Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Giáo Hội Năm Châu 18 – 24/08/2015: Giáo Hội tại Đông Timor sau 500 năm truyền giáo

Video: Giáo Hội Năm Châu 18 – 24/08/2015: Giáo Hội tại Đông Timor sau 500 năm truyền giáo

 

1. Đức Hồng Y Parolin kêu gọi Đông Timor tiếp tục truyền giáo

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đặc sứ của Đức Thánh Cha trong lễ mừng 500 năm truyền giáo ở Đông Timor, mời gọi toàn thể Giáo Hội tại nước này tiếp tục công trình loan báo Tin Mừng noi gương các thừa sai cách đây 5 thế kỷ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Bẩy 15 tháng 8 tại thủ đô Dili của Đông Timor, trong tư cách là Đặc Sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô đến viếng thăm và chủ sự thánh lễ tạ ơn 500 năm truyền giáo tại lãnh thổ này. Hiện diện trong thánh lễ còn có tổng thống, thủ tướng, các giới chức chính quyền và hàng chục ngàn tín hữu. Đồng tế với Đức Hồng Y Parolin có các Giám Mục và hàng trăm linh mục địa phương.

Sau khi nhắc đến quá trình truyền giáo của các thừa sai Bồ đào Nha, mang Tin Mừng đến Đông Timor và sự tiếp đón hân hoan của dân địa phương, Đức Hồng Y Đặc Sứ nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa tiếp tục mang Chúa Kitô, Tin Mừng vĩnh cửu (Kh 14,6) cho dân chúng, cho xã hội và cho Đông Timor yêu quí. “Để được vậy, trước tiên người loan báo Tin Mừng phải xác tín về niềm tin của mình và gắn bó, sống thân mật với Chúa Kitô, canh tân quan hệ đó mỗi ngày và đặt Chúa Kitô ở trung tâm đời sống của mình.”

Tiếp đến, cần vượt thắng cám dỗ muốn đi theo một lối sống khác, theo các nhóm khác, sống đạo dễ dãi hơn; cám dỗ này các môn đệ của Chúa Giêsu xưa kia cũng đã từng gặp phải, nhưng cũng có những người quyết tâm theo Chúa: “Lạy Chúa, bỏ Ngài con biết theo ai? Chúa có lời ban sự sống đời đời..” (Ga 6,68).

Đức Hồng Y Parolin nhìn nhận rằng đối khi khó theo Chúa, vâng phục và thực hành lời Chúa, “vì Chúa Giêsu đòi chúng ta phải có đời sống luân lý loại bỏ ích kỷ và lạm dụng người khác. Chúa Giêsu đòi chúng ta phải quyết tâm hành động làm sao để người khác có thể nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa. “Người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thầy, đó là các con hãy thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng mời gọi các tông đồ của Đông Timor, từ các Giám Mục trở xuống, noi gương Chúa Giêsu: Chúa không bao giờ có vẻ hài lòng ở nhà, trong môi trường thoải mái cạnh các môn đệ thân tín nhất. Không, Chúa luôn luôn trên đường, đi từ làng này đến làng khác, thành này đến thành khác, để chu toàn sứ mạng, trung thành với chính lý do tại sao Ngài đến trên thế, mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho mọi người”.

Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Parolin đã cám ơn chính quyền và mọi thành phần dân Chúa vì sự tiếp đón nồng nhiệt. Ngài nhắc lại khi còn là một linh mục trẻ ở Bộ ngoại giao Tòa Thánh, đã được giao trách nhiệm đặc biệt theo dõi cần đề các biến cố bi thảm dẫn đến nền độc lập của Đông Timor. Ngài nói: “Tôi ý thức những hy sinh rất lớn của dân Đông Timor bấy giờ; một sự hy sinh chỉ có thể giải thích được nhờ đức tin của anh chị em, đức tin qua thời kỳ lâu dài ấy đã mang lại cho anh chị em một căn tính đặc thù như một dân tộc, dân Đông Timor”.

Đức Hồng Y hứa sẽ tường trình cho Đức Thánh Cha về những ngày viếng thăm khẩn trương ở Đông Timor này, kinh nghiệm về niềm vui của Đông Timor, “niềm vui đã ở trong tâm hồn anh chị em từ khi Thánh Giá của Chúa Giêsu được cắm trên lãnh thổ của anh chị em” 

2. Ký kết hiệp định giữa Tòa Thánh và Đông Timor

Hôm thứ Sáu 14 tháng 8, Tòa Thánh và Cộng hòa Dân Chủ Đông Timor đã ký hiệp định với nhau.

Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh kiêm Đặc sứ của Đức Thánh Cha, và Thủ tướng Rui Maria de Araújo của Đông Timor đã ký vào văn bản hiệp định.

Hiệp định nhìn nhận vai trò lịch sử của Giáo Hội Công Giáo trong đời sống quốc gia Đông Timor và sự phát triển con người, đồng thời xác định và bảo đảm qui chế pháp lý của Giáo Hội Công Giáo, đề ra những qui luật điều hành các lãnh vực khác nhau, từ hôn nhân theo phép đạo, đến các nơi thờ phượng, các cơ sở giáo dục của Công Giáo, việc dạy môn tôn giáo tại học đường, hoạt động từ thiện bác ái của Giáo Hội, tuyên úy quân đội, nhà tù, nhà thương và chế độ thuế khóa và tài sản.

Hiệp định gồm một Lời Tựa và 26 điều khoản, sẽ bắt đầu có giá trị với việc trao đổi văn kiện phê chuẩn.

Trong diễn văn tại buổi ký hiệp định, trước sự hiện diện của Tổng thống Taur Matan Ruak của Đông Timor và các quan chức chính phủ nước này, cùng với chủ tịch quốc hội và ngoại giao đoàn, Đức Hồng Y Parolin khẳng định rằng toàn thể hiệp định nhắm đến một mục tiêu cơ bản là làm sao trợ giúp nhân dân Đông Timor, đẩy mạnh sự phát triển toàn diện về mặt vật chất và tinh thần.

Ngài nói thêm:

Cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước hiện diện là để phục vụ dân chúng, và qua Hiệp định này hai bên quyết tâm “cộng tác với nhau cho sự phát triển toàn diện của nhân dân trong công lý, hòa bình và công ích”, như điều 1 khẳng định.

“Kinh nghiệm luôn cho thấy con người được phục vụ tốt đẹp nhất khi có sự cộng tác và đối thoại giữa mọi thành phần xã hội và khi một nền văn hóa gặp gỡ được thiết lập vững chãi nơi những người lãnh đạo”.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin cũng khẳng định rằng “việc ký kết hiệp định này hôm nay mở ra một chương mới trong lịch sử dài quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước. Thực vậy, trong khuôn khổ quốc tế này nhiều khả thể mới được mở ra trong đó quan hệ này sẽ được đào sâu và củng cố để mưu ích cho nhân dân Timor”.

Hiện diện tại buổi lễ ở Dinh Chính Phủ Đông Timor, về phía Tòa Thánh có Đức Sứ Thần tại địa phương Đức TGM Joseph Marino, Đức Cha Baslilio do Nasciemento, Giám Mục Baucau, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đông Timor, Đức Giám Mục Norberto de Amaral, Giám Mục Mariana, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore và ASEAN, Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung, Tham thán Sứ Thần tại Bộ ngoại giao Tòa Thánh, Đức ông Ionut Paul Strejac, Tham tán Sứ Thần tại Đông Timor.

Về phía Đông Timor có nhiều quan chức chính phủ như các vị Bộ trưởng tại phủ thủ tướng, Bộ trưởng giáo dục, kinh tế, canh nông và ngư nghiệp, Bộ trưởng ngoại giao và tài chánh, v.v..

3. Tình hình Giáo Hội tại Đông Timor

Đông Timor chỉ rộng hơn 14,600 cây số vuông. Theo thống kê tháng 7 năm 2015, nước này hiện có 1,231,000 dân trong đó 96.9% theo Công Giáo, 2.2% theo Tin Lành và 0.3% theo Hồi Giáo.

Giáo Hội hiện có 3 giáo phận là Dili, Baucau và Maliana là giáo phận tân lập được tách ra từ giáo phận Dili vào năm 2010. Người Công Giáo sinh hoạt trong 41 giáo xứ dưới sự coi sóc của 126 linh mục. Ngoài ra còn có 293 nữ tu và 125 chủng sinh. Giáo Hội có một chủng viện duy nhất là chủng viện Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ tại Dili. Tuy hướng về Á Châu hơn là Úc Châu, một con số đáng kể các chủng sinh và linh mục được đào tạo và thường huấn tại Úc Đại Lợi. 176 trường học và 64 cơ sở bác ái xã hội của Đông Timor cũng do các dòng và các tổ chức bác ái Australia trực tiếp điều hành hay giúp đỡ các phương tiện cần thiết.

Người dân Đông Timor sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Bồ và tiếng Tetum với 32 phương ngữ khác nhau. Hệ thống giáo dục tại Đông Timor sử dụng tiếng Bồ là ngôn ngữ chính. Tuy nhiên, Anh Ngữ là sinh ngữ bắt buộc ở bậc Trung Học.

Trong suốt các năm chiến tranh Giáo Hội đã đóng vai trò trung gian giữa các phe lâm chiến, bênh vực phẩm giá, bảo vệ sự sống và các quyền con người. Ngày nay Giáo Hội giữ nhiệm vụ hòa giải giữa các thành phần xã hội khác nhau và củng cố nền dân chủ còn non trẻ của Đông Timor.

4. Vài nét về lịch sử truyền giáo tại Timor.

Được người Bồ Đào Nha khám phá ra vào đầu thế kỷ thứ XVI Timor trở thành trạm dừng chân của các thương thuyền buôn gỗ hương “Sandalo” để chế nước hoa, dầu thơm và hương. Năm 1561 các thừa sai dòng Đa Minh đã thành lập cứ điểm truyền giáo đầu tiên trên đảo Solor, là Flores ngày nay, và từ đó đi giảng đạo cho dân chúng sống trên các đảo khác chung quanh, sau này cứ điểm được củng cố trở thành pháo đài. Năm 1595 có một cứ điểm truyền giáo khác được thành lập trên đảo Ende Nhỏ ngoài khơi Flores. Năm 1613 người Hòa Lan tới và lấn chiếm Solor.

Người Bồ di chuyển bản doanh tới Larantuka. Vào năm 1646 nhờ các thừa sai giúp sức người Bồ thành lập một pháo đài tại Cupao, tức Kupang, và đây đã là thành phố Bồ đầu tiên tại Timor. Nhưng nó lại bị người Hòa Lan đánh chiếm. Người Bồ dời về Lifau. Năm 1666 thành phố Dili thủ đô Đông Timor, được thành lập. Trong suốt thế kỷ XVIII người Bồ sống trong các thành phố ven biển như Lifau, Dili, Manatuto và Batugade, và kiểm soát đất liền, nhưng vẫn thường có các cuộc nổi loạn của dân bản xứ. Chỉ vào cuối thế kỷ XIX Bồ Đào Nha mới chiếm toàn đảo Đông Timor. Ban đầu họ trồng cà phê sau đó trồng cây hương sandalo.

Sự chung sống giữa hai cường quốc Âu Châu thời đó trên cùng một vùng đất thuộc địa đã gây ra các xung khắc, và các xung khắc này đã chỉ chấm dứt vào năm 1859 với Thỏa hiệp Lisboa, chia Timor thành Đông Timor nằm dưới quyền thuộc địa của Bồ Đào Nha, và Tây Timor nằm dưới quyền kiểm soát của Hòa Lan.

5. Vài nét về lịch sử cận đại của Timor

Vào đầu thế kỷ XX trước sự nảy sinh của phong trào đòi độc lập người Bồ Đào Nha đã quyết định tuyển mộ dân địa phương vào làm việc trong các cơ quan hành chánh. Năm 1974 chính quyền Bồ Đào Nha cho phép các đảng phái chính trị Đông Timor hoạt động. Thế là nảy sinh ra nhiều đảng phái tranh chấp với nhau theo sự giật dây của Indonesia.

Sau khi Lào, Cambốt và miền Nam Việt Nam lần lượt rơi vào tay cộng sản, lợi dụng sự ve vãn của Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 12 năm 1975, Indonesia bất ngờ xua quân chiếm Đông Timor khiến cho hàng ngàn người dân phải thiệt mạng. Việc xâm lăng Đông Timor bị cộng đồng quốc tế lên án một cách chiếu lệ nên ngày 29 tháng 6 năm 1976 chính quyền Jakarta chính thức tuyên bố sát nhập Đông Timor thành một tỉnh của mình. 

Trong các năm sau đó, chính quyền Indonesia đã mở nhiều cuộc tấn công vào các lực lượng kháng chiến khiến cho hơn 100,000 dân phải thiệt mạng. Liên Hiệp Quốc vẫn chỉ dừng lại ở mức lên án xuông qua những nghị quyết về Indonesia. Chiến tranh giành độc lập vẫn tiếp tục hàng chục năm sau đó. Năm 1998 sau khi tổng thống Suharto của Indonesia từ chức, người dân Đông Timor đã liên tục phát động các cuộc biểu tình vĩ đại đòi độc lập. Năm 1999 qua sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, một thỏa hiệp đã được ký kết giữa Liên Hiệp Quốc, Bồ Đào Nha và Indonesia. Và một Ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã được giao cho nhiệm vụ tổ chức trưng cầu dân ý chấp nhận hay khước từ chương trình tự trị do chính quyền Indonesia đề nghị. Người dân Đông Timor đã khước từ chấp nhận đề nghị tự trị, và ngày 30 tháng 8 năm 1999 Đông Timor tuyên bố độc lập.

Sau mấy tháng giao tranh giữa lực lượng dân quân chống độc lập phò Indonesia và các đảng phái chủ trương độc lập, Liên Hiệp Quốc đã gửi lực lượng bảo vệ hòa bình tới Đông Timor. Ngày 19 tháng 10 năm 1999 chính quyền Jakarta chấp thuận việc tách rời Tây Timor khỏi Đông Timor. Ngày 24 tháng 10 Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc quyết định đặt vùng Đông Timor dưới quyền quản trị của Liên Hiệp Quốc, đồng thời xác định ngày bầu cử vào tháng 8 năm 2001.

Một trong những gương mặt nổi bật trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Đông Timor là Đức Cha Ximenes Bello, dòng Don Bosco, người đã lèo lái con thuyền Giáo Hội Đông Timor trong các năm chiến tranh khó khăn. Tòa Giám Mục của ngài cũng đã nhiều lần bị đặt bom hư hại nặng, nhưng may mắn không có ai bị thiệt mạng. Đức Cha đã là người liên tục can đảm lên tiếng bênh vực nhân phẩm, sự tự do và các quyền con người. Năm 2002 Đức Cha đã xin nghỉ và rút lui về sống bên Bồ Đào Nha vì lý do sức khỏe. Tiếp đến ngài sang phục vụ dòng Don Bosco tại Mozambic bên Phi châu.

6. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ca ngợi việc chung sống hòa bình giữa các tôn giáo tại Indonesia

“Từ lâu Toà Thánh đã coi Indonesia là một điển hình và kiểu mẫu của sự sống chung hoà bình giữa các tôn giáo và của sự khoan dung giữa các nhóm tôn giáo khác nhau”, đó là phát biểu của Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Ba 11 tháng 08 năm 2015 tại Jakarta với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi.

Đức Hồng Y Parolin đã viếng thăm Indonesia, tại đây ngài cũng gặp Ban Thư ký của ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á) hôm thứ Hai 10 tháng 8 năm 2015, trước khi đến Ðông Timor vào ngày 15 tháng 08 để chủ sự lễ kỷ niệm 500 năm Tin Mừng được loan báo tại quốc gia này.

Cuộc hội đàm – kéo dài nửa giờ – bao gồm bốn đề tài: sự chung sống giữa các tôn giáo, hợp tác văn hoá, các sáng kiến chung trong lĩnh vực truyền thông, và vấn đề giáo dục. Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh đánh giá cao “hiện tượng rất có ý nghĩa là mọi người đều bày tỏ lòng tôn trọng, khoan dung và chấp nhận tính đa dạng, làm cho Indonesia trở thành một quốc gia thực sự độc đáo”.

Trong một quốc gia đang có sự căng thẳng giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo, điều quan trọng nhất theo Ðức Hồng Y Parolin “là tìm ra những phương cách để tôn trọng và chấp nhận những khác biệt; nỗ lực hết sức để tránh bạo lực và gây hấn”.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, hai bên nói rằng “mọi khác biệt phải được giải quyết một cách tốt nhất có thể, và tất cả các nhóm phải thể hiện sự sẵn sàng hợp tác để kiến tạo một thế giới mở ra cho mọi người”.

Vatican là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Indonesia vào ngày 17 tháng Tám năm 1945. Cuộc thăm viếng của Ðức Hồng Y Parolin đến Jakarta là cuộc thăm viếng chính thức đầu tiên của một vị Quốc vụ khanh kể từ năm 1950, khởi đầu các mối quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh với quốc gia Hồi giáo đông dân nhất trên thế giới. Các quan hệ tốt đẹp đã được ghi dấu bằng một loạt các chuyến viếng thăm của các Ðức Giáo hoàng, và vị cuối cùng trong số này là Ðức Gioan Phaolô II vào năm 1989.

Bà Ngoại trưởng Indonesia cho biết Jakarta và Vatican đang tính đến khả năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Một sự hợp tác giữa Ðại học Giáo hoàng Urbanô và Ðại học Hồi giáo Jakarta đang được xem xét.

Về sáng kiến chung trong lĩnh vực truyền thông, Ðài phát thanh Vatican và Ðài phát thanh quốc gia Indonesia (RRI) sẽ hợp tác trong một dự án phát thanh trực tiếp các cử hành phụng vụ vào dịp lễ Phục sinh 2016 tại đảo Flores, nơi có số đông các tín hữu Công Giáo.

7. Chủ đề Ngày Hoà bình Thế giới 2016: “Vượt thắng sự thờ ơ để có hoà bình”.

Theo Ðức Thánh Cha Phanxicô, sự thờ ơ của con người trước các vấn đề của thời đại chúng ta là một trong những mối đe dọa chính đối với hoà bình trên thế giới. Vì thế Ðức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2016 là “Vượt thắng sự thờ ơ để có hoà bình”.

Trong thông cáo giải thích lý do tại sao Ðức Thánh Cha đã chọn chủ đề này, Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình nhận định: “Ngày nay, sự thờ ơ thường gắn với chủ nghĩa cá nhân vốn gây ra sự cô lập, thiếu nhận thức, ích kỷ, và vì thế khiến người ta từ chối dấn thân. Có nhiều thông tin hơn không có nghĩa là quan tâm đến các vấn đề nhiều hơn. Cần phải cởi mở lương tâm để liên đới với nhau”. Vì thế lời kêu gọi này được gửi tới các gia đình, các nhà giáo dục, các người làm truyền thông, giới trí thức, nghệ sĩ, để thúc đẩy một chiến dịch nâng cao nhận thức và nhận trách nhiệm trước những thách đố nghiêm trọng có ảnh hưởng đến cả nhân loại”.

Thông cáo cũng nói đến “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo với các cuộc tàn sát, đàn áp tôn giáo và sắc tộc, các cuộc tấn công vào tự do và toàn bộ dân quyền, khai thác và nô lệ hoá con người, tham nhũng và tội phạm có tổ chức, các cuộc chiến tranh và bi kịch của những người tị nạn và buộc phải rời bỏ quê hương. Việc phát triển một nền văn hoá tôn trọng luật pháp và giáo dục tinh thần đối thoại và hợp tác là điều cấp bách. Hoà bình là điều có thể đạt được với điều kiện quyền lợi của tất cả mọi người đều được công nhận, tôn trọng, nhận biết và hiểu rõ, trong tự do và công lý hoàn toàn”.

Sứ điệp Hoà bình 2016 của Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một công cụ, một điểm xuất phát để tất cả mọi người thiện chí, đặc biệt là những người làm việc trong ngành giáo dục, văn hóa và truyền thông, hành động theo khả năng của riêng mình để cùng nhau xây dựng một thế giới có trách nhiệm hơn và có lòng thương xót hơn.

Ngày Hoà bình Thế giới do Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khởi xướng từ năm 1967 và được cử hành vào ngày 01 tháng Giêng hàng năm nhân ngày lễ Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Mỗi năm, Sứ điệp Hoà bình của Đức Giáo Hoàng sẽ được gửi đến các Bộ trưởng Ngoại giao của tất cả các quốc gia trên thế giới. Sứ điệp này cũng phác hoạ đường lối ngoại giao của Toà Thánh trong năm 2016.

8. Ðừng sợ và hãy cứ đến Bethlehem!

“Hãy đến với Bethlehem! Các Kitô hữu ở đây cần đến tình liên đới của người hành hương!” Ðây là lời kêu gọi đầy cảm động của Bệnh viện nhi Caritas ở Bethlehem, được đưa ra vài ngày sau bài phát biểu của cha Pierbattista Pizzaballa, bề trên Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Ðịa.

Trong một đoạn video phát hôm thứ Ba 04 tháng 08 năm 2015, nữ tu Donatella Lessio, người đã phục vụ tại bệnh viện Caritas lâu năm, nói rằng sơ nhận thấy từ ít lâu nay số lượng khách hành hương đã sụt giảm cách đáng kể, đặc biệt là khách hành hương từ Châu Âu; họ nói rằng họ “sợ” hành hương đến Thánh Ðịa, và nản lòng vì tình trạng bất ổn kéo dài tại khu vực rất xáo trộn này. Nhưng sơ Donatella trấn an: “Không có gì phải sợ! Ở đây, tất cả đều yên tĩnh. Ở đây, hơn bất cứ nơi nào khác, không thiếu sự an toàn. Và là người Kitô hữu, chúng ta không được sợ, vì như Thánh Giaon nói, ai sợ hãi thì không yêu thương”.

Lời kêu gọi đơn sơ này là một phần trong chiến dịch được Hiệp hội “Trợ giúp trẻ em Bethlehem” quảng bá. Riccardo Friede, một thành viên của Hiệp hội, nhìn nhận: “Các tin tức gần đây đến từ Israel và Palestine có thể làm chúng ta lo sợ, nhưng chúng ta là những người lớn và trưởng thành, chúng ta có một thế giới quan trong đó những chọn lựa quan trọng nhất của chúng ta đều được hướng dẫn bởi tình liên đới, tình yêu và hoà bình”. Hơn bao giờ hết, tình yêu và niềm hy vọng phải thắng nỗi sợ hãi; hơn bao giờ hết, các Kitô hữu ở Thánh Ðịa cần tình liên đới của anh chị em mình ở châu Âu: tóm lại, đây là lời cầu xin vang lên từ Miền Ðất của Chúa Kitô trong những ngày này.

Trước đó, hồi cuối tháng Bảy năm 2015, cha Pierbattista Pizzaballa, bề trên Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Ðịa, cũng đã đưa ra lời kêu gọi với các giáo phận, giáo xứ và các phong trào: “Tôi muốn nói với các bạn: “Xin đừng bỏ rơi Thánh Ðịa!” Chẳng có lý do hợp lý nào khiến bạn không hành hương đến Thánh Ðịa nữa. An toàn tại các Ðền thánh và các khu vực mà người hành hương thường thăm viếng đều được bảo đảm. Chúng tôi là những Kitô hữu ở Thánh Ðịa, chúng tôi cần có sự hiện diện và nâng đỡ hơn bao giờ hết của những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến đây để cầu nguyện”.

“Xin đừng bỏ rơi chúng tôi, hãy làm sao để hành hương đến Thánh Ðịa trở thành một chứng từ cho hoà bình và đối thoại. Tôi tin chắc rằng lời kêu gọi này sẽ được nhiều người Công Giáo Ý (và những người khác), là những người hằng ôm ấp Thánh Ðịa trong tim mình, đón nhận. Và tôi cũng tin rằng trên những nẻo đường Chúa Giêsu đã đi qua, một lần nữa lại sớm có thêm nhiều người lên đường để gặp gỡ Ðấng đã đến để cứu chuộc chúng ta”.

9. Kitô hữu Syria nói: Chúng tôi rất là sợ

Cha Jihad Youssef nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ: “Chúng tôi rất là sợ”. Ngài cho biết Kitô hữu ở miền trung Syria đang ngày càng sợ hãi sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS bắt cóc khoảng 230 người, phần lớn là cư dân Kitô giáo tại thị trấn al-Qaryatayn.

“Quân khủng bố Hồi Giáo IS có ý định đàm phán và trả tự do cho dân lành vô tội hay không, hoặc họ có ý định giết họ? Chúng tôi không biết” 

Cha Jihad Youssef nói thêm: “Bình thường, họ cho các Kitô hữu bị bắt ba lựa chọn: hoặc phải trả thuế Jizya, hoặc chuyển sang đạo Hồi, hoặc họ phải rời khỏi nơi này.” Tuy nhiên, càng ngày quân khủng bố Hồi Giáo IS càng ít khi để cho những người bị bắt có lựa chọn thú ba.

Ngài nói thêm:

“Nhiều người đang nghĩ đến việc bỏ nhà cửa chạy lấy người, hoặc thậm chí rời khỏi đất nước. Chứng kiến quân khủng bố Hồi Giáo IS có thể mở rộng lãnh thổ của họ từ vùng đông bắc Syria vào tận phần trung tâm của đất nước nỗi sợ hãi của chúng tôi ngày càng tăng.”

10. Tòa Thánh khích lệ các linh mục tham gia vào đoàn các Thừa Sai Lòng Thương Xót

Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa đã bắt đầu nhận đơn từ các linh mục muốn tham gia vào đoàn “các Thừa Sai của Lòng Thương Xót “.

Tháng Tư vừa qua, khi công bố Tông Chiếu Misericordiae Vultus mở ra Năm Thánh Từ Bi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến kế hoạch sai đi các thừa sai của lòng thương xót, là những vị sẽ được cấp “quyền tha thứ ngay cả những tội lỗi chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh.” Những tội lỗi này bao gồm cả việc mạo phạm Thánh Thể và phá thai.

Cha Arturro Cattaneo thần học gia và chuyên viên giáo luật, giáo sư Phân khoa thần học Lugano, bắc Italia khi giải thích thêm về thẩm quyền của các vị Thừa Sai của Lòng Thương Xót cho biết phá thai là tội nghiêm trọng thường dính líu đến nhiều người. Ngài nói:

“Phá thai là một trường hợp đặc biệt tự động bị vạ tuyệt thông, không phải chỉ cho người mẹ đã phá thai, mà cả cho người chồng hay các người bà con đã khiến cho người mẹ phá thai, và nhân viên y tế tức các bác sĩ và y tá cộng tác tích cực vào việc phá thai.”

Ngài nói thêm:

“Hậu qủa chính của vạ tuyệt thông là cấm lãnh nhận các bí tích, bao gồm cả bí tích Hòa Giải, tức bí tích Giải Tội. Vì thế, một người bị vạ tuyệt thông không thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nếu trước đó đã không được giải vạ tuyệt thông. Bình thường cha giải tội không có quyền tha vạ tuyệt thông. Vì vậy khi linh mục giải tội tiếp nhận một hối nhân và nhận thấy họ bị vạ tuyệt thông, thì không thể ban phép giải tha tội cho họ, mà phải gửi họ, tùy theo trường hợp, tới với vị Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao thay thế Ðức Giáo Hoàng, hay tới linh mục Chánh Án giáo phận, để họ có thể được tha vạ tuyệt thông trước khi nhận việc xá giải bí tích. Ở đây gương mặt của các Thừa Sai Lòng Thương Xót nổi bật, vì các vị có quyền trực tiếp tha vạ tuyệt thông, rồi ban phép giải tội để khiến cho việc hòa giải của các tín hữu được dễ dàng hơn.”

Trong thông cáo đưa ra ngày 18 tháng 8 để khích lệ các linh mục nộp đơn trở thành các Thừa Sai của Lòng Thương Xót, Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, là cơ quan điều phối những biến cố trong Năm Thánh Từ Bi cho biết:

Vào ngày Thứ Tư Lễ Tro 2016, các Thừa Sai của Lòng Thương Xót sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô sai đi trong một buổi lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Chức năng của các Thừa Sai của Lòng Thương Xót đã được mô tả trong đoạn 18 của Tông Chiếu Misericordiae Vultus. Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót là “một dấu chỉ sống động chào đón của Chúa Cha dành cho tất cả những ai tìm kiếm sự tha thứ, là tác nhân cho tất cả, không loại trừ một ai, trong một cuộc gặp gỡ nhân bản thực sự, là nguồn của sự giải thoát, đầy tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục những trở ngại và hưóng [hối nhân] đến với cuộc sống mới trong Phép Rửa một lần nữa”. Các vị này cũng phải là “những nhà giảng thuyết đầy cảm hứng của Lòng Thương Xót, là sứ giả của niềm vui được tha thứ; và là các cha giải tội chào đón, yêu thương, và từ bi, đặc biệt chu đáo với các tình huống khó khăn của mỗi người.”

Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót sẽ được các Giám Mục giáo phận trong quốc gia cụ thể của các ngài mời đích danh cho những hoạt động truyền giáo hay giúp thực hiện các sáng kiến cụ thể trong Năm Thánh Từ Bi, với một sự chú ý đặc biệt đến Bí Tích Hòa Giải. Đức Thánh Cha sẽ ban cho các Thừa Sai của Lòng Thương Xót thẩm quyền tha thứ ngay cả những tội chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh.

Để được cứu xét tham gia vào đoàn các Thừa Sai của Lòng Thương Xót, các linh mục cần phải có thư giới thiệu của đấng bản quyền địa phương hay bề trên nhà dòng chứng tỏ sự phù hợp của vị linh mục ấy với nhiệm vụ đặc biệt này.

11. Làn sóng người tị nạn Syria sẽ làm thay đổi tỷ lệ người Hồi Giáo và Kitô Giáo tại Li Băng

Một vị giám mục Công Giáo Maronite đã bày tỏ lo ngại rằng dòng người tị nạn từ Syria sẽ thay đổi một sự cân bằng tế nhị về văn hóa và tôn giáo ở Lebanon, mà tối hậu đẩy các Kitô hữu thiểu số đến nguy cơ tuyệt chủng.

Đức Tổng Giám Mục về hưu Simon Attallah, người đã từng lãnh đạo Công Giáo Maronite của tổng giáo phận đông phương Deir al Ahmar nói:

“Chúng tôi hiện có 2 triệu người Syria là người tị nạn đang ở Li Băng. Cố nhiên, nhiều người sẽ trở về quê hương của họ khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, nhiều người tị nạn sẽ ở lại và sẽ nộp đơn xin làm công dân Li Băng. Lúc đó, tình trạng người Kitô hữu chúng tôi sẽ ra sao?”

Trong một cuộc nói chuyện với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Tổng Giám mục Attallah nhấn mạnh rằng “Chúng ta cần phải chấp nhận những người tị nạn. Chúng ta phải hành động trong tình liên đới với những người đau khổ. Chắc chắn rồi. Nhưng chúng ta có vấn đề rõ ràng trước mắt.”

Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng trong thung lũng Bekaa, thuộc tổng giáo phận ngài đã từng làm giám mục, gần biên giới Syria, 9,000 người Syria – chủ yếu là người Hồi giáo đã tạo ra nhiều vấn đề mà ngài thấy trước là sẽ nhân rộng lên phạm vi toàn bộ đất nước. Trong một số trường hợp, những người Hồi giáo vũ trang phóng uế nhà thờ, ngược đãi cả những Kitô hữu bản xứ. Ngài nói rằng ngày hôm nay, những kẻ cực đoan Sunni đã lọt vào Li Băng cùng với những người tị nạn chân chính.

Để hiểu những lo lắng của Đức Tổng Giám Mục Simon Attallah, ta cần biết rằng vào năm 1943, Li Băng gần như toàn tòng Kitô Giáo nên Hiệp Ước quốc gia năm 1943 quy định rằng tổng thống Li Băng phải là một Kitô hữu Maronite. 

Ngày nay, Li Băng hiện có 6,185,000 dân trong đó người Hồi Giáo chiếm 54%, các tín hữu Kitô thuộc mọi hệ phái chiếm 40.5%. 

12. Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường chăm sóc người già và yếu đau trong Năm Thánh Từ Bi

Trong một thông điệp gởi tới một hiệp hội Á Căn Đình chuyên giúp những người đau yếu tiếp nhận các bí tích, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi mở rộng hoạt động tông đồ này đến các bệnh nhân và những người hấp hối trong Năm Thánh Từ Bi sắp tới.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ được xét đoán trên lòng thương xót những người chung quanh cả linh hồn lẫn thể xác. Năm Thánh Từ Bi, do đó, là một “cơ hội tốt để tăng cường sự hợp tác giữa các mục tử và giáo dân trong sứ mệnh trìu mến và dịu dàng chăm sóc các bệnh nhân và những người hấp hối”.

Đức Thánh Cha tái bày tỏ ưóc muốn là trong Năm Thánh này, chúng ta có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót như lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

13. Một Giám Mục Thụy Sĩ bị kiện ra tòa vì trích dẫn Kinh Thánh về quan hệ đồng tính

Đức Cha Vitus Huonder của giáo phận Chur bị tấn công dồn dập trên các phương tiện truyền thông và bị các tổ chức đồng tính tại Thụy Sĩ kiện ra tòa với cáo buộc là ngài đã đưa ra một diễn từ “kích động chống người đồng tính”. Nếu bị buộc tội ngài có thể bị phạt đến 3 năm tù. Luật pháp của Thụy Sĩ chỉ dành quyền miễn tố về các tuyên bố cho các chính trị gia và quan tòa. Các vị Giám Mục không được miễn tố.

Dưới áp lực nặng nề này, Đức Cha Vitus Huonder đã phải đưa ra một lời xin lỗi công chúng về một tuyên bố, trong đó ngài gọi quan hệ đồng tính luyến ái là một điều đáng ghê tởm. 

Đức Cha Vitus Huonder của Công Giáo Thụy Sĩ cũng gửi một lá thư dài 3 trang đến hàng giáo sĩ, và anh chị em giáo dân của giáo phận Chur trong đó ngài cho biết trong một hội nghị của Công Giáo Đức vào đầu tháng này, ngài chỉ trích dẫn một đoạn Kinh Thánh Cựu Ước – “Khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm; chúng phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng.” (Lêvi 20:13). 

Đức Cha bày tỏ sự kinh ngạc tột cùng không ngờ “việc trích dẫn Kinh Thánh trong một hội nghị chuyên biệt về thần học và học thuật thuộc phạm vi nội bộ người Công Giáo” lại có thể gây ra một sự chống đối lan rộng và dữ dội như thế. 

14. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher: Những kẻ ủng hộ công nhận kết hiệp đồng tính đang cố làm tắt mọi tiếng nói chống đối tại Úc

Sau thành công tại Ái Nhĩ Lan và sau đó là tại Hoa Kỳ, trào lưu đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính hiện đang gõ cửa nước Úc trước sự thất vọng của các Kitô hữu.

Đức Tổng Giám mục Úc Anthony Fisher tiết lộ là “đã có những tiếng nói trong văn hóa của chúng ta không còn xem hôn nhân là cần thiết cho cuộc sống, cho sự cởi mở đón nhận con cái, và không còn xem hôn nhân là một kết hiệp chỉ dành cho một người nam và một người nữ.”

Trong bài giảng thánh lễ lặp lại tuyên hứa hôn nhân thường niên tại nhà thờ Đức Bà ở Sydney, Đức Cha Fisher cho biết những người đứng sau phong trào này “chụp mũ những ai ủng hộ hôn nhân theo cách hiểu truyền thống là gian ác và mù quáng”

Ngài cảnh báo rằng “có những thế lực mạnh mẽ quyết tâm bịt miệng bất kỳ những ai có một quan điểm chính trị đúng đắn về vấn đề này. Họ bắt nạt tất cả chúng ta phải chấp nhận sự tàn phá gia đình và tái định nghĩa lại cấu trúc cơ bản này của xã hội”.

Tuy Đức Tổng Giám Mục Fisher không nói trắng ra, nhưng người ta hiểu ngài đang muốn đề cập đến tổ chức Australian Marriage Equality – Bình đẳng Hôn nhân cho người Úc gọi tắt là AME. 

AME tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của 667 tổ chức, 65 dân biểu và 37 thượng nghị sĩ. Theo nhóm này, các cuộc thăm dò mới nhất, cho thấy rằng 69 phần trăm dân Úc ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Đức Cha Fisher nhấn mạng rằng hôn nhân là một “sự kết hiệp toàn diện về thân xác, tâm lý và tinh thần giữa một người nam và một người nữ, theo đó họ trở thành một xương một thịt” và từ đó hình thành nên một gia đình.

Thủ tướng Tony Abbott là một người Công Giáo và từng là một chủng sinh. Ông đang kịch liệt phản đối hôn nhân đồng tính, nhưng ông phải đối mặt với những áp lực mạnh mẽ từ phe tự do chủ nghĩa ngay trong đảng của mình. 

15. Kỷ niệm 70 năm chia cách hai miền Nam Bắc, Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung kêu gọi cầu nguyện cho hòa giải

Tờ Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh số ra ngày 19 tháng 8 đã trình bày một thông điệp của Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám Mục Hán Thành kêu gọi cầu nguyện cho hòa giải nhân kỷ niệm năm thứ 70 chia cắt hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

“Là Kitô hữu, một trong những điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là cầu nguyện. Trong thời gian chia cách, chúng ta được mời gọi cầu nguyện liên liên lỉ cho hòa giải và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như cho hòa bình ở châu Á, và trên thế giới. Qua lời cầu nguyện, chúng ta xin cho đất nước chúng ta có thể có một sự khởi đầu mới cho hòa bình và hòa giải, để lại sau lưng mọi nghi kỵ và hận thù.”

Ngài nói thêm: 

“Chúng ta cũng nên biến những lời cầu nguyện của chúng ta thành những hành động thực tế. Bằng cách cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho những anh chị em Bắc Triều Tiên của chúng ta. Như thế là chúng ta đang gieo những hạt giống của hòa bình và thống nhất đất nước. Đây là thời gian cho cả hai chính phủ bắt đầu đối thoại về hợp tác, về những chính sách hòa bình, phi hạt nhân hóa, và thậm chí cả về sự thịnh vượng trong tương lai. “

Nguồn: Vietcatholic News

h1

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN