Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Giáo Hội Năm Châu 14/05/2018: Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ của Đại Hàn

Video: Giáo Hội Năm Châu 14/05/2018: Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ của Đại Hàn

5-15-2018 7-11-26 PM1. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam loan báo Năm Thánh mừng 30 Năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo

Trong dịp về Rôma dự ad limina, các Giám Mục Việt Nam đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh mừng 30 Năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo, và đã được chấp thuận.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế, và là chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam đã cho biết như trên và công bố Năm Thánh mừng 30 Năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo sẽ được khai mạc ngày 19 tháng 6 tới đây và kết thúc vào ngày 24 tháng 11, 2018 nhân lễ các thánh tử đạo Việt Nam.

Các thánh lễ khai mạc sẽ diễn ra tại ba địa điểm lịch sử tại ba giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và Sàigòn.

Tiểu Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Sở Kiện, tỉnh Hà Nam, được xây dựng cách đây 135 năm và là quê hương của hai vị tử đạo – Cha Phêrô Trương Văn Thi và Thầy Phêrô Trương Văn Đường – sẽ tổ chức lễ cho Tổng Giáo phận Hà Nội và 9 giáo phận miền bắc.

Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang ở tỉnh Quảng Trị, nơi Đức Mẹ hiện ra an ủi các tín hữu chạy trốn vào rừng vì bị bách hại cách đây 220 năm, là địa điểm dành cho Tổng Giáo phận Huế và 5 giáo phận miền trung.

Trung tâm hành hương Ba Giồng ở tỉnh Tiền Giang, nơi có hàng ngàn tín hữu chịu tử đạo trong các thế kỷ 18-19, dành cho Tổng Giáo phận Sàigòn và 10 giáo phận miền nam.

Trong thông báo, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh mời gọi các tín hữu “sống tinh thần tử đạo” trong môi trường hiện nay để làm chứng cho Chúa và Tin mừng.

Ngài khích lệ họ thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật như là cách hành hương về với Đức Kitô.

Ngài nói mọi người nên “giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam gồm 96 người Việt Nam, 11 người Tây Ban Nha và 10 người Pháp tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 19-6-1988.

Đây là lễ tuyên thánh có số vị thánh tử đạo đông nhất tại thời điểm đó, vượt qua con số 103 vị tử đạo Hàn Quốc được tuyên thánh ở Hàn Quốc năm 1984. Kỷ lục này chỉ được vượt qua khi vị Thánh Giáo Hoàng người Ba Lan, tuyên thánh cho 120 vị tử đạo Trung Hoa vào năm 2000.

Trong các thế kỷ 18-19, triều đình nhà Nguyễn đã đàn áp người Công Giáo và các thừa sai phương Tây, cáo buộc họ hợp tác với người Pháp trong mưu toan thôn tính Việt Nam.

Các làn sóng bách hại đạo thánh Chúa xảy ra gần như ngay lập tức sau khi Kitô giáo được truyền vào Việt Nam giữa thế kỷ 16. Tuy nhiên, các cuộc bắt bớ đã gia tăng mạnh nhất từ năm 1798 khi Nhà Nguyễn cấm đạo Công Giáo. Trên 300,000 tín hữu Việt Nam đã đổ máu đào trong các cuộc bách hại này trước khi thực dân Pháp chiếm toàn bộ nước ta năm 1886. 

Một đợt bách hại còn kinh hoàng hơn đã xảy ra dưới thời cộng sản nhưng đến nay Giáo Hội tại Việt Nam vẫn chưa có điều kiện thu thập đủ các con số chính xác số người bị giết, và số người bị tù đày vì niềm tin. Đó là chưa kể con số đông đảo không đếm nổi những người Công Giáo bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội vì niềm tin Kitô của họ.

2. Đức Thánh Cha kêu mời hãy cầu nguyện cho người dân của Cộng hòa Trung Phi

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa hôm Chúa Nhật 6/5/2018 tại quảng trường thánh Phêrô Đức Thánh Cha khẩn khoản xin mọi người hãy nói lời “không” với bạo lực

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả mọi người hãy cầu nguyện cho người dân nước Cộng Hòa Trung Phi, một quốc gia mà Đức Thánh Cha nhớ lại những “niềm vui” mà Đức Thánh Cha đã có trong chuyến viếng thăm đất nước này vào tháng 11 năm 2015, một chuyến thăm mục vụ đầu tiên của Ngài đến châu Phi.

Trong bài phát biểu của mình vào Chúa Nhật hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Cộng hòa Trung Phi trong những ngày gần đây đã và đang trải qua những ngày mà “bạo lực nghiêm trọng” đang diễn ra, giết hại và làm bị thương nhiều người, trong đó có cả một linh mục.

Đức Thánh Cha khẩn khoản “Xin Chúa, nhờ sự cầu khẩn của Đức Trinh Nữ Maria, giúp mọi người hãy can đảm nói lời ‘không ’với bạo lực, hầu cùng nhau xây dựng hòa bình.

Có một linh mục và ít nhất 25 người đã bị thiệt mạng khi một nhà thờ bị tấn công vào đầu tuần này ở Bangui. Hội Chữ thập đỏ cho hay có gần 100 người bị thương trong vụ tấn công này! Cuộc tấn công này đang đổ thêm dầu vào lửa trong các cuộc đụng độ tại nước Cộng hòa Trung Phi, nơi mà nhà nước đang nỗ lực làm dịu đi những bạo lực đang bùng lên giữa các tôn giáo.

3. Đức Phanxicô viết lời giới thiệu cho cuốn sách mới của Đức Bênêđíctô XVI

Theo Vatican News, Đức Phanxicô đã viết lời nói đầu cho cuốn sách mới của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI. Đây là cuốn sách thứ hai của Đức Nguyên Giáo Hoàng viết về đức tin và chính trị.

Cuốn sách có tựa đề là “Nền Tự Do Giải Phóng. Đức Tin và Chính Trị trong Đệ Tam Thiên Niên Kỷ”. Cuốn sách này đã được nhà xuất bản Cantagalli in và được phát hành tại dinh Sala Zuccari của Thượng Viện Ý trên đường Via della Dogana Vecchia, vào ngày 11 tháng 5 lúc 6 giờ tối.

Trong lời giới thiệu, Đức Phanxicô viết:

Mối liên hệ giữa đức tin và chính trị là một trong những chủ đề vĩ đại luôn là trọng tâm được Đức Bênêđictô XVI chú ý trong triều đại và xuyên suốt toàn bộ cuộc hành trình trí tuệ và nhân bản của ngài. Kinh nghiệm trực tiếp của ngài về nền toàn trị Quốc Xã đã dẫn ngài, từ những năm đầu học thuật của ngài, tới chỗ suy nghĩ về các giới hạn của sự vâng phục đối với Nhà Nước có lợi cho sự tự do vâng phục Thiên Chúa.

“Nhà nước không phải là toàn bộ sự hiện hữu của con người và không có khả năng đem lại mọi hy vọng của con người. Nhân loại và niềm hy vọng của họ vượt ra ngoài thực tại Nhà nước và vượt ra khỏi lĩnh vực hành động chính trị.” 

Vì vậy, tôi đặc biệt vui mừng giới thiệu tập thứ hai của các văn bản được sưu tập do Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 viết về “đức tin và chính trị”. Cùng với bộ Opera Omnia đồ sộ của ngài, chúng có thể giúp mọi người chúng ta không những hiểu rõ hiện tại của mình và tìm được một định hướng vững chắc cho tương lai, mà còn là nguồn cảm hứng thực sự cho hành động chính trị, một hành động bằng cách đặt gia đình, tình liên đới và công bằng ở trung tâm sự chú ý và lên kế hoạch của nó, thực sự đã nhìn về tương lai với một tầm nhìn xa.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Thụy Sĩ một ngày

Toà Thánh Vatican vừa công bố lịch trình chuyến viếng thăm Thụy Sĩ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội.

Chuyến viếng thăm một ngày của Đức Thánh Cha bắt đầu từ sáng 21 tháng 6 năm 2018. Theo dự trù, sau nghi thức đón tiếp ngoại giao tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ hội kiến với Tổng Thống Liên Bang Thụy Sĩ là ông Alain Berset.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ gặp đại diện các tôn giáo tại Trung Tâm Đại Kết ở Geneva. Ngài sẽ cầu nguyện và nói chuyện với các thành viên của Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội đến từ 110 quốc gia, đại diện cho 500 triệu tín hữu Kitô Giáo bao gồm Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Baptists, Lutheran, Methodist.

Tòa Thánh Vatican không phải là thành viên của Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội, chỉ là quan sát viên và thường xuyên gửi đại diện tới tham dự các phiên họp của tổ chức này nhằm cổ vũ cho việc hợp nhất các Kitô Hữu thuộc các hệ phái khác nhau.

Kết thúc ngày viếng thăm, vào buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Trung Tâm Hội Họp Palexpo nằm gần phi trường và từ đây Ngài sẽ trở lại Roma vào lúc 8 giờ tối.

Đây là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Thụy Sĩ. Trước đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tông du mục vụ Thụy Sĩ trong 6 ngày vào năm 2004.

Tỷ lệ người Công Giáo ở Thụy Sĩ là 38%. Các tín hữu Tin Lành chiếm 27% dân số.

5. Triển vọng một chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Nhật Bản

Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản loan tin: thể theo lời mời của hai Thị Trưởng Hiroshima và Nagasaki, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn thăm 2 thành phố ở Nhật bản là Hiroshima và Nagasaki đã bị bom nguyên tử vào tháng 8 năm 1945

Vào ngày 2 tháng Năm 2018, trong buổi triều yết chung mỗi ngày thứ Tư hàng tuần, ông Thị Trưởng Nagasaki là Tomihisa Taue đã trao tay Đức Thánh Cha lá thơ của ông và của Thị Trưởng Hiroshima để kính mời Đức Thánh Cha thăm hai thành phố đã bị bom nguyên tử tàn phá.

Hai ông đã nói cho Ngài biết số người bị nhiễm phóng xạ tại đây mỗi ngày một giảm và xin Ngài đến thăm hai thành phố này để khích lệ những nạn nhân còn sống sót sau vụ bị bom nguyên tử

Đáp lời, Đức Thánh Cha nói thật là tuyệt vời nếu tôi có thể thăm hai thành phố này.

Nội dung lá thư của hai Thị Trưởng cũng viết rằng, việc Đức Thánh Cha thăm hai thành phố này sẽ gửi cho thế giới một tín hiệu là hãy loại bỏ vũ khí nguyên tử. Lá thư cũng nói thêm hiện nay thế giới kể cả Hoa Kỳ đang có chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử chiến thuật, có tầm cỡ nhỏ hơn.

Theo chỉ thị của Đức Thánh Cha, cuối năm ngoái Tòa Thánh Vatican đã cho phổ biến tấm thiếp in hình một em bé trai cõng sau lưng người em đã chết sau quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki. Chính Đức Thánh Cha đã viết sau tấm thiếp này “ Hoa trái của chiến tranh”. 

Hai thị trưởng thành phố Nhật Bản đã kính tặng Đức Thánh Cha bức hình nguyên thuỷ em bé cõng xác chết.

Vào năm 1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm Công Viên Tưởng Niệm Hoà Bình ở Hiroshima, nhà thờ Urakami Tenshudo ở Nagasaki và và các cơ sở xã hội chăm lo cho các nạn nhân bom nguyên tử.

6. Saudi Arabia chấp thuận để Tòa Thánh Vatican xây nhà thờ ở vương quốc Hồi Giáo này

Theo tờ báo điện tử ở Ai Cập ra ngày Thứ Tư 2/5/2017, vương quốc Hồi Giáo Saudi Arabia đã ký thoả ước để Toà Thánh Vatican xây cất nhà thờ cho các giáo dân Công Giáo đang sống và làm việc tại đây.

Theo tờ báo điện tử nói trên thì thỏa ước đã được ký kết giữa Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran và Sheikh Mohammed bin Abdel Karim Al-Issa, Tổng Thư Ký Liên Đoàn Hồi Giáo Thế Giới. Lễ ký kết đã diễn ra vào thượng tuần tháng Tư khi Đức Hồng Y Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn đến thăm vương quốc Saudi Arabia

Khi đến Saudi Arabia, Đức Hồng Y Tauran đã gặp một số giới chức cao cấp của chính quyền, kể cả Quốc Vương Salman bin Abdulaziz Al Saud

Hãng thông tấn Al Jazeera, cơ quan ngôn luận chính thức của Hồi Giáo, không cho biết chi tiết nội dung thỏa ước giữa Vatican và Saudi Arabia.

Trong khi đó, Đức Hồng Y Tauran trả lời phỏng vấn của đài Vatican xác nhận bản tuyên cáo đã được hai bên ký, đặt nền móng cho cuộc đối thoại trong tương lai. Tuy nhiên, Ngài không cho biết trong tương lai Vatican được xây dựng thêm bao nhiêu nhà thờ.

Đức Hồng Y nói thêm, trong các cuộc họp với các giới chức chính quyền Saudi Arabia, Ngài đã nhấn mạn đến việc yêu cầu các tín hữu Kitô Giáo hay không phải là tín hữu Hồi Giáo phải được đối xử công bằng, không bị coi là công dân hạng hai, và nơi học đường, họ phải được tự do phát biểu.

Được biết Saudi Arabia là quốc gia Hồi Giáo có chính sách nghiêm khắc nhất đối với các tôn giáo không phải là Hồi Giáo. Các tín hữu Kitô tại đây, vào khoảng 1 triệu rưỡi người, đại đa số là các công nhân người Phi Luật Tân đang làm việc tại các cơ sở dầu mỏ không được công khai cử hành thánh lễ. Các nghi thức phụng vụ phải làm lén lút nơi các tư gia.

Đức Hồng Y Tauran nhận định rằng việc Saudi Arabia cho xây nhà thờ là dấu hiệu chính quyền nước này muốn chứng minh cho thế giới biết Saudi Arabia có một bộ mặt mới.

7. Bối cảnh vụ đàn áp tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ tại Việt Nam

Năm 1978, Đặng Tiểu Bình tung ra chương trình ‘Bốn hiện đại hóa’ và khích lệ dân chúng dán những ‘Đại tự báo’ để tố cáo những đau khổ do cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng kéo dài trong suốt 10 năm từ ngày 16 tháng 5 năm 1966 tới tháng 10/1976. Đặng Tiểu Bình gọi đó là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa” với tổng cộng 1.5 đến 1.8 triệu người bị giết chết hay tự sát.

Trong bối cảnh xoa dịu những đau khổ trong xã hội sau cuộc Cách mạng Văn hóa đẫm máu, các tôn giáo tại Trung Quốc được hưởng một thời kỳ yên hàn và phát triển. Đặc biệt, sau cuộc cách mạng lật đổ cộng sản tại Liên xô và Đông Âu, cộng sản Trung Quốc chọn một thái độ mềm dẻo hơn với tôn giáo để tránh công phẫn của dân chúng.

Trong bối cảnh đó, Pháp Luân Công, được nhiều người mô tả như một môn khí công, một “phong trào tâm linh”, một “hệ thống tu luyện” cổ truyền Trung Quốc, hay như một hình thức tôn giáo của Trung Quốc; đã được ông Lý Hồng Chí giảng dạy công khai ở Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1992.

Ban đầu Pháp Luân Công nhận được sự hỗ trợ đáng kể của các giới chức Trung Quốc. Năm 1995, theo lời mời của đại sứ Trung Quốc ở Pháp, ông Lý Hồng Chí mở khoá Pháp Luân Công ngay tại đại sứ quán Trung Quốc ở Paris. Sau đó, ông còn được mời sang giảng dạy ở Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Đức, Thụy Sĩ và Singapore.

Đến cuối thập niên 1990, khi đã hoàn hồn sau cuộc cách mạng lật đổ cộng sản tại Liên xô và Đông Âu, khi đã lấy lại được sự tự tin, và đứng trước sự phát triển nhanh chóng của các tôn giáo, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu có một cái nhìn khác về tôn giáo. Họ quay lại với cái quan điểm truyền thống của cộng sản: xem các tôn giáo như một mối đe dọa tiềm tàng.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi xướng một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc và tuyên truyền bôi lọ trên nhiều mặt môn tu luyện này, coi Pháp Luân Công như một “tổ chức tà giáo” đe dọa sự ổn định xã hội.

Pháp Luân Công đã bị dùng như một tiền đề cho cuộc đàn áp tất cả các tôn giáo cho đến ngày nay.

Trong hai tuần qua, nhà cầm quyền Việt Nam mở một cuộc tấn công trên quy mô toàn quốc chống lại tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ theo đúng bài bản của Trung Quốc trong vụ Pháp Luân Công. Đây chỉ là tiền đề để nhà cầm quyền tăng cường sự quản lý đối với người dân, đối với các tôn giáo, và lèo lái một luồng dư luận tiêu cực về các tôn giáo nói chung, nói theo từ ngữ của cộng sản là “chuẩn bị dư luận”, trước khi đưa ra các quyết định ăn cướp các tài sản của tất cả các tôn giáo và các nghị định bóp nghẹt tự do tôn giáo.

8. Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ

Hội Đồng Quốc Gia Các Giáo Hội Kitô Nam Hàn coi tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ thường được biết với tên gọi Hội Thánh Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Thế giới là một tà giáo tôn thờ Satan, và là một tà giáo hết sức nguy hiểm.

Tà giáo này có một khả năng lôi cuốn rất đáng kinh ngạc. Các tài liệu của Hội Đồng Quốc Gia Các Giáo Hội Kitô Nam Hàn không hề nhắc đến một thứ “nước thánh” nào như các cơ quan an ninh của Việt Nam tố cáo. Tuy nhiên, khả năng lôi cuốn của họ đối với người Nam Hàn, trong số những thứ khác, phải kể đến con số hàng trăm ngàn người Triều Tiên, kể cả những kẻ ít học nhất và kể cả những người phụ nữ, nói theo kiểu trào phúng của nhà văn Vũ Trọng Phụng là những “người đàn bà có một nhan sắc của một người đàn ông xấu trai” được xuất cảnh qua Mỹ và các nước phương Tây theo diện kết hôn với người bản xứ.

Giáo chủ của tà giáo này là bà Jang Gil-ja, một người phạm thượng dám coi mình là Đức Chúa Trời Mẹ.

Tà giáo này xuất phát từ một nhóm Tin Lành quá khích do Ahn Sahng-hong thành lập. Ahn Sahng-hong sinh ngày 13 tháng Giêng năm 1918 tại một ngôi làng nhỏ bé tại huyện Myeongdeok-ri, tỉnh North Jeolla, trong thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng. Cả cha lẫn mẹ đều là người Hàn quốc theo Phật Giáo. Năm 1954, ở tuổi 36, ông ta theo Tin Lành Cơ Đốc Phục Lâm.

Tháng Ba 1962, ông bị Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm trục xuất sau những tranh cãi gay gắt về vấn đề thánh giá và các ảnh tượng trong nhà thờ. Theo Ahn Sahng-hong, tôn thờ thánh giá và các ảnh tượng trong nhà thờ là tôn thờ ngẫu tượng. 23 người trong Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm tại Incheon bỏ đi với ông.

Ngày 28 tháng Tư 1964, Ahn Sahng-hong tuyên bố thành lập giáo phái mới gọi là Witnesses of Jesus Church of God (Hội Thánh Đức Chúa Trời các chứng nhân của Chúa Giêsu) tại Busan.

Ngày 24 tháng Hai 1985, Ahn Sahng-hong bị nhồi máu cơ tim đang khi ăn trưa. Ông được đưa vào nhà thương. Tuy nhiên, trên đường đi cấp cứu, Ahn Sahng-hong lại bị thêm tai biến mạch máu não. Ngày hôm sau, 25 tháng Hai, 1985 ông qua đời tại nhà thương Công Giáo Maryknoll của thành phố Busan bỏ lại người vợ và 3 đứa con.

Sau cái chết bất ngờ của Ahn Sahng-hong, tranh chấp nổi lên trong giáo phái của Ahn Sahng-hong. Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ là một nhóm tách ra từ giáo phái của Ahn Sahng-hong.

Trong khi giáo phái của Ahn Sahng-hong có thể được coi là một giáo phái Tin Lành dù có những quan điểm cực đoan, chúng ta cần khẳng định rằng cái gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Thế giới” thực chất là là một tà giáo tôn thờ Satan vì dám phạm thượng xưng mình là Thiên Chúa.

Ngày nay tà phái này có đến 450 nhà thờ tại Nam Hàn và 6,000 nhà thờ tại 175 quốc gia khác với hơn 2 triệu tín đồ.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN