Home / Tiêu Điểm / Video: Chuyến Tông Du Đầy Phong Ba Của Đức Thánh Cha Tại Cộng Hòa Trung Phi

Video: Chuyến Tông Du Đầy Phong Ba Của Đức Thánh Cha Tại Cộng Hòa Trung Phi

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh tại phi trường quốc tế Entebe của thủ đô Kampala của nước Uganda lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 29 tháng 11.

Chiếc máy bay của hãng hàng không Aliatalia của Ý đã chở Đức Thánh Cha từ Rôma sang thủ đô Nairobi của Kenya vào hôm thứ Tư 25 tháng 11, và sau đó chở ngài đến thủ đô Kampala của nước Uganda chiều thứ Sáu 27 tháng 11 vừa qua. Giờ đây chiếc máy bay này sẽ chở Đức Thánh Cha sang thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi, là chặng cuối trong chuyến tông du 3 nước Phi Châu.

Chúng ta có thể thấy rõ những nét ưu tư trên khuôn mặt các vị ra tiễn Đức Thánh Cha tại phi trường Entebe vì tình trạng an ninh của Cộng hòa Trung Phi khiến cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha rất là nguy hiểm. Bầu trời xám xịt có lẽ còn làm cho lòng người nặng trĩu hơn.

Pháp có một lực lượng, tên là Sangaris, gồm 900 binh sĩ đang có mặt tại Cộng hòa Trung Phi nhằm hỗ trợ cho 12 ngàn binh sĩ thuộc đạo quân Minusca của Liên Hiệp Quốc. Quan điểm của Bộ quốc phòng Pháp là chỉ có cảnh sát và quân đội của nước sở tại mới có khả năng thu thập được những tin tình báo thiết yếu cho việc bảo vệ các cuộc tụ tập đông người. Tuy nhiên, quân đội và cảnh sát Cộng hòa Trung Phi chưa được hoàn toàn tái lập. Trong tư cách là quân đội ngoại bang đóng trên đất Trung Phi, quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc không có khả năng bảo đảm an ninh cho các yếu nhân và cho sự di chuyển của đám đông dân chúng đông đảo các tín hữu Trung Phi và những người đến từ các nước lân cận như Cameroon, Congo Brazaville.. trên những con đường không được an toàn. Lực lượng Pháp có thể bảo đảm an ninh tại phi trường và di tản các giới chính quyền và giáo quyền trong trường hợp xảy ra tấn công, nhưng không thể làm hơn được.

Trước những lời cảnh báo này, cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng vẫn duy trì ý định đến thăm Trung Phi. Cha Lombardi nói: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không thay đổi kế hoạch đến Cộng hòa Trung Phi.”

Tối thứ Bẩy 28 tháng 11, sau một ngày mệt nhoài với một thời biểu bận rộn bao gồm chuyến thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Anh Giáo và Công Giáo tại Namugongo, Thánh Lễ kính các Thánh Tử Đạo Uganda, gặp gỡ với giới trẻ tại phi trường Kololo, thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, gặp gỡ với các Giám Mục Uganda tại Tòa Tổng Giám Mục thủ đô Kampala, và gặp gỡ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và chủng sinh bên trong nhà thờ chính tòa thủ đô Kampala; cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, mở cuộc họp báo và khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Ngày mai chúng tôi sẽ đáp máy bay đi Cộng Hòa Trung Phi”.

Viên phi công của hãng hàng không Alitalia cho các ký giả biết Đức Thánh Cha đã muốn đến thăm Cộng Hòa Trung Phi bằng mọi giá, ngài nói với viên phi công:

“Tôi muốn đi đến Trung Phi. Nếu anh không thể hạ cánh thì cho tôi chiếc dù tôi sẽ nhảy xuống”. Máy bay của Đức Thánh Cha đã cất cánh rời phi trường Entebe trực chỉ thủ đô Cộng hòa Trung Phi lúc 9h15’ giờ địa phương, tức là 8h15’ theo giờ Bangui.

Trước quyết tâm thăm Cộng hòa Trung Phi của Đức Thánh Cha, Liên Hiệp Quốc đã đưa thêm 300 quân vào thủ đô Bangui. 

Sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, người ta có thể thấy quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc trên những chiếc xe bọc thép tuần tiễu trên đường phố Bangui, đặc biệt là dọc theo con đường từ thành phố đến phi trường Bangui nơi hàng trăm ngàn người tụ tập nghinh đón Đức Thánh Cha. Ký giả AFP cho biết trên mỗi chiếc xe chở các ký giả đều được hộ tống bởi các binh sĩ Pháp trang bị rất hùng hậu.

Sáng Chúa Nhật, nữ tổng thống lâm thời Samba Penza mở cuộc họp báo tại phi trường M’Poko hoan nghênh chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha và gọi ngài là vị “sứ giả của hòa bình” cho đất nước đã bị tan nát vì chiến tranh của bà.

Việc một vị Giáo Hoàng tông du một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh là chuyện họa hiếm nhưng không phải chưa từng diễn ra. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thăm Nicaragua vào năm 1983, khi lực lượng Sandinista của chính phủ đang chiến đấu với phiến quân Contra ở đó.

Tuy nhiên, tình hình tại Cộng Hòa Trung Phi là đặc biệt nguy hiểm. Chỉ mới gần một tháng trước đây, cụ thể là vào đêm thứ Bẩy 31 tháng 10, giao tranh dữ dội đã xảy ra tại các quận có đông người Kitô hữu tại thủ đô Bangui. Súng nổ suốt ngày đêm. Phát ngôn viên chính phủ cho biết: 

“Một số ngôi nhà bị đốt cháy và tiếng súng hạng nặng vang lên tại các quận Kitô Giáo đang bị bao vây bởi những người Hồi giáo vũ trang.” 

Các nhân chứng cho biết hàng trăm người bỏ chạy khỏi thủ đô Bangui. “Đàn ông, phụ nữ và trẻ em chạy tứ tán”. 

Nữ tổng thống Samba Penza lúc đó cho biết chính phủ của bà hiện chỉ còn biết trông cậy vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và binh lính Pháp để “ngăn chặn bạo lực hiện nay và đặc biệt là để bảo vệ những người cảm thấy bị bỏ rơi.” 

Máy bay đã hạ cánh tại phi trường Bangui sau 2 giờ 45 phút bay. Đức Tổng Giám Mục Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh, và vị trưởng nghi lễ đã lên máy bay chào Đức Thánh Cha. Bà tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza đã đón tiếp Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay. Hai em bé đã tặng hoa cho Đức Thánh Cha. Hiện diện tại phi trường cũng có một số giới chức lãnh đạo, các Giám Mục Trung Phi, một nhóm tín hữu và một ca đoàn.

Mặc dù tình hình nội chiến và trời nóng 41 độ C, đã có hàng trăm ngàn người đứng hai bên đường từ phi trường về thủ đô để chào đón Đức Thánh Cha với niềm vui ngoại thường của lễ hội phi châu. 

Sau cuộc gặp gỡ tại dinh tổng thống mà chúng tôi sẽ tường trình sau, Đức Thánh Cha tới thăm một trại tị nạn ở Bangui nơi tạm trú của hàng chục ngàn người phải chạy nạn vì cuộc nội chiến đang tiếp diễn. Trong bài phát biểu ứng khẩu, Đức Thánh Cha nói với dân chúng rằng “chúng ta đều là anh em, không phân biệt dân tộc, hay tôn giáo. Chúng ta phải làm việc, cầu nguyện và làm tất cả mọi thứ có thể cho hòa bình.” 

Nhiều người tị nạn đã rưng rưng nước mắt không ngờ họ có thể được một vị Giáo Hoàng đến thăm trong trại tị nạn tồi tàn và đông chật kín người này.

Đức Thánh Cha cũng đã cảnh báo “hòa bình không thể có được nếu không có tình yêu, không có tình bạn, không có sự khoan dung và không có sự tha thứ.”

Bao quanh bởi nhiều trẻ em, Đức Thánh Cha đã nói với các em rằng ngài đã đọc những gì các em đã viết: “Hòa bình, tha thứ, hiệp nhất và tình yêu”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Mong muốn của cha là các con có thể sống trong hòa bình, bất kể dân tộc, văn hóa, tôn giáo và bối cảnh xã hội của các con … tất cả mọi người phải được sống trong hòa bình, vì chúng ta đều là anh em.” Sau đó ngài kêu gọi những người có mặt cùng lặp lại những từ “tất cả chúng ta đều là anh em”. Ngài nói rằng chính là vì lý do này mà “chúng ta mong muốn sống chung hòa bình. với nhau”

Chiều Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ chính tòa của thủ đô Bangui để cử hành nghi thức mở cửa thánh.

Ngay chính tại ngôi nhà thờ mà quý vị và anh chị em thấy đây lúc 3h chiều ngày 7 tháng 7 năm 2014, tức là chỉ mới hơn một năm, 4 tháng trước đây, quân khủng bố Hồi Giáo Seneka đã tấn công vào ngôi nhà thờ này nơi đang có 6000 dân thường tạm trú. Chúng tàn sát hàng trăm người trong khuôn viên nhà thờ, và cả những người đã chạy vào trú ẩn bên trong ngôi thánh đường này.

Năm Thánh chính thức bắt đầu vào ngày 08 Tháng Mười Hai nhưng Đức Thánh Cha đã muốn dành vinh dự cho nhà thờ chính tòa của thủ đô Bangui nơi máu của đông đảo anh chị em đã đổ ra vì đức tin. Cửa thánh của nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của Bangui là Cửa Thánh đầu tiên được mở trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài giảng trong Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng nói về ơn gọi Kitô hữu là yêu thương kẻ thù của chúng ta, điều này bảo vệ chúng ta “khỏi chước cám dỗ tìm cách trả thù và khỏi vòng xoắn ốc của những cuộc trả thù trả oán bất tận.” 

Tổng giáo phận Bangui có khoảng 1.2 triệu dân, trong đó có hơn nửa triệu tín hữu Công Giáo, tức chiếm 42% tổng số dân. Giáo phận có 25 giáo xứ, 35 linh mục giáo phận, 78 linh mục dòng, 65 tu huynh, 144 nữ tu và 20 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 36 cơ sở giáo dục và 9 trung tâm bác ái xã hội.

Nguồn: Vietcatholic News

h2

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …