1. Chính quyền Ai Cập và Giáo Hội Chính Thống Coptic đồng ý với nhau về luật mới về xây dựng nhà thờ
Chính phủ Ai Cập và các giám mục Giáo Hội Chính Thống Coptic đã đồng ý với nhau về một bản tu chính cho hiến pháp năm 1934 quy định về việc xây dựng và phục chế nhà thờ.
Trong những năm qua, các quan chức Ai Cập địa phương đã trích dẫn hiến pháp năm 1934 để ngăn chặn việc xây dựng các nhà thờ mới và sửa chữa nhà thờ cũ.
Chỉ nội trong ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 2013, 40 nhà thờ trong đó có 10 nhà thờ Công Giáo tại ngay thủ đô Cairo đã bị nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo thiêu hủy nhưng đến nay các nhà thờ này vẫn không được tái thiết vì những cản trở do hiến pháp năm 1934 gây ra.
Trong khi các Giám Mục Chính Thống Giáo Coptic tỏ ra rất lạc quan, Đức Cha Antonios Aziz Mina, Giám Mục Công Giáo nghi lễ Coptic cho biết “tình hình vẫn còn gây tranh cãi”. Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, các luật sư Công Giáo trẻ tại Ai Cập cho biết “có quá nhiều chi tiết kỹ thuật, cho phép bất cứ ai lạm dụng như một cái cớ khác để ngăn chặn việc xây dựng nhà thờ mới.”
Quốc hội của quốc gia dự kiến sẽ phê duyệt các tu chính án trong nay mai.
2. Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa sẽ thành công bất chấp sự suy yếu của Giáo Hội hiện nay
Trong một thông điệp gởi đến cuộc gặp gỡ đại kết đang diễn ra tại Thessalonika, Hy Lạp, trong tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Có một nhu cầu hiển nhiên phải tân phúc âm hóa châu Âu, nơi ngày càng có rất nhiều người không tham gia đầy đủ trong đời sống của các cộng đồng Kitô hữu.”
Thông điệp của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo, trình bày trong hội nghị đại kết Công Giáo và Chính thống giáo. Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự tiếc nuối của ngài là nhiều người ở châu Âu, mặc dù được rửa tội trong đức tin đã “không nhận thức được những hồng ân đức tin họ đã được nhận lãnh”.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng công việc truyền giáo cần phải được thực hiện với sự xác tín rằng Chúa “luôn luôn có thể canh tân đời sống của chúng ta và các cộng đồng của chúng ta, và thậm chí nếu thông điệp Kitô giáo đã phải trải qua nhiều thời kỳ của bóng tối và sự yếu kém trong Giáo Hội, thông điệp Kitô giáo sẽ không bao giờ già nua.”
3. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Canđê kêu gọi người Hồi giáo phủ nhận bọn khủng bố Hồi Giáo IS
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Canđê, một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn tòan với Tòa Thánh, đã kêu gọi “người Hồi giáo và những người không theo đạo Hồi có thiện chí” hãy phủ nhận Nhà nước Hồi giáo, hiện đang kiểm soát khoảng 15% lãnh thổ của Iraq và 30% của Syria.
“Chúng tôi biết rằng đa số người Hồi giáo là trung lập, không thiên vị, cởi mở và sẵn sàng làm việc chăm chỉ vì lợi ích của quốc gia và đồng bào của họ,” Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako cho biết như trên trong một thông báo đăng trên trang Web của Tòa Thượng Phụ Babilon
“Họ nên có một lập trường thống nhất và mạnh mẽ, để có thể cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của bệnh ung thư Hồi Giáo cực đoan. Nếu đồng tâm nhất trí, chúng ta có thể chống lại sự cô lập, chủ nghĩa cực đoan, hận thù, và bạo lực.”
4. Đức Hồng Y Tagle nói phá thai là một trọng tội không thua gì những băng đảng giết người có tổ chức
Đức Hồng Y Antonio Tagle của Manila đã kêu gọi một sự nhất quán trong việc bảo vệ sự sống con người, và nhắc nhở các tín hữu rằng phá thai là một hành động giết người.
Đức Hồng Y đã đưa ra quan điểm trên trong một diễn từ được phát thanh vào ngày 29 tháng 8, khi ngài trình bày những suy tư của ngài trước tiếng kêu than của công chúng về tình trạng giết người của các băng đảng sống ngoài vòng pháp luật. Bạo lực đã tăng mạnh ở Philippines kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Rodrigo Duterte, là người đã nói rằng buôn bán ma túy và một số tội phạm khác xứng đáng bị bắn.
Trong khi lên án các vụ giết người có tổ chức, Đức Hồng Y Tagle nói rằng việc bảo vệ phẩm giá con người cũng phải được coi trọng. “Tại sao chỉ có một vài người lên tiếng chống lại việc phá thai? Đó cũng là việc giết người vậy!”
5. Một Tổng Giám Mục Uganda lên án nền văn hóa dung túng bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là một thực tế đáng buồn diễn ra trong “hầu như mỗi gia đình” ở miền đông Uganda. Đức Tổng Giám Mục Emmanuel Obbo của Tororo đã phát động một chiến dịch để giải quyết vấn đề này.
“Đó là một mối quan tâm cho gia đình, đó là một mối quan tâm cho xã hội; trên tất cả đó là một mối quan tâm đối với Giáo Hội, và chúng ta không thể giữ im lặng”, ngài nói như trên với Thông tấn xã Công Giáo Catholic News Agency.
Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã huy động tất cả các linh mục, tu sĩ và các giáo lý viên trong giáo phận tham gia vào các nỗ lực ngõ hầu “bạo lực gia đình phải được triệt tiêu hoàn toàn.”
Đức Tổng Giám mục Obbo cho biết bạo lực chống lại người vợ và lạm dụng con em đang lan tràn trong xã hội Uganda. Ngài than thở rằng: “Trẻ em gái không được tự do sống trong xã hội này”.
6. Các giáo sĩ bảo thủ trong Anh Giáo xúc tiến việc mở Thượng Hội Đồng “thầm lặng”
Các giáo sĩ Anh giáo bảo thủ ở Anh đang họp trong tuần này để thiết lập một “thượng hội đồng” trong bóng tối ngõ hầu có thể đưa ra một hệ thống thay thế nếu họ tách khỏi Anh Giáo.
Khoảng một chục giáo sĩ Anh giáo, những người đề cao các nguyên tắc Kinh Thánh, các truyền thống đạo đức, và bác bỏ các quyết định gần đây của Giáo Hội Anh về những vấn đề như đồng tính luyến ái, đang họp tại Tunbridge Wells.
Mục sư Peter Sanlon, người chủ trì cuộc họp này, giải thích:
“Tôi không bỏ Anh Giáo – nhưng để có thể ở lại, tôi cần sự hợp tác và một cấu trúc mới để thực thi sứ vụ của Giáo Hội Anh, là mang sứ điệp của Chúa Kitô đến mọi góc trời của Anh quốc.”
Cuộc họp đã diễn ra ngay sau khi Tổng giám mục Canterbury, Tiến sĩ Justin Welby, nói trong một cuộc họp rằng ông “liên tục cảm thấy kinh dị” khi nghĩ về cách Kitô giáo đối xử với người đồng tính trong lịch sử.
7. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp Mark Zuckerberg, sáng lập viên của Facebook,
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Mark Zuckerberg, sáng lập viên và CEO của Facebook, và vợ của ông, vào sáng thứ Hai 29 tháng 8, trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican.
Thông cáo của phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: Đức Giáo Hoàng và ông Zuckerberg đã nói chuyện với nhau về cách thế sử dụng các kỹ thuật truyền thông để xoá bớt nghèo khổ, khuyến khích một nền ván hóa gặp gỡ và giúp chuyển đạt một sứ điệp của hy vọng, đặc biệt cho những người bị thiệt thòi nhất”.
Ông Zuckerberg đã viết trên Facebook: “Priscilla và tôi đã có vinh dự gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican. Chúng tôi đã kể với ngài chúng tôi rất ngưỡng mộ sứ điệp thương xót và hiền dịu của ngài và cách ngài tìm ra những cách thức mới để giao tiếp với con người của mọi tôn giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng nói về tầm quan trọng của việc nối kết con người, đặc biệt tại những phần trên thế giới mà người ta không có kết nối internet”.
Hai vợ chồng ông Zuckerberg đã tặng Đức Giáo Hoàng một mẫu Aquila, là một máy bay nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời để phân phát kết nối internet đến những vùng không có kết nối.
Ông chia sẻ thêm: “Chúng tôi còn chia sẻ về hoạt động của sáng kiến Chan Zuckerberg nhắm giúp con người trên toàn thế giới”.
Và ông kết luận: “Đó là một cuộc gặp gỡ mà chúng tôi không bao giờ quên. Bạn có thể cảm thấy sự ấm ấp và tử tế của ngài và trong tim ngài lòng muốn sâu sắc giúp đỡ con người.
Nguồn: VietCatholic News