Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Giáo Hội Năm Châu 05/11/2016: Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Thụy Điển

Video: Giáo Hội Năm Châu 05/11/2016: Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Thụy Điển

1. Đức Thánh Cha đến Thụy Điển

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Thụy Điển trong khuôn khổ một chuyến tông du hai ngày 31/10 và 1/11. Ngài rời sân bay Fiumicino của Roma lúc 08:20 sáng thứ Hai 31 tháng 10 và đến thành phố Malmö ở phía nam Thụy Điển lúc 11:00.

Ra đón Đức Thánh Cha tại sân bay có Thủ tướng Thụy Điển là ông Stefan Löfven, và bà Alice Bah-Kuhnke, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Dân chủ. Hai vị này đã có cuộc gặp riêng với Đức Thánh Cha tại sân bay. Ra đón Đức Thánh Cha tại sân bay còn có một số vị lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là các Giám Mục Công Giáo Bắc Âu và một số thành viên Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới.

Sau nghi thức chào đón chính thức, Đức Thánh Cha đến thành phố Lund lân cận và thăm xã giao vua Thụy Điển Carl Gustav thứ 16 và Hoàng hậu Silvia, tại Cung điện Kungshuset của Hoàng gia ở Lund.

Sau đó, cùng với người đứng đầu Liên đoàn Luther Thế giới, ngài chủ trì một buổi cầu nguyện đại kết ở nhà thờ Lund lúc 2h15 giờ địa phương.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha tham gia vào một sự kiện đại kết thứ hai tại Malmo và gặp gỡ các phái đoàn của các Giáo Hội Kitô khác nhau có mặt trong dịp này.

Sáng thứ Ba, Lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại Malmö cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Thụy Điển.

Chào mừng các ký giả cùng đi trên chuyến bay đến Malmo vào sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyến tông du này và yêu cầu các nhà báo giúp công chúng hiểu lý do ngài sang Thụy Điển để kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách Tin Lành.

Đức Thánh Cha nói: “Cuộc hành trình này là quan trọng bởi vì nó là một cuộc hành trình của Giáo Hội, nó rất có tính Giáo Hội trong lĩnh vực đại kết. Công việc của anh chị em sẽ là một đóng góp to lớn trong việc bảo đảm cho mọi người có thể hiểu nổi”.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Thụy Điển là chuyến tông du thứ 17 của ngài bên ngoài Ý Đại Lợi để đánh dấu kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách. Sự kiện này được coi là đỉnh cao của những tiến bộ đại kết giữa Công Giáo và Tin Lành Luther sau 50 năm đối thoại, với những thành quả nổi bật như việc ký kết Tuyên bố chung về Công Chính Hóa vào năm 1999, và việc công bố một lịch sử chung về cuộc cải cách Tin Lành vào năm 2013 trong tài liệu có tựa đề “Từ xung đột đến Hiệp Thông”.

[Quảng cáo cho Đại Hội 20 Năm VietCatholic tại Orange County – Xin xem mẫu thầy Đạt đã làm http://vietcatholic.net/News/Html/199551.htm ]

“Xin trân trọng kính mời quý vị và anh chị em tham dự lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động tông đồ truyền giáo của VietCatholic tại Orange County, California, Hoa Kỳ vào ngày thứ Sáu 25 tháng 11 sắp tới.

Thánh lễ tạ ơn sẽ được diễn ra vào lúc 3 giờ 30 chiều tại nhà thờ Holy Spirit số 17270 Ward Street – Fountain Valley, California 92708.

Sau đó là tiệc mừng và chương trình văn nghệ đặc sắc vào lúc 5 giờ 30 chiều cùng ngày do các ca nhạc sĩ Công Giáo trình diễn tại Sea Food Palace số 6731 Westminster Avenue, California 92683.

Sự hiện diện của quý vị và anh chị em là niềm khích lệ trân quý đối với chúng tôi.”

2. Chuyến tông du gây nhiều tranh cãi

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi vừa tường trình, Đức Thánh Cha đã yêu cầu các ký giả giúp công chúng hiểu lý do ngài sang Thụy Điển tham dự kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách. Đức Thánh Cha nói như thế vì việc ngài tham dự kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách Tin Lành gặp nhiều chống đối ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo.

Những người chỉ trích việc Công Giáo tham gia vào những hoạt động mừng 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành nói rằng cuộc cải cách này là một cái gì đó để than khóc, chứ không phải là để tổ chức ăn mừng.

Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, là Đức Hồng Y Gerhard Müller, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 31 tháng Ba, 2016 rằng: “Người Công Giáo chúng ta không có lý do để ăn mừng ngày 31 tháng 10 năm 1517, ngày đó được coi là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.”

Thực vậy, cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu.

5 thế kỷ trước đây, sau khi Phong Trào Cải Cách Thệ Phản thắng thế ở đây, theo sau cuộc nổi loạn của Martin Luther, người Công Giáo bị bách hại công khai tại Thụy Điển. Những ai không chấp nhận bỏ đạo để theo Tin Lành Lutheran bị trừng phạt nặng nề: tù đày, phát vãng, treo cổ.

3. Đức Hồng Y Kurt Koch nhận định chuyến thăm Thụy Điển cuả Đức Thánh Cha có thể mở đường cho sự hiệp thông trọn vẹn

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu chuyến thăm hai ngày tại Thụy Điển, để tham dự lễ tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành Luther, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo nói rằng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng có thể là một bước quan trọng hướng tới việc phục hồi đầy đủ sự hiệp thông trọn vẹn giữa người Công Giáo và người Tin Lành Luther.

Đức Hồng Y Kurt Koch nói rằng thật là “một dấu chỉ tốt đẹp” khi người Công Giáo và người Tin Lành Luther có thể tham gia một buổi cầu nguyện chung vào ngày kỷ niệm của phong trào Cải Cách. Trong quá khứ, ngài cho biết, cả hai nhóm có xu hướng tiếp cận với vấn đề theo kiểu luận chiến dịp kỷ niệm này, thay vì tìm kiếm nền tảng chung. Sự kiện trong tuần này, theo Đức Hồng Y, phản ánh những tiến bộ đạt được trong “50 năm đối thoại thần học sâu rộng.”

“Tôi hy vọng sự kiện này sẽ là một con đường tốt cho tương lai”, Đức Hồng Y Koch nói.

Sự hiệp nhất Kitô Giáo là dấu chỉ quan trọng nhất đối với sứ vụ truyền giảng Tin Mừng cho một thế giới đang ngày càng trở nên thế tục hoá và thờ ơ với đức tin. Những chia rẽ giữa các Kitô hữu là một dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô.

Tuy nhiên, có một thực tế là, những nỗ lực mị dân và a dua theo quần chúng của Tin Lành Luther tại Thụy Điển nhằm thích ứng với các quan điểm cấp tiến của người Thụy Điển về phá thai, chuyển đổi giới tính, quyền đồng tính, và trợ tử khiến cho con đường hiệp nhất còn rất xa mờ.

4. Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Điển

Thụy Điển rộng với 450 ngàn cây số vuông và dân số gần 9 triệu 750 ngàn dân, đa số theo Tin Lành Luther, vốn là quốc giáo tại Thụy Điển cho đến năm 2000.

Như đã nói trên đây, 5 thế kỷ trước, sau khi Phong Trào Cải Cách Thệ Phản thắng thế ở đây, theo sau cuộc nổi loạn của Martin Luther, người Công Giáo bị bách hại công khai tại Thụy Điển.

Giáo Hội Công Giáo chỉ được tái lập vào cuối thế kỷ 18 tại Thụy Điển và các tín hữu chỉ được hành đạo riêng tư. Hiện nay, Cộng đoàn Công Giáo tại đây họp thành một giáo phận duy nhất là giáo phận Stockholm với 115 ngàn tín hữu ghi danh chính thức và con số thực tế nhiều gấp đôi nếu kể cả những người không ghi danh. Họ thuộc 44 giáo xứ do 127 linh mục coi sóc, cùng với 30 phó tế vĩnh viễn và 168 nữ tu, theo niên giám mới nhất của Tòa Thánh..

Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Điển là Giáo Hội gồm những người nhập cư với khoảng hơn 80 ngôn ngữ khác nhau trong các giáo xứ. Các thứ tiếng có nhiều tín hữu nhất là Arập, Eritreo, Croat, Ba Lan, Sloveni, Ucraina và Việt Nam. Hơn 80% các tín hữu Công Giáo tại nước này là người nhập cư hoặc con cái của những người nhập cư. Có một số nhỏ là người Tin Lành Thụy Điển trở lại Công Giáo.

5. Giáo Hội Tin Lành Luther tại Thụy Điển

Theo thống kê vào tháng 7 năm 2016, Thụy Điển có 9,880, 640 dân trong đó 87% dân theo Tin Lành Luther.

Tin Lành Luther tại Thụy Điển đã mất 740,000 hoặc 11 phần trăm số thành viên trong thời gian từ năm 2005 và 2015. Việc suy giảm này vẫn đang tiếp diễn bất chấp các nỗ lực mị dân của Giáo Hội này nhằm thích ứng các quan điểm cấp tiến của người Thụy Điển về phá thai, chuyển đổi giới tính, quyền đồng tính, và trợ tử. Các Giáo Hội chị em tại các lân bang Na Uy và Đan Mạch cũng đang mất dần các thành viên, nhưng không nhanh chóng như tại Thụy Điển.

Trong Tin Lành Luther tại Thụy Điển, nhiều người ủng hộ cho các nỗ lực tháo thứ này bất chấp việc a dua, theo đuôi quần chúng này mâu thuẫn trầm trọng với Phúc Âm.

Giám Mục Stockholm là Eva Brunne tự hào nói rằng “Chúng tôi vẫn còn 6.1 triệu thành viên. Đây là một trong ba Giáo Hội Tin Lành Luther lớn nhất thế giới”.

Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới hiện qui tụ 145 Giáo Hội Tin Lành Luther tại 98 quốc gia trên thế giới với tổng số 74 triệu tín đồ.

Là một giám mục đầu tiên của Thụy Điển công khai sống đồng tính, Brunne, 62 tuổi, đại biểu cho khuôn mặt một Giáo Hội hiện đại chuyên thích ứng với thời thế.

Nhưng trong Tin Lành Luther tại Thụy Điển cũng có những người nhận định rằng Giáo Hội này đã đi quá trớn và chính việc thích ứng này không cứu nổi Giáo Hội này nhưng còn làm cho nhiều người chán ngán.

Sara Skyttedal, chủ tịch giới trẻ của Đảng Dân Chủ Kitô Giáo, một đảng nhỏ ở quốc hội, nói rằng “Về căn bản, Tin Lành Luther đã đánh mất nội dung cốt lõi của nó”.

Skyttedal, người đã làm chuyện họa hiếm ở Thụy Điển là trở lại Đạo Công Giáo, nói rằng người Tin Lành Luther Thụy Điển tha thiết muốn thích ứng với một hệ thống lý tưởng và niềm tin có thể làm động lực cho các hành động xã hội đến nỗi đã gây nguy hại cho các tín điều căn bản của Kitô Giáo.

Skyttedal nói rằng “Dù chúng ta cần sự tiến bộ trong xã hội về nhiều phương diện, nhưng ta cũng cần có điều gì đó bất biến chứ. Đó là điều làm tôi bị lôi cuốn về phía Giáo Hội Công Giáo”.

6. Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund của Tin Lành Luther

Lễ tưởng niệm có chủ đề là “Từ xung đột đến hiệp thông – Liên kết trong hy vọng” và diễn ra tại nhà thờ chính tòa giáo phận Lund lúc 2h15 chiều. Việc tham dự lễ tưởng niệm cũng là chủ đích nguyên thủy và chính yếu trong chuyến viếng thăm đại kết của Đức Thánh Cha tại Thụy Điển. Sau đó, chương trình được bổ sung thêm với thánh lễ ngài cử hành cho cộng đoàn Công Giáo Thụy Điển sáng ngày 1-11-2016, lễ Các Thánh.

Lund chỉ có 82 ngàn dân cư, được chọn làm nơi cử hành buổi lễ tưởng niệm, vì đây là nơi các Giáo Hội Tin Lành Luther trên thế giới đã nhóm họp năm 1947 để thành lập Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới, năm tới là kỷ niệm 70 năm thành lập. Ngày 31-10 được chọn để nhắc lại ngày cải cách: 31-10 năm 1517, Martin Luther yết thị 95 mệnh đề của ông tại cửa Nhà thờ lâu đài Wittemberg bên Đức.

Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund rất cổ kính, có từ hơn 1 ngàn năm nay, được xây cất hồi năm 1080.

7. Buổi tưởng niệm tại Lund

Khi đến nhà thờ chính tòa giáo phận Lund, lúc gần 2 giờ 30, Đức Thánh Cha đã được bà Tổng Giám Mục Antje Jackelén, giáo chủ Tin Lành Luther Thụy Điển và Đức Giám Mục Công Giáo Anders Arborelius của giáo phận Stockholm chào đón tại cửa thánh đường và cùng đi rước tiến lên bàn thờ chính. Cùng thuộc đoàn rước này có các đại diện của Liên hiệp Luther thế giới.

Trong số 600 khách mời hiện diện tại buổi cầu nguyện có hoàng gia Thụy Điển và chính quyền nước này.

Trong buổi cầu nguyện, hai đại diện của Tin Lành Luther và Công Giáo đã nhìn nhận những đau thương các tín hữu hai Giáo Hội đã gây ra cho nhau trong lịch sử và cầu xin ơn tha thứ của Chúa.

Sau các bài đọc sách thánh, là bài giảng của Mục Sư Martin Junge, Tổng thư ký Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới. Mục sư diễn giải ý nghĩa bài đọc Tin Mừng theo thánh Gioan về lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ở lại trong Người như nhánh gắn vào thân cây nho.

Mục sư Junge nói: Khi thấy Chúa Giêsu Kitô ở giữa chúng ta, chúng ta bắt đầu nhìn nhau một cách khác. Chúng ta nhìn nhận có rất nhiều điều liên kết chúng ta hơn là những điều chia rẽ. Chúng ta là một trong bí tích rửa tội. .. Chúng ta họp nhau nơi đây và sẵn sàng tái khám phá chúng ta là ai trong Chúa Kitô. .. Phép rửa tội là lời loan báo ngôn sứ chữa lành và hiệp nhất giữa thế giới bị tổn thương của chúng ta, nhờ đó biến thành một hồng ân hy vọng giữa một cộng đoàn nhân loại khao khát sống an bình trong công lý và trong sự khác biệt được hòa giải. Thật là một mầu nhiệm sâu xa dường nào: điều mà các dân tộc và cá nhân đang sống trong những tình trạng bạo lực và áp bức đang kêu gào cũng là điều phù hợp với điều mà Thiên Chúa nói nhỏ vào tai chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô, là gốc nho đích thực mà chúng ta được gắn liền vào. Khi kết hiệp với gốc nho ấy, chúng ta sẽ mang lại hoa trái an bình, công lý, hòa giải, thương xót và liên đới mà dân Chúa đang cầu xin và Thiên Chúa tạo nên.

8. Bài giảng của Đức Thánh Cha

Về phần Đức Thánh Cha, trong bài giảng, ngài đi từ câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: “Các con hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con” (Ga 15,4) để nói lên ước muốn này: Cũng như Chúa Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha, cả chúng ta cũng phải hiệp nhất với Chúa nếu chúng ta muốn mang lại hoa trái. Ngài nói:

“Trong cuộc gặp gỡ cầu nguyện này ở thành Lund này, chúng ta muốn biểu lộ ước muốn chung của chúng ta hiệp nhất với Chúa để có sự sống. Chúng ta cầu xin: “Lạy Chúa, xin giúp chúng con bằng ơn thánh của Chúa, để chúng con hiệp nhất hơn với Chúa để cùng nhau làm chứng tá tin cậy mến hữu hiệu hơn”. Và đây cũng là lúc cảm tạ Thiên Chúa vì sự dấn thân của bao nhiêu anh chị em chúng ta, thuộc các cộng đoàn Giáo Hội khác nhau, không cam chịu sự chia rẽ, nhưng đã duy trì sinh động niềm hy vọng hòa giải giữa tất cả những người tin nơi Chúa duy nhất”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Người Công Giáo và Luther chúng ta đã bắt đầu đồng hành trên con đường hòa giải. Giờ đây, trong bối cảnh kỷ niệm chung cuộc cải cách năm 1517, chúng ta có cơ hội mới để đón nhận một hành trình chung, đã hình thành trong 50 năm qua, với cuộc đối thoại đại kết giữa Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta không thể cam chịu sự chia rẽ và xa cách mà sự chia rẽ đã tạo ra nơi chúng ta. Chúng ta có thể sửa chữa trong một thời điểm quan trọng của lịch sự chúng ta, vượt thắng những tranh cãi và hiểu lầm thường ngăn cản chúng ta cảm thông nhau…

“Chúng ta cũng cần nhìn lại quá khứ của chúng ta trong tinh thần yêu thương và lương thiện và nhìn nhận lỗi lầm, rồi xin lỗi: chỉ có Thiên Chúa là thẩm phán. Với cùng tinh thần yêu và lương thiện, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng sự chia rẽ của chúng ta xa rời trực giác nguyên thủy của Dân Chúa, vốn tự nhiên mong ước điệp hiệp nhất, và sự chia rẽ ấy được kéo dài trong lịch sự do những người quyền thế ở trần gian này hơn là do ý muốn của dân trung thành, luôn luôn và tại mỗi nơi, họ đang cần được vị Mục Tử Nhân Lành hướng dẫn một cách vững chắc và dịu dàng. Tuy nhiên có một ý chí chân thành từ cả hai bên muốn tuyên xưng và bảo vệ đức tin chân chính; và chúng ta cũng ý thức rằng chúng ta khép kín nơi chính mình vì sợ hãi hoặc vì thành kiến đối với đức tin mà người khác tuyên xưng với sắc thái và ngôn ngữ khác nhau. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã từng nói: “Chúng ta không được để cho mình bị hướng dẫn do ý hướng muốn đặt mình làm người xét xử lịch sử, nhưng chỉ do ý hướng hiểu rõ hơn những biến cố và trở thành những người mang chân lý” (Sứ điệp gởi Đức Hồng Y Johannes Willebrands, 31-10-1983). Thiên Chúa là chủ vườn nho, và với lòng yêu thương bao la, Ngài nuôi dưỡng và bảo vệ vườn nho; chúng ta hãy để cho mình cảm động vì cái nhìn của Thiên Chúa; điều duy nhất mà Chúa muốn, đó là chúng ta hiệp nhất như cành nho gắn vào Chúa Giêsu Con của Ngài”.

Sau buổi cầu nguyện vào lúc gần 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha giã từ hoàng gia, rồi cùng đoàn xe tiến về thành phố Malmoe cách đó 28 cây số về hướng đông nam để cử hành phần thứ 2 của lễ tưởng niệm cải cách. Phần này có sự tham dự của 10 ngàn tín hữu, kể cả đại diện của nhiều Giáo Hội Kitô khác.

9. Lễ các Thánh Nam Nữ tại tại Malmö

Lúc 9h30 sáng thứ Ba 1 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ cho cộng đoàn Công Giáo tại Thụy Điển tại sân túc cầu Swedbank. Khoảng 18,000 tín hữu Công Giáo đã tham dự thánh lễ này.

Sân túc cầu Swedbank, người Thụy Điển gọi là Swedbank Stadion có sức chứa tối đa là 18,000 người. Đây là địa điểm lớn nhất mà giáo phận Stockholm là giáo phận Công Giáo duy nhất tại Thụy Điển có thể tìm được. Giáo phận Stockholm hiện có 115,000 tín hữu Công Giáo nhưng vì sức chứa của sân vận động nên chỉ có 18,000 người được tham dự. Vé tham dự được phát miễn phí tại giáo xứ Vår Frälsare tại Malmö.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha khẳng định rằng nên thánh là ơn gọi của tất cả mọi kitô hữu. Các Mối Phúc Thật diễn tả gương mặt của Chúa Giêsu và là con đường nên thánh, trong đó có sự hiền dịu diễn tả tình yêu thương của Ngài, làm cho chúng ta giống Ngài và loại bỏ tất cả những gì chia rẽ khiến cho chúng ta chống đối nhau, để tiến bước trên con đường hiệp nhất.

Khi mừng kính các Thánh chúng ta không chỉ tưởng nhớ các vị đã được tôn phong hiển thánh trong dòng lịch sử, nhưng cũng tưởng niệm biết bao anh chị em đã sống cuộc đời kitô trong đức tin tràn đầy và tình yêu qua cuộc sống đơn sơ và kín ẩn. Chắc chắn trong số đó có nhiều người thân, bạn bè quen thuộc của chúng ta. Đức Thánh Cha nói:

Như thế ngày hôm nay chúng ta cử hành lễ của sự thánh thiện. Sự thánh thiện mà đôi khi không lộ hiện trong các công trình to lớn hay các thành công ngoại thường, nhưng biết sống một cách trung thành mỗi ngày các đòi hỏi của bí tích Rửa Tội. Một sự thánh thiện được làm bằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu trung tín cho tới chỗ quên chính mình để tận hiến hoàn toàn cho các người khác, như cuộc sống của các bà mẹ, các người cha hy sinh cho gia đình, bằng cách biết sẵn sàng từ bỏ biết bao nhiêu điều, và biết bao dự tính hay các chương trình riêng, mặc dù đó không luôn luôn là điều dễ dàng.

Nhưng nếu có điều gì đó định tính các thánh, thì đó là các vị thực sự là những người có phúc. Các ngài đã khám phá ra bí mật của niềm hạnh phúc đích thật, ở sâu trong tâm hồn và bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế các thánh được gọi là các người có phúc. Các Mối Phúc Thật là con đường, là đích điểm là quê hương của các ngài. Các Mối Phúc Thật là con đường cuộc sống mà Chúa chỉ cho chúng ta, để chúng ta có thể theo vết chân Ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta đã lắng nghe Chúa Giêsu công bố chúng như thế nào trước một đám đông trên một ngọn núi gần hồ Galilea.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: Các Mối Phúc Thật là gương mặt của Chúa Kitô và vì thế là gương mặt của kitô hữu. Trong các Phúc Thật ấy tôi muốn minh nhiên “Phúc cho những kẻ hiền dịu”. Chính Chúa Giêsu nói Ngài là người hiền dịu: “Các con hãy học cùng Thầy, là người hiền dịu và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Đó là nét tinh thần của Ngài và nó vén mở cho chúng ta thấy tình yêu phong phú của Ngài. Đức Thánh Cha giải thích sự hiền dịu như sau:

Sự hiền dịu là một kiểu hiện hữu và sống đưa chúng ta tới gần Chúa Giêsu và hiệp nhất giữa chúng ta với nhau; nó làm cho chúng ta từ bỏ tất cả những gì chia rẽ, làm cho chúng ta đối nghịch nhau, và khiến cho chúng ta luôn luôn tìm các phương thế mới để tiến triển trên con đường hiệp nhất, như các người con nam nữ của vùng đất này đã làm, trong đó có thánh nữ Maria Elidabétta Hasselblad, mới được phong thánh, và thánh nữ Brigida, Brigitta Vadstena, đồng Bổn Mạng Âu châu. Các ngài đã cầu nguyện và làm việc để thắt các mối dây hiệp nhất và hiệp thông giữa các kitô hữu. Có một dấu chỉ rất hùng hồn đó là chính tại đây, trong quê hương của các ngài được định tính bởi sự chung sống của các dân tộc rất khác nhau, chúng ta đang cùng nhau tưởng niệm 500 năm Cải Cách. Các Thánh có được các thay đổi nhờ sự hiền dịu của con tim. Với sự hiền dịu chúng ta hiểu sự cao cả của Thiên Chúa và chúng ta thờ lậy Ngài với lòng chân thành. Ngoài ra đó cũng là thái độ của người không có gì để mất, bởi vì sự giầu có duy nhất của họ là Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: Các Mối Phúc Thật trong một kiểu nào đó là thẻ căn cước của kitô hữu, nhận diện họ như là người theo Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi là những người có phúc, môn đệ của Chúa Giêsu, bằng cách đương đầu với các khổ đau và âu lo trong thời đại chúng ta với tinh thần và tình yêu của Chúa Giêsu. Trong nghĩa đó chúng ta sẽ có thể chỉ cho thấy nhiều tình trạng mới giúp sống chúng với tinh thần canh tân và luôn luôn thời sự: phúc cho những người chịu đựng với lòng tin những sự dữ mà người khác gây ra cho họ và sẵn sàng tha thứ; phúc cho những người nhìn vào mắt những ngưòi bị loại bỏ và gạt ra bên lề, bằng cách cho họ thấy sự gần gũi; phúc cho những ai nhận ra Thiên Chúa nơi từng người và chiến đấu để cho người khác cũng nhận ra như vậy; phúc cho những ai che chở và săn sóc căn nhà chung; phúc cho những ai từ bỏ sự giầu sang của mình vì thiện ích của người khác; phúc cho những ai cầu nguyện và làm việc cho sự hiệp thông tràn đầy của các kitô hữu. Tất cả những người đó là những người mang lòng thương xót và sự hiền dịu của Thiên Chúa, và chắc chắn họ sẽ nhận được từ Ngài phần thưởng xứng đáng.

Anh chị em thân mến, ơn gọi nên thánh là cho tất cả mọi người và cần nhận lãnh nó từ Chúa với tinh thần đức tin. Các Thánh khích lệ chúng ta với cuộc sống và lời bầu cử của các vị bên Thiên Chúa, và chúng ta cần nhau để trở nên thánh. Chúng ta hãy cùng nhau xin ơn biết tiếp nhận lời mời gọi này với niềm vui và hiệp nhất làm việc để đưa nó tới chỗ thành toàn. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Thiên Quốc, Nữ Vương các Thánh, các ý chỉ của chúng ta và cuộc đối thoại để tìm ra sự hiệp nhất trọn vẹn giữa tất cả mọi kitô hữu, để chúng ta được chúc phúc trong các nỗ lực của chúng ta và đạt tới sự thánh thiện trong hiệp nhất.

Vào cuối thánh lễ trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho tín hữu Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Cha Anders Arborelius Giám Mục Stockholm, vị chủ tịch và tổng thư ký Liên hiệp Luther thế giới và Đức Tổng Giám Mục của Giáo Hội Thụy Điển cũng như ngoại giao đoàn và tất cả những ai hiệp ý trong buổi cử hành Thánh Thể này. Ngài đặc biệt cám tạ Thiên Chúa đã cho ngài có thể đến thăm vùng đất này và gặp gỡ mọi người, có người đến từ nhiều nơi trên thế giới. Như là tín hữu Công Giáo chúng ta là thành phần của một đại gia đình, được nâng đỡ bởi cùng một sự hiệp thông. Tôi khích lệ anh chị em sống đức tin của anh chị em trong lời cầu nguyện, trong các Bí Tích và việc quảng đại phục vụ những người đau khổ và cần được giúp đỡ. Tôi cũng khích lệ anh chị em là muối và ánh sáng trong các tình trạng sống của anh chị em, với kiểu hiện hữu và hành động theo kiểu của Chúa Giêsu và với sự kính trọng lớn lao đối với tất cả những người thiện chí. Trong cuộc sống chúng ta không cô đơn, nhưng luôn luôn có sự trợ giúp và đồng hành của Đức Trinh Nữ Maria, mà hôm nay được giới thiệu với chúng ta như vị đầu tiên giữa các Thánh, môn đệ đầu tiên của Chúa. Chúng ta phó thác cho sự che chở của Mẹ và chúng ta dâng lên Mẹ các vui buồn, âu lo và khát vọng của chúng ta. Chúng ta tất cả hãy đặt mình dưới sự chở che của Mẹ, với sự chắc chắn rằng Mẹ nhìn chúng ta và lo lắng cho chúng ta với tình hiền mẫu. Đức Thánh Cha xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài. Tiếp đến ngài đọc Kinh Truyền Tin rồi ban phép lành cho mọi người.

Sau khi từ gĩa tín hữu lúc 11 giờ 45 Đức Thánh Cha đã đi xe tới phi trường Malmoe cách đó 29 cây số, để đáp máy bay trở về Roma.

Bà Alice Bah-Kuhnke, bộ trưởng Văn hóa và Dân chủ đã tiếp đón Đức Thánh Cha tại phòng khách của phi trường. Tiếp đến hai vị đã đi bộ tới nơi diễn ra buổi lễ tạm biệt và hai phái đoàn chào nhau.

Máy bay chở Đức Thánh Cha đã cất cánh lúc 12 giờ 45 và bay qua không phận của các nước Thụy Điển, Đức, Áo và Italia. Đức Thánh Cha đã về tới phi trường Ciampino sau 2 giờ 45 phút bay kết thúc chuyến viếng thăm Thụy Điển hai ngày và cũng là chuyến công du thứ 17 của Đức Thánh Cha ngoài Italia.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …