1. Mạng lưới các trại Auschwitz I, Auschwitz II -Birkenau, và Auschwitz III-Monowitz
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Auschwitz là một mạng lưới các trại tập trung và các trại tàn sát của Đức quốc xã trong thế chiến II. Nó bao gồm Auschwitz I, là trại đầu tiên được thành lập với mục đích là một trại tập trung; Auschwitz-Birkenau II, là trại vừa tập trung vừa tàn sát, Auschwitz III-Monowitz là trại lao động phục vụ chiến tranh, và 45 trại vệ tinh khác.
Auschwitz I đầu tiên được xây dựng để giam giữ các tù chính trị Ba Lan từ năm 1940. Tháng 9 năm 1941, Đức Quốc xã bắt đầu chính sách diệt chủng người Do Thái và Auschwitz-Birkenau II được thành lập để thực hiện “giải pháp chung cuộc của Đức Quốc xã đối với vấn nạn Do Thái”.
Từ đầu năm 1942 đến cuối năm 1944, xe lửa tấp nập vận chuyển người Do Thái tới các phòng hơi ngạt của trại Birkenau từ khắp nơi trên các lãnh thổ do Đức chiếm đóng tại châu Âu. Các tù nhân bị giết bằng thuốc trừ sâu Zyklon B. Ít nhất 1.1 triệu tù nhân chết tại trại tập trung Auschwitz, khoảng 90 phần trăm trong số họ là người Do Thái. Khoảng 1 phần 6 những người Do Thái thiệt mạng trong chính sách diệt chủng người Do Thái đã chết tại Auschwitz. Những người khác đã bị đưa đến Auschwitz bao gồm 150,000 người Ba Lan, 23,000 người Rumani, 15,000 tù binh chiến tranh Liên Xô, và hàng chục ngàn người với các quốc tịch khác nhau.
Những người không bị giết chết trong các phòng hơi ngạt thường chết vì đói, bị cưỡng bức lao động, bệnh truyền nhiễm, hành quyết, hay bị dùng làm thí nghiệm y khoa.
Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ 2, có 7,000 thành viên của Schutzstaffel Đức, thường được gọi là quân đoàn tử thần SS, phụ trách công tác cai ngục và tàn sát các tù nhân. Cách nào đó chỉ có 12 phần trăm trong số những kẻ này bị kết án về các tội ác chiến tranh. Một số người, trong đó có chỉ huy trại là Rudolf Höss, bị xử tử. Nhưng đa số đều thoát tội và sống nhởn nhơ bên các nước Nam Mỹ.
2. Tranh cãi trong lịch sử
144 tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz thành công nhưng các lực lượng đồng minh từ chối tin vào các lời khai của họ về sự tàn bạo trong trại, và từ chối không đánh bom trại, kể cả các đường sắt dẫn vào trại. Điều này vẫn còn gây tranh cãi.
Hôm Chúa Nhật 21 tháng Sáu, 2015, nói chuyện với giới trẻ tại Turin, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Bi kịch Armenia nổ ra hồi đầu thế kỷ trước, khi hàng triệu người phải mất mạng. Các cường quốc ở đâu lúc đó? Họ ngoảnh mặt quay đi, bởi họ xem những người bỏ mạng là một dân tộc hạng hai. Rồi còn thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã. Các cường quốc đã có những tấm không ảnh chụp các chuyến tàu chở người Do Thái, người Roma, những người đồng tính, và các Kitô hữu đến những trại tập trung để bị giết. Nhưng tại sao, các cường quốc không ném bom ngăn chặn? Là vì lợi ích của họ!”
Ngày 27 tháng Giêng năm 1945, Auschwitz được giải phóng và người ta mới thực sự tin vào các báo cáo về các lò hơi ngạt.
3. Chương trình thăm viếng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Sau thánh lễ riêng lúc 7h sáng tại nhà nguyện Tòa Tổng Giám Mục Krakow, lúc 9:30h sáng thứ Sáu 29 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm trại tử thần Auschwitz.
Cũng như các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Thánh Cha sẽ đi bộ qua cổng chính của trại dưới một khẩu hiệu đầy mỉa mai “Arbeit macht frei” nghĩa là “Lao động giải phóng con người”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tất cả những bọn độc tài tàn bạo trên thế giới này đều có những câu tương tự như thế. Là người Việt Nam có lẽ chúng ta hiểu thấm thía hơn nhiều dân nước khác những câu như “Lao động là vinh quang” hay đại loại là như thế, được đưa ra chỉ nhằm một mục đích là bóc lột xương máu con người cho bọn cầm quyền được ăn trên ngồi chốc.
Tại Block 11, Đức Thánh Cha sẽ gặp 15 người sống sót trước khi cầu nguyện nhân kỷ niệm 75 năm thánh Maximilian Kolbe tử đạo tại đây.
Khác với các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định đến nơi kinh hoàng này mà không phát biểu, không có đám đông. Ngài cầu nguyện âm thầm, và xin Chúa cho ngài “ân sủng để rơi lệ”.
Phòng báo chí Tòa Thánh nhắc nhở các phóng viên là trong một chuyến thăm miền bắc nước Ý vào năm 2014 để đánh dấu kỷ niệm 100 năm thế chiến thứ nhất, ngài cũng đã từ chối đưa ra một bài diễn văn.
Sau khi thăm trại Auschwitz, Đức Thánh Cha sẽ đi xe hơi từ cổng chính của trại, dọc theo tuyến đường sắt, cho đến quảng trường trước Đài tưởng niệm quốc tế dành các nạn nhân của trại Birkenau. 1,000 người được tham dự biến cố này trong đó có 25 vị được Do Thái tôn vinh là “những người công chính giữa các dân nước” cùng với các ký giả Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trong im lặng trước tượng đài trước khi đọc một bài diễn văn.
4. Birkenau là cớ vấp phạm đối với nhiều người.
Birkenau là chứng tá của một ý chí có hệ thống nhằm tận diệt mạng sống con người, được diễn dịch thành những dẫy trại thẳng tắp, với hai hàng kẽm gai phân cách các mương hào do chính các tù nhân đào. Ngày nay, người ta còn thấy các khối xi măng của các lò thiêu, mà bọn Quốc Xã cho nổ tung trước khi bỏ chạy để dấu giếm tội ác của chúng. Mọi sự ở đây đều toát ra một sự khiếp đảm mà tâm trí ta khó có thể chấp nhận được, khó có thể hiểu nổi tại sao con người lại có thể làm điều ấy với đồng loại của mình.
Đứng trước nơi khiếp đảm này nhiều người tự hỏi: “Thiên Chúa đang ở nơi đâu?” Đó là câu hỏi đầu tiên mà Elie Wiesel, người lãnh giải Nobel về Hoà Bình, đã hỏi khi cho rằng: “trước khi Thiên Chúa hỏi tôi ‘ngươi đang ở đâu’, tôi phải hỏi Người ‘Chúa ở nơi đâu khi người ta giết anh tôi, giết chị tôi, giết dân tộc tôi?’“
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa tôn trọng tự do con người kể cả tự do chống lại Ngài. Và khi Con một Ngài phải gánh chịu một hình thức bạo lực tàn bạo là bị đóng đinh chân tay vào Thánh Giá, Thiên Chúa đã không can thiệp. Nhưng đối với nhiều người, những câu hỏi ấy vẫn là những câu hỏi không dễ dàng trả lời.
5. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và trại tập trung Auschwitz
Còn đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trại tập trung Auschwitz này chính là trường dạy thánh thiện của ngài: chính tại đây, ngài tìm ra sự thật về con người, và quyết định xem chức linh mục của ngài như một lời đáp trả đối với những gì xẩy ra trong Thế Chiến II, những đau khổ lớn lao mà người khác phải trải nghiệm thay vì ngài.
Thực thế, chính trong cuộc chiến đó, Wojtyla đã quyết định trở thành linh mục và gia nhập chủng viện hầm trú do Đức Hồng Y Adam Sapieha tổ chức. Đối với ngài, là người mà từ niên thiếu đã có nhiều bạn hữu Do Thái, Auschwitz không phải chỉ là một thảm kịch trừu tượng nhưng nó tạo nên một phần đời ngài. Kinh nghiệm Auschwitz phát sinh nơi Đức Gioan Phaolô II một dấn thân mạnh bạo để tranh đấu cho phẩm giá và quyền lợi con người, cho việc tìm kiếm đối thoại giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo, cho cuộc gặp gỡ tại Assisi giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo để mọi người cùng hợp tác vào nền văn minh tình thương.
Năm 1965, lúc còn là một Tổng Giám Mục trẻ của Krakow, tức cũng là Tổng Giám Mục của Auschwitz, Đức Wojtyla đã tới đây cử hành Lễ Các Thánh. Trong bài giảng hôm đó, ngài nói rằng ta có thể nhìn chỗ này bằng con mắt đức tin. Dù Auschwitz là nơi cho ta thấy con người có thể trở nên độc ác đến mức nào, ta vẫn không thể để mình bị đánh qụy vì cái cảm tưởng khủng khiếp này, trái lại phải nhìn tới những dấu chỉ của đức tin, như thánh Maximilian Kolbe từng làm. Theo Đức Wojtyla, Auschwitz cũng làm chứng cho sự cao cả của con người, cho những gì con người có thể thực hiện được, đó là bước theo Thầy Chí Thánh để chinh phục sự chết nhân danh tình yêu, như Chúa Kitô từng làm.
Nguồn: VietCatholic News