Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Giáo Hội Năm Châu 30/07/2018: Giáo hội đang bị bách hại tại Nicaragua

Video: Giáo Hội Năm Châu 30/07/2018: Giáo hội đang bị bách hại tại Nicaragua

1. Đức Hồng Y Brenes nói Giáo hội đang bị bách hại tại Nicaragua

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua tuyên bố rằng nhà cầm quyền đang bách hại Giáo hội tại quốc gia này.

Các Giám mục Nicaragua đang họp để quyết định xem liệu các ngài có nên tiếp tục tham gia vào tiến trình đối thoại hòa giải quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và xã hội ngày càng tồi tệ hơn.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ vào hôm Chúa Nhật, vị Hồng Y của Nicaragua cho biết Giáo hội đang bị chế độ của Tổng thống Daniel Ortega bách hại.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes Solorzano, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Nicaragua và cũng là chủ tịch Ủy Ban Đối Thoại Quốc Gia, nói rằng Giáo Hội hiện đang bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Nicaragua.

Lời lên án mạnh mẽ của ngài xảy ra đúng vào ngày toàn bộ lục địa Mỹ Latinh hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho hòa bình ở Nicaragua, là nơi bất ổn chính trị và bạo lực đã gây ra cái chết cho hơn 360 người kể từ giữa tháng Tư và dẫn đến việc giam giữ rất nhiều người.

Lưu ý rằng “Giáo hội luôn bị bách hại” và do đó “chúng tôi không xa lạ” với thực tế này, Đức Hồng Y Brenes nói rằng ngài và các giám mục tại Nicaragua hiện đang tranh luận xem liệu có nên tiếp tục tham gia vào tiến trình đối thoại quốc gia hay không. 

Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Nicaragua bắt đầu từ những cuộc biểu tình ôn hòa của các sinh viên nhằm phản đối việc cắt giảm các phúc lợi xã hội đã gây ra những cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát sau khi cảnh sát bắn đạn thật trực tiếp vào đám đông. Bọn cầm quyền đã huy động thêm côn đồ tấn công những người biểu tình. Ít nhất đã xảy ra bảy cuộc bao vây các nhà thờ và một số vụ tấn công hành hung các giám mục và đại diện Giáo Hội.

2. Đức Giáo Hoàng lên tiếng về tình hình tại Nicaragua

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối quan ngại của ngài đối với tình hình đang ngày càng trở nên nguy hiểm tại Nicaragua và hiệp nhất với các giám mục của quốc gia này đối với mối quan tâm của các ngài. 

Phát biểu sau khi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt mọi hình thức bạo lực và xin các tín hữu hiện diện cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Các cuộc biểu tình chống lại Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, bắt đầu vào ngày 18 tháng 4. Bọn cầm quyền mưu toan cắt giảm an sinh xã hội để có tiền trang trải cho tình trạng tham nhũng tràn lan. Từ những cuộc biểu tình ôn hòa chống cắt giảm an sinh xã hội, người dân Nicaragua đã quay sang kêu gọi Tổng thống từ chức, sau 39 năm cai trị quốc gia này.

Lúc ban đầu Ortega lợi dụng các Giám Mục quốc gia này để ve vãn các thành phần đối lập. Y không ngớt lời ca tụng các Giám Mục đã giúp làm trung gian trong các cuộc đối thoại hòa giải quốc gia.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công chống lại Giáo Hội Công Giáo đã lập tức bùng lên sau khi các Giám Mục yêu cầu Ortega tổ chức sớm các cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2019 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội. Theo dự trù mãi đến năm 2021 mới có các cuộc bầu cử.

Trên đài truyền hình quốc gia, Ortega phỉ báng các Giám Mục nước này và gọi các ngài là “bọn hoạch định mưu toan đảo chính”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đang theo dõi chặt chẽ tình hình và cầu nguyện cho tất cả người dân Nicaragua. Không phải bây giờ, khi tình hình đã trở nên quá bi thảm, Đức Thánh Cha mới lên tiếng về vấn đề này. Thật thế, ngày 3 tháng Sáu đã đưa ra lời kêu gọi chấm dứt bạo lực.

Đức Thánh Cha nói Giáo hội luôn ủng hộ đối thoại nhưng “đối thoại đòi hỏi sự tham gia tích cực cho tự do và, trên tất cả, cho cuộc sống.”

Người Công Giáo ở Mỹ Latinh và trên toàn thế giới đã tổ chức Ngày Cầu Nguyện vào hôm Chúa Nhật vừa qua như một dấu chỉ liên đới với các nạn nhân của bạo lực chính trị ở Nicaragua.

Đức Cha Silvio José Báez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, viết trên Twitter: “Giáo Hội Công Giáo Nicaragua sẽ vẫn ở bên cạnh dân chúng, bởi vì Chúa Giêsu luôn ở bên những người đau khổ.”

3. Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn đến các nạn nhân vụ sụp đổ đập thủy điện ở Lào

Trong một bức điện gởi đến Giáo hội và chính quyền dân sự tại Lào, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ nỗi buồn của ngài về sự mất mát nhiều nhân mạng và những hậu quả bi đát do lũ lụt gây ra sau khi một đập thủy điện bị sụp đổ vào hôm thứ Ba 24 tháng 7.

Hàng trăm người đang bị mất tích và người ta lo sợ rằng họ đã chết sau khi đập thủy điện tại huyện San Sai của tỉnh Attapeu sụp đổ vào hôm thứ Ba, gây ra một trận lũ lớn cuốn trôi nhiều căn nhà. Theo Thông tấn xã Lào, thảm họa này đã khiến hơn 6,600 người mất nhà cửa.

Trong một bức điện tín do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký thay mặt ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “tình liên đới chân thành của ngài với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này”.

Ngài cầu nguyện “đặc biệt là cho những người đã chết, và ơn chữa lành cho những người bị thương và ơn an ủi cho tất cả những người đang phải đau buồn vì sự mất mát những người thân yêu của họ và những ai đang phải lo sợ cho mạng sống những người vẫn còn mất tích.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ca ngợi các nỗ lực cứu giúp những người bị nạn của “các nhà chức trách dân sự và tất cả những người tham gia vào cuộc tìm kiếm và giải cứu khi họ hỗ trợ cho các nạn nhân của bi kịch này.”

Một công ty của Nam Hàn phụ trách việc xây đập này nói với hãng tin Reuters rằng mưa lớn và lũ lụt đã gây ra sự sụp đổ này.

4. Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Medjugorje bắt đầu sứ vụ 

Đức Cha Henryk Hoser, Tổng Giám Mục về hưu của Warszawa-Praga, Ba Lan, đã bắt đầu sứ vụ của ngài trong tư cách Thanh tra Tông Tòa tại giáo xứ Thánh Giacôbê Tông Đồ ở Medjugorje với thánh lễ tối Chúa Nhật vừa qua.

Sứ vụ thứ nhất của Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser

Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết: “Sứ mạng của vị thanh tra tông tòa là nhằm mục đích đảm bảo một sự tháp tùng ổn định và liên tục cho cộng đồng giáo xứ Medjugorje và cho các tín hữu hành hương tại đó, là những người có những nhu cầu cần được chú ý đặc biệt”.

Ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với các nhà báo rằng Đức Tổng Giám Mục Hoser “sẽ thường trú tại Medjugorje” và nhiệm vụ của ngài không liên quan đến việc điều tra tính xác thực của các cuộc hiện ra đã được báo cáo.

Sứ mệnh của Đức Tổng Giám Mục Hoser “thuần túy là mục vụ và không liên quan đến tín lý”, ông Burke nói.

Tháng 2 năm 2017, vị Tổng Giám Mục Ba Lan đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm đặc sứ của ngài để nghiên cứu tình hình mục vụ ở Medjugorje.

Tại một cuộc họp báo sau chuyến viếng thăm đầu tiên của mình, Đức Tổng Giám Mục Hoser nói rằng mặc dù ngài không có thẩm quyền hoặc chuyên môn để thảo luận về tính xác thực của các tuyên bố cho là Đức Mẹ đã hiện ra tại Medjugorje, ngài nhận thấy rõ ràng là “có bầu khí thiêng liêng đặc biệt” ở Medjugorje.

“Phép lạ lớn nhất của Medjugorje là việc xưng tội” của hàng trăm người mỗi ngày, Đức Tổng Giám Mục Hoser nói với các phóng viên vào tháng Tư năm 2017.

