nhiệt tiếp đón với những bài ca và điệu vũ truyền thống.

Phần lớn những người trẻ hiện diện là những người theo một chương trình cai nghiện ma túy thuộc Trung tâm bảo vệ trẻ em và người trẻ, gọi tắt là Idipron. Đức Thánh Cha đã được đại diện các bạn trẻ trao tặng chiếc áo ruana màu trắng, một tấm áo poncho hai mảnh do các bạn trẻ ở Trung Tâm Idipron dệt. Ngoài ra cũng có một nhóm thuộc “các gia đình lòng thương xót”, một hội gồm các giáo dân và linh mục chuyên hoạt động để giúp đỡ những người túng thiếu nhất.

Ứng khẩu trong dịp này, ngài nói với những người trẻ: “Các con hãy tiếp tục tiến bước. Đừng để mình bị bị đánh bại, bị lường gạt, đừng đánh mất niềm vui, niềm hy vọng và nụ cười. Cả những trẻ em cũng có thể trở thành anh hùng”. Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đọc kinh Kính Mừng và ban phép lành cho tất cả.

Vào đến nhà nguyện bên trong, Đức Thánh Cha đã dâng hoa kính Đức Mẹ trước sự hiện diện của các nhân viên của tòa Sứ Thần.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sinh hoạt đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Năm 7 tháng 9 là cuộc gặp gỡ với tổng thống Santos và chính quyền dân sự.

Trong bài phát biểu của ngài, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh 3 điểm chính sau đây:

Cần phải cẩn trọng tôn trọng sự đa dạng sinh thái của Colombia

Đức Thánh Cha nói rất hùng biện như sau:

“Hãy giơ tay lên, những ai biết rằng Colombia đứng hàng thứ hai trên thế giới về sự đa dạng sinh thái? Từ các dẫy núi Andean cho tới các cánh rừng già Amazon, duyên hải Caribbean và đồng bằng nhiệt đới của nó, nó là một quốc gia được chúc phúc bằng một đa dạng tính mênh mông gồm đủ giống cây và giống vật”.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cảnh giác các nhà lãnh đạo Colombia rằng vẻ đẹp tự nhiên ấy mang theo trách nhiệm tôn trọng sự đa dạng của nó và gìn giữ nó cho các thế hệ tương lai. Đây chưa hẳn là chính sách mà Chính Phủ Colombia đang theo đuổi, với một mô thức kinh tế dựa vào hầm mỏ, năng lượng và khai thác các tài nguyên thiên nhiên, nhưng không lo lắng chi tới tác dụng của nó đối với các cộng đồng địa phương.

Nền văn hóa sinh động của quốc gia này

Nhưng việc bảo vệ môi trường sẽ có ý nghĩa hơn cả trong bối cảnh biết chăm sóc sự sống con người, nhất là những người nghèo khổ nhất và bị hất hủi hơn hết. Họ là những người chịu đau khổ nhất do việc phá hủy đất đai và các môi trường sống tự nhiên, làm ngưng trệ các lối sống cổ xưa vốn hiện hữu nhiều thế kỷ qua nơi các cộng đồng bản địa ở Colombia.

Những người bị hất hủi phải được bao gồm trong tương lai Colombia

Nói với Tổng Thống Santos, con dòng cháu giống của một trong các gia đình giầu có nhất của Colombia, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh điều này: sự nghèo khổ dẫn tới bạo lực và bất bình đẳng và là cội rễ của các cơn bệnh xã hội. Ghi nhận sự đa dạng phong phú của các nhóm sắc tộc và các truyền thống văn hóa sinh động của họ, ngài nhấn mạnh rằng “những người bị loại trừ và hất hủi”, tức phụ nữ, nông dân và đại đa số các sắc dân tạp chủng, phải được lắng nghe, khi đất nước tìm cách thoát khỏi nửa thế kỷ nội chiến.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …