Trong một diễn biến vô tiền khoáng hậu, một tay súng đã bị bắn chết ngay trong Tòa Giám Mục tổng giáo phận Cebu, miền Trung Phi Luật Tân hôm 10 tháng 7.
Các nhà chức trách đã xác định tay súng tên là Jeffrey Mendoza Canedo từ bằng lái xe được tìm thấy sau khi người này bị bắn chết.
Ông Remegio Debuayan, là người bảo vệ Tòa Giám Mục, cho biết Canedo đi trên một chiếc xe gắn máy, đội mũ bảo hiểm và trùm kín mặt đã xông vào Tòa Giám Mục.
Y lùng kiếm Đức Tổng Giám Mục Jose Palma của Cebu và hỏi một số người xem Đức Tổng Giám Mục ở đâu vì y muốn nói chuyện với ngài.
Cảnh sát được gọi đến hiện trường và yêu cầu Canedo giơ tay đầu hàng nhưng người đàn ông này đã rút súng chống trả, nên bị cảnh sát bắn chết.
Không ai trong Tòa Giám Mục bị thương. Đức Tổng Giám Mục Jose Palma đang ở Manila khi xảy ra vụ việc.
Trong một tuyên bố, Tổng giáo phận Cebu cho biết Đức Cha Jose Palma “không nhận được lời đe dọa nào trước đó” nên không rõ động cơ của người vừa bị giết. Tuyên bố nói thêm rằng cảnh sát đã chính thức điều tra vụ việc này.
Vụ nổ súng xảy ra sau một loạt các cuộc tấn công bằng súng gần đây vào các linh mục ở Phi Luật Tân đã khiến ba linh mục bị thiệt mạng và một vị khác bị thương nặng
Vụ việc xảy ra một ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân.
2. Lễ truyền chức Linh mục Vincent Nguyễn Quốc Bảo SDB, một nhà truyền giáo tại Paraguay Nam Mỹ
Tại Asunción, Paraguay, ngày 7 tháng 7 năm 2018 – Giáo xứ Virgen del Carmen đã tưng bừng cử hành một lễ hội, mừng ngày thụ phong Linh mục của thầy Salesian Vincent Nguyễn Quốc Bảo, một người Việt Nam truyền giáo. Đức cha Gabriel Escobar SDB, Giám mục Giáo phận Tông Tòa Chaco Paraguayo chủ phong.
Hiện diện trong Thánh lễ có khoảng 200 tín hữu và đông đảo các sơ Salesian FMA, và nhiều thanh niên nam nữ.
Các tu sĩ Salesian đã hiện diện ở Chaco từ năm 1917 và năm 1948 giáo điểm này được nâng lên là Giáo Phận Tông Tòa, là một trong 6 lãnh thổ truyền giáo được giao phó cho Tu Hội Salesian đảm trách tại Châu Mỹ Latinh. Dân số của Tông tòa này chỉ có 19.000 người (6000 trong số đó là người dân bản địa): Gồm 16.500 là người Công Giáo, 1.500 là các giáo phái Kitô giáo khác và 1000 người không phải là Công Giáo. Lãnh thổ của Tông tòa này trải rộng trêm một phạm vi 96.030 km2, với mật độ rất thấp 0,2 người/km2 và chưa có đường trải nhựa nào cả.
Trong số các giáo sĩ của Tông tòa này có 4 vị truyền giáo đến từ vùng Á Châu: 3 từ Việt Nam và một từ Indonesia, tất cả được cha Bề trên cả Artime sai đến vào năm 2010.
Cha Vincent Bảo (37 tuổi) là một trong những thành viên của chuyến Truyền giáo lần thứ 139, sau khi thầy hoàn thành tất chương trình Triết học tại Học viện Don Rua Đà Lạt, Việt Nam.
3. Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới và sầu buồn với các nạn nhân lũ lụt ở Nhật Bản
Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới và sầu buồn với 119 các nạn nhân lũ lụt ở Nhật Bản. Đây là một thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất xảy đến cho miền tây nước Nhật trong 35 năm qua.
Trong bức điện thư do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Ngoại trưởng Vatican ký thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi buồn về sự mất mát nhiều sinh mạng cùng những tổn hại nặng nề do cơn lũ lụt gây ra.
Đức Thánh Cha cũng “động viên các cơ quan dân sự và những ai có thể tham gia vào công cuộc tìm kiếm và cứu nạn các nạn nhân của thảm họa này” và Đức Thánh Cha gửi tới tất cả “phép lành đặc biệt”.
Cơ quan Khí tượng cảnh báo rằng mưa gió vẫn còn kéo dài khiến sạt lở đất và lũ lụt thêm nhiều nguy hiểm và số thương vong có thể sẽ tăng thêm.
Nhiều người bị kẹt trong nhà của họ, khi nhiều đường xá đã bị xụp lở vì lũ lụt.
Tính đến sáng thứ Hai 9/7/2018 đã có khoảng 23,000 người đến được các trung tâm tạm dung, và Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu một đơn vị đặc biệt hầu ứng phó với thảm họa này, đơn vị đó gồm có 73.000 người, đó là “nỗ lực hầu cứu sống các nạn nhân…”
Thủ tướng Abe cũng hủy bỏ chuyến viếng thăm châu Âu và Trung Đông của ông hầu có thể hiện diện đẩy mạnh các hoạt động cứu trợ, và đến địa bàn để có thể ủy lạo dân chúng đang bị lũ lụt và sạt lở hoàng hành.
4. Tổng thống Donald Trump đề cử một người Công Giáo vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ
Tổng thống Donald Trump, đã đề cử chánh án Brett Kavanaugh vào chức vụ thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ để thay thế cho Thẩm Phán Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu vào ngày 27 tháng 6 năm 2018.
Ông Kavanaugh hiện đang phục vụ trong Tòa phúc thẩm Washington DC từ năm 2006. Trước đây, ông làm việc tại Nhà Trắng dưới thời TT George W. Bush.
Ông tốt nghiệp luật tại Đại học Yale, có vợ và hai con gái. Ông là người Công Giáo và và từ bé hấp thụ nền giáo dục của các cha Dòng Tên tại Georgetown
Giới luật gia nhận định ứng viên Brett Kavanaugh có lập trường bảo thủ. TT Donald Trump mới đây đã bổ nhiệm Chánh Án Neil Gorsuch vào Tối Cao Pháp Viện Ông này cũng thuộc thành phần bảo thủ. Như vậy nếu được Thượng Viện chấp thuận, giới bảo thủ sẽ chiếm đa số tại Tối Cao Pháp Viện.
Tưởng cũng nên nói thêm, dưới thời TT Obama, Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ có 6 người là người Công Giáo, đền khi thầm phán Antonin Scalia chết, số người Công Giáo giảm xuống còn 5. Và nay nếu chánh án Kavanaugh được phê chuẩn thì số thẩm phán người Công Giáo sẽ là 6 người trong tổng số 9 thẩm phán.
Ngay khi ông Cavanaugh được đề cử, cơ quan thông tấn CNN của Hoa Kỳ ngày 10 tháng 7 đã viết bài bình luận có tựa đề “Tại sao người Công Giáo chiếm đa số tại Tối cao Pháp Viện trong khi dân số Công Giáo tại Hoa Kỳ chỉ chiếm 24% dân số nhưng lại giữ 2 phần 3, tức hơn 65% số ghế tại Tối Cao Pháp Viện.
Việc phê chuẩn ứng viên Cavanaugh vào chức vụ thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa kỳ chắc chắn sẽ gặp nhiều gay go tại Thượng Viện vì đảng Dân Chủ đã cho ông Cavanaugh là quá bảo thủ.
5. Thư ngỏ của Đức Hồng Y Daniel DiNardo gởi Thượng Viện Hoa Kỳ
Tổng thống Donald Trump, đã đề cử chánh án Brett Kavanaugh vào chức vụ thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ để thay thế cho Thẩm Phán Anthony Kennedy tuyên bố nghỉ hưu vào ngày 27 tháng 6 năm 2018. Việc bổ nhiệm của tổng thống Trump còn phải được sự phê chuẩn của Thượng Viện Hoa Kỳ.
Việc phê chuẩn này chắc chắn là rất khó khăn vì ứng viên Cavanaugh là một người Công Giáo ngoan đạo, nổi tiếng chống lại phán quyết cho phép phá thai, thường được gọi là phán quyết Roe chống Wade, của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Các phương tiện truyền thông thế tục cho rằng một khi được bổ nhiệm vào Tòa Án Tối Cao, ông Cavanaugh và những vị Thẩm Phán khác sẽ hình thành khối đa số và sẽ tìm cách lật lại vụ Roe chống Wade.
Thấy trước việc phê chuẩn này sẽ rất là khó khăn, Đức Hồng Y Daniel DiNardo N. Galveston-Houston, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã viết thư cho các thành viên của Thượng Viện vào ngày 6 tháng 7, thúc giục họ đừng coi việc ủng hộ phán quyết Roe chống Wade như là một điều kiện tiên quyết để phê chuẩn một ứng viên Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.
Bức thư nói rõ rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ “không hỗ trợ hoặc chống lại việc xác nhận một ứng cử viên nào do tổng thống chỉ định.” Thay vào đó, bức thư bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng về quá trình xác nhận … bị bóp méo một cách hiển nhiên bởi các nỗ lực nhằm khống chế các Thẩm Phán được đề cử phải ủng hộ Roe, mà hậu quả là những ai được đề cử mà có lập trường phản đối việc cố ý giết chết một mạng người vô tội thì cách nào đó lại bị coi là không thích hợp với Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ”.
Đức Hồng Y nói thêm rằng “Dầu sao đi nữa việc hỗ trợ cho Roe là một tiêu chuẩn quá nghèo nàn để đánh giá khả năng của một Thẩm Phán. Trong bốn mươi lăm năm qua, phán quyết Roe đã làm dấy lên nhiều chỉ trích và chống đối trong công chúng hơn bất kỳ phán quyết nào khác vào cuối thế kỷ 20”.
Thư của Đức Hồng Y cũng tham chiếu đến các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng hầu hết người Mỹ phản đối chính sách phá thai không giới hạn trong vụ Roe, và ngày càng có nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua những luật phò sự sống, phù hợp với y học chính thống là không ủng hộ phá thai, và nhiều học giả pháp lý kể cả những người hỗ trợ phá thai cũng thừa nhận rằng phán quyết Roe không đặt cơ sở nơi Hiến pháp Hoa Kỳ.
“Nếu một phán quyết của Tòa án Tối cao đã là một quyết định sai trái, bị công luận chống đối rộng rãi, có quá nhiều khuyết điểm về luân lý, và gây hại cho xã hội, và được cả nhiều người ủng hộ nó coi là không có cơ sở trong Hiến pháp, thì hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để xem việc ủng hộ nó như là một điều kiện tiên quyết cho một Thẩm phán tương lai. Hơn nữa, đức tin của một ứng cử viên không nên là cớ cho đương sự bị phân biệt đối xử. Trong việc phê chuẩn một chức vụ công quyền, bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên niềm tin tôn giáo đều là bất công và vi hiến.” Đức Hồng Y nhấn mạnh.
6. Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại Bari: “Trung Đông là một hòm bia của hòa bình, chứ không phải là cái lò chiến tranh!”
Sau cuộc gặp gỡ riêng với các vị lãnh đạo thuộc Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống vào ngày thứ Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chào đón tại Quảng trường bên ngoài Nhà thờ Thánh Nicholas ở Bari, và Ngài mời gọi tất cả hãy cùng cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông.
Đức Thánh Cha lên án sự thờ ơ, im lặng khi đối diện với thảm cảnh của Trung Đông
Đức Thánh Cha bắt đầu bài chia sẻ bằng nhắc nhớ lại những liên hệ của Chúa Giêsu và Kitô giáo với miền đất Trung đông. Chúa Giê-su đã mời gọi các môn sinh của Ngài hãy dùng tình thương yêu chứ đừng dùng thù hận võ khí với anh chị em lân bang nơi đây. Sự hoán cải mà Tin Mừng mời gọi là phương tiện duy nhất để giải quyết những tranh chấp khổ đau mà vùng đất Trung Đông đang phải đối diện hàng ngày. Bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta không thể là “dùng tầu bay hay vũ trang để đưa dẫn tới bình minh rạng rỡ của Lễ Phục Sinh.” Noi theo gương Chúa Giêsu, chúng ta phải dấn thân chính mình làm món quà hòa giải.
Từ vùng đất này mà Tin mừng Phúc âm của Chúa Giêsu được âm vang và loan tỏa, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy tiếp tục loan truyền sứ điệp của Chúa hầu nhiều người được lãnh nhận phép rửa và niềm tin sức sống.
Đức Thánh Cha nói: Hòa bình cần được “gieo trồng vào vùng đất khô cằn, um đầy xung đột và bất hoà”. Đó là tiến trình mà chúng ta không được thoái thác và chúng ta cần ý thức rằng không phải “những bức tường cao vây kín” mà có hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng “những dấu hiệu mạnh mẽ biểu tỏ qua – những người nam nữ thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau đang được mời gọi ngồi lại với nhau qua đối thoại hầu chia sẻ những cảm nghĩ khác nhau của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài nói chuyện bằng mời gọi hãy làm bộc phá miền đất Trung Đông. Hãy chấm dứt cảnh khai thác vun lợi cho một thiểu số mà gây tổn thương cho đại đa số! Hãy chấm dứt việc lợi dụng Trung Đông cho những lợi ích không có liên quan gì đến Trung Đông! … Đừng vì lợi nhuận mà khai thác bừa bãi mỏ dầu và khí đốt, chẳng màng chi tới ngôi nhà chung của chúng ta, chẳng lo lắng gì về thực tại năng lượng gắn liền với những quy định song hành tồn tại với con dân đất nước!
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc những lời chia sẻ của Ngài bằng nói tới cái dấu hiệu mà biểu tượng qua các chú chim bồ câu được các em thả bay lên… Vì lợi ích của các em, “những người đã chứng kiến những đổ nát chiến tranh thay vì được đi học, nghe những tiếng bom nổ thay cho những cuộc chơi vui vẻ… Đức Thánh Cha nguyện ước các em được hưởng hòa bình, hãy làm cho những áng mây đen u ám được xua tan, hầu các em nhìn thấy những chú chim bồ câu công cành lá ô liu hòa bình. Hãy làm cho Trung Đông thành một hòm bia giao ước hòa bình, chứ đừng biến nó thành một chiếc tàu chiến!
Hỡi các con của vùng đất Trung Đông yêu quý, các bạn hãy xua tan đi các bóng tối của chiến tranh, quyền lực, bạo lực, cuồng tín, lợi ích bất công, khai thác, nghèo đói, bất bình và thiếu sự tôn trọng… ‘Nguyện bình an đến với các bạn” (Ps 122: 8), Ước mong công lý ngự trị trên quê hương đất nước các bạn, và ước gì Thiên Chúa ngự trị trong xứ sở của anh chị em.’
7. Đức Giáo Hoàng sẽ có mặt tại Panama tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vào tháng Giêng năm 2019
Tòa Thánh Vatican đã xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du Panama để tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng Giêng năm 2019. Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã nhận lời mời của chính phủ và Hội Đồng Giám Mục Panama.
Từ khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự ba lần Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Lần đầu tiên Ngài tham dự Đại Hội Giới Trẻ tại Brazil năm 2013, một tháng sau khi lên ngôi Giáo Hòang. Đến năm 2016 Ngài tham dự Đại Hội Giới Trẻ tại Ba Lan và năm 2019 Ngài tham dự đại hội tại Panama.
Đồng thời giới báo chí cũng nói trên đường tới Panama, Đức Giáo Hoàng có thể ghé El Salvador để cầu nguyện trước mộ của Đức TGM Oscar Romero mà Ngài sẽ phong thánh vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên thông cáo báo chí của Tòa Thánh phổ biến vào ngày Thứ Hai,9 tháng 7 không nói đến chi tiết này.
Trong khi ở Panama, theo dự trù, Đức Giáo Hoàng sẽ cung hiến Vương Cung Thánh Đường cổ xây từ thời Panama còn bị đô hộ và mới đây được trùng tu lại.
Tổng Thống Juam Carlos Verela của Panama đã tweet ra bản tin rằng Ông chia sẽ niềm vui với nhân dân Panama và hứa sẽ yểm trợ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức cứ ba năm một lần tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Đại Hội quy tụ hàng triệu bạn trẻ trên thế giới về cùng nhau làm chứng cho đức tin Kitô Giáo.
8. Chính sách phò gia đình của chính phủ Hung Gia Lợi đã làm dân số gia tăng nhanh chóng
Năm 2015, chính phủ Hung Gia Lợi công bố một chính sách quan trọng về gia đình. Các gia đình ổn định và đông con được hưởng các khoản trợ cấp rất hào phóng.
Chương trình “Trợ cấp Gia cư cho gia đình”, hoặc Csók tài trợ $36,000 Mỹ Kim cho các gia đình có từ ba con trở lên muốn mua căn nhà đầu tiên. Bên cạnh đó lãi suất ngân hàng được khống chế để giúp họ có thể trả nhanh tiền nợ ngân hàng. Thuế má cũng được chiết giảm.
Những lợi ích và sự chiết giảm thuế này có thể trị giá khoảng 15,000 đến 50,000 đô la cho mỗi gia đình, tùy thuộc vào giá trị ngôi nhà họ mua và các điều khoản tín dụng.
Những người có ít con hơn cũng được tài trợ nhưng ít hơn rất nhiều so với các gia đình 3 con trở lên.
Sau 3 năm thực hiện chương trình này con số phá thai tại Hung Gia Lợi đã giảm rất đáng kể. Hiện nay, phụ nữ ở tuổi sinh sản có bình quân 1.5 con. Con số này được tin là sẽ tăng nhanh trong thập niên sắp đến.