Năm 1981, sáu người trẻ tuyên bố rằng Đức Maria đã hiện ra với họ. Một số trong số sáu người nói rằng Đức Maria vẫn hiện ra với họ và đưa ra các sứ điệp mỗi ngày, trong khi những người khác nói rằng họ chỉ nhìn thấy Đức Mẹ mỗi năm một lần.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng những người hành hương đến Medjugorje xứng đáng được chăm sóc và hỗ trợ về tinh thần, nhưng ngài cũng bày tỏ nghi ngờ về những tuyên bố cho rằng Đức Maria vẫn hiện ra với các thị nhân và đưa ra các sứ điệp mỗi ngày.

Sứ vụ thứ hai

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Hoser lần thứ hai trong tư cách là “thanh tra tông tòa đặc biệt cho giáo xứ Medjugorje” vào ngày 31 tháng 5 năm 2018. Theo tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, nhiệm vụ sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian không được xác định và ad nutum Sanctae (nghĩa là cho đến khi có lệnh mới của Tòa Thánh).

Một lần nữa, Đức Tổng Giám Mục Hoser sẽ thực hiện “một sứ vụ mục vụ đặc biệt” liên tục với nhiệm vụ đầu tiên của ngài đã kết thúc gần đây. Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh lập lại rằng “Sứ mạng của vị thanh tra tông tòa là nhằm mục đích đảm bảo một sự tháp tùng ổn định và liên tục cho cộng đồng giáo xứ Medjugorje và cho các tín hữu hành hương tại đó, là những người có những nhu cầu cần được chú ý đặc biệt”.

5. Đức Thánh Cha đau buồn vì vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Hy Lạp

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi trận hỏa hoạn kinh hoàng tại các khu vực quanh thủ đô Athens (Nhã Điển) của Hy Lạp, trong đó có ít nhất 60 người bị thiệt mạng.

Ngọn lửa kinh hoàng xảy ra vào hôm thứ Hai 23 tháng 7 và vẫn còn hoành hoành dữ dội trong ngày thứ Ba,

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn bi thảm này tại miền Attica. Người ta đã tìm thấy 60 thi thể. Con số thương vong có thể còn lên cao hơn rất nhiều.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người bị thương trong vụ hỏa hoạn. 

Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Sáng thứ Ba 24 tháng 7, ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em đã được tìm thấy. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong thư thế ôm cứng lấy nhau trước khi chết.

Ngọn lửa xuất phát từ một cánh rừng trên một ngọn đồi và được gió mạnh đến cấp 9 thổi đi nên lây lan rất nhanh. Ít nhất 130 người bị thương và hàng chục người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch. Hàng trăm ngàn ngôi nhà bị thiêu rụi cùng với hàng ngàn xe hơi bị bỏ lại trên đường khi các tài xế lao nhanh ra biển để sống sót. Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh.

Khoảng 700 người, trong đó có nhiều du khách, đã được lực lượng tuần duyên của Hải Quân Hy Lạp cứu thoát. 

Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng ca ngợi các cơ quan dân sự và các nhân viên cấp cứu khi họ anh dũng giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này, và trên hết ngài cầu nguyện xin Chúa gìn giữ họ, tăng cường sức mạnh và an ủi họ.

6. Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu thấu triệt những nhu cầu tiềm ẩn của chúng ta.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu thấu triệt những nhu cầu tiềm ẩn của chúng ta.

Trong bài suy ngẫm về Tin Mừng của ngày Chúa Nhật tuần trước, Đức Thánh Cha Hoàng Phanxicô trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu nhìn tha nhân bằng con mắt của trái tim, và cách nhìn đó trở thành mô hình của tình yêu phục vụ.

Trong Phúc Âm Thánh Marcô tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả các Tồng Đồ sau một cuộc truyền giáo đầu tiên trở về “các ông thật hào hứng dù có mệt mỏi” và Chúa Giêsu thúc giục họ: “Hãy tìm đến một nơi yên vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Nhưng thật không may, đám đông đoán biết nên đã đến đó trước khi các môn đệ và Chúa Giêsu tới.

Điều tương tự như thế cũng xảy ra cho chúng ta ngày nay. Đức Thánh Cha nói: “Đôi khi chúng ta không còn nhận ra các dự án của chúng ta, vì trong trường hợp khẩn cấp có thể làm rối loạn các dự liệu của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải linh động và sẵn sàng hy sinh vì nhu cầu của tha nhân.” Đó là khi chúng ta được kêu gọi bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm: “lên tới bờ Ngài thấy đám đông thì chạnh lòng thương xót họ, vì họ giống như chiên không người chăn chiên, và Ngài bắt đầu giảng dậy họ không màng tới thời gian là gì nữa… “(Mc 6:34).

Đức Thánh Cha tập trung vào ba động từ mà thánh sử Marcô sử dụng để mô tả cảnh này, một trong những động từ này được Đức Thánh Cha so với “cái máy chụp đôi mắt của Thần Linh Chúa”. Động từ: “thấy mà chạnh lòng thương mà giảng dạy. Chúng ta có thể gọi đó là những động từ hành động của một người chủ chăn”, Đức Thánh Cha nói thêm. “Cái nhìn của Chúa Giêsu không phải là một cái nhìn trung lập hoặc tệ hơn, lạnh lùng và tách rời, bởi vì Chúa Giêsu luôn nhìn bằng ánh mắt của trái tim”. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp: “Trái tim của Chúa dịu dàng và đầy lòng từ bi, biết nắm bắt những nhu cầu ẩn giấu nhất của con người”.

Thay vì thực hiện một phép lạ, như chúng ta mong đợi, Đức Thánh Cha nói, Chúa Giêsu bắt đầu dạy dỗ dân chúng. “Đây là bánh mà Đấng Mết-si-a hiến dâng cho đám đông đang đói khát: bánh của Lời. “Tất cả chúng ta đều cần tới Lời sự thật, để hướng dẫn chúng ta và soi dẫn chúng ta trên con đường phải đi. Chính Đấng Cứu Thế là chân lý, chúng ta không thể tìm ra định hướng đúng đắn cho cuộc sống. Khi chúng ta lìa xa Chúa và rời bỏ tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ đánh mất đi chính mình và sự tồn vong sẽ biến thành thất vọng và bất mãn “.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Đức Giêsu đã tự hiến Mình trở thành món quà cho người thế”, “sự tự hiến này trở thành một mẫu gương cho tình yêu và cho sự phục vụ của mỗi người chúng ta”.

7. Đức Phanxicô và Ông Trump cùng có vấn đề với Putin, tuy rất khác nhau.

Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí Crux ngày 22 tháng Bẩy, chủ bút John L. Allen Jr. cho rằng ông Trump, trong suốt tuần qua, đã cố gắng hết sức để biện minh cho cuộc gặp gỡ giữa ông và tổng thống Nga, Vladimir Putin, sau khi ông bị nặng nề phê phán gần như đã hoàn toàn bác bỏ việc Nga can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử của Hoa Kỳ năm 2016.

Nhưng ông Trump không biện minh theo lối bình thường mà theo lối của ông, cho rằng “Thượng đỉnh với Nga là một thành công lớn, ngoại trừ đối với Truyền Thông Tin Giả”.

Nhưng theo Allen, trong khi ông Trump lao đao biện minh cho mối liên hệ lạ đời với Putin, thì điều đáng nhắc lại là ông không phải là nhà lãnh đạo thế giới hàng đầu duy nhất gặp điều người ta vẫn gọi là “nan đề Nga”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng gặp nan đề này, và mặc dù hiện thân cho một quan điểm và nghị trình rất khác với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, ta thấy ngài cũng gần như đang tới một điểm ngoặt quyết định trong các tương tác với Nga.

Ngay từ khởi đầu triều giáo hoàng, nhiệm kỳ của Đức Phanxicô xem ra đã đầy hứa hẹn về phương diện đại kết, trong đó, dĩ nhiên có Nga. Cuối cùng, thì Giáo Hội Công Giáo đã có được một nhà lãnh đạo xuất thân từ thế giới đang phát triển không mang theo mình gánh nặng hận thù hàng thế kỷ giữa Đông và Tây Âu, và, gần đây hơn, các căng thẳng Chiến Tranh Lạnh giữa ảnh hưởng Xô Viết cũ và liên minh Đại Tây Dương.

Vị tân giáo hoàng cũng đem tới một thế giới quan giúp ngài hành động ở bên ngoài các khuôn khổ ngoại giao và địa chính trị thông thường, phản ảnh rất sớm lên tính đồng bộ giữa Mạc Tư Khoa và Rôma về Syria. Cuối năm 2013, Putin từng cám ơn Đức Phanxicô trong việc giúp ngăn chặn cuộc tấn công của Tây Phương chống Assad ở Syria, và nói chung, Vatican chia sẻ chẩn đoán của Mạc Tư Khoa cho rằng các cố gắng nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Syria là một sai lầm.

Đàng khác, Putin và các liên minh Chính Thống Giáo rất được khích lệ vào năm 2014, khi Đức Phanxicô và các cộng sự viên của ngài không quá nặng nề đối với Nga nhân việc họ xâm nhập miền Đông Ukraine. Có lúc, ngài đã làm Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Hy Lạp ở Ukraine của chính ngài nổi giận khi mô tả cuộc tranh chấp trong nước là “huynh đệ tương tàn” tức việc nội bộ chứ không do chủ trương gây hấn của Nga.

Điều ấy đã phá được giá băng giữa Mạc Tư Khoa và Rôma, mà cao điểm là cuộc họp thượng đỉnh chưa bao giờ có giữa Đức Phanxicô và Thượng Phụ Kirill tại Havana, Cuba, trên đường Đức Phanxicô công du Mễ Tây Cơ năm 2016. Tuyên bố chung của hai vị càng thổi thêm lửa vào nỗi giận của người Công Giáo hy lễ Hy Lạp khi gọi họ là “qui hiệp” (uniates), một hạn từ hạ giá đã bị bỏ từ lâu trong hầu hết ngôn từ đại kết chính thức.

Tuyên bố chung cũng cố ý tránh bất cứ chỉ trích nào đối với chính sách của Nga tại Ukraine, hay nhắc nhớ xa gần gì tới nỗi đau đớn của các người Công Giáo Ukraine thời Xô Viết.

Tất cả các điều trên vốn đem đến cho Đức Phanxicô nhiều lời phê phán. Các nhà phê bình kết án ngài và Tòa Thánh đã quá “chính xác về đại kết”; họ nhấn mạnh rằng ngài nên bộc trực hơn nữa về Ukraine, nên thách thức người Chính Thống Giáo Nga để họ từ bỏ lòng thù hận đối với người Công Giáo nghi lễ Hy Lạp và các giáo hội Đông Phương nói chung.

8. Quan điểm của người Ukraine trong việc tách Chính Thống Giáo khỏi quỹ đạo của Mạc Tư Khoa

Người ta đang chờ xem phản ứng của Vatican sẽ ra sao sau việc Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople, mà theo truyền thống vốn là “thứ nhất trong số những người ngang hàng” trong thế giới Chính Thống, thừa nhận tính độc lập của giáo hội Chính Thống tại Ukraine, hiện nay, vốn không phải là thành phần của giáo hội Chính Thống Nga.

Các nhà lãnh đạo giáo hội độc lập Ukraine hy vọng sắc lệnh thừa nhận này được công bố trước ngày 28 tháng Bẩy, khi lễ kỷ niệm năm thứ 1,030 ngày liên hiệp Kievan Rus’ trở lại Kitô Giáo diễn ra. Nay thì rõ ràng nó sẽ chỉ được công bố vào tháng Tám, khi công đồng sắp tới của Tòa Thượng Phụ Đại Kết được triệu tập.

Người Chính Thống Ukraine tỏ ra tin tưởng vào kết quả cuối cùng, nhất là vì ước vọng độc lập được tổng thống Petro Poroshenko và quốc hội ủng hộ.

Dù Giáo Hội Công Giáo Ukraine không có lập trường chính thức nào về các việc nội bộ của người Chính Thống, nhưng ai cũng biết phần lớn người Công Giáo Ukraine ủng hộ cố gắng này, coi nó như một bước quan trọng hướng tới một Ukraine độc lập thực sự, không còn phải đợi chỉ thị từ Mạc Tư Khoa. Trên bình diện thực tiễn, các thành viên của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Hy Lạp và Chính Thống Ukraine cộng tác sâu xa trên rất nhiều chiến tuyến và đã có những cuộc đối thoại thần học lâu dài.

Tuy nhiên, người Chính Thống Nga vốn cảnh cáo sẽ có “ly giáo” cỡ năm 1056, nếu Constantinople dám nẩy cò và việc này xem ra đang dựng khung cho một tranh chấp lớn trong thế giới Chính Thống.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …