Home / Tiêu Điểm / Video: Giáo Hội Năm Châu 1-7/12/2015: Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Cộng hòa Trung Phi

Video: Giáo Hội Năm Châu 1-7/12/2015: Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Cộng hòa Trung Phi

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Cộng hòa Trung Phi
Trong chuyến tông du Phi Châu đầu tiên của Đức Thánh Cha từ 25 đến 30 tháng 11 vừa qua, viếng thăm Cộng hòa Trung Phi được xem là cuộc viếng thăm nguy hiểm nhất trong suốt 11 chuyến tông du đã được Đức Thánh Cha thực hiện cho đến nay. Hoàn cảnh của Giáo Hội tại quốc gia này và những biến cố chính đối với Giáo Hội địa phương đã diễn ra trong chuyến tông du vừa qua là những nội dung chính chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em trong chương trình Giáo Hội Năm Châu tuần này.
Sáng Chúa Nhật 29/11 Đức Thánh Cha đã từ giã Uganda để sang Cộng hòa Trung Phi là chặng thứ ba trong chuyến tông du Phi châu lần đầu tiên của ngài.
Lúc 8 giờ sáng Đức Thánh Cha đã từ giã các nhân viên Tòa Sứ Thần để ra phi trường cách đó 45 cây số đáp máy bay đi Trung Phi. Lễ nghi từ biệt đã diễn ra tại phi trường quốc tế Entebbe. Đức Thánh Cha đã được tổng thống tiếp đón tại lối vào dành cho các nhân vật quan trọng. Hai vị đã đàm đạo riêng với nhau trước khi lễ nghi tiễn biệt bắt đầu. Ban quân nhạc đã cử quốc thiều Vatican và quốc thiều Uganda. Đức Thánh Cha đã bắt tay từ biệt tổng thống Yoweri Kaguta Museveni và các vị lãnh đạo chính trị dân sự cũng như các Giám Mục Uganda.
Lúc 9 giờ 15 chiếc máy bay A330 của hãng hàng không Alitalia chở Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh rời phi trường Entebbe để trực chỉ phi trường quốc tế M’poko của thủ đô Bangui cách đó 1,618 cây số.
Cộng hòa Trung Phi có 5,390,000 dân trong đó 25% là người Công Giáo sinh hoạt trong một tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Bangui và 8 giáo phận. Tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi là rất đáng lo ngại. 
Thật vậy, ngày 24 tháng Ba năm 2013 quân Hồi Giáo Seleka chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống. Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm 2014 để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.
Ngay chính tại ngôi nhà thờ mà quý vị và anh chị em thấy đây lúc 3h chiều ngày 7 tháng 7 năm 2014, tức là chỉ mới hơn một năm, 4 tháng trước đây, quân khủng bố Hồi Giáo Seneka đã tấn công vào ngôi nhà thờ này nơi đang có 6000 dân thường tạm trú. Chúng tàn sát hàng trăm người trong khuôn viên nhà thờ, và cả những người đã chạy vào trú ẩn bên trong ngôi thánh đường này.
Nhiều người trông đợi rằng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên được mở là cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, tại Thánh Đô Rôma, trung tâm của Giáo Hội Hoàn Vũ, vào ngày 08 tháng 12 tới đây. Tuy nhiên, cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên, do chính Đức Thánh Cha mở, lại là cửa thánh tại nhà thờ chính toà Thánh Giuse ở thủ đô Bangui của một nước cộng hòa mà nhiều người có lẽ cũng chẳng biết cái quốc gia ấy nằm ở đâu trên bản đồ thế giới; và biến cố này đã xảy ra hôm Chúa Nhật 29 tháng 11, trước cả ngày chính thức khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Giải thích với các ký giả về điều này, cha Lombardi cho biết lòng thương xót Chúa và mối quan hệ gần gũi giữa con người và Thiên Chúa là những khía cạnh trung tâm trong sứ vụ tông đồ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là lý do tại sao cử chỉ quan trọng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Bangui có ý nghĩa đặc biệt. “Đức Thánh Cha muốn bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót ở một vùng đất nghèo, cần lòng thương xót, tha thứ, hòa giải, tình yêu. Đó là một thông điệp mạnh mẽ đối với châu Phi và trên thế giới”.
Dịp này, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cũng nhận xét rằng trong thời gian qua, câu hỏi thường được nhiều người đặt ra cho ngài là liệu Đức Thánh Cha có tông du Cộng hòa Trung Phi hay không. Cha Lombardi cho biết ngài “không bao giờ nghi ngờ việc Đức Giáo Hoàng sẽ tới thăm Cộng hòa Trung Phi”. 
