Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Giáo Hội Năm Châu 25–31/10/2016: Liên Hiệp Quốc âu lo về thảm họa nhân đạo tại Mosul

Video: Giáo Hội Năm Châu 25–31/10/2016: Liên Hiệp Quốc âu lo về thảm họa nhân đạo tại Mosul

1. Liên Hiệp Quốc âu lo về thảm họa nhân đạo tại Mosul

Cuộc tấn công giải phóng Mosul bắt đầu từ hôm thứ Hai 17 tháng 10 dự kiến sẽ trở thành trận chiến lớn nhất tại Iraq kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu vào năm 2003 và có thể cần phải có một hoạt động cứu trợ nhân đạo rất lớn.

Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 1.5 triệu cư dân đang bị kẹt lại trong thành phố và trường hợp xấu nhất có thể là một triệu người phải di dời khỏi vùng xảy ra chiến cuộc. Văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ hôm thứ Sáu cho biết khoảng 550 gia đình ở vùng ngoại ô thành phố Mosul đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt buộc dọn vào trong thành phố để làm bia đỡ đạn cho chúng.

Quân đội Iraq đang cố gắng tiến từ phía Nam và phía Đông trong khi các chiến binh người Kurd tiến từ phía Đông và phía Bắc. Đơn vị tiền tiêu của người Kurd chỉ còn cách Mosul có 5km. Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền người Kurd, là ông Karim Sinjar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy ở Erbil, rằng tin tức tình báo cho biết dân chúng trong thành phố Mosul đã bắt đầu có những hoạt động nổi loạn chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại trước tin tức từ trong thành phố Mosul cho thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã xử tử 284 người đàn ông, kể cả một số trẻ nhỏ.

2. Đức Thánh Cha lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS sát hại trẻ em

Trước hành động dã man này của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2016, với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cùng hợp ý cầu nguyện cho dân nước Iraq. Ngài nói:

Trong các giờ thê thảm này, tôi gần gũi toàn dân Iraq, đặc biệt dân thành Mossul. Tâm hồn chúng ta bị rúng động bởi các hành động bạo lực người ta đang vi phạm từ quá lâu chống lại dân chúng vô tội, Hồi giáo cũng như Kitô, thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau.

Tôi đau đớn nghe tin việc sát hại lạnh lùng nhiều người con của vùng đất thân yêu này, trong đó có biết bao nhiêu là trẻ em. Sự tàn ác này khiến cho chúng ta khóc và không nói lên lời. Cùng với tình liên đới là việc bảo đảm của tôi nhớ tới họ trong lời cầu nguyện, để Iraq, tuy bị đánh phá khốc liệt, nhưng mạnh mẽ và vững vàng trong niềm hy vọng có thể tiến tới một tương lai an ninh, hoà giải và hoà bình. Vì thế xin tất cả mọi người hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.

Sau một chút thinh lặng Đức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện theo ý chỉ này.

3. Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng tu nghị Dòng Tên

Sáng ngày 24 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm Tổng tu nghị thứ 36 của Dòng Tên đang tiến hành ở Roma, và khích lệ các tu sĩ của dòng tiếp tục tiến bước, trong “tự do và vâng phục”.

Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng của Cha Tân Bề trên Tổng Quyền Arturo Sosa, Đức Thánh Cha nhắc đến các sứ điệp của các vị Tiền Nhiệm gửi các Tổng tu nghị của dòng Tên, từ Đức Phaolô 6 tới Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16. Ngài nhắc nhở các tu sĩ của dòng về sứ mạng “đồng hành với Giáo Hoàng, “tự do và vâng phục, đi tới những khu vực ven biên ngoại ô mà những người khác không đi tới, dưới cái nhìn của Chúa Giêsu và nhìn về chân trời làm vinh danh Chúa vinh danh Chúa hơn, Đấng không ngừng làm cho chúng ta ngạc nhiên”.

Đức Thánh Cha cũng nói đến ơn gọi của tu sĩ dòng Tên là “đi khắp thế giới và sống tại bất kỳ nơi nào có hy vọng phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ các linh hồn” (Hiến pháp, 304). Ngài trích câu nói của một cha dòng Tên xưa kia, Jerome Nadal, “Đối với dòng Tên, toàn thế giới là nhà của chúng ta”.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha nhắc Dòng Tên về tầm quan trọng mà thánh Ignatio Loyola dành cho các công việc từ bi thương xót – chăm sóc các bệnh nhân ở nhà thương, xin làm phúc bố thí, chia sẻ, dạy giáo lý cho trẻ em, và kiện nhẫn chịu đau khổ vì bị lăng mạ.. đó là cơm bánh hằng ngày của thánh Ignatio và các bạn đồng hành đầu tiên. Các vị quan tâm làm sao để không một công việc từ bi bác ái nào trở thành chướng ngại!”.

Đức Thánh Cha nói rằng “Năm Thánh Lòng Thương xót là thời điểm thích hợp để suy tư về các công việc từ bi thương xót. Tôi nói từ này ở số nhiều, vì thương xót không phải là một từ trừu tượng, nhưng là một lối sống đặt những cử chỉ cụ thể trước lời nói. Những cử chỉ này liên hệ đến thân mình người láng giềng và được qui định trong các công việc từ bi thương xót”.

Đức Thánh Cha cũng nói với Tổng tu nghị 36 rằng dòng Tên có một sứ vụ quan trọng là mang an ủi và vui mừng vào trong cuộc sống của dân Chúa.. an ủi dân Chúa và giúp đỡ họ qua sự phân định để kẻ thù của bản tính con người không cướp mất niềm vui của chúng ta, niềm vui loan báo Tin Mừng, niềm vui gia đình, niềm vui của Giáo Hội, niềm vui của thiên nhiên”.

4. Ðức Hồng Y Muller viết cuốn sách mới về Ðức Bênêđictô XVI và Ðức Phanxicô.

Ðức Hồng Y Gerhard Muller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, vừa viết một cuốn sách mới nói về Ðức Bênêđíctô XVI và Ðức Phanxicô, lưu ý người đọc tới trọng điểm của hai vị là “sự độc tài của thuyết duy tương đối” và “tình trạng hoàn cầu hóa sự dửng dưng”.

Trong cuốn sách tựa là Bênêđíctô và Phanxicô, Các Vị Kế Nhiệm Phêrô trong Việc Phục Vụ Giáo Hội, Ðức Hồng Y Tổng Trưởng đã đưa ra “một cuộc phân tích và một sự suy nghĩ thành thực” về các thách thức mà các xã hội và nền văn hóa đương thời đang đặt ra cho Giáo Hội dưới ánh sáng hai triều giáo hoàng.

Đây là một cuốn sách bao gồm nhiều bài tiểu luận bàn về “vai trò của ngôi vị giáo hoàng ngày nay, giá trị của chủ nghĩa thế tục đối với Kitô hữu, sự lưỡng phân biểu kiến giữa tính duy nhất của Giáo Hội do Chúa Giêsu Thành Nadarét lập ra và tính đại kết, và ơn gọi phổ quát làm tông đồ và nên thánh giữa các đòi hỏi của ‘tân phúc âm hóa’“.

Nhiều quan sát viên cho rằng “Trước các điển hình trên, các vị giáo hoàng, trong đó có Ðức Bênêđíctô XVI và Ðức Phanxicô, mỗi người đáp ứng bằng một đặc sủng riêng, được tác giả muốn nhấn mạnh”.

5. Đức Hồng Y Raymond Burke thúc giục các cử tri Công Giáo đi bầu cử

“Hãy nghiên cứu kỹ lập trường của cả hai ứng cử viên, càng kỹ càng tốt, để coi ai trong họ sẽ đẩy mạnh, ít nhất là ở một mức độ nào đó, việc phục hồi nền văn minh sự sống và tình yêu trong đất nước của chúng ta.”

Theo LifeSiteNews, vào ngày 30 tháng 8, 2016, Đức Hồng Y Raymond Burke, một trong những vị hăng say nhất trong việc bảo vệ giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về sự sống, hôn nhân, phái tính và gia đình đã cân nhắc về cuộc bầu cử Hoa Kỳ sắp tới, khi ngài nói với các phóng viên tham dự đại hội viễn liên quốc tế, được tổ chức Carmel Communications với sự tham dự của LifeSiteNews, rằng các tín hữu phải bỏ phiếu cho ứng cử viên nào sẽ làm nhiều nhất để “đẩy mạnh” việc bảo vệ sự sống con người, bảo vệ gia đình, tôn trọng tự do, và chăm sóc cho người nghèo.”

Ngài nói, “Tôi nghĩ rằng điều mà chúng ta phải làm trong lúc này là hãy nhìn vào cả hai ứng cử viên, xem có ai trong họ, ít nhất là một cách nào đó, cổ võ cho công ích, cả về việc bảo vệ sự sống con người, sự tốt lành của gia đình, sự tự do lương tâm, chăm sóc cho người nghèo, và hãy điều nghiên thật cẩn thận.”

Ngài tiếp, “Chắc chắn rằng chúng ta sẽ kết luận rằng không có một ứng cử viên nào đáp ứng một cách lý tưởng tất cả những đòi hỏi này theo cách mà chúng ta mong muốn. Nhưng với bản chất của chính quyền của chúng ta, theo lương tâm, chúng ta có thể ủng hộ một trong các ứng cử viên, là người, trong khi có thể không hỗ trợ tất cả mọi điều mà chúng ta tin và biết là quan trọng, nhưng ít nhất sẽ hỗ trợ chúng đến một mức độ nào đó, với hy vọng rằng người ấy có thể được thuyết phục chấp nhận trọn vẹn công ích.”

Đức Hồng Y Burke cảnh báo người Công Giáo về việc không bỏ phiếu hay viết tên của một ứng cử viên mà mình thích trên lá phiếu, vì làm như thế có thể vô tình khiến cho một ứng cử viên không tôn trọng sự sống, gia đình và tự do đắc cử.

Ngài giải thích, “Tôi hiểu rất rõ những tâm trạng này. Nhưng chúng ta cũng phải hết sức thận trọng, và biết rằng bằng cách không bỏ phiếu cho ai cả, anh chị em sẽ làm cho một ứng cử viên được nhiều phiếu hơn ứng cử viên kia”. Ngài thêm vào đó cả việc người Công Giáo viết tên của một ứng cử viên mà họ thích, khi ứng cử viên ấy không có hy vọng đắc cử.

“Sức nặng luân lý của việc bầu cử thực sự là rất nặng nề. Nói cách khác, mỗi lá phiếu đều quan trọng”.

Đức Hồng Y thúc giục người Công Giáo hãy nghiên cứu kỹ lưỡng lập trường của cả hai ứng cử viên trước khi bỏ phiếu.

“Đó là những cân nhắc thật khó khăn, và tôi không nói rằng điều ấy dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ rằng người Công Giáo cần rất thận trọng một cách đặc biệt và không chỉ đơn thuần không bầu cho ai cả; hoặc những người phò sự sống và những người ủng hộ gia đình cũng thế, không thể đơn thuần đầu hàng. Tôi chỉ nài nỉ họ hãy nghiên cứu kỹ lập trường của cả hai ứng cử viên, càng kỹ càng tốt, để coi ai trong họ sẽ đẩy mạnh, ít nhất là ở một mức độ nào đó, việc phục hồi nền văn minh sự sống và tình yêu trong đất nước của chúng ta.”

6. Trong cuộc tranh luận cuối cùng, hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ khác nhau rõ rệt về phá thai

Trong cuộc tranh luận cuối cùng vào hôm thứ Tư 19 tháng 10 vừa qua, các ứng cử viên của hai đảng chính đã dồn dập được yêu cầu giải thích chủ trương của họ về phá thai. Hillary Clinton bênh vực việc bà ủng hộ phá thai ở thai kỳ chót (partial-birth abortion), trong khi Donald Trump nhắc lại điều ông đã tuyên bố trước đây rằng mình là người phò sự sống. Ông nói trong cuộc tranh luận rằng: “tôi là người phò sự sống và tôi sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống (cho Tối Cao Pháp Viện).

Vị tổng thống kế tiếp sẽ bổ nhiệm ít nhất một chánh án cho Tòa Án Tối Cao. Ngay lúc khởi đầu cuộc tranh luận, ông Trump và bà Clinton đã được hỏi nếu được bầu làm tổng thống, họ có muốn Tòa Án Tối Cao bãi bỏ phán quyết Roe v. Wade của Tòa này năm 1973, tức phán quyết nhìn nhận quyền phá thai của một người đàn bà, hay không.

Ông Trump trả lời rằng ông sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống. Còn bà Clinton thì tuyên bố rằng bà ủng hộ phán quyết Roe và cả Planned Parenthood nữa, tức tổ chức “chăm sóc sức khỏe sinh sản” mà thực chất là tổ chức phá thai lớn nhất Hoa Kỳ.

7. Xổ số Toà Thánh lần thứ tư

Toà Thánh Vatican sẽ tổ chức xổ số để giúp đỡ những người không nhà và các nạn nhân của thiên tai.

Ðây là năm thứ tư liên tiếp, Toà Thánh tổ chức xổ số để giúp Quỹ Bác ái của Ðức giáo hoàng. Theo mong muốn của Ðức Thánh Cha Phanxicô, tiền thu được lần này sẽ dành cho công tác trợ giúp những người không nhà và những nạn nhân của trận động đất xảy ra tại miền Trung Italia hồi tháng Tám năm 2016 khiến gần 300 người thiệt mạng. Chính Ðức Thánh Cha đã đến thăm và an ủi các cư dân của vùng động đất vào ngày 4 tháng Mười năm 2016.

Sẽ có bốn mươi giải trúng, giải nhất là một xe Opel Karl trị giá 12,000 euro, rồi đến xe đạp đua, bút Montblanc, xe đạp điện …

Giá bán mỗi vé là 10 euro và được bán đến ngày 2 tháng Hai năm 2017, là ngày mở số, tại các cửa hàng chính của Vatican và trên trang web của Thành quốc Vatican, www.vaticanstate.va.

8. Cộng đồng Thánh Egidio chống lại quyết định của Unesco về Núi Ðền thờ Giêrusalem.

Trong chương trình Giáo Hội Năm Châu tuần qua chúng tôi đã đưa tin hôm 13 tháng 10 năm 2016 Unesco đã đưa ra một phán quyết liên quan đến việc “bảo vệ di sản văn hóa của Palestin và nét độc đáo của ‘Núi Ðền thờ’ ở phía đông Giêrusalem.”

Do Thái đã chống lại quyết định này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: “Với quyết định vô lý này, Unesco đánh mất tính hợp pháp của mình.” “Nếu họ không muốn đọc Kinh thánh, ít nhất hãy nhìn vào những gì được mô tả trên khải hoàn môn Titô ở Roma, và Menorah (chân đèn nhiều ngành của Do thái) mà người Roma đã lấy cắp từ đền thờ ở Giêrusalem. Ngay cả hoàng đế Titô cũng làm việc tuyên truyền?” “Phủ nhận mối liên hệ của Do thái với Núi Đền thờ thì giống như phủ nhận liên hệ của Trung quốc với Vạn lý trường thành hay liên hệ của người Ai cập với kim tự tháp.”

Cộng đồng thánh Egidio cũng lên tiếng không chấp nhận phán quyết này. Cộng đồng đã phê bình: việc chọn lựa chỉ sử dụng tên “Ðền thờ cao quý”, mà theo tiếng Ả rập nó chỉ ngôi đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, và bỏ qua danh từ tiếng Do thái “Núi Ðền thờ” là trái ngược với sứ mạng của tổ chức quốc tế được trao sứ mệnh bảo vệ di sản văn hóa thế giới khi bày tỏ các mục đích chính trị.

Văn bản được ban chấp hành Unesco chấp nhận phủ nhận mối liên hệ ngàn năm của dân tộc Israel với các nơi mà Ðền thờ đã được xây. Bằng cách này, ngoài việc xúc phạm đến sự nhạy cảm tôn giáo của hàng triệu người Do Thái, các yếu tố lịch sử và khảo cổ học không thể chối cãi cũng bị bỏ qua; họ không đặt vấn đề về sự thánh thiện của nơi chốn này đối với tín hữu của các tôn giáo khác. Giêrusalem, có nghĩa là “thành phố của hòa bình”, không còn được sử dụng cho mục đích chính trị, nhưng trở thành một nơi gặp gỡ và chung sống trong việc tìm kiếm lại hòa bình qua cuộc đối thoại cần thiết giữa các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …