Home / Tiêu Điểm / Video: Đức Thánh Cha đến thăm trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần trong khu Harlem

Video: Đức Thánh Cha đến thăm trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần trong khu Harlem

 

Như chúng tôi đã đưa tin, sáng thứ Sáu, 25 tháng 9, vào lúc 8 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha viếng thăm và đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Sau đó, lúc 11:30 sáng Đức Thánh Cha đã tham dự một buổi cầu nguyện liên tôn tại Ground Zero cho những nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sau buổi lễ, Đức Thánh Cha đã vào thăm viện bảo tàng, nơi trưng bầy các hình ảnh và nhiều chứng tích của cuộc khủng bố.

Lúc 12 giờ 30, Đức Thánh Cha đã trở về khu vực dành cho Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc cách đó 2 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát, trưóc khi tiếp tục các sinh hoạt khác vào ban chiều.

Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến thăm trường “Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần” cách đó 4 cây số rưỡi, gặp gỡ các trẻ em và gia đình các người di cư. Trường học này tọa lạc trong khu phố Brooklyn. Tên gọi Brooklyn đến từ tiếng Hoà Lan “Breuckelen” là tên ngôi làng người di dân gốc Hoà Lan đã thành lập năm 1624. Với 2,5 triệu người Brooklyn là khu phố đông dân cư nhất trong 4 khu phố tại New York. Năm 1898 nó được gắn liền với New York nhưng vẫn tiếp tục duy trì căn tính riêng. Là nơi cập bến của người di cư, nó gồm các cộng đoàn thuần nhất theo chủng tộc và tôn giáo. Tại Brooklym có cây cầu nổi tiếng nối liền Brooklyn với Manhattan xây năm 1883, và Viện bảo tàng xây năm 1897, là một trong các viện bảo tàng lớn nhất Hoa Kỳ với hơn 1,5 triệu tác phẩm nghệ thuật thuộc các nưóc từ Ai cập cho tới các tác phẩm ngày nay.

Giáo phận Brooklyn được thành lập năm 1853 có hơn 1,4 triệu tín hữu Công Giáo trên gần 4,9 triệu dân, gồm 187 giáo xứ, 437 linh mục giáo phận, 167 linh mục dòng, 284 tu huynh, 769 nữ tu, 225 phó tế vĩnh viễn, 57 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 203 cơ cấu giáo dục và 277 trung tâm bác ái.

Trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần là một trường tiểu học có 282 học sinh tuổi từ 5 tới 14, trong đó 69% có học bổng. Các trẻ em là con các gia đình di cư có lợi tức thấp 69% đến từ châu Mỹ Latinh, các gia đình khác đến từ Phi châu và Trung Đông, 22% là người Mỹ gốc Phi châu. Trường này là một trong số 6 trường do tổng giáo phận New York điều hành với tổng cộng 2,100 học sinh, trong đó có một phần tư đến từ các quốc gia không nói tiếng Anh.

Đức Thánh Cha đã được bà giám đốc trường tiếp đón và đã tháp tùng Đức Thánh Cha vào trong phòng thể thao thể dục nơi diễn ra cuộc gặp gỡ.

Ngỏ lời với các em, Đức Thánh Cha bầy tỏ sự hài lòng được ở với các em như trong một gia đình. Ngài đặc biệt xin lỗi các giáo chức vì đã lấy ít phút giờ học. Các em thuộc các gia đình đến từ các nước khác. Cả khi không dễ mà tìm được nhà mới, các bạn bè và láng giềng mới và cuộc sống bắt đầu với nhiều vất vả : học tiếng mới, thích hợp với một nền văn hóa mới, khí hậu mới. Phải học biết bao nhiêu điều chứ không phải chỉ có bài tập của trường học. Nhưng có điều đẹp đó là các em cũng gặp các bạn mới, các người mở rộng cửa tiếp đón và cho thấy sự dịu hiền, tình bạn, sự cảm thông, và họ tìm giúp đỡ chúng ta để chúng ta không cảm thấy xa lạ. Trong cách thế đó trường học trở thành một đại gia đình cho tất cả mọi người, nơi chúng ta học giúp đỡ nhau cùng với cha me, ông bà, các nhà giáo dục, thầy dậy và bạn bè, học chia sẻ những gì là tốt lành nơi từng người, cho đi cái tốt nhất của mình, làm việc theo nhóm và kiên trì trong các mục đích. Đức Thánh Cha nhắc đến một nhân vật có ảnh hưởng lớn trên xã hội Hoa Kỳ như sau :

Bên cạnh đây có một con đường rất quan trọng với tên của một người đã làm biết bao điều tốt lành cho tha nhân, mà cha muốn cùng tưởng niệm với các con. Cha muốn nói đến Mục sư Martin Luther King. Một ngày kia ngài đã nói : « Tôi có một giấc mơ » Ngài đã mơ rằng biết bao nhiêu trẻ em, biết bao nhiêu người có được sự bình đẳng và cơ may. Ngài đã mơ rằng biết bao trẻ em như các con được giáo dục. Thật là đẹp có các giấc mơ và chiến đấu cho các giấc mơ đó.

Hôm nay chúng ta muốn tiếp tục mơ và chúng ta mừng tất cả các cơ may cho phép các con cũng như người lớn không đánh mất đi niềm hy vong vào một thế giới tốt đẹp hơn với nhiều khả thể hơn. Cha biết rằng một trong các giấc mơ của cha mẹ các con là các con có thể lớn lên trong tươi vui. Thật luôn luôn là điều đẹp, trông thấy một trẻ em cười. Ở đây người ta thấy là các con tươi cười : hãy tiếp tục như thế, và hãy giúp làm cho niềm vui lây lan tới mọi người sống chúng quanh các con.

Các trẻ em thân mến, các con có quyền mơ, và cha rất vui mừng vì các con có thể tìm thấy trong ngôi trường này, nơi các bạn bè và các thầy dậy của các con sự nâng đỡ cần thiết để làm điều ấy. Nơi đâu có các giấc mơ, nơi đó có niềm vui, nơi đó luôn có Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu là niềm vui, và muốn giúp chúng ta để cho niềm vui ấy kéo dài mọi ngày.

Trước khi từ biệt các con cha muốn cho các con một bài tập về làm ở nhà, có được không ? Đó là một lời xin đơn sơ nhưng rất quan trọng : các con đừng quên cầu nguyện cho cha, để cha có thể chia sẻ với biết bao nhiêu người khác niềm vui của Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng cầu nguyện để nhiều người có thể nếm hưởng niềm vui mà các con có.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các con và xin Đức Trinh Nữ che chở các con.

Đức Thánh Cha dã tặng cho trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần Harlem một bức tượng bằng gỗ Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi, do các điêu khắc gia vùng Trentino đông bắc Italia tạc. Sau đó ngài đi ra phiá trước trưòng để chào giới phụ huynh và dân chúng trong khu phố.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN