Ngày 28 tháng 11, tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc tế ở Nay Pyi Taw, khi tiếp đón Đức Phanxicô và giới thiệu ngài với các nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Bà Suu Kyi, Cố Vấn Tối Cao của Miến Điện, đã đọc bài diễn văn cảm kích sau đây:
Kính thưa Đức Thánh Cha Phanxicô,
Kính thưa qúy vị quan khách
Thật là một niềm hân hoan và vinh dự lớn cho tôi được nghinh đón ngài tới buổi gặp gỡ nhằm tái xác quyết niềm tin của chúng tôi vào sức mạnh và khả thể hòa bình cũng như lòng nhân từ yêu thương. Xin cho phép tôi được bắt đầu bằng cách cám ơn Đức Thánh Cha đã hiện diện ở đây với chúng tôi. Grazie per essere arrivato qui da noi.
Kính thứ Đức Thánh Cha, ngài đem đến cho chúng tôi sức mạnh và hy vọng khi ngài hiểu nhu cầu của chúng tôi, hoài mong của chúng tôi đối với hòa bình, hoà giải quốc quốc gia, và hòa hợp xã hội. Bài quốc ca của chúng tôi, được chấp nhận lúc chúng tôi giành được độc lập, bắt đầu bằng các lời lẽ sau đây: “Đừng bao giờ chệch hướng khỏi tự do công chính” quả đã phản ảnh niềm xác tín rất mạnh mẽ của các quốc phụ từng sáng lập ra quốc gia của chúng tôi rằng tự do đích thực không thể sinh tồn nếu không có công lý. Những lời lẽ này vang vọng nơi chúng tôi hôm nay, y hệt như chúng đã vang vọng nơi những vị đã chiến đấu cho nền độc lập để nhân dân chúng tôi có thể thể hiện trọn vẹn các tiềm năng của họ. Phận sự của chúng tôi là tiếp nối trách vụ xây dựng một quốc gia đặt nền tảng trên luật lệ và các định chế nhằm bảo đảm cho mỗi người và cho mọi người trên lãnh thổ này nền công lý, tự do và an ninh. Thành thử, lời lẽ của Đức Thánh Cha nói về việc các ngôn sứ ngày xưa coi công lý như là căn bản của mọi nền hòa bình chân thực và lâu dài quả vang vọng nơi chúng tôi và được dùng để nhắc nhở chúng tôi rằng trong mưu cầu hòa bình của mình, chúng tôi phải được hướng dẫn bởi đức khôn ngoan và các khát vọng của cha ông chúng tôi.
Kính thưa Đức Thánh Cha, các thách đố mà Miến Điện đang đối phó thì khá nhiều, và mỗi thách đố đều đòi phải mạnh mẽ, kiên trì và can đảm. Quốc gia chúng tôi là một tấm thảm phong phú gồm nhiều dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau, đan kết trên một tấm phông tiềm năng thiên nhiên rộng lớn. Mục đích của Chính Phủ chúng tôi là khai thác vẻ đẹp của tính đa dạng này và biến nó thành sức mạnh của chúng tôi, bằng cách bảo vệ các quyền, cổ vũ lòng khoan dung, bảo đảm an ninh cho mọi người. Cố gắng qúy báu nhất của chúng tôi là đẩy mạnh diễn trình hòa bình dựa trên Thỏa Hiệp Ngưng Bắn Tòan Quốc vốn do chính phủ tiền nhiệm khởi xướng. Con đường hòa bình không luôn phẳng phiu nhưng nó là con đường duy nhất sẽ dẫn nhân dân chúng tôi tới giấc mơ của họ về một quê hương công chính và thịnh vượng, một quê hương sẽ là nơi nương náu, niềm hãnh diện và niềm hân hoan của họ. Việc tìm kiếm hòa bình phải được tăng cường nhờ việc đạt được một sự phát triển lâu dài để tương lai của các thế hệ đang tới được bảo đảm.
Trong các thách đố mà chính phủ chúng tôi đã và đang đối phó, tình hình ở Rakhine vốn lôi kéo được sự chú ý mạnh mẽ nhất của thế giới. Khi chúng tôi giải quyết các vấn đề lâu đời thuộc phạm vi xã hội, kinh tế và chính trị, những vấn đề đã và đang xói mòn lòng tin và sự hiểu biết, sự hòa hợp và cộng tác, giữa các cộng đồng khác nhau tại Rakhine, thì việc ủng hộ của nhân dân chúng tôi và của các bằng hữu chỉ những mong chúng tôi thành công trong các cố gắng của mình quả là vô giá. Kính thưa Đức Thánh Cha, các ơn phúc cảm thương và khích lệ mà ngài mang tới cho chúng tôi sẽ được trân qúi và chúng tôi học thuộc lòng các lời lẽ trong thông điệp cử hành Ngày Thế Giới Hoà Bình lần thứ 51, 1 tháng Giêng năm 2017:
“Chính Chúa Giêsu đã cho ta một ‘thủ bản’ về chiến thuật xây dựng hòa bình này trong Bài Giảng Trên Núi. Tám mối phúc thật (xem Mt 5:3-10) cung cấp một bức chân dung về những người ta có thể mô tả là hạnh phúc, tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu dạy chúng ta, hạnh phúc thay người hiền lành, người có lòng thương xót và những người xây dựng hòa bình, những ai trong sạch trong tâm hồn, và những ai đói khát công lý.
“Đó cũng là một chương trình và thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các người cầm đầu các định chế quốc tế, và các nhà chấp hành doanh nghiệp và truyền thông: áp dụng các mối phúc vào việc thi hành các trách nhiệm tương ứng của họ. Đó là một thách đố để xây dựng xã hội, các cộng đồng và doanh nghiệp bằng cách hành động như những người xây dựng hòa bình. Đó là việc tỏ bầy lòng thương xót bằng cách không chịu liệng bỏ người ta, gây hại tới môi trường, hay tìm cách thắng thế bằng bất cứ giá nào”.
Kính thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi tự hào và sung sướng được ngài tới đất nước chúng tôi chỉ đúng sáu tháng sau ngày thiết lập các liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Miến Điện. Đây không những chỉ là việc mở ra một thời đại mới cho các mối liên hệ gần gũi, mà nó còn phục hồi các mối dây liên kết cũ mà tôi, và nhiều người khác thuộc thế hệ tôi, vẫn còn nhớ một cách âu yếm và đánh giá cao. Tôi bắt đầu được giáo dục tại Tu Viện Thánh Phanxicô ở Rangoon, điều này khiến tôi có cái mơ mộng là mình có quyền được Đức Thánh Cha ban phép lành đặc biệt. Nhưng mọi phúc lành được ngài ban sẽ được chia sẻ giữa mọi người chúng tôi để chúng tôi có thể loan truyền thiện chí và niềm vui khắp lãnh thổ của chúng tôi.
Kính thưa Đức Thánh Cha, mỗi thời đại trong đời sống một quốc gia đều mang theo các trách nhiệm riêng của nó y hệ như nó phải mang theo di sản quá khứ. Hôm nay, chúng tôi được trao cho cơ hội thực hiện các thay đổi nhằm mở ra một viễn cảnh tiến bộ mới mẻ để quốc gia chúng tôi cố gắng chu toàn các bổn phận của mình một cách chính trực và khiêm cung. Chúng tôi mong để lại cho tương lai một lãnh thổ được nuôi dưỡng một cách đầy quan tâm và tôn kính, một lãnh thổ lành mạnh, một lãnh thổ xinh đẹp. Chúng tôi mong để lại cho tương lai một dân tộc đoàn kết, sống hòa bình, an toàn trong khả năng phát triển và thịnh vượng giữa lòng một thế giới đang đổi thay; một dân tộc biết cảm thương và đại lượng, luôn sẵn sàng chìa bàn tay giúp đỡ cho những người thiếu thốn; một dân tộc mạnh về kỹ năng và toàn vẹn trong tinh thần.
Kính Thưa Đức Thánh Cha, con cái của Giáo Hội ở đất nước này cũng là con cái của Miến Điện, được yêu thương và trân quí. Chúng tôi cám ơn họ, như chúng tôi đang cám ơn ngài, đã cầu nguyện cho quốc gia chúng tôi và mọi dân tộc trên thế giới. Con đường trước mắt còn dài nhưng chúng tôi sẽ bước đi đầy lòng tin, tín thác vào sức mạnh của hòa bình, của tình yêu, và niềm vui.
Kính thưa Đức Thánh Cha, continuiamo a camminare insieme con fiducia.
Nguồn: VietCatholic News