Cha Lombardi cũng nhắc lại lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hôm nay Bangui là thủ đô tinh thần của thế giới … Năm Thánh Lòng Thương Xót bắt đầu sớm hơn ở vùng đất đã phải chịu đựng trong nhiều năm những hậu quả của chiến tranh, hận thù, sự hiểu lầm và tình trạng thiếu vắng hòa bình.”
Cao điểm trong chuyến tông du Cộng hòa Trung Phi của Đức Thánh Cha Phanxicô là thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi sáng tại trung tâm thể thao Barthélémy Boganda ở thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi. Boganda là tên linh mục Công Giáo bản xứ đầu tiên tại Trung Phi, thụ phong hồi năm 1938. Sau này đã cha hồi tục hồi năm 1950 và trở thành tổng thống trong một thời gian ngắn khi Trung Phi được độc lập hồi năm 1960. Boganda được coi là vị lập quốc, và ngày qua đời 29-3 của vị này cũng là Lễ Quốc Khánh của Cộng hòa Trung Phi.
Trung tâm thể thao chỉ có 30 ngàn chỗ nên nhiều tín hữu tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha từ bên ngoài qua những màn hình khổng lồ.
Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi và mừng kính thánh Anrê Tông Đồ. Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Giám Mục và hàng trăm linh mục. Trong số những người hiện diện cũng có bà Tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza.
Đức Thánh Cha đã đi xe vòng quanh thao trường để chào thăm mọi người, trong bầu không khí rất nồng nhiệt. Trong thánh lễ những những đoàn vũ theo nhịp điệu và tiếng trống cổ truyền, nhất là lúc rước sách Phúc Âm, khi dâng lễ và sau khi rước lễ.
Trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Ý và được dịch từng đoạn ra tiếng địa phương, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy thực hành lời dạy của Chúa Giêsu với các môn đệ “Hãy sang bờ bên kia”, vượt thắng những khó khăn và đau khổ trong niềm tín thác. Ngài nói:
“Thật là tốt đẹp, nhất là trong thời kỳ khó khăn, khi những thử thách và đau khổ không thiếu, khi tương lai bất định và ta cảm thấy mệt mỏi, không chịu nổi, thật là tốt đẹp quây quần quanh Chúa, như chúng ta đang làm hôm nay, để vui hưởng sự hiện diện của Chúa, đời sống mới và ơn cứu độ Chúa đề nghị cho chúng ta, như bờ bên kia mà chúng ta phải hướng tới.
“Bờ bên kia, chắc chắn là đời sống vĩnh cửu, là Trời nơi chúng ta đang mong đợi. Cái nhìn này hướng về thế giới tương lai luôn nâng đỡ lòng can đảm của các tín hữu Kitô, những người nghèo khổ, bé nhỏ nhất, trong cuộc lữ hành trần thế của họ. Cuộc sống vĩnh cửu ấy không phải là một ảo tưởng, không phải là một sự trốn chạy trần thế; đó là một thực tại quyền năng kêu gọi chúng ta và đòi chúng ta dấn thân trong sự kiên trì tin tưởng và yêu thương.
“Nhưng bờ bên kia gần kề hơn, mà chúng ta tìm cách đạt tới là một thực tại đã biến đổi cuộc sống của chúng ta ngay từ bây giờ và thế giới chúng ta đang sống: “Người tin tưởng từ thâm tâm đã trở nên công chính” (Xc Rm 10,10). Họ đón nhận chính sự sống của Chúa Kitô, đấng làm cho họ có khả năng yêu mến Thiên Chúa và anh chị em một cách mới mẻ, đến độ làm nảy sinh một thế giới được tình yêu canh tân.
Đức Thánh Cha cũng nói với các tín hữu Công Giáo Trung Phi rằng: “Tôi muốn cùng với anh chị em cảm tạ Thiên Chúa Nhân Từ, vì tất cả những gì Chúa ban cho anh chị em, những gì là đẹp đẽ, quảng đại, can đảm, trong các gia đình và cộng đoàn của anh chị em, trong những biến cố xảy ra tại đất nước Anh chị em từ nhiều năm nay. Nhưng thực sự là chúng ta chưa đi tới đích, chúng ta còn như ở giữa dòng sông, chúng ta phải can đảm quyết định, với một quyết tâm truyền giáo được đổi mới, đi sang bờ bên kia. Mỗi Kitô hữu phải liên tục đoạn giao với những gì là con người cũ còn ở trong mình, con người tội lỗi, và luôn sẵn sàng thức tỉnh đối với tiếng gọi của ma quỉ, và những gì nó hành động trong thế giới chúng ta, và trong những thời kỳ xung đột, oán thù và chiến tranh, nó muốn đưa chúng ta tới ích kỷ, co cụm vào mình và nghi kỵ, bạo lực và bản năng tàn phá, báo thủ, bỏ rơi và bóc lột những người yếu thế nhất…
Tiếp tục bài giảng thánh lễ cuối cùng tại Phi châu sáng hôm (30-11), Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta cũng biết rằng các cộng đoàn Kitô của chúng ta được kêu gọi nên thánh, nhưng còn bao nhiêu đường dài phải đi. Chắc chắn tất cả chúng ta phải xin lỗi Chúa vì quá nhiều kháng cự và chậm chạp của chúng ta trong việc làm chứng cho Tin Mừng. Ước gì Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa mới bắt đầu tại đất nước Anh chị em, là cơ hội để thực thi lòng thương xót. Hỡi anh chị em Trung Phi thân mến, nhất là anh chị em cần hướng nhìn về tương lai, và dựa vào kinh nghiệm con đường đã đi qua, hãy quyết định thực hiện một giai đoạn mới trong lịch sử Kitô tại đất nước Anh chị em, mạnh mẽ tiến về chân trời mới, ra khơi..
Đức Thánh Cha mời gọi mỗi tín hữu hãy tự hỏi trong thâm tâm về quan hệ bản thân của mìh với Chúa Giêsu, xem xét xem điều gì mình đã chấp nhận – hoặc từ khước, để đáp lại tiếng Chúa gọi theo sát ngài. Tiếng kêu của các sứ giả vang dội hơn bao giờ hết nơi tai chúng ta, chính trong thời kỳ cam go..Tiếng kêu ấy hôm nay cũng vang dội tại đất nước Trung Phi này.. Cả chúng ta, như thánh Phaolô Tông Đồ, cũng phải tràn đầy hy vọng và hăng hái đối với tương lai.. Bờ bên kia ở trong tầm tay, và Chúa Giêsu vượt qua sông với chúng ta..
Đức Thánh Cha nói: “Hỡi các tín hữu Kitô Trung Phi, mỗi người trong anh chị em được kêu gọi trở thành người thực hiện sự canh tân nhân bản và tinh thần cho đất nước Anh chị em, với lòng kiên trì trong đức tin và dấn thân truyền giáo. Tôi nhấn mạnh rằng: trở thành người thực hiện sự canh tân về mặt nhân bản và tinh thần.”
Cuối thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga, của giáo phận thủ đô Bangui cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Phi đã đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha. Ngài gọi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là “Những ngày chắc chắn được ghi vào tâm hồn chúng con cũng như vào lịch sử đất nước chúng con.. Cuộc tông du của Đức Thánh Cha chắc chắn đánh dấu khởi đầu một giai đoạn mới cho toàn dân Trung Phi. Mặc dù có những cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị, với những hậu quả kèm theo là các vụ ám sát, tàn hại và phá hủy, nhưng mỗi quan tâm mục vụ của Đức Thánh Cha đối với chúng con là một dấu chỉ hy vọng”.
Đức Tổng Giám Mục đã giới thiệu 3 bức tranh mà cộng đoàn Công Giáo Trung Phi tặng Đức Thánh Cha được làm bằng gỗ và những cánh bướm, 2 bức tượng bằng gỗ mun. Và Đức Thánh Cha tặng mỗi giáo phận Trung Phi một Mặt Nhật Mình Thánh Chúa để dùng trong việc chầu Thánh Thể liên lỷ.
Trước khi ban phép lành kết thúc, Đức Thánh Cha nhắc đến lễ thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng Giáo Hội Chính Thống Constantinople ở Thổ nhĩ kỳ và nói: “Trong ngày lễ kính thánh Anrê, từ đây, nơi con tim của Phi châu, tôi muốn ngỏ lời với người anh em rất yêu quí của tôi, Bartolomaios, Thượng Phụ chung. Tôi cầu chúc ngài hạnh phúc và tình huynh đẹ, tôi cầu xin Chúa chúc lành cho các Giáo Hội anh em của chúng ta”.
Thánh lễ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Sau đó Đức Thánh Cha ra phi trường cách đó 5 cây số để đáp máy bay trở về Roma. Và sau hơn 6 tiếng đồng hồ, ngài đã trở về tới Phi trường Ciampino ở Roma lúc gần 7 giờ tối 30-11 cùng ngày.

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …